Chương 5: Dò Hỏi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Theo phản xạ tôi rụt người lại phía sau, đưa mắt nhìn lên kẻ trước mặt. Là một người đàn ông độ ba mươi, cao tầm thước, lưng khòm vác theo đống củi to quá đầu và tay cầm cây rìu sắt. Râu ria xồm xoàm che đi nửa khuôn mặt khiến ông trông thật đáng sợ, nhưng bộ đồ vải nâu sờn lấm lem cùng đôi dép cói khiến ông trở nên vô cùng bình dị và chất phác. Đôi mắt to nheo nheo lại, đánh giá từng người bọn tôi như những món đồ lạ mắt. Kì lạ nhất là hàm răng nhuộm đen xì và mái tóc chẻ giữa được búi củ hành, phần tóc dư rũ xuống được thả ra, bay phất phơ.

Trong khi Andrey còn đang đơ ra và trố mắt nhìn kẻ lạ mặt thì Nick một bên đã gấp con dao mười hai món lại, bỏ vào túi quần và nhanh nhảu trả lời, "Bọn tôi là thương nhân người nước ngoài, qua nước Việt Nam buôn bán."

Andrey bừng tỉnh, cất cái la bàn vào túi áo và dịch câu nói trên bằng thứ tiếng Việt nửa vời, "Chúng tôi... ờm, là người buôn bán ngoài nước, qua nước Việt..."

Tới lúc này tôi mới hoàn hồn và nhận ra khả năng giao tiếp của hai thằng bạn cần sự trợ giúp của chuyên gia bản ngữ.

"Tại sao các người lại ở đây?" Ông ta tiếp tục tra hỏi, mắt di chuyển vào ba cái ba lô của bọn tôi.

"Ờm, ha ha, chúng tôi, ông biết đấy, là thương nhân chuyên buôn bán đồ... đồ... ừm... quý hiếm. Đúng rồi, là đồ cực kì quý hiếm. Nhưng chẳng may bị sơn tặc chặn cướp giữa đường nên đã mất hết tài sản, chỉ còn lại bấy nhiêu đây thôi." Nick ứng biến như thần và nếu không có người đàn ông đang đe doạ tính mạng với cây rìu thì tôi đã sụm người xuống lần nữa chỉ để quỳ lạy cậu ta. Anh bạn thời trung học luôn xuất sắc trong các lớp kịch ứng tác.

Đương nhiên với khả năng dịch thuật và vốn từ tiếng Việt tàm tạm, tôi đã vô tình cứu vớt tính mạng ba đứa. Ông ta có vẻ hiểu ra sự tình bởi khuôn mặt bớt toả ra ám khí, thay vào đó là sự thông cảm.

"Bọn tôi may mắn, thoát chết và tìm đến tận đây," Andrey tiến đến chậm rãi và cúi thấp người xuống, tay nắm lại thành quyền như trong võ cổ truyền và vái chào. Mắt tôi muốn lòi ra ngoài khi người đàn ông giắt cây rìu vào bên hông và vái chào lại, các ngón tay đan vào nhau, chắp lại phía trước. "Nay... bọn tôi mệt lắm, bị thương và đói bụng nên tìm đường xuống núi, để... ờm... ăn tối và nghỉ ngơi."

"Ta làm công quả ở chùa Hun, có thể nhờ thím Năm nấu cho các cậu bữa cơm chay. Các cậu có thể xin chỗ ngủ ở chùa, hoặc ngủ nhờ ở nhà ta gần ngay chân núi."

Bàng hoàng, tôi đưa cặp mắt ngơ ngác lên nhìn hai thằng bạn. Sao người Việt xưa tốt quá nhỉ? Quá rộng rãi luôn là đằng khác! Mặc dù trước mặt ông ta là hai người ngoại quốc và một người nửa ngoại quốc, thế mà vẫn cho chỗ ăn chỗ ngủ qua đêm miễn phí. Dù còn thận trọng, tôi vẫn bước tới và bày tỏ sự cảm kích lẫn xúc động của mình.

"Đa tạ sự hào phóng của... ờm..."

"Các cậu có thể gọi ta là Phi, tự là Vũ Tích."

"Cảm ơn... chú Phi." Nick nói lơ lớ, cúi đầu theo Andrey.

"Đa tạ, Vũ Tích." Không hiểu sao tôi lại chọn đi theo thứ phép tắc lễ nghi khi mới vượt thời gian chưa quá vài tiếng. "Tôi họ Đặng, gọi là Duy An."

***

"Các cậu là thương nhân nước nào?" Vũ Tích vẫn nhìn chằm chằm hai thằng bạn, và tôi đây chính thức bị phớt lờ. Cũng tốt thôi. Tôi ghét sự chú ý.

"Bọn tôi là thương nhân đến từ... từ Anh Quốc!"

"À, ý cậu là... Anh Cát Lợi?"

Andrey nhìn tôi cầu cứu nhưng chỉ nhận được câu nhép miệng: "Tao không biết gì hết!"

"Thật tình thì ta chưa bao giờ được có cơ hội trò chuyện với người ngoại quốc. Bọn họ chỉ tập trung ở những thương cảng lớn như Vân Đồn."

"À!" Tôi gãi gãi đầu, thử tài bịa đặt."Bọn tôi muốn tận tay đem hàng hoá vào đất liền để trao đổi. Những thứ phát minh trong đây," tôi đưa chiếc ba lô lên, "cần có hướng dẫn sử dụng."

Andrey nghe tới đây mặt đột nhiên tối lại, đôi mắt sâu hoắm liếc qua như thể muốn ném tôi luôn xuống giếng. Nick, ngược lại, mắt loé lên đầy thách thức. Cặp mắt sáng của Vũ Tích dán chặt vào chiếc ba lô, nghiên cứu từng chi tiết trên đường may, đường thêu cho đến chất liệu vải dù, da giả và nhựa. Mấy cái khoá dây kéo lủng lẳng bằng kim loại dường như thu hút sự chú ý của ông hơn cả. Tôi có cảm giác Vũ Tích muốn hỏi rất nhiều thứ nhưng kìm nén suốt quãng đường về chùa. Không thể trách trí tò mò của người xưa được.

"Chả trách các cậu lại bị cướp, mang theo nhiều thứ đồ đáng giá như thế." Vũ Tích lắc đầu. "Còn cậu Duy An là người Đại Việt à?"

"Tôi là người Đại Việt, nhưng cha tôi là người Anh Cát Lợi." Đương nhiên thời đó làm gì có nước Mỹ. "Sinh sống ngoài Đại Việt và ừm... chu du bốn biển, ờm, bốn 'bể', từ nhỏ." Câu trả lời vô cùng hợp tình hợp lí, nửa giả nửa thật. Tôi ngầm thưởng cho chính mình một cú vỗ trên lưng.

"Tôi, Greece." Nick chỉ tay vào chính mình.

"Đây là Nicholas Zephyrinus Kanelos đến từ vương quốc Hy Lạp," tôi dịch.

"Hy Lạp ở đâu?"

"Ờm, là một vương quốc nằm ở phương Tây." Tôi trả lời, tranh thủ lườm Nick một cú.

Lúc này sân sau chùa hiện ra từ hai tán cây thông non. Tôi không kiềm được lòng mà thốt lên, "Đẹp quá tụi mày!"

Thu vào tầm mắt tôi bây giờ là một khu vườn đa năng với đủ loại thực vật, từ các cây ăn quả như nhãn, lê, bưởi bên góc phải, tới rau trồng ăn được như xà lách, cải xanh, rau muống, được chia làm mười luống, tới những loại cây thuốc trồng xung quanh mà tôi không biết tên. Chen chúc giữa luống rau, hoa cúc dại điểm tô lên sắc vàng và trắng cho khu vườn. Phía bên trái Nick bỏ tay vào hai túi quần, nắm tay thành quyền, chắc là như muốn kiềm chế bản năng lôi điện thoại ra chụp hình.

Đang ngồi xổm giữa những khóm rau thơm là một nhà sư trẻ, quần nâu xắn lên gối, tay thoăn thoắt nhổ từng đọt lá xanh mơn mởn bỏ vào một cái rổ tre. Khi nghe có tiếng bước chân thì anh ta ngước nhìn lên, cười tươi rói cho đến khi thấy ba đứa tôi.

"Chú Phi, chú về rồi à? Thím Năm nhắc chú hoài, sợ chú trễ bữa cơm chiều..." Vừa hoảng hốt vừa tò mò, anh ta từ từ tiến lại. "Ba vị này là ai?"

Đây chính là thử thách giao tiếp của mình, tôi tự nhủ. Cảm thấy chính mình dũng cảm hơn lần trước, tôi chủ động bước tới ba bước và chấp tay, nghiêng người xuống chào:

"Ờm... tôi họ Đặng, tên là Duy An, là thương nhân đến từ Anh Cát Lợi. Đây là bạn đồng hành của tôi, An-đờ-ray và Ni-cô-lát."

Phía sau Andrey ho sù sụ. Tôi phớt lờ hoàn toàn.

"A Di Đà Phật. Bần tăng Quang Hạnh." Nhà sư chấp tay chào lại, có vẻ vẫn còn hơi cảnh giác. Chả trách được khi nhìn vào dáng người cao to và cách ăn mặc dị hợm của ba đứa tôi.

"Bọn họ bị sơn tặc vây đánh trên đường tới kinh thành." Vũ Tích đi vòng qua một ngõ khác, băng qua cây cầu gỗ và rẽ vào một hành lang. Ông ra dấu bọn tôiđi theo. "Nay muốn tìm một chỗ nghỉ chân."

"Và một bữa ăn tối." Andrey, người đang im lặng quan sát tình hình bất ngờ lên tiếng. Quang Hạnh giật bắn, len lén ngước đôi mắt lanh lợi lên quan sát hai anh chàng người nước ngoài: từ mái đầu vàng cắt kiểu quân đội tới mái đầu nâu xoăn tít, từ đôi mắt xanh màu trời cho tới đôi mắt xanh màu rừng, từ nước da trắng như trứng gà bóc tới nước da ngăm màu bánh mật. Xong nhà sư lướt nhìn qua tôi, anh chàng người "ta" với mái tóc xù như tổ quạ và đôi mắt nâu quen thuộc. Điều khác biệt duy nhất của tôi là chiều cao quá khổ so với người xưa.

Andrey khi bắt gặp ánh nhìn dò hỏi đã điềm tĩnh nhìn lại, gật đầu như khẳng định rằng "Đúng, tôi là người vừa mới nói" và "Đúng, tôi biết ngôn ngữ của Đại Việt".

"Bần tăng trộm nghĩ," Quang Hạnh quay về phía tôi, "rằng quý vị có thể nghỉ đêm ở chùa, nhưng chỉ sợ đêm nay phải đón khách quý từ kinh thành, mà nhìn bộ dạng của các vị... nên..."

"À, ta hiểu rồi." Vũ Tích chặc lưỡi, lắc đầu."Không sao đâu, bọn họ có thể nghỉ chân ở chỗ của ta. Khi nào các vị quan khách sẽ đến?"

"Tầm khoảng giờ Tuất. Nhanh lên, dưới nhà bếp cần thêm củi để nấu món canh nấm." Nhà sư trẻ nhìn bóng dáng Vũ Tích vác bó củi bự chảng và rổ rau thơm rẽ vào hướng bếp, xong lại quay sang tôi, mặt hối lỗi. "Tạ lỗi với quý vị, bần tăng không thể nào đưa ra quyết định mà không hỏi ý kiến của đại sư. Bây giờ bần tăng sẽ dẫn các vị đến thư phòng gặp thượng toạ, và cũng là sư phụ của ta. Cơm chay sẽ được dọn lên trong vòng nửa canh giờ."

Hai đứa bạn nhìn tôi chằm chằm, mong chờ dịch thuật. Andrey, theo nét mặt thì hiểu chưa đến phân nửa. Nick thì khỏi nói, nghe như vịt nghe sấm. Trán tôi bắt đầu đổ mồ hôi hột, bởi ngôn ngữ thời xưa nói sao mà khó hiểu quá!

Canh giờ là gì? Khác canh nấm chỗ nào? Bần tăng? Đại sư? Thượng toạ? Thư phòng?

Bọn tôi băng qua hết hành lang này đến hành lang khác, đền thờ chính phụ, trái phải, chuông đồng, sân vườn và sân sỏi, cầu và hồ sen... cứ y như một mê cung vậy! Nếu đây không phải là chùa thì tôi đã nghĩ quần thể kiến trúc này là một cung điện. Phiên bản chùa thời hiện đại chỉ đáng nép mình khiêm tốn so với phiên bản thời bấy giờ. Nếu một ngôi chùa thôi mà đã vậy thì Thăng Long chắc phải đồ sộ và nguy nga lắm.

Tôi thầm ngưỡng mộ sự kính trọng bề trên của người Đại Việt.

Đi rã rời, bọn tôi dừng chân trước một căn phòng lớn chứa đầy kinh sách và tài liệu. Thì ra đây là "thư phòng". Cửa chính mở toang nên bọn tôi tự nhiên bước chân vào.

"Sư phụ, chùa ta có các vị quan khách ngoại quốc đến thăm."

"Khẽ thôi, Quang Hạnh." Một nhà sư khoảng độ trung niên bước ra từ hai hàng kệ sách. Ông cũng vận áo nâu như Quang Hạnh nhưng vạt áo và ống tay áo dài hơn. Khi nhìn thấy khuôn mặt lo lắng và nụ cười gượng gạo của tôi, ông mở to cặp mắt đang nhắm hờ ra và nhanh chóng sải ba bước dài tới trước mặt tôi.

"A Di Đà Phật." Rồi chợt ông nhớ ra và chấp tay chào. Bọn tôi rập khuôn làm theo. "Bần tăng Thích Đăng Nhiên."

"Tôi là Đặng Duy An." Chỉ tay vào hai thằng bạn."Đây là bạn đồng hành của tôi, An-đờ-ray Gia-kha-rốp và Ni-cô-lát Ka-nê-lót." Tới đây thì sườn bên phải tôi bị thụi một cú đau điếng. Xem chừng khả năng phiên âm tên tiếng Việt của tôikhông được ủng hộ rồi! Be sườn đau nhói làm tôi nghiến răng, cười càng lúc càng gượng gập. "Thật sự không dám làm phiền sư phụ, ba người chúng tôi chỉ đến xin nhà chùa bữa cơm chay."

Vị sư chỉ tay vào hàng ghế gỗ xếp thẳng tắp ngay những chiếc bàn đọc sách.

"Mời quý vị an toạ. Đệ tử Quang Hạnh sẽ mang trà lên trong chốc lát."

"Cảm ơn... ừm... sư phụ Thích Đăng Nhiên," Andrey rụt rè lên tiếng sau một hồi bốn người ngồi nhìn nhau, ngượng ngập. "Ba người chúng tôi từ Vân Đồn, ừm... chu du đến tận đây, thật sự là đang muốn tìm một người."

"Andrey, đừng!" Tôi can, mém bật người ra khỏi chiếc ghế nhỏ xíu. Đương nhiên là "đại ca" Andrey chẳng coi lời nói tôi ra cái đinh gì.

"Người đó... là con trai của Nguyễn Trãi."

***

Câu nói trên chẳng khác nào việc Andrey vừa mới quăng quả lựu đạn vào phòng, khiến Quang Hạnh mới bước vào ngưỡng cửa đã nhảy thót lên, suýt đổ hết khay trà vào người, và vị sư phụ đáng kính cũng muốn té luôn khỏi ghế. Tôi và Nick nhìn nhau, nhìn Andrey rồi chỉ muốn đập đầu vào bàn.

Andrey ơi là Andrey! Sao mày cứ có bao nhiêu là nói toẹt ra hết vậy!

Quang Hạnh đặt khay trà nóng hổi lên bàn, nhanh tay đóng hết cửa ra vào và cửa sổ, mặc kệ cho căn phòng tối thui khi trời đã sẩm tối. Anh chàng đệ tử thắp hai cây đèn dầu lên và lui khui tự tìm cho mình một chiếc ghế.

"A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai!"

"Quý vị, tên người này không thể nhắc tuỳ tiện." Giọng nói của Quang Hạnh cao hơn một quãng, có chút gì đó run rẩy.

"Con... e hèm... tôi không hiểu." Tới lượt Andrey bối rối, nhìn sang Nick tìm đồng minh. Có lẽ vì không ưa cách nói chuyện thẳng như ruột ngựa của thằng bạn hay không hiểu mô tê gì nên Nick đã nhìn đi chỗ khác, bất bình hừ mũi.

"Quý vị hẳn từ nơi khác đến nên đã không rõ sự tình diễn ra trên đất Đại Việt. Người này... nhiều năm trước đã phạm vào một trong thập ác...và bị... bị..." Sư phụ Đăng Nhiên vô cùng khổ sở giải thích, như thể chính ông bị tra tấn cùng gia quyến Nguyễn Trãi.

"Tru di tam tộc." Tôi tiếp lời bằng một cú thở dài. "Tiếc cho một người vừa tài năng vừa đức độ. Cho tôi xin hỏi đại sư, hiện tại là năm nào?"

"Đây là năm Quang Thuận thứ hai[1]."

Andrey nhướn mày lên nhìn tôi, nhận được cú lắc đầu. Quả là có hỏi cũng như không.

"Tại sao quý vị lại tìm kiếm gia đình của... người đó? Phải chăng triều đình và..." Tới đây ông hạ âm xuống hoàn toàn, chỉ còn tiếng thì thào "...thái hậu đã tận diệt họ?"

Lần này tôi không chần chừ đạp vào chân Andrey để cậu ta im miệng, dù chắc chắn sẽ bị ăn chửi ngay sau đó. Nhưng thà bị chửi còn hơn là cuộc trò chuyện với đề tài nhạy cảm bị phá hỏng và mọi thứ trở nên công cốc. Tôi đang cần biết rất nhiều thông tin từ vị sư phụ thông thái đang ngồi trước mặt.

"Nhưng khi nãy quý vị nói rằng chỉ định vào Đông Kinh để buôn bán," Quang Hạnh tò mò cắt ngang, nhận về đôi mày cau lại từ sư phụ mình. "Tại sao lại muốn tìm con của một tội nhân?"

Thằng Andrey chết tiệt, lộ tẩy danh tính là do mày hết!

Tôi hoảng sợ dịch câu nói ra cho Nick nghe. Cậu ta nhún vai trả lời, "Chúng tôi năm xưa đã nợ gia đình ông ta một ân nghĩa lớn, nay muốn tìm lại để báo đáp bằng một bảo vật quý giá. Chỉ là khi bước xuống cảng dò hỏi thì không ai dám trả lời. Thế là chúng tôi phải tự đi tìm hiểu."

Một lần nữa tôi muốn quỳ lạy anh bạn thiên tài này! Lần sau tốt nhất cứ để Nick trả lời.

"Thì ra là vậy. Bần tăng đã hiểu," Quang Hạnh gật gù."Khoan đã, vậy thì làm sao quý vị lại biết được con của Nguyễn... còn sống?"

"Chúng tôi thật sự không biết, chỉ biết rằng báu vật biếu tặng gia đình ông ta chỉ có thể... ờm... thích hợp để tặng cho con trai. May làm sao trên đường bị cướp bọn tôi vẫn có thể giữ được trong người."

Vừa nói, cậu ta vừa cho tay vào ba lô, lục lọi và lấy ra một con dao gấp bỏ túi cầu vồng. Cán dao được chạm khắc hình rồng tinh xảo. Hai nhà sư há hốc khi Nick bật lưỡi dao ra, thứ kim loại đủ màu lấp lánh trong ánh đèn dầu mờ ảo. Tôi và Andrey khịt mũi nhìn Nick chơi với con dao quá đỗi bình thường này, lại là thứ trông như bảu vật vô giá thời cổ đại.

"Kì diệu!" Quang Hạnh cảm thán, mắt mở to hết cỡ. "Quả là điều kì diệu. Chỉ tiếc là..."

"Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên." Hai người nhìn nhau thở dài. Mắt sư phụ Đăng Nhiên buồn rười rượi.

Vừa lúc tôi định hỏi ý nghĩa câu nói thì Nick thốt lên, "Mặc dù vậy bọn tôi vẫn muốn tìm những người thân còn sống sót của Nguyễn Trãi. Nay bọn tôi muốn đến kinh thành để dò hỏi tin tức. Cảm phiền sư phụ và nhà chùa giúp đỡ bọn tôi ba thứ để vượt qua cơn hoạn nạn..."

Vũ Tích gõ cửa và thông báo bữa cơm tối đã sẵn sàng.


Chú thích
[1] Quang Thuận là niên hiệu thứ nhất của vua Lê Thánh Tông. Quang Thuận năm thứ hai nghĩa là vua Lê Thánh Tông đã lên ngôi được hai năm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro