2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cô Nghi hay quá. Cô Nghi hay quá."

Hàng loạt tiếng vỗ tay rầm trời vang lên trước sân nhà. Nghi cầm chén nước đổ vào cái chậu sành bên cạnh, săn tay áo lên và nói.

"Xong rồi, mọi người về đi."

Rồi cô quay sang bà mẹ với đứa con đang ôm nhau khóc vì đói, ôn tồn bảo.

"Tôi không lấy tiền. Dì dặn nó sau này đừng táy máy ăn kiểu đó nữa, có ngày xương hóc sâu quá không cứu kịp thì đi toi đấy."

Bà mụ dẫn con đứng xuống phản, dúi đầu thằng bé thật sâu, không ngừng chắp tay vái lạy.

"Lạy cô Nghi làm phước, lạy cô Nghi làm phước."

Cúng lễ xong xuôi, hai má con họ đã đèo bồng nhau rời khỏi nhà. Nghi đứng quay mặt về phía cổng, hai tay cô để đằng sau, gương mặt đăm chiêu trông như đang lo lắng cái gì đó lắm.

Thế rồi Nghi thở dài một hơi. Dân đói khổ kiểu này mà lũ quan tham còn bốc lột cho bằng được. Cô thấy thương quá, xót quá. Cái hạng cùng đinh bây giờ chắc cũng đã lên tới con số hàng trăm, hàng nghìn người rồi. Như hai má con hồi nãy đi, thằng con lấy cắp con gà, mà bà mẹ cũng chẳng biết làm sao để con mình đỡ đói, mặc dầu cái tội trộm cắp bây giờ đáng lôi ra ngoài đình xử đánh lắm.

Nghi tặt lưỡi một cái rồi xoa mu bàn tay, cô trông mắt ra ngoài sân để tìm Nguyệt. Nguyệt đang đứng lấp ló sau cây cột bự gấp đôi em, mà hình như ánh mắt em nhìn Nghi có vẻ đang muốn nói điều gì đó lắm. Nghi cười, cô ngoắt Nguyệt lại, hỏi.

"Sao vậy cô nương?"

Nguyện lon ton chạy lại gần chị hai, em đan mười ngón tay vào nhau, ấp úng nói.

"Chị hai...chị hai chỉ em cái trò đó đi."

Nghi nghiêng đầu.

"Trò gì?"

Nguyệt nhìn cô bằng ánh nhìn long lanh khó tả. Em rảo bước về phía Nghi, từng bước đi của em cố gắng cách dài ra như đang hào hứng lắm. Rồi em đứng trước mặt chị hai mình, tiếp tục nói.

"Cái trò lấy xương hóc ra đó."

Nghi bật cười nhìn Nguyệt.

"Đó không phải là trò. Em đừng gọi thế kẻo bề trên quở trách."

Nhưng Nguyệt cứ phụng phịu. Chị hai em lúc nào cũng nói bề trên bề trên, mà em có biết bề trên là ai đâu. Cái phòng thờ Nghi còn chẳng cho em bén mảng tới, ấy vậy mà bảo em đi hiểu chuyện trừ ta, cung kính bề trên. Làm vậy sao em hiểu nổi.

"Chị hai nói vậy quài. Mà chị hai dạy cho em đi, mốt tụi nhóc trong xóm có bị hóc xương, em giúp tụi nó."

Nghi lắc đầu, rồi cô cốc lên trán Nguyệt một cái.

"Chỉ được cái miệng. Chị hai nói rồi, không chỉ được."

Nguyệt chu chu cái môi bóng lưỡng nước bọt ra, em thúc nhẹ vào chân Nghi vờ như giận dỗi.

"Chị hai keo kiệt thế. Cái trò đó có gì khó đâu, đọc vài câu là xong, là lấy xương ra được rồi."

Nghe Nguyệt ngây thơ nói vậy, Nghi chỉ còn biết ngao ngán nhìn em mình.

Những điều mà hồi nãy cô làm, những thứ mà hồi nãy cô sử dụng không phải người thường muốn là làm được. Ít ra cũng phải có chút bùa pháp, theo như ơn trên gọi là được chọn vô cái nghề này thì người đó tự động sẽ hiểu được mấy chuyện luân thường ấy. Bùa vàng, chén sành, luôn cả mấy lá bùa được treo như mạng nhện khắp nhà cũng là do có duyên, có khả năng thì mới luyện ra được nổi.

Mà mấy tay giang hồ dạo hay lấy mấy cái đó để giả làm thầy phù thuỷ rồi đi dụ dỗ dân lắm. Nghi chỉ Nguyệt, với cái tánh như bà tám của em thì những điều ấy thể nào cũng lọt ra bên ngoài, rồi thì tam sao thất bản, rồi thì mấy kẻ xấu dụng nó để lừa tiền. Nhưng hơn thế nữa, Nguyệt chưa khai quang, thậm chí Nghi còn nghĩ rằng em không có duyên với nghề nữa kia kìa. Khai quang mới tỏ sự tình, mới theo đúng đạo để giải phép được.

"Em còn nhỏ lắm, đợi khi nào chính chắn đi."

Ngoảnh mặt đi không thèm nghe lời chị hai mình, Nguyệt vùng vằn bỏ ra ghế ngồi.

"Hứ."

Thấy em có vẻ như đã dỗi, giọng Nghi dịu lại như chưa từng được dịu. Cô buớc đến bên cạnh Nguyệt, kéo em vào lòng rồi hôn nhẹ lên đỉnh đầu em, an ủi.

"Thôi nín, chị hai thương."

Nằm ở trong lòng của chị hai, tự nhiên Nguyệt lại thấy ấm áp lạ thường. Chị hai em biết cách dỗ em quá, chớ bình thường là người ta quánh cho nát đầu luôn rồi. Nguyệt vòng tay bám lấy Nghi như bám sam, em giở cái giọng õng ẹo.

"Vậy chị hai chỉ em nghen?"

"Đi ăn cơm đi, cá kho chín rồi."

"Chị hai này..."

Nguyệt dậm mạnh chân xuống đất, trong cái nhìn lườm sắc như dao bén của Nghi, em vội cất ngay thái độ xấc xược lì như trâu của mình vào.

"Phụ chị hai dọn cơm ra đi, còn cúng cha má nữa."

Nói đoạn, Nghi ngẩng mặt nhìn lên chỗ bàn thơ đang thơm hương khói nhang và mùi trái cây vừa mới cúng. Trên đó được đặt hai bức tranh vẽ, bên trái là người đờn ông đã lớn tuổi, râu dài phủ qua cằm, còn bên phải là người đờn bà, theo như phác hoạ trên bức vẽ thì cũng trạc tuổi người còn lại. Đó chính là cha, là má của Nghi và Nguyệt. Hai người mà được cả xóm làng gọi là ông Tư Thìn với bà Tư Thìn, hành nghề thầy phù thuỷ suốt bao năm nay.

Còn nhớ độ hai mươi năm trước, vợ chồng Tư Thìn dùng bùa phép của mình mà giúp không biết bao nhiêu oan hồn được giải oan, giúp không biết bao nhiêu gia đình thoát khỏi cảnh trùng tang vì lúc đó ngày xấu nào cũng có người chết. Dân làng ngưỡng mộ, rồi họ tôn thờ hai người như mấy bậc thánh tiên.

Rồi đột nhiên một ngày nọ, có người phát hiện ông Tư Thìn treo cổ ngoài gốc cây xoài ngoài đình. Lúc dân làng túa ra nhìn thì đã thấy cái xác tím ngắt, cái đầu nghoẹo sang một bên, chân tay lặt lìa như bị ai đó dùng sức bẻ gãy. Cái chết của ông Tư đã làm dân làng một phen khiếp sợ, nhiều người lời ra tiếng vào, nói là ông Tư chơi bùa chơi ngải, luyện phép nhiều quá nên bị yêu ma quỷ quái đi theo mà hại chết. Và rồi sự việc ấy càng được củng cố hơn khi một vụ án nữa được xảy ra, cũng chính là ở gốc cây xoài ấy.

Cách vụ ông Tư Thìn chết đúng bốn mươi chín ngày, trong bốn mươi chín ngày đó người ta không còn thấy người trong gia đình nhà ông ra vào nữa, và ngay tới người vợ và hai đứa con của ông cũng bặt vô âm tín. Cho tới một đêm không trăng, tiếng cú, tiếng quạ kêu um trời, một người cai lệ đi tuần đêm chợt thấy đằng sau gốc cây xoài có vật gì đó tròn tròn đang lăn ra. Tưởng là trái bưởi người nào bỏ quên, hắn bèn tới đó, và rồi tá hoả khi phát hiện ra cái đầu của bà Tư Thìn đang mở mắt trừng trừng, miệng chảy đầy máu, trong miệng, cái lưỡi bị cắt đi một nửa và không có răng. Cái đầu cứ ngả tới ngả lui như thế có kẻ nào đó đang đá nó vậy. Nhưng đáng sợ hơn là người ta chỉ phát hiện cái đầu, chớ không hề thấy thân bà Tư Thìn ở đâu hết. Thế là sau liên tiếp hai vụ cùng một gia đình, người ta vừa thấy thương xót mà cũng vừa thấy sợ.

Nhưng càng thấy thương hơn là hai vợ chồng chết để lại hai đứa con gái. Đứa lớn tên Trương Thanh Nghi, chỉ mới có bốn tuổi, đứa nhỏ trên Trương Thanh Nguyệt, năm đó vừa tròn đúng hai tháng. Dân làng thương cảnh trẻ nhỏ mới tí tuổi đã côi cút, nên nhà ai có miếng gạo, ít thịt hay đờn bà nào mới sanh còn sữa thì cũng đều quyên góp cho hai chúng nó. Nên cũng không oa khi nói Nghi và Nguyệt lớn lên tới tận giờ này là nhờ công làng, công bà con cưu mang giúp đỡ.

Mỗi lần nhắc tới chuyện này là Nghi sẽ rươm rướm nước mắt. Cô dạy em mình phải biết trọng cái ơn, cái nghĩa, không được theo cái thói ăn cháo đá bát mà phụ lòng mọi người. Lớn lên thêm xíu nữa, Nghi mở được mắt âm dương, nhờ cuốn bí kiếp của dòng họ thầy phủ thuỷ mà cô biết được nhiều thuật pháp, nhiều loại bùa và cách gọi hồn, nhập hồn khác nhau. Vì suy cho cùng, dòng họ nhà Nghi làm nghề thầy pháp từ cái hồi vua còn là thiên tử, nên việc Nghi theo nghề cũng chẳng có gì là lạ nữa.

"Chị hai đốt nhang đi, bàn thờ cao lắm, em với không tới."

"Ừ."

Nói rồi, Nghi lấy từ trong ống ra ba nén nhang. Cô châm đầu nhang vào cây đèn dầu cho cháy rồi khấn vài điều, sau đó lạy ba lạy thì mới cắm nhang vào được.

"Nguyệt à, bắt nồi cá ra cẩn thận kẻo phỏng nha em."

"Dạ em biết rồi."

Nghi ngó về nhà sau rồi cười một cái.

Vừa dứt nụ cười chưa được nửa tàn nhang, bên ngoài đã có tiếng chạy rầm rập của một người, mà theo Nghi đoán thì người này là đờn ông chớ không phải đờn bà. Vì có người đờn bà nào lực điền chạy mất nết tới vậy đâu.

Lát hồi sau, Nghi nghe thấy có ai đó đập cửa liên hồi vào cổng nhà mình. Biết có chuyện chẳng lành, cô vội nhấc ống quần rồi đi ra xem. Ngoài kia, một chàng thanh niên trẻ tuổi ốm o, gầy như khúc cây đang chống gậy thở hồng hộc. Vừa thấy Nghi, cậu ta đã nói rằng.

"Cô Nghi, cô Nghi ra ngoài đình coi chặt đầu kìa."

Nghi ngẩn người.

Chặt đầu người rủ coi mần chi?

"Sao? Ai chặt đầu ai? Mà sao lại bị chặt đầu?"

"Ông Lị ăn cướp nhà quan, bị quan bắt tại trận, ông ta bị quan phán là đã lấy mất hai thỏi vàng với ba chiếc nhẫn của bà tư, rồi bị chặt đầu bỏ rọ. Bây giờ đao phủ đang chuẩn bị chặt đầu rồi, bà con ở ngoài đó hết. Cô Nghi ra đi."

Với sự chào mời vô cùng tích cực từ vị trí của cậu thanh niên làm Nghi không thể chối từ thêm được nữa. Thôi cũng nể tình cậu ta chạy từ đình ra đây, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, Nghi đành miễn cưỡng gật đầu rồi quay trở vô nhà dặn dò Nguyệt.

"Nguyệt, ra đây chị hai dặn."

Nguyệt đang chuẩn bị xo đũa để ăn cơm, nghe tiếng chị hai, em nhanh chóng đứng dậy.

"Chị hai vào ăn cơm nè."

Nhưng Nghi chỉ xoa đầu em vài cái rồi bảo.

"Chị hai có việc phải ra ngoài đình. Em ăn trước đi, đừng chừa chị hai nghe hôn."

Nguyệt tròn mắt, em bấu lấy gấu áo của Nghi, hỏi.

"Chị hai đi đâu? Cho em theo với."

"Chị hai đi mần công chuyện riêng, em không theo được đâu. Thôi ở nhà ngoan đi, chị hai đi chút rồi về."

Ánh mắt Nguyệt nhanh chóng trĩu xuống khi cái ý định đi chơi của mình bị Nghi từ chối thẳng thừng. Dặn dò coi như xong xuôi, Nghi xỏ guốc mộc rồi rời khỏi nhà, trước khi đi cô cũng không quên khoá cửa cổng lại, còn chu đáo dán thêm lên đó một tấm bùa trấn vong vì sợ sẽ có người tới quấy phá Nguyệt.

Trên con đường đi tới đình, Nghi có thấy một nhóm mấy đám trẻ con lũ lượt kéo nhau đi cùng hướng với cô. Chúng nó cười như được mùa, trêu chọc nhau mặc dù cả làng đang trong thời kì đói kém dữ lắm. Mấy đứa trẻ không được ăn uống đầy đủ, trông tụi nó ốm tới phát sợ.

"Ê ra coi chặt đầu bây ơi."

"Ghê quá, nghe gì sợ vậy?"

"Ừ thì tía má tao cũng ra đó rồi. Tụi mình ra ngoải đi, biết đâu người ta cúng cái gì thì mình giựt cái đó."

Hàng loạt câu bông đùa của lũ trẻ vang lên khiến Nghi lắc đầu. Coi bộ tụi nó còn nhỏ quá, nên không biết việc chặt đầu rồi cái chết đối với một con người là đáng sợ tới mức nào.

Đi bộ một hồi cũng tới cổng. Y chang như lời cậu thanh kia đã nói, đình bây giờ đã bu đen bu đỏ, chật kín những đám người già trẻ lớn bé chen chúc nhau đứng tụ lại thành một vòng tròn. Nghi cũng đi vào trong, nhưng là đứng ở vòng ngoài, chớ cô cũng không rảnh gì mà phải hưởng mấy cái hơi người nồng nặc đó để nhìn thấy cảnh chặt đầu đâu.

"Ơ, cô Nghi. Cô cũng tới à?"

Một người đờn bà ngoài tuổi ba mươi đang đứng phía trước, quay mặt sang thì thấy Nghi, bà liền hỏi.

"Dạ, tại con nghe anh Mùi nói dữ quá, nên con mới tới."

"Ờ, thôi cô đi vô sâu thêm miếng nữa đi. Chớ ở vòng ngoài, thấy gì đâu mà coi."

Đứng trước sự mời gọi của bà dì, Nghi vội lắc đầu từ chối.

"Thôi được rồi ạ, con đứng đây cũng thấy mà."

"Ối dào thấy cái gì. Nào, qua đây, qua đây."

Trong chốc lát, bà dì đã nắm tay Nghi lại rồi nhất quyết đẩy cô vào trong hàng người đang xô đẩy nhau không ngừng. May thay là ở đó ai cũng nhận ra Nghi nên người ta mới nhường cho cô vài bước. Nghi vừa cảm ơn nhưng cũng vừa thấy khó chịu. Bị ép đi coi mà còn bị ép tới gần nữa chứ. Ai mượn dữ vậy.

Mà đứng ở đây Nghi mới thấy rõ được cảnh tượng. Ở giữa là ông Lị đang quỳ giữa sân, tay chân bị trói lại, mặt ông bị người ta đánh tới bầm tím. Phía trên là quan đang mặc áo dài ngồi chiễm chệ trên ghế gỗ, hai bên là hai hàng lính cầm cây trượng to tướng, rồi phía dưới còn thêm mấy tên nữa cầm đao, chỉ trực chờ có kẻ nào tới cướp tù nhân thì đâm một nhát.

"Lị, mày can tội dám cướp nhà quan. Làm quan mất vàng, rồi mày còn bỏ trốn, trong lúc bỏ trốn mày còn đâm chết một tên lính, tội này đáng chết. Bữa nay quan phán mày tội ăn cắp, phạt tử hình, lấy đầu bỏ rọ. Mày có gì muốn nói không?"

Ông Lị trừng hai con mắt nhìn quan, rồi ông nghiếng răng ken két.

"Mẹ mày, quan chúng bây được dân gọi là quan phụ mẫu. Mẫu con mẹ chúng mày. Cái thứ ăn trên mồ hôi, trên máu dân. Tao lấy vàng ra chia cho dân, chúng bây có làm như thế được không? Hay là chúng bây đánh thuế cao, bắt dân ngày đêm chết vì mấy thứ thuế tầm phào đó hả?"

Giọng ông Lị cất lên như muốn lao tới đánh chết tên quan đang tái mặt ngồi phía trên. Người dân xung quanh ai nấy vỗ tay rần rần, rồi còn cả mấy người hô hào đòi thả ông Lị ra. Nghi nghe được âm thanh đói khổ lầm than của mọi người, trong lòng cô vốn đã khó chịu mà nay lại còn khó chịu hơn.

Tên quan như nghe được tiếng lòng phẫn nộ của dân, hắn càng thấy lo sợ vì uy tính làm quan "phụ mẫu" bấy lâu nay của mình sẽ bị suy giảm. Đập tay xuống bàn một cái rầm, hắn quát.

"Mày câm miệng. Thứ dân ngu dốt ít học chúng mày thì biết cái gì mà nói với quan. Giờ Ngọ tới rồi, đao phủ đâu?"

Tức thì, một tên to béo lẩn sau đám lính nhỏ con đi ra. Một sự tương phản không ít. Đao phủ vác một cây đao đại trên vai, gương mặt lầm lầm lì lì, lạnh lùng như không còn chút gì gọi là tình người. Hắn đứng đằng sau lưng ông Lị, rồi hắn lấy một cái hủ gì đó được vắt trên thắt lưng, uống một ngụm rồi ngửa mặt phun lên cây đao.

Nghi biết đó là rượu, chung quy cũng là do một quan niệm từ bên Tàu mà ra. Đao phủ phun rượu vào đao là để tránh cho ma quỷ hay những oan hồn từ những tù nhân mà họ chặt đầu đi theo quấy nhiễu. Mà Nghi cũng đã từng gặp trường hợp này nhiều lần rồi, nói là phun rượu lên đao để tránh tà thế thôi, chớ thực ra một khi đã làm nghề lấy đầu ngươi thì dù có phun bao nhiêu đi chăng nữa, ma quỷ đi theo cũng không ít.

"Bà con làm chứng cho tôi. Bữa nay tôi chết, bà con cũng đừng dại gì mà quỳ lạy những tên quan coi mạng dân như cỏ rác giống lão ta. Thứ quan bớt nhơn, thứ quan xảo trá."

"Mày câm miệng. Chuẩn bị."

Vừa nghe được lời lệnh đầu tiên, tên đao phủ đã giơ đao thật cao lên trời, trước bao nhiêu tiếng hô hào, la hét phản đối từ phía người dân. Nghi ở đây chờ đợi trong sự hồi hợp lẫn sợ hãi, không phải cô sợ cảnh tượng bi thảm đang sắp diễn ra, cô sợ là vì sợ không biết sau ông Lị, sẽ còn bao nhiêu mạng người vì cái chế độ mục nát này làm cho bần cùng nữa đây.

"Chém!"

Tấm lệnh màu đỏ được ném xuống dưới đất, cũng là lúc lưỡi đao sắc nhọn kia hạ xuống. Nhưng lạ thay, không có một tiếng động nào cho thấy việc lưỡi đao đã chém tới da thịt ông Lị. Mà thay vào đó là tiếng hét, tiếng gào đau đớn của tên đao phủ. Nghi thấy hắn ta ôm cổ khuỵ xuống, đao trên tay rơi ra, rồi mắt hắn trợn trắng, miệng ặc ặc ra toàn là máu tươi.

Người dân càng lúc càng ồn ào trước cảnh tượng đang xảy ra. Mà Nghi cũng ngạc nhiên lắm, sao có thể bất ngờ tới vậy chứ? Được một hồi quằn quại dưới nền đất, nào là nước dãi, nào là máu, và nào là âm thanh rợn người từ tiếng van xin đau khổ của tên đao phủ. Bấy nhiêu đó thôi cũng đã khiến quan sợ chết khiếp. Lão quan run cầm cập đứng dậy, rồi lão hướng về phía đình, chắp tay không ngừng van lạy.

"Lạy thánh thần thổ địa, lạy Thành hoàng. Con có sai gì xin các ngài bỏ qua cho, con van các ngài."

Và rồi khi tiếng gào của tên đao phủ càng lúc càng lớn. Hắn cào cấu trên đất, từng móng tay do bị cào mạnh quá nên cũng tróc ra, vậy là bây giờ trên người hắn toàn máu là máu. Giống như bị đẩy xuống mười tám tầng địa ngục, trên người hắn dần xuất hiện những vết thương không biết từ đâu có.

"Linh khuyển nhập thất

Linh khuyển hoả hồn

Linh khuyển ăn vong

Linh khuyển sinh sát."

Bỗng dưng bên tai Nghi vang lên văng vẳng tiếng đọc một bài bùa lạ lùng ấy. Ngạc nhiên, cô vội đảo mắt để nhìn xem rốt cuộc kẻ nào đang nói, vì theo như Nghi biết rằng nếu đang đọc bài bùa ấy, thì cũng có nghĩa linh khuyển đã hiện về. Nhưng lại ít thầy phù thuỷ nào nuôi linh khuyển để hại người, hay để nó nhập vào một người mà khiến người đó chịu đau đớn cả. Vì thực sự mà nói, nuôi linh khuyển rất rất khó.

Rồi rất nhanh sau, ánh mắt của Nghi đã va phải một người con gái mặc áo bà ba màu đen rộng, đứng lẩn trong đám người đi xem án. Người con gái ấy đội nón lá nên Nghi không thể nhìn thấy được rõ gương mặt, điều duy nhất cô thấy chính là trên tay người đó đang se se một tờ giấy màu vàng, miệng không ngừng lẩm nhẩm đọc thần chú.

Nghi cứ chăm chăm nhìn vào người đó, cho tới khi bị phát giác. Đột nhiên cô thấy cô ta ngước lên nhìn mình, và Nghi mới phát hiện ra vết bớt màu đỏ hằn trên cổ cô ấy. Người đó sau khi thấy Nghi, dường như đoán rằng Nghi đã biết hành tung gì đó của mình, cô ta vội cụp vành nón lá xuống rồi nhanh chóng rời khỏi đám đông.

Rồi giống như có ai đó xui khiến, Nghi bèn cố lảng ra khỏi vòng vây của dân làng mà bám theo sát cô ta. Vì Nghi biết rằng trong làng này chỉ có mỗi một mình cô, và chỉ có riêng dòng họ nhà cô mới hành nghề thầy pháp. Nhưng giờ đây Nghi lại phát hiện thêm một người lạ mặt nào đó cũng dùng bùa, dùng pháp rồi ăn ở trong làng. Thế là thế nào? Chẳng lẽ trong làng có người mới tới mà cô không biết sao?

Nghi cứ đuổi theo cô ta, nhưng cô ấy đi nhanh quá. Cho tới khi đến một cái miếu hoang gần đó, Nghi mới dám cất lời gọi.

"Cô gì ơi, cho tôi hỏi cái này với."

**

Truyện mới đây ạ! Mong mọi người sẽ ủng hộ bạn tác giả như hai truyện trước nhaaa!

Vote vote cho bạn tác giả nào!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro