Chương 4.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Triệu Miên rời nhà đi xa và đi lâu như thế đương nhiên không thể chỉ dẫn theo mỗi Chu Hoài Nhượng và Thẩm Bất Từ. Mỗi nơi Thái tử điện hạ đặt chân tới đều có rất nhiều ảnh vệ âm thầm bảo vệ y chu toàn, để cho y sai phái.

Nhóm ảnh vệ đều được huấn luyện bài bản đàng hoàng. Không đến nửa ngày sau họ đã đào bật gốc cả họ nhà Lý Nhị lên.

Trong thành Trùng Châu quả thực có gã Lý Nhị bán cá thâm niên hai mươi năm, cha mẹ đã mất, gia cảnh bần hàn, không lấy được vợ, ba hai tuổi vẫn một mình một bóng - một tên dân đen hết sức bình thường, thoạt nhìn chẳng có gì đáng nghi.

Và cô nàng họ Triệu đẹp nhất thiên hạ trong lời hắn kể cũng tồn tại. Cô là con gái nhà bán đậu được hứa gả cho Lý Nhị từ tấm bé, nhưng mười sáu tuổi đã mắc bệnh qua đời. Về sau nhà họ Triệu chuyển đi, Lý Nhị cũng không qua lại với họ nữa.

Chu Hoài Nhượng nghe mà thổn thức: "Con gái nhà bán đậu đã mất hơn mười năm mà Lý Nhị vẫn thủ thân như ngọc, thà chết cũng không lấy người khác, đúng là "Đã thấy biển xanh nước sá chi"[1], ôi..."

"Chẳng hiểu ngươi cảm động nỗi gì." Triệu Miên đập tan ảo tưởng đẹp đẽ của Chu Hoài Nhượng: "Hắn vừa đen vừa nghèo, không ai thèm lấy thì có."

Chu Hoài Nhượng muốn nói lại thôi, dừng lại một hồi, cuối cùng hùa theo: "Điện hạ nói đúng lắm."

Trừ gốc gác của Lý Nhị, Thẩm Bất Từ còn mang một tin tức khác về cho Triệu Miên: "Điện hạ, đêm qua cả thảy một trăm hai mươi người trong Lưu phủ Trùng Châu đã mất tích."

Triệu Miên hơi ngạc nhiên: "Mất tích?"

Thẩm Bất Từ: "Vâng."

Đợi mãi không thấy câu tiếp theo, Triệu Miên sầm mặt mắng: "Cô hỏi lại ngươi ý là bảo ngươi nói kỹ càng hơn. Ngươi ít nói cũng được, nhưng ngươi nói ít hơn cả Cô thì không được. Bởi vì như thế chả hóa ra một tên thị vệ như ngươi còn uy nghiêm, lạnh lùng, cao quý hơn Thái tử như Cô à? Ngươi hiểu ý Cô chưa?"

Thẩm Bất Từ: "Dạ rồi."

Triệu Miên: "..."

Thẩm Bất Từ: "..."

Triệu Miên đỡ trán: "Thôi nói tiếp đi."

Thẩm Bất Từ bèn nói: "Một ngày trước Lưu phủ còn đang chuẩn bị đám tang cho Lưu cô nương. Mà sáng sớm hôm sau, từ ông bà chủ đến tỳ nữ tôi tớ trong phủ đều biến mất không còn tung tích. Trong Lưu phủ không có dấu vết ẩu đả vật lộn, không ai biết bọn họ đi đâu, hơn một trăm người cứ như bốc hơi vào không khí. Dân tình truyền nhau là Lưu tiểu thư treo cổ chết làm phật lòng quốc sư, cho nên cả nhà mới rơi vào kết cục sống không thấy người, chết không thấy xác."

Triệu Miên hỏi: "Tình hình trong thành Trùng Châu thế nào?"

Thẩm Bất Từ đáp: "Mọi người đều hoang mang sợ hãi, ai cũng giận mà không dám nói gì."

Triệu Miên băn khoăn: "Nếu đúng là quốc sư ra tay thì huyết tẩy Lưu phủ chẳng dễ giết gà dọa khỉ hơn à?"

Thẩm Bất Từ nói: "Có người bảo người trong Lưu phủ bị bắt đến Nam Cung để dùng thân nuôi cổ."

Tuy là chuyện của nước khác nhưng vẫn khiến Triệu Miên nhíu chặt lông mày: "Quốc sư một nước xem mạng người như cỏ rác thế này mà Thái hậu còn dung túng vô độ. Chẳng cần Bắc Uyên làm gì, Đông Lăng sớm muộn cũng mất nước thôi."

Thẩm Bất Từ đáp "Ừm", xong nghĩ thế nào lại nói thêm một câu: "Điện hạ nói đúng lắm, chẳng cần Bắc Uyên làm gì, Đông Lăng sớm muộn cũng mất nước."

"Chờ chút." Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu Triệu Miên: "Bắc Uyên à."

Triệu Miên nhớ Thừa tướng từng dạy y, rằng cách đơn giản và nhanh chóng nhất để phán đoán kẻ giật dây sau màn chính là nhìn xem ai được lợi lớn nhất sau khi xong việc.

Nếu Vạn Hoa Mộng cứ tác oai tác quái, khiến cho dân chúng lầm than, ngôn quan trong triều ắt sẽ kết bè can gián, dẫn đến Thái hậu buộc phải đứng ra ngăn cản. Sư huynh đệ bất hòa, Đông Lăng nội loạn, kẻ được lợi lớn nhất chắc chắn là Bắc Uyên vẫn đang rình quốc thổ Đông Lăng như hổ rình mồi.

Triệu Miên ngàn dặm xa xôi chạy tới Đông Lăng là để lấy một vật trong tay Vạn Hoa Mộng. Y tin rằng vật ấy cũng có lực hấp dẫn tương tự đối với Bắc Uyên. Thế lực ngầm của Bắc Uyên ở Trùng Châu bắt đầu rục rịch cũng không có gì lạ.

Đông Lăng, Vạn Hoa Mộng, Thư Hùng Song Cổ, tên bán cá đầy điểm đáng ngờ... đã đủ hỗn loạn lắm rồi. Nếu Bắc Uyên cũng dây vào, chỉ e cục diện sẽ càng khó khống chế.

"Phái người đi điều tra chuyện người nhà họ Lưu mất tích." Triệu Miên nói: "Chưa chắc đây đã là tác phẩm của Vạn Hoa Mộng."

Thẩm Bất Từ: "Vâng."

"Đúng rồi, điện hạ ơi." Chu Hoài Nhượng nói: "Lý Nhị tắm xong rồi, hắn bảo muốn nói chuyện với ngài đó."

Triệu Miên bình ổn tâm trạng, nhận mũ có mạng che từ tay Thẩm Bất Từ, đội lên: "Truyền vào."

Lý Nhị bị bắt tắm nguyên một canh giờ, da mỏng cả đi, người sạch mùi cá mới được tha. Tắm xong hắn thay một bộ đồ sạch sẽ, dáng dấp cao ráo rắn rỏi hẳn lên, mỗi cái mặt là vẫn xấu hoắc.

Triệu Miên ngồi trên ghế bạch đàn, ngước mắt lên nhìn hắn: "Có chuyện gì?"

Lý Nhị xích lại gần, tò mò hỏi: "Sao cậu ngồi trong phòng mà lại đội mũ có mạng che?" Rồi để tỏ lòng tôn trọng, hắn chua thêm: "Hả công tử?"

Triệu Miên lạnh nhạt đáp: "Còn ngươi, sao lại trét da cho đen sì thế?"

Lý Nhị ù ù cạc cạc: "Tui khác, cha mẹ đẻ ra tui đã đen rồi."

Triệu Miên không muốn phí lời với tên bán cá này: "Có chuyện gì thì nói mau."

"À, là như này, tui..."

"Quỳ xuống nói."

Lý Nhị nghiêng đầu đánh giá thiếu niên công tử trước mặt.

Y mặc áo gấm tinh xảo rực rỡ, khuôn mặt giấu sau lớp mạng che, chỉ để lộ đường nét lờ mờ.

Nhưng dù không nhìn thấy mặt, hắn cũng có thể hình dung ra vẻ mặt của thiếu niên - vẻ mặt coi việc người khác quỳ gối nói chuyện cùng y như lẽ đương nhiên.

Triệu Miên hỏi vặn: "Không muốn à?"

"Không phải." Lý Nhị cười tủm tỉm: "Cơ mà cậu không phải mẹ tui, vợ tui, mắc gì tui phải quỳ với cậu?"

"Vì ta thích nhìn người khác quỳ." Triệu Miên điềm nhiên bảo: "Và vì mạng ngươi bây giờ nằm trong tay ta, ta thích xử trí thế nào cũng được."

Dường như Lý Nhị chẳng hề sợ hãi: "Nhưng cậu có thể xử trí tui thế nào? Tui không sợ chết, tui với cậu lại đang ở chung trên một chiếc thuyền, lỡ may không tìm được thuốc giải, cậu giết tui rồi vẫn bị phát độc thôi, đến lúc đó cậu còn chết thảm hơn tui ấy chứ."

"Hình như ngươi quên mất một điều. Tuy bây giờ ta chưa thể giết ngươi, nhưng ta có thể từ từ tra tấn ngươi." Triệu Miên nói nghe rất êm tai: "Ví dụ như túm tóc dộng đầu ngươi vào tường, hoặc treo ngược ngươi lên xà ngang, chờ ngươi sắp chết lại cứu ngươi, cứ thế lặp đi lặp lại."

Lý Nhị lặng thinh giây lát: "Xin lỗi công tử ạ, tui thừa nhận thái độ tui hơi tệ, nhưng..."

"Nhưng ngươi vẫn không muốn quỳ, phải không?" Triệu Miên nói đầy ẩn ý: "Ngươi lấy đâu ra khí khái này không biết."

"Cậu hiểu lầm rồi." Lý Nhị cười nói: "Một gã bán cá như tui thì khí khái nỗi gì. Chẳng qua người có tuổi hay nhức chân nhức cẳng, nếu không nhất thiết phải quỳ thì tui không muốn quỳ thôi. Bị cậu dọa tui hết cả hồn. Cậu thích xem người ta quỳ, thì tui quỳ là được."

Nói đoạn, bèn quỳ xuống.

Triệu Miên vừa ra đời đã là Thái tử. Từ thường dân bách tính cho đến quan lớn trong triều, không đếm được bao nhiêu người đã quỳ xuống trước mặt y. Nhưng bây giờ có thêm Lý Nhị quỳ gối vì y, chẳng hiểu sao y lại không thấy mình giống kẻ bề trên của hắn.

Lý Nhị cứ thế quỳ xuống, không ưỡn thẳng lưng tỏ rõ hắn không tâm phục, nhưng cũng không cố tình qua quýt cho xong. Hắn quỳ tùy ý như thể chẳng thèm để tâm đến chuyện này, không bất cam, không nhục nhã.

Lý Nhị ngẩng đầu nhìn y: "Giờ nói được chưa vậy?"

Triệu Miên nén nỗi bất mãn trong lòng, lạnh nhạt bảo: "Nói đi."

Lý Nhị nói: "Bây giờ chúng ta sắp đến Kinh Đô tìm quốc sư đúng không? Tui muốn hỏi kế hoạch thế nào."

Triệu Miên đáp: "Không có kế hoạch gì cả."

Lý Nhị thở dài, nghe giọng điệu như bất lực trước đám thanh niên không biết trời cao đất rộng: "Hộ quốc quốc sư của Đại Đông Lăng ta là một trong bốn đại tông sư. Cả cái thiên hạ to thế này chỉ có ba người là đủ tầm chọi nhau với y. Chúng ta phải đi cướp thuốc giải trong tay y chứ không phải đi bán cá ở chợ Kinh Đô, không có kế hoạch gì sao được?"

Triệu Miên vặn lại: "Ngươi có cao kiến gì?"

Lý Nhị vội xua tay: "Không có, hễ động não là đầu tui nhức lắm."

"Thế ngươi tìm ta làm gì?" Triệu Miên chán ngán: "Để nói nhảm thì ta không hầu. Người đâu, lôi đi."

Vừa dứt lời, Thẩm Bất Từ đã lù lù đi tới trước mặt Lý Nhị.

Lý Nhị xin rối rít: "Ối đừng túm, để tui tự đi, lôi đau hết cả tay rồi!"

Lý Nhị ra đến cửa, Triệu Miên bỗng gọi giật hắn lại: "Người trong lòng ngươi, Trương cô nương ấy."

"Triệu cô nương chứ!" Lý Nhị nghiêm túc sửa lưng y: "Là Triệu cô nương."

Triệu Miên "à" một tiếng: "Cô ấy bị bệnh qua đời năm bao nhiêu tuổi?"

Lý Nhị cúi đầu rầu rĩ: "Hồi cô ấy ra đi mới vừa tròn mười sáu. Tui còn nhớ hôm đó, tui bán xong cá về nhà, cô ấy..."

"Đủ rồi." Triệu Miên bực mình cắt ngang: "Ngươi nhớ rõ gớm nhỉ."

Lý Nhị mở to mắt nhìn y, đầy khó hiểu: "Cô ấy là người trong lòng tui, sao tui có thể nhớ lầm?"

Triệu Miên nói giọng lạnh te: "Thế thì ngươi liệu mà nhớ cho kỹ vào."

Tảng sáng hôm sau, nhóm Triệu Miên thu thập hành trang, đưa theo Lý Nhị rời khỏi Trùng Châu, xuất phát đi Kinh Đô của Đông Lăng.

Chuyến này họ có hai cỗ xe ngựa. Một cỗ đẹp đẽ xa hoa cho Triệu Miên và Chu Hoài Nhượng ngồi, một cỗ mộc mạc bình dân để cất hành lý và Lý Nhị, giao cho Thẩm Bất Từ trông coi.

Càng đến gần Kinh Đô càng phải hành sự thận trọng và chú ý che giấu hành tung. Khi còn cách Kinh Đô năm mươi dặm, đoàn người của Triệu Miên rẽ vào một con đường nhỏ vắng người.

Không giống Nam Tĩnh có địa thế bằng phẳng với phần lớn lãnh thổ là đồng bằng, địa hình Đông Lăng núi non trùng điệp, lắm rừng rậm đầm lầy mịt mù chướng khí, sâu bọ côn trùng không biết bao nhiêu mà kể, nhiều loài còn mang độc tính. Đi lại ở đây phải cực kỳ cẩn thận.

Nam Tĩnh có truyền thống lâu đời về đề cao văn hóa và giáo dục, là cái nôi của những văn nhân mặc khách. Bắc Uyên tôn sùng vũ lực, mười vạn thiết kỵ có thể hành quân thần tốc ngàn dặm. Còn người Đông Lăng thích luyện chế cổ độc thì có liên quan mật thiết đến đặc điểm địa hình này.

Đi được nửa ngày đường, Triệu Miên lệnh cho mọi người nghỉ ngơi ăn trưa ở bờ sông.

Dù dùng bữa giữa nơi núi hoang rừng thẳm, bữa trưa của Thái tử điện hạ cũng không hề sơ sài. Chu Hoài Nhượng lôi đồ dùng nấu bếp và rau dưa thịt trứng mua từ Trùng Châu ra khỏi chiếc xe Lý Nhị đang ngồi. Người duy nhất biết nấu cơm trong đội ngũ là Thẩm Bất Từ tự tay cầm muôi.

Thẩm Bất Từ vốn là ám vệ Đông cung, kĩ thuật nấu nướng của hắn ban đầu chỉ dừng ở mức nấu chín thức ăn, đảm bảo lúc ra ngoài làm nhiệm vụ không chết đói là được. Nhưng một tháng trước khi Thái tử điện hạ rời khỏi kinh thành Nam Tĩnh, bệ hạ đã đích thân triệu kiến hắn, mỉm cười bảo: "Bất Từ à, Trẫm cho ngươi thêm bổng lộc, ngươi sang Thượng Thực Cục "du học" một tháng được không?"

Tóm lại tất cả là để phục vụ cho vị Thái tử điện hạ vô cùng tôn quý, được người nhà hết mực thương yêu này đây.

Thành quả khóa du học Thượng Thực Cục của Thẩm Bất Từ rất khả quan. Cả con gà bọc lá sen được hắn vùi trong bùn nướng chín. Chỉ chốc lát sau mùi thơm nức mũi đã tỏa khắp cánh rừng, ai ngửi thấy cũng phải ứa nước miếng.

Chu Hoài Nhượng gỡ lá sen bày mâm tỉ mỉ, dùng cả rau quả tươi trang trí xung quanh, xong đâu đấy mới mời: "Công tử dùng đi ạ."

Triệu Miên bảo: "Chia làm ba phần, chúng ta cùng ăn."

"Ba phần?" Lý Nhị trông mòn con mắt: "Thế cho tui ăn gì?"

Triệu Miên chẳng buồn ngẩng lên: "Ta chỉ đồng ý dẫn ngươi đến Kinh Đô chứ đâu có bảo sẽ bao cơm nước."

Chu Hoài Nhượng tốt bụng gợi ý: "Đằng kia có sông kìa, ngươi có thể ra sông bắt cá ăn."

Lý Nhị nói: "Tui chỉ đi bán cá chứ có phải là ngư dân đâu."

Nói thì nói thế, nhưng bị miếng cơm manh áo bức ép, cuối cùng Lý Nhị vẫn phải xắn quần lội xuống sông.

Nước sông đầu xuân hãy còn lành lạnh và trong thấy đáy. Lý Nhị lội nơi nước cạn, nước chưa ngập đến bắp chân. Hắn khom lưng mò mẫm hồi lâu mà màu da đen cũng không phai bớt.

Triệu Miên dời mắt khỏi bóng dáng Lý Nhị, hỏi Thẩm Bất Từ: "Gần đây có tin gì của Phụ Tuyết Lâu Bắc Uyên không?"

Vai trò của Phụ Tuyết Lâu ở Bắc Uyên tương đương với Nam Cung của Vạn Hoa Mộng ở Đông Lăng và Thiên Cơ Viện ở Nam Tĩnh. Phải đến một nửa tuyệt đỉnh cao thủ Bắc Uyên đang làm việc cho Phụ Tuyết Lâu, ai cũng tuyệt kỹ đầy mình, giỏi ẩn trong bóng tối, âm thầm náu thân nơi đất khách quê người. Tây Hạ, Đông Lăng, thậm chí đến Nam Tĩnh cũng có bóng dáng bọn họ.

Không có Phụ Tuyết Lâu thu thập thông tin tình báo trong thiên hạ, Tây Hạ đã chẳng bị Bắc Uyên diệt quốc trong vòng vỏn vẹn hai năm.

Thẩm Bất Từ nói: "Không có." Dừng giây lát lại nói thêm: "Gần đây không có tin gì của Phụ Tuyết Lâu."

Triệu Miên hừ lạnh: "Giấu cũng kín ra phết."

Lúc này thợ cá họ Lý loay hoay mãi cuối cùng cũng có thu hoạch. Sau tiếng nước rào rào, Lý Nhị trèo lên bờ, tay ôm một con cá trích to tổ chảng còn đang quẫy đuôi đành đạch, trông phải đến hai cân rưỡi, ba cân.

Lý Nhị xách cá đi về phía Triệu Miên, cả người sũng nước. Quần áo ướt đẫm dán vào ngực hắn phác họa thân hình thon gầy rắn rỏi. Hắn lắc đầu rũ nước trên tóc văng ra tứ phía: "Tui dùng lửa của mấy người được không?"

Triệu Miên không trả lời, coi như ngầm đồng ý.

Lý Nhị chắp tay trước ngực, khom mình với Triệu Miên thay lời cảm ơn, tiện tay vứt cá sang bên cạnh, vắt bộ đồ đẫm nước trên người: "Thực ra tui không thích ăn cá đâu. Hôm nào cũng ăn, ăn nhiều quá chán ngấy cả ra." Nói đoạn hắn quay sang cậu chàng Chu Hoài Nhượng trông có vẻ dễ tính hơn nhiều so với chủ nhân, ướm hỏi: "Tui đổi cá lấy canh gà trong tay cậu được không tiểu huynh đệ?"

Lần này Chu Hoài Nhượng không hề ngố: "Ai biết cá ngươi nướng ăn có ra gì không."

"Cậu thử một miếng là biết ngay mà." Lý Nhị mổ cá bằng động tác thuần thục: "À phải rồi, cậu có ăn cay không nhỉ?"

Triệu Miên biết khẩu vị của Chu Hoài Nhượng. Cậu chàng thích món ăn giữ nguyên cái vị tự nhiên của nó, không ưa những món cay nồng và nhiều dầu mỡ, người ở Thượng Kinh Nam Tĩnh hầu như đều có khẩu vị này. Dân Đông Lăng thì ngược lại, họ thích cay, thích tê, cứ như không có vị cay thì không phải là cơm vậy.

Câu hỏi của Lý Nhị... nghe có vẻ thật tình cờ.

Chu Hoài Nhượng đang định trả lời thì Triệu Miên đã nói chen: "Cá gì mà cá, có gà còn chưa đủ với ngươi sao?"

Điện hạ đã lên tiếng thì Chu Hoài Nhượng nào dám không nghe: "Đúng, ta không ăn cá, ta chỉ thích gà!"

Lý Nhị nhún vai như thể chẳng quan tâm lắm: "À."

Ăn trưa xong, nhóm người cơm nước no nê tiếp tục lên đường. Triệu Miên ngồi trong xe đọc sách, Chu Hoài Nhượng ngồi cạnh hầu trà.

Không gian trong xe rộng rãi đủ để bày một bàn trà vuông và một tủ sách nhỏ. Trên bàn đặt trái cây và mứt quả, Triệu Miên ngồi sau bàn, một tay chống má, một tay lật binh thư.

Chu Hoài Nhượng dúi cho Triệu Miên một quả táo đã rửa sạch, hỏi: "Sao ban nãy điện hạ không cho thần đổi đồ ăn với Lý Nhị vậy?"

Triệu Miên lật sang trang tiếp theo: "Ngươi nghĩ sao? Cô không ăn táo."

Chu Hoài Nhượng bèn lấy táo về tự ăn, suy nghĩ rồi đáp: "Chẳng lẽ vì sợ hắn hạ độc?"

"Vì khẩu vị của ngươi rặt mùi Nam Tĩnh, có thể làm bại lộ thân phận của chúng ta." Triệu Miên bất lực sâu sắc, cáu um lên: "Đồ ngố!"

Chu Hoài Nhượng nghe mắng vẫn cứ tươi hơn hớn: "Ồ hóa ra là thế, điện hạ thông minh ghê. Nhưng mà không phải ta muốn ăn cá đâu, ta biết điện hạ thích nên mới muốn đổi cho điện hạ ăn á."

Phụ hoàng từng dùng ba từ "ngốc nghếch, ngây thơ, ngọt ngào" để hình dung Chu Hoài Nhượng, còn bảo y rằng kiểu người này có sức hút đặc biệt riêng. Triệu Miên chẳng thấy Chu Hoài Nhượng có miếng sức hút nào, nhưng nhìn nụ cười ngời sáng của cậu thì cơn tức đang ngo ngoe trào lên của y lại bỗng dưng dịu xuống.

Chu Hoài Nhượng ngây thơ và ngốc nghếch thật, nhưng cậu chàng chưa một lần gây cản trở cho y, chưa một lần nào.

Giọng Triệu Miên nghe có vẻ thản nhiên: "Cô không thích ăn cá đến thế."

Thẩm Bất Từ cưỡi một con tuấn mã màu đen từ tốn đi cạnh xe ngựa, vừa phải chú ý hai chiếc xe, vừa phải để tâm đến tình huống xung quanh, không bỏ qua bất cứ động tĩnh nào.

Đường nhỏ quanh co sau giờ Ngọ chỉ có đoàn người bọn họ. Cây cối đứng yên vì trời không có gió, chỉ nghe thấy tiếng vó ngựa và bánh xe lạo rạo.

Đột nhiên một cơn gió thổi qua khiến lá cây vang lên xào xạc. Thẩm Bất Từ hơi nhích vành tai, bắt được hơi thở không tầm thường lẫn vào trong gió.

Hắn ghìm cương dừng ngựa, liếc nhìn xung quanh, thầm tìm kiếm nơi có điểm bất thường để tránh đánh rắn động cỏ. Khi đã xác định suy đoán trong lòng, hắn mới quay ngựa bẩm báo Thái tử điện hạ: "Công tử, có người theo dõi chúng ta."

Chu Hoài Nhượng phụt hạt táo trong miệng ra: "Úi?!"

Triệu Miên hơi giật mình, hỏi: "Chắc không?"

Thẩm Bất Từ gật đầu khẳng định: "Thuộc hạ chắc chắn, ít nhất có hai người. Hai người này thân thủ bất phàm, bộ pháp nhẹ nhàng, có thể là con gái."

"Thích khách đấy!" Chu Hoài Nhượng cuống cuồng bảo vệ trước mặt Triệu Miên: "Hộ giá! Hộ giá mau! Huynh còn trơ ra đấy làm gì hả lão Thẩm, mau gọi ảnh vệ dò đường phía trước quay về!"

"Đừng hoảng." Triệu Miên đẩy đầu Chu Hoài Nhượng sang bên cạnh, trấn tĩnh nói: "Chưa chắc mục tiêu của "thích khách" đã là chúng ta."

Y rời nhà đã nửa năm, đi từ Nam Tĩnh đến Đông Lăng chưa gặp thích khách nào. Không tính tên khốn Vạn Hoa Mộng âm hiểm - vì có khả năng cổ độc chỉ là trùng hợp thôi.

Cho dù y bị lộ thân phận thì người Nam Tĩnh không động đến y, người Đông Lăng và Bắc Uyên cũng không dám động đến y. Thích khách không đến sớm, không đến muộn, lại đến đúng lúc y đang dẫn tên bán cá Lý Nhị kia theo, chuyện này đủ để nói rõ rất nhiều vấn đề.

"Mục tiêu không phải điện hạ á?" Chu Hoài Nhượng ngớ ra: "Thế là ta à?"

Triệu Miên cạn lời: "Bảo sao hồi xưa phụ hoàng chọn ngươi làm thư đồng cho Cô, Thừa tướng lại phản đối gay gắt thế, suýt thì cãi nhau to."

Bây giờ Chu Hoài Nhượng mới nghe thấy vụ này, mặt mũi tái mét ra, cậu chàng lẩm bẩm: "Sao cơ? Thần phạm sai lầm tày trời thế á..."

Thẩm Bất Từ nói: "Ý điện hạ là có thể "thích khách" kia đến vì Lý Nhị."

Chu Hoài Nhượng càng lớ ngớ: "Nhưng ai lại đi hành thích một tên bán cá?"

Nếu thích khách không muốn lấy mạng Lý Nhị, thì có lẽ là muốn cứu mạng Lý Nhị.

Triệu Miên nhanh chóng quyết định: "Có một cách đơn giản để phán đoán ý đồ của họ." Y nhìn Thẩm Bất Từ: "Hành sự theo ánh mắt của ta."

Thẩm Bất Từ đáp: "Vâng, xin nhờ điện hạ."

   —————
Lời tác giả:
Mẹo từ chức của Lão Thẩm: Lãnh đạo hỏi tui, tui bảo "Vâng".
Con lạnh lùng cao quý thế này thì uy nghiêm của Thái tử điện hạ biết ném đi đâu? Mau xách cặp sang học cậu Chu kìa!

(*) Chú thích:
[1] Bản gốc: Tằng kinh thương hải nan vi thủy. Câu đầu bài thơ Ly Tứ Kỳ 4 của Nguyên Chẩn, nghĩa là từng qua biển lớn thì không màng gì thứ nước tầm thường nữa. Ngụ ý biểu đạt tình yêu trung trinh, không thay đổi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro