Đêm thứ 5: RẰM THÁNG 7 TRONG CĂN NHÀ HOANG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày 15 tháng 7 âm lịch năm ấy có một cơn bão tràn về. Gió thổi tốc cả mấy mái tôn của vài căn nhà . Tiếng loa phóng thanh vang lên từng hồi kêu gọi những con tàu ngoài cảng mau tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh bão. Cơn bão chưa về mà mặt biển đã nổi sống, giống như một con quái vật đang nổi giận muốn nhấn chìm thị trấn nhỏ trên bờ.
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, không ai biết được rằng ở trong căn nhà bỏ hoang bên cạnh bờ biển, có một nhóm sinh viên năm cuối đang tá túc ở bên trong. Họ đến thăm thú nơi này từ một ngày trước, trong lúc xuống biển tắm thì vô tình làm rơi mất chìa khóa ngăn đựng đồ. Khi phát hiện ra thì tiền bạc tư trang trong tủ để đồ đã không cánh mà bay. Cả đám cãi nhau một hồi, nhưng rồi cũng quyết định sẽ đi ra bến cảng để đón tàu trở về càng sớm càng tốt. Ấy thế mà khi chưa thực hiện được ý định, thì cơn bão lại tràn về, không có bất cứ chủ tàu nào dám vượt biển trong thời gian này. Hết cách, cả đám đành đánh liều chui vào trong căn nhà bỏ hoang, sau khi vét hết sạch tiền để mua một ít đồ ăn đóng hộp, vài chai nước, một chiếc đèn pin và một cây nến. Mấy cô cậu sinh viên ấy không hề biết rằng, người trong thị trấn vẫn truyền tai nhau một lời cấm kị:

- Tuyệt đối không bén mảng đến ngôi nhà hoang ven bờ biển vào đêm rằm tháng bảy.

Mưa bắt đầu rơi lộp bộp xuống mái nhà. Bốn cô cậu sinh viên, hai nam, hai nữ vội vàng chạy vào căn nhà bỏ hoang. Cửa chính đã được khóa kỹ từ lâu, cả đám phải trèo cửa sổ để đi vào. Ngôi nhà bề thế được xây theo lối kiến trúc Đông Dương thời Pháp thuộc, tuy đẹp đẽ nhưng đã bị nhuốm màu thời gian. Từng bức tường đều loang lổ, cửa sổ bị gió đập vỡ nát gần hết. Hơi nước biển mặn mòi thổi vào khiến cho công trình càng bị tàn phá nhanh hơn hẳn mọi khi. Cậu sinh viên cao nhất trong nhóm tên là Minh trèo vào nhà đầu tiên. Cậu đỡ hai cô bạn là Khánh và Bình lần lượt men qua ô cửa sổ. Cuối cùng là cậu sinh viên mặt đầy tàn nhang tên Cường.

Mới hơn 5 giờ chiều nhưng bên trong nhà rất tối. Cường nhanh tay thắp ngọn nến để thoát khỏi cảnh tù mù. Ban đầu, cả bốn đứa chỉ định ngồi dưới phòng khách, nhưng căn phòng ấy vốn đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi nắng gió và những tên trộm vặt. Chính vì thế mà cả đám kéo nhau lên tầng hai cho kín gió.

Bên trên rộng rãi và kín đáo hơn hẳn. Minh cầm đèn pin đi đầu tiên, theo sau là 3 đứa bạn dò dẫm bước đi trong đêm tối. Có hai căn phòng được nối với nhau bởi chiếc cầu thang có lan can màu trắng. Căn phòng đầu tiên rộng rãi nhưng lộn xộn, bên trong kê một chiếc bàn đặt ngay trước một giá sách rộng lớn. Trên tường còn treo một khung ảnh chụp một người đàn ông rất lịch lãm, mặc bộ âu phục, cầm trên tay một tẩu thuốc. Mặc dù nụ cười đã héo hon, nhưng cả đám vẫn có thể nhận thấy rằng, người đàn ông khi chụp bức hình này còn rất trẻ, gương mặt vẫn hiện rõ vẻ anh tuấn.

Khánh và Bình nhìn chăm chăm bức ảnh của người đàn ông, nụ cười anh ta như muốn thôi miên cả hai. Phải tới khi Minh gọi lớn thì cả hai mới lục tục rời đi. Căn phòng thứ hai nhỏ hơn, bên trong chỉ có một chiếc giường, một chiếc bàn trang điểm nhưng đã đổ gục xuống nền đất, một chiếc bàn thêu gãy gọng vất trong xó.

Cũng giống như căn phòng đầu tiên, ơi này cũng có một bức tranh chân dung. Chỉ có điều, nhân vật trong tranh là một người con gái. Phần khuôn mặt của cô đã bị ố vàng, người ta chỉ có thể nhìn thấy từ cổ trở xuống. Cô gái mặc một chiếc áo dài màu trắng, nhìn thoáng qua trông như học sinh cấp 3, tay khẽ vuốt lên mái tóc dài, cổ tay còn mang một chiếc vòng vàng nho nhỏ. Bốn đứa bàn tán về bước tranh một hồi. Cường và Minh cho rằng hai căn phòng này vốn dĩ là của hai anh em trong cùng một nhà. Thế nhưng hai cô gái lại không cho là thế. Linh cảm của phụ nữ cho thấy, cả hai người vốn dĩ là vợ chồng, nhưng vì một lý do nào đấy mà không chung sống cùng với nhau. Minh nghe xong thì cười, còn nói rằng cả hai đứa bạn thân của mình xem nhiều phim quá nên nhìn đâu cũng thấy bi kịch gia đình.

Nói chuyện bâng quơ một hồi, cả đám quyết định kéo nhau lên tầng ba, cũng là nơi cao nhất của căn nhà. Thế nhưng lối đi lên hành lang tầng ba đã bị ai đó làm dùng cửa chặn lại, thành ra bốn đứa lại phải quay trở về. Đang toan bước xuống, đột nhiên cái Bình quay ngoắt lại, khịt mũi vài cái rồi nói nhỏ:

- Chúng mày có ngửi thấy mùi gì không?

- Mùi gì?

Cái Khánh hỏi lại.

- Hình như có mùi nhang khói. - Thằng Cường khẽ nhíu mày.

Thằng Minh đứng gần cửa chắn tầng ba nhất, nó nhòm xuống khe cửa để nhìn vào bên trong. Chỉ đáng tiếc, không gian tối như hũ nút nên nó chẳng trông thấy gì. Cuối cùng đành đi theo chân mấy đứa bạn. Nào ngờ vừa bước được mấy bước, bỗng dưng một tiếng nấc vang lên sau lưng làm nó giật mình, quay phắt về đằng sau. Thấy thái độ của thằng bạn lạ lùng, cái Khánh ngạc nhiên hỏi:

- Mày làm sao thế Minh?

Thằng Minh ngờ vực quay về chỗ cánh cửa khi nãy. Rõ ràng ấy là một tiếng nấc nghèn nghẹn của một người đang khóc. Bản thân thằng Minh tin rằng, nó không thể nghe nhầm được. Nó quay lại nhìn đám bạn, trong ánh nến hòa cùng với ánh đèn pin, gương mặt đứa nào đứa nấy cũng đều phảng phất nỗi thấp thỏm. Cuối cùng, thằng Minh chỉ lắc đầu:

- Chắc là tiếng gió đập vào cửa nên tao nghe nhầm thôi.

Bốn đứa kéo nhau trở về căn phòng dưới tầng hai. Cả bọn quyết định sẽ tá túc trong căn phòng đầu tiên, nơi có treo bức hình của người đàn ông mặc âu phục. Sau khi thu dọn sơ qua đống đồ đạc phủ một lớp bụi dầy, chúng ngồi trên bộ bàn ghế mòn vẹt, lót dạ bằng mấy miếng xúc xích nhó xíu cùng vài chai nước nhạt nhẽo. Cả đám nhìn ra bên ngoài, cơn bão dường như mỗi lúc lại càng gần hơn, gió luồn qua khe cửa rít lên từng hồi.

Bụng thằng Cường sôi sùng sục lên vì đói. Mấy chiếc xúc xích và một vài miếng khoai tây chiên chẳng thể nào lấp đầy cái dạ dày của nó. Cơn đói làm cho cả đám bứt dứt không yên. Bọn chúng ngồi im lặng, chẳng ai nói với ai câu nào, tất cả đều mong sao cho đêm dài chóng qua đi, chúng có thể quay về đất liền ngay lập tức.

Cơn bão kinh hoàng giữa đêm rằm tháng bảy khiến bầu không khí trong căn nhà càng lúc càng lạnh lẽo. Cái Khánh nhìn đồng hồ đeo tay rồi thở dài. Mới hơn 9 giờ tối, còn lâu trời mới sáng. Nếu như giờ này ở thành phố thì nó vẫn chưa thèm đi ngủ. Con bé khẽ xoa cái bụng lép kẹp của mình, rồi co mình lại trong chiếc áo khoác chống nắng mỏng manh, gục đầu bên vai đứa bạn. Vào lúc con bé đang mơ mơ màng màng, bỗng nhiên từ dưới cầu thang vang lên một tiếng ho húng hắng. Cái Khánh giật mình ngẩng lên, đám bạn ngồi cạnh nó đã ngủ say từ lúc nào. Con bé siết chặt con dao nhỏ giấu trong túi áo, cố gắng lay cái Bình dậy. Thế nhưng lạ một điều là cái Bình vẫn ngủ say như chết. Tiếng động càng lúc càng lớn dần. Cánh cửa khẽ mở ra, ở trên cửa xuất hiện một cô gái nhỏ nhắn, gương mặt còn nguyên nét non nớt. Cô gái mặc một chiếc áo dài, tay còn xách theo chiếc cặp nhỏ. Vừa nhìn thấy đám người trong phòng, cô giật mình lùi lại:

- Này! Mấy người là ai? Vào đây làm gì?

Cái Khánh run run xua tay:

- Em gì ơi! Bọn chị... bọn chị chỉ trú mưa nhờ thôi. Không... không phải kẻ trộm.

Cô nữ sinh mặc áo dài nghe thấy thế thì nhìn xung quanh, ánh mắt dừng lại trên chiếc bàn để đầy rác từ mấy thanh xúc xích. Phải tới gần một phút sau, cô ta mới lại hỏi tiếp:

- Anh chị không phải dân trên đảo này phải không? Sao lại đến đây làm gì?

Vừa nói cô vừa đi đến cái bàn làm việc, đối diện thẳng với bức tranh của người đàn ông đẹp trai kia. Thấy cái Khánh có vẻ run rẩy, người thiếu nữ lại nói tiếp:

- Nơi này không ai dám đến đâu. Hồi nó mới bị bỏ hoang, phường trộm cắp cũng đến thăm viếng nhiều. Bọn chúng lấy đi nhiều đồ vật lắm, cốc chén, bát đĩa cũng chẳng từ. Nhưng hễ cứ lấy một thứ gì từ nơi này đi là kẻ trộm sau đó bị gặp nạn ngay lập tức. Thằng thì bị tai nạn, thằng thì bị chết đuối dưới biển, gần đây nhất là vụ một người bị ngã xuống hố vôi vừa mới tôi. Nước nóng sùng sục khiến cho người ấy tuột hết da, khi đưa đến bệnh viện trên đất liền thì chết. Người trong thị trấn mới thuê một người để trông coi căn nhà cũ kỹ này, nếu có ai đến thì phải đuổi đi.

- Vậy... em là... - Cái Khánh rụt rè?

Cô nữ sinh kia mỉm cười, chỉ vào cái túi xách đeo bên hông.

- Người trông coi ở đây là bố em. Em mang thuốc đến cho bố.

- Em tên là gì? Lúc bọn chị vào thì chẳng thấy ai cả?

- Em tên là Khánh. Lâm Thị Phương Khánh. Chắc bố em vẫn đang đi ăn giỗ ở nhà bạn. Dù sao hôm nay cũng là rằm tháng bảy mà.

Thấy con bé đối diện cười. Cái Khánh cũng cảm thấy yên tâm. Nó bèn lân la hỏi dò:

- Khánh này! Sao mà căn nhà này quái dị thế? Chẳng lẽ cứ ăn trộm là bị phạt luôn hay sao?

Cái Khánh nhìn bức tranh người đàn ông trên tường, rồi hạ giọng thầm thì:

- Chuyện này... em cũng chỉ nghe người ta kể lại thôi. Thời Pháp thuộc, mảnh đất này là của một người rất giàu có. Người ta gọi ông ta là chúa đảo, nhưng kỳ thực tên ông là Ba Tang. Mặc dù giàu có là thế, nhưng lão chúa đảo này rất độc ác, thường xuyên đánh chết người làm trong nhà, sau đó đem vất xuống biển cho cá ăn. Lão Ba Tang có một người con trai tên là Hoàng. Để nối nghiệp mình, lão cho cậu Hoàng đi sang Pháp du học. Trên con tàu từ Pháp trở về Việt Nam, cậu Hoàng gặp một cô gái. Cả hai đem lòng yêu nhau và hẹn ước. Cậu Hoàng hứa hẹn sẽ đến Hà Nội hỏi cưới cô gái kia.
Thế nhưng, khi về đến nhà thì ông Ba Tang lại muốn cậu Hoàng lấy con gái của một lão địa chủ giàu nức tiếng ở Nam Định. Mặc cho cậu Hoàng phản đối, ông ta vẫn nhất quyết cưới vợ cho con, thậm chí còn đem sính lễ đón cô gái kia về nhà.
Mặc dù người vợ mà lão Ba Tang ép buộc con trai phải cưới rất xinh đẹp, nhưng đó lại không phải là người mà cậu Hoàng yêu. Thế nên, cuộc sống của hai vợ chồng rất lạnh nhạt. Cậu ta một phòng, còn người vợ kia một phòng. Chẳng ai nói chuyện với ai.

Rằm tháng bảy năm ấy, cậu Hoàng đang chuẩn bị làm lễ cúng người mẹ đã mất của mình thì có người đến tìm. Người đó không ai khác chính là cô gái mà năm xưa cậu ta đã gặp trên tàu. Cậu Hoàng đón cô gái vào nhà với tư cách là khách. Cô gái kia sau khi biết được người yêu mình đã lấy vợ thì khóc lóc rất thảm thiết, còn định treo cổ tự vẫn. May làm sao gia nhân trong nhà phát hiện ra. Thế nhưng sau đó, trong nhà vẫn có người vong mạng.

- Chị có đoán được người chết là ai không?

- Cô người yêu của cậu Hoàng phải không?

- Không! Người chết là vợ của cậu ta. Đêm hôm ấy cũng mưa bão như thế này. Lão Ba Tang bỗng dưng bị ngã ở ngoài cảng cho nên cậu Hoàng phải đưa bố mình đi bệnh viện. Trong nhà lúc này chỉ có người hầu cùng hai người phụ nữ. Vợ cậu Hoàng vẫn ngủ trong phòng riêng của mình. Còn người yêu của cậu ta thì nằm trong căn phòng đối diện. Chiều hôm ấy, sau khi chằng kín cửa nẻo thì gia nhân cũng lui về đi ngủ. Đến nửa đêm, người trong nhà bỗng dưng nghe thấy có tiếng bước chân. Đám gia nhân nghĩ là do mợ chủ mất ngủ như mọi ngày nên cũng chẳng hề để ý. Đến sáng hôm sau, khi người hầu lên trên phòng thì mới phát hiện mợ chủ đã chết từ lúc nào.

Mợ chủ nằm trên giường, giữa vũng máu đã khô lại, một con dao đâm thẳng xuống bụng, bàn tay của mợ vẫn còn nắm chặt cán dao. Gương mặt còn lộ nguyên nét kinh hoàng.

Người hầu gái kia sợ quá, gào lên rồi ngất lịm. Đám gia nhân khác trong nhà lúc này mới chạy tới. Tất cả mọi người đều không hẹn mà quay đầu nhìn về phía căn phòng của cậu chủ. Người yêu của cậu ta xuất hiện ở cửa, ngơ ngác không kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị mọi người trói nghiến lại, giam trong phòng. Mặc cho cô ta kêu khóc thảm thiết thế nào, ai cũng tin rằng chính cô ả này đã giết mợ chủ. Cái chết của mợ ấy vào đêm rằm tháng bảy khiến cho mọi người bàng hoàng. Thậm chí có người gia nhân sợ đến nỗi phải xin nghỉ việc.

Người ta khâm liệm mợ chủ trong một cái quan tài, bọc thật kỹ lưỡng để tránh mùi tử thi thối rữa bay ra. Lúc nhấc xác mợ lên, từ dưới gối rơi ra một mảnh giấy, bên trên có ghi: “Ta đem mối hận xuống mồ. Đêm rằm tháng bảy lại về tìm mi.”
Thực ra, người hầu kẻ hạ trong nhà không ai biết chữ. Thế nên, phải nhờ một ông thầy giáo trên đảo đến đọc giúp. Thành ra câu chuyện quái dị và lời nguyền trước khi chết mới lộ ra ngoài.

Người ta rúng động vì sợ oan hồn của con dâu nhà lão Ba Tang sẽ tìm đến trả thù, cho nên càng trút giận nên người yêu của cậu Hoàng. Cô gái ấy bị nhốt trong phòng, không được cho ăn uống. Đến ngày thứ ba thì người ta phát hiện cô ta đã bỏ trốn ra ngoài bằng đường cửa sổ. Tất cả trai tráng trên đảo đuổi theo, khi ra đến bến cảng, người ta phát hiện thấy bóng cô gái ấy đang tìm cách trốn lên tàu. Mọi người rầm rập đuổi theo, cô gái kia hoảng quá, ngã nhào xuống biển, đập đầu vào một phiến đá rồi bị sóng cuốn trôi đi mất. Vĩnh viễn không tìm thấy xác.”

Nghe đến đây, cái Khánh không khỏi rùng mình. Con bé lắp bắp:

- Nhưng...nhưng rõ ràng là không có bằng chứng cho thấy cô người yêu đã giết vợ của cậu Hoàng mà? Tại sao... tại sao lại làm thế với cô ấy được?”

Cô thiếu nữ gật đầu:

- Mấu chốt vấn đề là nằm ở đó. Sau khi cậu Hoàng về, phát hiện cả vợ và bạn gái đều chết, cậu ta càng trở nên u uất. Cậu ta đuổi hết những người gia nhân kia đi, đổi bằng người khác vì cho rằng những người cũ tự ý giam giữ người, ảnh hưởng đến thể diện của nhà chủ. Đỉnh điểm là sau đó mấy hôm,  một người bạn học cùng bên Pháp với cậu Hoàng tới chơi. Khi tìm kiếm tư trang của người vợ quá cố, người bạn này phát hiện vợ cậu Hoàng đã dùng rất nhiều thuốc an thần. Người này cho rằng, mợ ấy đã bị trầm cảm suốt một thời gian dài trước khi chết. Điều kinh hoàng hơn cả, cái chết ấy là do mợ tự vẫn. Nét chữ trong tờ giấy nguyền rủa cũng là nét chữ của mợ chủ. Hơn nữa, chữ của mợ ấy viết trên giấy là chữ nho, trong khi cô người yêu của cậu chỉ biết chữ latin, vì từ nhỏ chỉ học trường tây âu.

Mọi người lúc này mới bàng hoàng nhận ra sự thật: Mợ chủ đã tự sát rồi đổ tội cho người yêu của cậu Hoàng. Đám gia nhân cũ quay lại khóc lóc xin lỗi, lại làm một đám tang khô cho cô người yêu tội nghiệp của cậu chủ. Ấy vậy mà, không biết do oán khí lớn hay sao, mà mỗi năm trên đảo này cũng đều chết một người. Ai biết chuyện cũng bảo rằng đó là cô người yêu kia hiện về đòi tế mạng.”

Cô thiếu nữ mặc áo dài trắng kia thở dài não nề, chẳng hề nhận thấy trên gương mặt cái Khánh lúc này đã đầm đìa nước mắt. Nó cất giọng thều thào:

- Vậy... vậy cậu Hoàng sau đó ra sao?

- Còn ra sao được nữa. Cậu ta hận vợ mình cho tới tận lúc chết. Lão Ba Tang cũng lấy làm hối hận. Lão sai người đốt hết di vật của con dâu đi. Sau đó thuê người vẽ một bức tranh theo bức chân dung của cô người yêu, đặt trong phòng của mợ chủ ngày trước, ngụ ý là thay thế vị trí của cô con dâu. Chỉ có điều, sau đó căn nhà cứ vào hôm rằm là lại gặp quỷ sự. Lúc thì thấy có người con gái đứng khóc lóc trên ban công trông ra biển, khi lại thấy bên trong căn nhà sáng choang, có tiếng người cười nói và tiếng khiêu vũ vang lên dồn dập. Đêm nay cũng là đêm rằm tháng bảy...

Sống lưng cái Khánh bỗng dưng lạnh toát, nó nhìn ra cửa phòng:

- Bố em... bố em vẫn chưa đến à?

Cô thiếu nữ kia lắc đầu:

- Chắc phải một lúc nữa. Anh chị cứ yên tâm ở đây.” Rồi như sực nhớ ra điều gì, nó ngước lên phía trên rồi nói:

- Trên tầng ba của căn nhà này có bàn thờ lão Ba Tang, cậu Hoàng và cô người yêu đấy. Chị có muốn xem không?

Cái Khánh nửa tò mò muốn đi, nửa lại thôi. Cuối cùng nó lưỡng lự:

- Chỉ xem một chút thôi nhé.
Cô nữ sinh mỉm cười nhìn nó, rồi cầm theo ngọn nến đi trước dẫn đường. Khi tới tầng ba, cái Khánh ngạc nhiên lắm vì vừa nãy rõ ràng nơi này có cửa xây bịt kín, mà giờ lại mở toang. Nó đem theo tâm trạng băn khoăn bước vào. Bên trên tầng ba không chia phòng nhưng được thiết kế thành một gian thờ rộng lớn, bát nhang bốc khói nghi ngút. Tranh chân dung lão Ba Tang đặt ở chính giữa, tiếp đến là tranh của cậu Hoàng, cũng chính là người trong khung dưới tầng hai.

Thế nhưng, bức ảnh thứ ba khiến cái Khánh rụng rời. Người trong tranh là con bé vừa nói chuyện với mình. Cái Khánh rú lên một tiếng rồi quay lại nhìn. Gương mặt xinh đẹp của con bé kia giờ đã biến dạng. Làn da của nó sáng rực trong đêm tối, nó cười the thé rồi ở đâu có một luồng gió kinh hồn thổi thốc cái Khánh ra ban công. Mưa bắt đầu tạt liên tục vào mặt con bé. Bên tai nó vẫn văng vẳng âm thanh của sấm chớp ầm ầm, như muốn làm nền cho tràng cười sằng sặc của oán linh trước mặt.

- Nhảy đi! Nhảy xuống đi! Nhảy như tao lúc trước đi...

Cái Khánh chới với kêu cứu, nhưng chẳng có ai nghe thấy nó cả. Đám bạn của nó đâu rồi? Người dân quanh đây đâu rồi?

Và rồi... nó rơi!

Sáng hôm sau, nhằm ngày mười sáu tháng bảy âm lịch. Người dân trên thị trấn kinh hoàng nghe tin ở căn nhà bỏ hoang lại có người chết. Nạn nhân là một nữ sinh viên đến hòn đảo này du lịch. Vì bị mất cắp hết tiền, lại thêm tình cảnh mưa bão không thể về được đất liền cho nên nhóm bạn đi cùng đã quyết định tá túc ở trong căn nhà hoang một đêm, chờ trời sáng.

Theo như những người bạn kể lại: Cả đám đến căn nhà hoang vào lúc 5 giờ chiều. Đến khoảng 8 giờ tối thì nạn nhân Phạm Phương Khánh bắt đầu có biểu hiện kỳ lạ. Hai mắt bắt đầu trợn tròn, cái đầu ngúc ngoắc liên hồi, người rung rung hệt như một con lật đật. Bạn của nạn nhân là Bình cho rằng Khánh bị vong nhập, thế nên mới làm đủ mọi cách để bạn tỉnh lại... thế nhưng cũng vô ích.

Khi cả đám chưa biết phải làm cách gì thì nạn nhân bắt đầu mở to mắt, miệng kêu gào ầm ĩ như van xin một ai đó. Sau đó tung người chạy thật nhanh về phía ban công, lao qua ô cửa kính mờ đục rồi gieo mình xuống dưới.

Trong cơn giông gió đêm ấy, ba cô cậu sinh viên còn lại vừa khóc vừa bỏ chạy khỏi căn nhà hoang. Chúng đập cửa một nhà dân gần đấy kêu cứu. Khi công an trên đảo tới thì máu đã bị nước mưa gột cho gần hết. Lúc phát hiện, đôi mắt của Khánh vẫn mở to kinh hoàng. Minh, Cường và Bình chẳng hề biết, đêm hôm qua, cô người yêu của cậu chủ căn nhà hoang đã trở về đòi... tế mạng.

Chiều muộn ngày hôm ấy, bố mẹ của nạn nhân đến đưa thi hài của con về an táng. Ông chủ tàu tốt bụng vốn dĩ không muốn đi, nhưng vì cảm thương cho hai vợ chồng già tội nghiệp nên miễn cưỡng nhận lời. Sẵn chuyến tàu, ông cũng muốn đưa mẹ đẻ của mình năm nay đã ngoài 90 ra bệnh viện để khám sức khỏe.

Bà cụ nghe thấy có người chết ở căn nhà hoang thì lắc đầu buồn bã. Sống gần một thế kỷ trên đảo, bà cũng đã chứng kiến biết bao người vong mạng vì oán linh trong căn nhà ấy. Từ hồi trẻ, khi bà còn làm hầu gái cho cậu Hoàng, bà đã biết khi đàn bà chết oan uổng, tất sẽ hóa thành quỷ.

Giá như đám nhóc ấy không bị mất tư trang. Giá như chúng gõ cửa xin ngủ nhờ nhà dân rồi trả tiền sau, thay vì ghé lại trong căn nhà oán khí ấy. Thế nhưng, cuộc đời này làm gì có nhiều cái giá như như thế?

Tàu chuẩn bị vào bến. Bà chậm rãi bước tới cabin nơi đặt thi hài người đã chết, coi như chào tạm biệt lần cuối. Nào ngờ, vừa nhìn thấy tử thi, bà đã thốt lên một tiếng rồi khuỵu xuống.

Gương mặt của người này... giống hệt với mợ chủ năm xưa!

Oán hồn của cô người yêu kia, cuối cùng cũng gặp lại kẻ đã vu oan cho mình. Chỉ là trong kiếp khác.
Ráng chiều trên đảo đỏ rực như máu, phủ lên căn nhà bỏ hoang. Mưa lại bắt đầu rơi nặng hạt.
....................................
Hết đêm thứ 5
Đêm thứ 6: Hồ nước bỏ hoang

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro