Đêm thứ 4: NGƯờI GIÚP VIỆC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ai ở tiểu khu biệt thự cao cấp ở thành phố H cũng đều không xa lạ gì với căn biệt thự song lập của gia đình ông Đỗ Duy Long. Kỳ thực, ở khuôn viên này, các căn biệt thự được xây tương đồng với nhau. Vậy nên, điều mà khiến người ta chú ý đến nhà ông Long không phải vì nhà ông bề thế hay đặc biệt hơn nhà người khác. Mà là do người giúp việc cho gia đình ông quá quái dị.

Câu chuyện đã xảy ra được hơn một năm, nhưng mỗi lần nhắc đến, ai nấy đều mang một tâm trạng khác nhau. Có người nổi giận, có người lắc đầu ngán ngẩm, thậm chí có người còn muốn băm vằm cô giúp việc kia ra thành muôn mảnh mới vừa lòng. Mọi sự bắt đầu cũng từ một ngày đầu tháng bảy âm lịch trời mưa như trút nước.

Năm ấy tháng cô hồn đến muộn. Từ đầu tháng sáu đến giờ nhà ông Long lúc nào cũng trong tình trạng tất bật. Bố đẻ của ông Long là cụ Đỗ Duy Lợi ngã bệnh đã mấy tháng nay, chẳng hề gượng dậy nổi. Ông cụ ngoài 80 tuổi, ngày nào cũng đi bộ quanh nhà, ấy vậy mà chỉ một cơn cảm lạnh khiến ông phải nằm bẹp trên giường, ngày nào cũng phải uống một vốc thuốc.

Giữa lúc đó, hai người giúp việc nhà ông Long lại xin nghỉ đột ngột. Chẳng là từ trước đến giờ, nhà ông Long vẫn thuê hai chị em bà Thùy, bà Mi làm người giúp việc. Thế nhưng, tháng bảy âm vừa mới đến, mẹ của cả hai đột nhiên đột quỵ. Mặc dù gia đình đã đưa đi viện ngay lập tức, nhưng bà cụ cũng chỉ nằm thở oxi thêm được mấy ngày rồi mất. Hai chị em bà Thùy và bà Mi phải dắt díu nhau về quê làm tang cho mẹ.

Trước khi chia tay nhà ông Long, cả hai chẳng dám hẹn ngày trở lại làm. Bố ốm nặng, công việc kinh doanh lại bộn bề, người giúp việc lại rời đi khiến cho tình hình căng như dây đàn. Vợ ông Long là bà Sâm nhờ vả khắp mọi nơi để tìm kiếm người giúp việc.

Cuối cùng một người bạn thời đại học của bà Sâm tìm giúp được một người có thể làm việc được ngay. Người này là con gái của một bà góa sống trong một lâm trường nhỏ mạn tây bắc.

Con bé năm nay mới mười sáu tuổi nhưng đã sớm trưởng thành, già dặn hơn hẳn so với những đứa bạn cùng trang lứa. Lúc mới sinh nó ra, bố nó không may bị bãi mìn phá đá trên núi nổ trúng người. Khi mẹ nó chạy đến thì phần thân dưới của ông bố đã nát bét. Người trong thôn ai cũng bảo là con bé là sao chổi khắc với cha, cho nên không ai qua lại. Bà mẹ vừa phải chịu tang chồng, lại phải chăm con nhỏ nên người càng ngày càng héo hon. Bà đặt tên con gái là Hoài, những mong nhớ về những năm tháng xưa cũ.

Cái Hoài học đến lớp 8 thì nghỉ học. Ở thôn nó, con gái thường chỉ học đến khi nào có thể đọc được chữ, tính toán tiền đi chợ là nghỉ. Vào những ngày thường, cái Hoài vẫn thường xuyên đi làm thời vụ ở vào lâm trường. Những ngày mưa gió rét mướt không đi làm thì nó lại ở nhà để dệt vải, hoặc ngồi móc sợi đem đến chợ giao cho cánh thương lái. Vất vả là thế mà trong nhà chẳng lúc nào có tiền. Vậy nên khi nghe người quen tìm người xuống dưới thành phố để làm giúp việc, cái Hoài hăm hở đi ngay.

Ngày đầu tiên đến nhà ông Long, nó hoa cả mắt vì trước giờ chưa bao giờ thấy nơi nào đẹp đến thế. Bàn ghế, cốc chén, đường đi lối lại trong nhà đều như tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh. Cái Hoài chẳng thể nào tưởng tượng nổi, căn nhà chỉ có hơn bốn tầng nhưng lại có cả cầu thang máy bên trong. Lần đầu tiên đi thang máy, nó hoảng hồn ôm đầu ngồi thụp xuống đất vì sợ làm bà chủ nhà cười mãi. Nó nghe hàng xóm nói, nhà ông Long giàu nổi tiếng ở thành phố này. Gia đình ông lại chỉ có hai người con, một trai một gái. Cậu con trai lớn năm nay mới hai mươi tuổi, sắp tốt nghiệp đại học. Còn cô con gái út thì năm nay mười sáu tuổi, vừa bằng tuổi của cái Hoài.

Con bé chẳng thể nào quên được cái khoảnh khắc nhìn thấy người con trai lớn của chủ nhà. Người ấy cao lớn, đôi mắt màu nâu cùng sống mũi thẳng tắp. Con bé Hoài ngây người nhìn anh ta đứng dựa lưng vào tường để nói chuyện với ông Long. Phải đến khi bà Sâm gọi nó mới lật đật theo sau. Qua hỏi chuyện, nó biết anh con trai lớn tên là Duy Anh, vì bận rộn với việc học hành và quản lý công việc giúp bố mẹ nên vẫn chưa có người yêu. Cái Hoài nghe thấy thế thì khẽ mỉm cười. Vào lúc nó đang đứng trong bếp thì cô con gái út của gia đình ông Long bước vào phòng. Cùng tuổi với Hoài nhưng con bé cao hơn nó cả một cái đầu, mái tóc thả dài buông lơi trên làn da trắng hồng. Hoài nghe bà Sâm gọi nó là Lam.

Trông thấy người giúp việc mới, Lam chỉ hơi gật đầu coi như chào hỏi, rồi vội vàng lấy nước mang lên trên phòng cùng với một cô bạn đi cùng, trông còn xinh đẹp hơn gấp bội. Nghe bà Sâm bảo con bé ấy là Hương, bạn thân của Lam.

Chưa bao giờ Hoài cảm thấy tủi thân đến thế. Cùng bằng tuổi nhau mà Hương và Lam có một cuộc sống như công chúa, còn bản thân Hoài lại phải ngậm ngùi làm người giúp việc. Lần đầu tiên trong cuộc đời, con bé chán ghét xuất thân của mình. Nó oán hận bố nó chết sớm, nó bực mình vì mẹ nó chỉ là một bà góa nghèo không biết chữ, chẳng thể nào cho nó một cuộc đời nhung lụa.

Dưới sự chỉ bảo của bà Sâm, cái Hoài dần dần học cách làm quen với những công việc trong nhà. Kỳ thực những công việc không tên như lau nhà, rửa bát, tưới cây không hề nặng nhọc. Nhưng việc mà cái Hoài ghét nhất ấy là chăm sóc cho bố ông Long.
Cứ hai ngày một lần, cái Hoài sẽ phải nấu một nồi nước lá thơm phức để mang lên phòng ông ta. Bên trong nồi có lá sả, lá nếp, lá hương nhu, lại thơm mấy trái bồ kết nướng bốc mùi dễ chịu. Thế nhưng điều đó chẳng làm cho nó cảm thấy dễ chịu, nó bặm môi nhúng chiếc khăn mặt vào trong chậu nước bốc khói nghi ngút, vắt khô rồi chà sát lên người ông ta. Ông cụ khẽ kêu lên, nó làm chậm lại, mặt vẫn lạnh như tiền. Cái Lam nhìn thấy thì không vui, bèn trách cái Hoài mấy câu, rồi báo với bà Sâm.

Chiều tối hôm ấy, cái Hoài bị bà Sâm mắng rất lâu, mặc dù không cãi lại nhưng trong thâm tâm cái Hoài tin rằng Lam ỷ mình là cô chủ nên ức hiếp nó. Thế là đêm ấy, nó làm một con búp bê bằng vải, trước bụng búp bê có mẩu giấy viết tên Lam, rồi châm chi chít kim khâu vào trong đó. Trò búp bê này, nó từng thấy trên phim lúc còn ở trong cái lán ngoài lâm trường. Con bé nghĩ rằng, điều ấy sẽ khiến cho cái Lam đau đớn mà thôi soi mói nó.
Thế nhưng trời chẳng chiều lòng người, Lam vẫn sinh hoạt bình thường, chẳng tỏ ra là đau đớn gì như mong đợi của cái Hoài. Cái Hoài bực mình, nó cho rằng thứ búp bê vải này chẳng hề có tác dụng. Trong khi nó âm thầm tìm cách khác thì ông cụ đột ngột qua đời.

Cụ ông Đỗ Duy Lợi mất vào ngày mồng mười tháng bảy âm lịch. Thời điểm ấy, cái Hoài mới làm được hai tuần. Ngày ông cụ mất, cả nhà đều đi vắng hết, chỉ có mỗi ông và cái Hoài ở nhà. Buổi sáng nó bưng bát cháo lên cho ông, đang định dọn dẹp trong phòng thì ông cụ lại nhờ nó bóp chân. Cái Hoài không vui vẻ gì nhưng vẫn làm theo. Nó không thích chạm vào làn da nhăn nheo, bốc mùi oai oải của ông cụ, vừa xoa bóp con bé cố gắng lướt ngón tay thật nhanh trên làn da rồi vội vàng bỏ đi. Ông cụ nhìn nó lúi húi lau nhà rồi lạnh giọng:

“Ở đây làm việc cho cẩn thận. Đừng có ý gì không tốt với người khác.”

Cái Hoài lặng thinh, gương mặt lạnh tanh, bỏ ngoài tai lời ông cụ nói. Lúc bước ra khỏi cửa, nó đưa tay lên ngực, cố gắng xoa xoa để tim bớt đập mạnh. Nó nghiêng đầu để nhìn lén vào bên trong. Trong đầu lặp đi lặp lại suy nghĩ: có khi nào ông già ấy biết mình làm búp bê vải để trù ếm cháu gái rượu của ông ấy?”

Con bé vội vàng chạy xuống dưới nhà chuẩn bị cơm nước, cố tỏ ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

Trưa hôm ấy, Duy Anh trở về nhà, khi lên trên phòng thăm ông nội thì thấy thấy ông cứ nằm im, gọi mãi mà chẳng dậy. Linh tính có chuyện chẳng lành, cậu vội vàng kiểm tra thì phát hiện ông cụ đã qua đời từ bao giờ. Duy Anh lập tức gọi cái Hoài, sau đó gọi điện thoại cho bố mẹ để báo tin. Phải gần 30 phút sau, vợ chồng ông Long mới về tới nhà. Con bé Lam biết tin thì đi không vững nữa, cái Hương bạn thân phải dìu vào nhà. Lúc ông cụ chưa khâm liệm, vẫn còn để nằm trên giường, cái Hoài không dám nhìn thẳng vào người đã chết. Cảm giác bất an dâng lên trong lòng nó. Câu nói răn đe của ông cụ vẫn xoáy thẳng vào đầu óc cái Hoài, khiến cho con bé lúng túng làm đổ chậu nước ra nhà lênh láng.

Đám tang của ông cụ diễn ra nhanh chóng. Khách khứa kéo đến rất đông để chia buồn với vợ chồng gia chủ. Duy Anh và cái Lam phục bên linh cữu của ông cụ, cả ngày chẳng buồn ăn uống.

Tang lễ xong xuôi thì cũng gần đến ngày rằm tháng bảy. Bà Sâm tất bật chuẩn bị cho buổi cúng. Mấy ngày hôm nay, bà chẳng hề hài lòng về cung cách làm việc của cái Hoài. Cả ngày nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, ai bảo gì thì làm nấy, nhiều khi còn nói trước quên sau. Nếu như bảo rằng nó nhớ ông cụ thì quả là miễn cưỡng, vì con bé mới làm được hai tuần, làm sao có thể gắn bó khăng khít với chủ nhà như bà Thùy, bà Mi trước đó? Bà Sâm định nhắc nhở nó nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Công việc còn bộn bề ra đấy, chờ cho qua đợt bận rộn này, bà sẽ chỉnh đốn lại cách làm việc của con bé. Nghĩ vậy nên bà yên tâm hơn hẳn.

Điều bà không thể biết rằng, ngay sau ngày hạ táng, cái Hoài lúc nào cũng nằm mơ thấy ác mộng. Trong giấc chiêm bao, nó nhìn thấy ông cụ cầm con búp bê vải rồi nhìn nó với ánh mắt đỏ ngầu. Làn da của ông ta không còn màu sắc bình thường nữa mà trở nên xanh ngắt, phát sáng trong bóng đêm hệt như toàn thân quét một lớp lân tinh. Mỗi lần như thế, cái Hoài lại bật dậy, mồ hôi túa ra như tắm, hốt hoảng nhìn xung quanh.

Đỉnh điểm là vào sáng ngày rằm tháng bảy. Cái Hoài còn nhớ rất rõ hôm ấy là sáng thứ hai đầu tuần. Ông Long và Duy Anh đã đến công ty từ sớm, bà Sâm thì ghé ngân hàng có chút việc, cái Lam thì đi học. Nhà lúc này chỉ có mỗi một con bé ở nhà, cảm giác bất an tăng lên cực hạn. Nó không dám đi lên tầng ba – nơi có bàn thờ của ông cụ để quét dọn. Thay vào đó, nó chỉ dám ở dưới nhà lau dọn, chuẩn bị cơm nước. Để cho căn nhà bớt đi vẻ trống trải, cái Hoài bật tivi thật lớn. Bản tin về cơn bão số 6 sẽ đi qua thành phố H trong nay mai cũng làm cho nó chú chú ý được trong chốc lát. Đang im lặng theo dõi, bất chợt nó nghe thấy phía tầng ba có một tiếng Rầm rất lớn, tựa như cái gì đó nặng nề rơi xuống. Nó chạy vào trong thang máy, bấm nút đi lên thì phát hiện điện đã tắt ngóm từ bao giờ.
Cái Hoài hốt hoảng nhìn xung quanh, bóng đèn tín hiệu của tủ lạnh đã biến mất, tiếng tivi khi nãy cũng chẳng còn, cửa sổ vẫn đóng kín mít, bên ngoài trời âm u không có nổi một tia nắng, toàn căn nhà rơi vào cảnh tranh tối tranh sáng. Cái Hoài đến bồn rửa chén, lấy một con dao rồi cầm chặt trong tay, từ từ đi lên tầng ba.

“Có thể tiếng động khi nãy là gió làm cửa sổ bung ra mà thôi. Hoặc là con chuột nào đó làm đổ vỡ đồ đạc... Không phải là ông ta..” Cái Hoài vừa đi vừa chĩa con dao ra trước mặt, run rẩy khấn vái trong đầu. Cửa phòng thờ mở toang, gió từ bên ngoài cửa sổ thổi vào hun hút, chiếc rèm màu trắng tinh bay phần phật, chiếc bàn gỗ nhỏ vẫn thường dùng để kê mâm cỗ cúng nằm đổ chổng kềnh. Cái Hoài thở phào một tiếng. Thì ra tiếng động vừa nãy là do chiếc bàn này. Nó dựng lại cái bàn về một chỗ, sau đó đóng cửa sổ lại cẩn thận. Bầu trời bên ngoài càng lúc càng u ám, nhưng nó chẳng còn cảm thấy sợ như trước nữa, mà thầm tự cười nhạo chính mình vì cái tật hay nghĩ vẩn vơ. Khi nó vừa quay lại thì giật mình hét lên một tiếng. Ông cụ Đỗ Duy Lợi đang đứng chắn ngay trước cửa ra vào phòng thờ, trên tay ông vẫn cầm con búp bê vải châm đầy kim. Ánh mắt ông nhìn nó vẫn dữ tợn như hồi còn sống.

Cái Hoài ú ớ không sao kêu lên được. Toàn thân nó run lên bần bật, nó cố gắng tìm đường bỏ trốn nhưng ông cụ đã án ngữ ngoài cửa. Trong cơn hoảng loạn, con bé cúi gằm mặt xuống đất, cào mười đầu móng tay xuống nền đá hoa, thế nhưng ngoài tiếng rin rít vang lên nghe rờn rợn thì chẳng có đường nào cho nó thoát thân. Bất chợt con bé nhìn thấy trên mặt đất có một đôi chân đàn ông nhăn nheo cách mặt đất khoảng chừng vài xen – ti – mét , nó ngẩng lên thì nhìn thấy ông cụ Đỗ Duy Lợi đang đứng trước mặt mình, ngó xuống, trợn mắt nhìn nó trừng trừng. Cái Hoài chỉ kịp thét lên một tiếng rồi bất tỉnh.

Khi cái Hoài tỉnh lại thì đã thấy mình nằm trên chiếc giường của mình. Đèn điện lại sáng choang như cũ. Giọng nói của bà Sâm và Duy Anh vọng vào. Tim cái Hoài giật thót lên một cái. Thế là mọi người đã về đến nhà. Nó lật đật bước ra bếp tìm bà chủ. Vừa trông thấy nó, bà Sâm mỉm cười:

“Cháu dậy rồi đấy à? Nghỉ thêm đi. Hôm nay không phải làm việc.”

Nó ấp úng chưa biết trả lời làm sao thì Duy Anh đã mở lời:

“Chắc mấy hôm đám tang nhiều việc quá nên em nó mệt đấy mà.”

Mặc dù trong lòng còn sợ sệt, nhưng cảm nhận thấy thái độ của Duy Anh ân cần, nó cố gắng nặn ra một nụ cười để đáp lại.

“Dạ.. không.. Cháu vẫn làm được. Hôm nay phải làm cơm cúng rằm, cô để cháu giúp một tay.”
Thấy nó nhiệt tình, bà Sâm cũng không khách sáo. Mâm cơm cúng ngày rằm tháng bảy của gia đình bà có rất nhiều món. Vì thế mà cái Hoài phải chia làm hai chuyến mới có thể mang hết lên phòng thờ. Chuyến đầu tiên có bà Sâm ở đó nên cái Hoài còn cảm thấy vững dạ. Nhưng đến chuyến thứ hai, nó phải đi một mình vì bà chủ nhà còn bận lúi húi trong bếp.

Nghĩ đến cảnh lại phải đối mặt với bức ảnh thờ ông cụ Lợi, tim con bé lại đập thình thịch. Nó vừa bước vào thang máy, vừa định bấm lên tầng ba thì Duy Anh xuất hiện. Anh ta vừa đi vừa nghe điện thoại, xong xuôi thì quay lại giành lấy cái khay trong tay con bé Hoài rồi mỉm cười:

“Để anh giúp một tay!” Nói rồi anh ta bưng thẳng vào trong phòng thờ.

Khi Duy Anh đi rồi, con bé vẫn đứng ngẩn ngơ trông theo bóng lưng của người ấy. Mùi nước hoa thơm thơm tựa như mùi rừng cây trong sương sớm tỏa ra từ người anh ta khiến cho cái Hoài đỏ bừng. Trái tim thiếu nữ lần đầu tiên biết rung động vì người khác.

Vào lúc nó đang ngẩn ngơ, bỗng nhiên một tia chớp bất thình lình đánh ngang bầu trời khiến nó giật mình quay về thực tại. Nó nhìn cánh cửa phòng của cậu chủ nhà đã đóng sập lại. Cánh cửa làm bằng gỗ lim cứng và đặc như nhắc nhở nó về thân phận của mình. Một ý nghĩa lóe lên trong đầu cái Hoài. Chưa bao giờ con bé sục sôi lòng quyết tâm đến thế. Nó nảy sinh trong đầu một kế hoạch.

Sáng hôm sau, nhằm ngày mười sáu tháng bảy âm lịch, cái Hoài xin bà chủ tuần sau cho mình về thăm mẹ mấy ngày. Bà Sâm có chút đắn đo nhưng vẫn đồng ý để con bé về nhà. Cái Hoài xin nghỉ tới năm ngày, nhưng chỉ bốn ngày sau nó đã quay lại. Không hiểu sao lần này bà cảm thấy con bé giúp việc nhà mình có cái gì đó khang khác. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, bà cũng thở phào nhẹ nhõm khi nó trở về sớm hơn dự định.

Ấy là bởi tối nay Duy Anh sẽ đưa bạn gái về nhà ra mắt, cũng là tiện để thắp nhang cho ông cụ. Vì lúc đám tang diễn ra, cô người yêu của con trai bà đang bận rộn thi học kỳ tại Pháp. Thành ra bây giờ mới có thể thu xếp về thăm. Bà Sâm vui vẻ đem chuyện đó kể cho cái Hoài nghe. Trong lòng bà rộn ràng lắm, vì ít ra con trai bà cũng tìm được một người xứng đôi vừa lứa. Bà Sâm say sưa nói mà không hề để ý thấy gương mặt thất thần của cái Hoài. Thấy con bé chỉ nói ậm ừ, bà còn cho rằng nó đi tàu xe về còn mệt mỏi.

Bữa cơm tối hôm ấy diễn ra hết sức vui vẻ. Ông Long và bà Sâm hài lòng về cô con dâu tương lai của mình lắm. Lúc cô gái ra về, ông bà còn bảo nhau rằng chờ cho cả hai tốt nghiệp đại học, ổn định công việc một thời gian sẽ tiến hành làm đám cưới. Lời nói ấy tựa như một nhát dao vô hình đâm xuyên vào lòng cái Hoài, con bé đánh rơi cái ly pha lê trong tay làm nó rơi vỡ tan tành. Nó luống cuống thu dọn mảnh vỡ, miệng không ngừng xin lỗi bà chủ nhà. Bà Sâm định mắng nó vài câu, nhưng ông Long khẽ kéo vợ lại, chỉ sai nó ra ngoài siêu thị mua cho ông gói thuốc lá, xong việc có thể về nghỉ sớm. Cái Hoài vâng vâng dạ dạ rồi đi ngay.

Sáng hôm sau, lúc gia đình ông Long vẫn còn đang ngon giấc thì từ bên hàng xóm vọng đến một tiếng hét thất thanh. Cả nhà ngơ ngác bật dậy, chạy ra ban công để ngóng xem có chuyện gì. Cảnh tượng ở góc vườn nhà hàng xóm khiến ông bà rùng cả mình. Con chó màu trắng tinh của nhà ông Hoàng bên cạnh đã bị kẻ nào đó giết chết, mổ bụng rồi ném cái xác vào hồ nước. Máu của con chó nhuộm đỏ cả hồ làm cho đàn cá koi đắt đỏ của ông ngáp lên ngáp xuống.

Ban quản lý tiểu khu có mặt ngay lập tức. Qua trích xuất camera, thì thấy lúc 20 giờ hôm qua con chó chạy ra ngoài để đi chơi với con chó nhà khác. Thỉnh thoảng nó vẫn đi như thế nên ông Hoàng không để ý. Nào ngờ sáng nay xác nó đã dập dờn trên mắt nước. Vài người hàng xóm khuyên ông Hoàng báo công an, vì nếu kẻ nào muốn bắt chó đem bán sẽ chẳng bao giờ giết chết con vật rồi lấy ngũ tạng đem đi cả. Việc này giống như một lời cảnh cáo tới ông chủ nhà thì đúng hơn.

Ông Hoàng cho là có lý. Bấy lâu nay việc làm ăn của ông ta quá thuận lợi, cũng không thể tránh khỏi có người ghen tức. Thế nhưng, khi xem lại camera an ninh do ban quản lý cung cấp thì không phát hiện thấy bất cứ người nào lạ mặt. Điều ấy khiến người ta nghi rằng, thủ phạm thực sự là người sống trong tiểu khu này.

Vụ việc nhà ông Hoàng trở thành một đề tài bàn tán sôi nổi cho mấy bà nội trợ rỗi rãi trong khu nhà. Bà Sâm dù rất bận rộn nhưng cũng dành thời gian tham gia. Bà sai cái Hoài phải kiểm tra cửa nẻo, xem xét khu vườn nhỏ trước nhà vào mỗi buổi tối. Cái chết con chó nhà ông Hoàng chưa nguôi, thì hai hôm sau, nhà bà Phượng ở cuối đường bị mất tiếp một con chó.

Lần này xác chó không bị ném vào vườn, mà kẻ nào đó đã kéo xác của nó tới khu vực trạm biến áp trong tiểu khu. Nơi này vắng vẻ, ít người qua lại, chỉ trừ thợ kỹ thuật đến kiểm tra thì chẳng có ai phát hiện. Bà Phượng ngồi bên xác con chó khóc lóc. Mới hôm trước bà Sâm còn nhìn thấy nó tung tăng chạy theo chủ đi siêu thị, mà giờ đã lìa đời, ổ bụng bị phanh ra, ngũ tạng đều bị lấy đi hết.
Bà đang lựa lời an ủi người hàng xóm thì bỗng dưng chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia là ông Long hốt hoảng báo tin. Thằng Duy Anh nhà bà bỗng dưng ngã gục.

Trời đất như sụp đổ dưới chân bà. Bà Sâm vội vàng chạy về nhà thì thấy xe oto của chồng đã đỗ trước cửa. Duy Anh được hai người hàng xóm đỡ vào nhà, mặt mày tái mét. Bà Sâm vội vàng cạo gió cho con, sai cái Lam gọi điện thoại cho xe cấp cứu. Thế nhưng xe chưa kịp đến thì Duy Anh đã tỉnh dậy. Nó bảo rằng trời nắng nóng, nó đứng ngoài công trường cùng bố thì cảm thấy mệt rồi lịm đi lúc nào không biết.

Lo sợ con mình bị bệnh giống như ông nội, vợ chồng bà Sâm đưa con đi bệnh viện. Kết quả, Duy Anh chỉ bị căng thẳng thần kinh, ngoài ra mọi thứ đều bình thường, thậm chí thể trạng còn tốt hơn nhiều người đồng trang lứa. Ông bà đành để cho con ở nhà tĩnh dưỡng ít lâu.

Điều mà cả hai không ngờ đến là: từ lúc ngã bệnh, Duy Anh bỗng nhiên đổi tính. Nó không chỉ xa lánh bạn gái, mà còn rất khó nói chuyện với bố mẹ. Lần nào cô bạn gái đến thăm, nó cũng chỉ lạnh nhạt rồi đuổi người ta về. Mới hôm qua thôi, nó còn thẳng thừng nói lời chia tay khiến cho cô gái khóc sướt mướt chạy về. Ông Long lo sốt vó, vì bố đẻ con bé lại là đối tác quan trọng bậc nhất công ty ông. Nếu hai đứa chia tay trong êm đẹp thì không sao, bằng không... Bà Sâm lo sốt vó, vội vàng nói chuyện với con trai. Nào ngờ đi đến cửa phòng, bà nghe thấy Duy Anh đang cười đùa vui vẻ với cái Hoài. Ban đầu bà còn cho rằng tâm trạng của con tốt, nên mới đẩy cửa vào muốn tâm sự riêng với thằng bé. Nhưng nào ngờ, khi cái Hoài vừa đi khỏi thì nụ cười trên môi Duy Anh cũng tắt ngấm. Bà Sâm nhìn theo bóng lưng con bé giúp việc nhà mình, trong lòng dấy lên một mối nghi hoặc.
Một tuần sau đó, người Duy Anh càng héo hon. Ngoại trừ những lúc cái Hoài nói chuyện và bón thuốc, thì nó chẳng buồn nhìn mặt ai. Đỉnh điểm là nó nói chuyện với ông bà Long, xin được cưới cái Hoài. Vợ chồng bà Sâm choáng váng không nói lên lời, mặc cho con trai nài nỉ, thậm chí bỏ ăn.
Cái Lam dẫn người yêu của Duy Anh đến, nó thẳng tay đuổi về, lại chốt chặt cửa bên trong khiến con bé cứ đứng ngoài khóc mãi. Bà Sâm dẫn con bé vào bên trong an ủi. Nói chuyện một lúc bà mới biết: Khoảng mười ngày nay, đêm nào nó cũng mơ thấy có một con búp bê vải khổng lồ cứ đứng ở đầu giường nó cười khành khạch, đoạn lại bảo nó chết đi. Mỗi một câu “chết đi” từ miệng con búp bê là con bé lại cảm thấy đau nhói ở phần ngực. Điều kinh hoàng hơn nữa, hiện tượng này cũng xuất hiện ở cái Lam – con gái của bà.Cái Lam còn nằm mơ thấy cảnh ông nội bóp cổ cái Hoài. Lần đầu tiên con bé còn thấy sợ, nhưng tới lần thứ hai, lần thứ ba thì nó sinh ra tò mò... Rốt cuộc cái Hoài đã làm gì để ông nội căm ghét nó đến thế.

Cả ba người bàn bạc một hồi lâu... đều đi đến một kết quả cuối cùng: Có kẻ nào đó bỏ bùa Duy Anh và trù úm người yêu cùng em gái của nó.
Cái Lam nhìn mẹ rồi thì thào:

“Mẹ! Mẹ có nghi ngờ ai không?”

Bà Sâm chưa kịp trả lời thì dưới bếp vang lên tiếng rơi vỡ một cái gì đó. Ánh mắt bà Sâm ngước theo tiếng động rồi nhìn thẳng vào con gái. Cái Lam gật đầu đồng ý. Đúng vậy! Không ai khác ngoài con bé giúp việc nhà này. Bà Sâm suy tính một hồi. Bà đã xác định bước tiếp theo phải làm gì. Bản năng của người làm mẹ không cho phép con mình gặp nguy hiểm.

Buổi sáng của tháng cô hồn năm ấy tiết trời trong veo, gió man mác thổi. Bà Sâm đi chợ về từ sớm. Sau đó nhờ anh tài xế đến đón cái Hoài qua phòng làm việc của Duy Anh ở công ty để dọn dẹp. Cái Hoài hơi ngỡ ngàng một chút, nó xin phép bà vào trong để chuẩn bị, nhưng bà Sâm không đồng ý, lấy lý do là cần phải đi ngay. Con bé đành miễn cưỡng làm theo, gương mặt nó thoáng chút bực mình.
Khi con bé vừa đi khỏi, bạn gái của Duy Anh cùng cái Lam và hai người đàn ông khác nhanh chóng bước vào phòng kéo cậu ta đi. Mặc kệ cho Duy Anh la hét, cả bốn người hợp lực lôi người ra ngoài xe oto. Ở bên này, bà Sâm cũng bận rộn không kém, bà vào phòng cái Hoài lục lọi đồ đạc. Căn phòng rất nhỏ, chỉ một lúc là bà tìm thấy hai con búp bê vải, quần áo dính đầy máu đã khô lại. Chưa dừng lại ở đó, bà Sâm tìm được ở dưới gầm giường một cái hũ gốm màu đen rất lạ mắt. Vừa mở ra, bà nôn ọe ngay tại chỗ: Bên trong ấy ngâm hai bộ nội tạng của chó cùng với rượu. Thì ra.. kẻ giết chó lấy nội tạng lại là đứa giúp việc nhà bà.

Bà Sâm run run không dám động vào hũ gốm thêm một lần nào nữa. Cuối cùng bà khóa chặt cửa phòng người giúp việc lại. Sau đó tất tả cùng con đi đến chỗ thầy giải bùa.

Nhà ông thầy giải bùa nằm trong một con hẻm nhỏ, kề bên cạnh bãi tha ma. Người ta vừa kéo Duy Anh vào, ông thầy bùa đã hất một lớp bụi lên trên người nó. Điều kì quái ở chỗ, thằng bé đang giãy giụa như thế, vậy mà bụi vừa bám vào người, nó đã đổ gục xuống. Bà Sâm tưởng con làm sao, định lại gần để xem thì ông thầy ngăn lại. Ở những nơi da thịt tiếp xúc với lớp bụi lấp lánh bất chợt đỏ au như bị trụng nước sôi. Ông thầy bùa sai người cởi áo Duy Anh ra, phát hiện phần da bị đỏ chỉ từ đầu xuống dưới ổ bụng. Ông ta quan sát tỉ mỉ rồi khẽ gật gù:

“Cũng may là đứa bỏ bùa này mới làm thì bị gia đình phát hiện. Chỉ cần chờ một thời gian nữa thôi, bùa ngấm hết vào toàn thân thì hết cứu.”
Ông thầy lấy từ trong hũ gốm chôn ở dưới bàn thờ lên một bát nước đặc quánh, đổ trực tiếp vào miệng Duy Anh. Cậu ta quằn quại một lúc rồi lại ngất xỉu. Trong thời gian đó, ông thầy liên tục đọc thần chú rì rầm. Cuối cùng, lại hất bụi vào Duy Anh một lần nữa. Rồi chà sát lên mặt cậu ta bằng thứ nước đỏ lòm như máu. Duy Anh rùng mình một cái rồi như tỉnh dậy khỏi cơn mơ. Cậu ta nhìn mọi người ngơ ngác, tựa hồ chẳng hiểu chuyện gì xảy ra."

Cũng nhờ ông thầy bùa, bà Sâm mới biết: thứ bùa mà Duy Anh trúng là bùa yêu đã thất truyền của tộc người thiểu số. Bùa này không dùng cây cỏ như ngải, cũng chẳng cần dùng tóc rối hay đồ vật. Chỉ cần giết hai con chó vào thời điểm nhiều âm khí như tháng cô hồn, sau đó ngâm nội tạng với rượu, tẩm thứ nước ấy vào trong quần áo của người muốn bỏ bùa. Chỉ cần qua vài đêm, người ta sẽ bỏ vợ, bỏ con mà yêu người luyện bùa. Giai đoạn tiếp theo đó là cho người kia ăn uống có chút rượu nội tạng. Công dụng lại càng hiệu quả hơn.

Riêng về phần hai con búp bê bị châm kim. Ông thầy nói rằng thứ máu tẩm vào con búp bê lại là một loại bùa khác. Bùa này không thể tự làm ngay mà phải đợi đúng 7749 ngày. Chỉ khi nào muốn hành hạ người khác mà không làm họ chết ngay thì người ta mới chọn cách này.
Nghe đến đâu, bà Sâm rợn cả gai ốc đến ấy. Bà cúi đầu cảm tạ ông thầy rồi tất tả đưa mấy đứa con trở về.

Tối hôm ấy cái Hoài trở về nhà. Vừa bước vào phòng khách, nó đã điếng người khi nhìn thấy cái hũ nội tạng và hai con búp bê chễm chệ trên bàn. Ông Long bà Sâm lạnh lùng nhìn nó. Cả hai cho con bé một cơ hội giải thích. Bấy giờ người ta mới biết nó ganh tị với cái Lam, ganh tị với cả người yêu Duy Anh chỉ vì sinh ra sung túc hơn nó.
Cái Hoài biết: nếu như không dùng bùa, không đời nào cậu chủ nhà yêu nó. Nó biết là sai, nhưng không thể không ngăn mình. Thế là tranh thủ lúc về thăm nhà, nó đã xin mẹ nó giúp sức. Cái ngày con chó nhà ông Hoàng bị giết hại, cũng chính là ngày ông Long sai nó đi siêu thị vào buổi tối để mua thuốc lá. Nó đang phân vân không biết ra tay giết chó lúc nào thì vừa hay tìm được thời cơ. Về phần con búp bê vải: Ban đầu nó chỉ làm búp bê thông thường nên chẳng thể nào có tác dụng. Phải đến khi nó cầm búp bê về quê, tự tay nhúng con búp bê vào trong máu ngải, ngâm suốt hai đêm liền thì mới có hiệu quả. Cũng vì thế mà cái Lam và người yêu Duy Anh mới xuất hiện tình trạng đau tức toàn thân.

Mọi người nghe xong lặng người đi vì kinh hoàng. Vợ chồng ông Long không thể dung thứ cho người đã hại con mình. Việc bỏ bùa hai anh em cái Lam nhất định không truyền ra ngoài. Nhưng việc xử lý kẻ giết hai con chó thì phải báo với ban quản lý tiểu khu.

Ngay tối hôm đó, người ta thấy tài xế của ông Long phóng như bay về khu vực lâm trường để đón mẹ cái Hoài lên chứng kiến việc làm của con gái mình.
Tin tức con bé giúp việc nhà bà Sâm tương tư cậu chủ rồi bỏ bùa quả thực như một quả bom truyền thông bùng nổ trong tiểu khu. Giữa không khí đặc biệt của ngày rằm tháng bảy, thông tin này lại càng trở nên thu hút. Lúc con bé Hoài rời khỏi nhà ông Long trong ê chề, tủi nhục, người ta vây đến xem rất đông. Ông Hoàng gào lên chửi đổng theo: “Con khốn nạn! Mày chết không được yên đâu.” Thậm chí bà Phượng còn định nhào theo để đánh cái Hoài. May mà hàng xóm ngăn lại.

Mãi về sau này bà Sâm mới nghe người bạn học kể lại. Thì ra năm đó, mẹ cái Hoài cũng từng làm cách này để trói buộc bố nó, ép ông ta phải cưới mình. Ông bố bị bỏ bùa một thời gian dài, sau đó đầu óc cũng chẳng minh mẫn như trước nữa. Thế nên mới có chuyện đi nhầm vào khu khai thác đá, rồi bị bom nổ cho vong mạng. Bà Sâm nghe xong chợt thở dài. Rất nhiều khi... ác tâm cũng có thể di truyền. Bầu trời tháng cô hồn như thêm phần ảm đạm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro