Thời gian như một khúc ca ( I )

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cre: Nguyễn An
___________
1.
Ly Tác tay chân vô lực nằm cứng đơ giữa đường, trong mơ màng,y thoáng nghe thấy tiếng một chiếc xe ngựa đang lao nhanh về phía mình.
Mình chết chắc rồi!
Ý nghĩ này vừa thoáng qua, chỉ trong phút chốc con ngựa của chiếc xe kia "hí" dài một tiếng, kịp thời dừng lại trước khi đạp lên y.
"Này, ngươi là ai thế hả? Tự nhiên nhảy ra trước cản đường xe ngựa? Muốn chết hay sao vậy?" Một trong hai người ngồi trước xe ngựa, trông có vẻ là kẻ sai vặt nhảy xuống xe quát tháo.
Ly Tác thấy kẻ sai vặt kia đi về phía mình, cứ nghĩ sẽ bị đánh một trận, ai ngờ người sai vặt kia lại đến đỡ y dậy.
Ly Tác cố gắng một chút cũng đứng vững được thân thể. Lúc này, y mới có thể quan sát chiếc xe ngựa suýt đụng phải mình kia.
Chiếc xe ngựa tuy không quá xa hoa nhưng nhìn chất liệu gỗ, rèm xe,... chắc chắn không phải người bình thường có thể sử dụng được. Trước xe ngựa, ngoài gã sai vặt lúc nãy đỡ hắn dậy, còn có một người nam nhân nữa đang ngồi, tay nắm giữ dây cương.
Chỉ thấy người này chừng 23- 24 tuổi mặc một thân áo lam sẫm màu, sau lưng đeo trường kiếm, dáng thẳng như tùng bách, dung mạo đoan chính tuấn tú.
Ly Tác thầm nghĩ, thuộc hạ bên người đã có khí phách thế này, không biết người ngồi trong xe là nhân vật bực nào?
Trong đầu Ly Tác ngổn ngang suy nghĩ nhưng bên ngoài, mọi thứ bất quá chỉ diễn ra trong phúc chốc.
"Có chuyện gì xảy ra bên ngoài vậy?" Một giọng nói từ trong xe ngựa phát ra. Rõ ràng là giọng nam, nhưng lại trong trẻo như tiếng suối, khiến người nghe cảm thấy thoải mái.
"Bẩm công tử, có một kẻ bỗng dưng lao đầu vào xe ngựa của chúng ta?"
Tiếp đó, Ly Tác nhìn thấy một bàn tay trắng trẻo, thon dài vén rèm xe ngựa lên, lộ ra một khuôn mặt xinh đẹp như ngọc. Đó là một nam nhân trẻ tuổi, trên người mặc một chiếc áo chùng màu lam nhạt, tay áo thêu viền kim tuyến lóng lánh, cao quý nhưng không xa hoa. Đôi mắt sáng như sao, thần thái thanh nhã ung dung. Rõ ráng là một nam nhân nhưng lại đẹp đến mức làm người ta hít thở không thông. Thế nhưng, từ thân thể nam tử này lại tỏa ra một thứ khí thế uy nghi lỗi lạc, khiến người ta không dám khinh nhờn.
"Có đụng trúng người ta không?" Chủ nhân của chiếc xe hỏi
Người hộ vệ ngồi trước xe ngựa đáp lời: "Không có, ta đã kịp thời dừng xe ngựa lại."
Vị chủ nhân kia gật đầu, sau đó nhìn về phía Ly Tác hỏi: "Ngươi là ai? Sao đương không lại lao đầu vào xe ngựa của ta làm gì? Có phải đang thiếu thốn tiền bạc, bí quá hóa liều không?"
Ly Tác còn chưa kịp đáp lời thì gã sai vặt vừa mới đỡ y dậy đã lên tiếng: "Công tử, tiểu nhân thấy tám phần là như vậy rồi, ngài nhìn quần áo trên người hắn mà xem."
Ly Tác bấc đắc dĩ nhìn lại bộ dạng của mình. Quần áo trên người tả tơi, chỗ đụp, chỗ vá, mặt mày tay chân đều nhem nhuốc, đúng là thảm không nỡ nhìn. Chẳng trách người ta lại hiểu nhầm.
"Công tử, bây giờ chúng ta xử lý hắn sao đây? Có nên bắt về..."
"Thôi..." Vị công tử kia cắt ngang. "Bộ dạng của hắn trông cũng túng quẫn lắm rồi. Bàng Phúc, lấy cho hắn ít tiền rồi để hắn đi đi."
Gã sai vặt tên Bàng Phúc có vẻ còn bất bình nhưng không dám ý kiến gì nữa, cầm lấy một túi tiền trong người đưa cho Ly Tác.
Ly Tác: "..." Này, chủ tớ mấy người có thể để tôi giải thích chút được không hả?
Vị cônh tử xinh đẹp kia còn nhìn Ly Tác, nói bằng giọng hết sức chân thành: "Ta trông mặt mũi ngươi cũng đàng hoàng. Cầm số tiền này rồi thì tìm gì đó làm ăn, sống cho lương thiện. Sau này đừng làm mấy việc lừa đảo thất đức này nữa."
Sau đó, Ly Tác chỉ có thể sững sờ nhìn ba chủ tớ thích tự biên tự diễn nhà này cứ thế rời đi.
Ly Tác ước lượng chiếc túi trong tay, số tiền này không phải ít. Ra tay thật hào phóng.
Ly Tác bỗng cảm thấy có chút dở khóc dở cười.
2.
Ly Tác vốn dĩ là con của một phú thương ở một địa phương nhỏ, gia cảnh khá giả. Y từ nhỏ đã được cha mẹ cho đọc sách viết chữ, mong y có thể thăng tiến trên con đường công danh, thoát khỏi mệnh thương nhân lao đao lận đận. Nào ngờ, năm y mười bốn tuổi, một biến cố lớn đã xảy ra. Cha y trên đường buôn bán, tình cờ vướng vào một vụ ẩu đả bị giết chết. Hàng hóa thất lạc. Y không còn mẹ, Ly gia cũng chẳng có anh chị em gì.
Ly Tác không có thiên phú buôn bán, hơn nữa lúc đó Ly gia đã bị thiệt hại rất nặng, cơ bản không thể phục hồi được. Ly gia tán gia bại sản, Ly Tác từ một thiếu gia bỗng trở thành một thư sinh nghèo.
Tuy vậy, Ly Tác không phải đèn cạn dầu. Y tự tìm cách nuôi sống mình bằng nhiều công việc như làm thuê, đốn củi,... Trong khoảng thời gian đó, y không ngừng tiếp tục dùi mài kinh sử, cũng tích cóp được một vốn liếng riêng. Đến năm hai mươi tuổi, Ly Tác một mình lên kinh ứng thí.
Nào ngờ giữa đường y lại gặp kẻ xấu, bị cướp sạch lộ phí. Trong người chỉ còn mấy đồng lẻ, đến phụ cận kinh thành vì quá mệt và đói nên mới có sự kiện kiệt sức ngã xuống trước xe ngựa kia. Y vốn không có ý lừa đảo.
Nhưng thực sự số tiền ngày hôm đó đã cứu mạng y. Giúp y có chỗ ăn, chỗ ngủ, có thể an tâm đến trường thi ứng thí.
Kết quả rất đáng mừng, Ly Tác đứng đầu bảng vàng năm đó. Y đậu trạng nguyên.
Lúc đó, trong đầu y đã nhen nhóm ý nghĩ đi tìm vị công tử ngày đó để đền ơn. Nhưng không biết phải tìm ở đâu. Trông dáng vẻ, người kia có lẽ là một cậu ấm của một gia đình quan lại nào đó trong kinh thành. Nhưng khí chất trên người lại không giống một cậu ấm tầm thường quen ăn sung mặc sướng. Kinh thành rộng lớn, quan lại quý tộc không tám mươi thì cũng là một trăm, muốn tìm người thật không phải dễ dàng. Vì vậy, tạm thời Ly Tác gác chuyện tìm ân nhân qua một bên.
Nhưng không ngờ chính là, y lại có thể sớm gặp lại người ân nhân này.
Nghe nói, bài làm của y được đích thân Hoàng đế đọc qua. Hoàng đế đối với y vô cùng tán thưởng, y đậu trạng nguyên không bao lâu liền được phong làm Tòng tam phẩm Hàn Lâm viện Biên Tu trực tiếp nhậm chức ở kinh thành.
Hôm nay, y tiến cung tạ ơn, cũng là lần đầu tiên ra mắt triều thần bá quan.
Hoàng đế Triệu Trinh còn trẻ tuổi, thần sắc ôn hòa, sau khi hỏi Ly Tác vài vấn đề thì tỏ ra vô cùng tán thưởng.
Sau khi lui về một bên, Ly Tác bỗng chú ý đến một người. Đó là một vị quan có vóc dáng khá mảnh khảnh, mặc quan phục màu đỏ. Vì y đứng sau lưng người này nên không nhìn rõ mặt, nhưng rõ ràng bóng dáng này có chút quen mắt. Thật sự rất giống vị ân nhân kia.
Cho đến khi Hoàng đế gọi: "Bàng ái khanh, chuyện vụ án quả cầu lửa ở Lâm Thôn đã tra ra manh mối chưa?"
Khi đó, vị quan này mới chầm chậm đi ra giữa điện, cung kính đáp lời Hoàng đế. Lúc này, Ly Tác liền chắc chắn đây chính là ân nhân của mình lần đó. Khuôn mặt này, giọng nói này, không thể nhầm được.
Người họ Bàng không nhiều, mà quan lại mang họ Bàng hiện trong triều cũng chỉ có một. Ba chữ "Bàng ái khanh" của Hoàng đế cũng khiến cho Ly Tác sáng tỏ thân phận của người này. Tòng nhị phẩm Khai Phong phủ doãn Bàng Tịch.
Dù ở cách xa kinh thành nhưng y đã nhiều lần nghe đến danh tiếng cậu. Bàng Tịch là một vị quan thanh liêm, yêu dân như con, nổi tiếng chính trực.
Nghe bảo, Bàng Tịch trước kia vốn giữ chức Thị Ngự Sử, không rõ vì sao ba năm trước y được thăng chức lên thành Khai Phong phủ doãn, chuyên việc trị an ở kinh thành. Thay thế cho Bao Chửng Bao đại nhân đã bị xử tử cách đó không lâu.
Vị Bao đại nhân này cũng là một truyền kỳ. Chàng khi còn giữ chức Khai Phong phủ doãn cũng nổi danh là một vị quan thanh liêm, không sợ cường quyền. Chàng dám thẳng tay chém đầu An Lạc hầu, thẳng thắn khuyên can thái hậu thôi việc buông rèm nhiếp chính,... Nói chung, chuyện về người này đủ viết thành một cuốn sách truyền kỳ. Một người như thế không hiểu sao ba năm trước lại bị bắt về tội tham ô, cuối cùng bị xử chém.
Cũng không biết là thật hay bị vu oan? Ly Tác thở dài, cái thế gian này thật quá mỉa mai.
3.
Buổi chầu kết thúc, trên đường đến cửa cung, Ly Tác do dự một lát rồi đuổi theo Bàng Tịch.
"Bàng đại nhân!"
Nghe thấy tiếng gọi mình, Bàng Tịch quay lại, nhìn thấy Ly Tác, cậu có chút ngạc nhiên: "Ly đại nhân?"
Ly Tác chắp tay làm lễ, có phần cung kính hỏi Bàng Tịch: "Không biết Bàng đại nhân còn nhớ Ly mỗ hay không?"
Bàng Tịch hơi nhíu mày, nhìn Ly Tác một lúc sau đó bật thốt: "Ồ, ngài không phải là kẻ lừa đảo khi đó...?"
Nghe thấy ba chữ "kẻ lừa đảo", Ly Tác dở khóc dở cười: "Bàng đại nhân hiểu nhầm rồi, vốn lúc đó là Ly mỗ không được khỏe nên mới tình cờ ngã xuống lúc xe ngựa đi qua. Không hề có ý lừa đảo."
Vẻ mặt Bàng Tịch sáng tỏ: "Ồ, ra là vậy. Bàng Tịch hiểu lầm rồi, mong Ly đại nhân thứ lỗi."
Thái độ của Bàng Tịch rất tự nhiên, ôn hòa, cũng không vì y là một kẻ mới vào, không có bối cảnh mà tỏ ý khinh thường. Điều này càng khiến cho Ly Tác có hảo cảm với Bàng Tịch hơn.
"Bàng đại nhân quá lời. Khi đó Ly mỗ còn chưa kịp nói lời cảm tạ với ngài. Thú thật, lúc đó Ly mỗ từ xa đến, tiền bạc đều bị cướp sạch. Nếu không nhờ lòng tốt của đại nhân e rằng Ly mỗ đã chết trên đường, nào được có ngày hôm nay."
Thần sắc của Bàng Tịch có chút vi diệu, sau khi nghe Ly Tác nói xong thì mỉm cười: "Nói vậy chẳng phải Bàng mỗ bắn bừa liền trúng, giúp Đại Tống giữ lại được một hiền tài rồi ư? Ly đại nhân đừng khách sáo vậy, lần đó Bàng mỗ vốn chỉ là nhấc tay chi lao. Không đáng nhắc đến."
"Sao có thể nói thế, đối với Bàng đại nhân tuy chuyện này chỉ là chuyện nhỏ nhưng đối với Ly mỗ lại là ơn cứu mạng? Sao có thể qua loa được? Làm thế Ly mỗ khác nào kẻ vong ân bội nghĩa."
Nghe vậy, Bàng Tịch có chút khó xử: "Ly đại nhân quá lời. Kì thực Bàng mỗ vốn không cần báo đáp chi cả. Bây giờ chúng ta đã là đồng liêu, thôi thì coi như đó là duyên phận, hai chúng ta kết bạn đi. Chuyện đền ơn, về sau hãy tính."
Ly Tác nghe vậy cũng chỉ có thể gật đầu.
Những ngày sau gặp trên điện chầu, hai người đã tương đối quen thuộc. Bàng Tịch cũng thân thiện mời Ly Tác đến phủ mình chơi.
Vậy là một ngày đẹp trời, Ly Tác mặc một bộ thường phục đơn giản, đứng trước cổng lớn Khai Phong phủ.
Sai dịch thấy một vị công tử trẻ tuổi có khí chất không tầm thường, quanh quẩn trước cổng Khai Phong phủ gần một khắc, muốn vào lại thôi, liền tiến lên cung kính hỏi: "Vị công tử này, nếu ngài có oan tình xin mời gõ trống. Có việc gì đại nhân nhà ta sẽ làm chủ cho ngài."
"À không." Ly Tác lắc đầu, ôn hòa đáp. "Ta không phải là người đến kêu oan. Ta chỉ là muốn đến tìm Bàng đại nhân nhà các người."
Hai sai dịch canh cổng đưa mắt nhìn nhau, sau đó một trong hai tiến lên hỏi: "Không biết ngài có phải là Ly đại nhân?"
Ly Tác gật đầu: "Đúng vậy."
Sai dịch kia liền làm động tác mời: "Đại nhân có lệnh, Ly đại nhân có đến thì lập tức mời vào trong."
4.
Ly Tác theo hướng dẫn của sai dịch đến hậu hoa viên của Khai Phong Phủ. Hậu hoa viên tuy không quá lớn nhưng bày trí rất ý vị, các loại cây cảnh cũng phong phú.
Ở giữa hậu hoa viên có một cây đào lớn, đang là mùa xuân nên nở hoa rất đẹp, hồng rực cả một khoảng sân. Bên dưới cây đào đặt một bộ bàn đá, Bàng Tịch đang ngồi thong dong trên ghế đá uống trà.
Bàng Tịch mặc một bộ áo chùng lam, kiểu dáng khác với khi hai người gặp nhau lần đầu nhưng cơ bản vẫn là màu sắc đó. Đôi tay thon dài tao nhã nâng tách trà sứ, một cơn gió khẽ thổi qua, hoa đào theo gió rơi xuống lả tả. Ly Tác chỉ có thể miêu tả bằng một câu "cảnh đẹp ý vui".
Thế nhưng, không hiểu sao y lại cảm thấy khung cảnh đẹp như mộng này lại có chút thê lương.
Bàng Tịch nhìn thấy y, đặt tách trà xuống gọi một tiếng: "Ly Tác."
Ly Tác đành tiến đến chào: "Bàng Tịch huynh."
Bàng Tịch cười ôn hòa: "Ly đệ ngồi đi." Nói xong còn cẩn thận rót cho y một tách trà nóng: "Hôm nay thời tiết đẹp, hiếm có dịp đệ thong thả, công việc ở Hàn Lâm viện vẫn ổn chứ?"
Bàng Tịch vốn dĩ lớn hơn y ba tuổi nên sau một khoảng thời gian tiếp xúc, hai người quyết định xưng huynh gọi đệ. Chỉ là Ly Tác mỗi lần kêu Bàng Tịch một tiếng "huynh" lại cảm thấy có chút bi ai. Rõ ràng là 23 tuổi nhưng trông Bàng Tịch còn trẻ hơn cả y, thậm chí nói cậu mới 19 cũng chả ai nghi ngờ.
"Cũng khá ổn..." Ly Tác cười cười. Bởi y là người do chính Hoàng đế cất nhắc nên họ không dám đắc tội y. Nhưng sau lưng vẫn âm thầm đâm chọt chỉ trỏ. Bất quá mấy chuyện này cũng không đáng đem kể lể.
Tuy y không nói nhưng Bàng Tịch sao lại không hiểu, nhưng biết tính độc lập của Ly Tác cao, chỉ có thể không mặn không nhạt khuyên một câu: "Nơi nào cũng có chó, không cần cắn lại, né là được."
Câu này tuy tục nhưng nói ra từ miệng người này lại có vẻ vô cùng nho nhã, giống như đang làm thơ vậy. Ly Tác gật đầu tỏ vẻ cảm ơn.
"Bàng Tịch huynh có vẻ rất thích màu lam?" Ly Tác có chút hiếu kỳ hỏi.
Bàng Tịch hơi ngẩn ra, sau đó đáp: "Thực ra ta thích màu đỏ hơn."
"Vậy tại sao huynh lại không mặc trang phục màu đỏ?" Kì thực, Ly Tác cảm thấy Bàng Tịch rất hợp với màu đỏ, mỗi buổi chầu nhìn quan phục Bàng Tịch mặc là biết. Nhưng chung quy màu lam cũng rất hợp.
Bàng Tịch lắc đầu: "Từ ba năm trước, đã không mặc màu đỏ nữa rồi."
Bàng Tịch thu lại nụ cười, trong phút chốc đôi mắt đẹp của cậu như bị phủ một màn sương mù mờ đục.
Cậu nhớ, cách đây ba năm, ở trong ngục tối, người kia tươi cười nắm lấy tay cậu, trong đôi mắt tràn ngập dịu dàng: "Cua khờ, mặc dù ta thích nhất là màu lam nhưng lại rất thích nhìn ngươi mặc trang phục màu đỏ. Lúc đó trông ngươi còn rực rỡ hơn cả hoa đào nữa."
Ký ức lùi xa hơn một chút, người kia mặc một bộ áo chùng lam, bình tĩnh ngồi đối diện cậu: "Ngươi với ta vốn nên sớm đoạn tuyệt với nhau rồi. Bàng Tịch, ngươi là ánh sáng trên cao, từ lúc sinh ra đã rực rỡ. Còn Bao Chửng vốn chỉ là một cọng cỏ dại mà thôi. Bàng Tịch, ta cho dù có dùng cả đời cũng không đuổi kịp ngươi. Hai ta đã định sẵn sẽ đi hai con đường khác nhau. Vậy thôi đừng miễn cưỡng nhau làm gì."
Ba năm. Chỉ ba năm lại tưởng như dài cả một đời. Kể từ đó, cậu không mặc trang phục màu đỏ nữa. Cây đào vẫn còn, mỗi mùa xuân đều sẽ nở hoa, nhưng không còn ai khen cậu rực rỡ như hoa đào nữa, không ai mỗi mùa xuân sẽ hái hoa đào gói trong khăn tay tặng cậu nữa.
Bàng Tịch mặc trang phục màu lam, bởi vì cậu muốn mỗi phút, mỗi giây đều phải ghi khắc. Trong đời cậu đã xuất hiện một người như vậy. Trong đời cậu đã từng yêu một người nhiều như vậy.
5.
Bỗng dưng Bàng Tịch ngẩn người ra, Ly Tác còn đang phân vân không biết có nên gọi cậu không thì đã có một người khác đi đến chỗ họ.
Đó là một nam nhân chừng 24-25 tuổi, mặc áo chùng màu xanh xám, dung mạo nho nhã mang đậm vẻ thư sinh. Người đó đứng cách y chừng ba bước chân đã cao giọng gọi: "Đại nhân..."
Bàng Tịch hơi giật mình, như bị kéo khỏi cơn mơ: "Công Tôn tiên sinh..."
Công Tôn Sách? Diệu thủ thư sinh, chủ quản của Khai Phong phủ? Đây là người có kiến thức sâu rộng, trợ thủ đắc lực bên cạnh Khai Phong phủ doãn, y thuật nghe nói còn cao minh hơn cả Đệ nhất Thái y trong cung. Được người đời xưng tụng là "Diệu thủ hồi xuân".
Ly Tác nhướng mày, không khỏi kín đáo đánh giá Công Tôn Sách một lượt. Công Tôn Sách lúc đó cũng đưa mắt nhìn Ly Tác.
Hai người mắt to trừng mắt nhỏ, Bàng Tịch thấy vậy mới nhớ ra là phải giới thiệu họ với nhau: "À, Ly đệ, đây là Công Tôn tiên sinh Công Tôn Sách, chủ bộ của Khai Phong Phủ. Còn đây là Ly Tác, giữ chức Hàn Lâm Biên Tu ở Hàn Lâm viện."
Công Tôn Sách nho nhã chào hỏi: "Ra là Ly đại nhân, Công Tôn Sách thất lễ."
"Không dám, là Ly mỗ thất lễ..."
Bàng Tịch cắt ngang màn chào hỏi khách sáo của hai người: "Công Tôn tiên sinh tìm ta có chuyện gì vậy?"
"Đại nhân, vụ án ở Lâm thôn, Triển Chiêu và Bạch Ngọc Đường đã tìm ra manh mối."
Bàng Tịch khẩn trương hỏi: "Manh mối gì? Họ đang ở đâu?"
"Đại nhân, họ đang chờ ngài trong thư phòng."
Ly Tác định ở lại đây chờ nhưng rốt cuộc lại bị Công Tôn Sách lôi theo luôn. Đến thư phòng, y thấy hai người đang một đứng một ngồi trước cửa. Một trong hai người chính là người đánh xe mặc áo lam sẫm màu Ly Tác thấy lần trước. Người còn lại tuổi tác hao hao Triển Chiêu, mái tóc trắng bạc, lại còn mặc đồ trắng, dung mạo tuấn tú, lưng đeo trường kiếm. Đây chắc hẳn là Cẩm Mao thử Bạch Ngọc Đường nổi danh giang hồ, đã quy thuận Khai Phong phủ hơn ba năm trước.
Ly Tác vốn là người bình tĩnh lúc này cũng cảm thấy có chút căng thẳng. Giống như mình là một cọng cỏ dại đứng giữa rừng hoa quý vậy.
***
Buổi chầu tiếp theo, sau khi bãi triều, Bàng Tịch và Ly Tác bị Hoàng đế gọi vào gặp riêng. Thật ra trước đây thỉnh thoảng Hoàng đế cũng triệu kiến riêng y thế này, sai bảo y làm mấy việc riêng giúp mình nên Ly Tác cũng tương đối quen thuộc. Chỉ là, đây là lần đầu y được gọi cùng Bàng Tịch.
Y cùng Bàng Tịch bị gọi đến hậu hoa viên của Hoàng cung. Khi bọn y đến, Hoàng đế còn đang nhàn nhã ăn bánh ngọt, uống trà. Thấy hai người bọn y, Hoàng đế ôn hòa thân thiết gọi: "Bàng ái khanh, Ly ái khanh, ngồi xuống đây."
Ly Tác có chút dè dặt ngồi xuống cạnh Bàng Tịch. Hoàng đế còn đích thân rót trà mời khiến y có chút thụ sủng nhược kinh, nhưng Bàng Tịch lại vô cùng tự nhiên thoải mái tiếp lấy ly trà của Hoàng đế, tựa như cậu đã quen với chuyện này rồi.
Ly Tác thoáng nhớ đến mấy lời đồn đại không hay ho của mấy lão thần trong triều, rằng Bàng Tịch và Hoàng đế có quan hệ mờ ám. Lúc đó y không tin nhưng bây giờ thì...
Ly Tác nhìn thoáng qua Hoàng đế đang cười đến ôn hòa thân thiết đối diện, lại nhìn đến Bàng Tịch bình tĩnh thong dong bên cạnh. Nhìn sao cũng không ra cái vẻ mờ ám gì đó, hoàn toàn rất trong sáng mà.
"Hoàng thượng, ngài gọi thần đến đây có chuyện gì quan trọng sao?" Bàng Tịch nghiêm túc hỏi
"Lâu ngày không gặp, muốn gặp khanh ôn lại chút chuyện cũ thôi mà..." Hoàng đế khanh khách cười.
"Hoàng thượng..." Bàng Tịch hơi cười cười. "Có phải tấu chương ngài vẫn chưa xem xong không? Ngài không nên phí thời gian quý báu của mình như thế."
"Ấy, đâu có, trẫm là một vị vua gương mẫu, mỗi ngàu đều xem công văn đến tối mịt đấy chứ."
Hoàng đế lại tiếp tục: "Hôm nay gọi khanh đến là để báo cho khanh biết, Tương Dương vương lại rục rịch rồi."
Tay Bàng Tịch khẽ run, còn trà trong cốc của Ly Tác sánh phân nửa ra ngoài.
Y vừa nghe thấy cái gì? Tương Dương vương?
6.
Chuyện Tương Dương vương có ý tạo phản người người nhà nhà đều biết nhưng chỉ giữ trong lòng, đây là việc nhà Đế vương, nói lung tung sẽ mất đầu như chơi. Hơn nữa, mọi người chỉ biết như vậy chứ cụ thể vấn đề bên trong thì không ai rõ. Chẳng phải chuyện này là tuyệt mật sao? Sao lại đem nói trước mặt một viên quan soạn sách nhỏ như y vậy?
Hoàng đế thấy thần sắc hoang mang của Ly Tác thì trấn an: "Hôm nay trẫm gọi ngươi tới tất nhiên có chuyện cần giao phó. Chuyện Tương Dương vương có ý muốn tạo phản trẫm tin rằng ngươi cũng đã biết. Bây giờ trong triều, trẫm tin tưởng nhất chính là hai người các ngươi. Bàng ái khanh thì không nói làm gì, còn Ly Tác ngươi do chính trẫm cất nhắc, trẫm tin ngươi không phải kẻ tầm thường."
Ly Tác bị Hoàng đế làm cho cảm động không thôi: "Hạ thần sẽ vì Hoàng thượng, vì Đại Tống nhảy vào nước sôi lửa bỏng, dẫu chết không từ."
Trong khi hai người đang diễn một màn quân thần tình thâm, Bàng Tịch lại đặc biệt bình tĩnh: "Thông tin có chính xác hay không?"
"Bên cạnh lão có người của trẫm, thông tin vô cùng chính xác."
Hoàng đế đem tình hình nói với hai người một hồi, lại giao phó nhiệm vụ. Xong lại có chút lo lắng nhìn Bàng Tịch: "Bàng ái khanh, làm việc lưu tình, đừng dồn mình vào ngõ cụt. Chắc khanh không muốn công sức người kia bỏ ra đổ sông đổ bể chứ?"
Bàng Tịch mím môi, không đáp. Hoàng đế cũng không có tức giận thái độ vô lễ này của cậu, chỉ đành phất tay cho hai người lui.
Trên đường về, Ly Tác ngoài ý muốn bị Bàng Tịch kéo đi uống rượu. Hai người mặc nguyên quan phục, thuê một phòng bao ở Tùy Ý lâu. Bàng Tịch vung tay gọi một lúc mười vò rượu dọa Ly Tác suýt ngã ngửa.
Tửu lượng Ly Tác cũng khá nhưng y không thích rượu nên chỉ nhấp vài ngụm cho có, nhưng Bàng Tịch bên cạnh y lại rót uống liên tục, chốc lát đã hết hai vò.
Tuy đây là rượu ngon, cũng không cần uống liều mạng thế chứ?
Ly Tác mấy lần ngăn cản nhưng không thành, chỉ có thể bất lực nhìn Bàng Tịch tiếp tục uống. Đây không phải là thưởng rượu, đây là tự giày vò mình mới đúng.
Uống đến vò rượu thứ ba, tâm thần Bàng Tịch đã không còn tỉnh táo. Ly Tác đau khổ khuyên: "Bàng Tịch huynh, đừng uống nữa."
Bàng Tịch giật lại rượu từ tay y, cằn nhằn: "Bánh Bao chết bầm, đừng có cản trở, lão tử thích uống đó thì làm sao? Là tiền lão tử bỏ ra, cũng không đụng chạm gì đến tên nghèo kiết xác nhà ngươi?"
Bỗng dưng bị mắng, Ly Tác có chút ngẩn ra. Bàng Tịch vẫn tiếp tục: "Ngươi là cái đồ Bánh Bao chết bầm, không phải chết rồi sao? Còn về đây làm gì? Ngươi đi luôn đi, ta không muốn mơ thấy ngươi nữa? Đồ chết bầm nhà ngươi chỉ biết lừa ta là giỏi."
Ly Tác tiêu hóa nội dung một lúc một lúc mới thở phào, không phải mắng mình. Nhưng "Bánh Bao chết bầm" này là ai vậy nhỉ? Nghe có vẻ như là người đã khuất rồi.
Bàng Tịch mắng một hồi lại biết thành khóc, khóc rất thương tâm: "Đồ chết tiệt nhà ngươi! Ngươi tàn nhẫn với ta thì thôi, sao lại có thể đối với bản thân mình cũng tàn nhẫn như vậy? Nói đi liền đi! Ta hận ngươi! Hu hu hu..."
Suốt một khắc sau đó, Bàng Tịch nắm lấy áo Ly Tác lắc qua lắc lại, khóc lóc thê thảm, lúc thì lải nhải: "Sao người không chết luôn đi?" Lúc thì kêu gào: "Ta không cho người chết, ngươi trở lại đây cho ta." Làm cho Ly Tác khổ sở đến mức không biết làm sao?
Cũng may phát tác hết một khắc, Bàng Tịch liền gục xuống ngủ. Ly Tác chỉ có thể thanh toán, sau đó tự mình đưa Bàng Tịch về Khai Phong phủ.
Khi họ rời khỏi Tùy Ý lâu, phố đêm đã lên đèn, người qua lại tấp nập, cũng chả ai để ý đến vị quan tòng tam phẩm đang dìu một vị quan tòng nhị phẩm người đầy mùi rượu, loạng choạng đi trên phố.
7.
Bàng Tịch tỉnh lại thì đã là canh ba, ánh trăng bên ngoài soi vào vào phòng qua cửa sổ, sáng rực.
Có cảm giác ướt ướt, cậu sờ tay lên thì thấy trên trán mình đặt một cái khăn, trên khăn vẫn còn độ ấm, rõ ràng vừa được đặt trên trán cậu không lâu. Nương theo ánh trăng, Bàng Tịch nhìn thấy Công Tôn Sách đang ngồi ngủ gục trên một chiếc ghế cạnh giường, bên cạnh là một chậu nước, nước trong chậu còn ấm.
Bàng Tịch chống lại cơn đau đầu, cố nhớ lại những gì đã xảy ra. Hình như sau buổi chầu cậu được Hoàng thượng triệu kiến, sau đó cậu kích động lôi Ly Tác đi uống rượu, sau đó... sau đó liền không nhớ gì nữa. Có lẽ cậu uống quá chén, được Ly Tác đưa về cũng nên.
Bàng Tịch rón rén xuống giường, cẩn thận đắp một chiếc chăn lên người Công Tôn Sách.
Ba năm trước, Công Tôn Sách, Triển Chiêu, Bạch Ngọc Đường,... đối với Bàng Tịch chỉ là người quan trọng của một người quan trọng với cậu. Ba năm sau, họ lại trở thành người quan trọng của cậu.
Bàng Tịch là con một của Bàng gia, từ nhỏ đã ngậm thìa vàng, được chiều chuộng mà lớn lên. Đến khi bước chân vào quan trường, cậu lại tiếp tục được Bao Chửng và Hoàng đế che chở sau lưng, vẫn chưa hiểu được cái gì gọi là lòng người hiểm ác.
Cho đến khi cha cậu bị xử tử. Đó là đả kích không nhỏ với Bàng Tịch.
Cậu biết, đó không phải lỗi của Bao Chửng, cậu biết, mình không nên hận chàng. Nhưng cậu vẫn hận. Khi đó, trong mắt cậu, ngoài thù hận ra không còn gì nữa cả.
Cho đến khi, cậu biết cha mình vẫn còn sống, đó chỉ là kế che mắt của Hoàng đế và Bao Chửng. Kì thực, cậu vẫn được họ che chở sau lưng.
Cậu đến tìm Bao Chửng để xin lỗi. Cậu nhớ rõ, hôm đó là một ngày nắng đẹp, Bao Chửng mặc một bộ áo chùng lam, thần sắc lạnh nhạt. Khi nghe lời xin lỗi của cậu, chàng chỉ cười, cười đặc biệt bình thản: "Ngươi với ta vốn nên sớm đoạn tuyệt với nhau rồi. Bàng Tịch, ngươi là ánh sáng trên cao, từ lúc sinh ra đã rực rỡ. Còn Bao Chửng vốn chỉ là một cộng cỏ dại mà thôi. Bàng Tịch, ta cho dù có dùng cả đời cũng không đuổi kịp ngươi. Hai ta đã định sẵn sẽ đi hai con đường khác nhau. Vậy thôi đừng miễn cưỡng nhau làm gì."
Bàng Tịch chỉ có thể ngẩn người nhìn Bao Chửng lướt qua. Cậu thoáng nhớ đến gần một tháng trước, cậu ở trước Bàng phủ nói lời đoạn tuyệt với Bao Chửng, có phải chàng cũng tuyệt vọng như cậu lúc này.
Hay từ đầu đến cuối, chỉ có mình cậu tự đa tình?
Bao Chửng tham ô, đã bị tước chức, nhốt vào ngục rồi. Khi Bàng Tịch nghe tin này, cậu đã sống gần ba tháng trong mơ hồ. Bao Chửng đã nhận tội, tất cả do một mình chàng làm, không liên quan đến một ai cả. Đến ngày xử tử cũng đã định rồi.
Bàng Tịch không được phép vào thăm, chỉ có thể hồ đồ chạy đến Khai Phong phủ.
Công Tôn Sách nhìn thấy cậu, chỉ cười cay đắng: "Từ lúc Bàng lão gia được cứu, đại nhân nhà tôi đã định liệu được sẽ có ngày này, Tương Dương vương nhất quyết sẽ không để yên. Chỉ có điều không ngờ ngài ấy lại quyết tuyệt như vậy, đến chúng tối cũng không muốn mang theo."
Khi đó, Bàng Tịch mới nhận ra mình ngu ngốc đến nhường nào. Cậu không nhận ra khi Bao Chửng đi lướt qua cậu, chàng đã dọn sẵn đường chết cho mình. Tránh xa cậu chỉ là sợ cậu bị liên lụy.
Bàng Tịch đến cầu kiến, Hoàng đế không gặp. Cậu quỳ trước cửa cung hai ngày hai đêm cũng chỉ đổi được một cái lệnh bài cho phép vào tử lao.
(Còn tiếp)
________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro