Chương 42: Hòa thuận

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cô út, cô út về!" Vừa trông thấy ông nội cùng cô mình đi về, Trịnh Tuấn Anh liền nhảy ra khỏi lòng mẹ mà chạy về phía Trâm Anh, đưa tay lên đòi ẵm.

Trâm Anh lập tức ẵm nó lên, thơm má nó một cái: "Hôm nay Kèo ăn cái gì vậy con?"

Kèo là tên nhà gọi của Tuấn Anh, còn đứa bé gái lại kêu bằng Cột. Thế Phiệt vẫn giữ quan niệm đặt tên xấu dễ nuôi.

"Con ăn gà hầm thuốc bắc, má con hầm ngon lắm." Nó vòng tay qua cổ Trâm Anh: "Cô út chở con đi chơi nghen!"

"Mấy nay không có được đâu, cô bận lắm." Trâm Anh mỉm cười mà nói với nó. Nàng thương hai đứa cháu này cực kì, đứa nào đứa nấy cũng trắng trẻo dễ thương. Năm Tuấn Anh đẻ ra thì nàng vẫn còn ở Pháp, vì anh hai với tía nhớ thương nàng nơi xứ người quá cho nên mới giữ chữ "Anh" lại.

Từ khi nàng về, Tuấn Anh ban đầu còn sợ hãi dữ lắm, nhưng qua mấy lần nàng đèo nó trên xe mà chở đi chơi, với mua thêm nhiều quà cho nó nữa, nó bắt đầu phát ghiền. Con nít mà, hễ chiều nó là nó lại thương. Mấy hôm Tết nàng đi chơi với Thi trên Gia Định, nó biết chuyện, nó khóc ầm ĩ cả lên, bảo rằng nàng không chở nó mà lại chở người dưng.

Nhớ lại, Trâm Anh cũng hơi buồn cười. Cái tính hơi ích kỉ à nghen, y như tía nó.

"Cô bận mà ngày nào cô cũng qua nhà cô Thi!" Thằng nhỏ nhớ lại cái chuyện Tết dì bỏ nó đi, nó giận lắm, cái môi bắt đầu trề ra bự như cái bánh bò.

"Có mười đứa như mày cũng không bằng được một đứa con nhà ông Chí nhé." Ông Minh chỉ chỉ ngón tay vào đầu đứa nhỏ, châm chọc mà nói: "Có ông nội đây thương mày nhiều như vậy nè, ông về mày lại không mừng."

"Ông có chở con đi chơi đâu!" Tuấn Anh tức giận nói: "Không chịu, không chịu, cô út phải chở con đi!"

Trâm Anh vẫn lắc đầu, sau đó từ từ thả nó xuống: "Cô bận thiệt, con đừng có quậy. Nào rảnh là dì chở đi liền nghen."

"Không chịu, không chịu!" Tuấn Anh nghe như vậy, bắt đầu giậm giậm chân thật mạnh xuống sàn. Hình như nó thấy Trâm Anh còn chưa có ý định chiều nó, nó lập tức trực tiếp nằm dưới sàn ăn vạ khóc lóc, hét vào mặt Trâm Anh: "Con không chịu mà, con ghét cô, con ghét bà Thi!"

Tiếng hét chói tai của nó vang lên khắp nhà, khiến cho Trâm Anh cùng ông Minh nhíu mày. Trâm Anh hơi bất lực với thằng cháu, sao mà còn quậy hơn nàng hồi nhỏ gấp mười lần nữa.

Ngọc Quỳnh nghe vậy, chỉ nhẹ nhàng nói với con: "Con ngoan, khi nào rảnh cô sẽ chở con đi mà."

"Má đi ra đi, con cũng ghét má!" Nó thấy má không bênh mình, càng tức giận hơn.

Thế Phiệt từ trong bếp nghe thấy, lập tức nhướn người lên cao, lấy roi đang treo trên những cái xà ngang của nhà. Phiệt xách roi chạy tới: "Mày la làng la xóm không hả, tao cho mày gãy chân khỏi đi chơi luôn nè!"

Lời vừa nói là một roi vút tới, Thế Phiệt đánh vào mông nó. Nó nhảy dựng lên, đau quá! Nó khóc lóc lại càng thảm thương hơn nữa: "Má ơi ba đánh con, ông ơi, bà ơi, cô ơi... "

Ông Minh nhíu mày, sau đó xoay người ngồi trên bộ ghế salon. Ông cùng bà Mai trước giờ vẫn nuôi dạy theo phương châm thương cho roi cho vọt. Trâm Anh và Thế Phiệt tuy rằng được cưng như vậy đấy, nhưng hai đứa ngày nhỏ hễ mà sai cái gì thì ông đều lấy roi vút thật mạnh, vút cho chừa. Nuôi dạy mà lỏng lẻo quá thì sẽ khổ cho con mình thôi chứ ai.

Nhưng thằng Tuấn Anh này lại lì quá, cái họng lớn lắm, hét lên: "Ông cút đi đi, ông không phải ba tôi!"

Tiếng hét của nó vang lên giữa nhà, động tác cầm roi của Thế Phiệt dừng lại, không thể tin mà nhìn nó. Con cậu chỉ mới hai tuổi mà thôi, nhà này trước giờ cũng không có ai ăn nói ngỗ ngược như vậy, nó học từ ai thế?

Trâm Anh không nhịn nổi nữa, mắng nó: "La hét cái gì mà nhiều quá, lại còn hỗn nữa, cô không chở đâu."

Thế Phiệt tức quá, cầm roi đánh nó thêm: "Dám hỗn với thằng cha mày nè, hỗn nè, hỗn nè!"

Từng đòn roi vút xuống là tiếng hét của nó lại vang lên. Trâm Anh nhìn thấy Thế Phiệt dùng lực cũng không mạnh lắm, nhẹ hơn cái hồi mà tía đánh nàng nhiều, nhưng mà thằng cháu nàng cứ hét như heo bị chọc tiết vậy.

"Trời ơi anh, con mình mà anh đánh nó dữ vậy!" Ngọc Quỳnh không nhịn nổi nữa, chạy vào ôm con: "Nó cũng chỉ muốn đi chơi thôi mà, anh làm cái gì mà ác với nó quá!"

"Nó la lối om sòm vậy mà em để yên cho nó quậy được hả?" Thế Phiệt nghe xong lại càng thêm bực mình.

"Con nít nào mà không ham đi chơi hả anh, có cái gì to tát đâu." Ngọc Quỳnh cãi lại, trước giờ nàng ít khi nào ý kiến về chồng, nhưng hôm nay anh lại động đến con nàng, nàng nhất định không để yên.

"Má ơi, má ơi, má đuổi ba đi đi." Thằng nhỏ khóc lóc dụi vào lòng má nó, Ngọc Quỳnh thấy vậy càng xót con hơn.

"Em xem em dạy nó thành cái gì!" Thế Phiệt không chịu được mà trách nhẹ.

"Con cũng là của anh, sao anh lại đổ thừa mình em! Em thấy con nít lì một chút mới lanh lợi, có làm sao đâu, lớn lên ắt con tự hiểu chuyện mà." Ngọc Quỳnh nói xong, ôm con vào buồng, không thèm cãi cọ gì nữa.

"Nè, em đứng lại đó!" Thế Phiệt cản lại, nhưng Ngọc Quỳnh đã đi mất rồi.

"Thôi được rồi, chuyện vợ chồng thì đóng cửa mà bảo nhau." Ông Minh nhíu mày: "Với mày cũng đừng trách nó quá. Mày thường hay đi làm xa, nó ở vậy một mình nuôi con, nó chiều con nó một chút cũng là lẽ thường tình. Hai vợ chồng mày từ từ kèm cặp rồi uốn nắn lại thằng nhỏ đi."

Thế Phiệt nghe vậy, chỉ biết ậm ừ một tiếng. Cậu ngồi cạnh tía ở ghế salon, giở tờ báo ra mà đọc.

"Trâm Anh lại đây coi con." Ông Minh kêu con gái.

"Dạ." Trâm Anh hơi căng thẳng, vì ngồi đó là Phiệt. Tuy rằng nàng không có giận anh hai, nhưng anh còn giận nàng hay không thì nàng cũng chẳng rõ. Bây giờ ngồi chung bàn như vậy, không khỏi có chút bất thường.

"Tía kêu hai con lại đặng tính chuyện gia tài." Ông Minh khẽ nói: "Mấy đứa dâu thì để sau, tía chỉ nói về hai đứa thôi. Ở Sài Gòn - Gia Định và Biên Hòa tía giao lại hết cho thằng Phiệt, còn con thì giữ hết số đất ở đảo Phú Quốc, Hải Tặc, Nam Du, ở tỉnh Định Tường và Hà Tiên."

Trâm Anh nghe vậy, có hơi nhíu mày. Thú thật thì nàng không quan tâm lắm đến chuyện gia tài, nhưng tía chia kiểu đó thì có phải là hơi khó cho nàng rồi không?

Đất ở Sài Gòn - Gia Định là đất ngon, đất có thể đẻ ra đất, thương nhân người Tàu hay Tây đa số sẽ chăm chăm đầu tư ở trên ấy. Vậy nên chỉ cần giữ một mảnh thì cũng coi như là phát tài phát lộc. Tất cả số đất của tía trên ấy vậy mà chỉ chia cho một mình anh hai. Nàng thì giữ được nhiều đất hơn, nhưng suy cho cùng cũng toàn những mảnh ít giá trị. Nhất là cái đảo Phú Quốc vắng vẻ rùng rợn, ai lại mua đất trên ấy ngoài tía đâu.

Nhưng thôi, đất cũng là đất của tía, tía muốn cho ai cũng là quyền tía, giả sử tía không để lại cho nàng một tấc đất nào thì nàng cũng không có quyền gì mà ý kiến. Nghĩ vậy, nàng mới gật đầu: "Dạ."

Thế Phiệt vốn không quan tâm đến đất đai, chia nhiều hay ít cũng đều được, vậy nên cậu không bình luận gì thêm.

"Trâm Anh này, tía có tính ngày lành tháng tốt cho con rồi." Ông Minh nói: "Tuổi của con với Thi vậy mà hợp nhau, ngày mốt đem quà sang làm lễ dạm ngõ là ngon rồi."

"Ủa tía, nhưng bên nào làm dâu còn chưa quyết định mà." Trâm Anh nghi hoặc hỏi.

"Kệ, tía ép nó làm dâu. Dù gì nhà mình cũng sát bên nhà nó, đứa nào làm dâu mà chẳng được. Con cứ nói với nó thế này, nó muốn ngủ hay ở nhà ai tía má cũng chịu." Ông Minh cười hì hì, ông trông Thi làm dâu nhà này lắm rồi, tiếc là năm đó thằng Phiệt không rước về được.

Nhưng con gái ông lại rước được, thôi xem như là trong cái rủi có cái may.

Trâm Anh quan sát sắc mặt của Phiệt, phát hiện anh hai vẫn cứ bình thường, vẻ mặt như không quan tâm. Vậy là còn giận thật rồi.

"Tía ơi, nhưng lỡ chú Chí dì Nguyệt... " Trâm Anh vẫn lo lắng nói.

"Nhà người ta đã không khá bằng, chẳng lẽ mình lại để người ta chuẩn bị sính lễ sao." Ông Minh nói lời thật lòng: "Sính lễ cứ để nhà mình làm, sau này hai đứa muốn ở nhà ấy hay bên đây thì tía cũng đều chịu.

Trâm Anh hiểu ý của tía.

"Đồ..."

Thế Phiệt bỗng dưng cất tiếng, khiến Trâm Anh hơi giật mình.

Ánh mắt Thế Phiệt vẫn dừng lại trên tờ báo, cậu nói: "Đồ dạm ngõ với sính lễ để anh chuẩn bị cho, anh có kinh nghiệm từ đợt cưới Quỳnh rồi."

Trâm Anh có chút không thể tin được mà nhìn anh hai, thú thật thì nàng có hơi cảm động, nàng gật đầu: "Dạ."

Thế Phiệt lật trang báo, trong đầu có vô vàn suy nghĩ. Thôi thì bây giờ cậu nên sống tiếp được rồi, người mình cưa từ nhỏ đến lớn không thể thuộc về mình, nhưng ngày nào nó cũng phải giáp mặt, tôn trọng gọi mình một tiếng anh vợ, phải chăm sóc con em gái đỏng đa đỏng đảnh của mình từ đây đến cuối đời.

Thôi, kết thúc như này cũng được.

Em hạnh phúc là được, cả hai em.

Thế Phiệt rất muốn mở miệng như vậy, nhưng cậu không tài nào mà nói ra thành lời được.

Ông Minh nhìn dáng vẻ của hai đứa con, những lo lắng trong lòng từ bữa đến giờ rốt cuộc mới tiêu tan. Đối với ông, chẳng có gì bằng cảnh anh em thuận hòa với nhau cả.

Năm đó ông giận em ruột của mình lắm, nó cũng chẳng ưa gì ông. Nó muốn đổi đời nên làm tay sai cho Pháp, một bước lên đến chức Công sứ ở Định Tường. Khi ấy ông chỉ là một thằng kéo nước quèn ở khắp Sài Gòn, tưởng rằng sau này khi ông giàu lên, anh em mới có thể hội ngộ, nhưng rốt cuộc vẫn không.

Nhìn thằng em mình thương ngày nhỏ dần dần sa đọa vào rượu chè, vào quyền lực, vào đàn bà, ông ngày càng chướng mắt. Mãi cho đến khi đầu tóc bạc phơ, hai anh em mới tạm xem như là nhìn mặt được nhau. Nhưng nói là hòa hợp thì cũng chẳng đúng, mỗi dịp Tết chỉ gặp nhau đúng một lần, còn cả năm lại xa nhau. Đã từng là anh em một nhà vậy mà hiện tại còn thua người dưng nước lã.

Nhìn thấy hai đứa con bất hòa vì một người con gái, ông Minh mới thật sự lo lắng. Nhưng trông thấy Thế Phiệt dần dần cởi bỏ thái độ của mình, ông cũng xem như là an ủi được phần nào.

Nghĩ vậy, ánh mắt ông híp lại vui vẻ, những nếp nhăn trên khóe mắt càng hiện ra rõ ràng. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro