Chương 24

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chính xác thứ mà Thôi Tiếp muốn họ kí là hợp đồng bảo mật.

In màu hay dập khuôn in ấn không phải là phương pháp cần quá nhiều kĩ thuật, chỉ hiềm từ trước tới thời Minh sơ trong lịch sử chưa từng ai nghĩ qua vấn đề đó. Nếu không có một hợp đồng pháp luật ràng buộc thì hôm nay cậu chỉ cho người ta cách lên khuôn, cách đánh màu đậm nhạt, cách tạo hiệu ứng rồi mấy hôm sau cả vùng Bắc Trực này lại chẳng đầy sách in màu.

Cha con Kế chưởng quầy không mất quá nhiều thời gian đã gọi lại hết thợ và người làm quay về cửa hàng kí thỏa thuận với cậu. Có mấy người thợ lo cậu sẽ bắt họ kí khế bán thân nên có hơi rụt rè, nhưng các ông lại nghĩ tới từ nhỏ đã làm việc ở cửa hàng này, con cái cũng sinh ra lớn lên ở đây nên cuối cùng cũng không ai lên tiếng cả, cung kính nhận lấy bản khế ước.

Không ngờ rằng khế ước này không phải là giấy bán thân mà chỉ là một bản hợp đồng dài hạn và một bản cam kết bảo mật toàn bộ kĩ thuật in ấn của cửa hàng không được truyền ra ngoài.

Trên đây ghi rằng bảo mật không chỉ những lúc họ còn làm việc trong tiệm, dù có xin nghỉ việc cũng phải có trách nhiệm không bán kĩ thuật cho hiệu sách khác, mỗi năm cửa hàng phải có trách nhiệm trả cho họ một phần tiền gọi là phí bảo mật, nhưng nếu dám làm trái sẽ bị kiện lên quan.

Loại cam kết này họ đâu sợ kí đâu. Họ đã làm trong ngành này bao nhiêu năm, đừng nói đến khắc bản sách, in ấy đóng quyển, xuất bản sách bao nhiêu kĩ thuật các nơi cũng đều từa tựa nhau thôi, bọn họ làm được người khác cũng làm được; nếu thực sau này học được kĩ thuật mới thì họ còn phải giữ kín như bưng để truyền lại cho con cháu kiếm cơm mới phải.

Kế chưởng quầy và Kế kế toán không hề phàn nàn, chép xong là kí tên luôn, Có tấm gương dẫn đầu này những người thợ và người hầu cũng an tâm đặt bút ký. Hai vị hương ước và lý chính cũng ký tên vào phần nhân chứng, thu lại một bản chuẩn bị lên nha để chép vào hồ sơ.

Thôi Tiếp thấy trời không còn sớm nữa bèn bảo Thôi Nguyên đi quán rượu đặt mấy bàn tiệc đến mời mọi người dùng cơm, cậu lại hỏi chuyện những người làm công kia: "Mọi người đều đang làm việc ở ngoài ạ? Lúc nào mới xong hết thế?"

Mấy người thợ khắc và thợ in thì đang làm trong một tiệm sách khác, còn phải mất bốn năm ngày nữa mới bàn giao xong công việc, thủ quỹ thì làm kế toán trong một xưởng rượu, phải mất gần nửa tháng nữa mới kết toán được sổ sách, còn hai người hầu thì vẫn đang làm việc trong cửa hàng.

Kế chưởng quầy cẩn thận quan sát sắc mặt cậu, nhưng mặt cậu lại chẳng lộ giận vui, nhìn không thấu đang suy nghĩ chuyện gì.

Ông muốn xin cậu thứ tội cho những người kia để họ làm ngoài thêm mấy hôm nữa, lấy được hết lương về rồi tính. Ai ngờ ông còn chưa mở lời thì Thôi Tiếp đã nói: "Còn mấy ngày thôi mọi người cứ đi làm hết việc rồi lại bàn tiếp vậy. Sân sau đã cho nhà họ Vương thuê lại rồi thì mọi người dọn dẹp hết công cụ và bản khắc chuyển đến phủ ta đi, bao giờ mọi người làm xong trở về thì tìm một phòng lớn sạch sẽ ở sân sau làm thành phòng làm việc. Nếu giờ ai vẫn chưa có chỗ ở thì chuyển tới luôn cũng được."

Mọi người nghe xong vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, một người tạp vụ sống một mình lúc ấy nói luôn mình muốn chuyển đến ở. Kế chưởng quầy còn có chút hoảng sợ, lắp bắp hỏi cậu định xử lý cha con ông như thế nào. Thôi Tiếp tà tà liếc nhìn ông ta, ra bộ cao thâm khó dò bảo rằng: "Chuyện trước ghi sổ, để xem từ giờ đến cuối năm ông làm thế nào."

Chỉ cần không kiện bọn họ lên công đường thì họ đã quỳ lạy trời đất lắm rồi. Hai người rối rít cảm ơn, lòng đầy nhiệt thành tính toán muốn lau sạch cửa hàng một lần, rồi sau này sẽ liều mạng kinh doanh để ông chủ tha lỗi cho họ.

Người nhà họ Vương ở sân sau hiệu sách loạn vui giời cũng chưa thấy về. Vương đại quan nhân phải giả làm nhân chứng cho cậu mới có cớ lẩn khỏi tay hai bà vợ, mặt mũi tèm lem như mèo mướp ngồi chỗ cậu đuổi mãi không đi—— cũng mệt anh ta ngồi lâu như thế.

Đợi đến khi Thôi Tiếp giải tán người làm trở về muốn mời người đến giúp đỡ đi phòng khách uống rượu anh ta mới uốn éo lưng đứng dậy cười nói: "Thôi nghĩa sĩ quả là người có lòng bao dung rộng lớn, tôi cứ tưởng là đám người hầu kia dám giấu cậu cho thuê nhà thì kiểu gì tên trưởng quầy cũng phải bị lên quan còn sân sau thì lấy lại. Tôi mất mặt ngồi đây lâu như thế là sợ cậu chẳng ừ hứ gì đã lấy lại nhà, còn chưa kịp nói lý thì cậu đã giải quyết ổn thỏa rồi, đúng là một người hiểu chuyện hiếm thấy."

Lấy lại nhà thì kiếm đâu ra một trăm lượng bạc bồi thường cho anh.

Những người thợ và người làm ở cửa hàng đến nay còn chưa nghỉ việc chính là mẫu gương của những người làm công trung thành, sân cho thuê thì thôi. Chủ tịch vẫn dạy chúng ta "Giữ người mà mất đất, người còn thì còn tất cả. Giữ đất mà người mất rồi, người mất thì tất cả đều mất."* Đó, cậu cũng là người từng vào được biên chế, chỉ chút nữa thôi là thành nhân viên chính thức của thư viện đại học rồi, chẳng lẽ còn không bước tiếp được con đường của các bậc vĩ nhân đã chỉ sẵn ư?

Tính ra nhà cũ của họ Thôi có một sân nhỏ ở phía sau, trong đó là một dãy nhà hai tầng xây sát đường, đầy đủ khu làm việc và nhà kí túc xá cho nhân viên, không cần phí thêm tiền lấy lại sân sau này làm gì.

Thôi Tiếp mỉm cười đáp: "Công tử lúc đó chịu bỏ tiền là có ý bảo vệ cửa hàng và người làm nhà tôi nên sân sau chắc chắn sẽ để công tử thuê rồi. Tôi còn phải cảm ơn ngài, chuyện hiệu sách bị ngập tôi vừa mới nghe thôi chứ nếu sớm biết đã đến tận phủ cảm ơn ân đức cứu nguy của Vương công tử."

Đột nhiên được Thôi Tiếp đề cao làm Vương đại quan nhân có vẻ hoảng hốt, anh ta nở nụ cười toe tóe khiến vết thương khóe miệng lại rách ra, đau đến phải kêu "áu áu" vội vàng nắm chặt tay cậu bảo: "Chúng ta đều là nghĩa sĩ hào kiệt không nên học theo mấy con mọt sách làm gì, công tử đại nhân gọi đau cả miệng. Tôi thấy cậu còn nhỏ hơn tôi vài tuổi thế thì gọi tôi một tiếng Vương đại ca là tốt rồi, tôi đây cũng sẽ gọi cậu là Thôi huynh đệ nhé!"

Thôi Tiếp từ chối nói: "Không dám không dám đâu ạ, tại hạ cũng chỉ là người đọc sách mà thôi..."

"Thế thì cậu cũng không giống với mấy tên thư sinh khác." Vương công tử khoác bả vai cậu vỗ vỗ, nếu không phải cậu đã ngồi vững thì chắc sẽ bị dập xấp mặt: "Vừa nãy tôi nhìn bả vai cậu thấy cái vết sẹo dài kinh người đó, chỉ có những tráng sĩ tắm máu mới có vết thương như thế. Cả đời này tôi chỉ nể người dũng sĩ, sau này tôi mời cậu đến nhà chơi, nhà tôi có võ trường rất lớn, vài thanh cung trọng thạnh khảm xừng, ngựa tốt đều lấy từ quan ngoại, cậu thích cưỡi ngựa cũng được, thích đấu kiếm cũng ổn, tôi sẽ giúp cậu luyện tập thật tốt!"

... Cảm ơn nhé, chờ tôi về nhà luyện dăm chục năm nữa nhất định sẽ so tài với anh.

Thôi Tiếp vừa định chối từ thì trong lòng thầm có nghi hoặc, tầm mắt liếc qua khuôn mặt tím đen của người kia, hỏi nhỏ: "Vương huynh biết võ thật chứ?" Sao lại để hai người phụ nữ mảnh mai đập cho tơi bời hoa lá đến mức này?

Vương Hạng Trinh theo ánh mắt cậu mà xoa khóe miệng, bị đau đến nhe răng: "Tôi đời này có cái thói xấu lắm, thấy người đẹp khổ sở là không chịu được, chỉ là vài vết móng tay, dài quá thì cắt thôi. Tôi đã không muốn đánh, lại cũng không muốn mắng bọn họ, ngoài nhường nhịn còn biết làm sao nữa."

Tuy Thôi Tiếp thấy nuôi vợ bé bên ngoài là không tốt nhưng với thái độ nhẫn nhục chịu đựng của anh ta vẫn có chút bội phục, cậu không khỏi chắp tay nói rằng: "Vương huynh quả là người có giáo dục, nhưng e là giờ phu nhân trong nhà đã biết việc thì nơi đâu cũng yên tĩnh không lâu nữa đâu. Nhà sách của tại hạ còn phải buôn bán làm ăn nên còn mong Vương huynh suy nghĩ biện pháp thu xếp lại cho vị ..ừm... cô nương kia nữa."

Không biết do bị đánh hay là cãi nhau mà giọng Vương Hạng Trinh cứ khàn khàn, anh ta trả lời: "Ầy, chuyện đó nói sau đi,việc của Nguyệt tỷ tôi cũng chưa nghĩ được cách nào thỏa đáng cả, chắc còn cần về bàn lại với người nhà. Nhưng mà Thôi huynh đệ này, người ca này có chuyện muốn nhờ cậu giúp—— "

Thôi Tiếp ngước mắt nhìn anh ta, im lặng tỏ thái độ nghi vấn.

Vương Hạng Trinh bị đôi mắt chăm chú kia làm hoảng loạn đến ngừng hít thở, chợt giật mình lấy hơi mới cười xòa nói: "Còn muốn nhờ Thôi huynh đệ nể mặt người làm anh này mà tạm thời đừng về hiệu sách nữa. Nguyệt tỷ cô nương trước đó đã có tính đa đoan mà người lại đã sống thêm mấy năm trong chốn đài các phong lưu, tôi sợ là cổng nhà cậu chưa đủ vững vàng mà khóa được chân người khác lại."

Thôi Tiếp gật đầu bình thản đáp ứng: "Sân sau đã cho nữ quyến của Vương huynh thuê ở thì tôi đương nhiên phải biết tránh lời ra tiếng vào. Hiệu sách này mọi ngày đều do chưởng quầy trông nom nếu không có chuyện gấp tôi cũng không thường đến đâu."

Môi Vương Hạng Trinh khẽ nhếc cao, anh ta lại nghĩ rằng Thôi Tiếp có chung sở thích như mình thì vui sướng đến quên cả đau miệng, nở nụ cười vặn vẹo nói: "Tôi sẽ không để Thôi huynh đệ chịu thiệt thòi đâu, sau này rảnh rỗi tôi sẽ đưa cậu đến chơi lầu của Giang tú bà, nhà bà ấy..."

Anh ta ngước mắt lên trông lại thấy khuôn mặt và đôi mắt Thôi Tiếp sạch sẽ đến làm người phát ngượng, đành nuốt lời kia xuống, ho nhẹ mà rằng: "Sau này vi huynh sẽ đưa cho cậu một con ngựa non được không. Tráng sĩ dùng ngựa tốt, sau này cậu cưỡi ngựa múa kiếm chắc chắn sẽ rất đẹp trai... Tuyệt vời đấy."

Một con ngựa ít nhất cũng tốn mười lượng mà nếu là ngựa tốt thực thì trăm lượng cũng mua không nổi. Quà đắt không thể nhận bừa được nên Thôi Tiếp vội từ chối ngay, Vương Hạng Trinh lại xua tay bảo: "Thôi được rồi, huynh đây tự có kế hoạch, chờ mặt tôi hết sẹo mình lại gặp nhau ha!"

Phu nhân của anh ta phá xóm phá làng lại gặp phải người quen, sớm đã chuồn về nhà, vị cô nương ở sân sau cũng thành thật về phòng giấu mặt, bảo người khóa trái cổng sân. Thôi Tiếp cũng không quản được sau này nhà kia sẽ náo loạn ra sao nữa, cậu tiếp chuyện mấy người trong phố bữa rượu rồi cầm bản sổ sách thật của cửa hàng về nhà kiểm tra.

Người làm tạp vụ kia đã dọn sang từ sớm được vú Trương sắp xếp cho vào dãy nhà sau để ở. Thôi Tiếp qua đó động viên người ta một chút, thấy trong phòng có cái giường cũ của cha con Thôi Nguyên, còn để một cái bàn cũ Vương tú tài làm thành bàn cho thợ mộc, chậu, xô, khăn vải mọi thứ đều đủ cả, thế mà phòng ở cũng ra dáng phết chứ.

Trong góc phòng chất một đống bản gỗ đã đẽo gọt xong xuôi, giấy, mực in, keo, bột phèn cũng bị vứt vội lên mặt bàn, Lý Tiến Bảo co người nói: "Những thứ ấy đều là nguyên liệu thường dùng trong cửa hàng, tôi nghĩ chẳng mấy hôm nữa là công tử sẽ in sách thế là bê qua đây. Công tử đã không bỏ mặc bọn tôi sống lay lắt ở ngoài thì tôi cũng nên có chút lòng cảm ơn mới phải, trước tiên cứ bào xong mặt gỗ và chuẩn bị keo mực, chờ thợ về là có thể làm việc ngay."

Chuyện in ấn thực ra cậu cũng chưa vội lắm vì nội dung in cậu vẫn chưa nghĩ ra. Thôi Tiếp không dám thực hiện quá nhanh nên chỉ hỏi người kia : "Cửa hàng nhà ta đã in sách màu bao giờ chưa? "

Lý Tiến Bảo ngẩn người hỏi ngược lại: "Ý công tử là ta sẽ mua giấy về nhuộm vàng hoặc xanh rồi in chữ lên đó ấy ạ? Chưa nói đến việc dùng loại giấy ấy in có đẹp không, chỉ nói đến một đao giấy thôi đã tốn những hai ba lượng bạc, nhà ta mua không được! In không nổi đâu ạ!"

Thôi Tiếp suy nghĩ một chút, nói: "Không phải cách ấy, ý ta là dùng nhiều loại mực in màu khác nhau để in thành tranh chữ kia..."

Trong trí nhớ cậu hình như Đông Cung Đồ* ngày xưa màu sắc rất rực rỡ, nhưng trong sách hóa viết là kĩ thuật in màu sớm nhất được phát hiện ở cuối nhà Minh trong hai quyển "La Hiên biến cổ tiên phổ" và "Thập trúc trai tiên phổ". Cậu không biết thời Thành Hoá thì kĩ thuật in màu đã được hoàn thiện đến đâu rồi, nếu ngay từ đầu đã dùng công nghệ cao làm hàng có khiến cho người đời hoảng sợ quá không?

Lý Tiến Bảo để ý cậu như đang đắn đo suy nghĩ lắm, không đành lòng nói chuyện cắt ngang: "Công tử ơi? Tôi chưa bao giờ nghe qua chuyện chữ đổi màu cả, nếu có chắc cũng không đẹp như màu mực đâu?"

Thôi Tiếp lắc đầu bặm môi hỏi lại: "Chưa bàn đến in gì vội, chúng ta có thể lấy loại giấy màu như của Tạ Công rồi in nhiều lớp màu tạo tranh được không?"

Lý Tiến Bảo "A" một tiếng: "Thì ra là muốn làm giấy viết thư? Là loại dùng cho thư sinh viết văn làm thơ ấy ạ? Nếu chỉ ấn mấy họa tiết như hoa mai, hoa quỳnh thì làm ngay được đấy, nếu in cả cây lan thì cũng không tốn nhiều công, thợ mộc khắc một ngày là xong rồi ạ. Nhưng mà lúc lăn mực in lại khá tốn thời gian."

Nếu đã có người tiên phong dẫn trước thì đồ mình hướng dẫn chắc cũng dễ làm thôi. Thôi Tiếp vui mừng hỏi: "Những thứ có trên thị trường mọi người đều làm được chứ?"

Lý Tiến Bảo xoa tay nói: "Tôi không dám nói tất cả đều làm được, ví dụ như kĩ thuật thiếp vàng ở phía Nam chúng tôi chưa thử qua, nhưng nếu chỉ là nhuộm màu hay lăn mực sáp thì đều làm được ạ."

Thôi Tiếp cụp mắt suy tư giây lát, khẽ gật đầu: "Ngươi ngày mai bảo với chưởng quầy phải mua đủ hết nguyên liệu làm màu và công cụ in khắc cho ta, thiếu cái gì thì lấy tiền ở chỗ Thôi Nguyên, tất cả kĩ thuật in màu mà mọi người có thể nghĩ ra đều làm cho ta xem. À còn hỏi thêm xem có bao nhiêu người muốn chuyển đến để ta đặt thêm đồ gỗ gia dụng—— nhưng mà chắc sẽ làm đơn giản thôi."

Lý Tiến Bảo kích động gật đầu lia lịa: "Cảm ơn công tử, chúng tôi có chỗ ở đã quá sung sướng còn đòi hỏi trang hoàng gì nữa ạ? Nói thực với ngài năm ngoái lũ lụt bọn tiểu nhân đã có lúc phải nhịn đói, lều tranh cũng ở rồi, may chưởng quầy cho thuê sân sau mới—— "

Cậu ta đột nhiên ngưng bặt, cúi thấp đầu nhìn lén Thôi Tiếp.

Thôi Tiếp hơi cong khóe miệng, buông tay áo quay đi: "Trời không sớm nữa, ngươi cứ đi nghỉ trước, ta về đây."

Cậu hôm nay đã cầm kiếm muốn chém người, ép cha con Kế chưởng quầy giao trả sổ sách thật, còn gọi đám công nhân về kí giấy bán thân... Làm bao nhiêu chuyện của nhân vật BOSS phải diện như thế chả trách cậu trai họ Lí này trông cậu lại run rẩy. Thôi thì cậu cứ tự giác mà về, đừng làm người ta hoảng quá phát bệnh ngất đi thì khổ.

Hết chương 24

1. "Giữ người mà mất đất, người còn thì còn tất cả. Giữ đất mà người mất rồi, người mất thì tất cả đều mất.": Nguyên văn là "存人失地,人地皆存;存地失人,人地皆失". Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.

2. Đông Cung Đồ: Văn hóa phẩm đồi trụy ngày xưa

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro