1.1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Miêu Kỳ không nén nổi tò mò, cô bé hỏi mẹ:
- Vì sao lại có ban thờ dưới chân cầu thế mẹ?
- Chắc là người nào đó say rượu rồi tông vào chân cầu, chết ở đó thôi con.
Bà Mai đề xe về số 1 rồi lên dốc. Hết con dốc đáng lẽ phải có một lối rẽ nhỏ đi ra đường lớn, nhưng không, nó lại là một ngã ba đường. Miêu Kỳ nhớ đầu năm ngoái lúc đi chúc Tết ông chú đường không như vậy. Lúc nãy, trời còn tối nhưng khi ra khỏi đường hầm thì lại lảng bảng sáng, sáng âm u nhưng cũng vừa đủ rõ mặt người. Phía trước ngã ba là một nhóm khoảng 5-7 người, quần áo rách rưới, ngồi châu đầu vào nhau, ngấu nghiến ăn thứ gì đó rất thơm. Đó có vẻ như đó là đám vô gia cư mà người làng thường nhắc tới. Dường như bà Mai không mảy may để ý đến những thay đổi khác thường đó. Khi đi ngang qua đám người, hai mẹ con gần như lập tức bị họ vây lấy. Họ vây trò quanh chiếc xe khiến bà Mai phải phanh lại. Miêu Kỳ không thấy rõ mặt mũi những người đó, nhưng chắc chắn miệng chúng đang cử động không ngừng, giống như gào thét dù không có bất kì âm thanh nào được phát ra. Khung cảnh rất kì quái. Bà Mai đỗ xe bên đường, quay lại và ngồi xổm xuống, ánh mắt bà rất kỳ lạ, dịu dàng nói với Miêu Kỳ: "Bây giờ con hãy về nhà theo đường này, lát nữa mẹ sẽ về." Đã rất lâu rồi bà chưa từng dịu dàng như vậy, có lẽ vì cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền đã khiến cho bà trở nên nóng nảy và càu nhàu nhiều hơn là âu yếm. Sự kỳ lạ đó khiến Miêu Kỳ cảm thấy sợ hơn tất thảy, như một điềm chẳng lành, cô bé không muốn rời xa mẹ lúc này.

Rõ ràng bà Mai định đi theo đám người đó. Miêu Kỳ sợ hãi, nức nở nhưng không gào khóc, níu lấy vạt áo bà van vỉ: "Mẹ ơi, chúng ta cùng về nhà đi... cùng về nhà đi mẹ? Đừng ở đây nữa..." Từng giọt nước mắt trào ra, rơi lã chã theo tiếng nấc nhưng bà Mai dường như không hề để tâm, bà đi chầm chậm từng bước, từng bước đều.

"Con hãy về nhà theo đường này... về theo đường này... đường này..." Tiếng mẹ dặn cứ văn vẳng bên tai như lời thì thầm mách bảo nhưng Miêu Kỳ không nghe, cô bé vừa khóc vừa bám áo đi theo mẹ. Miêu Kỳ không thể bỏ mẹ lại một mình.
Bà Mai dẫn đám người vô gia cư đi đến một ngôi miếu nhỏ, một ngôi miếu bằng vàng. Mái lợp ngói vàng, trên mái trạm trổ hoa văn tinh xảo, hai cột trụ ở cửa vào có khắc chữ nhưng Miêu Kỳ không biết đọc.
Bà Mai trở vào trong chính điện, đám người vô gia cứ vẫn đứng ở yên trước cửa, Miêu Kỳ thì không sao cử động để đi theo được. Cách một bức rèm nhưng bên ngoài vẫn thấy rõ mồn một. Bà Mai đang múa, nói cười, dù không có bất kỳ một âm thanh nào cất lên. Lúc này bà dường như đã trở thành người khác, bà đang hét và cười ré lên, mặt đỏ và căng ra, quần áo không biết thay từ bao giờ, bà diện một chiếc áo dài đỏ thụng tay, tay cầm quạt, đầu đội khăn vành xanh. Lát sau bà vén rèm đi ra. Trông bà trẻ, xinh đẹp và rạng rỡ tuyệt trần. Không còn là bà Mai tuổi tứ tuần già nua, da mặt sạm đen, đôi mắt nhiều vết chân chim và tóc còn có vài cọng bạc, bà đã phải lao lực nhiều quá, ở nông thôn tầm tuổi bà ai cũng vậy. Miêu Kỳ nhớ về mẹ khi còn nhỏ, dáng người bà chắc, khoẻ khoắn, da rám nắng nhưng căng mịn, môi đỏ, mắt ngọc, mày ngài. Bây giờ bà trông thật cao quý và quyền lực, bà cầm một tẩu thuốc nhỏ bằng ngón tay, hít một hơi rồi nhẹ nhàng phả khói vào đám người trước miếu. Một mùi hương quen thuộc. Đám người kia vội quỳ rạp xuống, dạt sang hai bên và dường như đang ngấu nghiến ăn. Chỉ có Miêu Kỳ vẫn sững sờ đứng đó, dường như cô bé đã được giác ngộ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro