Chương 6: Sơ tán và chụp ảnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cứ như thế, Liễu Du Sinh bắt đầu ở tại biệt thự nhỏ của Chu Diệu Hoa.

Liễu Du Sinh mỗi ngày đến trường dạy đều có Chu Diệu Hoa sai người nhà kéo xe đưa đón. Chu Diệu Hoa cũng rất bận, phần lớn thời gian trong ngày đều làm việc bên ngoài.

Có người đồn Nhật Bản đang liên tiếp thua trận, có lẽ ngày chiến thắng của quân Trung Quốc không còn xa nữa. Tin tức này khiến toàn dân tinh thần phấn chấn, thế nhưng lúc này sự bao vây của Nhật Bản đối với Thành Đô ngày càng dày đặc, bởi lẽ bất kì ai dẫu chết vẫn muốn đối thủ của mình phải thảm hại không kém, thế nên báo động hướng về Thành Đô vẫn rất nhiều, trường học cũng đành cho nghỉ.

Không biết phải nói Liễu Du Sinh quá mức lười biếng hay không thèm quan tâm tính mạng bản thân, mỗi lần chuông báo động reo vang, cậu vẫn giữ nguyên trạng thái làm việc, không thèm để ý đến cảnh cáo kia. Cậu không sơ táng, thế nhưng bom chưa một lần tạc đến nơi, này phải nói vận khí quá tốt đi.

Hiện tại trường cho nghỉ, cậu cũng nhàn rỗi, quyết định đem quyển sách dang dở hồi trước ra viết tiếp.

Lúc này mặt trời đã lên đến đỉnh, chuông báo động lại vang, đầu bếp cùng người làm trong biệt thự nháo nhào muốn chạy, chỉ còn lại một tên bảo vệ. Y không dám đi, vì vô luận khuyên Liễu Du Sinh thế nào, cậu cũng chẳng buồn nhúc nhích.

Chu Diệu Hoa cùng hai người khác trở về, nhìn thấy người bảo vệ còn sót lại, ngạc nhiên "Lão Lưu, sao ông còn ở đây? Đi trú bom thôi chứ?"

Lão Lưu tiến đến: "Lão gia, tôi ở trong này không sao, người trong biệt thự đã đi hết, còn lại tôi giữ nhà cũng tốt, huống chi Liễu tiên sinh cũng không sơ tán a?"

Câu đầu của lão Lưu là Chu Diệu Hoa rất hài lòng, nhưng câu sau khiến anh có chút kinh ngạc: "Du Sinh không đi?"

Lão Lưu đáp "Liễu tiên sinh mỗi lần có báo động đều không bỏ đi, có lúc ngồi ngoài sân sưởi nắng cùng kẻ già đây tán gẫu, có khi ngồi thinh lặng trong thư phòng đọc sách."

Chu Diệu Hoa gần đây thực sự rất bận, tuy muốn có thêm nhiều thời gian bên cạnh Liễu Du Sinh nhưng lại không tìm đâu ra, định chờ qua một khoảng thời gian rồi khuyên cậu xuất ngoại cùng hắn.

Hắn luôn dành nửa ngày ở ngoài, chỉ buổi tối mới ở nhà cùng Liễu Du Sinh nên việc cậu không ra ngoài tránh giặc đến bây giờ mới biết được.

Nghĩ đến trước kia trong thành bị bom tạc, nhà cửa sập cả, lại còn có hỏa hoạn, chết không ít người, hắn trong lòng có chút sợ, vì sao Liễu Du Sinh lại không đi lánh nạn, nếu lỡ có chuyện gì thì làm sao bây giờ?

Mỗi lần chuông báo động réo vang, Chu Diệu Hoa vốn luôn quan tâm số mệnh sẽ lập tức đi tránh nạn, khi thì cùng khách hàng trong thương giới, lúc lại đi chung với nhân viên chỗ làm, ở điểm sơ tán ngoại thành vẫn có thể tiếp tục bàn luận việc làm ăn, hắn cứ ngỡ Liễu Du Sinh ở trường có lẽ cùng giáo viên và học sinh sơ tán, không nghĩ tới cậu ở lì trong nhà chẳng làm gì cả.

Lại nói một chút về việc sơ tán tại Thành Đô.

Quân địa phương sau khi dự đoán thời điểm tập kích của máy bay địch liền kéo còi. Ngoại thành Thành Đô vốn là đồng bằng, kênh rạch chằng chịt vờn quanh những ruộng lúa tốt tươi, ven đường có những hàng cây xanh trải dài, có một khu rừng hoang dã, khe suối vòng quanh, quả là một nơi lý tưởng để ẩn nấp. Mỗi lần chuông báo động reo vang, nhân dân Thành Đô lập tức chạy ngay ra ngoại thành, như thế chính là sơ tán.

Bởi vì việc báo động đã thành chuyện thường ngày ở huyện, rất nhiều người liền coi nơi hoang vu này thành chỗ ở dã chiến.

Có người tất sẽ có nhu cầu thị trường, vùng đồng vắng ngày nào giờ đã có mấy sạp buôn nhỏ bán đồ ăn vặt đặc sản của Thành Đô, có người còn đến khu này mở mấy quán trà giản dị. Cho dù trong thành báo động réo vang, trong thành tán loạn, nhưng chốn ngoại ô này vẫn có những người nhàn nhã uống trà nói chuyện phiếm.

Dân Thành Đô thật sự rất ưa nhàn nhã hưởng lạc, việc chạy giặc mà họ còn có thể đem thành một trò tiêu khiển, giữa ngoại ô xanh rì cỏ non vẫn ung dung nhấm nháp trà thơm, thưởng thức phong cảnh cùng đồ ăn ngon, nghe đàn dương cầm, kể chuyện phiếm. Thậm chí có tay nào đó nhanh trí, đem kỹ viện từ nội thành dời sang chốn này, nghe đâu làm ăn cũng rất phát đạt.

Không thể không nói, người Thành Đô quả thực trời sinh thanh nhàn, sơ tán cũng đem thành công việc hằng ngày, còn có thể làm giàu từ mấy thú vui phong nhã. Chu Diệu Hoa cực kỳ yêu thương mạng sống bản thân, vốn là đã ra ngoại thành ngay lập tức, nhớ tới chuyện quan trọng nên đành trở lại, giờ lại ngồi nghe chuyện Liễu Du Sinh không sơ tán.

Thời điểm hắn lên lầu tìm Liễu Du Sinh, cậu đang bình thản viết thư pháp, học theo lối chữ của cha con Vương Hy Chi – Vương Hiến Chi.*

"Du Sinh! Em sao còn ở lại? Mau đi sơ tán!" Chu Diệu Hoa nóng lòng xông vào, không kịp gõ cửa. Đang lo lắng muốn chết, vào phòng lại thấy cậu ngồi nhàn nhã viết thư pháp, liền nhanh chóng kéo tay muốn lôi cậu ra khỏi phòng lánh giặc.

Thế nhưng Liễu Du Sinh quả thực nhàn nhã tự tại, chỉ có chút ngạc nhiên lúc Chu Diệu Hoa xông vào, sau lạu nở nụ cười: "Anh xem, mỗi ngày đều báo động, thế mà có bao giờ tạc đến đây đâu. Mà vả lại có đi chăng nữa, chắc gì đã trúng phải người mình, việc gì phải hao công tốn sức chạy ra ngoại thành, ở trong nhà sưởi nắng luyện chữ chẳng phải tốt hơn sao?"

"Em sao lại nghĩ như thế? Ra ngoài trú đương nhiên vẫn an toàn hơn chứ, thôi, thu dọn một chút, nhanh đi với tôi." Chu Diệu Hoa cường ngạnh nói.

Liễu Du Sinh cười, vỗ vỗ cánh tay hắn: "Anh mau đi đi, tôi ở đây luyện chữ, không sao cả, cho dù thật sự đánh đến đây tôi cũng có mắt mũi tay chân, thấy bom tạc đến chẳng lẽ không biết chạy sao?"

Chu Diệu Hoa bị sự bình thản này của Liễu Du Sinh chọc tức không ít, trực tiếp vơ lấy vài vật trong thư phòng, cầm cả cái áo choàng lông chồn tía rồi kéo cậu đi không chút khách khí.

Liễu Du Sinh dở khóc dở cười với bộ dáng hùng hổ kia của hắn, không thể phản kháng đã bị hắn lôi ra ngoài. Để mấy thứ kia cho người làm cầm, Chu Diệu Hoa nhanh chóng lôi cậu lên xe kéo chạy đến ngoại ô.

Bầu trời lúc ấy trong vắt, mây trắng tinh khôi gợn sóng chạy dài theo gió nhẹ, chẳng thấy chút bóng dáng nào của máy bay địch. Đến ngoại thành, gió nhẹ thoảng mang theo hơi nước hiu hiu thổi hơi lạnh phong sương.

Chu Diệu Hoa đang định khoác áo choàng cho Liễu Du Sinh thì chợt nghe có tiếng gọi tên, quay đầu thì thấy một người nước ngoài đang vẫy vẫy hắn. Chu Diệu Hoa mang cậu đến phía đó, giới thiệu: "Đây là người bạn thân tôi quen bên Mỹ, tên James, y vốn là con nhà kinh doanh nhưng lại mê nhiếp ảnh, y nằng nặc bắt tôi dắt đến Trung Quốc để quay lại tình hình hậu phương Trung Quốc thời chiến tranh gì đó."

Liễu Du Sinh vì lời nói của Chu Diệu Hoa mà ít nhiều chú ý đến người tên James này, cậu đối với việc phân biệt mấy người nước ngoài tóc vàng mắt xanh này có chút khó khăn nên không rõ có phải là người đi chung với Chu Diệu Hoa ở quán trà lần trước hay không.

James sai mấy trợ thủ người Trung Quốc của y thu thập tất cả thiết bị chụp hình, còn mình thì đến trước mặt Chu Diệu Hoa, nói mấy câu tiếng Anh mà Liễu Du Sinh nghe chả hiểu gì.

Lúc sau lại nghe James dùng cách phát âm tiếng Trung sứt sẹo của mình xổ được mấy câu: "Xin chào, rất vui được làm quen, rất vui được làm quen!"

James thấy Liễu Du Sinh mặc áo dài, tưởng cậu là dân Trung Quốc truyền thống liền chắp tay theo kiểu hành lễ của người Hoa. Liễu Du Sinh cũng đành chắp tay chào hỏi một chút.

Sau đó cậu nhận ra cái tên Tây này rất thất lễ, soi mói người ta từ đầu đến chân, sau lại cùng nói gì đó với Chu Diệu Hoa, hắn cười cười đáp ứng, y liền trở về kêu mấy người trợ lý sắp xếp dụng cụ.

Đối với mấy trò hề của tên Tây thần kinh này Liễu Du Sinh thấy buồn cười, nhưng vì không hiểu Chu Diệu Hoa nói gì mà cảm thấy bực bội.

Chu Diệu Hoa đến lúc này mới có thể khoác áo cho cậu, nhẹ nhàng nói: "Trời hơi lạnh, em lại ăn mặc phong phanh thế này, khoác cái này vào không khéo cảm" "Tôi không lạnh, anh mặc đi"

Chu Diệu Hoa mặc không mỏng, hơn nữa người trong nhà khi đi cũng đã cầm áo ấm này nọ của hắn theo, còn áo khoác này đặc biệt kêu cửa hàng may theo số đo của Liễu Du Sinh cơ mà. "Tôi không lạnh, cái áo này nặng lắm, em mặc vào đi cho tôi đỡ mỏi tay."

Liễu Du Sinh chỉ mặc áo dài, quả thực có chút lạnh nên đành nhận.

Thật kì lạ, chiếc áo này mặc trên người cậu vô cùng vừa vặn, không giống quần áo của Chu Diệu Hoa, cứ như là dùng kích cỡ của cậu may vậy, đang định hỏi thì hắn đã nói: "James nói muốn tôi và em làm người mẫu." Nói rồi chỉnh lại cổ áo cho Liễu Du Sinh.

Liễu Du Sinh nghe đến chụp ảnh, lập tức lùi về sau: "Quên đi, tôi không làm" Chu Diệu Hoa dụ dỗ: "Cơ hội ngày không nhiều a, giờ có James chụp hộ, chứ sau này không có dịp đâu~"

Chu Diệu Hoa vốn không giống người phương Bắc "không trâu bắt chó đi cày" (ý là hay ép buộc người khác) nhưng lần này cương quyết đòi cùng Liễu Du Sinh chụp ảnh, còn muốn rửa ra xem, Liễu Du Sinh chết cũng không muốn.

...

Hai người đứng trên cầu nhỏ xây từ những viên đá xanh uốn mình vắt qua đáy nước mơ hồ, bên cầu là những ruộng lúa non bát ngát trải dài đến rặng núi xa xa phủ sương mờ, mây trắng lững lờ trôi trên nền trời, Chu Diệu Hoa đứng phía sau vươn tay ôm lấy bả vai Liễu Du Sinh.

Lúc này Liễu Du Sinh đang khoác chiếc áo choàng lông chồn Chu Diệu Hoa tặng, vạt áo dài đến đầu gối để lộ vạt áo dài màu lam cùng đôi giày da hươu. Chu Diệu Hoa một thân âu phục xám, thay caravat bằng một chiếc nơ vừa vặn lộ ra sau bờ vai Liễu Du Sinh.

Liễu Du Sinh không có ý kiến, nhưng chẳng thể tính là thích, không thể tỏ vẻ tự nhiên.

Cậu đã từng chụp không ít nhưng vẫn không thể thích nghi với cái kiểu chụp hình như lên phim điện ảnh quái dị này. Vẻ mặt của cậu cũng một phần vì bị Chu Diệu Hoa bắt buộc mà không hề tự nhiên, áo lông chồn tía xù bông nhẹ nhàng ôm lấy gương mặt nhỏ nhắn tao nhã, ánh mắt mở lớn quá mức cần thiết, tóc hơi dài che mất mang tai, dù tuổi không còn nhỏ nhưng trông hệt như một đứa con nít học làm người lớn.

Chu Diệu Hoa đối với mấy việc chụp ảnh này đã quá quen thuộc, gương mặt nghiêm túc nhưng nếu để ý kĩ có thể tìm ra nét cười dịu dàng, hắn đứng sau lưng Liễu Du Sinh, tay đặt lên vai cậu, nhìn thoạt như anh em trai bình thường.

Chính giây phút này, người thợ bấm máy, giữ lại khoảnh khắc này trên cuốn phim, để hơn nửa thế kỷ sau, hai thanh niên ngày nào đã trở thành lão nhân, mỗi khi nhìn lại lại vẫn nhớ như in mùa đông năm ấy, chuyện tình buổi nào...

Ảnh đen trắng chụp hai người, một cao lớn anh tuấn, một xinh đẹp nho nhã, đặc biệt con người xinh đẹp nho nhã kia có bộ dáng cực kì tinh xảo, thân hình thanh tú, khí chất ôn hòa tựa như từ tranh vẽ bước ra.Bao nhiêu năm về sau, Chu Diệu Hoa nhìn ảnh chụp kia, lấy tay vuốt phẳng tờ giấy đã có chút ố vàng, lồng vào khung, từ khóe miệng đến đáy mắt đều là ý cười.

______________________________________________________________

*Vương Hy Chi (303 – 361) tự Dật Thiếu, hiệu Đạm Trai, là nhà thư pháp nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Vương Hiến Chi là con trai thứ bảy của ông, là người kế tục sự nghiệp thư pháp hiển hách của Vương Hy ChiBút tích của Vương Hy Chi

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro