18 này, em chẳng thấy anh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quốc trở về khi góc sân còn vương đầy những nắng. Sài Gòn, nắng không cháy như đất Mỹ Tho, nắng vờn nhẹ trên lá, nắng nhảy múa trước hàng bưởi như bước chân của nàng vũ nữ ngày hội. Nắng vương đầy trên ánh mắt buồn tênh của Quốc và Mân, nắng lăn dài trên những nỗi nhớ miên man về một thời trẻ đầy nhiệt huyết, nắng xẹt ngang một vết ố lên tiếng vè văng vẳng mỗi sớm mai. Cho đến khi nắng lụi hẳn không còn thấy những nụ cười rạng ngời đâu nữa.

Năm dài tháng rộng mênh mang, Mân và Quốc quên bẵng đi nụ hôn ngày hôm ấy, cũng chẳng còn nụ hôn nào như thế nữa cho sau này, cũng chẳng có thói quen nào được thêm vào cuộc sống giữa họ. Mân vẫn đi học trên con đường đổ đầy nắng vàng, ngồi sau xe đạp của cậu Ba tận hưởng gió trời man mát mỗi khi mưa vừa đi qua.

Quốc không còn đau đáu cho mối tình đơn phương của mình nữa, anh cất nó vào một cõi im lìm. Quốc bận tâm chuyện khác, lắng lo chuyện tiền bạc, những chi tiêu tủn mủn. Ông hội đồng chỉ cho phép Mân đi học, chứ không cho nó tiền để nó đi học, tiền ông bà gửi Quốc chỉ đủ anh đóng học phí cho mình và sinh hoạt cho hai đứa. Còn tiền học phí của Mân, Quốc phải tự kiếm, mỗi lần đi nộp học phí cho nó về Mân lại thấy mặt Quốc bơ phờ đi một chút, nó hỏi, cậu Ba nhất quyết không trả lời. Cậu chỉ bảo đúng một câu, "Cậu đủ tiền nuôi mày ăn học."

Quốc kiếm tiền như thế nào? Chẳng phải nhờ thị hay sao. Quốc có đầu óc tính toán, lại thông minh, cần cù, thị lại lấy lí do vì trước đây thích Quốc nên nhất quyết phải kiếm việc giúp anh, vậy nên Quốc đi phụ quản lý ở xưởng đóng tàu của cha Tú. Cha Tú thực ra là thương nhân, có hai, ba cái tiệm vải ở xứ Sài Gòn này, còn mở đâu ba, bốn cái xưởng đóng tàu. Quốc được Tú giới thiệu đến làm tay chân cho ông quản lý của xưởng chính. Sau giờ học buổi sáng Quốc sẽ đạp xe đến đây, làm đến tận khuya mới về.

Bởi thế, Mân thấy lạ. Cậu Ba nó dạo này bận suốt, cậu đi sớm về khuya tối ngày. Mỗi lúc nó hỏi, cậu đều bảo cậu đi học với vài người bạn cùng lớp, bàn chuyện học tập. Nhưng nó thấy cậu nó đi liên miên, có khi còn không về nhà, khi ấy nó gật gù ở ngoài cửa đợi cậu Ba đến tận sáng mà vẫn chẳng thấy cậu đâu.

Mân quen dần với nếp sống của Sài Gòn, nó cũng chẳng còn lạc đường như trước, nên Ba Quốc mua cho nó một chiếc xe đạp riêng. Nó tự đi học anh sẽ không phải đưa đón. Hồi chiếc xe vừa mới trao tay Mân, nó thích lắm, thích cảm giác được ngồi trên chiếc xe đạp do chính cậu Ba mua, thích những chiều lộng gió nó vi vu trên đường láng đầy nắng hạ. Nhưng rồi, chiếc xe như cướp đi cậu Ba nó; Quốc không còn chở nó đi học, nên nó thèm thuồng cảm giác được ngồi sau xe đạp của anh; Quốc không còn chở nó đi học, nên anh về nhà cũng muộn; Quốc không còn chở nó đi học, nên những bữa cơm một bát đầy và một bát trống cứ nhiều dần; Quốc không còn chở nó đi học, nên góc án thư cũ của anh cứ lạnh dần hơi người.

Mân gạt phăng lá thư đang viết dở, nó nằm rạp ra bàn, cảm giác chán chường và uể oải khiến đôi mắt nó nặng trĩu dần. Đã hai ngày rồi cậu Ba không về nhà. Cậu không nhớ nó sao? Cậu đi gì mà đi miết. Việc học của cậu chắc bận rộn lắm. Nhưng mà hôm nay là sinh nhật nó mà, chẳng lẽ cậu không nhớ sao? Mọi năm cậu đều cùng nó chuẩn bị sinh nhật mà. Mân gục mặt xuống hai cánh tay, nước mắt nó trào ra hai bên má, rồi nó xóa sạch đi, đứng dậy nhìn ra ngoài trời chiều ở Sài Gòn.

Nhìn những đám mây vẩn trong màu vàng cam của hòn lửa đang chuẩn bị chìm vào đám bàng đài loan, những cánh chim trao đảo trên bầu trời xám dần, xa xa giữa tầng không trơ lại vài đám mây đang lơ lửng, Mân thấy lòng chênh vênh khó tả. Nắng chiều vẽ đầy trên mắt nó những nét buồn thiu, rồi nó chẳng thấy gì nữa, chỉ loáng thoáng vài giọt nước lác đác rơi trên cổ áo. Mân hai mắt đỏ hoe, đứng dựa cột nhà nhìn về phía cổng vẫn vắng bóng người.

Bây giờ nó mới hiểu, trên cái đất Sài Gòn này, nó chỉ có mình cậu Ba, không có một ai khác bên cạnh nó nữa, nó không có bạn, bạn bè không yêu quý nó, nó không quan tâm. Nhưng cậu Ba cũng vậy, không còn thương nó nữa, nó sẽ rất đau lòng. Cậu Ba quên hết rồi còn đâu, quên mất còn một thằng Mân chạy nhảy cùng cậu suốt cả tuổi thơ. Rồi Mân gục dưới thềm, nó nằm đó, nhắm mắt lại, để gió trời xoa vào mái tóc hơi rối.

Quốc nhìn về phía biển, hoàng hôn đã tắt lịm vẽ lên bầu không những nét buồn màu xam xám. Một xác tàu vẫn chỏng chơ trên con nước đang dần đen ngòm lại. Ánh đèn ghi từ trong xưởng đóng tàu làm loang lổ cả mặt nước, hắt lên sinh vật bằng gỗ gớm ghiếc đang thoi thóp dưới dòng nước biển mặn chát.

Một chiếc tàu mới gia công và ra khơi sáng này đã bị sóng đánh chìm, ba người thợ bị sóng cuốn đi mất, còn lại đằm mình xuống đáy biền làm mồi cho cá bạc cá vàng. Những người thợ ấy, sáng nay còn tay bắt mặt mừng với Quốc, họ vẫn còn nói vài câu vui đùa, chỉ trỏ về chiếc giỏ Quốc treo trên ghi-đông xe đạp. Quốc bảo với họ, quà anh tặng người anh thương đấy, nay sinh nhật người ấy, nên các anh em làm mau lên, để tôi còn được tan làm về với người tôi yêu nào. Anh em trên xưởng tàu cười khề khà, nói cô nào may mắn mà vớ được cậu thế, vậy là chúng tôi hết cơ hội rồi. Quốc cũng cười lên với bọn họ, tay cầm tấm bản vẽ con tàu chiều nay sẽ xuất phát ra khơi, bóng anh đổ dài trên nền cát vàng cháy.

"Chiều ơi, về nhanh lên

Quốc ngâm vài câu thơ anh đọc vội trên tờ giấy báo tường của một anh thợ đóng tàu đêm qua. Thì ra, người thương cậu ta ngày mai cũng tròn mười tám.

Quốc khép đôi mi, để gió biển xoa vào mái tóc, mùi mặn mòi ám vào da thịt khiến đầu óc anh lâng lâng.

"Vậy phải kéo xác cái tàu lên à?" Vài anh thợ ngồi trên mỏm đá cũng nhìn về phía xác tàu đang lênh đênh trên biển, rồi họ nhìn nhau thì thào.

"Ừ, đấy. Rõ là lúc chiều tôi có xem đi xem lại cái cong giang rồi, thế mà nước vẫn ngập vào tận buồng lái."

"Thôi, bỏ đi. Lật thì cũng lật rồi, giờ ra nhặt xác nó lên mà sửa lại thôi. Phen này thì ăn công cốc hết."

Quốc đi lại chỗ họ, góp vui vào câu chuyện phiếm của hai người thợ. "Hai chú không về à. Kìa chú Tuấn, còn chưa về à, nay sinh nhật người ấy còn gì."

Tuấn cúi xuống, đè hai gấu áo, rồi lại ngẩng đầu nhìn Quốc. "Thôi anh ạ, tôi sẽ bù cho cô ấy sau. Việc ở xưởng chưa xong, sao tôi dám về."

"Chú cứ về đi, có ai hỏi cứ bảo tôi cho phép chú về. Không can chi mà sợ."

"Nhưng mà..."

"Còn nhưng nữa là tôi đổi ý đấy."

Tuấn gật gật, cậu cười toe toét, kéo chiếc ống quần, ống cao ống thấp xuống, rồi chạy vọt lên đường lớn, đi vút vào đêm đen. Quốc trầm mặc nhìn người con trai cũng gần chạc tuổi anh, hét lên đầy sung sướng khi được về nhà với người mà cậu ta thương.

Anh xoay mặt nhìn ra biển lớn, nhìn con tàu anh lấy làm tự hào vì mình cũng góp công trong công cuộc khai sinh ra nó, giờ đang nằm im lìm kẹt trên một mỏm đá nhô lên mặt nước. Các xác tàu trơ lại như bộ xương khô. Quốc thở dài.

"Còn anh, anh không về à?" Người thợ bên cạnh đứng cùng anh nãy giờ, lên tiếng.

"Tôi còn đợi ngài thống đốc đến, anh vào ngủ đi, canh ba gọi các anh em trong xưởng dậy, chúng ta vớt con tàu lên."

"Không, ý tôi là, người ấy của anh."

"Chắc người ta sẽ hiểu cho tôi thôi."

Tới tờ mờ sáng con tàu mới được vớt lên, mình nó đã bọc một mảng rêu mong mỏng, xung quanh bị cái mặn mòi của biển cả đánh cho bạc cả màu, gỗ mủn và mục dần, cánh buồm cũng rách bươm bởi sóng đánh. Quốc nhìn xác tàu, rồi nhìn về phía đông, một tia đỏ rực lên xé rách cả bầu trời, cả một hòn lửa khổng lồ trồi ra, hắt những ánh vàng loang lổ xuống mặt biển, sóng thôi dữ dội mà gợi lên lăn tăn. Quốc cúi đầu, nhìn về chiếc hộp nhỏ anh bọc gọn gàng trong giấy hoa cúc.

"Người ấy tròn mười tám tuổi rồi."


40 ngôi sao để mở khóa chap típ theo ọ TvT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro