Chương 40

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi ngồi ổn định bên ghế phó lái, cả người bị hơi lạnh trong xe và dây an toàn quấn chặt, bên ngoài đang là hoàng hôn giữa hè, hơi nóng còn sót lại của cái nắng thiêu đốt ban ngày vẫn còn bám trên bề mặt thành phố, anh nâng nhiệt độ điều hòa cao lên một chút, sau đó lại kéo đai an toàn bên cạnh tôi, gài chặt.

"Anh vừa lén chuồn khỏi công ty ra đây. Thật ghen tị với thanh thiếu niên các em."

"Thanh thiếu niên cũng có bài tập mà." Tôi lầm bầm một câu: "Còn có cả phiền muộn tuổi trưởng thành."

Anh nắm vô lăng nhìn tôi, phì một hơi rồi cười.

Tôi dốc hết sức bình sinh dời đi ánh mắt dán trên khuôn mặt tươi cười của anh, kề sát kính xe nhìn ra ngoài cửa sổ.

Ở lâu trong căn phòng ngột ngạt đối diện với một đống chữ như đầu ruồi bé tí, mắt tôi cũng thấy mỏi rồi.

"Sắp lên mười hai rồi nhỉ?"

"Khai giảng xong thì là vậy."

Tay tôi chà xát lên đùi, trùng hợp hôm nay tôi mặc một chiếc quần dài màu xám chất vải mỏng nhẹ, phần đầu gối bị vò nắn nhăn nhúm khó coi, chỉ đành tự làm tự chịu lấy tay che lại.

"Đã suy nghĩ đi đâu chưa." Anh choàng một tay qua sau ghế tôi, quay đầu nhìn xuống cửa kính đuôi xe để quay đầu xe lại, tôi thấy được vùng cổ áo để mở buông lơi, một bên được xương quai xanh gầy gò chống đỡ in bóng xuống, hơi thở đều phả hết lên mặt tôi: "Theo nghệ thuật hay là theo học văn hóa."

Khi hỏi câu hỏi này, anh lại càng giống những người lớn trạc tuổi xung quanh tôi, đều đứng ở góc độ người trưởng thành hỏi một đứa nhỏ những vấn đề liên quan đến tiền đồ tương lai, có khi là hiền từ khen ngợi, cũng có khi là tránh nặng tìm nhẹ, vì điểm chung duy nhất giữa hai người đủ để mở ra một chủ đề thảo luận đơn giản chỉ có những quan điểm giống nhau hiếm hoi mà lại cũ rích này thôi.

Thế là trái tim luôn thấp thỏm mỗi khi đối diện với anh của tôi cũng lắng xuống theo chủ đề đầy tính đời thường đó, trả lời anh cũng lưu loát hơn: "Tạm thời dự định theo văn hóa, em chơi âm nhạc cũng là nghiệp dư, không giống người bạn kia của em, người ta là có dự định học chính quy đàng hoàng."

Người tôi nói là Kiều Hinh Tâm, Cung Tuyển Dạ không thể nào không có ấn tượng với nhỏ, tuy tôi không dám chắc anh có nhớ cô bé mà năm ấy tôi cầu xin anh đi cứu hay không.

Tôi bắt đầu chậm rãi suy nghĩ về mối quan hệ giữa đôi bên. Không nghĩ kỹ còn đỡ, nhưng một khi đã xòe tay ra đếm, ngẩn ngơ đếm được giữa hai chúng tôi ngăn sông cách bể mà cũng có tận tám năm quen biết, tám năm rồi?

Chúng tôi quen nhau vậy mà đã nhiều năm như thế. Nhưng rút ngắn khoảng thời gian thật sự chỉ là chuyện của hai năm nay. Không trách được mỗi lần gặp nhau đều phải cảm khái thời gian trôi nhanh, anh không còn là thiếu niên u ám bức người thân phận bất minh ấy, tôi cũng không còn là đứa trẻ cầm dao tự vệ vừa ghê tởm lại vừa ngang ngược kia, trong khoảng thời gian đó chúng tôi đã từng có ba năm không gặp, xét theo quỹ đạo cuộc sống của người bình thường, có lẽ theo như lời Lâm Thụy An nói, anh du học ở Mỹ mấy năm.

Nhưng thực tại xoay vòng, chúng tôi không chỉ dựng lại được giao tình mơ hồ thêm lần nữa, mà thậm chí còn ngồi chung một chiếc xe, chuẩn bị đi ăn một bữa tối có lẽ cũng không mấy thịnh soạn, bình thường tôi khá không quan tâm đến những thứ vu vơ kia, thế mà bây giờ lại không tiếc lòng ca tụng vận mệnh diệu kỳ.

Anh lái xe theo chỉ dẫn của tôi, trên đường xen kẽ vài câu chuyện phiếm, chưa từng để bầu không khí mát mẻ trong xe bị gián đoạn gượng gạo chút nào, anh vô cùng biết nói chuyện, không hỏi khó người khác, biết khôi hài đúng lúc, so với hình tượng bên ngoài càng bình dị gần gũi hơn. Hạ Giai từng nói với tôi, người như vậy gọi là EQ cao.

"Nhưng tiền anh không mang đồng nào đâu nói cho em biết đó bạn học Hạ Tức." Trong lúc chờ đèn đỏ, anh lắc lắc ví tiền móc từ túi quần ra, tôi thuận tay đón lấy, giả vờ nghi hoặc mở ra nhìn một cái: "Thật hay giỡn..."

Chữ tiếp theo kẹt cứng vang giòn trong kẽ răng tôi.

Bởi vì tôi bất ngờ thấy trong ví tiền một bên là thẻ đen tượng trưng cho ngân hàng tư nhân, và một vật hình vuông bằng nhựa dẻo nhét vào bên ví còn lại, trên bao bì in dòng chữ "Okamoto siêu mỏng" cực kì hoành tráng.

Thật sự một cắc cũng không có thật.

Tôi đóng ví lại trong tiếng cười trêu ghẹo kìm nén của anh, một lời khó nói hết nhìn kính chắn gió phía trước.

Cũng may đã đến quán cơm, tôi dẫn cậu Cung Tuyển Dạ hồn nhiên bước vào cửa lớn, hôm nay anh mặc áo sơ mi đen cổ đứng, quần tây hoa văn tinh tế không quá trang trọng vén lên gấu quần, đi đường còn huýt sáo, giống như thật sự là một tên ăn chực.

Thực ra tôi không cầu kì trong phương diện ăn uống, hơn nữa trong giai đoạn phát triển con trai nhà ai mà chẳng giống thùng cơm, mỗi ngày nhìn mọi người ngồi trước một mâm đầy thức ăn được xếp hình nghệ thuật mosaic* ở căn tin trường học mà vẫn có thể ăn như hổ đói cũng thấy cảm động lòng người, chất lượng và số lượng không thể thỏa mãn nổi, nếu bình thường đi cùng đám bạn như Lý Khiêm Lam và Hà Cố, chắc chắn tôi sẽ kéo họ ngồi quán lề đường mà bàn ghế lau mãi không sạch, hăng hái vô tư đánh bay một đống xiên que lớn.

» Nghệ thuật Mosaic: Mosaic (còn được gọi là "ghép mảnh" hoặc "khảm") là một hình thức nghệ thuật trang trí – tạo ra hình ảnh từ tập hợp gồm những mảnh nhỏ.

Nhưng đây tốt xấu gì cũng là tôi mời (có lẽ vậy) crush của mình đi ăn bữa cơm đầu tiên, không thể quá đáng quá.

Dù cái người đang ngồi đối diện tôi kia trông có vẻ bất cần đời, gọi gì cũng ăn, vốn dĩ tôi muốn nhân cơ hội này thăm dò khẩu vị của anh một chút, mà xem ra không cần thiết nữa – ngay cả trà sữa anh cũng gọi y chang tôi.

Đèn trong quán không quá sáng, nhìn thẳng cũng không chói, tôn bức tường màu xám sắt trở nên sinh động, bầu không khí rất thích hợp để nghỉ ngơi và tán gẫu. Lúc tôi lấy muỗng múc một viên cà ri trứng cá lên thì đũa của anh cũng lợi dụng sơ hở xiên vào nó, động tác của cả hai chúng tôi đều dừng lại một lúc, cuối cùng anh rút tay về trước, cũng không biết anh đang nghĩ gì mà bỗng nhiên chỉ chỉ vào khóe miệng hơi nhướn lên của mình.

Cho nên tôi cũng không biết nghĩ cái gì mà thuận tay đút luôn muỗng vào miệng anh.

Anh thỏa mãn nhấp một hớp trà sữa, tôi cầm cái muỗng anh đã ăn qua, trong đầu không dưng nảy lên rất nhiều suy tưởng xấu xa, nhất thời có chút bối rối không biết phải làm sao.

"Anh." Tôi nói với giọng thành thật: "Có lúc anh rất trẻ con."

"Vậy sao." Anh ngả lưng ra sau ghế, gác hai chân lên giá đỡ bắt chéo dưới bàn, lúc nói chuyện thì nghiêng đầu, từ tốn nhắm mắt, trông giống một tên vô lại thích mắt vui tai: "Do ở cùng em nên mới thấy con nít."

"Em không còn con nít nữa." Tôi sửa lại lời anh: "Tháng trước qua mười tám tuổi rồi."

"Anh lớn hơn em gần mười tuổi đó." Anh nói: "Anh còn từng xoắn xuýt trong lòng một trận vì chuyện em nên gọi anh là anh hay là chú, cảm thấy gọi gì cũng bị thiệt."

"Thôi đi." Tôi nói: "Lúc anh uống say còn bảo em gọi chồng đó thôi."

Anh nghịch cái bật lửa trên tay, nhướn mày với tôi: "Gọi đi, gọi đi cho lì xì, tận bốn con số lận."

Tôi ngậm tăm đứng dậy, men theo con đường bên cạnh anh đi ra quầy tính tiền, lúc lướt qua bên người anh còn vỗ vai anh một cái: "Đừng giỡn nữa, tiền ăn còn là em trả đây."

Tôi không nghe thấy giọng nói mình có run lên hay không khi nói ra câu bông đùa ấy, nhưng tôi nghe thấy trái tim mình có đập nhanh hay không, nó giấu đầu hở đuôi đập vào lồng ngực tôi như sắp thủng ra một lỗ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro