Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trước ngày sinh nhật mười hai tuổi của tôi, nghe nói khu chợ gần đó đang có đợt giảm giá, thế là Hạ Giai liền sống chết kéo tôi theo làm sai vặt không công cho bằng được.

Nói làm không công thì cũng không đúng lắm, vì tôi nhận được một bình đào ướp mật ong, một thức quà vặt với miếng đào dẻo mềm nhẵn nhụi ngâm trong mật ong màu vàng nhạt.

Mẹ nói xem như đây là quà sinh nhật cho tôi. Bởi chẳng ai biết tôi sinh ra lúc nào, nên chúng tôi tự động lấy ngày mẹ nhặt tôi làm ngày sinh nhật.

Nói theo một tầng ý nghĩa khác thì đây cũng xem như là ngày tôi được tái sinh.

Tôi ngậm que kem, đón trọn bao gạo và dầu ăn từ tay mẹ, mẹ xách mớ rau củ tưởng chừng như nhẹ nhàng mà hằn đỏ hết cả ngón tay. Tôi theo đuôi mẹ chen chúc lên xe buýt, lúc nổ máy thân xe lắc lư, hơi nóng mùa hè oi ả xông lẫn vào nhau, pha thêm làn khói xám mù mịt ở đuôi xe phả thốc vào cửa kính mờ căm trước mặt tôi.

Tôi tựa lưng vào xà ngang nóng hổi, cúi người đặt đồ đạc nặng trĩu xuống chân, lúc này Hạ Giai mới thuận tay vén tóc tôi lên, nói: "Cục cưng càng lớn càng xinh trai nha."

"Tàn nhang thì vẫn làm dân ngụ cư." Tôi khẽ khàng sửa lại lời mẹ: "Ở chỗ đông người mẹ đừng gọi...cục cưng, nghe kì lắm."

Mẹ cười to, đầy thích chí nhìn tôi bối rối: "Chu choa, xấu hổ hở?"

Nói xong còn bốp vai tôi một cái, giơ tay cao lên một chút: "Lại cao lên rồi."

Lòng bàn tay mẹ có những vết chai thô ráp không giống với phụ nữ ở độ tuổi này, cái tuổi đang hưởng thụ thanh xuân và tình yêu nhưng lại phải lăn lộn nơi phố chợ, nhặt lựa trên những sạp hàng, rồi cùng các tiểu thương cò kè mặc cả. Tuy thế trước mặt người khác mẹ chưa bao giờ keo kiệt thừa nhận sự tồn tại của tôi, mẹ luôn ưỡn ngực ngẩng đầu như đang so kè với cả thế giới, hễ mấy người có ý xấu buông lời bàn tán chúng tôi, trong lời nói có mấy câu như "chưa chồng đã có con", mẹ đều dửng dưng mặc kệ.

Hai mẹ con tôi xuống xe về nhà, đứng trước sạp trái cây, mẹ bóc một quả vải đỏ tươi đút cho tôi rồi hỏi: "Ngọt không?"

Tôi gật đầu.

Ngọt lắm.

Buổi chiều hôm thi lên cấp hai, tôi nhặt về một ít sách giáo khoa và sách bài tập không còn dùng nữa đem bán ve chai, dù đống sách vở đã giày vò tôi suốt sáu năm học này chỉ bán được mười đồng nhưng tôi vẫn rất phấn khởi, tạm thời không muốn để dành tiền, đi mua cho Hạ Giai một bịch hạt dẻ rang đường mà mẹ thích đã.

Buổi tối, tôi và Lý Khiêm Lam cùng đi ăn cháo ở một tiệm nức tiếng gần xa đối diện nhà nó, biển hiệu là cháo hải sản Triều Sán vô cùng thơm ngon, trong tiết trời này cũng có rất nhiều người nghe danh mà đến, ngồi cạnh bàn tôi toàn là mấy ông già nói chuyện thô lỗ. Bọn tôi ngồi lầu hai, trên đỉnh đầu là tiếng quạt điện kẽo kẹt quay tròn, mép cánh quạt màu xanh lục có vết gỉ sét cũ kĩ, đèn đóm sáng choang, ở góc tường còn treo một cái ti vi hai mốt inch. Tôi cầm thìa múc một thìa cháo lên thổi, nghe Lý Khiêm Lam nói: "Mai mốt tụi mình học cùng trường với nhau nữa đó."

"Tốt quá." Tôi nhả vỏ tôm trong bát cháo ra, ăn miếng thịt tôm luộc tái hồng.

Nồi cháo nhỏ càng ăn càng toát mồ hôi đầy người, dính vào quần áo ướt nhẹp, cơm nước xong tôi với Lý Khiêm Lam đi dạo quanh quảng trường thành phố, hai đứa đều cố ý cắm đầu chạy về phía đài phun nước, vòi nước bị ép chuyển hướng bắn tung tóe khắp người đứa nhỏ ngồi chơi bên cạnh, cả quảng trường vang vọng tiếng khanh khách nói cười.

Giữa tiếng nhạc múa quảng trường ầm ĩ, tôi lặp lại thật to với nó lần nữa, Tốt thật đó Khiêm Lam.

Sau đó nó hứng mặt dưới vòi phun nước, mái tóc đen xoắn bết lại từng chùm, ừ một tiếng.

Kì nghỉ hè đã tới, tôi cần tìm một công việc làm thêm.

Trong mấy ngày đợi kết quả thi, tôi chạy qua năm sáu con phố lân cận, tìm được công việc giao đồ ăn cho một nhà hàng ở khu phố khá xa, chỉ có buổi trưa và buổi chiều là khoảng thời gian làm việc bận rộn nhất, cũng không quá mệt mỏi.

Quan trọng hơn là kế bên đó có quán bar âm nhạc.

Ban đầu Hạ Giai không đồng ý, cuối cùng không lay chuyển được tôi nên không thể làm gì khác hơn là dặn dò tôi nhớ về sớm một chút trước khi tối muộn.

Tôi cũng dặn dò lại mẹ, đừng để bị lão già kiếm cớ tới mua thuốc lá dê xồm nữa.

Mẹ cười, mắng tôi là thằng con xui xẻo.

Tháng bảy thời tiết vừa khô vừa nóng, mặt đất như bị ánh mặt trời xuyên thủng, hơi ẩm bốc hơi hết không sót lại chút gì, tôi đạp chiếc xe đạp của nhà hàng luồn lách qua dòng người đi bộ trên đường, mặt trời mười hai giờ trưa cứ như dầu trên chảo, nóng phỏng tay.

Thỉnh thoảng bà chủ sẽ bao tôi bữa trưa, hoặc đựng đồ ăn vào hộp cơm màu trắng cho tôi mang về, những lúc như vậy tôi thường không khỏi nhớ về những ngày tháng xa xưa còn nhặt rác trong con hẻm nhỏ, nên tôi lễ phép khách sáo từ chối ý tốt của bà.

Có lần tôi đến giao thức ăn tại một quán net cách đây năm trăm mét, tình cờ làm sao gặp phải mấy bạn nam cùng lớp. Đó là một quán net ngầm không giấy phép kinh doanh, tôi xách túi bóng đi vào, dưới ánh đèn lờ mờ khói thuốc mù mịt, tôi bị sặc không mở mắt nổi, chỉ có thể mơ mơ màng màng nhìn theo từng hàng máy tính sáng rực âm u.

Tôi tìm lung tung không mục tiêu giữa vô vàn những cái đầu giống nhau một lúc, cuối cùng nghe thấy có người gọi, tôi lần theo chủ nhân giọng nói kia đi sang thì giữa đường bị một cánh tay cản lại.

Người đó gọi tôi, Hạ Tức?

Như để đáp lại tiếng gọi vừa đủ to ấy, có mấy người xung quanh ngoái cổ lại nhìn, tôi không biểu lộ cảm xúc gì, nói với đứa đứng gần nhất, À, hi.

Cậu ở đây làm gì thế.

Làm thêm.

"Ồ, làm thêm à." Sau lưng nó có tiếng xì xào cười nhạo, là điệu cười khinh thường và lén lút nhưng nhất định phải để bạn nghe, tôi không quay đầu nhìn cũng hình dung ra được những đôi vai rung rung và cả khóe môi đầy ẩn ý sâu xa.

Tôi không trả lời, rẽ vai lách qua đám đông mà đi, nhận lấy tiền lẻ từ người đặt hàng rồi bước về phía cửa quán net ánh sáng chói mắt.

Tiếng ve kêu, tiếng còi ô tô và tiếng người qua đường gọi điện cưỡng ép lấp đầy tai tôi. Tôi đẩy xe đạp đứng bên đường chờ đèn đỏ, dưới ánh nắng chói chang phải híp mắt lại mới nhìn thấy rõ vạch kẻ đường phía trước, mồ hôi men theo cằm chảy xuống, tôi cố gắng chớp mạnh đôi mắt đau nhức của mình.

Rồi không kìm được lại chớp thêm thật nhiều lần nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro