Chương 26

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vú Trương vừa đi mấy hôm thì Kế chưởng quầy đã dẫn theo Lý Tiến Bảo và một người thợ khắc tên Trương Đại đến phủ xin gặp, nói là đã nhuộm được các loại giấy viết màu đỏ, màu hồng, xanh lục, xanh lam và vàng sậm, còn in hình cầu kì nên muốn mang cho Thôi Tiếp ngắm nghía.

Giấy viết thư kích thước xấp xỉ tờ A4 nhưng hơi ngắn hơn chút. Thực ra cả tờ họ chỉ nhuộm màu một nửa, nửa kia họ cho in hoa cỏ quấn quanh khung màu đỏ thẫm, hình hoa khắc rất tinh tế, từ đó nhìn ra những người thợ này cũng rất kì công. Giấy viết thư được chia thành sáu cột, ở lề giấy người ta còn trang trí thêm những hình giọt nước rất tự nhiên càng tôn lên vẻ phong nhã, góc trái tờ giấy  in nhỏ dấu ấn của nhà sách Trí Vinh.

Nếu chỉ để ý bề ngoài, loại giấy viết thư này mà so sánh với giấy bọc vở hoặc giấy viết thư của trẻ em ở hiện đại thì thực là thô sơ. Vậy nhưng đến lúc cậu chạm qua lại nhận ra chất giấy cực kì mềm mại thoải mái kết hợp với kiểu phối màu cổ điển, tự Thôi Tiếp lại cảm thấy tờ giấy này in rất tinh xảo nho nhã.

—— ít ra trên giấy còn kẻ dòng, so với loại phổ thông làm bằng bột tre mấy hôm nay cậu dùng mà muốn viết đẹp chỉnh tề thì phải lót thêm giấy kẻ ô ở dưới mới được thì rõ ràng tốt hơn bao nhiêu lần.

Làm được đến bậc này mà người ở đây còn chưa thỏa mãn thì chẳng phải đang chờ người xuyên như cậu đến nâng cấp ư?

Cậu thử viết lên giấy vài chữ, quả nhiên là loại thấm nước cực tốt thì chữ viết linh hoạt trôi chảy, so với loại giấy thường không chỉ hơn một chữ tốt được, thực là loại thượng hạng khiến chữ viết xinh đẹp tuyệt trần. Nếu ngay từ đầu đã dùng loại giấy này luyện chữ thì sẽ chẳng thể luyện nổi loại giấy thường nữa đâu nhỉ?

Biết là thế mà cái tay lại không kìm được viết thêm vài hàng, đoạn văn bàn "Thầy Tử Hạ hỏi về đạo hiếu".

Hai ông thợ cả đứng bên cạnh sốt ruột chờ đợi, Kế chưởng quầy lại càng tim đập chân run, mãi đến tận khi cậu nhấc bút ông mới hít sâu một hơi, cố hạ giọng hỏi rằng: "Loại giấy này công tử có vừa lòng không ạ?"

Lý Tiến Bảo xoa tay cười nói: "Đây mới chỉ là đồ làm vội thôi chưa phải loại tốt nhất đâu ạ, nếu công tử chưa vừa lòng thì còn có thể sửa lại. Nếu người muốn trông càng đẹp mắt hơn, thì có thể cho thêm bột Vân Mẫu*, thế thì mặt giấy sẽ càng lóng lánh lộng lẫy hơn."

Trương Đại càng im lặng hơn, hai tay ông giấu trong tay áo, cúi đầu trầm mặc, từ lúc vào cửa chưa hề mở miệng ra lời nào.

Thôi Tiếp lắc đầu, tiện tay lấy một tờ giấy viết thư vẽ lại mấy viên hạt dẻ, viên thì hoàn chỉnh, viên thì nở bung. Hai ngày nay ăn nhiều nên cậu vẽ không ít lần, giờ chỉ nhấc bút lên là đã vẽ được không cần hình mẫu. Lý Tiến Bảo quan sát bên cạnh thấy cậu đang tập trung vẽ mấy thứ nho nhỏ làm tờ giấy bỗng chốc sinh động hẳn lên, cậu ta không khỏi than thở: "Thì ra công tử nhà ta lại vẽ đẹp đến thế."

Thôi Tiếp cười nhạt: "Trước kia học cũng chỉ vẽ được vài nét thôi. Ta muốn hỏi rằng, nếu cho các ngươi một hình vẽ có màu sắc đậm nhạt khác nhau như thế này liệu có thể khắc ra không?"

Kế chưởng quầy hơi nhếch môi, không dám nói không, cũng không thể trả lời là có, cứ ậm ừ lúng búng mãi.

Lý Tiến Bảo thì hơi nóng nảy mà nhìn cậu bằng ánh mắt trách móc đứa bé chưa hiểu việc đời, anh ta cười to: "Sao có thể in được kiểu ấy, bản khắc làm ra tất cả các trang đều cùng màu sắc, chỉ có thể làm đậm nhạt cả trang, còn hình vẽ màu sắc thế này ai mà làm cho nổi chứ."

Thôi Tiếp cũng cười hỏi ngược lại anh ta: "Tại sao không làm được, lúc khắc xong bản gỗ, chỗ cần đậm thì bôi màu đậm, chỗ cần nhạt thì lăn màu nhạt, vậy chẳng phải là in được thôi sao?"

Lý Tiến Bảo theo thói quen bảo rằng: "Nào có chuyện dễ thế chứ, công tử người nghĩ đơn giản quá chứ chúng tôi làm nghề này bao nhiêu năm rồi..."

Trương Đại đột nhiên kéo anh ta ra sau, tự mình bước đến cạnh bàn quan sát, đầu ngón tay ông chạm lên hình hạt dẻ đơn giản chia ra hai màu đậm nhạt, nhẹ giọng nói: "Công tử muốn ấn kiểu này tuy là hơi khó nhưng chúng ta có thể dùng cách ấn màu nhạt trước, sau đó lấy bút phác lại đường nét chỗ đậm."

Cuối cùng cũng bàn đến bước này rồi.

Thôi Tiếp "A" lên một tiếng, giả bộ giật mình hiểu ra nói: "Cứ tô qua tô lại vậy thì in khi nào mới xong chứ? Quá phức tạp rồi."

Ba người đều gật đầu theo, đang nghĩ rằng cậu sẽ thu lại yêu cầu bất hợp lý này. Thôi Tiếp lại cười hì hì, diễn thành một người ngoài nghề vừa mới nghĩ được ý tưởng mới, không để họ nhận ra mình đã có mưu đồ từ lâu, nói rất thuận miệng: "Vậy thì mỗi nét đậm nhạt ta khắc thành một bản in rồi lăn màu sắc khác nhau lên, một bản vẽ thế này ta tách khắc thành mấy bản riêng sau đó ghép lại thành một bản to hoàn chỉnh có được không? Ta thấy cũng không khó đâu mà."

Miệng Trương Đại cứ mở ra rồi lại khép lại, nói cũng lắp luôn: "Khắc, khắc thế thì dễ thôi, một hình chỉ mấy nét thì tôi có thể làm được, thế nhỡ in cả một nhành hoa thì phải làm sao bây giờ..."

Cửa hàng nhà cậu chứ từng nhìn thấy kĩ thuật mới như thế, Thôi Tiếp lại càng không biết thao tác thực tế cần làm những gì, sách hóa lại chẳng thể viết những chi tiết nhỏ nhặt đến vậy. Nhưng nếu phương pháp in màu thực sự làm ra được thì chẳng lẽ còn bước cuối mà lại để bị kẹt ư?

Cậu vỗ vai Trương Đại khích lệ: "Ta biết ta chỉ là người ngoài nghề nên ý tưởng có chút khác lạ, nhưng nếu Kế chưởng quầy ngày hôm nay mang ông tới vậy thì chắc chắn tay nghề của ông trong cửa hàng nhà ta phải là số một số hai. Ông cứ về thí nhiệm trước đã không cần phải dùng hình hạt dẻ này, cứ lấy thứ mà ông thuật tay nhất ấy, cũng không chỉ sử dụng màu đen mà nên chọn mấy màu rực rỡ thì mới có thể tách màu dễ được. Mọi người cứ làm chậm thôi, chúng ta từ từ thử."

Trương Đại cúi đầu suy nghĩ có vẻ lung lắm, đột nhiên ông ngẩng cao đầu nhìn cậu, đánh bạo hỏi: "Công tử đã để mắt đến tôi thì tôi nhất định không làm công tử thất vọng đâu. Chỉ là nếu tôi thử nghiệm cách mới thì không thể quan tâm đến công việc trong cửa hàng nữa, xin công tử..."

"Ta đương nhiên vẫn trả công theo quy định cho ông, dù cho sản phẩm có thế nào cũng được. Nếu ông làm ra được ta còn cho tiền thưởng ấy chứ —— nếu có thợ khác làm ra trước thì tiền thưởng sẽ cho người đó. Không chỉ thợ khắc nói riêng, mà thợ phối màu, thợ in...đều có phần. Ta cứ đặt trước năm mươi lượng bạc thưởng, ai là người nghĩ ra cách in màu trước thì ta cho kẻ đó một phần."

Đồng tử ba người trợn lớn, thi nhau nuốt nước bọt, chỉ hận không thể đem mặt mình chui luôn vào túi ông chủ cho xong. Kế chưởng quầy cắn răng giậm chân bất chấp nói: "Tiểu nhân trước kia giấu diếm cậu chủ là đã có tội lớn rồi, nếu giờ còn có chút lòng xấu nào thì Trời Phật cũng không tha cho tôi nữa! Cậu chủ người yên tâm đi, sau khi tôi trở về sẽ đốc thúc thợ thuyền nhanh chóng in ra thứ ngài muốn!"

Thôi Tiếp quan sát sắc mặt họ một lượt, cậu mỉm cười nói: "Hy vọng được như thế, vậy ta sẽ chờ tin tốt của mọi người nhé."

Phương pháp này là do văn nhân và thợ thủ công của đời Thiên Khải, Sùng Trinh* nghiên cứu ra nên cũng không phải kĩ thuật có độ khó cao gì cho cam, tuy là trước đây chưa có xuất hiện nhưng chỉ cần vẽ cho họ một ý tưởng mới thì cậu không tin rằng những công nhân này sẽ không làm được.

Chỉ cần hoàn thiện xong vấn đề kĩ thuật thì trong ổ cứng của cậu có cả một rừng...phim nóng của các nước, trai xinh gái đẹp nhiều như mây như sao, lúc ấy cũng chẳng sợ thiếu ý tưởng để in ấn.

Chuyện kĩ thuật đã giao lại được cho nhóm công nhân thì chuyện phiền trong lòng cậu cũng được giải quyết, tạm thời có thể yên tâm xin thầy đi học được rồi.

Chờ đến khi cậu học thuộc hoàn toàn "Tứ Thư chương cú" để lúc đọc thơ có thể liếc mắt là nhìn ra bằng trắc, âm luật sau đó học thuộc thêm bộ "Kinh Thi" nữa. Lúc ấy cậu sẽ bảo cha con Thôi Nguyên chuẩn bị sáu lễ đến nhà Lâm tiên sinh, cung kính làm lễ nhập học*.

Cậu xách lễ đến tận cổng mà non Lâm tiên sinh lại không vui mừng chút nào, trông ông có vẻ khá sốt sắng, còn buột miệng hỏi: "Sớm như vậy mà con đã tới nhập học rồi ư?"

Sớm gì nữa ạ, đã qua Trung Thu mấy ngày còn ngày sinh Khổng thánh nhân đã ở sát nút rồi, nếu giờ con còn chưa làm lễ thì đợi đến sang tháng tám nhuận mới đi học được mất!

Ông nhìn đôi mắt trong sáng mở to đang chăm chú của cậu, tuy trong lòng có chuyện không muốn nhưng vẫn phải giả bộ ho khan, nhận lấy quà lễ trong tay Phụng Nghiễn, ôn tồn tỏ vẻ mừng vui nói:"Được rồi, ta biết là con sốt ruột chuyện học hành lắm, vậy thì hôm nay ta nhận lễ nhập học vậy."

Nói xong Lâm tiên sinh liền đưa cậu vào từ đường lễ Khổng thánh nhân, lại nhận đại lễ bái sư của cậu. Ông khích lệ vài câu là đồng ý nhận cậu vào lớp học hành, sắp cho chỗ tốt ngay sát cửa sổ để nghe giảng.

Tâm lý Thôi Tiếp đã là người trưởng thành rồi nên không còn sự nóng nảy bồng bột của thiếu niên, càng sẽ không có chuyện ghét học, cậu ngồi trong lớp tập trung nghe giảng, chăm chỉ học sách, làm thật đầy đủ bài tập thầy giao, chữ viết lại ngay ngắn rành mạch, quan sát cả lớp tìm không ra người học sinh tốt đến thế. Chẳng qua là mỗi lần Lâm tiên sinh nhìn thấy cậu học trò mới này lại nghĩ ngay đến chuyện người ta nhờ mình viết sách, trong lòng lại thấp thỏm bất an.

Đầu tiên Thôi Tiếp đã dùng thân phận học trò mà tặng ông quà nhờ vả, mấy hôm sau vị chưởng quầy của hiệu sách Trí Vinh lại mời ông đến quán rượu ăn cơm, còn đưa thêm hai thất lụa gấm và một thỏi bạc nguyên bảo hai mươi lượng trắng bóc. Nếu chuyện kia còn làm không ổn thỏa thì cái mặt già của người làm thầy này cũng chẳng dám gặp học trò nữa.

Cả đêm cứ suy đi tính lại đến sáng ông dạy học cũng mất tập trung, lúc tan học ngồi trong phòng đọc sách bèn sắp xếp toàn bộ thư sinh có thể viết tiểu thuyết trong huyện Thiên An, thậm chí cả phủ Vĩnh Bình ra để so sánh mà vẫn còn cảm thấy trình độ không đáp ứng được.

Văn phong của Bắc Trực Lệ suy cho cùng vẫn chưa thể sánh với vùng Giang Nam.

Lâm tiên sinh thất vọng than thở mãi, đến tối trở về phòng ngủ thắp đèn thấy bản "Bút kí Lý Trường Lư trong hang đá gặp tiên" mới gửi tới từ Giang Nam, nghĩ tới nhân tài phía Nam nhiều như cá trên sông lại càng thêm buồn lòng, chợt ông thấy—— ai nói tài tử phương Bắc không bằng Giang Nam chứ, kinh thành không phải là chốn tụ tập tài tử Giang Nam Giang Bắc lưỡng kinh mười ba tỉnh đều sinh sống ở đó hay sao?

Trong những người đó chắc chắn sẽ có kẻ dám viết văn cho hiệu sách để làm tiền đề cho bản thân lưu danh tên tuổi đúng không?

Ông bỗng cảm thấy phấn chấn hẳn lên, ngay lập tức nhấc bút viết một phong thư cho người bạn cũ có duyên thi cùng hiện đang sống ở phủ Thuận Thiên, gửi kèm mười lạng bạc ròng và một thỏi mực tốt coi như thù lao nhuận bút. Ngoài ra còn mang đến hai sọt lê đường đặc sản, hai đao giấy tốt, Lâm tiên sinh ỷ vào quan hệ thân thiết cùng thi cùng học với nhau nhiều năm giời mà nhờ vả người ta tìm cho mình một tài tử thật giỏi, viết ra được một cuốn sách nội dung phong phú câu từ chau chuốt không nói thô tục, khiến người đọc sách nhìn qua thích mê.

Người bạn tốt kia quả thực đáng tin cậy, trong một tháng thời gian ngắn ngủi đã gửi lại cho ông một tập bản thảo viết tay dày cộp.

Nội dung không phải là loại truyện dài, mà từ bốn câu truyện ngắn ghép thành một quyển—— đều lấy đề tài thư sinh chán đời có duyên gặp mặt nữ thần / nữ tiên / nữ yêu / nữ quái, về sau cuộc sống viên mãn có của cải có vợ con có công danh đuề huề, vừa thú vị lại xuyên suốt. Vừa đọc vừa ngẫm thì tuy hành văn không quá mức phong phú, nhưng vẫn có thể dùng để giải trí tĩnh tâm; thơ từ câu cú còn chưa đến mức tuyệt tác nhưng vẫn đáng cho các đấng văn nhân cau mày suy nghĩ.

Ông cẩn thận đọc từng chút một rồi giúp đỡ sửa sang những câu văn chưa đủ trôi chảy, đến lúc cảm thấy không còn chỗ nào để sửa được nữa thì tảng đá trong lòng mới coi như bỏ xuống được.

Lúc ấy trời đã tối, Thôi Tiếp cũng sớm đã về nhà. Nhưng ông thực không muốn giữ củ khoai lang nóng bỏng tay này thêm một giờ một phút nào nữa, Thôi Tiếp lại là học trò của ông thì làm gì có chuyện thầy không được đến thăm trò, Lâm tiên sinh bèn lấy giấy dầu gói kĩ bản thảo rồi gọi đứa con trai mang tới Thôi gia, còn dặn đi dặn lại là trên đường không được cho ai xem cả.

May mà con trai ông mới độ mười tuổi, từ nhỏ đã bị ép học đọc bài nên càng ghét mấy thứ viết chữ, cả quãng đường đi chưa hề mở ra xem loại sách không hay ấy chút nào. Nó gặp được Thôi Tiếp là dúi luôn bọc vào tay cậu, lúng ba lúng búng nói: "Cha tôi đưa bài tập cho huynh này".

Phụng Nghiễn cho nó mấy miếng bánh ngọt ngó sen nhân hoa quế, nó ăn vui vẻ rồi hí hửng chạy về.

Thôi Tiếp nhìn độ dày của cái bọc trong lòng cũng lờ mờ đoán được, cậu cũng hiểu ra tại sao tối trời thế này mà Lâm tiên sinh vẫn còn muốn cho thêm "Bài tập về nhà".

Cậu đang ăn cơm tối nên sợ làm bẩn bản thảo, đành đặt đũa xuống đi dùng xà phòng rửa tay mấy lần lại dùng khăn vải lau khô mới dám mở bọc giấy ra, nghiên cứu tác phẩm đại tài vừa nhận được.

Phụng Nghiễn đứng bên cạnh cũng ngó nghiêng theo, đọc vô cùng chăm chú. Thôi Nguyên đứng từ xa thấy họ đọc quên hết giời đất cũng không dám cắt đứt, thở cũng hạ giọng luôn, chờ đến lúc hai người đọc xong ông mới dám hỏi nhỏ: "Thế nào rồi ạ, sách có hay không?"

Không phải ông thích đọc sách nên mới hỏi chuyện này, chỉ là ông quan tâm đến khả năng buôn bán của nó. Nói cho cùng thì tiền tài có hạn, không thể nuôi nhiều công nhân của cả một cửa hàng như vậy được, sớm ngày nào làm ra tiền thì công tử có thời gian và kinh phí học hành sớm ngày ấy.

Nhưng Thôi Tiếp không thể trả lời ông nổi.

Với hơn 500 khác biệt lịch sử thì con mắt hiện đại của cậu hoàn toàn không thể thưởng thức từ dàn ý cho tới nội dung của mấy văn bản này, không thể hiểu được có kiểu nam chính nào lại cứ bám váy nữ chủ, đã ăn không ngồi rồi còn chờ người ta cưới thêm vợ lẽ hầu hạ mình, mấy người có thấy hợp lý không hả?

Cậu không có cách nào ngoài quan sát phản ứng của Phụng Nghiễn —— đứa nhóc này lại còn đọc ngấu nghiến mê say, tựa như lần đầu được nhìn thấy một áng văn tuyệt tác vậy, vừa đứng còn vừa hâm mộ ngâm nga thơ từ mà nam chính đã viết, thế thì chắc được tính là văn hay nhỉ.

Tuy rằng cậu thấy mấy mẩu truyện này không thể so được với tứ đại danh tác, tiểu thuyết dài kì thậm chí chút sự thỏa mãn lúc đọc văn mạng cũng không làm nổi, chắc chắn không thể truyền lưu như các loại tiểu thuyết Minh Thanh nhiều fan sau này, nhưng nếu chỉ in một món ăn nhanh kiếm lời ngay thì dùng trình độ này cũng quá hợp lý rồi.

Cậu suy nghĩ kĩ càng cả đêm, sáng hôm sau liền xoa đầu Phụng Nghiễn nói: "Bản thảo sách ta giao cho ngươi đấy, nhớ cầm mang về sao thêm hai bản để ta đưa cho thợ thủ công nghiên cứu cách in ấn nhé."

Hết chương 26

1. Bột Vân Mẫu: (云母粉)Bột Mica - Mica là tên gọi chung cho các khoáng vật dạng tấm thuộc nhóm silicat lớp. Tên gọi "mica" có nguồn gốc từ tiếng Lating micare, có nghĩa là "lấp lánh", theo cách phản xạ ánh sáng của loại khoáng vật này, đặc biệt khi chúng ở dạng mảnh nhỏ. Trong suốt chiều dài lịch sử, bột mica mịn cũng đã được dùng vào nhiều mục đích khác nhau trong đó nổi bật là cho mục đích trang trí.

Bàn tay làm bằng mica

2. Thiên Khải, Sùng Trinh: Niên hiệu hai vị vua trị vì cuối cùng của nhà Minh.

3. Lễ nhập học: Trong nguyên phần tiếng Hán ghi là lễ bái sư, nhưng đây chỉ là lễ mang tính chất đến xin học giống như nhiều môn sinh khác thôi. Trong chuyện này Thôi Tiếp chỉ nhận chân chính một người thầy, được người ấy thu làm đệ tử cuối cùng, khi làm lễ sẽ phải quỳ xuống dâng trà. Lúc ấy mới mang tính chất bái sư thật. Vì trong cuộc đời thầy dạy có thể rất nhiều nhưng sư phụ thì chỉ được phép nhận một. Vậy nên mình mạn phép dịch thành lễ nhập học để mọi người tránh hiểu nhầm. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro