Mặt Trăng Yêu Thương Mặt Trời [9]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Des rayons de lumière pénètrent dans les nuages |  tia sáng xuyên qua những đám mây


Mùa đông - năm 1947, đêm tĩnh lặng

Hệt như những gì tôi từng biết, Ngài đã rời đi trước hừng đông. Khi đó tôi đã đứng ngoài cửa lớn và Ngài ở trước mặt, tôi lặng lẽ nhìn theo bóng lưng đài cát âm thầm khắc ghi hình ảnh đó vào sâu tận đáy lòng, vì có lẽ sau này cũng không còn cơ hội để nhìn thấy nữa. Mặc giữa tôi và Ngài đã đưa cho nhau một lời hứa hẹn, nhưng tôi sâu sắc hiểu rõ điều đó nó khó thành hiện thực đến cỡ nào. 

Tiếng động cơ ô-tô nổ đì đùng trong đêm như đập liên hồi vào nỗi sợ của tôi, và thời khắc đó đây rồi, lúc mà Ngài phải rời đi. Mọi người hầu trong dinh đều đứng đợi ở cửa để tiễn Ngài, ông Hoè cùng ngài Darles trầm ngâm chờ nơi cổng mái vòm, dì Mai và chị Nhung lại không kìm được nước mắt khi nhìn Ngài siết tay Thị Huệ dặn dò tỉ mẩn. Còn lại riêng tôi nép mình ở sau dòng người, lặng lẽ dõi theo từng cử động của Ngài, nhìn gương mặt buồn bã không nỡ đi của Ngài thực sự tôi chỉ muốn khóc, nhưng tôi lại không dám khóc, kìm nén và nuốt ngược sự xúc động vào trong và chỉ âm thầm rơi lệ trong lòng, tôi sợ Ngài sẽ bận lòng vì tôi.

Tôi siết lại nắm tay sau hông mình, giữ chặt thứ bên trong đó, khẽ khàng vuốt ve vật dụng nhỏ sáng bóng. Vào lúc tôi vẫn còn úp mặt vào chân Ngài mà khóc, Ngài đã ra sức dỗ dành tôi, vỗ về cảm xúc khổ sở của tôi, Ngài kiên nhẫn đợi cho sự kích động của tôi trôi đi mà chưa từng phàn nàn đến nửa chữ và chỉ dịu dàng xoa tấm lưng run rẩy của tôi, khi tôi đã ổn định được tâm trạng của mình và ngước lên nhìn Ngài, tôi thấy Ngài vươn tay tháo xuống sợi dây chuyền thánh giá bằng bạc và rồi Ngài đưa nó cho tôi. Ngài chỉ cười rồi nói "Coi như một vật để kỷ niệm"  cũng như để làm sự định ước cho lời hứa giữa chúng tôi, và rồi tôi có thể trả lại vào khi tôi gặp lại Ngài.

Vì vậy, sợi dây chuyền đã từng thu hút được sự chú ý của tôi, sợi dây chuyền luôn đeo trên cổ của Ngài, bây giờ đã là của tôi. Và bí mật nhỏ này, chỉ được nắm giữ bởi tôi cùng Ngài.

Tôi hồi tưởng lại những chuyện chỉ vừa mới vài giờ trước với đôi mắt đang dần ửng đỏ vì hơi nước, và trước mặt tôi màn nói lời tạm biệt đã kết thúc. Tôi chợt choàng tỉnh khỏi dòng tiêu cực khi thấy Ngài vô tình lướt ngang qua, Ngài nhìn tôi, giữa những lớp người đứng cạnh nhau kín kẽ, Ngài vẫn tìm thấy được tôi. Ngài nhìn tôi và đôi mắt của tôi cũng bắt gặp ánh mắt của Ngài, giữa chúng tôi chỉ là một khoảng lặng vì những gì cần nói thì cũng đã thổ lộ hết nơi căn phòng kia rồi. Rồi Ngài nở nụ cười sâu lắng, nụ cười thường thấy nhưng có gì đó rất riêng biệt mà tôi vẫn luôn hiểu rõ, nụ cười mà Ngài chỉ dành cho riêng mình tôi. Tôi khẽ gật đầu, mỉm cười đáp lại, và tôi thấy được tâm tư từ trong đôi mắt óng ánh của Ngài như đang nói với tôi.

Tạm biệt

Tôi cũng cố gắng đưa hàng ngàn nỗi niềm gói gọn lại chỉ để có thể bày tỏ thông qua đôi mắt của mình, tôi muốn nói tạm biệt Ngài, và hẹn gặp lại.

Sau đó Ngài quay lưng đi, bước lên chiếc ô-tô đang đợi cùng với các con của Ngài mà chưa từng nhìn lại, nhưng tôi nhận ra được có một ánh mắt lưu luyến đã lặng lẽ quét qua người tôi. Chiếc ô-tô nặng nề gầm gừ động cơ rồi chầm chậm rời đi, bỏ lại những con người đang phải vật lộn vì không thể biết trước được rồi đây số phận của họ sẽ như thế nào, trong đó bao gồm cả tôi.

Đêm đó trời đổ sương lạnh buốt, lòng người cũng tê rần.


Năm 1947 - Nửa năm đầu 1948

Ngài rời đi, thời thế cũng thay đổi, những số phận khác nhau đã không thể cùng tiếp tục bước đi trên một con đường.

Sau khi Ngài đi rồi, tôi vẫn tiếp tục chọn ở lại dinh, mặc dù đã không còn ai để điều hành nơi này nữa. Giai đoạn đầu ngài Darles thỉnh thoảng có đến thăm và tiện thể lấy một số giấy tờ liên quan còn sót lại giùm cho tòa thị chính, và những lần khi ngài Darles đi khỏi dinh với nhiều xấp công văn trong tay tôi lại cảm thấy khinh bỉ vì việc đám người ngu ngốc kia đang lợi dụng ngài ấy như một kẻ trung gian phản bội chỉ để đến và lấy tất cả những thứ gì họ cần sau khi Ngài đã đi. Đúng là khi chủ đã vắng nhà thì chó mèo lại muốn vùng lên làm loạn.

Thời gian trôi đi đã dần ít người lui tới dinh, ngài Darles cũng không còn thường ghé qua nữa, có lẽ ông ấy đã có đủ những thứ mà bọn người kia cần. Nhiều khi tôi thầm tặc lưỡi tiếc nuối, dù gì cũng đã từng là cánh tay phải đắc lực trung thành của Ngài như vậy mà... Có lẽ sau cùng cũng chẳng có gì khác biệt so với bọn người ngồi trong tòa thị chính kia, đồ tráo trở!

Sự suy tàn của nơi này kéo đến nhanh hơn những điều trong tưởng tượng của tôi. Chỉ một thời gian ngắn ngủi đã không ai có ý định lui tới nơi này nữa, ngay cả những kẻ hầu đã từng được coi là trung thành nhất cũng xui lòng khi không còn nhận được tiền lương, và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, từng người từng người dần dà rời đi. Người thì vì chẳng còn nhận được lợi ích, kẻ thì dong dài với lý do mơ hồ của bản thân. Thị Huệ đã trở về lại Huế nơi quê hương của bà vì sức khỏe không còn ổn định với thời tiết lạnh giá của Đà-Lạt, bé Trang, Ngọc Huyền hai cô gái tuổi xuân sắc thoát khỏi thế giới biệt lập của dinh để vươn ra nơi biển cả rộng lớn ngoài kia, dì Mai về nhà đoàn tụ với con cháu của dì ở đất Bạc Liêu trù phú những cánh đồng lúa bạc ngàn. 

Ngay cả người thân thiết nhất là chị Nhung cũng bỏ đi đột ngột, ban đầu tôi có hơi giận và trách móc trong bụng nhưng vào những lần gặp sau đó tôi mới rõ lý do, thì ra chị có tình cảm với một anh chàng đồng hương và họ đã quen nhau được mấy năm rồi, vì lúc đó Ngài còn ở đây nên họ chỉ có thể âm thầm qua lại, hiện tại Ngài đã đi rồi, và trùng hợp anh kia cũng ngỏ lời hỏi cưới, cho nên cuối cùng chị đã quyết định về quê để làm đám cưới xây dựng gia đình nhỏ với người yêu. Thực sự tôi cũng vui mừng giùm chị Nhung, vì chị ấy là một người con gái dễ thương nhất mà tôi từng gặp trong đời, và chị ấy xứng đáng có được một tương lai hạnh phúc với chồng của chị, tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ tình yêu của anh rể dành cho chị dù hai người vẫn luôn phải hẹn nhau một cách âm thầm suốt nhiều năm. Và rồi, sau cùng trong dinh chẳng còn lại ai nữa, mọi người đã bỏ đi hết rồi, chỉ còn lại một mình tôi, à và còn Hoàng Lan, cô gái ít nói và giữ thói quen cẩn thận suốt mấy năm trời.

Vì không còn nhiều người để chăm bẩm nên nhiều khu vực trong dinh đã dần xuống cấp nghiêm trọng, các máng xối gỉ sét bị lỏng đinh rồi bung khỏi vị trị cố định dưới mái, bên ngoài khu bếp các bức tường bị thấm nước mưa mà bong tróc đi lớp sơn đắt tiền khiến nó dần ẩm và lên mốc, ngoại trừ các gian phòng bên trong dinh và khu vườn mà tôi vẫn thường xuyên coi sóc thì những nơi khác đều có vết tích hư hỏng và xuống cấp, đến cả con đường từ cổng chính dành cho ô-tô cũng đã bị bong mất nhiều viên gạch lát.

Tôi cùng Hoàng Lan phải đảm nhiệm tất cả mọi việc mà mọi người bỏ lại trong dinh, kể cả những việc mà chúng tôi chưa từng thử qua, bởi vì chẳng còn ai ở đó để làm những việc này nữa. Nhiều lần tôi đã hỏi Hoàng Lan mọi người đã bỏ đi hết và tại sao cô ấy vẫn còn ở lại, rồi cô ấy chỉ khinh khỉnh đáp lại câu hỏi của tôi với một thái độ nửa đùa nửa thật như mọi khi "Tôi không biết phải đi nơi nào". Khi nỗi buồn bã và thất vọng vì sự bỏ đi của những người kia đã dần lu mờ, qua một đoạn thời gian sống cùng trong dinh thự tĩnh lặng, quan hệ của tôi và Hoàng Lan cũng đã bớt ngột ngạt hơn trước mặc dù cô ấy vẫn thỉnh thoảng giữ thái độ hằn hộc với tôi, cả hai chúng tôi mỗi ngày đều sẽ thức dậy từ sớm và dọn dẹp các phòng, cố gắng giữ cho nơi này sạch sẽ hơn một chút, bởi vì chúng tôi vẫn hi vọng rồi một ngày Ngài sẽ quay về. Hoàng Lan và tôi chia sẻ công việc lẫn nhau, tôi phụ trách chăm sóc khu vườn và thường xuyên dọn sạch cỏ dại xung quanh khuôn viên, trong khi Hoàng Lan sẽ đảm nhiệm chuyện nấu cơm cho chúng tôi, và cả phần bác Từ nữa, tôi thầm biết ơn vì bác ấy đã chọn ở lại thay vì bỏ đi như những người khác.

Chúng tôi sống dưới sự chu cấp của chính quyền thành phố, hàng tháng họ sẽ trích ra một phần tiền bạc để hỗ trợ cho chúng tôi và dưới danh nghĩa muốn bảo tồn công trình kiến trúc của dinh, nhưng số tiền của họ tất nhiên không đủ để sửa chữa so với sự xuống cấp nhanh chóng của nơi này, nó chỉ đủ cho chúng tôi duy trì cuộc sống qua ngày mà không sợ sẽ bị chết đói vào một ngày nào đó. Không có sự chu cấp từ ông Hoàng mặc dù bắt buộc ông ấy phải làm như vậy vì dù gì nơi này cũng thuộc tài sản của ông ấy, và chúng tôi là người làm của ông ấy. Tôi biết rằng ông Hoàng sẽ không gửi cho chúng tôi một đồng nào cả, vì ông ấy chỉ đủ tiền để chi tiêu vào các buổi tiệc linh đình của mình ở ngoài đất nước tận bên Hồng Kông, thậm chí tôi đã từng nghe thấy ông Hoè chuyển lời của ông Hoàng ý định xin một số tiền từ Ngài và lúc đó ông Hoè đã bị Ngài mắng một trận múi mặt vì lo chuyện tào lao giúp cho ông Hoàng, rồi Ngài đưa cho ông Hoè lá thư nhờ chuyển cho ông Hoàng để chỉ trích về sự không biết xấu hổ của ông ấy khi đang vây quanh cạnh người phụ nữ khác nhưng vẫn dám viết thư về để xin tiền từ vợ của mình.

Thời gian đầu, khoảng một dạo tôi sẽ nhận được thư từ Ngài. Tôi vẫn còn nhớ rõ lần đầu tiên tôi nhận được lá thư mà Ngài đã gửi cho tôi, khi đó tôi đã trốn trong phòng hết nửa ngày chỉ để chăm chú đọc từng dòng chữ ngay ngắn trên tờ giấy viết thư có chút ngả vàng, đó là một tháng sau khi Ngài đi. Trong thư Ngài nói rằng mình cùng các con đã an toàn đến nước Pháp sau một tuần, vì đã ghé qua thăm ông Hoàng ở Hồng Kông và nán lại vài ngày. Mặc dù trên chặng bay có chút bất tiện phải đáp ở Băng-Cốc để sửa chữa vì động cơ của chiếc thủy phi cơ gặp phải trục trặc, nhưng may mắn sau cùng họ đã có thể bay thẳng đến Pháp theo như lộ trình trước đó một cách thuận lợi. Sau đó Ngài được đoàn tụ với Thái tử Bảo Long cùng ngài Didelot tại một khách sạn ở Ba-Lê chỉ vài ngày sau khi họ đáp, Ngài cùng các con đều đã an toàn bên cạnh nhau. Đọc đến đoạn này bất giác tôi chợt thở phào, sự nặng nề vì lo lắng của tôi suốt cả tháng qua đã nhẹ đi phần nào khi biết được rằng Ngài đã an toàn, bỗng tôi không thể kiểm soát được sự mừng rỡ trong bụng đến mức nơi cuối mi đã tràn ra vài giọt nước mắt.

Tôi tiếp tục dõi theo những dòng chữ như đang nhảy múa trên giấy, tiếp tục tìm hiểu về hành trình của người phụ nữ phía bên kia địa cầu mà tôi vẫn luôn mong nhớ từng giây phút. Ngài cùng các con đã ở lại Ba-Lê (Paris) vài ngày, dẫn chúng đi mua sắm và dạo chơi khắp các nơi, từ con phố đông đúc sầm uất đến cây cầu cổ kính nằm yên lặng bên dòng sông Seine, và trong thư Ngài đã viết "Giá mà có em ở đây để nhìn thấy khung cảnh nơi này đẹp đẽ đến nhường nào!". Sau khi thăm thú hết mọi nơi, Ngài dẫn các con đến thành phố Cannes, nơi có những bãi biển đẹp và những bờ cát trắng mềm mịn, ở nơi này thân phụ của Ngài ông Nguyễn Hữu Hào đã sắp xếp sẵn cho Ngài một tài sản riêng là tòa lâu đài Thorenc cổ kính nằm ngoài rìa của thành phố, nơi đủ chỗ cho Ngài và các con sinh sống, hơi khác với suy nghĩ của tôi rằng Ngài sẽ đến ở luôn trong dinh thự Domaine de la Perche. Hiện tại Ngài đã ổn định ở nơi này và được thoải mái về thời gian sau chuyến đi dài để có thể viết thư về cho tôi. Ngài nói không thể thường xuyên viết thư cho tôi vì khoảng cách địa lý và sự khó khăn giữa hai đất nước, nhưng thi thoảng Ngài sẽ gửi thư về và hi vọng tôi cũng có thể viết thư cho Ngài kể về tình hình cuộc sống của tôi. Cuối cùng trong thư Ngài đã viết, Ngài sẽ ở lại Pháp trong nhiều năm tới và cũng không biết được ngày nào mình có cơ hội trở lại, nhưng Ngài mong rằng không cần nhiều thời gian như đã nghĩ và rồi sẽ có thể quay về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, Ngài sẽ trở lại Đà-Lạt để thăm tôi. Cầu Chúa phù hộ cho tôi.

Tôi chưa bao giờ theo Công giáo nhưng vào giờ phút khi đọc xong những dòng cuối cùng tôi lại thầm cảm ơn Chúa, vì đã phù hộ cho Ngài được bình yên và an toàn ở nơi cần tới. Tôi nhớ rằng mình đã chậm rãi gấp lá thư và bỏ lại trong phong bì, tôi đem nó giấu vào trong ngăn kéo nơi tủ cạnh giường, sau này từ một lá thư đã trở thành một xấp thư dày cộm được tôi lặng lẽ cất giữ cẩn thận. Cùng với lá thư viết tay, Ngài đã gửi kèm theo một phong bì khác bên trong là năm tờ đô-la có mệnh giá một trăm, tổng cộng là năm trăm đô-la tiền mặt, điều này khiến cho tôi cũng phải sững người tròn mắt vì số tiền quá lớn kia. Ngài cũng đã có nhắc trong thư rằng tôi nên dùng số tiền này để trang trải mọi thứ cần thiết cho tôi và những người khác, vì Ngài thừa hiểu sẽ không có ai đủ hào sảng để chu cấp tiền bạc cho chúng tôi mà không có điều kiện đi kèm.


Giữa thu - năm 1950, trời lạnh

Những năm qua là một sự trầm tĩnh của thời cuộc, tình hình chiến sự ngoài kia có vẻ bình ổn và không có một sự biến động lớn nào, hệt như một con hổ đang nằm trong im lặng để chực chờ vồ lấy con mồi, nhưng là đủ để chúng tôi trải qua cuộc sống của mình.

Theo thời thế biến chuyển, hiện tại người ta mỗi ngày chỉ ngồi và dành sự chú ý vào những tin tức sốt dẻo về chiến sự trên trang nhất của các tờ báo chính thống trong khi đang thưởng thức bữa sáng của họ với cà phê và bánh mì baguette. Dinh một mình nằm chơi vơi lạc lõng trên ngồi đồi thông cách xa trung tâm thành phố, dần dà đã không còn mấy người từng nhớ tới có một ngôi biệt phủ hào nhoáng bậc nhất Đà-Lạt đã một thời xa hoa lộng lẫy như vẻ ngoài của nó, , cũng như đã dần quên mất đi sự hiện diện của những con người vẫn đang tồn tại ở nơi này.

Ngài Darles không còn ghé thăm từ hơn một năm trước, tất nhiên bao gồm của các vị chính khách khác đều y như vậy, bọn họ đã không còn màn tới sự tồn tại của nơi mà họ đã từng trung thành lui tới một thời gian dài khi xưa. Cùng thời điểm đó, chúng tôi nhận được thông báo từ tòa thị chính rằng bọn họ sẽ cắt giảm số tiền tháng hơn một phần ba, sau đó ít thêm nữa, rồi ít thêm nữa và cuối cùng chỉ còn lại chưa tới nửa phần. Khi đó tôi đã tức giận, hằn hộc và cáu kỉnh, tự hỏi rằng liệu chúng tôi phải duy trì giữa sự bền vững của dinh và cân bằng cuộc sống của chúng tôi như thế nào trong khi phải bất lực phụ thuộc vào chu cấp từ tòa thị chính trong khi bọn người bất nhân đó chỉ đưa cho chúng tôi vỏn vẹn hai trăm đồng? Chúng tôi với hai trăm đồng đó để vừa lo lắng hằng ngày trong khi phải cố gắng sửa chữa các bức tường bong tróc vôi phủ đầy rêu và vật lộn với những con đường lát gạch bị hư hỏng nặng xung quanh dinh? Điều đó là không thể nào, nó không đủ kinh phí! Không đủ trong khi cả tòa biệt phủ lớn rộng cả ngàn mét và chỉ có ba con người. 

Nhưng chúng tôi chỉ có thể cúi đầu chịu đựng, bởi vì tiếng nói của chúng tôi không có giá trị khi chủ nhân của chúng tôi không có mặt ở đây. Đã có những đoạn thời gian thực sự khó khăn, và chúng tôi chỉ còn lại duy nhất ngót ngét mười đồng trong két, khi ấy cô bé Hoàng Lan đã từng trao đổi nói tôi có lẽ nên gửi điện tính cho ngài Darles và nhờ vả ngài ấy về mặt tiền bạc, tôi từng nhiều lần từ chối vì không muốn làm phiền ngài ấy và một phần rất nhỏ rằng tôi không muốn hạ thấp lòng tự trọng của mình đi xin xỏ người khác, không phải trong khi chỉ mới một-hai năm trước tôi còn giữ thái độ khinh bỉ đối với ngài ấy. Nhưng rồi đến một lúc nào đó sự ái kỉ cứng đầu kia cũng phải bị đánh sập, và đó là lúc tôi chấp nhận gạt bỏ sĩ diện và cái tôi của mình để đạp xe đến biệt thự của ngài Darles để nhờ giúp đỡ vào tận đêm tối muộn, bởi vì chúng tôi đã không còn lựa chọn nào khác để vượt qua được sự thiếu thốn rất nhiều nhu yếu phẩm vì không còn đủ tiền để có được chúng nữa. Điều may mắn rằng ngài Darles là một người rộng lượng và ông ấy sẵn lòng cho chúng tôi mượn tạm một-hai ngàn đồng để xoay sở, giây phút tôi mang tiền về và nhìn thấy sự mừng rỡ trên khuôn mặt của Hoàng Lan cùng bác Từ, thực sự khi đó cầm tiền trong tay mà tôi chỉ muốn khóc.

Dù vậy thỉnh thoảng tôi vẫn sẽ nhận được một số tiền kèm theo lá thư mà Ngài gửi về cho, đôi lúc là một số lớn và đôi lúc chỉ có vài trăm đồng, nhưng tôi đã rất cảm kích và không thể đòi hỏi gì thêm nữa so với sự tận tâm ấy, với số tiền này đã giúp chúng tôi rất nhiều vào những lúc khốn đốn trong hai năm qua. Rồi niềm vui nho nhỏ đó cũng chẳng kéo dài được lâu, vào lúc đầu ngài Darles có thể đã cho chúng tôi mượn tiền nhiều lần, nhưng đoạn sau ngài ấy cũng không còn nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi nữa, sau đó chúng tôi không còn mượn được tiền từ chỗ ngài ấy và trong khi đó số tiền mà ngài ấy giúp đỡ chúng tôi cũng đã dần lên đến mấy ngàn đồng. Bây giờ cuộc sống của chúng tôi chỉ còn có thể phụ thuộc vào số tiền chu cấp ít ỏi từ tòa thị chính và chúng tôi thực sự cần phải kiêng cường để đối mặt và vượt qua giai đoạn ngặt nghèo đó.

Tiếp theo về sau, những lá thư của Ngài dần thưa đi, ban đầu là hai-ba lá thư trong hai tháng, rồi một lá thư qua ba tháng, hai tháng, năm tháng, lá thư cuối cùng mà tôi nhận được đã là chuyện cách đây một năm, và chỉ có bốn lần trong đó gửi kèm theo tiền. Ngài không còn gửi thư về nữa, một năm qua tôi đều chạy tới hòm thư bên ngoài cổng sắt để nhìn vào mỗi buổi sáng, nhưng nó chỉ trống rỗng, không có gì cả. Dần dà tôi đã hình thành thói quen luôn kiểm tra thùng thư vào mỗi ngày, nhưng cuối cùng tôi chỉ nhận lại một sự hụt hẫng vì sự trơ trọi bên trong hòm. Thành thật mà nói tôi rất nhớ những cảnh tượng xung quanh nơi Ngài đang ở đã được kể lại trong dòng chữ nghiêng nghiêng trên giấy, nhớ giọng nói dịu dàng thanh thanh của Ngài chỉ thông qua bằng việc đọc các lá thư tay nắn nót, có lẽ cụ thể hơn nữa rằng... tôi nhớ Ngài.


Mùa xuân - năm 1952

Từ hai năm nay, chúng tôi không còn nhận được tiền từ chính quyền nữa, bọn họ đã cắt đứt hoàn toàn sự hỗ trợ của chúng tôi. Sức khỏe của bác Từ những năm nay đã không còn ổn nữa, bị ho và sự suy giảm về trí nhớ, tay chân căng cứng và không còn linh hoạt như xưa nữa, sau cùng tôi cũng phải dằn xuống nỗi buồn khuyên nhủ bác nên trở về nhà với người con trai đang làm việc ở rìa ngoại ô và sau nhiều lần cố gắng thuyết phục thì bác đã gật đầu đồng ý. Tôi biết bác Từ là người tận tâm, trung thành và rất có trách nhiệm về công việc của mình, nhưng tôi không thể cứ để bác phải đầu tắt mặt tối với tất cả những việc nặng nhọc kia trong khi sức khỏe của bác đang dần không cho phép điều đó.

Và Hoàng Lan, cô gái trẻ tuổi năm đó cùng tôi vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất, bây giờ cũng đã ba mươi chín ngang hàng tuổi với tôi rồi, gương mặt non nớt giờ đây khoát lên sự trưởng thành từng trải. Tôi biết cô bạn này từ lâu muốn vượt biển lớn và cũng đã đến lúc nên tiến về tương lai của mình rồi, nên khi đó tôi cũng đã tâm sự với cô ấy và động viên cô ấy rất nhiều, sau cùng cô ấy cũng quyết định rời đi và sẽ kiếm một chàng trai, yêu thương cô ấy, trân trọng cô ấy rồi cả hai sẽ kết hôn và có những đứa con của riêng họ. Rồi Hoàng Lan cũng rời đi và tôi rất tôn trọng quyết định đó của cô ấy, cô ấy nói rằng cô ấy sẽ vẫn ở lại Đà-Lạt tìm việc làm trong trung tâm thành phố, mỗi cuối tuần sẽ lên dinh và phụ giúp tôi dọn dẹp.

Sau cùng, người ở lại chỉ còn một mình tôi.

Nhưng trước mặt tôi là một thực tế khắc nghiệt, rằng tôi đã không còn nhận được chu cấp nữa, cho nên cuối cùng đã đến lúc mà tôi phải trở lại với việc lao động chân tay của mình, vả lại tôi cũng chẳng muốn ngồi chờ đợi để nhận được sự giúp đỡ từ người khác, cũng như của Ngài. Vì vậy tôi đã đưa ra quyết định của mình, bước ra ngoài và quay về việc mở lại cửa hàng hoa, ít nhất đó cũng là công việc duy nhất hiện tại đủ cung cấp tiền bạc để tôi có thể xoay sở về sau, thật may mắn vì năm đó tôi đã quyết định giữ lại cửa tiệm không bán nó đi. Nhưng tôi vẫn sẽ ở lại trong dinh, tôi sẽ không dọn đi, chỉ ra ngoài vào buổi sáng để vào trung tâm quản lý cửa tiệm của mình và sẽ trở về nghỉ ngơi vào buổi tối.

Tất nhiên cái gì cũng có sự khó khăn khi bắt đầu, việc đóng cửa nhiều năm đã khiến cho cửa hàng không còn gì cả, mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ con số không. Những ngày đầu tôi đã phải rất vất vả để dọn dẹp cả tấn bụi bặm bám dày bên trong tiệm và sửa chữa lại nhiều đồ đạc bị hỏng hóc, có nhiều thứ tôi đã bắt buộc phải bỏ đi vì hư hại nghiêm trọng không thể dùng được nữa. Thực sự tôi là một người rất rất may mắn, vì xung quanh luôn có những người bạn sẵn sàng giúp đỡ tôi vô điều kiện, khoảng thời gian mấy năm này tôi đã rất ít khi gặp mặt bạn bè của mình hay thậm chí chỉ đi dã ngoại với họ cũng không có đủ thời gian, đôi khi tôi chỉ vô tình gặp họ khi đạp xe vào khu trung tâm. Nhưng đến khi nghe nói việc tôi sắp mở lại cửa tiệm, những người bạn cũ là những người đầu tiên một lần nữa bước vào thế giới đơn độc của tôi, Điền, Vân Thảo và cả Hải đều đến phụ giúp tôi sửa sang lại tiệm hoa, điều này thực sự khiến cho tôi cảm thấy xúc động. Dù chúng tôi không gặp nhau đã mấy năm nhưng tình cảm giữa chúng tôi vẫn còn ở đó, chưa từng thay đổi, vẫn vẹn nguyên hệt như cái năm còn là nhóm sinh viên lập dị ở trường Yersin.

Khi còn trong những ngày dọn dẹp cửa tiệm, tôi đã có nhiều thời gian để ngồi xuống và tâm sự với bạn bè của mình, phần lớn hầu hết tôi chỉ giữ im lặng và chú tâm lắng nghe câu chuyện của họ. Những người bạn cũ giờ đây mỗi người một con đường riêng biệt, họ đã có sự nghiệp cùng những thành công trong cuộc đời của họ. Điền, anh chàng từng là người có tính cách và suy nghĩ trưởng thành nhất trong cả bốn giờ đây đã có một chức vụ quan trọng ở tòa thị chính thành phố. Hải thì khác biệt một chút, làm phó tổng biên tập của tờ soạn báo xếp bậc nhất-nhì Đà-Lạt, có một gia đình viên mãn cùng vợ và cậu con trai kháu khỉnh. Riêng về Vân Thảo, sau thời gian làm thư ký cho một công ty nhỏ, cô nàng đã có cơ hội kết hôn ba năm trước với con trai cả của ông chủ công ty đó, tuy đời sống không phải giàu có nhưng hiện tại cô nàng đang có cuộc sống rất hạnh phúc bên cạnh chồng và con của hai người là cặp song sinh bé gái vô cùng xinh đẹp đã được hai tuổi.

Thực lòng, tôi rất mừng và hạnh phúc thay cho họ, mừng vì con đường đúng đắn và thành công mà họ đã có cho mình, mừng vì niềm hạnh phúc và tự hào về gia đình mà Vân Thảo đã lan tỏa cho tôi. Quả thật, phía cuối con đường đã trải đầy hoa hồng dành cho các bạn của tôi. 

Khi đó, Điền đã hỏi tôi một điều.

"Em còn thương người đó hả?".

Câu nói của Điền khiến cho tôi giật thót, trái tim bị siết chặt trước khi được thả lại với sự tự do, và nó không ngừng đập thình thịch với âm thanh càng ngày càng lớn. Tôi đã cụp mắt một vài giây trước khi ngước lên nhìn vào mắt Điền và nở nụ cười sâu lắng với anh.

"Em vẫn thương cô ấy".

Và tôi thấy Điền chỉ thở dài, tôi trầm buồn nhìn vào cái lắc đầu bất lực của anh.

"Nhiều năm rồi đấy Quyên. Hai mươi năm rồi...".

Lúc ấy tôi chỉ biết cười cho qua, trong khi Thảo và Hải đều ngồi xung quanh chỉ giữ im lặng và lắng nghe cuộc hội thoại đầy tâm tư giữa chúng tôi, tôi đã hỏi lại Điền một câu.

"Anh nhận ra từ khi nào?".

Tôi chờ đợi sự thật trong đôi mắt tinh tường, và Điền nhìn vào tôi và tôi cảm nhận được ánh mắt của anh ấy đang xoáy sâu vào giống như anh ấy thấu hiểu tất cả mọi suy nghĩ từ tận nơi đáy lòng của tôi.

"Vào lần đầu tiên nhìn thấy ánh mắt mà em dành cho cô ấy, khi em đứng ngắm nhìn cô ấy qua khung cửa sổ".

Tôi khẽ cười, cúi đầu vì ngượng ngùng. Thực sự, tôi có thể qua mặt tất cả những người khác, che giấu đi phần tình cảm khát khao của tôi, nhưng lại không thể qua mắt được sự tinh tế của Điền, dù đã không gặp ngần ấy năm...

Chợt tôi tự nghĩ về mình, hiện tại tôi vẫn đang bước đi trên con đường của bản thân và hành trình chỉ này có lẽ chỉ mới đến được một nửa con đường. Tôi cảm nhận được trước mắt chỉ là một khoảng mờ mịt, không thể đoán trước được điều gì cả, bây giờ tôi hơi có cảm giác lo sợ, liệu phía cuối con đường đã chọn sẽ có gì cho tôi? Hoa hồng nở rực rỡ? Một tương lai đen tối? Sự đau khổ tận cùng khi chấp nhận lao vào một tình yêu từng biết rõ rằng sẽ không có một kết thúc viên mãn? Tôi không biết, và tôi cũng không dám nghĩ tới, chỉ để nó trôi đi trong hàng vạn suy nghĩ trong lòng.







_ Hết _

Tác giả: Hơi trễ nhưng cũng chúc mọi người trung thu dzui dzẻ nhaaa

Ngày đăng: 28-9-2023

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro