Chương 24: Đông Kinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giờ Dậu.       

Xe ngựa chạy nửa ngày, chờ phà ngang để băng thêm một con sông Nhị nữa thì đến được Đông Kinh. Sau một hồi ngồi ê hết cả mông trên băng ghế gỗ, người tôi trở nên bứt rứt khó tả: một phần vì không ai trong xe ngựa chịu trò chuyện với tôi, nếu có hỏi gì thì chỉ ừ hử lấy lệ; phần còn lại vì cơ thể đầy vết thương của tôi vẫn chưa quen với thứ phương tiện đi lại cổ lỗ sĩ này, mỗi cơn dằn xóc đều gây ra va đập khắp người. Vết kiếm chém của Trịnh Viêm bên be sườn, cũng tại tôi không chăm sóc kĩ lưỡng, đã bị rách trở lại, nhưng chẳng biết rách từ khi nào. Máu thấm qua băng vải và loang lổ một màu đỏ thẫm chướng mắt trên lớp áo giao lĩnh. Tôi mặc áo đối khâm bên ngoài nên tiện lợi che đi vết máu, tránh để mọi người lo lắng.

"Andrey," tôi khều cậu, "lát cho tao hỏi cái này chút!"

"Ừ, lát nữa đi." Cậu vẫn cắm đầu ghi chép vào cuốn tập.

"Mày còn không biết chuyện gì!" Tôi bất mãn.

"Lát sẽ biết."

"Đã đến cổng thành," người phu xe thông báo, "mời các vị xuống xe trình báo!"

Tôi vén màn che lên và ngóc đầu ra. Ồ, đây rồi! Kinh thành Thăng Long trong huyền thoại, và thủ đô Hà Nội thời hiện đại. Sừng sững trước mặt chúng tôi là một công trình kiến trúc đồ sộ nhất mà tôi được chứng kiến ở thời đại này. Nó vừa có sự tinh tế với những mái ngói đỏ cong cong, vừa có sự tối giản từ tường đá vững chãi và cổng vòm vừa khít chiếc xe bò thồ hàng cồng kềnh phía trước.  

"Hỏng thật rồi!" Tạc Tổ cuống quít níu lấy cánh tay của Andrey đang chuẩn bị nhảy xuống xe. "Quên mất ba vị đều không có giấy tờ tuỳ thân! Làm sao đây?"

"Giấy tờ... tùy thân?" Vẫn là tên Andrey với vốn từ tiếng Việt hạn hẹp. "Pax, cậu ta nói gì thế?"

"Các cậu không biết ư? Theo luật lệ của Đại Việt, người ngoại quốc, trừ khi là sứ thần, tuyệt đối không được tuỳ tiện vào nội trấn."

"Bọn tôi có giấy phép thương nhân đặc biệt," tôi giải thích, rồi trưng ra bộ mặt của kẻ vừa bị trấn lột, "chỉ tiếc là bị sơn tặc cướp đi trên đường đến huyện Chí Linh."

"Cũng không thể được!" Tạc Tổ lắc đầu nguầy nguậy, "Thương nhân các cậu, theo ta được biết, chỉ có mặt ở các cảng buôn như Vân Đồn, Vạn Ninh, và ba cửa biển Cần Hải, Hội Thống, Hội Triều. Triều đình rất gắt gao trong vấn đề ngoại thương, vì thế ta thật lòng khuyên các cậu, khi vào nội kinh phải tuyệt đối cẩn thận!"

Andrey cẩn thận đỡ tôi và Nick xuống xe. Tôi vừa chuẩn bị xoay gót đi lên phía trước cổng thành thì Andrey chụp lấy vai tôi.

"Vết thương bị rách à?"

"Ừ!"

"Tại sao giấu tao?" Andrey đe nẹt.

"Có hỏi đâu mà nói!" Phang một câu tỉnh rụi, tôi thong dong đi lên phía trước, tay lóng ngóng lôi tấm thẻ bài thông hành ra từ thắt lưng. Tạc Tổ đi trước, giơ căn cước của mình ra cho tên lính, và nhận một cái gật đầu dễ dãi.

Đến lượt bọn tôi, ba người vô thức đứng sát vào nhau, tôi đi trước, Nick và Andrey đi hai bên. Nhìn sơ qua, cảnh tượng này giống như ông chủ đi vào kinh đô mua bán và đem theo hai người ở. Một vệ sĩ và một người giúp việc. Trừ việc tên vệ sĩ cao kều có làn da trắng như trứng gà bóc, và tên giúp việc có làn da ngăm màu bánh mật. Hai đôi mắt khác màu càng khiến tên lính thêm cảnh giác.

"Các ngươi là ai?"

"Thưa, ta là Đặng Duy An, hai người bạn đồng hành của ta là sứ giả của Anh Cát Lợi – Andrey và Nicholas."

"Bọn người ngoại quốc các ngươi làm gì ở đây?" Hắn nheo nheo mắt, đánh giá bộ dạng thành khẩn hết chỗ nói của tôi. "Khoan đã, ngươi cũng chẳng phải người xứ này."

"Đúng vậy," tôi gật đầu cái rụp. "Bọn ta có việc quan trọng muốn gặp ngài... ừm... Lê Hạo."

"Lê Hạo? Lê Hạo là ai?"

Tôi đưa tên lính tấm lệnh bài bằng gỗ, "Ừm... Lê Hạo là... quý ngài vương gia... điện hạ?"

Tên lính trừng trừng nhìn tấm thẻ trong ba giây, rồi lập tức gập người xuống, cung kính, "Mời ba vị."

***

Đúng là thành thị và nông thôn chỉ cách nhau một cái cổng thành. Bên ngoài là đồng ruộng bạt ngàn thì bên trong là các dãy nhà san sát. Nhà gỗ lát ngói đỏ xuất hiện càng lúc càng nhiều, một tầng cũng có, hai tầng cũng có, xen vào giữa là các chòi, các sạp hàng hoá nhỏ lẻ được dựng tạm bợ bằng cọc gỗ và mái che bằng rơm rạ. Kinh đô Đại Việt buổi chiều muộn được mặt trời nhuộm lên một sắc vàng cam, rực rỡ nhưng không hề chói mắt. Hoạt động mua bán đã không còn nhộn nhịp như ban sáng, chỉ còn thưa thớt vài sạp hàng với chút sản phẩm còn dư, và dăm ba quẩy gánh hàng rong. Những đôi chân trần vẫn nhanh nhẹn rảo bước, những đôi vai gầy oằn lên, gánh đôi gióng nhọc nhằn. Các mẹ, các chị vẫn vui vẻ chào hàng với tiếng rao ngọt lịm, dù biết rằng bốn vị khách trên xe không thể dừng lại mua hàng. Nào là trái cây, rau củ quả, nào là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhỏ xinh, làm tôi xém chút nữa nhào đầu ra khỏi xe để ngắm nghía chúng. Bẽn lẽn, tôi cười khì khì, gật đầu và vẫy tay chào bọn họ.

Tâm hồn thi sĩ phơi phới đã sống dậy sau một thời gian bị vùi dập, tôi ngâm khẽ:

"Lữ khách mình đi qua
Đông Kinh và phố thị
Chợ phiên ánh chiều tà
Gánh hàng rong dần xa
Tảo tần ôi thương quá!"

Hai thằng bạn đã quá quen với cái nhân cách thi sĩ này nên đã hoàn toàn phớt lờ tôi. Chỉ có Tạc Tổ là trố mắt và nhìn tôi như kẻ dị hợm.

"Mặc kệ cậu ta đi!" Andrey nhún vai giải thích. "Pax... Duy An đôi khi... rảnh quá, ừm... không có gì làm thì mới như vậy."

"Đấy là thể thơ gì vậy?"

"Thơ... ờm... thơ năm chữ? Ngũ ngôn?" Tôi nheo mắt nhớ lại các thể loại thơ mà mẹ tôi đã dạy từ hồi cấp hai. Biết tôi thích văn thơ, mẹ đã đặt mua các tuyển tập thơ hay từ Việt Nam (bao gồm cả Truyện Kiều của Nguyễn Du) và sau đó hai mẹ con thi nhau làm thơ con cóc. Tôi đặc biệt ấn tượng bài thơ bốn chữ ứng đáp về con ruồi và đống rác của mẹ.

"Không phải! Ngũ ngôn Đường luật chỉ có thể tứ tuyệt và bát cú. Số dòng, cách gieo vần của cậu đều không khớp với thi luật nào."

"Thế thì là thơ ngẫu hứng?" Tôi gợi ý, nhướn một lông mày. "Thơ tự do?"

Trông bộ mặt ngớ ra của cậu, tôi cười phá lên.

"Tạc Tổ, trong thi phú không nên gò bó quá. Bên xứ tôi cũng không quá câu nệ vần luật. Chỉ cần mình có cảm hứng thì cứ thế làm thơ thôi!"

"Thú vị!" Cậu ta gật gù. "Quả là thú vị!"

Vừa kết thúc cuộc trò chuyện, tôi giật mình tỉnh ngộ và lập tức muốn xán cho bản thân một cái bạt tai. Về thời phong kiến, bài học đắt giá nhất mà tôi đã học được là phải giả ngu mọi lúc mọi nơi. Biết thì nói không biết, không biết thì càng phải nói mình không biết. Ở thời đại này, với thân phận dưới đáy xã hội, đầu phải cúi thấp và miệng phải ngậm chặt. Chỉ có thế thì mới tránh được tai hoạ.

Chừng năm phút sau, bọn tôi đã tới trạm xe ngựa cuối cùng, nằm cạnh một bờ hồ (tôi nghi ngờ đó là hồ Tây). Tôi kiểm tra sơ qua vết cắt trước khi nhảy xuống xe. Hình như máu đã tạm thời ngừng chảy. Thế là tốt! Andrey và Nick vác hết hành lý trên vai, để lại tôi đi tay không, làm tôi cảm giác mình như công tử nhà giàu thứ thiệt (thiếu cái quạt nữa là hách hơn cả Lê Ngỗi!)

Đưa cây gậy tre cho Nick, tôi đỡ lấy túi đồ ăn trên lưng cậu.

"Để tao phụ!"

"Mày xê ra! Tao tự vác được," Nick cầm lấy gậy và thì thầm vào tai tôi. "Cứ nghỉ ngơi cho tốt đi. Đừng tưởng tao không biết mày đã làm gì trong ngục."

Tôi bật ngửa, sửng sốt trước giọng điệu có hơi hướm đại ca của Nick. Đúng là gần mực thì đen, thằng Andrey chỉ giỏi làm gương xấu cho Nick.

"Biết gì cơ?"

"Mày đã chết rồi!"

"Tao không biết mày đang nói cái gì."

"Đi thôi!" Andrey từ phía trước vác ba lô lên một vai và ra lệnh. "Chúng ta đi tìm nhà trọ."

"Khoan đã!" Tôi chụp vai người bạn mới. "Tạc Tổ, cậu định đi đâu thế?"

"Ta có xin được ở nhờ nhà một người quen ở Kẻ Bưởi, nằm ở tít bên kia bờ hồ. Nếu rảnh rỗi, mọi người có thể đến tìm. Trời đã sẩm tối rồi, các cậu nên mau chóng tìm chỗ nghỉ ngơi đi!"

"Vậy chúng ta tạm biệt ở đây," tôi vỗ vai cậu ta, mỉm cười. "Hẹn ngày gặp lại."

"Các cậu nhớ bảo trọng."

Không để cho tôi đứng yên ngóng theo bóng lưng gầy của Tạc Tổ đang đi về phía Tây Bắc, Andrey lôi đầu cả đám đi tìm nhà trọ ở hướng ngược lại, nghĩa là đi thẳng tới trung tâm của huyện Quảng Đức.

Trời đã bắt đầu tối dần, và tôi, như một kẻ bị hoang tưởng, đã vô thức sải những bước dài, đôi chân thoăn thoắt trên con đường yên ắng. Khi lần lượt nghe tiếng bao tử biểu tình, ba đứa tôi đã quyết định ghé vào một quán ăn lớn gần đó, có hai tầng, trang trí đèn lồng xanh đỏ khá hoành tráng và đề ba chữ trên tấm bảng hiệu trước cửa. Chân mềm nhũn, tôi đưa mũi hít hà mùi thơm của thức ăn và xông thẳng vào quán.

Người phục vụ vừa thấy bộ dáng sang trọng của tôi thì mắt sáng rỡ, tuy nhiên sắc mặt liền trở nên khó coi khi thấy hai tên kia lững thững bước vào quán. Một tên nhìn như thích khách, tên còn lại giống như ăn mày. Andrey và Nick vừa cởi nón xuống đã khiến quán cơm im bặt, hàng chục cái đầu quay ra nhìn. Hai thằng bạn ung dung đi tới trước, luồn lách giữa mấy cái bàn và phớt lờ mấy cái chỉ trỏ lộ liễu của lũ người bất lịch sự kia.

"Thiếu gia," bồi bàn niềm nở, "cậu muốn ngồi ở đâu?"

"Đâu cũng được." Tôi nói, lơ đãng quét mắt quanh khu vực chỗ ngồi, rồi chỉ vào cái bàn ở góc khuất nhất. "Chỗ đó. À, hai vị này đi cùng tôi."

Tiếc thay, hôm nay tên thủ quỹ Andrey lại giở thói ki bo kẹt xỉ, chỉ cho phép tôi gọi đúng hai món mặn (thịt kho tàu và cá chiên), hai món rau (cải luộc và cải xào) và ba chén cơm. Khi đem các món ăn ra, tên bồi bàn cúi gằm đầu và không thèm nhìn bọn tôi lấy nửa con mắt. Chắc là vì sợ, bởi thằng bạn người Nga của tôi nhìn hắc ám quá. Hoặc là vì khinh bỉ, bởi bộ dáng ăn mày dơ hầy của Nick. Tôi cũng không biết nữa.

Mà công nhận Andrey cũng lạ thật. Sáng thì vui vẻ, trưa thì buồn bực, tối thì cáu kỉnh. Tâm trạng thay đổi xoành xoạch như con gái. Cậu ta đang chống tay lên mặt bàn và quan sát từng loại thực khách trong quán. Ở góc bên trái, gần phía cổng, đặt một cái bàn lớn toàn là thanh niên trai tráng. Ăn vận cũng sang trọng đấy, nhưng hành vi sao mà cục súc quá! Bọn họ ăn uống bừa bãi, nói cười rổn rảng. Một tên công tử nhìn về phía ba đứa tôi không chớp mắt, sau đó lại cùng đồng bọn cười phá lên, chỉ chỉ trỏ trỏ. Vừa bắt gặp cú lườm chết người của Andrey, hắn ta lập tức ngậm miệng lại, nhưng xem ra bộ mặt vẫn nhởn nhơ, thậm chí còn hếch lên, như muốn nói Ông đây muốn nói thì nói, muốn cười thì cười, chúng bây làm gì được ông nào. Ở góc phải, gần phía cầu thang gỗ, có một cái bàn năm người, toàn là giới trí thức. Họ nói chuyện nhỏ nhẹ, thái độ nhã nhặn, ngay cả cách gắp thức ăn cũng rất tinh tế. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện của họ có vẻ nghiêm trọng chứ không cợt nhả như các bàn ăn còn lại. Ở phía giữa quán, một cặp đôi (có thể là vợ chồng) đang im lặng ăn tối. Họ có vẻ là người mới đến Đông Kinh, bởi có hai cái túi nải to đùng đặt dưới chân. Cuối cùng là cái bàn nhỏ xíu bên cạnh, nơi có một "cái bang" chính hiệu đang vừa thổi húp soàn soạt tô cháo rau. Tôi chưa kịp mời người ta qua bàn bọn tôi ăn cùng thì bị Andrey đá một cú điếng người ngay ống quyển.

"Thằng ngu! Lo ăn cho no đi, bởi ba ngày tới tao sẽ siết hầu bao và bóp họng ba đứa mình."

"Cái gì?" Tôi há hốc. Miếng thịt kho Nick đang gắp vào chén tôi rớt xuống bàn.

"Ăn lẹ lên rồi đi đi! Lát nữa tao muốn mở một cuộc họp quan trọng, vì có rất nhiều chuyện cần bàn bạc."

"Nhưng mà–"

"Tao nghiêm túc đó!" Cậu ta hạ giọng. "Chúng ta nên ăn rồi mau chóng rời khỏi đây. Tao có cảm giác không lành về lũ công tử ngoài kia."

"Mày nói thì dễ lắm," tôi nghiến răng, ức chế. "Tao còn không cầm được đũa để ăn."

Andrey mím môi, lộ ra hai cái đồng điếu gần khoé miệng. Mắt trái cậu giần giật. Nick lặng lẽ gắp thêm hai cọng rau vào chén của tôi.

"Xin lỗi," Andrey lí nhí. "Tao quên mất."

"Không sao. Cảm ơn, Nick," Tôi đớp lấy miếng thịt từ đũa của cậu ta. "Mày lo ăn phần của mày đi. Tao tự xử được mà."

Nói thì dễ chứ làm không dễ chút nào. Dùng phần bàn tay lành lặn, tôi thử khều lấy đôi đũa đang nằm như trêu ngươi trên bàn, sau đó kẹp mỗi chiếc vào kẽ ngón tay – ngón trỏ và ngón giữa – của hai tay. Tay run run, tôi vừa gắp được cọng rau xào lên đến miệng thì hai chiếc đũa bị trượt và rơi lạch cạch xuống sàn, đem theo luôn cọng rau rớt xuống áo.

Chưa bao giờ tôi chán ghét mười ngón tay tàn phế của mình như lúc này. Nỗi hận của tôi đối với tên Phạm Tất đang tăng vọt lên theo cấp luỹ thừa.

"Nicholas, mày với Pax ăn hết đi!" Andrey buông đũa. "Tao xong rồi."

"Mày mới ăn có một chén cơm mà," tôi nói.

"Nói nhiều quá! Mau ăn đi! Đưa đôi đũa cho tao!"

Bọn tôi lua cơm với tốc độ chớp nhoáng. Chừng mười phút lăm sau, mọi thứ trên bàn đã sạch bong. Con cá chiên đã bị Nick gặm sạch sẽ, chừa lại mỗi khúc xương sống. Còn tôi bị Andrey nhồi thức ăn vào miệng như cái cách người ta nhét rau củ quả vào con gà tây nhân dịp Lễ Tạ ơn. Vừa đứng lên và đi đến quầy trả tiền (sẵn tiện hỏi đường), Andrey bỗng chụp lấy cán kiếm bên hông. Cậu đứng chắn trước mặt tôi và Nick.

"Các ngươi muốn gì?" Cậu trầm giọng. Tên công tử vô duyên khi nãy đã đến trước mặt chúng tôi.

"Nào, nào, chúng ta chỉ muốn kết duyên bằng hữu với quý công tử đây..."

Tôi vô thức thụt lùi hai bước. Kí ức mới toanh về tên Lê Ngỗi chết bầm hiện về. Giao du với lũ con nhà giàu ở thời đại này chẳng bao giờ có kết cục tốt đẹp cả.

"NGƯƠI MAU CÚT ĐI CHO KHUẤT MẮT BỌN TA!" Andrey gầm lên, giận đến quên luôn tiếng Việt.

"Andrey!" Tôi la lên, vội vã đan tay thành quyền. "Thứ lỗi các vị. Bạn ta là người ngoại quốc, không biết cách cư xử của người Đại Việt chúng ta. Nhưng quả thật là bọn ta đang có việc gấp. Nếu có duyên, chúng ta ắt sẽ gặp lại."

"Tin tức như gió thoảng mây bay," hắn ta nói bâng quơ. "Duy An, ngươi nói với con chó của mình, chớ có làm càn mà cắn nhầm giậu nhà ông đấy nhá!"

Không biết thằng Andrey có hiểu ý nghĩa câu nói trên hay không, nhưng nếu Nick không kịp khống chế cậu từ đằng sau, chắc chắn đã có án mạng xảy ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro