Chương 5.1: Cầu Vồng Đan Vọng, Gió Chiến Đầu Sóng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trên mảnh đất đầy nắng gió khô hanh, người Chiêm Thành từ lâu vẫn luôn dựa vào dấu hiệu thiên thời để dự đoán. Khi mưa âm u bỗng trời rực sáng hoặc đang nắng chói chang đột ngột chuyển mưa rào, họ gọi đó là "Hajan pa-nidak" hoặc "pa-nidak bingu rimaong", xem như điềm báo thời tiết bất thường, mang bệnh tật đến với con người và tai họa cho mùa màng. Vào những thời điểm này, trẻ nhỏ và người ốm phải được giữ trong nhà.

Họ cũng tin rằng sắc màu cầu vồng (tanro) có thể dự đoán mưa bão, lũ lụt hoặc hạn hán sắp đến. Còn các hiện tượng lớn như nhật thực và nguyệt thực (thăm kran măk aia balan, thăm kran măk aia harei) được coi là dấu hiệu của sự giận dữ thiên nhiên, yêu cầu kiêng cữ ra ngoài, đặc biệt là với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Cuốn sách "hatau hajan" (sách xem dự báo thời tiết mưa) ghi chép các dấu hiệu thời tiết, đã trở thành kim chỉ nam quý giá cho người Chăm, hướng dẫn họ ứng phó với thiên tai và biến đổi thời tiết.

Ồ thì,

Vô vàn hạt mưa nặng trĩu trút xuống một cách dữ dội như thác mành kim sa tràn trề trên vùng đất Kauthara.

Là lúc ấy, Jorani đứng chờ đợi vô vị bên khung cửa sổ, ánh mắt dõi theo những dòng nước đang chảy dài từ những tàu lá dừa nhỏ tỏng xuống đất, phản chiếu trong đôi mắt của cô còn có từng tia chớp lóe sáng trong phút chốc đánh tan đi sự xám xịt của bầu trời. Bất chợt, mưa ngớt dần, những hạt mưa cuối cùng rơi nhẹ như lời chào tạm biệt. Khi đó, ánh sáng mặt trời cuối cùng cũng xuyên qua lớp mây mù, dần xua tan màn mưa dai dẳng.

Chỉ trong chốc lát, tâm trạng lắng đọng của Jorani liền bị xáo động bởi tiếng bước chân nhẹ nhàng của bà Wan. Trên tay bà là một hòm rương gỗ khá khệ nệ, bên trong đó là những sấp vải dày bóng mướt cùng vô vàn các phụ kiện trang sức tinh xảo. Tối hôm trước, bà đã nói qua với Jorani về việc hướng dẫn cho cô cách thức ăn mặc, hành lễ sao cho chuẩn mực và chỉnh chu nhất.

Đương nhiên, cô cũng đã đề cập với hai ông bà và Krah Kaong rằng cô chỉ tham dự vào nghi thức đón chào các nhà thẩm quyền. Còn việc hành lễ, dâng hương, và các nghi thức cúng tế thần linh, cô sẽ không tham gia.

Đây là cách duy nhất cô có thể làm để không bất kính, không vi phạm luật tục, không bị tách rời khỏi cộng đồng, và cũng không phạm đến nguyên tắc tín ngưỡng của mình.

Sự ngoại lệ này cần có sự đồng ý của Cả sư và các chức sắc, nhưng dù đã được chấp thuận, vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái chiều kiên quyết phản đối. Nhưng suy cho cùng, Jorani cũng chỉ là một kẻ ngoại lai, một người ngoại đạo. Nếu có ép buộc thì chỉ mang tính khiên cưỡng, hơn nữa, bọn họ luôn tôn trọng sự hòa nhập và cân bằng, thế nên mọi thứ rồi sẽ quy về sự đồng điệu và nhất quán.

Đầu tiên, bà Wan bắt đầu giúp Jorani mặc chiếc sampot theo kiểu Sompot Chong Kben (សំពត់ចងក្បិន), một kỹ thuật quấn vải phức tạp mà trước đó cô chưa từng mặc qua. Mảnh vải dài bằng lụa trơn màu đen, dài ba mét và rộng một mét với họa tiết cầu kì, thể hiện được tính chất hoàng kim và lộng lẫy.

"Quấn vải thật chặt nhưng không cần quá căng nhé Jorani!", bà Wan chậm rãi giải thích cách quấn vải quanh hông, với một đầu mảnh vải được gấp nếp trước bụng, sau đó luồn mép vải vào giữa hai chân và nhét vào phần lưng dưới. Đôi tay bà thoăn thoắt, như một nghệ nhân đang sáng tạo tác phẩm, mỗi nếp gấp đều ngay ngắn, không chút lỏng lẻo. Ở eo, chiếc sampot Chong Kben của cô được giữ chặt bằng một chiếc thắt lưng vàng to bản, được chế tác tỉ mỉ. Mặt thắt lưng có hình dáng như một đóa hoa sen lớn, những cánh hoa được đúc từ vàng nguyên chất, tạo nên một bức tranh hoa văn nổi bật trên nền vàng bóng loáng.

Jorani cảm thấy cách quấn này cũng khá giống với kiểu Sampot chang samluy (សំពត់ចងសម្លុយ) - là kiểu mà cô đã mặc khi vừa đặt chân tới nơi này, nhưng xem ra cách quấn Sarong (សារ៉ុង) này lại khá phức tạp hơn so với kiểu mà cô vẫn mặc thường ngày.

Hình ảnh minh họa các loại Sampot. (Nguồn: Internet & FB)

Tượng đá theo phong cách Preah Kor thế kỷ 9 (Khmer).

Sau khi quấn xong chiếc Sompot Chong Kben, bà Wan lại giúp Jorani mặc thêm Sbai (ស្បៃ), khi chiếc khăn chậm rãi quấn quanh cơ thể rồi vắt qua vai trái phủ đến tận khớp gối. Vải lụa mềm mại nhưng dày dặn nổi bật với sắc đỏ thẫm, thêu hoa văn bằng sợi tơ vàng và xanh lá, tạo nên những họa tiết mang hình thù rồng rắn kì công uốn lượn khéo léo trên từng lớp vải, làm tôn lên làn da mịn màng của Jorani. Đây cũng chính là tấm vải mà Naila đã tặng cho cô hôm trước.

Khi bà Wan đội lên đầu cô chiếc "makuṭa" (मुकुट), Jorani nhìn mình trong chiếc gương đồng nhỏ đặt trước mặt mà thoáng sửng sốt. Chiếc vương miện có hình dạng cong lồi ôm lấy mái tóc, phản chiếu ánh sáng dịu dàng từ ngọn đèn dầu trong phòng, khiến cô trông hoàn toàn khác biệt. Mukuta được làm bằng vàng ròng, chạm khắc tinh xảo với những họa tiết hình lá cọ và hoa sen, đính kèm những viên ngọc lục bảo và hồng ngọc nhỏ xinh.

Hình ảnh minh họa. (Nguồn: Internet & FB)

(*) Chiếc vương miện này theo mình tìm hình thì thấy sử dụng cho đàn ông nhiều, nên không biết mình dùng để mô tả cho trang phục của nhân vật thế có chính xác hay không.

Tiếp theo, bà Wan giúp Jorani đeo những món trang sức tinh xảo. Đôi hoa tai bằng vàng nguyên chất đung đưa nhẹ nhàng bên tai cô, chế tác như một bông hoa nở rộ với từng cánh hoa ôm trọn viên ngọc trai ở trung tâm, tựa giọt sương đọng lại giữa nhụy. Khi Jorani nghiêng đầu, đôi hoa tai mát lạnh thoảng chạm vào gò má, mang đến cảm giác thanh thoát và quen thuộc.

Vòng cổ (Sarong Kor - សារ៉ុងក) dày và to bản, phủ trước ngực cô như một chiếc yếm với hoa văn phức tạp. Viên ngọc lục bảo lớn ở trung tâm lấp lánh, phản chiếu ánh sáng dịu nhẹ theo từng chuyển động của Jorani. Dải hạt vàng mềm mại (Sava - សាវ៉ា) đeo chéo từ vai xuống hông, thêm phần uyển chuyển và quý phái.

Cổ tay Jorani nổi bật với những chiếc vòng (Kondrom - កុនដ្រោម) xếp chồng lên nhau, nặng nề nhưng tinh tế, mỗi chiếc đều mang họa tiết khác biệt, từ đường cong uốn lượn đến các hình xoắn ốc tinh xảo. Trên bắp tay, chiếc vòng (Kang Thap - កង់ធាប) khảm đá quý ôm sát, tôn lên vẻ mạnh mẽ và sang trọng.

Các ngón tay được điểm xuyết bởi những chiếc nhẫn vàng công phu, mỗi chiếc mang câu chuyện riêng, với hình ảnh hoa sen, rồng bay và các dòng chữ cổ khắc sâu. Viên ngọc đỏ thẫm trên nhẫn ngón tay trái giữa lóe sáng như lửa đỏ, ánh lên mỗi khi cô cử động.

Đôi chân trần của Jorani cũng nổi bật với những chiếc vòng chân vàng mảnh mai, đính đá quý, khẽ kêu lách cách mỗi khi cô bước. Âm thanh của từng bước chân hòa quyện với sự uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng đầy quyền lực.

Bà Wan cẩn thận chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ, từ nếp vải đến vị trí các món trang sức, đảm bảo mọi thứ hoàn hảo. Sau khi hoàn thiện bộ trang sức, bà bắt đầu trang điểm cho Jorani, thực hiện từng công đoạn quan trọng để hoàn thiện vẻ ngoài rực rỡ.

Bà ấy lấy ra hộp phấn nền từ bột gạo và thảo mộc, nghiền mịn và tán nhẹ lên khuôn mặt Jorani. Làn da cô thêm sáng bóng, phản chiếu ánh sáng như bức tượng khắc từ ngà voi. Bà khéo léo phủ phấn đều, không để lại vết loang lổ.

Tiếp theo, tán phấn má màu hồng nhạt lên hai bên gò má, tạo nên sắc hồng phơn phớt, làm đôi má hơi ửng lên, khiến Jorani trông vừa e ấp vừa kiêu sa. Đôi mắt, điểm nhấn quan trọng nhất, được kẻ viền bằng bút làm từ than tre trộn dầu dừa, tạo đường viền đen mịn màng, cong lên ở đuôi mắt. Cặp mắt Jorani như được nới rộng, toát lên vẻ sắc sảo. Bà còn dùng phấn mắt màu vàng đồng nhạt, tán lên bầu mắt, khiến đôi mắt thêm lấp lánh như hai viên ngọc trai trong buổi chiều tà.

Đôi môi của Jorani được tô son từ dầu cây cỏ và sáp ong, màu đỏ tươi như cánh hoa hồng rực rỡ. Màu đỏ bần bật làm khuôn mặt Jorani trở nên quyến rũ, tự tin nhưng vẫn giữ được vẻ dịu dàng.

Cuối cùng, bà Wan rắc bột vàng mịn lên mái tóc xoăn dài của Jorani, tạo ánh sáng lấp lánh khi cô di chuyển. Từng sợi tóc đen tuyền như được phủ lớp ánh sáng vàng nhạt, hòa quyện cùng chiếc makuṭa trên đầu, tạo nên tổng thể hoàn hảo, rực rỡ như một nữ thần từ truyền thuyết.

Sau khi chỉnh lại vị trí của chiếc makuṭa lấp lánh, bà Wan bước lùi vài bước, chăm chú ngắm nhìn tác phẩm từ đầu đến chân. Bà gật gù, giọng đầy tự hào: "Con thật sự trông tuyệt vời, Jorani. Hãy nhớ rằng, tuy phục sức tô điểm cho vẻ lộng lẫy của con nhưng con cũng hãy mạnh dạn hơn, để mọi người thấy rằng, con không chỉ là một vị khách xa lạ, mà là một phần của nơi này!"

Jorani khẽ mím môi, cảm giác kiêu hãnh mà bà Wan mong muốn dường như không thể lan tỏa trong cô. Thay vào đó, chỉ có một từ duy nhất văng vẳng trong đầu cô: "OMG!"

Jorani hít một hơi sâu, cố gắng kìm nén cảm xúc trong lòng. Đây là một phần của nghi thức Mbang Katé, cô tự nhủ. Không phải là cuộc thi xem ai kiêu sa nhất, cô chỉ đang cố gắng hòa nhập.

Jorani đứng trước tấm gương đồng hình tròn đặt trên bàn, ánh sáng phản chiếu từ trang phục lộng lẫy bao phủ lấy cô như một lớp hào quang tự nhiên. Nhưng đôi mắt cô vẫn bình tĩnh, tự tin và đầy tinh tế. Không có chút ngượng ngùng nào, chỉ là sự kiểm soát và thấu hiểu, như thể cô đã quen với những bộ trang phục cao quý này từ lâu.

Cô khẽ nghiêng đầu, ngón tay vuốt nhẹ dải lụa mềm trên vai, ánh nhìn lướt qua hình ảnh của mình trong gương. Bộ trang phục xa hoa này không làm cô choáng ngợp, trái lại, Jorani làm chủ nó, như thể chính cô là người mang lại sức sống cho những lớp lụa, vàng bạc trên thân thể. Một nụ cười nhẹ nhàng nhưng đầy uyển chuyển hiện lên, không quá ngạo mạn, nhưng cũng không hề tầm thường: "Mẹ Wan, bộ trang phục thật đẹp..." Jorani khẽ nói, giọng cô thoảng qua như một lời cảm ơn, nhưng kín đáo đề nghị: "Về tổng thể, nó quá tuyệt vời. Nhưng có lẽ, chúng ta cần lượt bớt một vài món trang sức để phù hợp hơn với không gian và sự tôn nghiêm của lễ nghi? Con nghĩ chúng ta không cần thiết phô trương rườm rà quá mức để tạo dựng sự trang trọng!"

Bà Wan nhìn cô một lúc lâu, như đang đánh giá sự chân thành trong lời nói. Rào cản ngôn ngữ vẫn là một thử thách lớn, khiến cho Krah Kaong ngồi gần đó nghe thấy và lên tiếng thông dịch. Bà Wan trao đổi thêm với Krah Kaong một lát, rồi quay lại với nụ cười hiền hòa, gật đầu. Cuối cùng, bà nhẹ giọng tiếp lời: "Được thôi! Nếu con cảm thấy thực sự không thoải mái, chúng ta sẽ điều chỉnh một chút. Nhưng nhớ, Jorani, quan trọng nhất là con phải tỏ ra đúng mực trong vai trò của mình!"

"Vâng, con cám ơn mẹ!"

Jorani thở phào nhẹ nhõm, cảm giác đã tránh được một tình huống tồi tệ. Tuy vậy, sự ngột ngạt vẫn còn vương lại trong lòng, như thể cô vẫn chưa hoàn toàn thích nghi được với nơi này. Nhưng ít nhất, cô đã tìm được cách giải quyết mà không làm mất lòng ai.

"Vậy bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục với những bước luyện tập tiếp theo. Con đã sẵn sàng chưa, con gái?" - Bà Wan bước đến vịn vào vai của Jorani và kéo cô ra bên nhà ngoài.

"Đây là động tác chào hỏi trong nghi lễ. Chắp hai tay trước ngực, cúi nhẹ đầu để thể hiện sự kính trọng. Khi cúi đầu, giữ lưng thẳng và tay vững, nhưng không quá cứng nhắc." bà Wan hướng dẫn, điều chỉnh tay Jorani sao cho hai lòng bàn tay chạm vào nhau với những ngón tay hơi cong.

Jorani cố gắng làm theo, đôi tay cô hơi run và lưng có phần cong. Bà Wan nhẹ nhàng nắm tay cô, điều chỉnh cho đúng tư thế Sampeah (សំពះ). "Khi cúi đầu, cảm nhận sức nặng của lòng thành trong từng động tác!", bà nhắc nhở, đôi tay bà đặt lên vai Jorani như một cách để truyền đạt sự vững vàng. "Sau đó con hãy nói: chumréab suŏr (ជម្រាបសួរ) như một cách chào hỏi lễ phép!"

Sampeah dựa trên Añjali Mudrā (अञ्जलि मुद्रा) của Ấn Độ được sử dụng trong namasté.

Khi một người trẻ tuổi muốn thể hiện lòng thành kính, sự kính trọng với người lớn hơn mình thì thì khi chắp tay cúi chào phải cúi đầu cho đến khi phần mũi chạm vào tay. Đặc biệt phụ nữ khi chào ngoài chắp tay và cúi đầu còn cần phải hơi nhún đầu gối 1 chút, hành động này nhằm thể hiện sự nết na và dịu dàng. Còn khi vái chào trước Quốc kì, biểu tượng của Hoàng gia, các vị sư,... thì phần mũi của bàn tay sẽ được đưa lên cao hơn phần chân mày và chạm đến trán.

Đôi bàn tay Jorani cố gắng mô phỏng theo động tác, nhưng cử chỉ của cô vẫn còn cứng nhắc, thiếu đi sự thanh thoát vốn có. Khiến cho bà Wan đang quan sát với ánh mắt nghiêm nghị nhưng kiên nhẫn, phải khẽ nhắc: "Hãy cảm nhận nó như một lời chào tôn kính, không phải chỉ là cử động tay! Đây không phải là hành động chào hỏi đơn thuần, mà là sự tôn kính đối với đất trời và những đấng thiêng liêng!"

"Jorani, bây giờ con sẽ học cách thực hiện Pranama, cụ thể là động tác Charanasparsha ( चरणस्पर्श) - cúi mình chạm chân. Đây là cách thể hiện lòng kính trọng không chỉ với thần linh, mà còn với cha mẹ, ông bà, thầy cô (guru), các bậc thánh nhân (sadhu) và nhà tu hành (sanyasis). Cử chỉ này biểu lộ sự biết ơn và tôn trọng sâu sắc, là nét văn hóa quan trọng! ", đợi khi Jorani quen thuộc với động tác trên, bà Wan liền nhẹ nhàng nói, giọng bà trầm và chậm rãi, bàn tay và cơ thể cũng thực hiện động tác tượng trưng: "Con hạ thấp trán mình đến gần mặt đất, chạm nhẹ vào chân của người mà con kính trọng, điều này thể hiện sự quy phục tâm linh và tôn kính cao nhất!"

Jorani nhìn bà Wan cúi mình thực hiện động tác Charanasparsha với sự trang nghiêm, và Krah Kaong giải thích lại rằng đây là cách thể hiện lòng tôn kính với những người lớn tuổi, các vị thánh và nhà tu hành. Đột nhiên, Jorani nhớ lại những buổi lễ trong nhà thờ, nơi người ta cũng phủ phục để cầu nguyện và tôn vinh Chúa. Cô nhận ra sự tương đồng giữa Charanasparsha và các nghi thức mà cô từng biết: trong Chính thống giáo, tín đồ quỳ gối chạm đầu xuống sàn, hướng về phía đông để đợi Chúa tái lâm, còn trong văn hóa hiện đại, cô thường thấy người ta cúi lạy tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Cả hai đều là cách con người kết nối với thần linh, tổ tiên và những giá trị cao quý, một sự nhắc nhở về lòng biết ơn và sự khiêm nhường trước những điều lớn lao hơn bản thân mình.

Trong Chính thống giáo phương Đông và Tây phương, tín đồ phủ phục trong các buổi cầu nguyện để thể hiện lòng tôn kính. Họ thực hiện động tác này trong các giờ kinh chính, đối mặt hướng đông để chờ đợi sự trở lại của Chúa Jesus. Phủ phục ba lần nhân danh Chúa Ba Ngôi, cùng với các lời cầu nguyện như "Alleluia" và Kinh Tin Kính Nicea. Nghi lễ này cũng phổ biến trong các giáo hội Công giáo và Anh giáo, đặc biệt trong các nghi thức ban Thánh chức và Lễ tấn phong. Tín đồ có thể sử dụng thảm cầu nguyện để giữ cho cơ thể sạch sẽ khi phủ phục. Trong nghi lễ Chính thống giáo Đông phương, động tác này bao gồm việc làm dấu thánh giá và quỳ gối chạm đầu xuống sàn. Tuy nhiên, việc phủ phục bị cấm vào Chủ Nhật và mùa Phục sinh để tôn vinh sự phục sinh.

"Jorani, con đã rất linh hoạt rồi, nhưng hãy nhớ rằng, trước các vị hoàng thân và Po Raja, mọi cử chỉ cần có thêm một chút trang trọng!" bà Wan nói, đôi mắt phản chiếu sự kiên nhẫn và đầy trách nhiệm.

Bà Wan cẩn thận quan sát từng động tác của Jorani, từ cách bước đi, cách cúi đầu để chào hỏi đức vua và các vị hoàng thân. Sau khi chỉ dạy cách cúi chào và cách đi đứng sao cho vừa thanh lịch vừa uy nghi, bà Wan tiếp tục hướng dẫn các bước cơ bản của một điệu múa truyền thống: "Bây giờ, chúng ta sẽ học một điệu múa mà mọi người đều thực hiện trong lễ hội. Jorani, điệu múa này là một phần của nghi lễ mà tất cả mọi người tham dự lễ hội đều thực hiện, nó không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn là cách chúng ta hòa nhập vào niềm vui chung của lễ hội!"

"Đầu tiên, con hãy đứng thẳng, đôi chân mở rộng một chút, tạo sự ổn định." Bà Wan chỉ vào các bước cơ bản, rồi nâng bàn tay của Jorani và hướng dẫn: "Hãy bắt đầu với các động tác tay, từng ngón phải mềm mại và nhịp nhàng!"

Hình ảnh minh họa các động tác ngón tay khi múa.

Jorani đưa bàn tay lên, cố gắng tạo hình như bông hoa với động tác, nhưng những ngón tay không thể cong mềm mại như mong muốn. Bà Wan chẳng trách mà lại mỉm cười khích lệ: "Không sao, lần đầu lúc nào cũng khó. Hãy nghĩ về bông hoa sứ, mềm mại, tươi sáng, nhẹ nhàng nở rộ. Hãy để bàn tay con trở thành hoa!"

"Tiếp theo, hãy giữ thăng bằng..." bà Wan tiếp tục, bước lên phía trước để hướng dẫn từng động tác. "Đứng thẳng, chân hơi chùng, tay đặt nhẹ nhàng bên cạnh. Nâng tay phải từ từ, tay trái giữ nguyên."

"Con cần thả lỏng hơn, đừng căng cứng như thế!" giọng bà Wan trầm ấm, nhẹ nhàng vang lên, tay bà chạm vào vai Jorani, chỉnh nhẹ tư thế. "Những động tác này không chỉ là múa, mà là một phần của linh hồn con, phải hòa vào nhịp thở của con như hơi thở của đất trời. Hãy cảm nhận điệu múa như một dòng chảy, không ngắt quãng!"

"Con hãy tưởng tượng mình là một bông hoa trên một cái cây được trồng trên đảo giữa muôn trùng đại dương. Đưa tay lên từ từ, cảm nhận từng cánh hoa mở ra dưới ánh mặt trời. Chân trái đứng vững như gốc cây, chân phải nâng lên như làn sóng vỗ muốn cuốn hoa trôi."

Jorani nâng tay lên, lòng bàn tay hướng lên như đang đón nhận ánh sáng mặt trời. Đôi tay cô mở rộng, từ từ tạo hình như những cánh hoa non vừa mới chớm nở.

"Khi tay con mở rộng, hãy cảm nhận sự trưởng thành và sức sống mạnh mẽ. Chân trái vững chắc như nền tảng..." bà Wan giải thích. Jorani làm theo, nhưng đôi chân của cô vẫn chưa thực sự hòa quyện với nhau. Bà Wan kiên nhẫn chỉ dẫn thêm: "Khi con thực hiện, hãy tưởng tượng chân con đang được nhẹ nhàng nâng lên bởi gió!"

"Đúng rồi, nhẹ nhàng, chậm rãi..." Bà Wan thì thầm, mắt bà chăm chú theo dõi từng cử động của Jorani. "Chân trái đứng vững, chân phải bước lên, lan tỏa vẻ đẹp và sự tươi tắn của mình."

"Điệu múa này không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một lời nguyện cầu, một cách để truyền đạt lòng thành của con đến với các đấng thiêng liêng!"

Dưới sự hướng dẫn tận tâm của bà Wan, Jorani dần dần bắt nhịp, cô cảm nhận được sự uyển chuyển trong từng cử động, từng bước chân.

Jorani thở nhẹ, gắng sức lắng nghe nhịp điệu của chính mình, nhưng cô cảm thấy như có một bức tường vô hình ngăn cách giữa thế giới hiện đại và nghi lễ cổ đại này.

Bà Wan nhẹ nhàng nâng tay Jorani lên cao, ngón tay hướng về phía trước: "Đây là động tác dâng hiến. Khi con giơ tay lên, hãy cảm nhận rằng mình đang gửi một điều gì đó thiêng liêng lên trời..." Jorani cố gắng cảm nhận ý nghĩa của động tác, nhưng tay cô vẫn không thể hoàn toàn đạt được sự nhẹ nhàng.

Bà Wan tiếp tục dẫn dắt, đôi tay già dặn của bà đưa tay Jorani vào động tác nhẹ nhàng nâng tay lên trời.

"Bây giờ, hãy xoay cổ tay nhẹ nhàng, mở rộng các ngón tay!" Đôi tay của Jorani vẫn còn cứng nhắc, bà Wan nhẹ nhàng điều chỉnh từng cử động.

Jorani từ từ nâng tay lên cao, đưa tay ra trước mặt. Chân trái đứng vững, chân phải hơi nhấc lên, trong sự trang nghiêm và thanh thoát.

"Khi thực hiện động tác này, hãy đứng thẳng, chân trái chạm đất, chân phải nhấc lên nhẹ nhàng như một bước nhảy lướt. Đầu gối chân phải nên gập lại một chút, còn chân trái như thể đang đỡ lấy trọng lượng cơ thể."

"Đây là động tác bước chân sang hai bên, nhẹ nhàng và uyển chuyển. Hãy đặt một chân ra trước, trong khi chân kia lùi lại, giữ cho bước đi của con luôn mềm mại và đồng đều."

Jorani cố gắng thực hiện từng bước, cảm nhận từng chuyển động của cơ thể, từng bước chân như đang nhảy múa cùng với những nhịp đập của lòng cô.

"Hãy phối hợp các bước chân và tay sao cho đồng nhất..." bà Wan nhắc nhở. "Chân phải bước về phía trước, chân trái ở vị trí sau, hai tay đưa lên như đang kéo dài vòng tay của con ra."

"Bước nhảy này là sự kết hợp giữa động tác xoay người và bước chân. Khi xoay người, hãy đưa chân phải ra trước, giữ cho cả cơ thể không bị cứng nhắc mà mềm mại và duyên dáng."

Jorani thực hiện động tác nhưng chân cô vẫn chưa đạt được sự linh hoạt như mong muốn. Bà Wan điều chỉnh từng bước của Jorani, từng cử động chân và tay được điều chỉnh để đạt được sự đồng nhất và uyển chuyển.

"Khi dâng hoa, con phải thể hiện lòng tôn kính qua từng động tác..." bà Wan nói, tay cầm một đóa hoa sen nhỏ và đặt vào tay Jorani. "Tay phải cầm hoa, tay trái nâng nhẹ cánh tay phải, từ từ dâng hoa lên, mắt hướng về phía trước, ánh mắt phải trầm lặng và thành kính."

Jorani cầm đóa hoa trong tay, cảm nhận sự mát lạnh của cánh hoa sen, cô từ từ nâng tay lên như lời bà Wan chỉ dẫn. Jorani cảm thấy đôi tay mình dần trở nên linh hoạt hơn khi thực hiện các động tác nhẹ nhàng và uyển chuyển.

Jorani cuối cùng đã có thể phối hợp các động tác chân với các động tác tay, bài múa dần trở nên đồng nhất và thanh thoát hơn. Cô cảm nhận được sự hòa quyện giữa các động tác, sự duyên dáng và trang trọng mà điệu múa yêu cầu. Mặc dù cô vẫn cảm thấy có chút lo lắng, nhưng sự kiên nhẫn và hướng dẫn của bà Wan đã giúp cô hoàn thiện bài múa.

Jorani luôn tuân theo những giáo lý của đạo Công giáo, nhưng khi chuẩn bị tham gia vào những nghi thức của một tôn giáo thuộc nền văn minh khác, bản thân không khỏi tự hỏi liệu mình có thể thực hiện điều đó mà không mâu thuẫn với niềm tin của mình.

Dù lòng có đôi lúc dao động, Jorani vẫn kiên định tiếp tục. Cô an ủi bản thân rằng đây là một phần của cuộc sống mới, một cách để hòa nhập vào cộng đồng xung quanh. Trong thâm tâm, cô thầm cầu nguyện, hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ hiểu và chấp nhận những nỗ lực của cô. Vì mỗi bước đi và lựa chọn của cô đều là một phần của hành trình, cũng là một cuộc đấu tranh nội tâm phức tạp mà cô phải đối mặt.

Bên ngoài, cầu vồng rực rỡ xuất hiện giữa bão tố, tạo nên một hình ảnh tương đồng với những cảm xúc trong lòng Jorani.

***

Cảnh tượng tại chợ gần bờ sông lau sậy Ea-dran lúc này là một mớ hỗn loạn xen lẫn bất an. Bầu trời chuyển hẳn thành một màu xám xịt, ánh sáng mờ ảo từ những đám mây dày đặc khiến không gian trở nên u ám. Gió giật mạnh qua các gian hàng lụp xụp, tạo nên tiếng phần phật như những đòn rọt voi nặng nề vùn vụt trong không khí.

Khi những tên lính tuần sát xuất hiện, bầu không khí vốn đã ngột ngạt giờ đây càng thêm phần căng thẳng. Tiếng ồn ào từ các gánh hàng, các thúng rau củ và những tiếng gọi hàng ngày bỗng chốc bị át đi bởi tiếng la hét, tiếng gãy đổ của đồ đạc và tiếng chân đạp lên những mảnh vỡ. Họ chạy tán loạn, lẩn trốn trong những ngóc ngách của chợ, trong khi một số người không kịp phản ứng đã bị đẩy lùi bởi đám đông hốt hoảng.

Tiếng gậy đập xuống mặt đất, tiếng lính gọi nhau để phối hợp và sự xô đẩy của đám đông khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Họ quát tháo, yêu cầu đám đông tản ra, tiếng lệnh của họ át hẳn tiếng rền của sự hỗn loạn.

Những tiếng thét của đám binh lính vang lên, cố gắng tạo sự trật tự giữa cảnh hỗn loạn: "Nhanh lên, dọn dẹp đám đông! Không ai được phép di chuyển mà không có lệnh!"

Dù vậy, khi họ đến gần bờ sông, nơi những đám truyền giáo đã làm náo loạn trước đó, tất cả chỉ còn lại là sự tĩnh lặng đến khó tin. Những người truyền giáo, vốn dĩ tạo ra sự xáo động, đã biến mất như thể chưa bao giờ hiện diện.

Một số binh lính xông vào các gian hàng, lật đổ kệ và lục soát các khu vực xung quanh. Họ dừng lại ở những nơi nghi ngờ, lắng nghe và tìm kiếm bất kỳ manh mối nào có thể liên quan đến nhóm truyền giáo đã gây ra sự xáo động. Đám lính tuần bắt đầu điều tra, lục soát các khu vực quanh bờ sông và trong những đám lau sậy. Mảnh vải rách và vài đồ vật vứt lại là những dấu vết duy nhất họ tìm thấy, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nhóm truyền giáo còn ở gần đó.

Một lúc sau, có tên binh lính bước đến báo cáo tình hình cho Cak Tanuh đang đứng đợi ở dưới tán cây rộng: "Thưa ngài, chúng tôi không tìm thấy gì khác. Đám truyền giáo đã rút lui không để bất kì tăm hơi nào!"

Cak Tanuh nghe xong liền gật đầu nhẹ, gã vẫy tay ra hiệu cho họ tiếp tục điều tra và thu dọn, sau đó quay lưng rời khỏi hiện trường.

Tại căn cứ quân sự ở một pháo đài trên ngọn đồi cao, Cak Tanuh quay về và báo cáo tình hình với ngài hoàng thân Haluwbilau. Gã bước vào căn phòng rộng lớn, nơi ngài hoàng thân đang cùng bàn luận việc chính sự với các sĩ quan khác.

Ngài hoàng thân là một người đàn ông chừng ba mươi tuổi, với gương mặt sắc nét và hàng râu quai nón dày, làn da rám nắng, da thịt chắc nịch cường tráng phản chiếu ánh sáng ấm áp của đèn. Mái tóc xoăn dài đến ngang vai, quấn bằng khăn lụa trắng, tạo nên vẻ uy nghiêm. Một bên tai đeo chiếc bông tai vàng hình xoắn ốc tinh xảo, còn cổ được trang trí bằng một dây chuyền vàng lấp lánh. Bắp tay và cẳng tay đều được bao phủ bởi những lớp vàng sang trọng, bên dưới ngực là một đai vàng vững chắc. Chiếc quần sampot sặc sỡ với những màu sắc rực rỡ tôn lên sự quyền lực và phong thái uy nghi của ông.

Hoàng thân Haluwbilau không chỉ là một nhân vật quyền lực mà còn mang trong mình dòng máu quý tộc. Ông là cháu trai của đệ nhị hoàng hậu, con trai của em gái bà, và thuộc dòng họ chi thứ hai của Jaya Saktivarman. Sự hiện diện của ông không chỉ thể hiện sự uy quyền mà còn là sự kết nối sâu sắc với dòng dõi quý tộc và các thế lực chính trị của Champa.

Cak Tanuh tâu bẩm với sự nghiêm túc: "Ngài hoàng thân, tình hình ở chợ đã được kiểm soát... Nhưng đám truyền giáo đã biến mất mà không để lại dấu vết gì quan trọng! Vậy có cần..."

"..."

Trong khi Cak Tanuh tường thuật sự việc, ngài hoàng thân chỉ lắng nghe một cách dửng dưng, ánh mắt dường như không hề thay đổi biểu cảm. Chưa kịp nói dứt lời, Cak Tanuh đã bị ngài hoàng thân Haluwbilau đưa tay cắt ngang: "Vậy à? Được rồi. Thế còn về vụ tử thi trên bãi biển, tình hình thế nào?" Sau đó khẽ nhướn mày, tiếp tục câu chuyện với những người còn lại.

Không khí trong phòng hội nghị im lìm, ánh sáng từ những ngọn đèn chiếu sáng khuôn mặt của các tham dự viên, tạo nên một không gian nghiêm trang. Vị sĩ quan kia cúi đầu, tiếp tục báo cáo chi tiết về vụ tử thi: "Thưa ngài, chúng tôi đã phát hiện những dấu hiệu mới liên quan đến các vụ cướp, đặc biệt còn phát hiện có những mảnh kim loại rời rạc ghim vào các mảnh cọc gỗ trên biển!"

Ánh mắt ngài hoàng thân Haluwbilau trở nên nghiêm nghị, lắng nghe từng lời một, rồi thận trọng hỏi: "Có điều gì bất thường không?"

Người sĩ quan gật đầu, tiếp tục khẳng định với một giọng điệu chắc chắn: "Thưa ngài, chúng tôi đã khám nghiệm xác chết và phát hiện ra rằng nạn nhân đã bị tra tấn một cách tàn bạo trước khi chết. Dù mặc trang phục của người Thiên Triều, nhưng chúng tôi phát hiện một số điểm bất thường. Sau khi lấy lời khai của những kẻ sống sót, chúng tôi càng khẳng định, nạn nhân kia chính là người Mataram (Medang), và bị giết hại bởi đám du mục Srivijaya trên biển."

"Hơn nữa, báo cáo từ sĩ quan ở Panduranga cho thấy gần đây có một số cuộc đột kích tại thị cảng Panran (Phan Rang). Các thương nhân từ Đại Thực và Thiên Triều khi vận chuyển hàng hóa qua eo biển Sunda, eo biển Malacca, và Bangka đã gặp phải sự kiểm soát nghiêm ngặt, thậm chí là bị cướp bóc từ các bán đảo trên bờ biển miền Trung và Nam Sumatra đến quần đảo Riau-Lingga. Trong những năm trước, chúng ta đã duy trì được sự ổn định và mối quan hệ hòa hoãn với các bên liên quan, nhưng hiện tại tình hình có vẻ bất ổn hơn. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét việc thảo luận với Po Raja hoặc, nếu cần thiết, gửi thông điệp thăm hỏi đến ngài Majapahit ở Srivijaya để đánh giá tình hình và điều chỉnh chiến lược!"

Ngài hoàng thân Haluwbilau ngồi trước bản đồ địa lý hải trình bằng da được căng phẳng trên giá treo, trải rộng trước mặt ông là những tuyến đường biển quan trọng trải dài từ Kauthara đổ xuống Panran - thị cảng lớn ở Panduranga, đến eo biển Malacca, nơi các thế lực hải quân của Srivijaya và Medang (Matadam) giằng co quyền kiểm soát.

Ông ta dừng lại, ánh mắt lướt qua các sĩ quan trong phòng: "Srivijaya đang mâu thuẫn sâu sắc với Medang. Cả hai đều tranh giành quyền kiểm soát tuyến đường biển và thương mại tại eo biển Malacca. Srivijaya muốn mở rộng quyền lực, nhưng với tiềm lực quân sự mạnh mẽ của Medang và vị trí chiến lược trên đảo Java, không dễ bị khuất phục!"

Srivijaya và Medang đang lâm vào một cuộc xung đột căng thẳng, xuất phát từ tranh chấp quyền kiểm soát tuyến đường biển chiến lược tại eo biển Malacca. Đây không chỉ là cuộc cạnh tranh về thương mại mà còn là vấn đề về quyền lực khu vực.

Srivijaya với tham vọng mở rộng ảnh hưởng từ Sumatra, hiểu rằng việc kiểm soát hoàn toàn eo biển Malacca sẽ củng cố vai trò của họ trong thương mại Đông Nam Á, nhưng tiềm lực quân sự mạnh mẽ của Medang, đặc biệt là hạm đội và lực lượng phòng thủ dày đặc tại Java, khiến cho việc tiến công trở thành một thách thức lớn. Medang tuy thống trị vùng biển phía Đông và quần đảo Java, vẫn luôn dòm ngó Malacca. Họ hiểu rằng để cạnh tranh và vượt qua Srivijaya, việc kiểm soát được tuyến thương mại huyết mạch này sẽ là chìa khóa. Để làm được điều đó, Medang không chỉ cần triển khai lực lượng hải quân tinh nhuệ để phong tỏa các cảng của Srivijaya mà còn cần mở ra các cuộc tấn công nhanh và chính xác nhằm vào các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Srivijaya.

Cuộc chiến trên biển dần leo thang, khi Medang tìm cách sử dụng chiến thuật tấn công du kích trên biển, khai thác các khoảng trống trong hệ thống hải cảng và giao thương của Srivijaya. Họ tập trung vào các cuộc tấn công phá hoại nhằm vào những tàu chở hàng lớn, đồng thời thúc đẩy các cảng nhỏ nổi lên như một mạng lưới giao thương thay thế cho Palembang - trung tâm quyền lực của Srivijaya.

Để đối phó, Srivijaya buộc phải gia tăng sự hiện diện quân sự tại các cảng quan trọng, điều động hạm đội tuần tra liên tục tại Malacca. Họ cũng triển khai các liên minh chiến lược với các vương quốc nhỏ lân cận nhằm tạo sức ép lên Medang từ nhiều phía, biến eo biển Malacca thành một tuyến đường đầy rẫy các trạm phòng thủ và khu vực quân sự. Tuy nhiên, sự phát triển của các cảng nhỏ trong hệ thống Srivijaya, thay vì củng cố lợi thế của họ, lại gây ra sự phân tán tài nguyên và làm giảm đi tầm quan trọng chiến lược của Palembang, tạo điều kiện cho Medang tấn công vào các mắt xích yếu trong mạng lưới này.

Cuộc xung đột dần leo thang với các cuộc tấn công hải quân tập trung vào làm suy yếu các cảng và tuyến thương mại của Srivijaya. Medang áp dụng chiến thuật tấn công nhanh, khai thác các mắt xích yếu trong hệ thống cảng của đối thủ, làm giảm tầm quan trọng chiến lược của Palembang. Trong khi đó, Srivijaya đẩy mạnh phòng thủ và tìm kiếm liên minh khu vực để củng cố vị thế, nhưng sự phân tán lực lượng đang làm suy yếu hệ thống phòng thủ tổng thể.

Một sĩ quan đứng bên trái cất lời: "Thưa ngài, liệu chúng ta có thể đứng ngoài cuộc mâu thuẫn này? Việc can thiệp có thể đẩy Campapura vào thế đối đầu với cả hai cường quốc!"

Ngài hoàng thân Haluwbilau khẽ cười, rồi đáp lại: "Đó là điều không thể. Chúng ta nằm giữa các tuyến đường biển quan trọng nhất của khu vực. Khmer ở phía Tây muốn kiểm soát chúng ta để củng cố quyền lực trên đất liền, còn Srivijaya muốn thống trị vùng biển để chi phối thương mại. Nếu chúng ta không đứng lên bảo vệ lợi ích của mình, Campapura sẽ bị nghiền nát trong gọng kìm của hai thế lực này. Nhưng, chúng ta không phải là kẻ yếu đuối. Campapura có lực lượng hải quân đủ mạnh để kiềm chế Khmer ở phía Tây và làm Srivijaya phải dè chừng!"

Hoàng thân Haluwbilau đứng lên, đi đến giữa các sĩ quan, ánh mắt sắc lạnh như dao. Ông chỉ vào bản đồ chiến lược trên bàn, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng đầy tự tin. Giọng nói của ông không chỉ mang tính chất ra lệnh mà còn thấm sâu vào tâm trí của những người nghe.

Ngài hoàng thân cầm lấy chiếc gậy chỉ huy chỉ vào vị trí Panran trên bản đồ, vùng cửa ngõ thương mại sống còn của Campapura: "Panran là điểm mấu chốt, là nơi chiến lược cho việc bảo vệ toàn bộ vùng biển phía Nam. Nơi đây là huyết mạch thương mại của chúng ta, nối liền tuyến hải trình từ Ấn Độ Dương đến Biển Đông. Nhưng giờ, các ngươi phải nhớ rằng mối quan hệ căng thẳng giữa Srivijaya và Medang sẽ là cơ hội cho chúng ta - hoặc là tai họa!"

Các sĩ quan hải quân của Champa im lặng lắng nghe, không khí trong phòng căng thẳng trước những tình huống phức tạp của chính trường khu vực.

"Vậy các ngươi có biết tại sao lễ hội Mbang Katé năm nay lại không diễn ra tại Panduranga, nơi truyền thống vẫn tổ chức lễ hội quan trọng này?" Đột ngột ông ta lại chuyển đổi chủ đề. Ngài hoàng thân mỉm cười đầy ẩn ý, ánh mắt chuyển về hướng khu địa Kauthara: "Vì sao ư? Các ngươi chưa hiểu sao? Chính tại Panduranga, chúng ta dễ bị tấn công hơn bao giờ hết. Srivijaya biết rõ rằng lễ Mbang Katé là thời điểm quan trọng trong văn hóa và tôn giáo của chúng ta, khi toàn bộ lực lượng và nhân sự của Campapura tập trung. Nếu lễ hội diễn ra ở Panduranga, chúng ta sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho một cuộc tấn công bất ngờ từ Srivijaya. Tại Kauthara, chúng ta ở vị thế phòng thủ tốt hơn, gần hơn với trung tâm quân sự của Campapura. Lễ hội được chuyển về Kauthara không chỉ là biện pháp bảo vệ văn hóa mà còn là chiến lược quân sự đầy thận trọng!"

Ngài hoàng thân gõ nhẹ cây chỉ huy xuống bàn, nhấn mạnh vào điểm mấu chốt: "Người Srivijaya có thể nghĩ rằng chúng ta yếu đuối vì phải thay đổi địa điểm lễ hội, nhưng thực tế là chúng ta đã đưa lực lượng quân sự và hải quân đến gần hơn với vùng biển quan trọng, vừa bảo vệ vừa thăm dò. Các đội tàu sẽ được phân bố dọc theo bờ biển Kauthara và gần các tuyến hải trình. Bằng cách này, chúng ta vừa kiểm soát tình hình, vừa không để lộ điểm yếu!"

"Chúng ta sẽ sử dụng Jorani - cô gái mới từ Vijaya đến đây cách đây ba tháng như một công cụ để đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc. Jorani là quân cờ quan trọng trong cuộc chơi này..."

Một sĩ quan trong số họ lại ngờ vực lên tiếng hỏi: "Nhưng thưa ngài, tại sao lại cần bảo vệ Nai Jorani - một người ngoài cuộc trong một lễ hội mang tính tôn giáo và văn hóa như vậy? Cô gái kia sẽ đóng vai trò gì trong bối cảnh này, thưa ngài?"

"Cô ta không chỉ là biểu tượng của mối liên kết ngoại giao giữa Campapura và các thế lực khác, mà còn là con tốt thí trong tay chúng ta. Nếu chúng ta để bất kỳ sự cố nào xảy ra, không chỉ uy tín của Campapura bị tổn hại, mà cả mối quan hệ với các đồng minh cũng bị lung lay. Bảo vệ Jorani là bảo vệ Campapura . Cô ta là biểu tượng cho sự cân bằng trong cuộc chơi giữa các thế lực. Và nếu chúng ta không giữ vững được thế cân bằng này, Campapura sẽ rơi vào gọng kìm của cả Khmer và Srivijaya. Đây là thời khắc mà tất cả các vị, cũng như ta, phải chứng minh rằng Campapura không chỉ là một nước nhỏ bé giữa các cường quốc, mà là một thế lực biển đảo đầy quyền lực và chiến lược."

"Điều quan trọng là chúng ta phải điều khiển tình hình từ xa. Mọi dự toán đều phải được thực hiện trong âm thầm. Nếu kẻ thù nhận ra giá trị của cô ta, họ sẽ tìm cách chiếm lấy cô, nhưng chính sự xuất hiện của cô ấy lại là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang kiểm soát cục diện. Chúng ta sẽ dùng cô ta để đánh lạc hướng và gây rối cho các thế lực đối đầu!" Hoàng thân khẽ nhếch mép, đôi mắt ông như chứa đựng cả một biển sâu âm thầm. "Nhưng đồng thời, nó cũng khiến Jorani trở thành mục tiêu của nhiều kẻ. Ta đã nhận được tin tức về các âm mưu ám sát nhằm vào cô ta trong lễ hội. Những kẻ thù của chúng ta biết rõ rằng nếu họ có thể làm tổn thương cô ta!"

Ông ta nhấn mạnh: "Chúng ta không thể để bất kỳ sai lầm nào xảy ra. Nếu có bất kỳ sự cố nào liên quan đến Jorani, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang lùi bước. Hãy chuẩn bị cho tất cả các khả năng, từ việc bảo vệ cô ta đến việc tận dụng mọi cơ hội để đạt được lợi ích chiến lược."

Một sĩ quan dám hỏi: "Nhưng thưa ngài, làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ cô ấy và sử dụng cô ấy hiệu quả hơn?"

"Chúng ta đang ở trong tình thế có thể coi là bất lợi nếu không hành động khéo léo. Dưới đây là kế hoạch của chúng ta để không chỉ duy trì mà còn mở rộng ảnh hưởng của Campapura trong khu vực!", ông bắt đầu, giọng nói bình tĩnh nhưng đầy uy lực. "Như các vị đã biết, Jorani hiện đang được giấu kín và được giữ an toàn tuyệt đối. Hãy phao tin cho Khmer rằng cô ấy là một trong những công nữ sống sót sau vụ đắm tàu và đã được Campapura cưu mang là một phần trong kế hoạch của chúng ta!"

Một viên quan tò mò: "Vậy tại sao lại phải hóa trang cô ấy thành vương tôn Khmer, thưa ngài?"

Hoàng thân cười nhạt, đôi mắt sáng lên sự toan tính: "Chúng ta cần phải sử dụng Jorani một cách chiến lược để đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc. Đẩy cô ta vào trong vai trò của một vương tôn Khmer sẽ làm lệch hướng những âm mưu ám sát, đó là cách bảo vệ tốt nhất. Hơn nữa, nếu có bất cứ sự cố gì xảy ra, trách nhiệm sẽ không hoàn toàn thuộc về Campapura ."

Ông chỉ vào điểm đỏ trên bản đồ - khu vực xung quanh Kauthara và Panduranga: "Jorani không chỉ là một vương tôn Khmer. Đưa cô ấy vào vai trò vương tôn Khmer sẽ làm tăng giá trị của cô ấy, khiến các thế lực đối địch phải phân tâm và điều chỉnh chiến lược của họ." Hoàng thân tiếp tục, "Khi các thế lực đối địch nhìn thấy cô ấy, họ sẽ cho rằng cô ấy là một vương tôn quan trọng, điều này sẽ khiến các đối thủ như Khmer và Srivijaya phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra tay."

Ông chỉ vào một khu vực trên bản đồ, "Chúng ta sẽ lén lút phát tán thông tin này qua các kênh thông tin không chính thức và thông qua các liên lạc với các thương gia và quan chức nhỏ của Khmer. Điều này sẽ khiến họ tin rằng Jorani đang được Campapura bảo vệ và cưu mang, từ đó làm giảm sự nghi ngờ và thúc đẩy họ tin tưởng vào thông tin này."

"Cùng lúc đó, chúng ta sẽ cài cắm thông tin sai lệch cho Srivijaya rằng Jorani là một mục tiêu giá trị và hiện đang nằm trong tay của Campapura, cùng với tin đồn rằng cô ấy sẽ là một phần của kế hoạch tấn công hoặc làm rối loạn trật tự trong khu vực. Điều này sẽ khuyến khích Srivijaya hành động để cướp đoạt cô ấy, đồng thời đẩy mạnh sự phân tán lực lượng của họ."

Hoàng thân tiếp tục, "Việc giữ Jorani ở vị trí này không chỉ giúp chúng ta điều phối và phân tâm các thế lực đối địch mà còn tạo ra một cơ hội để chúng ta khai thác lợi ích từ việc làm cho cả Khmer và Srivijaya đều phải quan tâm đến cô ấy. Bằng cách này, chúng ta tạo ra một tình thế mà chính các đối thủ của chúng ta phải tiêu tốn nguồn lực và thời gian để bảo vệ hoặc thu hồi cô gái này, trong khi chúng ta có thể mở rộng ảnh hưởng và củng cố vị thế của mình."

Một viên quan đặt câu hỏi, nét mặt lo lắng: "Liệu việc này không làm lộ rõ mưu tính của chúng ta? Và nếu Jorani bị phát hiện, có thể gây ra sự phản tác dụng, điều đó có thể gây ra phản ứng không mong muốn từ các thế lực đối địch."

Hoàng thân Haluwbilau nhếch mép, ánh mắt loé lên một tia sáng nhạy bén: "Đúng vậy, việc bảo vệ Jorani không phải là mục tiêu chính. Cô ta là công cụ để tạo ra một tình thế mà chúng ta có thể tận dụng. Nếu các thế lực đối địch nhận ra giá trị thực sự của cô ta, họ sẽ phải tập trung vào việc bảo vệ hoặc chiếm lấy cô ta, làm phân tâm họ khỏi các mục tiêu chính. Điều này sẽ giúp chúng ta tạo ra một thế gọng kìm, làm suy yếu và chia rẽ các đối thủ!"

Ông quay sang các sĩ quan, ánh mắt lạnh lùng nhưng rõ ràng: "Để làm điều này, chúng ta cần phải điều động các mạng lưới tình báo của mình một cách tinh vi và hiệu quả. Đảm bảo rằng các tin đồn được phát tán đúng lúc và đúng cách để tạo ra sự phân tâm tối đa. Cần phải chắc chắn rằng mọi hành động của chúng ta đều nằm trong khuôn khổ pháp luật và chiến lược, nhưng không kém phần hiểm hóc và chiến lược. Khi các thế lực đối địch hiểu rằng họ đã bị lừa, tình hình sẽ trở nên có lợi cho chúng ta..."

Ông tiếp tục, giọng nói đầy khôn ngoan và thận trọng: "Chúng ta không thể để bất kỳ sai lầm nào xảy ra. Một nước đi sai lầm có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả chiến lược. Jorani là con tốt quan trọng, nhưng chỉ khi cô ấy sống sót qua lễ hội này. Nếu chúng ta thất bại trong việc bảo vệ cô ấy, đó sẽ không chỉ là thất bại cá nhân của ta, mà còn là thất bại của Campapura trước các thế lực thù địch!"

Hoàng thân kết thúc bài phát biểu bằng một biểu cảm đầy quyết đoán: "Các vị, hãy nhớ rằng trong trò chơi quyền lực này, kẻ mạnh là kẻ biết sử dụng mọi công cụ trong tay. Hơn hết, Bệ hạ đã tin tưởng trao cho ta và các vị trọng trách này. Hãy làm sao để không phụ lòng ngài cũng đừng để chúng ta phải thất bại!"

Ngài hoàng thân nhìn các sĩ quan và dứt khoát ra lệnh: "Hãy đảm bảo rằng tất cả lực lượng hải quân và quân đội được triển khai đúng vị trí. Chúng ta không chỉ phải đối phó với các thế lực từ Khmer và Srivijaya, mà còn phải duy trì sự ổn định trong nội bộ. Bây giờ chúng ta sẽ chuẩn bị cho cả cuộc thương thảo và sẵn sàng cho chiến tranh, phải luôn nhớ rằng bất kỳ sự bất ổn nào cũng có thể làm sụp đổ cả hệ thống chúng ta đang cố gắng bảo vệ!"

======

CHÚ THÍCH:

Chương trước:

[∮] Qur'an (phát âm /kɔːrˈɑːn/; tiếng Ả Rập: القرآن‎ al-qur'ān, nghĩa là "sự xướng đọc") là văn bản tôn giáo quan trọng nhất của đạo Hồi, được coi là lời thiên khải cuối cùng của Thượng đế (Allah). Kinh Qur'an là kiệt tác văn học Ả Rập cổ điển, chia thành nhiều chương (surah) và mỗi chương bao gồm nhiều câu.

[∮] Shaivism (Shaiva): Giáo phái Hindu tôn thờ thần Shiva.

[∮] Advaita Vedanta: Một trường phái triết học Hindu nhấn mạnh vào sự nhất quán và không phân biệt giữa linh hồn cá nhân (Atman) và Brahman (linh hồn vũ trụ).

[∮] Mahasiddha: Danh hiệu của những bậc thầy vĩ đại trong truyền thống Hindu, đặc biệt là trong trường phái Shaivism.

[∮] Tapas: Khổ hạnh và các hành vi tâm linh nhằm đạt được sự giác ngộ.

[∮] Dhyana: Thiền định, một phần quan trọng của thực hành tâm linh trong Hindu giáo.

[∮] Pithas: Các trung tâm thờ cúng quan trọng trong Hindu giáo.

[∮] Samsara: Chu kỳ sinh tử và sự luân hồi trong Hindu giáo.

(*) Các đoạn đối thoại bằng tiếng nước ngoài trong truyện chỉ mang tính chất tương đối, không hoàn toàn chính xác. (Xin lỗi vì mình quá màu mè! ^^ )

Chương này:

[∮] Các loại trang phục, phụ kiện mình sẽ không chú thích thêm, vì như thế sẽ rất lằng nhằng và dài dòng. Nếu bạn muốn tìm hiểu, hãy nhập các từ khóa bằng tiếng nước ngoài trên vào ô tìm kiếm trên Google và tự tham khảo nhé!

[∮] Sampeah (tiếng Khmer: សំពះ, phát âm là [sɑmˈpĕəh]) là một hình thức chào hỏi và thể hiện sự tôn trọng trong văn hóa Campuchia. Cử chỉ này có nguồn gốc từ Añjali Mudrā của Ấn Độ, được sử dụng trong namasté hay pranāma, những phần của nền văn hóa và nghi lễ Ấn Độ cổ đại. Sự lan truyền của Ấn Độ giáo và Phật giáo từ Ấn Độ đã mang cử chỉ này đến Đông Nam Á, nơi từng thuộc phần của nền văn hóa Ấn Độ giáo rộng lớn hơn. Khi chào ai đó, người Campuchia thường nói "ជម្រាបសួរ" (chumréab suŏr, phát âm là [cum.riəp suə]), và khi tạm biệt, họ dùng "ជម្រាបលា" (chumréab léa, phát âm là [cum.riəp liə]).

[∮] Añjali Mudrā (अञ्जलि मुद्रा) là một cử chỉ tay có nguồn gốc từ tôn giáo và nghệ thuật Ấn Độ, được sử dụng rộng rãi khắp châu Á và nhiều nơi khác. Là một trong 24 samyukta mudra của nghệ thuật cổ điển Ấn Độ, nó đóng vai trò quan trọng trong các điệu múa truyền thống như Bharatanatyam, trong thực hành yoga, và là một phần của lời chào Namaste. Trong nghệ thuật trình diễn, Añjali Mudrā được xem như một hình thức giao tiếp thị giác, phi ngôn ngữ với khán giả. Cử chỉ này có nhiều biến thể, như brahmanjali, phản ánh tính đa dạng trong ứng dụng của nó.

Trong yoga, Añjali Mudrā được kết hợp vào nhiều tư thế, bao gồm tư thế praṇāmāsana (प्रणामासन) hiện đại, trong đó người đứng thẳng với hai tay chắp lại. Về mặt biểu tượng, cử chỉ này được sử dụng khắp Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Bhutan, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia và Malaysia. Nó cũng phổ biến trong số những Phật tử Đông Á, tín đồ các tôn giáo Trung Quốc, người theo đạo Shinto và các tín ngưỡng châu Á khác. Cử chỉ này thường thể hiện sự tôn kính, kính trọng, lời chào hoặc một hình thức thờ cúng trong các tôn giáo Ấn Độ và các tôn giáo phương Đông khác.

Thuật ngữ "Añjali" xuất phát từ gốc tiếng Phạn anj, nghĩa là "tôn vinh hoặc kỷ niệm." Nó ám chỉ khoảng không giữa hai lòng bàn tay khi chúng chắp lại với nhau, thường được sử dụng để cầm hoặc dâng các vật phẩm như hoa hay nước, hoặc để thể hiện lòng tôn kính. Khi hai bàn tay ép lại và giơ lên, cử chỉ này biểu thị sự kính trọng, tôn vinh, lời chúc phúc hoặc lời cầu nguyện. Từ "Mudra" có nghĩa là "con dấu" hoặc "dấu hiệu," vì vậy, Añjali Mudrā có thể được hiểu là "con dấu của lời chào."

Về lịch sử, Añjali Mudrā được mô tả trong các văn bản cổ Ấn Độ như Natya Shastra (khoảng 200 TCN - 200 SCN), trong đó chi tiết về việc sử dụng nó trong múa và nghi lễ, cũng như trong các văn bản kiến trúc đền thờ sau thế kỷ thứ 6 SCN như Devata Murti Prakarana. Theo Natya Shastra, cử chỉ này được dùng để cầu nguyện trước thần linh, chào đón những người đáng kính, và tiếp đón bạn bè. Vị trí của tay thay đổi tùy theo bối cảnh: giơ gần đầu khi cầu nguyện, đặt trước mặt hoặc cằm khi gặp người đáng kính, và gần ngực khi chào bạn bè.

Một số biến thể khác của cử chỉ này bao gồm hrdayañjali mudra ("con dấu của trái tim") và ātmañjali mudra ("con dấu của bản thân"), mỗi biến thể đều mang ý nghĩa kết nối sâu sắc về tinh thần. Añjali Mudrā có cùng ý nghĩa với lời chào Namaste trong tiếng Phạn và có thể được thực hiện cùng với hoặc thay cho việc phát âm từ Namaste hoặc Pranam.

Ngoài các ứng dụng thực tiễn và nghi lễ, hành động chắp tay lại được cho là giúp cân bằng hai bán cầu não, biểu trưng cho sự hợp nhất. Cử chỉ này cũng thể hiện sự kết nối giữa người thực hành và thần thánh trong mọi sự vật. Từ "Namaste" thường được dịch là "Tôi cúi chào thần thánh bên trong bạn, từ thần thánh bên trong tôi," thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc của Añjali Mudrā.

[∮] Pranāma (tiếng Phạn: प्रणाम) có nghĩa là "sự vâng lời, phủ phục hoặc cúi đầu về phía trước" và là một hình thức chào hỏi tôn trọng trong văn hóa Ấn Độ cũng như các truyền thống Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo và Sikh. Cử chỉ này, còn được gọi là "cử chỉ tay xin lỗi," thường được thực hiện trước người lớn tuổi, giáo viên, hoặc những người được kính trọng như vị thần.

Pranāma bao gồm các loại như:

Ashtanga: Tám phần cơ thể chạm đất. Shashthanga: Sáu phần cơ thể chạm đất. Panchanga: Năm phần cơ thể chạm đất. Dandavat: Bốn phần cơ thể chạm đất khi quỳ gối. Namaskara: Chắp tay và chạm vào trán khi đứng hoặc ngồi. Abhinandana: Cúi người với hai tay chắp lại chạm vào ngực.

Charanasparsha (tiếng Phạn: चरणस्पर्श) là một dạng pranāma đặc biệt, trong đó người thực hiện cúi chào và chạm vào chân của người được tôn trọng, thường thấy trong các ngôi đền và biểu hiện lòng kính trọng đối với người lớn tuổi, thầy cô, thánh nhân, và nhà sư.

[∮] Jaya Saktivarman: "Sau mấy năm trị vì, Indravarman II nhường ngôi lại dường như vào năm 898 cho cháu trai tên là Jaya Simhavarman I, một vị vua chỉ để lại hai công trình duy nhất, đó là xây dựng một số đền Shiva Giáo và Visnu Giáo. Vị thủ lãnh kế thừa của Jaya Simhavarman I chính là người con trai của ông ta, tên là Jaya Saktivarman mà người ta chỉ biết đến tên tuổi được ghi trên một tấm bia ký do một vị quan chức xuất thân từ gia đình hoàng tộc khắc lại. Jaya Saktivarman cũng là nhân vật đã từng phục vụ cho 4 vị quốc vương kế thừa vua Indravarman II (xem E. Huber, «La stèle de Nhan-biễu», trong BEFEO XI-3,1911, trg. 309). Vị vua kế tiếp tên là Bhadravarman II mà người ta không biết thế nào là mối quan hệ thân tộc của ông ta đối với gia đình của vua Jaya Saktivarman. Nối gót chính sách của bậc tiền nhân đã để lại, Bhadravarman II tiếp tục phát triển các mối liên hệ tôn giáo với Java (quốc gia Ða Ðảo)." (Nguyên văn chú thích tham khảo bài viết: Champa : Vương triều Indrapura (thế kỳ thứ IX-XI) - Gs. P-B. Lafont trên trang champaka.info)

[∮] Majahara - một người cai trị của một trong những tiểu bang bản địa: Không có thông tin về thời kỳ 835-960 của Srivijaya; Mpu Sindok (929-947) của Mataram.

[∮] Eo biển Malacca (Ma-lắc-ca) nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, kết nối Biển Đông với Ấn Độ Dương. Với tọa độ 1,43° vĩ Bắc và 102,89° kinh Đông, eo biển dài 805 km (500 dặm Anh), và điểm hẹp nhất chỉ rộng 1,2 km.

[∮] Eo biển Sunda (tiếng Indonesia: Selat Sunda) nằm giữa hai đảo Java và Sumatra của Indonesia, kết nối biển Java với Ấn Độ Dương. Tên gọi bắt nguồn từ thuật ngữ 'Pasundan' trong tiếng Indonesia, có nghĩa là 'Tây Java.

[∮] Trong giai đoạn 850 - 1025 CN, Palembang phát triển mạnh mẽ như một trung tâm thương mại kết nối Đông Tây và nơi tiếp thu các giáo lý Ấn Độ giáo, tiếng Phạn. Các học giả Trung Hoa dừng chân ở đây để học tiếng Phạn trước khi đến Ấn Độ. Là kinh đô của Vương quốc Srivijaya hùng mạnh, Palembang có ảnh hưởng lớn đến Đông Nam Á. Vào năm 671, hòa thượng Nghĩa Tịnh ghi chép về chuyến thăm kéo dài 6 tháng của ông tới Srivijaya. Cầu Ampera và sông Musi, chia đôi thành phố giữa Seberang Ilir (trung tâm kinh tế, văn hóa) và Seberang Ulu (trung tâm chính trị), là cảnh quan nổi bật.

[∮] Năm 859, vương tôn Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin được triều thần tôn lên ngôi, lấy hiệu Jaya Indravarman II. Ông chính thức sử dụng quốc hiệu Campapura (đất nước của người Chăm, theo tiếng Phạn cổ). Sử sách Trung Hoa phiên âm là Chang Cheng (từ Campapura hay Campa), tiếng Việt gọi là Chiêm Thành hay Chiêm Bà, còn phương Tây gọi là Champa.

[∮] Vương quốc Mataram, còn được gọi là Sanjaya (theo tên vương triều cai trị), là một nhà nước tồn tại ở Trung Java, sau đó lan rộng sang Đông Java và Bali từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 10. Đây là một vương quốc theo đạo Phật và Hindu. Tên gọi Mataram xuất phát từ kinh đô đầu tiên và quan trọng nhất của vương quốc. Cuối thế kỷ 10, Mataram kình địch với Srivijaya, có thể do tranh chấp kiểm soát con đường thương mại hàng hải hoặc tham vọng của Balaputra, vị vua Sailendra muốn giành lại Trung Java. Balaputra, có thể là vua Mataram theo đạo Phật và con của một công chúa Srivijaya, bị đánh bại bởi Pikatan, phải chạy sang Srivijaya và sau đó trở thành quốc vương tại đây. Khi lên ngôi, ông có ý định quay lại chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát Trung Java.

Hình ảnh minh họa vương quốc Mataram:

Năm 990, vua Dharmawangsa của Mataram tấn công Srivijaya nhưng không chiếm được kinh đô Palembang. Cuộc tấn công này khiến vua Srivijaya là Chulamaniwarmadewa cầu viện nhà Tống. Đến năm 1006, quân Srivijaya đánh bại Mataram và trợ giúp vua Wurawari của Lwaram nổi dậy, tấn công và tàn phá hoàng cung Mataram. Vua Dharmawangsa cùng nhiều thành viên hoàng tộc bị giết, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của vương quốc Mataram.

[∮] Đế chế Srivijaya và các cuộc tấn công vào láng giềng (Hình ảnh minh họa bên dưới):

(*) Vương quốc Srivijaya bắt đầu suy yếu từ cuối thế kỷ 8. Năm 792, vua Vishnu truyền ngôi cho Samaratunga, con rể của Dharmasetu và người thuộc dòng Sailendra. Samaratunga, một Phật tử mộ đạo, tập trung xây dựng công trình Borobudur và cử Jayavarman cai quản Indrapura (nay là Campuchia). Jayavarman sau đó ly khai và thành lập đế quốc Angkor, làm Srivijaya mất quyền kiểm soát miền nam Campuchia. Samaratunga cũng gả con gái cho Rakai Pikatan, vua Medang, người sau này giành quyền lực lớn trong triều đình Srivijaya và củng cố vị thế riêng của Medang.

Sự suy vong của Srivijaya cũng bắt nguồn từ cạnh tranh thương mại trên biển. Chola ở Ấn Độ, mặc dù kiểm soát vùng biển phía Tây vịnh Bengal, vẫn ganh tị với quyền thống trị eo biển Malacca của Srivijaya. Tương tự, vương quốc Medang khao khát chiếm quyền kiểm soát thương mại ở eo biển Malacca. Sự gia tăng hoạt động thương mại quốc tế của nhà Nam Tống cũng góp phần làm giảm ưu thế độc quyền của Srivijaya, khi các thương thuyền Trung Hoa có thể lựa chọn những cảng khác mà không phải phụ thuộc vào Palembang, trung tâm chính của Srivijaya.

Sau khi mất Trung Java, các vua người Java dần củng cố quyền lực, thách thức Srivijaya. Năm 992, vua Dharmawangsa của Medang khởi xướng cuộc tấn công vào Palembang, khởi đầu cho chuỗi xung đột giữa hai vương quốc. Từ cuối thế kỷ 10, Srivijaya tìm kiếm sự ủng hộ từ nhà Tống (Trung Quốc) và Chola (Ấn Độ) để chống lại Medang. Năm 1006, liên quân Srivijaya và Chola đã tấn công và tàn phá kinh đô Mataram của Medang trên đảo Java, gây thiệt hại lớn cho vương quốc Medang.

[∮] Nhà tài trợ chính cho các chú thích của mình chính là Wikipedia. Nếu có lỗi nào sai lầm hoặc thiếu sót, vui lòng nhắc nhở thiện chí với mình nhé, cám ơn nhiều!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro