Chương 12: Hương hỏa Mân Nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Edit: Wis
Beta: Janeyeno

Miếu Tam Quan

***

Đã ăn rất nhiều tân nương rồi? Giải Nguyên Chân hỏi: "Sao lại có chuyện như thế?"

Tiểu nhị run lẩy bẩy, do dự không trả lời.

Vệ Ách thản nhiên gõ nhẹ vào thanh đao Hộ Tát, tiểu nhị giật bắn, lập tức khai rõ đầu đuôi tin đồn: "Đám người họ Hồ hỏi vợ từ thôn khác cũng nhiều năm rồi, nhưng cô nào cô nấy gả xong là biến mất tăm. Chả phải bị ăn thì còn thế nào nữa?"

Thời xưa, sau khi chạy từ Trung Nguyên tới đất Mân để tránh chiến loạn, người họ Hồ bị những gia tộc bản địa tìm cách đuổi đi. Do vậy, bọn họ bèn xây dựng một thổ lâu to như pháo đài để làm nơi sinh sống cho cả dòng họ. Mỗi khi xảy ra xung đột, nhà Hồ sẽ đóng cửa cài then, sau đó bắn tên qua cửa sổ cao. Hai bên dây dưa gần mấy chục năm mới miễn cưỡng đạt được thỏa thuận song phương tồn tại.

Ban đầu, mọi việc vẫn ổn.

Cho đến khi con trai út của trưởng họ Hồ đột nhiên cưới vợ từ nơi khác.

Kể từ lần rước dâu xa thôn đầy chớp nhoáng, cứ cách vài năm, dòng họ Hồ lại đưa một cô gái khác từ bên ngoài về thổ lâu, vừa gả xong là mất tăm mất tích.

"Chúng tôi là người ngoài nên đâu có vào được trong, không rõ là mấy nàng dâu kia giờ sống chết ra sao, nhưng mà chả thấy nhà họ tổ chức đám tang bao giờ. Con gái bản địa được gả qua cũng như biến thành người khác ấy!" Tiểu nhị hạ giọng: "Mấy cô ấy ra ngoài mua đồ, tiện đường ghé nhà mẹ đẻ, đang yên đang lành mà hỏi chuyện làm dâu thì mặt biến sắc xong im thin thít. Cô nào cô nấy nói qua loa vài câu rồi quay về luôn, cứ như có quỷ đi theo nhìn chằm chằm."

Giải Nguyên Chân nghe vậy liền cau mày: "Đã biết trong thổ lâu có người chết mà mấy người còn dám gả con gái vào à?"

Tiểu nhị thản nhiên đáp lời: "Người họ Hồ có của ăn của để, lại là gia tộc lớn tới từ phương Bắc. Gả được con gái vào bên đó, sính lễ cũng đủ cho cả nhà áo ấm cơm no, tốt như thế thì ngu gì mà không chịu! Dù sao cũng là con gái bản địa, anh em chú bác ở ngay trong trấn, bọn họ cũng chẳng dám đụng tới, đúng không?"

[Hừ! Lắm lời, nói thẳng ra là bọn họ trọng nam khinh nữ, coi con gái trong gia đình như đồ vô giá trị!]

[Không dám đụng tới á hả, mấy người này thấy bán con gái được lời thì có!]

[Trước đây, tình trạng trọng nam khinh nữ ở Mân Nam rất nặng nề, nhiều gia đình sinh hết đứa này đến đứa khác chỉ vì muốn có con trai nối dõi tông đường.]

Trong phòng livestream, hàng loạt bình luận mắng mỏ liên tiếp hiện lên.

Giải Nguyên Chân chán ghét cau mày: "Trong phủ chưa có ai chú ý đến chuyện này à?"

"Ây dà, câu này mà còn phải hỏi sao?" Tiểu nhị đáp: "Mấy cô gái kia đều có gốc gác từ nơi khác, nhà gái bên đó thu tiền xong là gả con đi rất xa. Bọn họ coi như con mình chết từ lâu rồi, chẳng ai chịu đứng ra. Làm gì có quan sai nào ăn no rửng mỡ, tự chuốc lấy phiền phức vào thân?"

Vệ Ách ngắt ngang mấy câu lảm nhảm của tiểu nhị: "Lần gần đây nhất có cô dâu nơi khác được gả vào là khi nào?"

Cậu vừa dứt lời, nét mặt của đối phương liền thoáng qua vẻ sợ hãi.

Tiểu nhị lo lắng liếc nhìn đường phố, như đang dè chừng có người họ Hồ đột nhiên xuất hiện. Lát sau, cậu ta mới nuốt nước bọt trả lời: "Bảy... bảy năm trước." Tiểu nhị hơi ngừng lại, nhỏ giọng tiếp tục: "Sau đó, thổ lâu đó liền trở nên cực kỳ, cực kỳ kinh khủng!"

Dòng họ Hồ chưa bao giờ chọn ngày hoàng đạo để rước dâu từ nơi khác.

Người dân trong trấn âm thầm nhẩm tính, thời gian bọn họ đón dâu ngoại tỉnh càng ngày càng xấu. Cô dâu mới đến được khiêng trong một chiếc kiệu trên sào trúc, đoàn đón dâu luôn đi đường vòng ngoài trấn, dường như muốn tránh mặt cư dân bản địa.

Đoàn đưa dâu càng thận trọng bao nhiêu, sự tò mò của những thanh niên trong trấn càng bị khơi dậy bấy nhiêu.

Mỗi lần nhà Hồ rước dâu, đám trai tráng người bản địa đều lặng lẽ dán mắt vào rèm kiệu, bởi vì đây là vị trí dễ dàng để lộ sơ hở nhất.

Thật trùng hợp.

Vào lần đón dâu cuối cùng, chiếc kiệu bị trượt trong lúc đang băng qua sông, rèm kiệu lay động, mấy thanh niên trốn ở gần đó đều thoáng thấy dáng vẻ của cô gái ngồi bên trong. Tóc của nàng búi cao, phía trên quấn thêm một con rắn nhỏ vảy vàng. Da mặt của nàng thoa phấn đến trắng bệch, hai bên má điểm tô những nốt đỏ hồng, một mảnh vải đen buộc ngang che đi đôi mắt.

Nàng tựa như xác chết, chẳng hề mang dáng vẻ của một tân nương.

Vào lúc chiếc kiệu bị trượt nghiêng, cô dâu hét lên "Á!" một tiếng. Chấm đỏ nơi khóe miệng rạn nứt, con rắn cuộn bên trong tóc thè ra chiếc lưỡi đỏ tươi.

Đám thanh niên trong trấn bị dọa một phen hú hồn, chiếc kiệu vừa đi ngang qua đã lập tức bỏ chạy.

Sau khi cô dâu cuối cùng được đón vào thổ lâu, những sự việc kỳ lạ bắt đầu xuất hiện.

Năm năm đầu, thổ lâu vẫn sinh sống yên ổn.

Tuy vậy, vào một đêm khuya của hai năm trước, ánh lửa liếm trời ngùn ngụt bốc lên từ phía bên sông. Người trong trấn thầm nghĩ cháy lớn rồi, nhưng chỉ qua một đêm, tòa nhà họ Hồ đã trở về dáng vẻ nguyên vẹn.

Kể từ lúc đó, những sự việc kỳ lạ liên tiếp xảy ra.

Vào buổi tối, người dân trong thị trấn có thể nghe được tiếng cười và tiếng kêu tức tưởi vọng tới từ thổ lâu. Một thời gian sau, ngay cả vào ban ngày, những âm thanh thảm thiết ấy cũng xuất hiện.

Đám trai tráng từng nhìn trộm kiệu tân nương đều thề thốt rằng đó là tiếng hét của cô dâu từ nơi khác tới, bởi vì nó y hệt như tiếng "Á" mà họ đã nghe thấy vậy.

Lúc đầu, người trong thổ lâu còn im hơi lặng tiếng như chưa có chuyện gì xảy ra.

Sau này, tiếng cười xuất hiện ngày một thường xuyên, nhà họ Hồ đứng ngồi không yên, ngày nào cũng ra ngoài mời thầy thuyết giáo và sư công (*) quanh vùng lân cận.

(*) 师公 (pinyin: shī gōng): một cách gọi khác của đạo sĩ (người tu hành theo Đạo giáo). Lưu ý, "sư công" (người tu hành theo Đạo giáo) khác với "sư" và "ni" (người tu hành theo Phật giáo).

"Trước khi vào Lâu Chấn Viễn, tinh thần của các sư công và thầy thuyết giáo vẫn còn ổn định, nhưng đến lúc trở ra thì cứ như bị dọa cho phát điên, mồm miệng lải nhải không ngừng. Người nào người nấy đều lẩm bẩm mấy câu tôi không biết, tôi thực sự không biết, đừng ăn thịt tôi, đừng ăn thịt tôi." Tiểu nhị rùng mình, ánh mắt tràn đầy hoảng sợ: "Mời bảy sư công thì cả bảy đều phát điên, mấy thầy thuyết giáo ở quanh đây không còn ai dám nhận lời mời của nhà bọn họ nữa."

Vệ Ách khẽ động.

Bảy sư công phát điên rồi liên tục lải nhải "đừng ăn thịt tôi". Những lời này có phần tương tự với câu ca dao kinh dị mà lũ quỷ con đui mù thốt ra trong khi kéo người vào kết giới Địa Phược của Sàng Mẫu. "Chơi trốn tìm, làm thuốc rồi làm thức ăn, gặm tim gan trước rồi cắn phổi sau". Sau khi sư công và thầy thuyết giáo vào lâu Chấn Viễn, bọn họ cũng nghỉ tại gian phòng trống như người chơi.

Suy đoán của Vệ Ách thay đổi liên tục, nhưng đoản đao vẫn kề sát vào ngực tiểu nhị.

Dưới khung cảnh ngược sáng, thanh niên tóc bạch kim mi dài mặt lạnh, môi đỏ như máu, dáng vẻ kiều diễm toát ra sự tàn nhẫn, tựa hồ có thể không nói không rằng tiễn một mạng người.

Cậu chẳng đáp nửa lời, nhưng tiểu nhị vẫn run rẩy khai tiếp: "... Bảy người đi vào thì điên hết cả bảy. Nhà họ Hồ có ra giá cao đến mấy thì thầy truyền giáo Đoan Công ở gần đây cũng không dám nhận nữa. Nhưng bọn họ cũng không phải dạng vừa, sau này, họ Hồ mời được một sư công khoác áo vàng không rõ là người đến từ đâu. Ấy thế mà vị sư công này cao tay vô cùng! Ông ta ở trong thổ lâu bảy ngày, sau khi rời đi thì tòa nhà đó chả còn âm thanh gì nữa."

Sống trong thổ lâu bảy ngày, sau khi rời đi thì tòa nhà liền trở nên yên tĩnh.

Vừa khéo, hệ thống cũng yêu cầu người chơi phải ở trong thổ lâu tròn bảy ngày.

Thời gian của hai lần bằng nhau, việc này không giống như trùng hợp.

Giải Nguyên Chân bước tới hỏi: "Vị sư công khoác áo vàng này đến từ đâu?"

"...Chuyện này tôi cũng không rõ." Tiểu nhị ngập ngừng đáp lời.

Vệ Ách chẳng buồn bố thí thêm một cái liếc mắt đã lập tức nâng lưỡi đao. Tiểu nhị liều mạng lùi về phía sau, giọng điệu gần như nức nở: "Ông ơi! Ông của con ơi, tiểu nhân thật sự không biết, không biết mà! Nhà họ Hồ giàu có, bạc trắng xài không hết, bọn họ sang trấn khác mời được người tài, hạng nghèo kiết xác như tiểu nhân sao mà quen được?"

"Bảy tên điên kia bây giờ ở đâu?" Vệ Ách khẽ nhướng mày.

Vậy mà tiểu nhị này cũng biết được vài điều.

"Một người quê ở nơi này, hai người khác đến từ thị trấn bên cạnh, mấy người còn lại đều sống trong vòng vài dặm quanh đây. Sư công của trấn chúng tôi mê cờ bạc, ông ta hay ở trong một căn nhà dột nát, nay đây mai đó. Chắc là bây giờ đang trọ tại ngôi đền miếu nào đấy bên ngoài trấn."

——

Nhiệm vụ không miêu tả hay nêu tên của "vật" mà người chơi phải tìm, chỉ biết, kim la bàn sẽ nảy sinh phản ứng trong phạm vi ba trượng xung quanh "vật". Bất kể trấn Thất Ước có nhỏ đến đâu, nếu không có đầu mối để tìm kiếm thì bọn họ cũng chỉ như những con ruồi không đầu. Sau khi nghe được tin tức về "tân nương nơi khác" và "bảy thầy thuyết giáo điên" từ miệng của tiểu nhị, Vệ Ách và Giải Nguyên Chân nhanh chóng chạy tới ngôi đền nằm ngoài thị trấn.

Ban đầu, khi tiếp xúc với bối cảnh phó bản trong trò chơi mới, thứ gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với Vệ Ách chính là "cung miếu".

Chiếc xe ba gác chạy trên một con đường đất, cứ cách một đoạn sẽ đi qua một tòa miếu am kiểu Phúc Kiến. Khi đó, tình trạng của Vệ Ách không cách nguy kịch bao xa, đầu đau như búa bổ, thị lực suy giảm gần về không. Tuy vậy, từ những đường nét và màu sắc đơn giản, cậu vẫn có thể miễn cưỡng nhận ra những đá xám, gạch, ngói đỏ và kỹ thuật chạm khắc sứ cắt trong lối trang trí độc đáo của các ngôi đền Phúc Kiến.

Số lượng đền miếu tại nơi đây dày đặc đến mức có thể miêu tả như "ba bước một am, năm bước một miếu".

Qua hai con phố là miếu Thổ Địa, sau hai lối rẽ là miếu Quan Công, dọc theo ven sông, hai Quán Thủy Quan Âm (*) cách nhau không quá một trăm bước.

(*) Tiếng Trung: 水观音亭

Theo ước tính sơ bộ của Vệ Ách, một trấn Thất Ước nho nhỏ có ít nhất ba, bốn mươi ngôi đền quán Đạo giáo.

Ấy là còn chưa kể đến những ngôi đền nằm rải rác trên cánh đồng hoang.

Theo lời của tiểu nhị, vị "sư công" hóa điên sau bước vào thổ lâu hiện đang nương náu tại một cung miếu bên ngoài trấn. Ngôi miếu cổ nằm xa trấn nhỏ, với sự xuất hiện ngày một dày đặc của các đền quán, số người ghé thăm nơi này ngày một thưa thớt. Ngay cả tiểu nhị của tiệm may cũng không nhớ ngôi miếu đó thờ thứ gì.

Hương lạnh khói tàn vương bàn thờ cúng, người trông coi miếu chẳng màng để tâm, lâu dần, nơi này đã trở thành điểm tá túc của mấy kẻ ăn mày, sư gia và thầy lang.

Về phần "sư công áo vàng", lão ta đã trấn áp được tiếng cười quỷ quái sau bảy ngày bước vào lâu Chấn Viễn, nhưng tin tức về kẻ này đã đứt đoạn từ lâu. Những thầy truyền giáo còn lại cũng ở cách trấn Thất Ước khá xa.

Vệ Ách và Giải Nguyên Chân quyết định tới tìm vị sư công có khả năng đang trọ tại cung miếu này đầu tiên.

Quãng đường từ trấn Thất Ước đến miếu cổ không ngắn. Xuất phát từ nỗi sợ với tên sát thần Vệ Ách, tiểu nhị chẳng những không tính tiền chiếc nón tre gắn mành, mà còn kiếm hộ tổ tông tóc bạch kim này thêm một cỗ xe lừa. Lúc này, cỗ xe đang chạy xóc nảy trên một con đường hoang vắng, lắc mạnh đến mức khiến Vệ Ách muốn nôn mửa.

Lúc bọn họ rời khỏi thổ lâu, tình trạng của Vệ Ách vẫn tạm ổn. Tuy vậy, chẳng rõ có phải bởi vì ban sáng cậu bị tà vật bóp cổ hay không, mà dấu tay sau gáy vẫn còn vương lại cảm giác buốt lạnh. Thời gian dần trôi, cái lạnh này khoét sâu vào xương tủy, khiến những vết thương thêm phần khó chịu.

Mỗi lần cỗ xe lừa lắc lư, cả người Vệ Ách cũng bị cảm giác đau đớn quấy nhiễu đến phát phiền.

Giải Nguyên Chân ngồi ở phía trước, liếc thấy sắc mặt của Vệ Ách không ổn, bèn hỏi cậu liệu còn có thể chịu được nữa không.

Khuỷu tay của Vệ Ách gác lên thành xe, nửa khuôn mặt mang theo dáng vẻ bệnh tật ngả nghiêng dưới bóng cây, làn da tái nhợt như quỷ, màu môi đỏ rực như máu.

Giải Nguyên Chân vừa dứt lời, cậu đã nhấc mi, ném ra ba chữ: "Chưa chết được."

Giải Nguyên Chân: "..."

Nói thật, nhìn giống sắp hẹo lắm.

Vệ Ách ốm yếu đến mức ngồi xe xóc nảy mà như sắp đứt hơi tàn. Tuy giọng điệu của cậu thiếu kiên nhẫn, nhưng Giải Nguyên Chân vẫn ghìm dây cương, giảm tốc độ của cỗ xe lừa.

Để tiễn sát thần, tiểu nhị mô tả quãng đường đến cung miếu vô cùng chi tiết, thậm chí còn đề cập đến những con mương và cây cối mà cậu ta gặp, chỉ thiếu điều đếm luôn số lượng sỏi đá trên đường. Sau khi băng qua con sông bao quanh trấn Thất Ước, lại đi thêm vài dặm, cuối cùng Giải Nguyên Chân và Vệ Ách cũng trông thấy một ngôi miếu tường xanh ngói đỏ nằm dưới gốc đa.

Cây đa cổ thụ cao vút trời, tán cây che phủ cung miếu âm u.

Trên đỉnh mái, lớp sứ chạm khắc vốn rực rỡ nay đã xỉn màu.

Đúng như lời tiểu nhị nói, nơi đây hương lạnh khói tàn, trước cửa miếu vắng bóng khách lễ bái. Cửa chính đóng chặt, bức hình hai vị thần được dán bên trên bên trên đã bong tróc. Ba chữ vàng in trên tấm biển nền đen: Miếu Tam Quan.

"Xem ra ngôi miếu này thờ phượng ba vị Tam Quan Đại Đế (*)." Giải Nguyên Chân vừa nói vừa dừng xe lừa, tiến lên bậc thang gõ cửa.

(*) Tam Quan Đại Đế hay Tam Giới Công là ba vị thần trên Thiên đình trong Đạo giáo và tín ngưỡng Trung Quốc. Tam Quan Đại Đế bao gồm: Thiên quan đại đế, Địa quan đại đế, và Thủy quan đại đế.

Vệ Ách bước xuống, nối gót theo sau.

Khoảnh khắc cậu đặt chân dưới mái hiên, mấy khóm trúc trong miếu bỗng dưng va vào nhau kêu xào xạc, âm thanh nhắc nhở của hệ thống đột ngột vang lên:

[—— Cảnh báo! Cảnh báo! Cảnh báo! Khu vực hiện tại quá nguy hiểm đối với với người chơi "máu cống phẩm"!!!]

[—— Cảnh báo! Cảnh báo! Cảnh báo! "???" Sắp —— Rè —— Cảnh báo "???" —— Rè...]

[— Rè —— Rè]

Cảm giác buốt lạnh sau gáy đột ngột ập đến. Tiếng nhắc nhở của hệ thống gặp trục trặc rồi bị cắt ngang, Vệ Ách thoáng chốc khựng lại.

Cánh cửa hé mở một tiếng "kẽo kẹt". Từ phía sau, một người coi miếu gầy gò bận áo bào xám xuất hiện.

"Khách nhân từ phương xa tới." Kẻ coi miếu ẩn nửa người dưới bóng cửa, giọng nói khàn khàn vọng ra: "Xin mời... vào."

Tác giả có lời muốn nói:

Miếu Tam Quan ở Mân Nam còn gọi là "miếu Tam Giới Công".

Tiếc là Tấn Giang không cho phép chèn thêm cách phát âm từ vựng. Từ "khách nhân" trong tiếng Phúc Kiến rất thú vị, gần với lang (hai âm) ka (bốn âm). "Khách" và "khách" không giống nhau, cách đọc lang (hai) ka (bốn) ở Mân Nam mang một ý nghĩa đặc biệt, có ai biết không nhỉ?

Bình luận trên Tấn Giang: Ngoài việc dùng để xưng hô với các vị khách là con người, từ "khách nhân" trong tiếng Phúc Kiến còn ám chỉ những yêu ma quỷ quái. Trước đây khi đứa con lớn của tôi được vài tháng tuổi, có một khoảng thời gian trong đại dịch, con bé liên tục khóc rống không ngừng. Về sau gia đình tôi phải mời một trưởng bối biết nhiều về phương diện này đến, ông ý ôm lấy cục cưng nhà tôi, trong miệng lẩm bẩm câu gì đấy mà tôi nghe không rõ lắm. Tôi chỉ hiểu đúng một câu là: "Đứa bé còn nhỏ, mời khách nhân rời đi." sau đó, trưởng bối còn đốt bùa các thứ. Tôi không có ý tuyên truyền mê tín, chỉ kể lại mấy thứ tôi đã nghe đã thấy thôi.

Weibo: 洛夏葚

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro