Chương 30: Thủ thuật che mắt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Edit: Nananiwe

Sau khi Đồ Hóa giải thích ý nghĩa của bài thơ này thì Vương Bác Vũ đã nhanh chóng tính ra đáp án: "Giải thích rõ ràng ra thì cũng dễ mà."

"Có thể dùng phương trình để giải." Vương Bác Vũ phân tích: "Giả sử số ngọn đèn tầng cao nhất là x, theo điều kiện đề bài thì số ngọn đèn tầng bên dưới gấp đôi nó, nghĩa là số ngọn đèn tầng hai là 2x, số ngọn đèn tầng ba gấp đôi tầng hai chính là 2×2x=4x ngọn đèn; cứ theo đó suy ra thì số ngọn đèn của những tầng phía dưới lần lượt là 8x, 16x, 32x, 64x ngọn đèn."

"Cả tòa tháp có tổng cộng bảy tầng, tổng số ngọn đèn là 381. Nói cách khác, ta có x+2x+4x+8x+16x+32x+64x=381. Rất đơn giản, ta giải được ra x=3, nghĩa là tầng cao nhất có 3 ngọn đèn."

Vương Bác Vũ hứng thú bừng bừng tính ra đáp án, hơi không chắc chắn nhìn xuống ngôi sao năm cánh màu trắng dưới chân mình: "Vậy nghĩa là số 3 chính là số đại diện cho màu trắng à?"

Vương Bác Vũ vừa dứt lời thì Đường Bác đứng ở bệ đá màu vàng cũng phát hiện ngôi sao năm cánh dưới chân mình bắt đầu chuyển động. Từ bên dưới bệ đá cũng hiện lên một chiếc hộp gấm giống hệt vừa rồi, trong hộp cũng có một tờ giấy trắng, trên giấy viết: "Có một phụ nhân rửa chén trên sông, Tân Lại đi ngang qua, phụ nhân rằng: Nhà có khách. Tân Lại hỏi: Khách bao nhiêu? Phụ nhân đáp: Hai người chung cơm, ba người chung canh, tổng dùng năm chén. Không biết khách bao nhiêu?"

Đường Bác đọc xong chữ trên giấy thuận miệng phiên dịch ra: "Có một người phụ nữ rửa bát bên bờ sông, vị quan trông coi bến sông đi qua hỏi, người phụ nữ nói nhà mình có khách tới chơi. Quan lại hỏi là có mấy người khách. Người phụ nữ đáp hai người ăn chung một cái bát cơm, ba người ăn chung một bát canh, tổng cộng dùng hết năm cái bát, đoán xem có mấy vị khách tới nhà chơi."

"x/2+x/3=5." Đường Bác thuận miệng đọc ra hương trình, không cần nghĩ ngợi đã nói: "Tổng cộng có 6 vị khách."

"Nghĩa là con số đại diện cho màu vàng dưới chân tôi chính là số 6 à?"

Những đề toán xuất phát từ điển tích cổ đại này vô cùng đơn giản nhưng Đồ Hóa lại cảm thấy mấu chốt của cửa ải này không nằm ở đây. Bọn họ phải căn cứ vào gợi ý để đoán ra con số của từng bệ đá, nếu không có gợi ý thì hoàn toàn không biết được con số của từng bệ đá là gì.

Cho nên muốn phán đoán ra quy luật con số xuất hiện trên từng bệ đá của Thất tinh trận này còn quan trọng hơn nhiều việc đoán ra đáp án của từng bệ đá dựa vào gợi ý. Bởi vì theo tiết tấu hiện tại thì chắc chắn bọn họ không thể nào nhận được tất cả gợi ý.

Lúc này bệ đá màu lam nhạt dưới chân Thẩm Tư Dịch bắt đầu chuyển động, ngôi sao mở ra để lộ hộp gấm giống y như hai lần trước. Thẩm Tư Dịch mở giấy trong hộp ra, sau khi đọc chữ trên đó thì nhíu mày: "Hiện có ruộng rộng mười lăm bộ, dài mười sáu bộ, hỏi ruộng lớn thế nào?"

Phiên dịch đề này ra thì vẫn là phép tính. Cũng không cần suy nghĩ nhiều, ý của nó là có một mảnh ruộng rộng 15 bộ, dài 16 bộ, hỏi diện tích của mảnh ruộng là bao nhiêu. (bộ là đơn vị đo độ dài xưa)

Phép nhân vô cùng đơn giản, 15×16=240, nói cách khác diện tích mảnh ruộng này là 240 bộ vuông (như m vuông, cm vuông, km vuông để tính diện tích mà mình hay xài á, mình không rõ nên để thế nào nên giữ như vậy, ai có ý kiến hay hơn thì cmt bên dưới để mình sửa nhé). Có lẽ mấu chốt nằm ở chỗ đơn vị đo đạc. Đơn vị chúng ta thường dùng là cm, dm và m, nhưng đơn vị đo lường cổ đại rất khác hiện đại.

Cổ đại thường dùng "thước", "tấc", "trượng" để đo khoảng cách, nếu quy đổi ra thì 1 thước cổ đại bằng khoảng 23,1cm hiện đại. 1 thước ~ 23,1cm; 10 tấc = 1 thước; 10 thước = 1 trượng. Mà "bộ" cũng là một đơn vị đo lường cổ đại, 1 bộ ~ 6 thước.

Chuyển đổi sang đơn vị tính diện tích mảnh ruộng thì 240 bộ vuông sẽ bằng với 1 mẫu.

Thẩm Tư Dịch bối rối không biết rốt cuộc đơn vị của đề này là gì, là bộ hay thước hay trượng hay mẫu? Bởi vì đề bài cũng không cho đơn vị đo chính xác nên khác đơn vị thì đáp án cũng khác, điều này ảnh hưởng đến con số của bệ đá màu lam nhạt dưới chân cậu.

Tôn Duy suy nghĩ một lát, nói: "Nếu xét theo tính chặt chẽ của đề thì tôi cảm thấy đáp án của đề này là "bộ vuông". Thông tin đề bài cho đều là bộ, tôi nghĩ đáp án cũng là đơn vị bộ mới đúng."

Đồ Hóa lắc đầu: "Tôi không nghĩ là vậy. Nếu như tôi nhớ không lầm thì chắc hẳn đề này xuất phát từ "Cửu chương toán thuật", 240 bộ vuông này với người xưa mà nói là một con số phức tạp, trong cuộc sống hiện đại mọi người cũng sẽ không đo đạc như vậy. hơn nữa 240 bộ vuông = 1 mẫu, tôi cảm thấy mọi người sẽ dùng 1 mẫu để diễn tả."

Thẩm Tư Dịch cũng tỏ ý tán thành suy nghĩ của Đồ Hóa: "Người xưa cũng không dùng số lẻ và phân số, cho nên lúc tính toán thì họ chỉ có thể đổi đơn vị lên mức tiếp theo, với đơn vị tính diện tích mảnh ruộng thì "mẫu" hòa toàn thông dụng."

"Cho nên..." Thẩm Tư Dịch cúi đầu nhìn xuống: "Bệ đá màu lam nhạt dưới chân tôi chắc là số 1 nhỉ?"

Gợi ý của vòng thứ hai kết thúc, trong bảy ngôi sao thì bọn họ đã xác định được ba số, đầu tiên là số 3 ở bệ đá màu trắng dưới chân Vương Bác Vũ, sau đó là số 6 ở bệ đá màu vàng dưới chân Đường Bác, cuối cùng là số 1 ở bệ đá màu lam nhạt dưới chân Thẩm Tư Dịch.

Ba bệ đá này cũng không nằm trên một đường thẳng. Hiện giờ có quá ít dữ kiện nên bọn họ không thể nào tìm ra quy luật của những con số này được. Tất cả đều đứng im tại chỗ, nhanh chóng đổ xúc xắc bắt đầu vòng thứ ba.

Ném xong xúc xắc của vòng thứ ba, năm người Đồ Hóa phát hiện may mắn đứng về phía mình, bọn họ lại xếp thành hai đường thẳng như ban nãy. Lần này người đứng ở vị trí màu trắng là Thẩm Tư Dịch, Vương Bác Vũ đứng ở bệ đá màu vàng, Tôn Duy đứng ở vị trí màu vàng nhạt, ba người họ vừa khéo đứng trên đường thẳng vàng, trắng, vàng nhạt.

Còn Đồ Hóa thì lần này đứng ở bệ đá màu đỏ, Đường Bác đứng ở bệ đá màu hồng, hai người họ và Thẩm Tư Dịch ở vị trí trung tâm cũng vừa khéo tạo thành một đường thẳng đỏ, trắng, hồng.

Trong hai đường thẳng này thì đường thẳng màu vàng mà Vương Bác Vũ và Tôn Duy đang đứng đã xuất hiện ở vòng trước, hơn nữa bên dưới vị trí màu vàng và màu trắng cũng đã từng xuất hiện gợi ý, chỉ còn ngôi sao năm cánh màu vàng nhạt dưới chân Tôn Duy vẫn trống trơn.

Quả nhiên lần này bệ đá dưới chân Tôn Duy hiện ra một hộp gấm. Trên giấy chỉ viết một câu đơn giản: "Hiện có cỗ bốn thước, dây cung năm thước, hỏi câu là bao nhiêu?"

Đây là phần giải thích về Định lý Pytago sớm nhất trong quyển "Cửu chương toán thuật". Trong những chữ trên, "cỗ" chính là cạnh góc vuông dài của tam giác vuông, "dây cung" là cạnh huyền của tam giác vuông.

Mà "câu" cũng chính là cạnh góc vuông ngắn của tam giác vuông trong Định lý Pytago bên trên. Cho nên đáp án đề này rất rõ ràng, ba cạnh thường gặp nhất của Định lý Pytago trong tam giác vuông chính là 3, 4, 5, tức là 3^2+4^2=5^2.

Đề bài hỏi "câu" bằng bao nhiêu, con số này chính là 3.

Con số dưới chân Tôn Duy nhanh chóng được xác định. Như vậy thì 3 điểm của đường thẳng vàng, trắng, vàng nhạt đều đã được xác định, lần lượt là 6, 3, 3.

Chỉ có một dãy số này cũng rất khó để tìm ra quy luật. Đồ Hóa thầm chờ mong bên dưới bệ đá của cậu và Đường Bác cũng hiện ra gợi ý để tìm ra con số của đường thẳng đỏ, trắng, hồng.

Thất vọng luôn tới sau khi cầu nguyện, trên đường thẳng này chỉ có bệ đá màu đỏ dưới chân Đồ Hóa hiện ra hộp gấm. Đề trong hộp gấm về cơ bản là giống với đề của Tôn Duy: "Hiện có câu ba thước, cỗ bốn thước, hỏi dây cung bao nhiêu?"

Cho nên con số đại diện cho bệ đá màu đỏ dưới chân Đồ Hóa chính là số 5.

Cho tới hiện tại thì ba vòng tung xúc xắc đã kết thúc, trong 7 con số của Viên huyền Thất tinh trận này bọn họ chỉ biết được 5, theo thứ tự tạo thành một đường thẳng: Bệ đá vàng, trắng, vàng nhạt lần lượt là 6, 3, 3; hai bệ đá đỏ và lam nhạt cạnh nhau là số 5 và số 1.

Còn màu hồng đối xứng với màu đỏ và màu lam đối xứng với màu lam nhạt đều chưa biết.

Từ Quang Khải ở một bên cười nói: "Các cậu đã tìm ra được đáp án của Viên huyền Thất tinh trận chưa?"

Đồ Hóa đứng ở vị trí màu đỏ nhíu mày: "Theo thứ tự từ trái sang phải thì con số trên đường viền của hình tròn lần lượt là 6, 5, 1, 3, vị trí trung tâm cũng là số 3, những con số này có quy luật gì nhỉ?"

Đường Bác suy nghĩ một lát rồi nói: "Trình tự là trắng, đỏ, vàng, lam, hồng, vàng nhạt, lam nhạt, có khi nào những con số này là một dãy số được sắp xếp theo một trình tự nào đó không?"

"3, 5, 6, lam, hồng, 3, 1 là một dãy số, hay là muốn chúng ta tìm ra quy luật giữa những con số này để suy luận ra con số của vị trí màu lam và màu hồng?"

Vương Bác Vũ ủ rũ nói: "Nhưng với những gì chúng ta đã biết hiện giờ thì những con số này chẳng có quy luật gì cả."

Tôn Duy hiếm khi đồng ý với cách nói của Vương Bác Vũ: "Tôi cũng cảm thấy không phải là sắp xếp dãy số."

"Kết hợp với tình huống thực tế của ải này để suy nghĩ đi, người hẹn chúng ta đến đây chính là học giả Từ Quang Khải nghiên cứu về vòng tròn lượng giác." Tôn Duy nhìn Từ Quang Khải một lát: "Thêm trận pháp kỳ quái dưới chân chúng ta nữa, tôi cảm thấy những con số này có liên quan đến đường tròn."

Đồ Hóa ngẩng đầu nhìn cô: "Là thế nào?"

Tôn Duy cười nói: "Cậu nhìn xem, ba người tôi, Thẩm Tư Dịch và Vương Bác Vũ đứng tạo thành một đường thẳng, trong đường tròn thì nó là gì?"

"Đường kính?!"

"Đúng vậy." Tôn Duy gật đầu: "Ba điểm thẳng hàng trong hình tròn này chính là đường kính của trận pháp. Mà đường kính thì lại bằng nhau bằng nhau, ba con số trên đường thẳng này cộng lại là 6+3+3=12, điều này nghĩa là độ dài hai đường kính còn lại của đường tròn cũng là 12."

"Trong ba màu lam, trắng, lam nhạt thì màu lam chưa biết, màu trắng là 3, lam nhạt là 1, vậy thì màu lam sẽ là 8. Trong ba màu đỏ, trắng, hồng thì màu đỏ là 5, màu trắng là 3, vậy thì màu hồng sẽ là số 4."

Tôn Duy phân tích rất có lý nhưng Đồ Hóa vẫn cảm thấy hình như mình đã bỏ qua cái gì đó. Nếu quy luật này phán đoán dựa vào dãy số thì màu sắc dưới chân bọn họ có ý nghĩa gì?

Vì sao ba màu đỏ, vàng, lam lại xuất hiện? Vì sao mỗi đường thẳng lại là một dải màu? Màu sắc chính là một manh mối tất yếu không thể bỏ qua, nhưng Đồ Hóa nghĩ mãi không ra mối liên hệ giữa chúng là gì.

Giữa lúc mọi người sắp đồng ý với ý kiến của Tôn Duy thì Thẩm Tư Dịch đột nhiên cắt đứt mạch suy nghĩ của tất cả: "Tôi cảm thấy... đường tròn chỉ là thủ thuật che mắt."

Editor: Đọc giải thích và minh họa tại FB Nananiwe album Toán (tổng hợp).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro