Chương 4. Đáp lễ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cả ngày hôm ấy thị không ra đồng. Thị lại nói dối, còn nói dối người nhà Phật nữa. Nhưng đến cả thị cũng chẳng hiểu làm sao mà mình lại cư xử lạ lùng như thế. Thị quay cuồng, thị đảo điên, chỉ vì mấy cái động chạm thoáng qua với một đứa con gái. Thị thay cái yếm nâu với váy đụp, nằm ở nhà, vắt tay lên trán và chăm chăm nhìn vào quá giang tạm bợ. Thị thấy đầu mình nóng, người cũng nóng, mồ hôi bắt đầu túa ra hai bên thái dương, ở cổ, ở ngực, rồi eo. Trong bụng vẫn âm ỉ mùi bùn.

Nắng giữa thu hơi gắt, dễ khiến người ta đau đầu. Nhưng thị đã đi nắng đâu, mà giờ lại ong ong trong óc thế này? Sao lại nghĩ những thứ thị không nên nghĩ, tưởng tượng những thứ thị chưa từng dám tưởng tượng thế?

Gót sen trần đạp lên nền ruộng sau mưa... Mướt mát tràn trên da thịt như vừa mới đây thôi. Nước rịn ra bám lấy thân thể, mềm ẩm, ướt át. Ngoài trời nóng... Cổ họng khô rang.

Đất nứt ra, toang hoác những đê hèn. Bàn tay ai lách trong khe nứt, luồn sâu, khuấy đảo. Mồ hôi vã khắp người. Có tiếng thở nặng nhọc. Ngón tay miết vào đất, cào vào đất, rồi mơn trớn vào đất. Rồi nước về. Nước về, tưới tắm lên con giun đang quằn quại trên mặt ruộng. Vỡ ra, khoan khoái. Và lả đi, xụi lơ.

Đến khi thị trở về thực tại và nhận ra mình vừa làm gì, thì cái yếm đã tuột ra tự lúc nào, để lộ đôi gò phồn thực đỏ hằn những dấu tay. Mấy gióng trúc thon dài thị tự hào đầy thứ dính dớp, mùi đàn bà nồng trong không khí. Thị thở dài. Cơn sướng vẫn phảng phất, nhưng thị thấy tội lỗi nhiều hơn. Thị tưởng mình bị điên. Hoặc do thị vắng hơi người lâu quá rồi. Lần cuối cùng thị có người kề cạnh là từ bao giờ? Thị không nhớ nữa. Mà thị thì vẫn là đàn bà, một người đàn bà còn hừng hực sống, hừng hực xuân, còn thèm lắm trò yêu. Có đêm nào trống trải, thị nhớ về cái hôm tối trời hàng bao năm về trước, dùng cái kí ức mù mịt ấy để tự tình. Mà giờ thì lại chẳng phải thế. Trong con óc không nghĩ được gì nhiều của thị giữa cơn đê mê, thấp thoáng gương mặt búp sen e ấp, tóc xõa ra hoang dại, cần cổ mảnh mai... Và chân ngực non mềm hút hồn người. Đầu ngón tay vẫn vương vất chút cảm giác mất trí lúc ấy.

Rồi thị choàng tỉnh. Thị vùng dậy, buộc vội dây yếm, chạy vòng ra sau nhà, múc nước chum gột từng ngón tay một, kì cọ đến mức phát đau.

Thị quay vào chõng nằm, mỏi mệt thiếp đi.

Mà hình như thị sốt. Người đàn bà nông điền quanh năm dầm sương lội gió, có cơn cảm nào cũng chỉ cần bát cơm đầy hơn chút là khỏi, thế mà bây giờ nằm còng queo, không muốn động chân động tay bất cứ thứ gì. Ngoài đồng đang tháo nước, cái này thị chẳng dối ni cô, nhưng cái mảnh ruộng bằng thửa chiếu thầy mẹ để lại nằm xa mãi cuối đồng, bao giờ nước mới tới nơi cho mà đi vỡ. Thị muốn ngủ một giấc, đặng tỉnh dậy thì cơn mê ma xui quỷ khiến kia cũng tan mất. Thị vẫn là thị, mang tiếng xấu truyền đời, thui thủi vào ra, sống đời tẻ nhạt và lặng lẽ, rồi... lén lút mơ tưởng về ngày xa.

Chỉ thế thôi.

Trằn trọc, thị lại nhớ tới đôi tiền âm dương một sấp một ngửa, với nụ cười của ni cô Viên Tâm khi nói về đường tình duyên của thị. Trong lòng mơ hồ nỗi khấp khởi chờ mong, tinh thần cũng bớt mụ mị đi, lúc này thị mới chợp mắt được.

***

Sau hôm ấy, đúng là đời thị đã trở lại guồng quay cũ. Thị không gặp lại cô Tuế Nguyệt, cũng không dò la được chút tin tức nào về nàng nữa. Nàng bình phục hẳn hay chưa, nàng lại nhà hay chưa, thị không hay biết và cho rằng mình chẳng cần hay biết.  Cái chuyện kia thị gói vào một bọc, đem chôn trong lòng, sống để bụng chết mang theo.

Bẵng đi nửa tháng, bỗng có hai người đến nhà thị. Nghe thấy tiếng người ngoài sân, thị ngó ra và ngớ người một lúc. Ấy là vì thị nhận ra hai cha con nhà phú hộ Tri, đang đứng nhìn xung quanh, chừng như có ý chờ đợi. Phong thái của nhà quyền quý cũng khác hẳn, người đàn ông đi đứng ung dung tự tại, bộ ngũ thân gấm tím than khoác trên người chả ăn nhập gì với cảnh nghèo khổ nơi căn nhà rách của thị. Đứa con gái đi sau - cô Tuế Nguyệt, lại càng giống như bông hoa trên giời chẳng vướng bụi trần gian. Vẫn cứ mơn mởn xanh và ngây thơ thế, như thể... bàn tay ma hôm ấy chưa từng chạm phải nàng. Thị Liệu trộm ngắm hai cha con họ, vừa thầm bình phẩm vừa cố nghĩ cái lí do rồng đến nhà tôm này.

Cuối cùng vẫn phải đi ra ngoài, khúm núm cúi chào:

- Chào ông phú, chào cô Nguyệt. Cho hỏi có việc gì mà lại phiền ông phú với cô đây bẩn gót giày đến nhà tôi ạ?

Phú hộ Tri cười, mà theo thị thì đấy là cái cười khá dễ gần, làm cho người ta tưởng rằng ông là một người hòa nhã lắm. Chẳng bệ vệ như bao lần trước thị nhìn thấy ông ta ở đình làng hay bơ phờ hôm đưa tang bà phú. Bấy giờ thị mới nhận ra ông ta còn khá trẻ, chắc cũng chưa đến tứ tuần. Thị lén đánh mắt sang bên, cô Tuế Nguyệt nép sau cha, hấp háy cười nhìn thị. Thị Liệu không khỏi chột dạ, đành cụp mắt xuống, mời hai người vào trong.

Nhà thị tuềnh toàng quá, lại chẳng giống có hơi người ở. Cũng phải, cái nhà của người đàn bà giường đơn gối chiếc bao năm, bây giờ thành ra chỉ là nơi thị ngả lưng mỗi ngày. Đến bộ ấm cũng chỉ có hai cái chén sứt miệng, chẳng cả có chè cháo gì, thị đành rót nước sôi mời cha con ông phú, còn mình thì ngồi không.

- Hôm nay hai cha con tôi đến đây là để đáp ơn cứu giúp của cô Liệu. - Ông ta ra hiệu cho con gái. - Có chút quà mọn, mong cô đây nhận cho chúng tôi yên lòng.

Cô Tuế Nguyệt lấy từ trong tay áo ra chiếc kiềng vàng trơn láng, đặt lên bàn. Đúng là thị Liệu có hơi lóa mắt. Đời này thị được trông thấy vật phẩm nào quý giá đến thế đâu, lại còn ngay trước mặt mình, rồi lát nữa sẽ là của mình. Có nó, cái cổ mảnh mai của thị sẽ đẹp lên mấy lần, hoặc nếu túng thiếu quá, thị có thể đem nó đi cầm, đổi lấy cả nửa năm trời gạo thịt chứ ít gì. Dẫu vậy, thị vẫn là người biết trái biết phải, và rằng, hôm ấy cứu vớt cả thị và cô Tuế Nguyệt chỉ có ni cô Viên Tâm mà thôi. Vô công bất thụ lộc, các cụ dạy rồi.

- Không dám, thưa ông. Tôi nào có công cán gì đâu, chỉ làm vướng chân cô nhà thêm thôi ạ. Nếu muốn đáp lễ, xin ông phú đến tích thiện ở am của cô Viên Tâm, ấy mới là người đã cứu cô nhà.

- Cô Liệu khỏi đo đắn làm gì. - Phú hộ Tri nhìn thị, mà ánh mắt ấy làm thị tự dưng hơi gai gai lòng. Nó hình như hơi nhiều trìu mến thì phải, hoặc do thị tự tưởng tượng ra mà thôi. Ông ta nói tiếp. - Tôi đã xin được sang sửa gác chuông ở am bên ấy, ni cô đã đồng ý rồi. Còn đây là tấm lòng của con gái tôi, cũng là lời tạ lễ của tôi, mong cô nhận giúp cho.

Trong lúc thị Liệu còn đang kiếm lời để đáp lại sao cho phải phép, cô Tuế Nguyệt đã đứng dậy, với lấy chiếc kiềng, đi sang bên thị ngồi. Nàng chỉ thỏ thẻ - bằng chất giọng khiến thị nhiều lần mềm rũ cả lòng, "Xin phép chị" rồi luồn tay ra sau gáy, đeo lên cho thị. Chiếc kiềng chạm vào da cổ lành lạnh, chất vàng thượng hạng nặng đằm, hẳn đây phải là loại kiềng đúc đặc. Ông phú Tri nhìn con gái, vẻ mặt hài lòng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro