Chương 38: Học Nghề (Phần 2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thật ra tôi không lạ gì với biểu diễn võ thuật đường phố. Chính sư phụ Jefferson của tôi, người mang ba dòng máu Việt, Hoa và Mỹ đã dành một phần tuổi thơ thần tượng những "Gánh hát Sơn Đông" ở Sài Gòn xưa. Sau này, dù thầy tôi đã theo môn võ cổ truyền Việt Nam, ông vẫn hay tìm tòi những môn võ thuật khác, đặc biệt là phái Bắc thiếu lâm từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Không biết cái nghề này có từ khi nào, chỉ biết cụm từ "Sơn Đông mãi võ" bao gồm luôn cả biểu diễn võ thuật, múa hát, xiếc và bán thuốc xoa bóp gia truyền. Nghe nói còn có dịch vụ như bẻ khớp và nhổ răng. Học võ lâu năm nên bọn họ biết rõ thân thể con người như những thầy thuốc thực thụ, và các loại thuốc Bắc bán ra cũng toàn là hàng chất lượng cao, rất hiệu nghiệm.

Lúc bọn tôi đánh ngựa lại gần thì chương trình biểu diễn đã đến hồi gay cấn. Tiết mục nằm lên bàn chông và dùng búa đập đá trên bụng của vị lực sĩ kia khiến bà con xuýt xoa không ngớt. Không ít những người lớn phải lắc đầu ca thán, và những đứa trẻ le lưỡi trong kinh hãi. Từ nhỏ tôi đã ngưỡng mộ những người có nội công thâm hậu như sư phụ, và nếu hai bàn tay cho phép thì tôi đã vỗ tay bôm bốp rồi.

Tùng! Tùng! Xèng!

Sau đó là một màn liến thoắng tiếng Trung pha với chút tiếng Việt nửa vời mà tôi nghe như nước đổ đầu vịt. Người dẫn chương trình giới thiệu lọ thuốc Bắc trên tay, nói nhanh đến sùi bọt mép, nước miếng văng tung toé lên đầu lên cổ mấy khán giả ngồi hàng đầu.

Tùng! Tùng! Xèng!

Rồi đến màn công phu thiết đầu công. Người lực sĩ dùng đầu đập bể hai, ba khúc gạch men, dễ dàng như đập trứng. Vì đã quá quen với trò này nên tôi không có ấn tượng gì. Chính tôi cũng có thời gian từng tập nó bằng cách húc đầu binh binh vô bao cát, bị Andrey gọi vui là "thằng đầu đá". Ngược lại, hai thằng bạn của tôi như bị hớp hồn vào buổi diễn (ít nhất là Tạc Tổ). Ngồi trên ngựa không yên, cậu ta phải trèo xuống và chen vào đám đông, tìm mọi cách len lỏi đến hàng đầu và ngồi xổm cùng đám trẻ.

Tùng! Tùng! Tùng! Cheng!

Hai vị lực sĩ cúi đầu chào mọi người, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt. Không vỗ tay được, tôi đẩy khí từ bụng lên và huýt sáo thật to.

Người dẫn chương trình kéo tay một đứa nhỏ từ trong đám đông.

Chắc là tiếc mục nhào lộn, tôi nghĩ, đầu gật gù, gì chứ mấy đứa nhỏ dẻo dai lắm!

Từ trên lưng ngựa, tôi nhác thấy một cô bé nhỏ xíu, khoảng chừng năm, sáu tuổi, tóc hai búi, ăn mặc giản dị, đang lẽo đẽo đi theo người dẫn chương trình. Em nó có vẻ đang sợ hãi, hai chân đang cố ghì xuống đất. Nói tôi nhìn lầm, nhưng đôi mắt đỏ hoe kia chứng tỏ em ấy đã khóc.  

Đến khi thấy đứa nhỏ bị cột tay chân vào tấm ván thì tôi mới vở lẽ. Tim nhảy lô tô trong lòng ngực, ngón tay tôi vô thức xộc vào mái tóc xù. 

Tùng! Tùng! Tùng! Cheng!

Chết tiệt!Tôi cố gỡ ba ngón tay khỏi nhúm tóc rối, mắt không rời thân hình nhỏ bé trước mặt. Mấy người này liều lĩnh thiệt! Dám đem con nít ra làm bia phóng dao!

"Nick, giữ ngựa giúp tao!"

"Mày định làm trò gì nữa?"

Bằng một động tác gọn gàng, tôi đã nhảy phốc xuống đất. Bộ dao nhọn hoắt bày ra trên bàn, được người võ sĩ cầm lên và bắt đầu ba hoa giới thiệu.

Phập! Con dao đầu tiên cắm sát vào be sườn phải của đứa nhỏ. Tôi đặt một tay lên ngực, trấn an con tim yếu ớt đang muốn vọt ra ngoài.

Phập! Con dao thứ hai phóng vào cạnh vành tai trái. Tôi ti hí con mắt, không dám chứng kiến sự việc. Dưới đất, Tạc Tổ vẫy tay kêu tôi ngồi xuống. Tôi lắc đầu.

Phập! Con dao thứ ba găm vào đỉnh đầu đứa bé. Em ấy nấc lên một cái, cắn chặt răng và gồng mình chịu trận. Mọi người có lẽ đã phát giác ra tiếng động lạ kia. Vài tiếng nói xôn xao của người lớn vang lên trong đám đông. Tôi nhún gót, đá chân vào nhau, lòng bức bối chờ người ngăn cản màn biểu diễn này.

Chờ mãi vẫn không thấy ai lên tiếng. Còn đến năm con dao chưa được phóng ra.

Khó xử quá! Tôi biết đây là chuyện mưu sinh của bọn họ, không nên xen vào, nhưng cô bé đang sợ hãi thế kia làm tôi không thể an lòng đứng tại chỗ.

"Thằng ngu. Không được nhào đầu vào chỗ chết nữa, nghe chưa?"Giọng nói giống như Andrey vang lên trong đầu. Tôi đá nó qua một bên. Đây là một tiết mục biểu diễn chuyên nghiệp, mọi chuyện đều được tính toán kĩ lưỡng. Chết đâu mà chết!

"Trái tim của mày quá lớn, Pax à, và đó là một điều xấu!" Thế chỗ Andrey, giọng giáo huấn của Nick nghe văng vẳng bên tai. Tôi cố gạt nó đi, đẩy nó xuống một nơi tăm tối nhất trong tâm trí mình. Đây chỉ là chuyện giúp người nhỏ nhoi thôi mà, đâu phải điều xấu, đâu có làm long trời lở đất đâu mà sợ!

Phập! Con dao thứ tư được phóng ra, đâm vào tấm bảng gỗ, ngay sát dưới bàn tay đứa bé. Nếu bàn tay to hơn một chút thì tôi không biết các ngón tay kia có còn nguyên vẹn.

Người lực sĩ cầm lên con dao thứ năm cũng là lúc tôi nhảy xổ ra phản đối.

***

"Khoan đã!" Tôi la lên, dang hai tay ra che chắn. "Tôi xin ông, mau dừng lại đi!"

"Duy An!" Tạc Tổ thốt lên. Cậu đứng phắt dậy."Cậu làm gì thế?"

Người lực sĩ nhướn cao đôi lông mày, sững sờ trước sự hiện diện của kẻ phá đám. Hai người đấu mắt trong ba giây. Tiếng xì xào đồng tình của khán giả càng khiến tôi tự tin. Tôi tiến đến gần thì ông ta cũng lùi lại. Vừa lúc tôi đánh rơi con dao trên tay ông thì Tạc Tổ chụp lấy cánh tay tôi.

"Duy An!"

"Buông tôi ra!" Tôi hét lên, tay chỉ vào cô bé."Quý vị thấy không, đứa trẻ ấy đang rất kinh hãi. Tôi xin các ông, xin đừng hành hạ em ấy nữa!"

Người quản trò vội vã chạy đến phiên dịch lời của tôi, và vị lực sĩ như vở lẽ, mặt mày tỏ ra hối lỗi. Không chờ sự cho phép của họ, tôi kéo Tạc Tổ chạy đến và cởi trói cho cô bé. Cởi trói xong thì em ấy mới oà lên khóc nức nở.

"Suỵt! Được rồi. Hết rồi. Nín đi em." Tôi ngồi xuống, đặt một tay lên vai đứa em gái. "Tội nghiệp," tôi quay sang nói với Tạc Tổ, người đang lắc đầu ngán ngẩm, "Chắc là buổi diễn đầu tiên nên mới hoảng sợ đến thế. Em ấy còn quá nhỏ, không nên làm những trò nguy hiểm như thế này."     

"Còn cậu nữa đấy, Duy An à. Chớ nên làm những việc quá sức của mình."

Vì tôi đã phá đám tiết mục biểu diễn vào phút cuối, khán giả xung quanh đã mất hứng và bắt đầu phủi mông bỏ về. Điều đó đồng nghĩa với việc công sức bỏ ra nãy giờ của họ trở nên công cốc. Nghĩa là họ sẽ không bán buôn gì được. Nghĩa là họ sẽ bắt tôi đền bù thiệt hại.

Không cần thông minh thì tôi đã nhận ra hậu quả liên hoàn trước mắt mình.

"Khoan... khoan đã..." Tôi lắp bắp."Mọi người chờ chút..."

Người quản trò lườm tôi, ánh mắt giết người của ông làm tôi giật bắn. Ông ta định mở miệng chửi tôi một trận thì Tạc Tổ đã nhảy vào can ngăn. 

Cần gấp một kế hoạch chữa cháy!

Làm cách nào để giữ chân những khán giả Việt khó tính kia, cùng lúc quảng cáo thuốc cho bọn họ đây?

Tôi liếc quanh. Hai cái chập cheng trên bàn. Một cặp gà đá ở cuối sân. Một Tạc Tổ đang luống cuống móc tiền ra gỡ rối và một thằng Duy An đang nổi máu nghệ thuật.

À! Xem ra chỉ còn một cách!

"Các vị muốn bao nhiêu để tôi đền..."

"Tạc Tổ, không cần đâu." Tôi đẩy chập cheng vào tay cậu. "Chỉ cần cậu đánh cái này theo hiệu lệnh," tôi nháy mắt, "còn lại cứ để tôi lo."

Nói rồi tôi rút nẹp ngón tay ra, bẻ khớp rôm rốp (đau đến phát khóc), hắng giọng ba lần và lộn hai vòng ra giữa sân.

"Hãy để ta kể cho quý vị nghe một câu chuyện..."

***

Hai năm trong câu lạc bộ kịch ở trường đã cho tôi kha khá kinh nghiệm trong việc diễn xuất, hoặc ít ra là sự tự tin khi biểu diễn trước đám đông. Đương nhiên là tôi vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào kịch bản chứ không thể ứng biến như Nick, và tôi không thể tạo ra sức thu hút với khán giả bằng Andrey. Tuy vậy, tôi tin rằng niềm đam mê cháy bỏng sẽ có ngày chiến thắng tài năng thiên bẩm.

Những yếu tố trên, cộng với kinh nghiệm biểu diễn quyền pháp và đối luyện trong các buổi liên hoan võ cổ truyền càng khiến tôi vững tin, rằng mình sẽ làm người dân huyện Quảng Đức lác mắt.

Tạm thời cứ mặc kệ mấy ngón tay gãy. Về nhà tính sau.

Tôi mừng húm khi vài người khựng lại và quay về chỗ ngồi. Những cặp mắt hiếu kỳ dán lên người tôi.

"Trước hết, cho ta xin hỏi, ở đây ai đã từng xem đá gà?"

Hàng loạt cánh tay giơ lên. Xem ra ngoài tinh thần yêu nước thì máu cờ bạc cũng ăn sâu vào dân chúng quá ta!

"Chà, vậy thì ai ai cũng biết, nếu đặt cược, họ sẽ chọn con gà to hơn," tôi giang hai tay ra, "khoẻ hơn," tôi xắn tay áo khoe cơ bắp,"và hiếu chiến hơn. Đúng chứ?"

"Tất nhiên rồi."

"Đúng thế!"

"Phải đấy. Chú mày hỏi kiểu gì thế?"

...

Tôi mỉm cười. Nén cơn sợ hãi xuống bụng, tôi chậm rãi đi tới và cầm con gà chọi lên, giả vờ săm soi.

"Giống như con gà này. To lớn, dũng mãnh, đầy quyền uy. Nhìn xem, đôi cựa sắt bén thế kia..."

Vài cái đầu gật gù đồng tình.

"Tuy nhiên, không phải lúc nào con gà lớn hơn cũng là kẻ thắng cuộc." Tôi quay sang con gà nhỏ hơn, định tóm lấy nó thì bị vồ hụt. "Quý vị hãy nhìn kĩ vào con gà này, tuy nhỏ bé nhưng bền bỉ, linh hoạt, luồn lách để tránh né các đòn tấn công trực diện. Vậy mà chỉ cần tìm ra sơ hở của đối phương thì... Ui da!"

Con gà đáng ghét dám mổ một cú đau điếng vào mu bàn tay tôi, làm đám đông cười rộ lên. Máu nóng bốc lên não, phải kiềm chế lắm tôi mới không đạp nó vài cái cho hả giận.

Bình tĩnh! Bình tĩnh! Bình tĩnh!

"Ta nói, gà cũng giống như người. Chúng cũng có hai chân, cũng đi thẳng, cũng có lớp áo mặc bên ngoài và mũ đội trên đầu." Tôi lộn tròn ra sân, hai tay chống nạnh. "Giống như con gà to lớn kia, bọn giặc Ngô có vóc dáng cao lớn, thích ỷ lớn hiếp bé, tự cao tự đại, hung hăng bạo ngược..." Tôi bất ngờ nhảy tới, giơ "vuốt" lên hù mấy đứa nhỏ hàng đầu,"Thế mà, cũng có lúc họ phải chịu thua người Đại Việt ta!"

Đến đây thì tôi đã hoàn toàn có sự ủng hộ của dân chúng. Tôi nháy mắt ra hiệu cho Tạc Tổ.

Cheng!

"Dân Đại Việt chúng ta," tôi đi qua đi lại, tưởng tượng chính mình là sư phụ đang giảng bài cho đám đệ tử,"dáng người vốn thấp bé, nhanh nhẹn, dẻo dai, và đặc biệt là rất thông minh. Chúng ta không đánh xáp lá cà vào quân địch, mà thay vào đó biết vận dụng thời cơ để phản công hiệu quả. Yếu có thể đánh mạnh. Nhỏ có thể đánh lớn. Xa gần, nhanh chậm, biến hoá khôn lường."

Cheng! Cheng!

"Ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất Tây Sơn xa xôi, một trong các vị tổ sư võ phái của ta, Nguyễn Lữ, trong một lần xem đá gà dịp Tết, đã nhận ra sự tương đồng giữa con gà nhỏ kia và người Đại Việt. Thế là ông đã sáng tạo ra một bài võ, dựa vào cách tấn công của gà chọi để phù hợp với cách đánh giặc của dân ta. Nay, vì đã làm lỡ dở buổi diễn của các vị đây, ta xin mạn phép được đánh bài quyền này, cũng coi như là lời tạ lỗi với mọi người."

Tùng! Tùng! Tùng! Tùng! Tùng! Cheng!

"Bái tổ Hùng Kê Quyền."

Tôi cắn răng co các ngón tay tê cứng ngắc, làm thành nắm đấm tay phải và nhất dương chỉ tay trái.

Pax ơi là Pax, não tôi đang gào thét, tại sao mày lại chọn bài quyền này? Toàn là mấy động tác có hại cho xương ngón tay không à!

Trong lòng la ó ầm ĩ thế thôi chứ ngoài mặt tôi phải giữ vững thần thái.

"Lưỡng kê giao thủ thí tranh hùng."

Tôi xoay người qua một bên và liếc về phía trước, đầu nghĩ đến một đôi gà chọi đang vờn nhau trước trận đấu. Con nào cũng hừng hực quyết tâm chiến thắng, nhưng trước hết thì phải quan sát và tìm hiểu đối thủ cái đã.

Người dân xung quanh đang mắt tròn mắt dẹt trước bài quyền lạ. Mấy đứa nhỏ có vẻ thích thú lắm, người cứ chồm chồm lên phía trước.

"Song túc tề phi trảo thượng xung."

Là gà chọi nhau thì phải bay lên, giương móng vuốt và cựa để tấn công. Ở đây tôi "bay" bằng đòn song phi, hơi méo mặt vì đá trúng phần ngón bị gãy.

"Trấn ải kim thương như bạch hổ.
Thủ quan ngân kiếm tự thanh long."

Tấn công thì phải đi đôi với phòng thủ. Như con gà chọi, tôi nhảy về thủ thế, che chắn, cùng lúc sử dụng chỉ pháp mười ngón tay tấn công dữ dội, như mười cây thương vàng, kiếm bạc. Như hổ trắng và rồng xanh. 

"Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác.
Hồi thủ đơn câu thọ tự hung."

Và đến độc chiêu yêu thích của tôi – tấn công vào yết hầu. Lúc học bài quyền, sư phụ đã giải thích rất kỹ càng về thứ chiêu thức nguy hiểm này (thậm chí còn cho bọn tôi coi video đá gà). Con gà thường đá cả hai chân, dùng phần móng, hoặc cựa để cứa vào yết hầu đối phương. Thậm chí hiểm hoạ còn nằm ở phần mỏ gà. Nếu nguy cấp, cái miệng vẫn có thể trở thành vũ khí của người võ sinh, táp vào yết hầu hệt như con gà mổ vào mắt đối thủ.

Và tiếp theo có lẽ là chiêu thức yêu thích của Nick – cắm đầu bỏ chạy. Khi giao đấu với đối thủ to lớn hơn mình, cái quan trọng là phải biết dùng mưu tính kế (ở đây là kế thứ ba mươi sáu của Tôn Tử). Sau một hồi giao đấu, đợi đối phương thấm mệt thì ta mới bắt đầu phản công, nhắm vào những điểm yếu mà đánh, hệt như chiến thuật những con gà nhỏ sử dụng trước đối thủ lớn hơn mình.    

"Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ.
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung."[1]

Quả là Nguyễn Lữ, kết bài rất hay. Hai câu này như đúc kết được cái tinh hoa của bài quyền và võ học Tây Sơn. Chạy nhảy linh hoạt, luồn lách tài tình, trong nhu có cương, trong nhược có cường. Tấn pháp, cước pháp, thủ pháp, nhãn pháp, chỉ pháp, tất cả đều hoà quyện lại tạo thành một loại quyền pháp mới trong võ cổ truyền, làm một võ sinh thực hiện bài "Hùng Kê Quyền" như tôi hết sức tự hào. Khi thu tay về bái Tổ, tôi luôn thầm biết ơn Nguyễn Lữ. Sự sáng tạo và tài võ nghệ của ông luôn làm người đời sau nể phục. 

Đi xong bài quyền, tôi ôm tay cúi chào khán giả, nhận được tràn vỗ tay rền vang cả góc phố. Mấy đứa con trai chạy ùa tới, kéo tay năn nỉ tôi dạy võ cho chúng, còn người lớn thì cười nói rộn rã, mặt ai nấy cũng không giấu được sự hãnh diện. Không khí thật náo nhiệt, nhưng cũng thật hỗn loạn. Tôi lén xoa xoa các ngón tay tê cứng ngắc, đang tìm cách len lỏi giữa đám trẻ để chạy trốn khỏi hiện trường thì bị Tạc Tổ túm lấy cổ áo.

"Thật là... cũng may bọn họ không ưa triều đình nhà Minh..." Cậu lầm bầm, "Duy An, cậu không sao chứ? Cho tôi xem nào!"

Cậu ta nắm giật lấy cổ tay tôi, để lộ ra mười ngón tay đang sưng vều lên, đỏ ửng và vặn vẹo, trông rất khó coi. Mặt Tạc Tổ tối sầm lại, và tôi rụt cổ, ngỡ cậu sẽ tán cái đầu mít đặc của tôi hệt như cách Andrey thường làm.

"Cậu..."

"Ha ha... Tôi không sao. Không sao cả."

"Cậu mà tiếp tục hành động thế này, tôi sẽ mách cậu An-rây đấy!"

Vị lực sĩ khi nãy bước tới. Ông nói nhanh gì đó bằng tiếng Trung, cúi đầu ôm quyền.

Tôi vội vã đáp lễ và nói thêm, "Ông đừng nên khách sáo như thế. Sau này, tôi chỉ mong ông đừng biểu diễn trò nguy hiểm đó nữa."

Thấy đôi bàn tay thê thảm của tôi, người quản trò xuýt xoa, liền thương tình nhét vào lòng tôi hai lọ thuốc Bắc, hình như là thuốc xoa bóp. Tôi lật đật cúi đầu cảm tạ, co người chuẩn bị chạy nước rút đến Bách Khả đằng xa. 

"Sư phụ!"

"Ấy!"

Một cậu bé khoảng bảy, tám tuổi bất ngờ nắm chặt góc áo của tôi. Thằng bé có tóc để trái dừa, dáng người gầy ốm, và chân phải bị tật.

"Mong sư phụ hãy nhận Thiều Huy làm đệ tử."

"Em à, xin lỗi em, nhưng anh không nhận đệ tử."

Tôi lắc đầu và nhẹ nhàng gỡ tay cậu bé ra. Nếu tôi nhận đệ tử thì chẳng khác gì làm đảo lộn lịch sử phát triển của võ cổ truyền Bình Định. Tôi không dám cướp công của các vị tổ sư đâu.

Cậu bé vẫn nhất định không buông. Tôi đưa ánh mắt cầu cứu qua Tạc Tổ, bị thằng bạn phớt lờ và đi thẳng một mạch đến bạch mã của mình. Đáng ghét thật!

"Thôi mà! Thôi mà!" Tôi xuống giọng năn nỉ,"Anh không đủ tài đức để truyền dạy võ thuật cho em đâu."

"Thiều Huy muốn sau này được làm võ uý, sẽ đi theo sư phụ đến cùng."

Mặt méo xệch, tôi lóng ngóng trước "cái đuôi" lì lợm, không tài nào cắt được. Với trẻ con, tôi không thể nhẫn tâm lừa gạt để thoát thân, càng không thể dùng vũ lực đối phó. Khổ nỗi, ánh mắt long lanh như cún con của cậu bé Thiều Huy làm tim tôi, vốn đã mềm yếu, trở nên nhão nhẹt thành một vũng trên đất. Từ đằng xa, đám trẻ trông thấy tôi thì chạy ùa lại, bu quanh một vòng.

"Anh ơi, dạy võ cho bọn này với."

"Suỵt! Bậy nào, các em phải gọi anh ấy là sư phụ."

"Sư phụ! Sư phụ! Sư phụ!"

...

Thế là tôi hết đường chuồn.

"Thôi nào!" Tôi ngồi xổm xuống, tay đặt lên vai Thiều Huy. "Anh gọi là Đức Bình, và anh không nhận đệ tử."

Đám trẻ ồ lên, tiếc nuối.

"Nhưng mà, anh sẽ thường xuyên vào huyện ghé thăm mọi người. Lúc đó, anh sẽ biểu diễn võ thuật cho mọi người xem." Tôi đưa tay lên, mỉm cười. "Hứa luôn!"

Đợi đến khi mọi người đã rời khỏi, Thiều Huy vẫn chưa chịu buông tha cho tôi. Nick và Tạc Tổ đánh ngựa lại gần.

"Pax, đi thôi!"

Tôi cười khổ. "Anh phải làm thế nào thì em mới cho anh đi đây?"

"Xin hãy nhận em làm đệ tử." Thấy tôi nhướn mày, cậu bé vội vàng nói thêm,"Anh đánh võ... võ công cao cường... như ngài... ngài Điện tiền... tiền chi đô chỉ huy sứ..."

Câu nói này khiến tôi lập tức cảnh giác.  

"Thế à? Em quá khen rồi."

"Pax!"Nick gọi.

"Nếu muốn học võ, em có thể đến tìm gặp anh ở làng Yên Thái, được chứ?"

May sao, thằng bé đã thoả mãn trước thông tin này. Tôi thở phào ra và nhảy lên ngựa.

Một cậu nhóc bị tật ở chân muốn làm võ uý và đã gặp được vị võ quan cấp cao trong triều – Điện tiền chi đô chỉ huy sứ ư? Xem ra thằng bé này xuất thân không hề đơn giản.

Chú thích:
[1] Bài thiệu của Hùng Kê Quyền

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro