Chương 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cũng như những vỡ vạc tất nhiên trong đời, bất chợt và xáo xác, mùa hè đến.

Dường như ưu điểm duy nhất của thời gian là nó rồi cũng sẽ qua.

Nắng không còn không sớm không chậm, không ngọt không nhạt, không luyến không hờ, không lạnh lẽo như mùa đông, nhưng lại chưa gắt gỏng như mùa hè.

Mùa nửa vời đã qua, em vẫn còn chưa với được những vì sao, lạc đường trong đôi mắt Jame Dean xanh mênh mông màu đại dương không vẩn đục hình hài, ánh sao nhàu nhĩ trong nước chảy qua người như hư vô, đường hoa trải lối về còn xa.

Người đi đi vậy.

Em đành ở lại với mùa đông.

Cái nóng oi ả buông xuống những mái nhà bên hàng cây xanh um rải hoa nắng vương vãi, trông lại đỡ tịch mịch hơn những đêm se như những giấc mơ không ai gọi tên. Cô gái tóc ngắn lơ thơ màu nâu dẻ ngồi bên thềm nhà, váy trắng ren hoa classic dài quá đầu gối, chân đi sandal, tay cầm que kem vanilla, vệt kem trắng dính bên mép, thỉnh thoảng lại nhấc chân khỏi dép, đầu ngón chân di di cái bụng tròn trắng muốt của con mèo vàng đang lim dim nằm phơi nắng trên bậc cửa.

"Lạch cạch..."

Cổng sắt lâu năm, ban ngày, nêu trong nhà có người thì không cần dùng ổ khóa, chốt khóa đã hoen, người lớn đứng ở ngoài thì chỉ cần thò tay qua thanh dọc rồi đẩy chôt, gạt sang một bên là mở được cửa, trẻ con chưa đủ cao có việc cần thì í ới gọi người trong nhà. Âm thanh kin kít của sắt gỉ và bản lề trình trịch mở ra rất vang, mấy nhà xung quanh cũng còn nghe được.

- Meow...

Con mèo ngao ngán nhổm dậy, nằm sấp xuống, híp mắt nhìn mấy ngón chân đưa qua đưa lại trước mũi mình như trống bỏi, trời không có gió, dích mông về sau rồi cuộn tròn người lại như cuốn chiếu.

Không chấp.

- Xì... - Won Juk bĩu môi.

- Đang làm gì thế? - Jiyong đi vào trong sân, lại lạch cạch chốt cửa, bật cười.

- Nghịch mèo. - Cô hất hàm. - Meooo...

Won Juk nhại tiếng mèo. Cục lông lặng lẽ vàng hoe, nhưng hữu hình và mềm mại hơn nắng, hai tai bé xíu vểnh lên, ngúc ngoắc, nhưng cũng chỉ thế rồi thôi, hiển nhiên là nó không quan tâm.

- Chó... Ăn no rồi là gọi cũng không thèm thưa!

Won Juk mắng một câu vu vơ, vứt que kem trên tay vào thùng rác trước cửa, phủi phụi vạt váy phía sau, xỏ dép đứng lên, đi vào nhà.

Jiyong mỉm cười, đi theo cô bạn.

- Trưa nay ăn gì?

- Chỉ có mỳ thôi!

Won Juk thay dép xốp đi trong nhà, loẹt quẹt vào bếp, miệng nghêu ngao hát "We never go out of style, we never go out of style...".

Đó là bài hát tiếng Anh dạo gần đây cô rất thích nghe.

Jiyong không được nghỉ hè.

Điều thiệt thòi nhất của sự trưởng thành là con người ta không được quyền vô tư nữa.

Trường đại học như một xã hội thu nhỏ, nơi mọi mối quan hệ đều có khoảng cách nhất định. Dư âm của những năm tháng cấp ba dai dẳng quá, tằn tịu cũng đủ dịu dàng đấy theo suốt cuộc đời, người ta nghĩ đã đến lúc mình vì bản thân hơn một chút rồi. Không ngại cho đi một nụ cười nhưng sợ đánh mất vài lợi ích dù ít dù nhiều.Ai chả muốn nói đúng chuyện, làm đúng việc và gặp đúng người. Những điều đó khiến sự tồn tại của họ thêm sâu đậm.Người ta thấy cuộc đời mình "cần" phải trở nên đúng nghĩa. Nếu lỗi của người là vô tâm thì lỗi của mình là chưa xứng đáng. Mà nói thật, người ta có vô tâm hay không thì lỗi của mình vẫn là chưa xứng đáng.

Trường vẫn xếp lịch học đều, chỉ khác mỗi kì này không cần theo bốn, năm môn cùng một lúc, do các chuyên gia, giảng viên nước ngoài được mời về trường đứng lớp, và học từng môn một, học xong thì thi luôn, hết môn các sinh viên được phép nghỉ một hoặc hai tuần, tùy theo thời khóa biểu. Đám sinh viên kêu trời kêu đất, có người bất chấp đóng tiền học lại, thi lại, để nghỉ quá số buổi, dành thời gian ấy đi du lịch, người nào quen biết ban quản lý đào tạo trong trường thì không cần đến tiền, thậm chí vắng mặt nhưng vẫn có tên đầy đủ trong danh sách điểm danh hàng ngày.

Mùa hè, đồ điện nhà ai cũng hoạt động hết công suất, nhất là máy điều hòa, quạt điều hòa, quạt điện, nên cha rất bận. Từ đầu mùa đến giờ, cửa hàng nhỏ lúc nào cũng có khách ghé đến hỏi mua cái này cái kia, đơn đặt hàng cái này cái kia, đơn bảo trì cái này cái kia, kiểm tra cái kia cái này,... Giá cả rẻ hơn so với trong các trung tâm thương mại lớn rất nhiều, chất lượng cũng đảm bảo, người nọ bảo người kia. Cha và nhân viên cửa hàng, một anh chàng tỉnh lẻ chất phác, lanh lợi, hơn Jiyong hai tuổi, ngày nào cũng cầm hộp dụng cụ chạy đến chạy đi từ bảy rưỡi sáng.

Nếu Jiyong không phải đi học, cậu cũng trông cửa hàng cả ngày.

Đã lâu rồi hai cha con không đi du lịch.

Hình như từ sau khi mẹ mất thì chưa đi lần nào.

Đột nhiên, Jiyong thấy nhớ biển.

Biển là hồi ức.

Yêu người khắc ghi em như biển khơi.

Mênh mông quá, cứ như đang nhắc người ta đừng quên, và thế là người ta không quên.

Mà cũng không phải, vì cậu chưa bao giờ quên.

Hồi ức vẽ nên những con sóng ì ào vỗ ngút tầm mắt. Hương muối mặn mòi xông tỉnh cơn buồn ngủ. Tóc anh cũng rối tung, như tóc cậu vậy. Jiyong đưa tay, gạt gạt những sợi tóc lòa xòa trước trán anh, tìm thấy những ngôi sao sa, nhưng rồi gió lại hầm hập thốc tới, chôn vùi chút ánh sáng ấy đi mất.

Biển không xanh, không lấp lánh nắng như cái cách tuổi cậu vẫn nghĩ đến nó.

Jiyong nhớ đến tất cả những điều đó với đôi mắt hanh hao của mình, người khác có nhìn vào cũng không biết sâu thẳm lại đẹp đẽ, quý giá, sâu đậm nhường ấy, hoặc là chưa kịp chạm đến, hoặc có khi lại lầm tưởng là một chốc ngẩn ngơ vô định của cái tuổi đã biết tủi biết hờn biết làm mình mẩy với đời, với người.

Cha Won Juk là quản lý một showroom của Porsche, mẹ mở một cửa hàng đồ thiết kế trong khu trung tâm, không bì được với các thương hiệu lớn nhưng mẫu mã hợp thời, giá cả phải chăng, phụ nữ trung niên lớp trung lưu rất yêu thích, thu nhập cũng coi như ổn định. Hai người hôm nào cũng đi từ sáng đến tối. Buổi trưa, Won Juk ở nhà một mình, nấu nướng cũng đơn giản, đôi khi lại tự thử nghiệm mấy món ăn mới, ăn không hết lại gọi Jiyong sang ăn cùng.

Jiyong nấu cơm cho cha và anh nhân viên trong cửa hàng xong, trong lúc họ chợp mắt, khóa cửa hàng, nghỉ trưa, rồi mới sang bên nhà Won Juk.

Trên mặt bàn ăn đặt một quyển sách, chắc vừa nãy có người ngồi ở chỗ này vừa ăn vừa đọc sách.

Bìa sách là tấm ánh chụp một cơn mưa trong đêm, mặt đất trong cơn mưa như tấm gương ướt át phản chiếu mọi hình hài, cái bóng bé con lẫn màu tăm tối đứng dưới ngọn đèn đường bên những tàng cây màu lá úa, dưới chân lác đác chấm vàng, mắt hơi ngước lên, có lẽ đang tự hỏi sao trời đêm nay không sao.

Trên giá sách của cậu cũng có một quyển giống như vậy.

Mở ra, một chiếc thẻ kẹp sách dùng để đánh dấu trang. Trên trang sách có mấy dòng như thế này.

"... - Còn hình xăm thì sao? Tại sao của em lại là nguyên ông mặt trời?

- Chúng tôi là sinh đôi khác trứng, từ nhỏ đã có cảm giác bản thân mình thiếu mất một nửa, sự hụt hẫng đó rất khó hình dung, nhưng nói chung là ngày ấy khi đi xăm hình chúng tôi đã hẹn nhau, nếu sau này gặp được người có thể lấp đầy khoảng trống đó, sẽ đi xăm một nửa còn lại.

- Em gặp rồi?

- Ừ, nhưng không ở bên nhau.

- Vì em cũng sợ phiền phức?

- Không, vì không cùng một con đường, ngoại hình suy nghĩ lối sống, đều không phải là thế giới của tôi. Anh không hiểu cũng được, chỉ cần biết rằng người kia có tồn tại, nghĩ đến người kia có thể tiếp thêm cho tôi sức mạnh, là đủ rồi..."

Won Juk lấy đĩa, gắp mỳ trong chảo ra, rắc một ít hạt tiêu lên trên, vẫn còn nóng.

- Mỳ sốt kem à? - Jiyong xiên xiên, cuốn một cuốn mỳ đưa lên miệng.

- Ừ. - Won Juk mở tủ lạnh, lấy ra một cái cốc sứ trắng. - Có caramel này, ăn không?

- Cái này làm lâu không? - Jiyong gật đầu.

- Mỳ khoảng hai mươi phút, caramen chưng cách thủy, mười lăm phút, nhưng phải để lạnh trước khi ăn.

- Cũng nhanh nhỉ?

- Nóng bỏ m*, ai điên mà cơm nước lâu la làm gì? - Won Juk bĩu môi.

- Chiều nay có phải đi làm không?

- Có chứ, mùa này đám nhóc cấp hai, cấp ba được nghỉ hè rồi, nên mới đông khách. - Won Juk cười. - Trẻ con bây giờ sướng thật! Toàn các "giá để hàng hiệu" với "ví tiền di động" của bố mẹ.

- Cậu ấy vẫn đi làm à?

- Ừ, có bị làm sao đâu mà phải nghỉ? - Won Juk bình tĩnh nói, chắc ánh mắt cô cũng bình tĩnh giống giọng nói của cô, như đang kể chuyện người khác vậy. - Thỉnh thoảng còn mang bạn gái đến ngồi chơi mà.

- Chán nhỉ?

- Gì mà chán?

- Mình đang nói cậu ấy ấy. - Jiyong ăn xong một miếng rồi mới nói tiếp. - Không được ăn mỳ, cũng không được ăn caramel.

- Phải thế chứ, thấy mình hạnh phúc không, hoàng hậu? - Won Juk hỉ hả hùa theo. - Ai mà biết được? Biết đâu bạn gái người ta cũng biết làm, có khi làm còn ngon hơn ấy? - Lúc sau, cô dịu giọng, lắc đầu cười.

- Sao cứ phải là hoàng hậu? - Jiyong thắc mắc.

- Trực giác! - Won Juk lè lưỡi.

Giác quan thứ sáu của Won Juk, Jiyong không phải không biết.

Những người đã quen một mình thường nhạy cảm với sự có mặt của những thứ chung quy không phải mình. Phải khuyết thiếu đến thế nào mới không dung những sự tồn tại như bản thân, không có vĩnh hằng, chỉ hóa cát bụi, lênh đênh giữa cuộc đời khói mây? Xung quanh nếu không phải người lạ thì cũng là người vừa quen vừa lạ. Rồi hoặc thảng thốt hoặc bình thản thở dài, thì ra sự cô đơn lại là điều duy nhất mang lại cảm giác an toàn.

Không biết có phải vì cả hai cùng lớn lên không, mà có những lúc Jiyong cảm thấy tính cách của Won Juk và cậu có rất nhiều điểm giống nhau, ấy là tạm bỏ qua giới tính và vài sở thích.

- Ăn thêm không? Còn nữa đấy... - Nhìn đĩa mỳ đã vơi một nửa trước mặt Jiyong, Won Juk lên tiếng.

- Có chứ.

- Chốt lại là cậu làm bao nhiêu mỳ thế? - Jiyong nhìn chảo mỳ đầy ắp.

- Có bao nhiêu làm bấy nhiêu!

- No bụng đói con mắt.

- Có phải không ăn đâu?

- Ăn thế này thì là he...

- Đừng để thiếp phải tạo phản, hoàng hậu. - Won Juk trừng mắt.

Cơn gió nhẹ mới đưa tay đã tan chảy, vừa thoáng bóng nắng lao xao, tóc còn chớm hẫng đã không thấy đâu nữa. Con mèo vàng bò dậy, duỗi người, nhảy lên bậu cửa sổ, chân trước cụng cụng ô cửa đóng chặt, không đẩy ra được. Jiyong bỏ dở cốc caramel, ra mở cửa cho nó vào, hơi điều hòa mát rượi trong bếp làm cục lông híp mắt kêu meo, đi theo cậu, chờ Jiyong ngồi xuống ăn tiếp mới nằm bên chân cậu, lại cuộn tròn người như cuốn chiếu.

Âm thanh ồ ồ của máy móc vọng vào từ công trường bên kia phố.

- Khu đất trống ấy có người thầu rồi à? - Won Juk xếp đĩa đã rửa sạch lên giá.

- Ừ.

- Người ta đang xây cái gì thế? - Won Juk

- Trung tâm điện máy.

Won Juk nói bâng quơ, và Jiyong đáp lời cô cũng theo cách ấy.

- Trưa mai ăn gì?

- Trứng cuộn, ăn không?

- Cho ít phô mai thôi nhé?

- Cứ thích cho nhiều đấy!

Con người có trưởng thành đến đâu, thế giới quan có xung động thế nào, vẫn sẽ có những thứ không thay đổi, sâu bền như gốc rễ, chúng ta vẫn hay gọi đó là linh hồn.

Nên mới có người này thích thế này, và người kia thích thế kia.

Nên mới có người này làm thế này, và người kia làm thế kia.

Nên mới có em yêu, vẫn yêu, và không khóc.

Nó cũng như là một quy luật vậy, we never go out of style.

***

Nhà có một cửa hàng bán và sửa chữa đồ điện tử. Tầng một phân thành hai gian, ngăn cách bởi cầu thang, cửa hàng ở gian ngoài, nhà bếp ở gian trong. Trên tầng hai là một phòng ngủ và gác xép để đồ. Tầng ba là phòng của Jiyong và sân thượng.

Cửa hàng tuy nhỏ, nhưng cũng hoạt động được hơn hai mươi năm. Jiyong nhớ khi còn bé, cha bảo rằng ngày xưa ông chỉ học hết cấp hai, mười lăm tuổi bắt đầu mở cửa hàng ở nhà. Bình thường, buổi sáng Jiyong đi học, chiều trông cửa hàng thay cha. Ngoài hai cha con, cha cậu còn thuê một nhân viên nam để tiện xoay xở mỗi khi đông khách. Người sống trong khu phố này vẫn đùa, từ cái hồi tivi còn là kiểu màn hình lồi như mắt ếch, lưng dày, đã quen đến cửa hàng của cha.

Đó là nói thế, chứ mấy chục năm không dài không ngắn, nhưng đủ cho một thế hệ, lớp trẻ vẫn cứ thích cái mẽ, ai cần biết ông bà trong nhà ngày xưa thế nào, quanh mình là những chuyện thế nào, cứ cao xa được lúc nào thì cao xa lúc ấy, mấy khi nghe lời các cụ.

Hôm nay có người bạn của cha qua chơi, tiện thể nhờ xem cái đài radio mấy hôm nay không hiểu sao cứ rè rè, chả nghe được tiếng, thấy Jiyong liền móc mỉa ông bạn một câu, lấy làm thích chí lắm.

- Jiyong đấy à, lớn thế này rồi, thế có hay đi đánh nhau với tắm sông như cha mày ngày xưa không?

- Bác Jin, bác qua chơi ạ? - Jiyong gật đầu, cười trừ.

- Tuổi này rồi, chơi bời gì? - Ông bác chép miệng. - Qua nhờ cha cháu xem hộ cái đài thôi.

- Này... - Cha đứng bên quầy, vít lại con ốc, lấy giẻ lau qua một lượt rồi đưa cho ông bạn. - Xong rồi đấy.

Jiyong đi vào trong nhà, lấy ấm nước, đổ bã trà đi, thả lá trà mới vào, rót nước sôi, đem ra đặt lên bàn.

- Vẫn chạy ngon chứ hả? - Bác Jin nheo mắt, vết chân chim hằn sâu, cầm chiếc đài trên tay, săm soi, chả biết có săm soi được gì không.

- Còn tốt chán. - Cha ngồi xuống đối diện ông, rót thêm nước vào cốc của ông, rồi mới rót cho mình một cốc khác.

- Thế mà thằng Han ở nhà cứ đòi đổi cái mới, suốt ngày đòi dắt đi trung tâm điện máy mua, bảo đi sửa thì không chịu sửa...

- Mấy kiểu mới có nhiều chức năng hơn, nó lo cho ông thôi.

- Tôi thì cần chức năng gì nữa? Nghe được là được, dùng bao nhiêu năm quen rồi, đổi làm gì rách việc... Mà máy móc mới toàn đồ đi nhập cả, chữ viết toàn tiếng đẩu tiếng đâu, nhân viên thì chỉ tìm cách bới móc, không hỏng cũng thành hỏng để mà kiếm, chả đảm bảo đâu! Được một chặp có khi lại hỏng lên hỏng xuống ấy chứ, chả biết đâu mà lần...

Jiyong lẳng lặng nghe, chẳng góp được câu nào.

Cha cậu nghe kể, cũng cười, cũng bất bình, cũng đáp lại vài câu hùa theo, nhưng từ đầu đến cuối, sự đồng tính trong mắt không biết hanh hao đi đâu mất.

Jiyong biết, như thế gọi là bình thản.

Dường như những gì ông nghe kể chỉ là những chuyện bình thường, những việc bình thường, những người bình thường, cứ bước chân ra đến cửa là gặp, thói đời thành quen, chẳng vui mừng, chẳng buồn bã, chẳng bất ngờ, chẳng sợ hãi.

Cái gì cũng từng thấy qua rồi, có gì mà lạ?

Đời vẫn thường khó đoán ỏng eo vậy, có gì mà sợ hãi?

Ai cũng vậy, đến một lúc nào đó, phải học và học được cách chấp nhận. Cuộc sống như thế vì nó phải thế. Con người cả, đã là mệnh thì khổ, đừng vội thương thân kẻ khác. Không thay đổi được, thì việc gì phải sợ hãi, có thể có thứ đáng sợ hơn, nhưng chưa chắc là đáng sợ nhất, cái gì đến sẽ đến thôi, bấp bênh đủ rồi tự sẽ vững vàng.

***

- Xong chưa?

Jiyong đưa tay, chìa ngón út móc lấy quai túi, hẩy quai túi về giữa lòng bàn tay chồng chéo quai túi đủ màu sắc. Hai tay xách một tá túi giấy, túi nhựa linh tinh, trên vai cũng quàng mấy cái túi to nhỏ khác nhau.

- Còn lâu. - Won Juk bĩu môi, đi lên thang cuốn.

- Cậu còn muốn mua đến lúc nào nữa? - Jiyong buông rũ hai tay, ngửa mặt than, rồi khom lưng, khuỵu gối bước đi, ra vẻ gian nan lắm.

- Đàn ông đàn ang, mới có tí đã kêu ca!

Won Juk hất tóc, thang máy lên đến nơi là quay lưng bước đi phía trước, vừa đi vừa ngoắc Jiyong "phu khuân vác" lẽo đẽo theo sau, thiếu điều tròng thêm một cái dây thòng lọng qua cổ rồi để cô dắt đi nữa thôi.

Dọc đường đi cứ kêu ca suốt mà đến lúc cô hỏi ý kiến thì mặt cứ tỉnh bơ, hỏi gì nói nấy, còn nói nhiều hơn cần thiết nữa, có thấy mệt mỏi gì đâu, ngoan thật!

Thật ra Jiyong không tính là đẹp trai. Nét mặt cậu phần nhiều là trung tính, sự pha trộn giữ nam tính và nữ tính, thêm cặp kính cận màu đen, trông cậu giống một cậu học sinh cấp ba dễ thương hơn là một người đàn ông trưởng thành, phong độ và nam tính.

Có lẽ vì là người suy nghĩ đơn giản, ít ra thì chính bản thân cậu cho là thế, nên thái độ và cử chỉ thể hiện ra ngoài cũng thành thật như suy nghĩ trong lòng cậu vậy, chỉ cười gượng nhưng lại làm người khác cảm thấy gần gũi.

Chẳng khoảng cách nào xa vời hơn gần mà xa, xa mà gần.

Đối với một số phụ nữ, sự trung thực mới mới là điều tạo nên nét quyến rũ của một người đàn ông.

Hôm nay là ngày giảm giá đặc biệt của một trung tâm thương mại lớn, rất nhiều quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm,... của các thương hiệu nổi tiếng được discount 70 đến 80%, tiền lương đi làm thêm Won Juk để dành mãi cuối cùng cũng có chỗ tiêu đến ngoài chợ đêm rồi.

Một mình cô chen lấn đã đủ mệt phờ râu, chả tội gì không đính kèm theo một "phu khuân vác" rảnh rỗi.

Trung tâm thương mại này có tổng cộng năm mươi tầng, bảy tầng đầu tiên dành cho các cửa hàng buôn bán và hoạt động mua sắm, càng lên tầng cao, hàng hóa càng xa xỉ, những tầng còn lại là chung cư, và các cơ sở hạ tầng khác như phòng trò chơi, bể bơi, sân băng,... phục vụ người sống trong những căn hộ này.

Những mặt hàng được hạ giá hôm nay chủ yếu được bày bán ở ba tầng đầu tiên, tầng bốn chỉ lác đác vài cửa hàng đang có chương trình khuyến mãi, nhiều nhất là giảm 30%, tầng năm và tầng sáu thì không có cửa hàng nào nằm trong chương trình khuyến mãi nữa, người qua lại cũng vãn hơn.

Trong mấy cái túi Jiyong đang xách đều là quần áo, Won Juk không quá thích thú với mỹ phẩm, túi xách, hay giày dép. Ngoài áo váy ra, cô chỉ chọn một thỏi son, một lọ kem dưỡng da, và một bộ sáp nhuộm, ba mươi thỏi, gồm những màu mới nhất.

Won Juk rất thích đồ vintage.

Quần áo, túi xách, giày dép, khăn tay, ví tiền, túi bút,... đồ dùng cá nhân của cô đều được may bằng vải xô, những nét màu classic ngậm ngùi, vẩn vơ hoa và ren xếp thơ và bụi như hồi ức.

Nhưng đồ vintage giá cả vừa phải trên thị trường hiện nay đều là hàng secondhand, đẹp xấu lẫn lộn, dĩ nhiên nếu khéo chọn thì vẫn có thể lựa được đồ đẹp, những dịp thế này chả mấy khi.

Tầng bảy là không gian dành riêng cho các nhà hàng và các quán cà phê, được phân ra thành hai khu vực. Các nhà hàng nằm bên tay phải, đi thẳng hết hành lang sẽ thấy một căn phòng khác được ngăn riêng ra bằng những bức tường kính trong suốt, bước vào phòng là chỗ của các quán cà phê, những phía còn lại cũng lắp tường kính, nhìn ra đường phố xung quanh.

Mua đồ xong, Won Juk nằng nặc đòi ăn kem. Jiyong tròng vào cổ thêm một đống túi xách, rồi đi bên cô.

Đi ngang qua một cửa hàng ở tầng sáu, cửa tự động mở, có hai người bước từ trong cửa hàng ra, nên Won Juk và Jiyong khựng lại một chút, nhường lối cho họ.

Người đàn ông có gương mặt góc cạnh như điêu khắc, đôi mắt đong đầy bóng đêm. Khóe môi mỏng đã từng vì trông thấy cậu mà khẽ nhếch, đuôi mắt xếch đã từng vì trông thấy cậu mà cong cong, đáy mắt đã từng vì trông thấy cậu mà lập lòe đốm sáng như có sao sa.

Trông anh chắc phải cao hơn cậu một cái đầu. Và khi anh cất tiếng, giọng nói chắc sẽ trầm khàn như màn sương, quẩn quanh người, thấm qua da thịt, đọng từng giọt giá trong lòng.

Đi bên cạnh anh là một cô gái xinh đẹp, cô mặc một chiếc váy màu ngọc trai, khoác tay anh, dáng người mảnh mai, cử chỉ nhã nhặn.

Chắc những lời cô nói vẫn hài hước, thông minh và sắc sảo.

Chắc cô nướng bánh mỳ vàng ươm, thơm mùi bơ tỏi, và rán trứng rộm đều hai mặt, tròng đỏ màu đào ở chính giữa, tròng trắng bao xung quanh, chẳng cháy sém chỗ nào.

Chắc họ đang đi về ngôi nhà có trần nhà và những bức tường sơn trắng sạch sẽ. Sàn gỗ màu nâu ấm áp. Người sống trong nhà cũng như những đường vân Gothic khắc trên vách, quý giá, đẹp đẽ, sâu đậm. Từ cửa sổ trong phòng nhìn ra, thành phố về đêm tĩnh mịch như những giấc mơ không ai gọi tên. Cách đây hai dãy phố, bên bờ sông Hàn, những dây đèn được chăng ngang dọc, trông xa, lấp lánh như những ngôi sao.

Có đôi lúc, chúng tôi vô tình bắt gặp ánh mắt của nhau. Một cái nhìn chỉ mất vài giây, giống như khi nhìn vào mắt của những người khác và cũng khác so với khi nhìn vào mắt của những người khác, tôi nghĩ là mình hiểu cậu ấy muốn nói gì, và cậu ấy cũng vậy.

Khi thấy trong mắt chỉ còn bình thản, không biết nên vui hay nên buồn nữa đây.

Nỗi đau của những gặp gỡ thoáng qua là chúng ta không muốn cứ thế mà chấm dứt, nhưng nhìn vào đôi mắt không còn lấp lánh ấy, chúng ta hiểu muộn mất rồi, mình lỡ mất rồi. Đúng vậy, nỗi đau của những gặp gỡ thoáng qua chính là sự bất lực, có lòng mà không đủ sức, có tình mà chẳng tới được, có thương mà không đồng điệu, và những nếp nhàu tại sao không chũng chĩnh như cát lún giữa dòng hồi ức sau này, khi đó, người ta bất lực vì không thể quay ngược thời gian.

Bạn hiểu cảm giác đó mà, đúng không? Lúc tìm thấy cái tên của giấc mơ đi lạc trong đôi mắt ấy, cũng là lúc nhận ra phải để nó chết đi. Thế giới tàn nhẫn thế đấy, con người tàn nhẫn với nhau, nói gì đến một giấc mơ dở dang cho người. Ừ, bạn hiểu mà. Đúng không?

Nhưng quán cà phê ở đây chỉ được phân biệt với nhau nhờ quầy pha chế và biển hiệu đặt tại mỗi quầy, còn chỗ ngồi là một khoảnh sân, bàn ghế cũng một kiểu. Khách hàng gọi đồ của quán nào thì thanh toán ngay ở quầy đó, còn chỗ ngồi thì được thoải mái lựa chọn. Won Juk chọn một quán cà phê có hương xoài thơm, gọi sinh tố bơ cho mình và rượu hoa quả cho Jiyong, rồi đi đến bàn bên cửa sổ, giúp cậu gỡ túi xách chăng đầy người để lên bàn và quanh chân bàn.

Tuy là ngày giảm giá đặc biệt, nhưng hôm nay không phải ngày nghỉ, nên người đến mua sắm cũng chỉ đông vừa phải, buổi tối và cuối tuần chắc phải hơn thế này nhiều.

Trong quán cũng có mấy vị khách, chỗ ai ngồi cũng túi to túi nhỏ.

Jiyong ngồi xuống, ngã người vào lưng ghế, thở phào, xoa xoa vai, thấy Won Juk ngồi phía đối diện cứ nhìn mình chằm chằm, khó hiểu hỏi "Sao thế?".

Won Juk im lặng, không nói, mắt vẫn không rời khỏi gương mặt Jiyong, như thể cô chưa bao giờ nhìn kĩ cậu như vậy.

- Hôm nào đi xăm cả ông mặt trời đi thôi...

Một lúc sau, Won Juk thở dài.

Ở đâu cũng vậy, rượu hoa quả không rót vào ly, những thức đựng rượu ấy cao sang quá, giá trị của một giấc này chẳng bằng được. Người ta thường dùng cốc đựng đơn giản bằng thủy tinh hoặc sứ, để thìa chỉ để trang trí, cũng chả có tác dụng gì mấy.

Đàn ông, ai cũng có niềm yêu thích nhất định với rượu. Cái hơi men chuếnh choáng khi giọt rượu tan ra nơi đầu lưỡi bùi như giấc mơ đẹp. Đàn ông dễ nghiện mùi vị này hơn phụ nữ, chắc bởi trời sinh đàn ông không dễ mơ. Đàn ông tham vọng, dứt khoát, cuồng nhiệt và sâu lắng. Họ quen đứng vững vàng, lưng thẳng tắp và tay nắm chặt, nên giấc mơ mới lạ với họ quá. Họ yêu vị ngọt của rượu nơi cuống họng, yêu cả những cái chớp mắt hồi thần sau khi men say tan biến, đối mặt với thế giới không lúc nào thôi nghiệt ngã. Vị đắng tinh túy của rượu ở cả trong một khoảnh khắc ấy.

Rượu ngon mớm cho người ta lâng lâng vừa đủ, rồi nhẹ nhàng mà tàn nhẫn để họ rơi xuống, càng cố vươn xa hơn lại càng thấy nặng như cùm, thì ra họ không mơ, chỉ lơ lửng, và cũng chỉ đến thế là hết. Một khoảng cách không thể chinh phục là điều họ vương vấn hơn bao giờ hết.

Rượu hoa quả tự ủ, không nên là màu đỏ đục, hương thơm không nưng nức và vị ngọt không lắng, những cũng không nên là màu đỏ tươi trong suốt, hương thơm thật nưng nức và vị ngọt thật đằm.

***

- Đi đâu đấy?

Đang nói chuyện thì thấy Jiyong đứng lên, Won Juk hỏi.

- Đi vệ sinh. Quản gì kĩ thế? - Jiyong trêu cô bạn.

Won Juk nghe xong, cắn ống hút, giơ tay về phía cậu, cổ tay xoay xoay, chào kiểu hoa hậu.

Jiyong phì cười.

Ở một bàn trong góc, sau khi Jiyong đi được hai phút, có một người cũng đứng lên đi ra ngoài.

Từ chỗ ngồi của mình, tầm nhìn của Won Juk vừa vặn nhìn thẳng đến chiếc bàn đó. Ngồi ở vị trí đấy là hai người họ tình cờ gặp trước một cửa hàng ở tầng sáu vừa nãy. Người vừa rời khỏi đây là người đàn ông cao lớn, chắc phải cao hơn Jiyong một cái đầu, gương mặt góc cạnh như điêu khắc, đôi mắt đong đầy bóng đêm, và đôi môi mỏng mím thành một đường cong quyến rũ.

Cô gái đi cùng anh ta vẫn ngồi ở chỗ cũ, đang gọi điện thoại.

Won Juk cắn ống hút, đáy cốc chỉ còn một chút nước, hút đến khô cả miệng chỉ nghe tiếng xì xụp. Mấy vị khách ngồi trong quán chốc chốc lại nhìn về phía cô, nhưng hình như Won Juk không để ý.

Người đàn ông kia ngồi cùng phía với Jiyong, Jiyong quay lưng lại, nhưng Won Juk thì đối diện với anh ta.

Người đó cứ nhìn về bên này suốt, dù cho anh rất khéo léo để không ai nhận ra, nhưng mà những người đã quen một mình thường nhạy cảm với sự có mặt của những thứ chung quy không phải mình.

Mà Jiyong không chú ý thì phải?

Mà Won Juk thì không nghĩ ánh mắt ấy là dành cho cô.

Một người đàn ông khác vội vã đi tới chỗ cô gái đang nói chuyện điện thoại, ngồi vào ghế trống bên cạnh cô.

Nụ cười thường trực bên môi anh tatrông không có vẻ gì là gượng gạo, mà thành thục và chín chắn, thái độ lịch sự và dễ gây thiện cảm, như thể đó là điều đương nhiên, mỗi ngày như vậy, hàng ngày như vậy, một đời như vậy.

Won Juk quay mặt đi.

Cô không thích, cũng không ghét. Cô chỉ là không thích thôi.

Ai cũng có những câu chuyện của riêng mình.

Con người cả, đã là mệnh thì khổ, đừng vội thương thân kẻ khác.

Một cuộc đời bị lấp liếm bằng những nụ cười chẳng đáng sợ bằng một cuộc đời bị lấp liếm bằng những nụ cười thành quen.

...

Cậu bỏ kính, để tay dưới vòi, nước liền chảy. Jiyong rửa tay, rồi vốc nước lên mặt. Những lọn tóc mái ướt dính bết vào trán, nước rỏ từng giọt lăn dài xuống hai gò má.

Cậu nhìn mình trong gương.

Jiyong mỉm cười, lồng ngực nghèn nghẹn, có gì đó gợn sóng trong mắt cậu, chưa kịp gọi tên đã không biết hanh hao đi đâu mất.

Khi thấy trong mắt chỉ còn bình thản, không biết nên vui hay nên buồn nữa đây.

Cửa vào nhà vệ sinh phía sau lưng cậu mở ra rồi đóng lại. Gương mặt góc cạnh của người mới đi vào phản chiếu trên mặt gương tráng bạc. Seung Hyun khoanh tay, đứng tựa lưng vào tường.

Hình như cậu đã từng trông thấy cảnh này rồi, Jiyong cúi đầu, môi vô thức mỉm cười.

Định nghĩa bạn thân của Jiyong: bạn thân là một sự tồn tại phần nào lấp đầy những trống rỗng trong mình, có thể không hợp tính, nhưng sẽ là người không tiếc thời gian và công sức lắng nghe, kết nối và sửa chữa bản thân mình mỗi khi trục trặc. Nếu hai người quá giống nhau là bạn thân của nhau, thì khi có vấn đề xảy ra với một người, người còn lại sẽ luống cuống không biết sửa từ đâu. Rất khó để một người thừa nhận một sự tồn tại như bản thân mình là sai lầm. Điều đó chỉ làm cả hai cùng cuống, vụng về tìm kiếm con đường dẫn đến câu trả lời, và nhỡ chẳng may thành sai thật, huống chi sẽ còn có lúc hai người cùng trục trặc.

Jiyong chống tay lên thành bồn rửa.

Nếu cậu không đi đến chỗ anh, anh cũng sẽ đi đến chỗ cậu thôi, sao phải làm thế.

Cậu đeo kính lên, đi về phía cửa, cố gắng không ngẩng đầu lên lúc đi ngang qua anh.

"Bịch..."

Một chân anh đạp lên bức tường đối diện.

Cạnh cửa là một gian nhỏ dùng để đựng đồ dùng và các dụng cụ vệ sinh, cửa đã khóa trái, chỉ nhân viên mới có thể đi vào, cách thiết kế này làm lối đi hẹp lại nhiều.

Âm thanh gót giầy da nện lên đá cẩm thạch giữa tiếng nước tóc tách dộng vào đầu Jiyong nghe ong ong.

Jiyong nghĩ đến những mảnh sao sa không biết đã được chữa lành trong đáy mắt anh, sắc bén cứa lên da thịt chảy máu, cơn đau nhức nhối như thể bị mài dưới vô số những đầu kim nhọn hoắt, lan tỏa khắp mỗi ngóc ngách trong cơ thể, dưới chất xúc tác là sự im lặng.

Cậu không biết mình sợ đối mặt với anh, hay là sợ phải nhìn thấy những mảnh sao tan vỡ trong đáy mắt anh, hay là sợ phải nhìn thấy những mảnh sao tan vỡ đã được hàn gắn trong đáy mắt anh nữa.

Jiyong không nghĩ ra phải nói gì, cũng không muốn đứng ở đây nữa, cậu nhấc chân chuẩn bị bước qua, thì vai bị vồ lấy, cả người bị đẩy ra đằng sau, lưng đập mạnh vào tường, trong lúc Jiyong còn đang choáng váng, một bàn tay luồn vào tóc cậu, giật ngửa đầu cậu ra sau.

- Ưm...

Môi bị cắn phát đau, Jiyong vô thức hé miệng, hơi men theo đầu lưỡi xộc vào cuống họng làm cậu xây xẩm mặt mày.

Chắc là Martini đen.

Cổ ưỡn cong, Jiyong không thở được. Hai tay bẻ quặt sau lưng, cổ tay bắt chéo nhau, bị siết chặt. Một chân anh chen giữa hai chân cậu, lớp vải quần Âu thẳng thớm không ngừng cọ xát đũng và mé đùi trong quần jeans bạc phếch.

Sự choáng ngợp qua đi, Jiyong thử cựa quậy vai và tay, cố lách mình ra, nhưng anh nhanh chóng dùng trọng lượng cơ thể mình đè ép mọi cử động của cậu.

Nước bọt trào ra khỏi khóe miệng, lăn xuống cằm và cổ, chấm ướt cổ áo cậu. Không khí trong phổi không ngừng bị rút qua miệng. Những gợn sóng trong mắt không kịp hanh hao đi đầu mất, miên man vỗ bờ mi.

Hai chân Jiyong khuỵu xuống.

Anh hôn rất lâu, như thể bao nhiêu nụ hôn dồn nén mãi mà thành.

Seung Hyun buông tay, cả người Jiyong trượt xuống, ngồi bệt trên đất. Anh nâng cằm Jiyong, ngón tay cái vói vào miệng cậu, không cho cậu khép môi lại, hơi thở nóng bỏng gấp gáp phả lên làn da tiếp xúc nơi đầu ngón tay, nhìn gương mặt tái nhợt của cậu, khóe môi nhếch lên hài lòng. Những mảnh sao méo mó thành những hình thù kì dị.

Jiyong rùng mình.

Cậu còn chưa thấy sợ hãi, cơ thể đã theo phản xạ mà phản ứng trước.

Thân hình Seung Hyun đổ ập lên người cậu, một tay áp lên má Jiyong, ngón tay trong miệng cậu vẫn chưa rút ra, chỗ gồ lên dưới thắt lưng đưa đến sát bên miệng cậu.

Jiyong vội quay mặt đi, nhưng làm thế nào cũng không giằng ra khỏi tay anh được, âm thanh cứ lúng búng trong cổ họng mãi không thành tiếng. Cậu giật mình cắn xuống, luống cuống nghiến răng, nhưng ngón tay vẫn mắc trong miệng cậu, đầu ngón tay cứa qua vòm họng.

Đúng lúc lớp vải quần Âu nhô ra khô khốc kê lên đầu lưỡi, thân nhiệt nóng rẫy thấm qua lớp vải quần Âu xát lên môi bỏng rát, người bên ngoài chờ mãi sốt ruột gõ cửa nhà vệ sinh.

Jiyong thấy anh mất tập trung, lồm cồm chồm dậy, xoay chốt cửa, lao ra ngoài, phía sau có tiếng người mắng cũng bỏ ngoài tai.

Cậu chạy đến một góc khuất, tì tay lên tường, trong miệng gai gai sợi vải nhọn hoắt như kim châm. Cậu khom người, cúi sát xuống một thùng rác, hai tay chống gối, nôn khan, ọe ra toàn nước bọt và dịch dạ dày chua loét, đến tận khi cổ họng đau rát, lưỡi khô đến líu lại mới lấy tay quệt môi, rời đi.

***

Jiyong đạp xe.

Won Juk ngồi phía sau, túi xách để trong lòng, mấy túi cầm không hết thì treo hai bên ghi-đông.

Đi ngang qua công trường xây dựng, thấy máy móc bên trong phủ bạt ngổn ngang, âm thanh ồ ồ ầm ĩ mọi khi đã biến mất, bây giờ mới ba giờ chiềuWon Juk hỏi hôm nay họ nghỉ làm à?

Jiyong nhìn qua tấm biển đặt trước cổng vào được khóa kĩ, trả lời hình như ngừng thi công rồi.

Won Juk hỏi tại sao, nhưng có vẻ không thật quan tâm.

Jiyong bảo không biết nữa.

Jiyong đỗ xe trước cửa nhà Won Juk, giúp cô bạn xách túi vào trong, rồi mới về nhà mình, cất xe, đi lên phòng.

"Rừ rừ"

Vừa nằm xuống giường thì điện thoại để trong túi quần rung lên, Jiyong mở máy, số lạ. Ở trường, các sinh viên đều phải đăng kí số điện thoại của mình để có vấn đề gì thì giảng viên và cán bộ lớp có thể thông báo trực tiếp tới từng người. Thỉnh thoảng Jiyong cũng nhận được vài cuộc gọi của cán bộ lớp thông báo buổi học sau được nghỉ đột xuất hoặc hồ sơ cá nhân cần bổ sung thông tin nào nào, đến trường nhớ phải mang theo những giấy tờ gì.

Cậu bấm nút nhận cuộc gọi.

- Ai đấy ạ?

- Cho hỏi đây có phải số của Kwon Jiyong không? - Một giọng nam trả lời.

- Đúng rồi. - Jiyong đáp. - Xin hỏi ai đấy ạ?

- Là tôi, Jung Chang Wok.

Jiyong chưa biết phải nói gì tiếp theo, thì đầu dây bên kia đã tuôn ra một tràng.

"Làm sao tôi lại có số điện thoại của cậu, cái này không quan trọng. Tôi có điều này muốn nói."

"Tôi biết hôm nay hai người đã gặp nhau."

"Tôi, Seung Hyun, Mi Joon, cả ba là quen nhau từ lúc học cấp ba, sau này vào chung một trường đại học, học cùng ngành. Tốt nghiệp rồi, ba người chúng tôi hùn vốn mở công ty, tiền để dành đã đành, còn lại vẫn còn phải nhờ cha mẹ chu cấp thêm. Chúng tôi dồn hết sức vào đây, gần như đêm nào cũng thức trắng, mời đối tác đi nhà hàng năm sao, còn ăn một mình thì úp mỳ tôm, có khi còn tiếc chả buồn ăn. Hai thằng đàn ông như chúng tôi thì cũng thôi đi, thế mà Mi Joon cũng kiên gan như thế..."

"Mi Joon thích Seung Hyun lâu rồi, nhưng lần nào cũng bị hắn từ chối...".

"Giờ hai người họ đến với nhau rồi, gia đình chúng tôi cũng chả lạ gì, nếu ổn thỏa thì chắc sang năm họ cũng sớm làm đám cưới thôi, biết nhau lâu lắc rồi, còn chờ gì nữa?"

"Còn nhớ những lời tôi nói trước đây không? Nếu cậu không nhớ thì cũng thôi, để tôi nhắc lại, hai người không hợp nhau đâu."

"Tôi và Seung Hyun làm bạn với nhau được mười năm rồi, chưa bao giờ tôi nghĩ người ở bên cậu ta sẽ là một người... như cậu."

"Cậu chẳng biết gì về thế giới của chúng tôi."

"Nếu như cậu xinh đẹp thì còn dễ hiểu, đằng này..."

"Seung Hyun cả thèm chóng chán lắm, tôi biết tính cậu ta... "

"Cậu hiểu ý tôi đúng không?"

"Tôi đã nghĩ lúc đó cậu cũng hiểu vấn đề rồi, nhưng chẳng ngờ thì ra cậu chậm hiểu hơn tôi tưởng."

"Nếu cậu cần tiền thì nói thẳng ra, tôi có thể cho cậu, nhưng đừng xuất hiện trước mặt hắn nữ..."

Cậu không đợi anh ta nói hết câu đã cúp máy.

"Cộc cộc..."

Có tiếng gõ lên kính cửa sổ, Jiyong vứt điện thoại lên giường, đi đến bàn học, mở cửa.

Won Juk cầm cây chổi lau nhà, hiển nhiên là vừa dùng cán chổi để gõ cửa.

Thấy Jiyong, cô thảy sang một cái túi xách, Jiyong đón lấy, bên trong là bộ sáp nhuộm, mấy cái áo phông.

"Meow..."

Con mèo vàng dậy rồi.

- Meo...

Và Won Juk đi cho mèo ăn.

Jiyong cầm cái túi, để lên giường, đóng cửa sổ lại.

Cậu lấy quyển sổ trong túi, những trang giấy chi chít khuông nhạc, có chỗ đã được điền nốt nhạc và lời nhạc, có chỗ vẫn bỏ trống.

Chọn một trang trắng, để mở trên bàn, Jiyong ngồi xuống ghế, ngón tay chai sần, đốt xương lủng củng, thấy rõ cả những đường gân xanh tím trên mu bàn tay, cầm một cây bút chì cắm trong ống bút, viết.

Những vết chì lõm sâu lên trang giấy, vụn chì dính đầy những ngón tay đặt bên lề giấy.

Những con chữ và giai điệu cặm cụi lấp đầy chỗ trống trên trang giấy, không biết có thấu bóng người lặng thinh bên cửa sổ.

Ai chả muốn nói đúng chuyện, làm đúng việc và gặp đúng người.

Vậy những đứa trẻ không kịp lớn lên, quá khứ chắp vá và hiện tại chông chênh cô đơn, biết làm thế nào đây?

Chẳng biết từ bao giờ, trong cuộc đời này, người ta định kiến có thương nhau thật hay không chẳng bằng có xứng nhau hay không, có đáng nhau hay không, đôi lứa không xứng đôi về bên nhau là sai lầm.

Tình yêu nên như một cô gái thanh xuân, chín mọng, mãnh liệt, và tự sát khi không còn trẻ trung, chứ chả đợi lo toan và những nếp nhăn năm tháng đến dập vùi đâu.

Chúng ta vẫn thường để người mình yêu tự do, và giữ cho mình người để ôm hôn.

Những người đã quen một mình thường nhạy cảm với sự có mặt của những thứ chung quy không phải mình. Phải khuyết thiếu đến thế nào mới không dung những sự tồn tại như bản thân, không có vĩnh hằng, chỉ hóa cát bụi, lênh đênh giữa cuộc đời khói mây? Xung quanh nếu không phải người lạ thì cũng là người vừa quen vừa lạ. Rồi hoặc thảng thốt hoặc bình thản thở dài, thì ra sự cô đơn lại là điều duy nhất mang lại cảm giác an toàn.

Em để người đi và giữ cho mình nỗi cô đơn.

Nếu như vĩnh hằng là cách người ta khắc ghi, ước gì người biết, khi em nói người đi đi vậy, hình bóng người trong trái tim em đã dài lâu hơn cả cô đơn của em rồi.

Em khắc ghi người như biển khơi, màu biển không xanh, không lấp lánh nắng như em vẫn nghĩ.

Mênh mông quá, cứ như đang nhắc người ta đừng quên, và thế là người ta không quên.

Em nhìn trang giấy không còn trống hoác hư vô trong lồng ngực, dấu nước lỡ thoáng qua mặn chát, chờ khô rồi đi nét lại, hằn lên cả trang sau mà trông cũng chẳng còn nguyên vẹn, thủng lỗ chỗ như nỗi nhớ không nghe lời dùng dằng đêm trắng, bỏ thì thương vương thì tội, thầm trách đã bảo đừng khóc thế mà lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro