Câu 4: Phân tích nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 4: Phân tích nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập và vạch ra ý nghĩa phương pháp luận của nó.
1. Đặt vấn đề.
    Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập (còn gọi là quy luật mâu thuẫn), là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật, là hạt nhân của phép biện chứng, nó vạch ra nguồn gốc và động lực của sự phát triển.
2. Các khái niệm.
    Nội dung cơ bản của quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập được làm sáng tỏ thông qua một loạt những phạm trù cơ bản: “ mặt đối lập”, “sự thống nhất” và “ đấu tranh của các mặt đối lập”
    - Mặt đối lập là phạm trù triết học để chỉ những đặc điểm, thuộc tính, tính quy định vận động trái ngược nhau nhưng đồng thời là điều kiện, là tiền đề tồn tại của nhau.
    - Mâu thuẫn biện chứng là sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập
    - Sự thống nhất giữa các mặt đối lập là sự nương tựa nhau, cùng tồn tại không thể tách rời nhau của các mặt đối lập
    - Sự đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các mặt đối lập theo khuynh hướng bài trừ và phủ định lẫn nhau.
3. Nội dung quy luật
 a.Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động và phát triển.
    Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mâu thuẫn biện chứng cũng bao hàm cả "sự thống nhất" lẫn "đấu tranh" của các mặt đối lập. Sự thống nhất gắn liền với sự đứng im, sự ổn định tạm thời của sự vật. Sự đấu tranh gắn liền với tính tuyệt đối của sự vận động và phát triển. Điều đó có nghĩa là sự thống nhất của các mặt đối lập là tương đối, sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là tuyệt đối.
    Mâu thuẫn là sự tác động lẫn nhau của các mặt, các khuynh hướng đối lập. Chính sự tác động qua lại, sự đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc vận động và phát triển, là xung lực của sự sống. Chẳng hạn, tư tưởng, nhận thức của con người không thể phát triển, nếu không có sự cọ xát thường xuyên với thực tiễn, không có sự tranh luận để làm rõ đúng sai...
    Sự vận động và sự phát triển bao giờ cũng là sự thống nhất giữa tính ổn định và sự thay đổi. Thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập quy định tính ổn định và tính thay đổi của sự vật. Do vậy, mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động và phát triển.
    Mâu thuẫn là một hiện tượng khách quan và phổ biến, nó tồn tại trong tất cả các sự vật và hiện tượng, ở mọi giai đoạn tồn tại và phát triển của sự vật và hiện tượng.
 b. Phân loại mâu thuẫn (bên trong – bên ngoài, cơ bản – không cơ bản, chủ yếu – thứ yếu, đối kháng – không đối kháng)
4. Ý nghĩa phương pháp luận.
Việc nghiên cứu quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng đối với nhận thức và hoạt động thực tiễn.
- Để phân tích đúng bản chất của sự vật, trước hết phải nhận thức sự vật như một thực thể đồng nhất, tiếp đó phải nghiên cứu những mặt khác nhau, những mặt đối lập và tác động qua lại giữa các mặt đối lập để nhận biết mâu thuẫn và nguồn gốc của sự vận động và phát triển.
- Khi phân tích mâu thuẫn, phải xem xét toàn diện các mặt đối lập; theo dõi toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển của các mặt đó; nghiên cứu sự đấu tranh của chúng qua từng giai đoạn.
- Phải xác định đúng trạng thái chín muồi của mâu thuẫn; tìm ra phương thức, phương tiện và lực lượng có khả  năng giải quyết mâu thuẫn và tổ chức thực tiễn để giải quyết mâu thuẫn một cách thực tế.
- Mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi có đủ điều kiện chín muồi. Cho nên, chúng ta không được giải quyết mâu thuẫn một cách vội vàng khi chưa có đủ điều kiện; phải tạo điều kiện thức đẩy sự chín muồi của mâu thuẫn và điều kiện giải quyết.
- Đối với các mâu thuẫn khác nhau phải có phương pháp giải quyết khác nhau. Điều đó tuỳ thuộc vào bản chất của mâu thuẫn, vào những điều kiện cụ thể. Phải có biện pháp giải quyết thích hợp với từng mâu thuẫn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro