Chương 5.2: Trâu Đình Lũ Gấm, Gà Cổ Mưa Kỳ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(*) Các sự kiện, tình huống, nhân vật và chi tiết trong chương này đều được xây dựng dưới dạng giả tưởng, hư cấu và không phản ánh các sự kiện hay nhân vật thực tế trong lịch sử. Những nhân vật nào có thật thì đã được ghi chú ở phần chú thích. Các thông tin, quan điểm trong chương không hề mang ý tưởng hay khuyến khích chê bai, chống đối, kích bác, cổ xúy...

***

Po Phaok Ling khẽ vuốt chòm râu, ánh mắt sắc bén như đang tính toán từng nước đi. Sau hồi trầm ngâm, ông ta trịnh trọng nói: "Để bảo toàn Jorani và tránh những con mắt ngờ vực của Khmer, chúng ta phải dùng đến kế 'Dương đông kích tây'. Không thể để lộ hành tung trực tiếp, thay vào đó, chúng ta sẽ truyền những tin tức ngầm qua các lộ tuyến của thương gia và quan lại cấp thấp. Những người này thường xuyên qua lại giữa các vùng, họ sẽ là cầu nối truyền tải tin tức một cách tự nhiên!"

Nghe vậy, Po Girang - chỉ huy tình báo liền bước lên góp lời: "Thưa ngài, theo phân phó từ trước, tôi đã cử các gián điệp giả làm thương gia hoặc các thuộc hạ của những bang hội tự do, len lỏi vào hàng ngũ các quan chức thấp cấp của Khmer. Họ sẽ tạo ra những sớ tấu hư cấu về việc Jorani hiện diện tại nhiều địa điểm khác nhau trong lãnh thổ Campapura, khiến đối phương tin rằng nàng được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, không dễ tiếp cận."

Po Phaok Ling gật đầu, đồng tình với những bước chiến lược đã được triển khai một cách toàn diện. Ông trầm giọng nhấn mạnh: "Mọi thứ đã đi đúng hướng. Còn để phân tán lực lượng của Srivijaya, chúng ta cần phát tán thêm tin đồn rằng Jorani là một mục tiêu quan trọng hiện nằm trong tay Campapura, và thông tin sai lệch rằng cô ấy sẽ là quân cờ trong kế hoạch tấn công của Khmer nhằm gây rối loạn cục diện trong khu vực."

Po Harok, người chỉ huy lực lượng bảo vệ, tiến lên với ý kiến củng cố thêm: "Thưa ngài, để tăng tính khả thi cho kế hoạch, chúng ta đã thiết lập một mạng lưới giả tạo bao gồm những tài liệu và sớ tấu tình báo được cài vào hệ thống của đối phương. Những tài liệu này không chỉ khiến thông tin về Jorani trở nên chân thực, mà còn làm kẻ thù lầm tưởng, tốn sức theo đuổi mục tiêu giả."

Po Phaok Ling mỉm cười kín đáo: "Phải, mọi tin tức cần phải xuất phát từ những nguồn chính thống, khiến địch không thể nghi ngờ. Kế sách này sẽ buộc đối phương phân tán lực lượng, tự mình rơi vào thế yếu. Khi ấy, chúng ta sẽ dễ dàng nắm quyền chủ động."

Chỉ huy hải quân Po Inâk tiếp lời, bổ sung chiến lược từ góc nhìn của mình: "Thưa ngài, để hỗ trợ cho kế hoạch, hải quân chúng ta đã sẵn sàng cho mọi đợt tấn công và ngăn chặn trên biển nếu cần. Ngoài ra, chúng ta cũng đã thiết lập mạng lưới giám sát để theo dõi phản ứng của địch, bảo đảm điều chỉnh kế hoạch kịp thời."

Po Phaok Ling gật đầu, ông ta tán thành: "Đúng vậy, hãy chuẩn bị cho mọi tình huống và sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết! Vì thế các ngươi có đề xuất gì về việc bảo vệ khu trú và Jorani trong Đại lễ hay chưa?"

Sĩ quan Thủ vệ Po Harok - người phụ trách quân sự tại khu vực thánh địa liền bước lên hai bước, cúi đầu cẩn tuân: "Đại lễ Mbang Kate là dịp trọng đại, nơi các tín đồ tụ hội để cầu nguyện cho vương quốc. Để bảo vệ an ninh của đền tháp và Jorani, tôi đề xuất bố trí lực lượng bảo vệ thành bốn lớp."

Po Phaok Ling hứng thú: "Nói rõ hơn."

Bằng giọng nói chắc nịch, Po Harok chỉ vào sơ đồ bố trí quân bảo vệ quanh đền thờ Po Nagar: "Lớp thứ nhất sẽ là lính gác được bố trí ở vòng ngoài, kiểm soát mọi lối vào đền thờ và vùng xung quanh. Bất kỳ ai vào mà không có sự cho phép sẽ bị loại bỏ ngay lập tức. Lớp thứ hai sẽ là lính tinh nhuệ, ngụy trang và trà trộn trong đám đông tín đồ, theo dõi sát sao từng động thái khả nghi. Lớp thứ ba, là các cung thủ và lính giáo mai phục trên các ngọn đồi xung quanh tháp, họ có thể tiêu diệt bất kỳ kẻ địch nào tiếp cận từ xa. Còn lớp cuối cùng là hộ vệ thân cận luôn bí mật sát cánh bên Jorani, không để bất kỳ kẻ nào đến gần và sẵn sàng hành động nếu có bất kỳ nguy cơ! Họ không chỉ là những chiến binh giỏi, mà còn am hiểu về bùa chú, có thể bảo vệ nàng trước bất kỳ mối đe dọa tâm linh nào!"

Po Phaok Ling nghe thế liền gật gù: "Ngươi đã tính toán rất cẩn thận, Po Harok. Ta tin rằng, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lớp bảo vệ, chúng ta có thể đảm bảo an toàn cho Jorani và buổi lễ diễn ra suôn sẻ. Nhưng hãy nhớ, địch sẽ không dễ dàng từ bỏ, chúng sẽ tìm mọi cách để phá hoại."

Po Harok phấn khởi và quyết tâm khẳng định: "Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống, thưa ngài, Nai Jorani sẽ không dễ dàng rơi vào tay địch!"

Đột nhiên, một âm thanh vọng từ ngoài cửa lớn ngoài sảnh vọng vào. Tiếng bước chân của đoàn hộ tống vang dội trên sàn đất, một tên lính canh phòng bước vào thông báo cho sự hiện diện của một vị khách quan trọng. Vừa lúc đó, cánh cửa gỗ nặng nề của căn phòng họp mở ra, và một bóng người cao lớn bước vào. Đó là Tổng tư lệnh Poa Kakrai, người đứng đầu lực lượng quân sự tại Panduranga. Anh ta mặc bộ thường phục, trên gương mặt cương nghị là nét mệt mỏi nhưng tràn đầy quyết tâm sau một hành trình dài.

Hoàng thân Po Phaok Ling ngẩng đầu lên, nét mặt giãn ra. Ông bước tới, dang tay tiếp đón, cất cao giọng niềm nở: "Poa Kakrai, ta mừng vì ngài đã đến. Hải trình của ngài từ Panduranga thế nào?"

Poa Kakrai cúi đầu nhẹ, biểu hiện sự kính trọng, đồng thời những vệt mồ hôi còn đọng trên trán ông cho thấy sự vất vả của cuộc hành trình: "Thưa Hoàng thân, hải trình ổn định, nhưng chúng tôi đã gặp vài việc quấy nhiễu từ phía quân Khmer!"

Hoàng thân Po Phaok Ling gật đầu, rồi mời tổng tư lệnh ngồi xuống chiếc ghế được chuẩn bị ngay cạnh bàn: "Vất vả cho ngài, nhưng ngài đến thật đúng lúc. Chúng ta cũng vừa mới bàn về việc bảo vệ các hải trình và chuẩn bị cho các cuộc tấn công bất ngờ từ phía Khmer và Srivijaya. Có lẽ ngài sẽ có nhiều tin tức quan trọng từ Panduranga. Tuy sự tình gấp rút, ta cũng đã viết rõ vào trong thư, nhưng chúng ta cần thảo luận kỹ hơn về các biện pháp bảo vệ và đối phó!"

Poa Kakrai ngồi xuống, hớp một ngụm trà rồi vội vàng nói: "Thưa Hoàng thân, Panduranga đang nằm trong tầm ngắm chú ý giữa Khmer, Dvāravaṯī và Srivijaya. Các tuyến hải trình ở Bal Sri Banây hiện đang bị giám sát chặt chẽ bởi toán quân chủ chốt Khmer và Srivijaya. Hơn nữa, họ còn nhắm vào nguồn muối và gạo, những sản phẩm chủ lực mà chúng ta trao đổi với cao nguyên Djiring (Di Linh) và Langbiang. Nếu không bảo vệ được hải trình này, nguồn tiếp tế cho quân ta sẽ bị cắt đứt!"

Dvāravaṯī, mặc dù không phải là một thế lực quân sự hùng mạnh như Khmer hay Srivijaya, nhưng họ đã tạo dựng một ảnh hưởng mạnh mẽ trong vùng. Dựa vào các di chỉ khảo cổ về những lò sản xuất muối và luyện sắt, chúng ta có thể thấy rằng Dvāravaṯī chi phối toàn bộ miền Trung Thái Lan hiện tại và mở rộng ra cả miền Đông Bắc của đất nước này. Họ kiểm soát các lưu vực sông Mun và sông Chi, những con đường thủy quan trọng nối liền với sông Mekong.

Liền đó, hoàng thân sai người trải rộng bản đồ chi tiết trên bàn, từ cảng Panran (Phan Rang), Panrik (Phan Rí) và Hamu Lithit (Phan Thiết). Từng chi tiết địa hình được đánh dấu, từ các con sông, đầm lầy, bờ đá ngầm ven biển cho đến các tuyến đường thương mại.

"Thế, ngài đã có kế sách nào phòng thủ chưa?" Po Phaok Ling chống cằm, ánh mắt nghiêm túc dõi theo tổng tư lệnh Poa Kakrai, chờ đợi câu trả lời.

Poa Kakrai cẩn trọng đưa ngón tay chỉ vào khu vực Parik (Phan Rí) nói: "Thưa ngài, địch có thể sử dụng chiến thuật 'vây cảng, cắt biển'. Quân Srivijaya sẽ tìm cách phong tỏa Lamngâ Parik (Cảng Phan Rí) và Lamngâ Pajai (Cảng Phú Hài), nhằm cắt đứt giao thương và tiếp tế từ phía biển. Tuy nhiên, nếu chúng ta tận dụng thế lực của gió mùa và thời điểm thủy triều, chúng ta có thể né tránh các đội tàu của địch. Bằng cách dùng hải trình ban đêm, tôi đã đưa những thuyền nhỏ luồn lách qua các rặng đá ngầm để thoát khỏi vùng phong tỏa."

"Ngoài ra, tôi đã ra lệnh bố trí các thuyền nhẹ ở gần Lamngâ Pajai và Bal Sri Banây. Chúng sẽ di chuyển theo đội hình phân tán, không tập trung để tránh bị tấn công trực diện. Các tàu nhỏ có thể ẩn mình sau các mỏm đá ngầm và đầm lầy, phục kích khi tàu địch tiến vào vùng nước cạn." Anh ta tiếp tục: "Trong trường hợp cần, chúng ta có thể lợi dụng sự chuyển động của dòng nước. Khi đầm đầy nước, quân ta có thể điều tiết để làm ngập đường tiến quân của địch, khiến chúng mất lợi thế về tốc độ và hậu cần. Các lối vào đầm, từ bờ biển đến vùng đồi, đều có thể bố trí lực lượng phòng thủ mạnh mẽ."

Po Phaok Ling gật đầu, không che giấu sự đồng ý. "Rất tốt. Nhưng nếu chúng cắt nguồn tiếp tế từ biển, chúng ta sẽ phải dựa vào nội địa. Còn tuyến phòng thủ bộ binh thì sao? Chúng chắc chắn không chỉ tấn công từ biển mà còn sẽ đột kích từ đất liền."

"Thưa ngài, tôi đã bố trí các nhóm bộ binh đóng tại những vùng chiến lược dọc theo Krong Biuh (Sông Lũy). Địa hình rừng núi quanh Panrik rất khó tiếp cận. Chúng ta có thể sử dụng con sông này để điều chỉnh nguồn nước, làm ngập các vùng đồng bằng ven sông. Điều này sẽ khiến quân địch tiến quân chậm tiến, dễ bị phục kích từ cả hai bên." Ja Danauk là một trong những đô đốc bộ binh ở vùng Panduranga đứng bên cạnh lên tiếng. Rồi đưa tay chỉ vào các tuyến đường rừng núi quanh Paran (Phan Rang): "Thưa ngài, quân Khmer có thể sẽ tấn công từ hướng Krong Ding (Sông Dinh) về phía Bal Huh (Mỹ Tường). Tuy nhiên, tôi đã phát tán thông tin sai lệch, khiến quân Khmer tin rằng lực lượng chính của ta đang đóng tại Bal Hanguw. Thực tế, quân ta sẽ bố trí tại các vùng núi quanh Cơk Kaduk (Núi Cà Đú) và Cơk Cabbang (Núi Cha Bang). Chúng sẽ bị bao vây từ hai phía khi tiến sâu vào đất liền."

Poa Kakrai tiếp tục: "Chúng ta có thể lợi dụng địa hình đồi núi dốc đứng dọc theo Krong La Ngâ (Sông La Ngà). Nếu quân Khmer tiến quân qua đây, ta sẽ sử dụng các đoạn sông hẹp, bố trí chướng ngại vật và mai phục từ trên cao. Quân địch sẽ bị kẹt lại khi cố vượt qua dòng sông xiết."

Po Phaok Ling nhíu mày và nói: "Kế hoạch hiện tại có vẻ khả dĩ, nhưng cần phải có một số điều chỉnh. Việc điều chỉnh nguồn nước dọc theo Krong Biuh để làm ngập các đồng bằng sẽ tạo ra chướng ngại vật tạm thời. Tuy nhiên, việc duy trì mức nước ổn định có thể gặp khó khăn do phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên như mưa và lũ. Hơn nữa, nếu thông tin sai lệch không được bảo vệ cẩn thận hoặc bị phát hiện, kế hoạch có thể bị phát giác. Chúng ta cần có một phương án ứng phó cho các tình huống bất ngờ."

Ja Danauk cúi đầu và đáp: "Chúng tôi đã dự liệu trước thưa ngài hoàng thân. Để kiểm soát nguồn nước, chúng tôi sẽ cử người khảo sát và điều chỉnh hệ thống đê điều để giữ nước ở mức cần thiết. Nếu nước tràn lan, chúng ta có thể xây dựng các hào, đắp lũy để điều tiết tình hình. Chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị các đội ngũ ứng phó khẩn cấp với các công việc như sửa chữa đê điều và bảo trì các công trình phòng thủ."

Poa Kakrai thêm vào: "Về việc bảo vệ thông tin sai lệch, chúng tôi đã thiết lập các phương pháp bảo mật. Chúng ta sẽ sử dụng các dấu hiệu và mật mã để truyền tin, đồng thời cử người theo dõi và báo cáo kịp thời mọi động tĩnh của quân địch. Nếu thông tin bị lộ, chúng ta có kế hoạch thay thế và các phương án ứng phó linh hoạt để bảo vệ chiến lược của mình."

"Nhưng còn việc tiếp tế? Làm sao có thể duy trì lực lượng?"

Poa Kakrai mỉm cười, chỉ tay vào các tuyến đường rừng rậm quanh Bal Sri Banây: "Thưa ngài, chúng ta đã chuẩn bị một hệ thống tiếp tế bí mật qua các tuyến đường rừng. Thuyền chở lương thực sẽ được che giấu dưới tán cây, tránh bị phát hiện. Quân Khmer sẽ lầm tưởng rằng chúng ta đang sử dụng các tuyến đường lớn qua Bal Hanguw, trong khi thực tế chúng ta sẽ vận chuyển qua các đường nhỏ mà chỉ người dân địa phương mới biết rõ."

Po Phaok Ling cẩn thận nhìn từng vị chỉ huy một lượt, sau đó nhướng mày hướng tầm mắt nhìn vị sĩ quan thủ vệ: "Còn Po Harok, ngươi đã chuẩn bị thế nào ở tuyến phòng thủ biên giới?"

Po Harok đưa tay chỉ vào khu vực Bal Hanguw: "Thưa ngài, chúng ta đã bố trí chướng ngại vật dọc theo Krong Pha (Sông Pha). Đây là con sông có nhiều đoạn chảy xiết, quân Khmer sẽ bị chặn lại khi cố gắng vượt qua. Quân ta sẽ mai phục ở các bờ sông, dùng cung nỏ bắn vào tàu địch khi chúng bị kẹt."

Po Phaok Ling nhấp nhẹ đầu môi, ánh mắt ngợi khen: "Rất tốt. Nhưng chúng ta cần phải phối hợp nhuần nhuyễn giữa phòng thủ trên đất liền và biển. Lực lượng Khmer rất đông, chúng sẽ tìm cách tấn công từ nhiều hướng."

Poa Kakrai chậm rãi nói: "Tình báo của ta cho biết quân Khmer và Srivijaya sẽ phối hợp tấn công từ hai hướng, biển và đất liền. Chúng ta sẽ không đối đầu trực diện với hải quân Srivijaya. Tàu chiến của chúng tuy mạnh nhưng chậm chạp. Địa hình Bal Sri Banây sẽ là lợi thế của ta. Tàu nhỏ của chúng ta sẽ ẩn nấp, tấn công khi chúng bị mắc cạn trong vùng nước cạn."

Một viên tướng lĩnh hỏi: "Liệu Bal Sri Banây có đủ tầm ảnh hưởng để làm chậm bước quân xâm lược nếu chúng kéo quân ngược từ hướng nam lên?"

Poa Kakrai gật đầu, chỉ tay vào các tuyến đường mòn gần đầm: "Nếu muốn vượt qua vùng này sẽ phải di chuyển chậm do địa hình đầm phá. Các vị trí này cũng thích hợp cho cung thủ và bộ binh nhẹ. Nếu triển khai quân tại đây, chúng ta có thể kiểm soát toàn bộ khu vực và ngăn chặn bất kỳ đội quân nào cố gắng tiến vào từ phía biển."

"Thưa ngài, chúng ta không thể đối đầu trực diện với lực lượng hải quân Khmer và Srivijaya. Tàu chiến của chúng mạnh và có số lượng áp đảo, nhưng chúng có một điểm yếu. Quân Srivijaya phụ thuộc vào tàu lớn, di chuyển chậm chạp, trong khi vùng biển Bal Sri Banây có nhiều rặng đá ngầm và vùng nước cạn. Nếu chúng ta sử dụng các thuyền nhỏ, lợi dụng thủy triều lên xuống, thì có thể cắt đứt đường tiến của chúng không?" Po Harok sĩ quan thủ vệ đứng bên cạnh Po Phaok Ling lên tiếng hỏi.

Po Inâk đề nghị: "Chúng ta sẽ bố trí các đội thuyền nhẹ, ẩn náu sau các rặng đá ngầm, dùng chiến thuật phục kích trong đêm. Khi đội tàu Srivijaya tiến vào vùng nước cạn, chúng ta sẽ tấn công bất ngờ từ hai phía. Ngoài ra, tôi đã ra lệnh bố trí một nhóm chiến binh lặn dưới nước, sử dụng giáo và lao móc để phá hủy đáy tàu địch từ phía dưới."

"Rất tốt, Po Inâk. Chúng ta sẽ làm cho quân Srivijaya mắc kẹt giữa biển và đất liền. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Chúng sẽ tiến từ nhiều hướng khác nhau. Po Girang, ngươi đã chuẩn bị gì cho việc phòng ngự?" Hoàng thân Po Phaok Ling, mặt lộ vẻ đăm chiêu, tiếp tục hỏi.

Po Girang là chỉ huy tình báo, lướt nhẹ tay lên bản đồ, chỉ vào những điểm giao cắt giữa các con đường rừng và các tuyến đường sông dẫn tới cảng Panran: "Thưa ngài, chúng ta đã phát tán tin tình báo giả cho quân Srivijaya. Chúng tin rằng lực lượng chính của chúng ta đang ở phía nam Bal Hanguw, nơi chúng sẽ tập trung lực lượng tấn công. Tuy nhiên, quân đội thực sự của chúng ta đã ẩn náu trong rừng phía bắc, gần con đường Krong Fa. Đội quân này sẽ bất ngờ đánh vào sau lưng địch khi chúng tiến sâu vào rừng, cắt đứt đường rút lui của chúng."

"Với thế địa hình này, quân Khmer sẽ sử dụng chiến thuật bao vây từ biển. Tuy nhiên, địa hình vịnh Bal Sri Banây có một đặc điểm quan trọng: vùng nước cạn gần cửa sông sẽ hạn chế tàu chiến cỡ lớn của chúng. Ta có thể lợi dụng điều này, bố trí các tàu nhỏ và nhanh nhẹn của mình vào vùng nước cạn, ẩn náu sau các đầm lầy, dùng chiến thuật phục kích đêm." Ông chỉ tay vào các điểm trọng yếu trên bản đồ, những vịnh nhỏ, đầm lầy và các rặng núi đá ven biển tạo thành thế phòng thủ tự nhiên.

Po Inâk tiếp lời: "Lực lượng hải quân Khmer phụ thuộc vào tàu lớn, nhưng chúng sẽ khó lòng vào được vùng nước cạn gần bờ. Chúng ta sẽ chia nhỏ các đội tàu, sử dụng thuyền nhẹ, và lợi dụng bóng tối để phục kích. Khi tàu chiến của chúng tiến vào, sẽ bị kẹp giữa các thuyền nhỏ và đội quân cung thủ đóng trên các mỏm đá ven bờ."

Hoàng thân ra lệnh: "Po Harok, ngài hãy lập tức điều động các chiến thuyền từ Biuh Bal Batsinâng và Bal Hanguw. Chúng ta sẽ chia hạm đội thành nhiều nhóm nhỏ, một phần sẽ bảo vệ Panduranga, phần còn lại sẽ sẵn sàng hộ tống các tàu hàng dọc bờ biển."

Po Harok nhanh nhẹn đáp lời: "Tuân lệnh, Hoàng thân. Tôi sẽ chỉ huy đội tàu chiến từ Kauthara, phối hợp với các lực lượng ở Panduranga. Chúng ta sẽ thiết lập các trạm quan sát dọc theo tuyến hải trình."

Lúc này, Poa Kakrai tiếp lời: "Tôi sẽ đảm nhận nhiệm vụ điều động quân lực tại Panduranga. Đồng thời, chúng ta cần phải tăng cường mạng lưới tình báo. Địch sẽ không chỉ tấn công trực tiếp, mà còn cài cắm những kẻ gián điệp để làm rối loạn chúng ta từ bên trong."

Hoàng thân gật đầu, nghiêm túc nhìn các vị sĩ quan: "Ngài nói đúng, Poa Kakrai. Điều này sẽ làm phân tán lực lượng của chúng và giảm thiểu nguy cơ bị tấn công đồng loạt."

Poa Kakrai mỉm cười nhẹ, ánh mắt sắc bén: "Tôi rất tin tưởng vào chiến lược này, thưa Hoàng thân. Nếu chúng ta có thể làm cho kẻ thù lầm tưởng, chúng sẽ tự mắc kẹt trong chính kế hoạch của mình." Cuộc thảo luận tiếp tục, trong không gian im lặng chỉ còn tiếng gió rít nhẹ bên ngoài pháo đài, báo hiệu cho những trận chiến sắp đến.

Cuối cùng, cuộc thảo luận dần đi đến hồi kết khi mọi chiến lược đã được bàn bạc tỉ mỉ. Poa Kakrai nhìn sang Hoàng thân Haluwbilaw Po Phaok Ling, gật đầu nhẹ như thể thấu hiểu rằng trận chiến tiếp theo sẽ không chỉ là cuộc đấu trí, mà còn là sự thử thách lòng kiên nhẫn và quyết tâm của tất cả.

Hoàng thân đứng lên, bước tới gần Poa Kakrai, nụ cười nhẹ thoáng qua: "Ngài Poa Kakrai, sau chuyến hành trình dài từ Panduranga, chắc hẳn ngài đã mệt mỏi. Ta đã chuẩn bị dinh thự của mình cho ngài nghỉ ngơi đêm nay. Sáng mai, chúng ta sẽ tổ chức lễ nghênh đón Bệ hạ và đoàn tùy tùng của ngài ấy. Ngài sẽ cần sức lực để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này!"

Poa Kakrai cúi đầu, ánh mắt đầy sự kính trọng và lòng biết ơn: "Cảm ơn Hoàng thân, sự đón tiếp của ngài thật chu đáo. Tôi sẽ tranh thủ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày mai. Cuộc gặp với Bệ hạ chắc chắn sẽ là cột mốc quan trọng cho toàn vương quốc."

Hoàng thân ra hiệu cho các cận vệ dẫn Poa Kakrai đến dinh thự, nơi đã chuẩn bị sẵn mọi tiện nghi cho vị tướng tài ba. Khi bóng dáng Poa Kakrai và các sĩ quan khuất dần, Po Phaok Ling chậm rãi quay lại, ánh nhìn mang vẻ thâm thúy khi thấy Cak Tanuh đã đứng đợi nãy giờ ở một góc khuất, im lặng như một kẻ vô hình.

***

Cak Tanuh đan hai bàn tay vào nhau và để trước ngực, sau đó thận trọng nói: "Thưa ngài, chúng ta đã nắm được lộ trình của bọn chúng qua trinh sát biển. Đối phương dự định di chuyển theo hải trình vòng quanh bán đảo phía bắc, nhưng chúng đang che giấu phần lớn lực lượng phía sau các đảo rải rác ở hướng nam. Chúng muốn dụ ta tiến vào một cái bẫy, nhưng chúng không biết rằng, chúng ta đã nắm rõ mưu kế này."

Hoàng thân Haluwbilau chăm chú lắng nghe, ánh mắt của ông lóe lên sự thỏa mãn: "Đúng vậy. Chúng ta đã phát tán thông tin sai lệch về việc chúng ta sẽ tấn công từ phía tây nam, điều này khiến chúng điều quân bảo vệ vùng biển ấy. Nhưng trên thực tế, ta sẽ tấn công từ hướng bắc, nơi hải đội chính của ta đang ẩn nấp. Lợi dụng yếu tố bất ngờ và phân tán lực lượng của địch là bước đầu tiên. Nhưng chúng ta không thể chỉ dựa vào thông tin sai lệch!"

Cak Tanuh cong môi, vì nắm chắc chắn phần thắng sẽ thuộc về bản thân: "Thưa ngài, chúng ta sẽ giả vờ rút lui, cho bọn họ thấy ta yếu thế. Khi chúng tiến sâu vào vùng cấm địa mà chúng nghĩ ta đã từ bỏ, hạm đội chủ lực của chúng sẽ bị cô lập và dễ dàng tiêu diệt."

"Vậy, lực lượng tình báo của ta đã phát tán tin tức nào?"

"Thưa ngài, đội phản tình báo đã thu thập được thêm thông tin mới từ các tù binh, họ đã cung cấp cho ta vị trí của các tàu chỉ huy và kho vũ khí chủ chốt. Quan trọng hơn, chúng ta đã phát tán thông tin giả rằng ta thiếu hụt nhiên liệu và lương thực, khiến chúng tin rằng chúng ta không thể duy trì lâu dài."

"Một khi đã đánh lạc hướng, chúng ta sẽ nắm quyền chủ động. Mọi hành động của các ngươi phải chuẩn xác, không được phạm sai lầm." Ngài hoàng thân Po Phaok Ling nhìn thẳng vào mắt Cak Tanuh mà cười một nụ cười cợt nhả: "Bằng cách này, Campapura sẽ không chỉ bảo vệ được vị thế của mình mà còn có thể mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Chiến lược của chúng ta không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ Jorani mà còn phải khai thác tình hình tối đa để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của Campapura. Để làm được điều này, chúng ta sẽ phối hợp với các nhóm cướp biển Melayu trên vùng vịnh Mon, dàn dựng các chiêu trò để làm cho các thế lực khác phải chạy theo chúng ta và phân tán nguồn lực của họ."

Những tên cướp biển Melayu qua dòng khắc cổ nơi bia đá của đền Po Nagar, hiện lên như bóng ma giữa biển khơi, là hiện thân của sự tàn bạo và hung hiểm. Sinh ra từ vùng đất xa lạ, da họ đen sạm như bóng đêm vô tận, khuôn mặt hốc hác hiện rõ sự khắc nghiệt của cuộc đời lênh đênh. Bằng loại thức ăn kinh tởm hơn xác chết, họ sống không khác gì loài quỷ đói, như hiện thân của tử thần giáng xuống. Thân hình họ đầy những dấu tích của cuộc sống gian truân và man rợ, càng làm tăng thêm vẻ đáng sợ. Khi đoàn thuyền của họ xuất hiện, làn sóng dữ dội của biển cả cũng không sánh nổi với nỗi kinh hoàng mà họ mang lại.

Những con tàu như những con quái thú từ địa ngục, chở theo đội quân cuồng loạn, kẻ phá hủy mọi thứ mà họ chạm đến.

Năm 774 (696 saka), đoàn cướp đó đã đổ bộ lên Champa, cướp đi linga linh thiêng và thiêu rụi đền thờ như những kẻ dị giáo bất kính với thần linh. Tiếng khóc than của dân lành và khói lửa bốc cao thành cột ám lên trời xanh, báo hiệu một thời kỳ u ám và đau thương. Vào năm 787 (709 saka), một lần nữa, cơn ác mộng từ biển lại tràn về, lần này là đội quân Java đi trên những con tàu lớn, giong buồm đến Panduranga. Ngôi đền thờ nơi đây nhanh chóng trở thành tro bụi dưới ngọn lửa hung hãn, chẳng khác gì những đợt tàn phá trước.

Người ta nói rằng, trong thời bình, những kẻ này được vương quốc Srivijaya sử dụng để kiểm soát đường biển, nhưng khi loạn thế nổi lên, họ dễ dàng trở thành cướp biển, sống bằng cách gieo rắc kinh hoàng khắp vùng biển Đông. Thủy binh Champa dù mạnh mẽ, nhưng cũng không khỏi khiếp sợ trước sức mạnh tà ác của đội quân này, như cơn gió dữ thổi tung những di tích và linh thiêng của vương quốc xuống vực thẳm quên lãng.

Mối liên kết giữa Champa và những con người đáng sợ ấy càng trở nên khăng khít qua dòng chảy của văn hóa và quyền lực. Những bóng hình cướp biển này không chỉ để lại nỗi ám ảnh về chiến tranh, mà còn tạo nên sự giao thoa, pha trộn giữa hai nền văn minh, như dấu vết của thời kỳ hỗn loạn và đẫm máu.

Cak Tanuh đứng nghiêm trang thẳng thóm, vầng trán gã lấm tấm mồ hôi nhẹ, nhưng không phải vì sợ hãi mà là sự tập trung tối đa. Giọng nói của gã không hề dao động, nhưng lại tỏ ra vẻ ngạo nghễ chẳng thể che giấu: "Thưa ngài, kế hoạch đã rõ ràng. Chúng ta không chỉ đánh vào tâm lý đối phương, mà còn dùng chính lòng tham của họ làm công cụ. Bọn cướp biển sẽ làm con tốt đầu tiên trên bàn cờ này!"

Hoàng thân Haluwbilau không phản ứng ngay, ông nhắm mắt, tay phải vuốt nhẹ lên cằm, đầu hơi nghiêng, mắt híp lại như một kẻ đang suy ngẫm về trò chơi phức tạp của chính mình. Chỉ một thoáng sau, ông mở mắt, ánh nhìn sắc bén của ông dường như đâm xuyên qua những lớp phòng ngự của Cak Tanuh.

"Những con quái vật từ biển sâu..." - Hoàng thân cười nhạt, một nụ cười vừa khinh bỉ vừa lạnh lùng - "Chúng ta sẽ thả rông chúng tàn phá vùng vịnh Mon, nhưng không phải như những con thú tự do. Chúng phải được xích lại, theo đúng hướng ta chỉ định!"

"Sẽ không bao giờ có ai nghi ngờ rằng ta chính là kẻ giật dây, và khi chúng tiến sâu vào, thì cũng là lúc dây thòng lọng siết chặt." Bằng đôi mắt sáng rực lên với vẻ ngưỡng mộ xen lẫn kinh sợ, Cak Tanuh nịnh hót nâng bệ. Nhưng gã cũng biết rằng sự thành bại của chiến lược này không chỉ nằm ở kế hoạch tác chiến mà còn phụ thuộc vào lòng trung thành của những đồng minh nguy hiểm, những kẻ chỉ biết đến lợi ích.

"Thưa ngài!" Cak Tanuh hạ thấp giọng, "Chúng ta cần phải đảm bảo rằng bọn cướp biển Melayu nhận được phần thưởng xứng đáng. Bọn chúng chỉ trung thành khi thấy lợi ích trước mắt. Nếu chúng cảm thấy bị phản bội, hoặc không được trả công đầy đủ, tình thế có thể đảo ngược ngay lập tức!"

"Ngươi đang sợ à, Cak Tanuh? Đừng quên, chúng ta chính là những con cọp kiểm soát bọn cừu. Chúng có thể là cướp biển, nhưng bọn chúng vẫn là những kẻ yếu thế hơn ta!" Hoàng thân Haluwbilau khẽ nheo mắt, giọng ông trầm hẳn lại, nhưng từng lời nói ra như búa gõ vào lòng ngực của Cak Tanuh. Po Phaok Ling nghiêng người về phía Cak Tanuh, khuôn mặt lộ rõ vẻ cợt nhả và giọng nói đầy mỉa mai: "Nếu sợ thì ngươi có đề xuất gì về việc phân chia chiến lợi phẩm, đã lên kế hoạch cụ thể chưa?"

Cak Tanuh dù có phần do dự ban đầu, giờ đây lại thể hiện sự tự tin rõ rệt. Gã dõng dạc nói: "Đã có kế hoạch, thưa ngài. Các nhóm cướp biển sẽ nhận phần chiến lợi phẩm từ các cuộc cướp bóc trên biển, và một phần nhỏ từ những cuộc tấn công vào các thương thuyền. Số tài sản này sẽ đủ để chúng duy trì lòng trung thành trong một thời gian nữa!"

"Chậc!" - Po Phaok Ling nhăn mặt. - "Ngươi nghĩ bọn chúng sẽ cần số tài sản ít ỏi ấy hay sao? Không hề. Thứ bọn chúng cần nhiều hơn nữa chính là quyền lực và sự công nhận!"

"Về phần thưởng, trước tiên các chiến lợi phẩm mà chúng ta sẽ thưởng cho bọn cướp biển không chỉ bao gồm những tài sản thông thường. Đó là tiền bạc, vàng, bạc, và đá quý-những thứ dễ dàng thanh khoản và có giá trị cao ngay lập tức. Nhưng chúng ta cũng phải cung cấp hàng hóa quý giá, đặc biệt là gia vị, lụa, rượu, và thuốc men." Po Phaok Ling nói như thể đã hoạch định từng bước cho kế hoạch của mình. "Chúng ta cũng sẽ cấp cho bọn cướp biển vũ khí cần thiết, một số nô lệ để phục vụ. Cuối cùng, thông tin cũng là một phần thưởng quan trọng. Bọn cướp biển sẽ được cung cấp thông tin về các tuyến đường thương mại, sự di chuyển của các tàu lớn, và các hoạt động quân sự, giúp chúng lập kế hoạch cho các cuộc tấn công hiệu quả hơn."

"Sau khi mọi thứ ổn thỏa, Jorani sẽ được trưng dụng như một phần thưởng đặc biệt để khích lệ đối với những kẻ đã lập công lớn trong chiến lược này. Thời gian ấy, sẽ đủ để chúng ta nắm trọn quyền kiểm soát vùng vịnh Mon và tiêu diệt bất kỳ mối đe dọa nào dám cản đường!"

"Vâng, thưa ngài." Cak Tanuh đáp lời. Nhưng gã thầm biết rằng, khi kế hoạch hoàn tất, những tên cướp biển sẽ không còn giá trị nữa. Lòng dạ Hoàng thân Haluwbilau sâu như biển, ông sẽ không ngần ngại vứt bỏ chúng khi không cần thiết. Nhưng gã vẫn giữ im lặng, để mọi toan tính diễn ra trong đầu.

Đột nhiên Po Phaok Ling trầm giọng, đôi mắt lấp lánh như ẩn chứa cả bầu trời sao sáng, ông ta vươn những ngón tay sau đó dập tắt bấc đèn cầy: "Ngươi có biết vì sao Po Klung Pilih Räjadvära, ông nội của cha ta, lại được nhớ đến như một trong những nhà ngoại giao và chiến lược gia vĩ đại nhất của Campapura? Những câu chuyện về Po Klung Pilih Räjadvära từ khi còn bé luôn là nguồn cảm hứng lớn lao đối với ta. Không chỉ vì ông là người thiết lập liên minh, mà còn vì khả năng nhận biết thời cơ và nắm bắt tình hình. Giống như cách chúng ta đang làm hiện giờ, lợi dụng yếu tố bất ngờ và gây nhiễu loạn tâm trí của những kẻ mê muội."

"Ta nhớ như in những câu chuyện kể về ông ấy, là những cuộc chiến lược tinh vi, những chiến thắng vĩ đại. Khi ta còn nhỏ, mẹ đã kể cho ta về cách ông đã làm cho các quốc gia khác phải cúi đầu tôn kính, không phải bằng sức mạnh vũ lực đơn thuần, mà bằng trí tuệ và tầm nhìn sâu sắc. Ta đã luôn ao ước một ngày nào đó có thể theo kịp bước chân của ông, để làm rạng danh dòng tộc và vương quốc của chúng ta."

Cak Tanuh cúi đầu cung kính, khẽ khàng đáp: "Ngài nói đúng, thưa Po Phaok Ling. Po Klung Pilih Räjadvära từng làm nhiều chuyến hành hương Siddhayäträ (Phật giáo) và đàm phán tới tận Java, không chỉ để cầu đạo mà còn để mở rộng tầm ảnh hưởng cho vương triều. Ngài ấy là bậc thầy trong việc kết hợp tinh thần Phật giáo với chiến lược chính trị."

"Ông của ta không chỉ là nhà ngoại giao, mà còn là người biết cách thao túng các yếu tố xung quanh. Việc ông xây dựng ngôi đền Avalokiteshvara (अवलोकितेश्वर) ở Indrapura (Quảng Trị) là một minh chứng cho sự hiểu biết sâu sắc về tâm linh và chính trị. Như ta, ngươi thấy không, Cak Tanuh? Chúng ta không chỉ chiến đấu trên mặt trận quân sự mà còn phải chiếm lĩnh cả về mặt tâm linh và tư tưởng." Po Phaok Ling nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ, nơi phản chiếu rõ nhất hình ảnh cầu vồng sau cơn mưa, như đang hồi tưởng về quá khứ huy hoàng của dòng tộc mình: "Đúng thế, ông nội của cha ta khi hành hương đến Java, đã xây dựng những kết nối không thể phá vỡ. Cũng giống như hôm nay, chúng ta sẽ thiết lập những liên minh vững chắc với đám người ngoại bang kia. Họ là những con dao sắc bén mà chúng ta có thể lợi dụng khi thời cơ đến. Chỉ cần một cú đâm chính xác, ắt hẳn đối thủ sẽ rơi vào tay ta."

"Thưa ngài, Po Räjadvära, đã để lại cho ngài một di sản to lớn. Ngài là người thừa hưởng không chỉ sức mạnh quân sự mà còn cả trí tuệ vô song. Chúng ta có thể tiếp tục xây dựng và củng cố nền móng đó."

Po Phaok Ling đột ngột chuyển giọng, cười nhẹ: "Cak Tanuh, ngươi có biết điều gì quan trọng nhất trong trò chơi quyền lực này không? Đó là không bao giờ để đối phương biết được mọi lá bài của ngươi. Ngay cả Po Räjadvära cũng từng nói rằng, 'Người chiến thắng không phải kẻ mạnh nhất, mà là kẻ có thể ẩn giấu sức mạnh của mình lâu nhất.'. Ta nói như vậy, ngươi có hiểu không?"

***

Vào thời kỳ phát triển rực rỡ của các tuyến đường thương mại trên biển, một tuyến đường biển thẳng đã được thiết lập từ eo biển Sunda đến Cina (चीन - Trung Quốc), giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các cảng trung gian như Campapura. Một trong những điểm dừng chân quan trọng là Geying (Ko-ying), được cho là Kawang ở Tây Bắc Java, nơi từng là bến cảng chính cho các giao dịch thương mại giữa Kalinga (Ấn Độ) và các quần đảo Spice phía Đông. Geying đã duy trì quan hệ thương mại với Cina (चीन) qua Campapura trong nhiều thế kỷ, nhưng dần bị cạnh tranh bởi Heluodan (Holotan) ở Tây Java. Đến thế kỷ thứ 5, một trung tâm thương mại mới mang tên Gantuoli (có thể là Palembang ngày nay) tại Đông Nam Sumatra đã trở thành đầu mối chính cho tuyến đường này, đồng thời đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của đế quốc hàng hải Srivijaya.

Các trung tâm thương mại ven biển Sumatra, gần eo biển Sunda, bắt đầu đóng vai trò ngày càng lớn trong mạng lưới thương mại quốc tế, kết nối trực tiếp giữa Java và Cina (चीन). Tàu thuyền và thủy thủ Melayu không chỉ vận chuyển các sản phẩm từ Sumatra và gia vị từ biển Java đến Cina (चीन), mà còn mang về những món hàng quý giá từ đất nước này. Để đối phó với nạn cướp biển, các thủy thủ Orang Laut đã được đưa vào tầm kiểm soát, giúp bảo vệ các tuyến hàng hải và thúc đẩy sự phát triển thương mại giữa Sumatra và Kalinga. Dần dần, tàu thuyền từ Kalinga đã chuyển hướng qua eo biển Malacca thay vì sử dụng các tuyến đường bộ qua eo đất Kra, mở ra kỷ nguyên mới cho giao thương hàng hải khu vực.

Khác với các vị vua Srivijaya, là những người biết sử dụng tài năng phân phối của cải tích lũy để thúc đẩy thương mại Đông-Tây. Hay các vua Khmer có vốn thu lợi nhuận từ những cánh đồng lúa nước màu mỡ quanh Angkor. Các quốc vương Champa phải đối mặt với một thách thức đặc biệt. Trong khi các vương triều khác có thể dựa vào lợi nhuận từ tài sản tự nhiên hoặc sự phân phối của cải để duy trì quyền lực, các vua Champa không thể khai thác sản lượng thặng dư từ đất đai của mình, và cũng không có khả năng đảm bảo đủ lợi nhuận để duy trì lòng trung thành của các thuộc hạ.

Để duy trì sự ủng hộ từ các thủy thủ Melayu (Mã Lai) và các thuộc hạ, các vua Champa đã buộc phải tổ chức những cuộc viễn chinh liên miên chống lại các quốc gia láng giềng. Những cuộc viễn chinh này không chỉ nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ, mà còn là phương tiện để thu lượm của cải vật chất và nhân lực, dưới hình thức nô lệ. Trong bối cảnh này, các chiến lợi phẩm từ những cuộc tấn công không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng mà còn là yếu tố then chốt trong việc duy trì mạng lưới liên minh thiết yếu đối với quyền lực của họ.

Sự yếu kém cố hữu trong thể chế nhà nước Champa, không thể khai thác sản lượng thặng dư từ đất đai, đã dẫn đến việc các vua Champa phải tìm kiếm những nguồn thu nhập thay thế. Những cuộc viễn chinh cướp bóc thành công trở thành phương tiện để củng cố hình ảnh của quốc vương Champa như là nguồn gốc của sự thịnh vượng cho các đồng minh của vị vua này. Bằng cách phân phối chiến lợi phẩm thu được từ những cuộc viễn chinh, các vua Champa đã khéo léo duy trì lòng trung thành của thuộc hạ và khẳng định quyền lực của mình trong mắt các đồng minh và kẻ thù.

***

Mặt trời gần như chạm đến chân trời, nhuộm vàng những cánh đồng lúa non mới cấy. Cánh đồng lúa ẩm ướt sau gần hai ngày mưa dầm, nước mưa vẫn còn lưu lại trong những vũng nhỏ, làm cho cảnh vật có phần bóng bẩy. Tiếng côn trùng bắt đầu râm ran, còn xa xa là tiếng nước chảy róc rách từ con mương dẫn nước chính của làng.

Ong Kri bước vội về nhà sau một ngày dài. Khi ông vừa bước qua ngưỡng cửa, bà Wan đã nhanh chóng bước ra từ nhà chính, đôi tay lau vội lớp bụi tro bám trên cạp váy của mình.

"Ông về sớm thế, có tin gì từ mương trên không? Ruộng Srê Rông mấy hôm nay mưa liên tục, lúa mới cấy chẳng biết có chịu nổi không?" Bà Wan hỏi, giọng thấp và có phần lo lắng.

"Ông Jawek nói mương trên đã tràn. Chúng ta phải gấp rút gia cố bờ bao, nếu không nước từ mương chính sẽ tràn xuống ruộng. Cây lúa mới cấy dễ chết ngập lắm. Mương thoát phải làm lớn hơn, đủ sâu để nước mưa thoát ra nhanh mà không bị tắc nghẽn, nếu không ngâm quá lâu, cây lúa chết úng mất..." Ong Kri khẽ gật đầu, nhưng nét mặt đăm chiêu: "Bà lo giúp tôi chuẩn bị mấy cái cuốc với mấy bao đất nữa để mai gia cố bờ bao. Chỉ cần giữ được bờ bao, nước sẽ thoát dần. Phải nhanh chóng nối mương chính với mương phụ để thoát nước xuống sông. Nếu trời mưa thêm, chúng ta phải cùng nhau bảo vệ đồng ruộng. Ông Ginor nói nếu cần, sẽ kêu thêm dân làng giúp đỡ."

"Nhưng bờ bao của chúng ta có đủ chắc không? Nếu nước từ sông dâng lên, lúa sẽ không chịu nổi." Bà Wan ngẫm nghĩ rồi hỏi.

Ong Kri lắc đầu: "Bờ bao cần được tăng cường, đặc biệt ở những chỗ gần sông. Chúng ta sẽ dùng đất đá, rơm rạ hoặc bao cát để gia cố. Trong thời gian mưa dầm thế này, cần kiểm tra bờ bao liên tục, phát hiện sớm các lỗ hổng để sửa chữa kịp thời. Lúa mình cấy kỹ thế, chỉ cần nước ngâm lâu là rễ thối ngay."

"Nhưng trước hết, chúng ta sẽ dọn sạch các đoạn mương đá dẫn từ giếng cổ. Mấy giếng Mở quanh làng lâu nay vẫn là chỗ dẫn nước tốt, nếu mở ra cho nước từ đó chảy đều, có thể điều hòa bớt nước ngập ruộng."

Từ rất lâu, người Chăm đã biết tận dụng nguồn nước từ các mạch ngầm để phát triển nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày. Đó là những giếng cổ, giếng Bộng và Giếng Mở - những công trình tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại ẩn chứa sự khôn ngoan của tiền nhân.

Giếng Mở dẫu có xếp đá quây quanh, vẫn không giữ nước lại như các giếng thông thường. Thay vào đó, nước từ giếng chảy tràn tự nhiên, phân bổ theo các cao độ khác nhau trong làng. Tại những điểm cao, nơi giếng gặp mạch ngầm, người dân dùng nước để dâng cúng thần linh, cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào. Dưới những bậc thấp hơn, nước được sử dụng để tắm giặt, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Còn ở chỗ thấp nhất, nước được trữ lại cho trâu bò uống, tắm mát trước khi chảy ra những mương máng, dẫn nước tưới đồng ruộng.

Điều kỳ diệu của giếng cổ Chăm không chỉ nằm ở cách vận hành thông minh mà còn ở việc nước không bao giờ cạn. Lòng giếng không sâu, chỉ chừng 2,5 đến 3 mét, nhưng mạch nước ngầm vô cùng dồi dào. Sau những cơn lũ ngập, nước lại dâng lên, phục vụ người dân ngay khi cần. Những máng đá được khéo léo lắp đặt để dẫn nước từ giếng này sang các bể, vũng khác, đảm bảo dòng chảy luôn thông suốt, ổn định.

Không chỉ có Giếng Mở, giếng Bộng cũng là một công trình đáng chú ý. Nguồn nước ngọt ngầm, thường bắt nguồn từ chân cồn cát hoặc ruộng đồng, được giữ lại bằng cách khoét lỗ trên tấm đá lớn hoặc thân cây cổ thụ. Những chiếc giếng Bộng này nằm xa khu dân cư, nhưng luôn cung cấp nước quanh năm. Nước từ giếng chảy tràn ra, không cần múc, mà tự nhiên thoát ra từ lỗ đã khoét, dẫn vào ruộng đồng hoặc phục vụ cho cuộc sống thường nhật.

Trong khi ông Kri đang say sưa kể về việc củng cố, dọn dẹp mương máng, thì bà Wan lại nhắc đến chuyện trâu bò: "Ông này, nhắc đến nước giếng rồi, sao không nhắc luôn đến mấy con trâu? Bao năm nay, chúng ta sống nhờ chúng mà còn chứ ai. Trâu nhà ta quanh năm đi tắm ở cái giếng dưới chân cồn, uống nước mát lành, khỏe như voi, nên mới kéo cày tốt được đấy. Chứ mấy bận nước ngập, không có trâu, làm sao mà cày ruộng được?"

"Ừ, nghe bà nhắc tôi mới nhớ. Bà có nghe bọn người Cina muốn dùng trâu sắt để trấn lũ chưa? Nghe nói trâu sắt của họ được đúc bằng kim loại, uy nghiêm lắm, chỉ cần đặt xuống bờ sông là lũ lụt cũng không dám bén mảng."

"Lạ thế ông?" Bà Wan ngạc nhiên hỏi.

"Bọn họ nói cái gì mà... Theo truyền thuyết của họ, trâu sắt không chỉ là vật thể cứng rắn mà còn tượng trưng cho nhiều điều. Trâu sắt được đúc từ kim loại, thuộc hành 'kim', và theo thuyết ngũ hành, 'kim khắc mộc', có thể chế ngự được 'giao long' - loài gây lũ lụt. Đây là cách họ trấn áp các loài thủy quái gây ra thiên tai... Bà xem có quái lạ không chứ!?"

"Nhưng có lẽ họ có lý do riêng đó ông. Vì chính chúng ta cũng dùng trâu trong các nghi lễ cúng tế mà. Dù là trâu đất, trâu sắt hay trâu thật cũng vậy... Miễn là không làm điều càn quấy gây lỗi với thần linh thì điều có thể chấp nhận được!"

"Ừ!" Ong Kri gật gù, do người ngợm cảm thấy nhớp nháp, không muốn nghĩ ngợi thêm nên vội hớp thêm miếng trà rồi về phía sau nhà để tắm rửa.

***

Từ thuở sơ khai, hình tượng con trâu đã là một phần không thể thiếu trong đời sống của con người. Với cặp sừng cong dài và vẻ ngoài oai phong, con trâu không chỉ biểu trưng cho sức mạnh vô song của thiên nhiên mà còn đại diện cho quyền năng sáng tạo của con người. Trong nhiều nền văn hóa cổ xưa, bao gồm cả Champa, hình ảnh con trâu đã được thiêng hóa, trở thành biểu tượng hỗ trợ con người trong việc chiến đấu với thiên nhiên, đồng thời giúp hòa nhập cái "tiểu ngã" cá nhân vào cái "đại ngã" vũ trụ.

Một minh chứng rõ ràng cho sự thiêng hóa này là những con dấu cổ xưa phát hiện ở Thung lũng Indus, vào khoảng năm 2500 trước Công nguyên, khắc họa một vị thần ngồi trong tư thế hoa sen với cặp sừng trâu trang trí trên đầu. Đây là một biểu thị của sự liên hệ sâu sắc giữa con trâu với thần linh, hoàng gia, địa vị xã hội và uy quyền cá nhân.

Trong quan niệm Ấn Độ giáo, hình tượng con trâu được xem là biểu tượng cho cả hai phẩm chất tích cực và tiêu cực của thần linh và con người. Con trâu, như ghi chép trong kinh Vệ Đà, tượng trưng cho sức mạnh vô song và luôn hỗ trợ loài người, là biểu tượng của sức mạnh đạo đức tâm linh. Tiêu biểu là hình tượng con trâu nước, vật cưỡi của Diêm Vương hay Yama, vị thần của cái chết và công lý vũ trụ, được mô tả thường xuyên trong các tượng cổ Ấn Độ với tư thế ngồi hoặc đứng trên lưng trâu, tay cầm gậy và dây thòng lọng.

Trong các tôn giáo phương Đông, trâu cũng được sử dụng như một ẩn dụ cho quá trình tu tập và vượt qua khó khăn để đạt đạo. Trâu là vật cưỡi của Lão Tử, người đã cưỡi trâu về hướng Tây sau khi truyền đạo và biến mất.

Đạo Phật cũng có nhiều sự tích liên quan đến trâu. Trong thời gian 49 ngày thiền định của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thôn nữ Sujata đã dâng cúng cháo sữa trâu, giúp ông hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Phật giáo Thiền tông nổi tiếng với bộ tranh-kệ "Thập mục ngưu đồ" (Mười bức tranh chăn trâu), tương ứng với mười bước tu đạo từ việc tìm trâu, thấy dấu, bắt trâu, chăn trâu, cưỡi trâu về nhà, đến việc quên trâu còn người, và cuối cùng là trở về nguồn cội.

Tuy nhiên, bên cạnh những phẩm chất tích cực, hình tượng con trâu cũng biểu trưng cho mặt tiêu cực như bóng tối (tamas), si mê, ngu dốt, và tham lam. Quỷ đầu trâu Mahisasura là một ví dụ tiêu biểu. Do đó, Ấn Độ giáo thờ nữ thần Mahisasura-mardini, biểu tượng của sức mạnh trí tuệ, để khuất phục quỷ đầu trâu. Nữ thần Durga, cùng với sự phối hợp âm tính của ba vị thần tối thượng - Brahma, Visnu, và Siva - đã xuất hiện để đánh bại Mahisasura, theo thỉnh nguyện của các nam thần.

Theo các nghi lễ Vệ Đà, trâu được hiến tế để xoa dịu sự nổi giận của thần linh và cầu xin ân phước. Trâu, giống như ngựa, là vật hiến tế quan trọng trong lễ tế thần Siva - đấng Hủy diệt và Tái tạo Vũ trụ. Lễ hội Durga-puja, diễn ra vào khoảng tháng 9-10 dương lịch và kéo dài trong 10 ngày, là dịp để các tín đồ Ấn Độ giáo tham gia nghi lễ tế trâu, cầu xin điều tốt lành và hối cải những lỗi lầm.

=====

CHÚ THÍCH:

[∮] Một số địa danh tên tiếng Chăm ở Panduranga (Tổng hợp tham khảo ở bài: Panduranga - Vài dòng lạm bàn (phần 1, 2, 3). Tác giả: Jaya Thiên, trên trang https://champa-home.blogspot.com/ )

I. Khu vực Panran (Phan Rang)

1. Thủ đô và Khu vực Chăm

o Paran: Khu vực Chăm hiện nay là Phan Rang.

o Kraung: Khu vực Chăm hiện nay là huyện Tuy Phong.

o Parik: Khu vực Chăm hiện nay là Phan Rí.

o Pajai: Khu vực Chăm hiện nay là Phan Thiết.

2. Ngọn núi

o Cơk Kaduk: Núi Cà Đú, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải (bắc Ninh Thuận).

o Cơk Cabbang: Núi Cha Bang, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước (nam Ninh Thuận).

3. Sông, Kênh, Đập Chính

o Krong Ding: Sông Dinh (Sông Phan Rang), cung cấp nước cho đồng bằng Panrang.

o Krong Laa: Sông Lu/Sông Biêu/Sông Viêu, cung cấp nước cho đồng bằng khu vực Phước Dân.

o Krong Pha: Sông Pha, cung cấp nước cho đồng bằng Sông Pha.

o Krong Kacwa: Sông Cả, Sông Cái, con sông lớn nhất tỉnh, nhập dòng vào Krong Ding.

o Banưk Kacwa: Đập Lâm Cấm, công trình do vua Poklong Garai lập.

o Banưk Caklaing: Đập Nha Trinh, công trình do vua Poklong Garai lập.

o Banưk Cakhoh: Đập Nha Húi/Nha Hố, công trình do vua Poklong Garai lập.

o Đập khác do vua Po Rame lập: Đập Cà Tiêu, Chà Vin, Ma Rên, Cây Đa, Ma Giăng, Tà Nôn, Cà Tuôn.

o Ribaung Kamei - Ribaung Lakei: Mương Cái - Mương Đực, hình thành từ sự ngăn dòng trên Sông Dinh bởi đập Nha Trinh.

4. Địa danh

o Bal Huh: Thủ đô Huh thuộc thành Nại (Bal Sri Banây), nay là làng Cổ Hủ (làng Mỹ Tường), huyện Ninh Hải.

o Bal Ywa: Thủ đô Ywa, có thể thuộc thành Bal Hanguw - Khu Sông Pha.

o Bal Lai: Thủ đô Lai, nay là khu vực tháp Hoà Lai - Ninh Thuận.

o Bal Caung: Thủ đô Caung thuộc thành Bal Pangdurang (Phước Dân).

o Bal Canar: Thủ đô Canar thuộc thành Bal Pangdurang, làng Tịnh Mỹ (Phan Rí).

o Sri Banây - Thi Nại (Đầm Nại): Trung tâm đậu thuyền bè và vựa sản xuất muối lớn nhất của Panduranga xưa.

o Canah: Cà Ná, làng chài cổ thuộc huyện Thuận Nam.

o Lamngư Panduranga: Cửa/cảng Phan Rang, cảng lớn nhất của Panduranga.

o Lamngư Canah: Cảng Cà Ná, cảng phụ trợ của Panduranga.

5. Làng Chăm ở Ninh Thuận

o Palei Bal Riya: Làng Bình Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.

o Palei Pa-mblap Klak: Thôn An Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải.

o Palei Pa-mblap Biraw: Thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải.

o Palei Cang: Thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn.

o Palei Tabeng: Làng Thành Ý, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

o Palei Baoh Bini: Làng Hoài Trung, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.

o Palei Dara: Trước là làng Như Ngọc, nay là làng Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước.

o Palei Baoh Dana: Làng Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.

o Palei Mblang Kacak: Thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.

o Palei Cauk: Làng Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.

o Palei Baoh Deng: Thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước.

o Palei Hamu Tanran: Làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

o Palei Thuer: Làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

o Palei Hamu Craok: Làng Vĩnh Thuận (Bầu Trúc), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

o Palei Caklaing: Làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

o Palei Bal Caong: Làng Chung Mỹ, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

o Palei Cuah Patih: Làng Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước.

o Palei Patuh: Làng Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước.

o Palei Ram: Làng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.

o Palei Aia Li-u: Thôn Phước Lập, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.

o Palei Palao: Thôn Hiếu Thiện, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.

o Palei PaBha: Làng Vụ Bổn, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam.

II. Khu vực Panrik (Phan Rí)

1. Khu vực và Địa danh

o Kraung: Khu vực đồng bằng ăn nước theo sông Lòng Sông - Tuy Phong.

o Parik: Đồng bằng ăn nước theo sông Luỹ - Phan Rí.

o Pajai: Đồng bằng ăn nước theo con sông Phú Hài.

o Hamu Lithit: Cánh đồng ruộng ăn nước của sông Phú Hài, hiện là thành phố Man/Phan Thiết.

o Nugar Latik: Phần mũi đất nhô ra biển, nay là La Di(Gi) xã Bình Thạnh.

o La ngâ: Khu vực sông La Ngà.

o Hamu Paauk: Cánh đồng xoài.

o Chamaik (Vĩnh Hảo): Danh lam thắng cảnh thuộc huyện Tuy Phong.

o Hòn Bà: Đảo nhỏ có đền thờ Po Ina Nagar.

o Đảo Phú Quý (Cù Lao Thu): Nơi có đền thờ công chúa Bàn Tranh.

o Lamngâ Parik: Cảng Phan Rí, cửa sông Luỹ đổ ra biển Đông.

o Lamngâ Pajai: Cảng Phú Hài, cửa sông Phú Hài đổ ra biển Đông.

2. Sông, Kênh, Đập Chính

o Krong Biuh/Krong Binh: Sông Luỹ, nhánh đổ về Panran và nhánh đổ về cửa Phan Rí.

o Krong La Ngâ: Sông La Ngà, chảy qua Bình Thuận và Đồng Nai.

o Krong Pajai: Sông Phú Hài, nhánh đổ về đồng bằng Mamu Lithit.

o Krong Paauk: Sông Mao, nằm cạnh Ga Sông Mao.

o Hồ Cà Dây: Đập Cà Dây do Hoàng tử Po Dam xây dựng, cung cấp nước cho đồng bằng Sông Luỹ và các đập khác như: La Bá, Para, cây Đa, Soi, Đồng Măng, Đá Hàn, Pani, Chà Vầu, Ma Tang, Đồng Mới.

[∮] Vương quốc Melayu (hay Malayu) là một nhà nước cổ của người Mã Lai, tồn tại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13, với trung tâm nằm ở khu vực Dharmasraya trên đảo Sumatra, Indonesia, cách Palembang khoảng 300 km về phía bắc. Cảng thị Jambi và cảng thị Srivijaya là hai khu vực có điều kiện thuận lợi để hình thành các thị quốc mạnh mẽ trong mạng lưới thương mại hàng hải. Trong suốt một thời gian dài, Melayu là chư hầu của Srivijaya, và có thời điểm Jambi của Melayu trở thành trung tâm chính trị của Srivijaya.

[∮] Vào đầu thế kỷ X, một bản khắc Chăm cho biết cha của hoàng hậu Tribhuvanadevi, Po Klung Pilih Rajadvara, đã hành hương đến Java (Yavadvipapura) để "tiếp thu ma thuật". Po Klung Pilih Räjadvära, thường được gọi tắt là Rajadvara, hay còn có tên khác là Narendrādhipati, là một nhà quý tộc Chăm và bộ trưởng phục vụ dưới triều đại ba vị vua Jaya Simhavarman I (897-904), Saktivarman (904), và Bhadravarman II (905-918). Ông là cha của hoàng hậu Tribhuvanadevi, vợ của vua Simhavarman, và con trai cả của ông, Sukṛtï Pov Kluñ Dharmapātha, được vua Indravarman II hết mực yêu quý. Mẹ của ông là Công chúa Lyań Vṛddhakula. Rajadvara đã đi hành hương Phật giáo (siddhayäträ) đến Java vào các năm 908 và 911, với tư cách là nhà ngoại giao của vua Bhadravarman II. Năm 911, ông đã xây dựng một ngôi đền Đại thừa dành riêng cho Quán Thế Âm tại Quảng Trị, được gọi là Vṛddhakeśvara, đặt theo tên của mẹ ông.

(*) Tribhuvana Mahadevi or Tribhuvanadevi: (cuối thế kỷ thứ 9-đầu thế kỷ thứ 10) là một nữ thủ lĩnh người Chăm và là hoàng hậu của Champa , vợ chính của vua Jaya Simhavarman I (trị vì 897-904). Trong văn bia Champa , bà được vua và các con trai hết lời ca ngợi "nữ hoàng và đức hạnh nhất". Theo các ghi chép lịch sử, bà sinh ra trong một gia đình Phật tử cao quý có nguồn gốc Quảng Trị. Bà là con gái của Narendrādhipati, một tên gọi khác của Rajadvara , một vị bộ trưởng tài giỏi đã phục vụ bốn vị vua Champa và đã được tặng thưởng bằng khen vì những đóng góp của gia tộc mình. Năm 917, hoàng hậu cho dựng đền thờ Indrakānteśvara (Śiva) tại Hà Trung, tỉnh Quảng Trị .

[∮] Avalokiteshvara (अवलोकितेश्वर): Trong Phật giáo, Avalokiteśvara (IPA: /ˌʌvəl oʊ kɪ ˈteɪ ʃvərə/) nghĩa là "Đấng nhìn xuống", còn được gọi là Lokeśvara ("Đấng Chúa Tể Thế Giới") và Chenrezig (tiếng Tây Tạng). Ngài là một Bồ Tát cấp độ cao, liên quan đến lòng từ bi vĩ đại (mahakaruṇā) và thường được liên kết với Đức Phật A Di Đà. Trong Phật giáo Đông Á, Quán Thế Âm, tên gọi trong tiếng Trung là Guānzìzài (觀自在) hay Guanyin (觀音), được miêu tả như một nhân vật nữ. Tên Avalokiteśvara kết hợp tiền tố ava ("xuống"), lokita (phân từ của lok "nhìn"), và īśvara ("chúa tể"), mang ý nghĩa "chúa tể nhìn xuống thế giới". Dạng phiên âm của tên này đã thay đổi qua các thế kỷ, từ Avalokitasvara đến Guanyin, với hình thức hiện tại xuất hiện trong văn bản từ thế kỷ thứ năm. Trong tiếng Tây Tạng, ngài là Chenrézig (སྤྱན་རས་གཟིགས་), có nghĩa là "người luôn nhìn tất cả chúng sinh bằng con mắt từ bi".

[∮] Tổng quan toàn bộ chương truyện lấy cảm hứng từ bài: Đông Dương và Thế giới Mã Lai[1]: Một cái nhìn khái quát về quan hệ Mã Lai-Việt Nam đến giữa thế kỷ XIX (Tác giả: Nguyễn Thế Anh - École Pratique des Hautes Études; Phạm Khánh Linh dịch trên trang )

(Bản gốc: Anh, Nguyên Thê. "INDOCHINA AND THE MALAY WORLD: A GLIMPSE ON MALAY-VIETNAMESE RELATIONS TO THE MID-NINETEENTH CENTURY." Asia Journal 3, no. 1 (1996): 105-31. http://www.jstor.org/stable/44898209.)

[∮] Từ Cina (चीन, IPA: /c͡çiːnə/) trong tiếng Phạn chỉ Trung Quốc, đã được phiên âm thành nhiều dạng như 支那 (Chi Na), 芝那 (Chi Na), 脂那 (Chi Na), và 至那 (Chí Na). Xuất phát điểm của thuật ngữ Chi Na trong tiếng Trung là cách dịch từ Cina. Khi Phật giáo Trung Quốc truyền đến Nhật Bản, từ này cũng theo đó. Theo truyền thống, từ nguyên học cho rằng danh xưng tiếng Phạn bắt nguồn từ tên nước Tần (秦), và sau đó du nhập trở lại Trung Quốc dưới nhiều dạng khác nhau, tương tự như từ "Tần" là gốc của Čīn (چین) trong tiếng Ba Tư trung đại và Sina trong tiếng Latinh.

[∮] Orang Laut là nhóm người Proto-Malay (cổ Mã Lai) sống quanh Singapore, bán đảo Mã Lai và quần đảo Riau, cũng như những người có nguồn gốc Malay sống trên các đảo ven biển ở biển Andaman thuộc Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar, thường được gọi là người Moken. Họ được xếp vào nhóm người du mục biển (Sea Gypsy hay "Digan biển"). Thuật ngữ tiếng Mã Lai Orang Laut theo nghĩa đen có nghĩa là "dân tộc biển". Người Orang Laut sinh sống và di chuyển trên thuyền, kiếm sống bằng nghề đánh cá và thu thập các sản phẩm từ biển. Một thuật ngữ khác trong tiếng Mã Lai, Orang Selat (nghĩa là "dân tộc Eo biển"), đã được đưa vào các ngôn ngữ châu Âu với tên gọi Celates.

[∮] Các loại giếng tham khảo từ bài "Phương thức khai thác nước ngầm của người Chăm" (Tác giả: Lê Đức Thọ - Nguyễn Hồng Kiên) (Nguồn: https://tapchinuoc.vn/).

Một số hình ảnh minh hoạ và chú thích nguyên văn lấy từ trang web trên (nếu các bạn muốn tham khảo chi tiết hơn hãy truy cập vào trang web bằng cách tìm kiếm tên của bài viết nhé):

a) Giếng nửa mở: Còn gọi là giếng Bộng, có nguồn nước cấp thường từ những mạch ngầm ở chân cồn cát hoặc đồng ruộng. Người ta lấy một tấm đá lớn khoét lỗ, hoặc một thân cây cổ thụ khoét rỗng ruột để giữ nước. Tảng đá hoặc thân cây khoét rỗng được úp lên chỗ mạch nước, cố định chắc chắn, nước chảy dâng lên tự nhiên quanh năm và thoát ra từ lỗ đã khoét, cho người sử dụng hoặc chảy thoải mái ra đồng ruộng.

b) Giếng Mở: Giếng phía Đông gọi là Pingung kamei (giếng Cái) hay Pingung angaok (giếng Trên). Giếng phía Tây gọi là Pingung linkei (giếng Đực) hay Pingung yok (giếng Dưới). Người ta cũng chia ba khu vực: lấy nước ăn uống, tắm giặt, cho trâu bò uống và cấp nước tưới cho khoảng 10 ha lúa của đồng Giếng (Dja Pingung).


Ngoài ra còn có loại giếng đóng là loại phổ biến nhất.

[∮] Trâu sắt của người Trung Quốc tham khảo bài: "Truyền thuyết dân gian: Tại sao người xưa dùng trâu sắt, gà đá để chế ngự lũ" [ChanhKien.org]

~*~

(*) Tâm tình mong manh cùng tác giả: Trong quá trình tìm hiểu tài liệu và viết chương này, mình vẫn còn nhiều sai sót, nếu bạn độc giả cảm thấy có chỗ nào lấn cấn, chưa đúng và hợp lý, hoặc có gì khúc mắc xin vui lòng nhắc nhở thiện ý để mình có thể điều chỉnh lại. Cám ơn rất nhiều!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro