Bút ký của thi nhân - Bức thư cuối cùng viết cho Eun-kyo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đã mua xong chiếc vé xe ngựa hẹn trước đến với cái chết.

Nghe tôi này, "trinh nữ" của tôi – Han Eun-kyo. Tối qua, trong mơ, tôi đã đến chỗ bán vé ở một thế giới khác để định ngày chết. "Nếu có thể, tôi muốn được ngồi trên xe ngựa ngay ngày hôm nay." Tôi vừa nói vậy, người bán vé liền mỉm cười trả lời. "Vẫn còn nhiều hành khách đang đợi kia kìa."

Người bán vé mặt dài, tai cũng dài, giống hệt một chú lừa. Anh ta trông rất buồn cười, tôi không nhịn được liền cười phá lên.

"Chúng tôi không thể phát vé theo nguyện vọng cá nhân, nhưng chúng tôi có thể đăng ký tên ông vào danh sách những người đợi xe."

Nghe anh ta giải thích xong, tôi rất bực tức. Cả đời đã phải xếp hàng, lẽ nào ở đây tôi cũng phải vậy sao?

"Nếu muốn, chúng tôi có thể bán cho ông các loại công cụ. Có rất nhiều dao và súng các loại, cả dây thừng ni-lông, dây thừng lụa, loại rẻ còn có lưỡi dao cạo. Nhưng một khi đến đây chịu xét xử, thì ông sẽ không nhận được sự xét sử chính thức của chế độ tam thẩm được tôn kính. Dù vậy, ông vẫn còn muốn sử dùng công cụ nữa chứ?" Người bán vé bổ sung thêm.

Tôi lắc đầu. "Không, tiếp tục đợi là được chứ gì? Được xét xử chính thức vẫn hơn." Người đó nhún vai, tôi lại không nhịn được, cười phá lên. Bởi tai người bán vé dài quá, cứ đung đưa theo gió.

"Cười gì vậy?"

"Anh... ha ha... trông giống chú lừa."

"Quạ cười lợn đen. Ha ha, câu tục ngữ này ở chỗ các ông cũng dùng đấy." Người bán vé nhìn tôi, phá lên cười to còn khủng khiếp hơn tôi.

Dù thế nào, tên của tôi cũng đã đăng ký trong danh sách người đợi xe rồi. Cứ đợi thế, trước khi mùa xuân đến rất có thể tôi cũng có thể được ngồi lên xe ngựa. Trong thời gian ngồi đợi, tôi nghe thấy mọi âm thanh của thế giới, thường là tiếng cười, giống như nhà thơ người Pháp - Henri Michaux vậy.

Khi thời thanh niên kết thúc, tôi lạc vào một ao đầm nào đó, chỗ nào cũng phát ra tiếng gào thét. Có người nói với tôi: "Nếu không có dũng khí tự gào thét với mình, vậy có nghĩa là ông cũng không thể hiểu được tiếng gào thét ấy, cho nên giờ hãy gào thét lên đi." Nhưng tôi không thể gào thét được.

Mấy năm qua đi, tôi trở nên vững chắc hơn trước. Tôi nghe thấy có tiếng gì đó kêu kẽo kẹt. Chỗ nào cũng có thể nghe thấy âm thanh kỳ dị đó. Tôi cũng muốn phát ra âm thanh ấy, nhưng đó không phải tiếng kêu mà cứ mím hai môi lại là có thể phát ra được.

Âm thanh kẽo kẹt ấy kéo dài hơn hai mươi năm. Tất cả các vật thể đều phát ra đủ thứ âm thanh, đến tiếng gào thét cũng nghe càng ngày càng rõ. Tôi bắt đầu cười lớn. Giờ đây tôi đã mất hy vọng, bởi vậy trong tiếng cười của tôi có các kiểu tiếng gào thét, có cả tiếng kẽo kẹt. Cứ thế, tôi vừa tuyệt vọng đồng thời cũng rất thỏa mãn.

Nhưng tiếng gào thét không dừng lại, tiếng kẽo kẹt cũng không dừng lại, tiếng cười của tôi cũng không thể dừng lại được. Cho dù khi cười cũng có cả những nỗi khổ đau, nhưng vì sự thỏa mãn của nội tâm, đành mang các âm thanh ấy vào trong nụ cười.

Thế giới đáng ghét này, thời gian trôi đi như vậy. Thời gian, hiện tại cũng đang trôi đi...

(Trích từ tác phẩm Tiếng kẽo kẹt của Henri Michaux.)

Hôm nay cô mua một bó hoa sao đến tặng tôi. Tôi mơ hồ chỉ nhìn thấy bóng dáng mờ mờ của nó.

"Ông nội... ông xem này. Cứ nhìn hoa sao là cháu lại nghĩ ngay đến dải ngân hà."

"Dải ngân hà kia đấy!" Giọng tôi đục ngầu.

Tôi ngồi trên giường bên phòng sách, cô ngồi trên ghế của phòng sách. Giữa cô và tôi có một chiếc rèm mỏng tết bằng lau. Mười mấy ngày trước, tôi đã tự tay treo nó lên để che đi cái giường.

"Nếu cuốn rèm lên hoặc đi qua cái rèm đó, tôi sẽ không bao giờ gặp cô nữa!" Chiều hôm đó tôi đã dọa cô như vậy.

Cô vừa dẩu môi vừa nói: "Cái gì ạ, thật trẻ con!"

Từ hôm treo rèm, hôm nay là lần thứ ba tôi gặp cô.

Khắp mặt tôi chi chít những biểu hiện của bệnh tật, trông xấu hơn ai hết. Không chỉ là vết đồi mồi, tóc rụng từng nhúm nhỏ, mà mặt cũng phù lên, hố mắt sâu trũng. Bác sĩ nói khối u đã di căn đến gan. Không chỉ bệnh suy thận, mà bệnh viêm võng mạc biến chứng của tiểu đường cũng đang dần nghiêm trọng, đến mức nhìn mọi thứ đều rất mơ hồ, phải đeo chiếc kính mới lắp mới có thể cố nhìn rõ nét chữ. Bác sĩ cảnh cáo có thể sẽ hoàn toàn không nhìn thấy gì, điều đó có thể rất nhanh chóng sẽ xảy ra thôi. Không thể nhìn thấy cô, thậm chí không thể viết thư cho cô. Nhưng tôi vẫn khăng khăng từ chối tất cả mọi phương pháp trị liệu.

"Ông chỉ cần kê cho tôi chút thuốc giảm đau. Bệnh mà, có phương pháp chữa tại nhà." Tôi cười nói với bác sĩ. Phương pháp chữa tại nhà của tôi là rượu. Uống rượu mỗi ngày, tình trạng sức khỏe của tôi đương nhiên sẽ xấu đi nhanh chóng. Cảm nhận được mình suy sụp, tôi lại rất vui. Bởi vì "xét xử" bản thân chính là tuyên cáo cuối cùng của tôi trong đời. Chỉ là để Eun-kyo trông thấy hình dáng xấu xí của mình, tôi đau lòng lắm. Cô ấy rực rỡ hơn tất cả ánh mặt trời trên cõi đời này, làm sao tôi có thể để cô ấy nhìn thấy dáng vẻ ngày càng trở nên xấu xí, tàn tạ của mình được chứ?

"Để hoa này ở đầu giường của ông nội, ông sẽ coi nó như cháu ở bên nhé."

Cô cắm hoa sao vào bình, đưa đến bên rèm. Tôi nhận lấy, để hoa ở đầu giường.

"Hoa sao biểu thị cho trái tim trong sáng, sự hứa hẹn, niềm vui đấy."

Tôi định nói hoa sao màu trắng còn tượng trưng cho cái chết... nhưng lại thôi. Tôi không muốn làm hỏng ngôn ngữ hoa đáng yêu của cô.

"Hôm nay ở trường có một chuyện buồn cười lắm. Ông biết biệt danh 'vạt áo lộ ra' không, ha ha, là chủ nhiệm lớp chúng cháu..."

Cô ấy nói ríu rít như chim sơn ca vậy, nói đủ thứ chuyện, từ chuyện xảy ra ở trường học, đến những người bạn, về mẹ và em gái... Tôi cứ lặng yên nghe. Cô có biết không? Từng lời nói của cô khi truyền vào trong tai tôi, hình thành sự cộng hưởng, biến thành bài hát hay nhất trên thế gian này.

Nếu không tin tình yêu, có ai sẽ đi thờ phụng giọt sương sớm

Ánh nắng ban mai soi qua em chiếu vào mỗi góc của thế giới

Đèn lồng trong nội tâm tôi đào thành sào huyệt

Mà không biết con chim mỗi tối đều sẽ rời xa

Cuối đường bờ biển

Tiếng kêu nào đó đang lặp lại

(Trích từ tập thơ Núi chuyển, nước không chuyển.)

"Ông nội, ngày mai cháu chuyển nhà." Khi mặt trời hơi chếch phía tây, cô nói như vậy. "Mùa xuân sẽ có người xây biệt thự ở khu nhà cháu, chúng cháu sẽ dọn đến gần nhà tắm, chỗ mẹ làm việc."

"Thế cũng được, có điều cô phải đi học xa." Tôi lén nhìn phía bên kia rèm cửa, cô đang xoa hai tay.

"Hiện nay, cũng sắp vào năm thứ ba trung học rồi, cháu sợ... không thể đến chỗ ông nội thường xuyên như bây giờ được."

Câu nói mà tôi quyết tâm nói ra, cô đã nói trước.

Hôm ấy, trước khi cô đến, tôi đã hạ quyết tâm, kể từ giờ dứt khoát không cho cô đến nữa. Tôi định nếu cô không nghe lời, tôi sẽ đóng đinh ở cổng lớn để ngăn cô đến. Không, chuyện đóng đinh ở trên cổng lớn không phải là lần đầu tiên, sau khi Seo Ji-woo chết, kế hoạch đầu tiên mà tôi nghĩ đến là phải đóng đinh ở trên cổng lớn. Tôi đã là ông lão "dị hình" hay "tội phạm" rồi, đáng để người đời xa lánh. Cho nên, tôi chỉ chưa đóng đinh trên cổng lớn mà thôi, thực ra tôi đã hoàn toàn giam mình rồi. Cô là người khách duy nhất, nếu cô không đến, cũng không có ai đến cả, cho nên cũng không cần thiết phải đóng đinh nữa.

Nhà đã biến thành nấm mồ của tôi.

"Cho dù cô đến tôi cũng không có nhà. Tôi đang định đi bệnh viện hoặc đi viện dưỡng lão." Tôi nói.

"Ông định đi đâu?"

"Sau này tôi sẽ gọi điện nói với cô."

"Ông định vứt bỏ cháu qua một bên sao?"

"Không phải, cô về đi. Tôi mệt, phải nghỉ ngơi rồi!"

Sắc trời tối dần. Cửa sổ phía tây ánh lên màu đỏ. Chính từ cửa sổ ấy, tôi nhìn trộm thấy Seo Jiwoo và cô đang khỏa thân ôm nhau.

"Ông nội, ông đưa tay ra xem." Lặng yên một hồi, cô mở miệng nói.

Tôi lắc đầu lặng yên không nói.

"Đưa ra đây, ông nội!"

"Không rửa tay... tay rất đen."

"Vậy hãy đưa bàn tay đen chưa rửa của ông ra đây." Cô cố chấp nói.

Rất nhanh rèm cửa bị vén lên, tay của cô thò vào bên này rèm. Tôi đờ ra nhìn. Bàn tay ấy giống như người yêu lâu ngày vậy, đầy những hồi ức.

Hôm đầu tiên cô đến nhà tôi ngồi ở trên ghế ngủ, tay của cô đặt rất tự nhiên trên tay vịn của ghế. Tôi vẫn còn nhớ tĩnh mạch đang chảy và động mạch hơi nhô lên trên mu bàn tay cô làm tôi tràn đầy cảm xúc. Bàn tay thon dài lướt trên kính cửa sổ nhà tôi đã từng bị bàn tay to của tôi bọc lại, bàn tay nhỏ nhắn đã từng kẹp trong cánh tay tôi, đã từng làm cho ông già như tôi máu nóng sục sôi. Tay cô thon nhỏ, trắng, rất mát mà lại rất mềm, giống như James Joyce đã miêu tả, đó là "ngà voi trắng mát, lại mềm mại".

Không thể phân biệt như vậy được

Tay của tôi nắm lấy tay em

Nên khóc hay như thế nào nhỉ

Tôi cũng vậy và em cũng vậy

Nhưng vẫn chưa chìa bàn tay ra

Thực tại em cũng không thể vậy.

(Trích từ tác phẩm Bàn tay của Park Namsu.)

Tôi có chút xúc động. Chỉ một lúc sau, tôi giơ bàn tay đầy vết chấm tuổi già, vừa đen lại vừa gầy khô giống như gỗ chết nắm lấy tay của Eun-kyo.

"Cháu nhớ lúc ngồi tại mỏm đá ở trên núi, ông nội đã nắm chặt tay cháu, lúc đó cháu đã gọi tay ông là 'chiếc bọc nhỏ' mà?"

"..."

"Như thế này này..."

Cô giở từng ngón tay của tôi ra, đặt nắm tay của cô vào lòng bàn tay tôi, sau đó lại cụp từng ngón tay của tôi lại, nắm trọn lấy bàn tay của mình. Nắm tay nhỏ nhắn của cô bị nắm trọn bởi "chiếc bọc nhỏ" của tôi một cách vừa vặn và hoàn mỹ. Chúng ta ngồi lặng yên không nói một hồi lâu, mãi đến khi hoàng hôn bên cửa sổ phía tây chuyển sang màu nâu sẫm. Từ bàn tay cô, tôi cảm nhận được nhịp đập rất mạnh mẽ.

"Cháu ấy à, sau này cũng muốn được như bàn tay này, đã từng như vậy với ông nội."

Lúc này tôi mở "chiếc bọc nhỏ" ra. Rèm lại buông xuống, ngăn cách bàn tay cô và bàn tay tôi.

"Tạm biệt!"

"Tạm biệt!"

Giọng nói mơ hồ ấy là lời cuối cùng của chúng ta. Cô bước xuống bậc thang, mở cổng lớn đi ra. "Thình thình thình" tiếng bước chân của cô đi trên cầu thang gỗ rất lâu sau vẫn còn vạng vọng bên tai tôi.

Có lẽ cô cũng phát giác, sau khi Seo Ji-woo chết, ngày nào tôi cũng sống qua ngày cùng rượu shochu, cả rượu tây nữa. Trong nhà chỗ nào cũng lăn lóc những vỏ chai rượu. Đa số đều là rượu của Seo Ji-woo mua đến. Lẽ nào cậu ta cũng dự kiến được cả việc này sao? Có rượu là đủ rồi. Rất lâu rồi tôi không có đồ nhắm rượu, cũng chẳng buồn nấu cơm nữa.

Rượu là thuốc độc, dùng sự tê tê cay cay của nó để kìm nén khổ đau, nó lại là thứ thuốc rất tốt. Tôi không chỉ từ chối thuốc, mà từ chối cả việc điều trị lọc máu cũng từ chối. Bởi không có người nhà, nên tất cả việc này đều do một mình tôi quyết định và được tiến hành một cách thoải mái. Khổ bao nhiêu, đau thế nào đều dùng rượu và moocphin để chấm dứt. Uống thế nào cũng không say. Cả ngày tôi ngồi thiền nhìn ra bụi cây ngoài cửa sổ, đợi thời gian trôi đi. Khi quá đau khổ, tôi cũng sẽ nằm xuống. Chưa đến một tháng, người tôi gầy đi một nửa.

Tôi cảm giác là vậy. Tuy khát vọng sâu sắc của tôi đối với cô vẫn chưa hoàn toàn giảm đi, nhưng, không còn ham muốn nóng bỏng như trước đây nữa, Đồng thời, sự hứng thú đối với cuộc sống cũng giảm dần. Tôi không nghe điện thoại, chuông cửa reo cũng không mở cửa. Tôi nói với mọi người mình về quê tĩnh dưỡng. Toàn bộ cỏ trong sân đã chết héo khô rồi.

Mùa thu qua đi như vậy, bụi cây mỗi ngày một trở nên xơ xác. Nó xơ xác như chủ nhân như nó vậy, bước những bước chân thư thả, chiếm lấy toàn bộ trái tim tôi. Bóng tối trườn như rắn theo chân núi đến vây quanh nhà tôi. Trên đời này không có xa có gần nữa, cuộc sống trước đây của tôi cũng đều bị lau đi. Từng cơn gió nhẹ quét qua người tôi, cứ qua một cơn, tôi lại nghe thấy đằng xa có ai đang thổi sáo.

Nhìn lại, cuộc sống của tôi cô đơn hơn ai hết, tình yêu lần đầu cũng là lần cuối cùng của tôi cũng đã trở nên vô vọng. Bởi vậy, tôi nghĩ xác thịt của tôi đã đến lúc phải thối rữa như hoa quả rồi. Hoa quả đã thối, cuối cùng hạt lộ ra chính là chết.

Tôi chỉ đang đợi cái chết mà thôi. Nếu có thể, tôi rất hy vọng có thể số đợi xe của tôi được gọi sớm. Nếu dùng rượu shochu có thể hối lộ người bán vé xe ngựa đi sang thế giới bên kia thì tốt biết nhường nào! Người bán vé có tai giống chú lừa ấy thường ở trong giấc mơ của tôi đã nhận rượu shochu của tôi. "Uống ngon quá." Anh ta chỉ nói vậy. Mỗi ngày như thế, tôi lại sẽ uống rất nhiều rượu shochu, nhiều một cách đáng ngạc nhiên, có lúc có ngày uống hết hơn tám chai.

"Tôi nói này, anh lừa ơi, đến bao giờ anh mới gọi đến số của tôi? Anh đã uống không biết bao nhiêu rượu của tôi, chẳng phải đã đến lúc gọi tôi rồi sao?" Tôi nói.

"Ai da, chẳng qua chỉ uống của anh mấy chai rượu, vậy mà anh định chen ngang à? Chúng tôi ở đây không hứng thú với trò ấy." Người bán vé lắc đầu cười khanh khách.

Cho dù không chen ngang, cơ thể của tôi cũng theo kế hoạch, suy sụp một cách nhanh chóng. Sau khi Seo Ji-woo chết không đến hai tháng, bệnh tình của tôi hình như không còn hy vọng. Bác sĩ lắc đầu.

"Bây giờ vẫn còn uống rượu, đó là đang tự sát đấy." Bác sĩ nói.

Nghe câu nói của ông ấy, tôi rất vui. Đương nhiên, tửu lượng cũng có thể tăng theo tâm trạng vui vẻ.

Mùa thu chớp mắt đã qua.

Hôm cô nói chuyển nhà, tôi trông thấy cô rời khỏi đây. Eun-kyo à, buổi sáng, sau khi dùng rượu shochu cho đỡ đói, tôi đã đến dưới bóng cây hòe tây cạnh mỏm đá núi phía sau để ngồi. Chúng ta đã từng ngồi trên chỗ mỏm đá ấy, bàn tay to thô ráp của tôi đã nắm lấy nắm tay nhỏ xinh của cô. Dưới bóng cây hòe tây, tôi có thể thấy rõ sân và ngõ của ngôi nhà cô đã từng ở, cả bãi đất trống có trạm xe bus nữa. Ánh sáng mặt trời hôm ấy rất tươi đẹp.

Có hai chiếc xe tải đến. Mắt nhìn không rõ, tôi còn tưởng ba chiếc, thì ra là hai chiếc. Hành lý nhà cô chỉ chiếm khoảng một xe rưỡi mà thôi. Sau khi chiếc xe tải thứ nhất đi rồi, cô và các em gái đi ra. Mặc dù tôi đeo chiếc kính mới lắp, nhưng thực sự vẫn chỉ thấy mờ mờ. Dù là vậy, tôi vẫn nhìn thấy chiếc xe tải thứ hai chở tủ dạng ngăn kéo, giường hai tầng và bàn sách, những tập sách mà chị em cô dùng, còn có cả mấy chiếc thùng giấy. Rất kỳ lạ, tất cả những thứ này tôi lại nhìn thấy rất rõ, tôi cảm thấy tôi nhìn rất rõ.

Cô rất lam lũ. Tôi cảm thấy thanh niên trẻ tuổi như cô phải ngồi trong một chiếc xe tải như vậy thật không thích hợp. Cho dù vậy, xe tải vẫn còn một phần ba là chỗ trống, mẹ cô hẳn thấy tiếc tiền, không biết mẹ cô bảo, hay có chuyện gì mà sau khi giúp các em gái nhỏ lên xe, cô cũng lên luôn xe tải đó. Tôi cố gắng mở to mắt, muốn in hình bóng cuối cùng của cô trong võng mạc chuẩn bị hỏng hoàn toàn của tôi. Cô và các em gái của mình ngồi dựa vào đồ giống như tủ ngăn kéo. Gương mặt gần đối diện với tôi.

Chiếc xe tải chở gia đình cô như chở bọc hành lý vậy, nhanh chóng mất hút trong ánh sáng mặt trời.

Hai tay cô ôm lấy hai em gái ngồi bên cạnh mình. Cô em gái ngồi bên phải hình như nghịch ngợm gì đó khiến cô cười một cách thoải mái. Tôi muốn cô cười. Có lẽ tôi không nhìn thấy, nhưng hình như tôi nhìn rõ hơn cả nhìn thấy. Xe tải đi xa dần.

Cô giống như một chú gà mẹ, mạnh mẽ giang đôi cánh bao bọc lấy các em. Trái tim tôi giây phút ấy thấy vấn vương một chút. Tôi nhìn thấy máu của cô chảy đều sang hai bên, hòa với máu của các em cô nồng cháy. Hình ảnh cô ôm các em, đó là nét đẹp mà trước đây tôi không tưởng tượng được. Ánh sáng mặt trời thật rực rỡ, thật tươi đẹp. Giờ đây tôi mới nhận ra, trong thời gian vừa qua tôi đã chưa nhìn thấy được một nửa cái đẹp mà cô đang sở hữu. Trước đây, điều tôi nhìn thấy không phải là nét đẹp tiềm ẩn ấy, mà chỉ là bề ngoài mà ham muốn của tôi hư cấu nên mà thôi.

Chiếc xe tải nhanh chóng đi qua bãi đất trống, rồi dần không nhìn thấy nữa.

Thời gian còn lại của tôi không còn nhiều nữa.

Thân thể của tôi đang thối, mầm chết trong cơ thể tôi bắt đầu lộ ra. Khi mỗi lúc càng cảm nhận rõ điều ấy, tôi lại nhớ đến dáng vẻ cuối cùng của cô ôm hai em ngồi lẫn trong đống hành lý khi chuyển nhà. Dáng vẻ ấy ngày càng trở nên rõ ràng cùng với sự trôi đi của thời gian. Cuộc sống vẫn đang tiếp tục, hình ảnh cô và các em ngồi trên xe tải thật từ tốn biết bao. Có điều này hẳn cô sẽ không biết: hình ảnh hai cánh tay cô ôm hai em gái còn rực rỡ hơn ánh sáng mặt trời. Đó là nét chân thực của cô trong cuộc sống thường ngày mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy.

Cô dâu trẻ vĩnh hằng trong trái tim tôi, Eunkyo!

Hy vọng cô không cho rằng cuộc sống bế tắc của tôi rất cô đơn. Tôi không bi thảm. Vì cô, trong thời gian ngắn ngủi tôi biết được rất nhiều điều trước đây tôi chưa từng biết. Nó đều vô cùng tươi đẹp và ấm áp. Tôi biết trong cơ thể mình cũng đang chảy dòng máu tươi nóng bỏng như vậy; thấu hiểu cảm giác của sự tiếp xúc mà cô đánh thức thật mẫn cảm, nó gần gũi, thực tế hơn vô số bài thơ mà tôi đã viết trước đây; biết được những thứ mà tôi gọi là thế giới, là thời đại, là lịch sử ấy thực sự chẳng qua chỉ là nhà tù trực quan mà thôi. Đa phần thơ tôi đều là giả dối.

Có một chuyện rất xin lỗi cô.

Nếu quyển bút ký này được công khai, cô sẽ trở thành tâm điểm để dư luận hoặc mọi người bàn tán. Luật sư Kyu là người lo xa nghĩ rộng, tin chắc ông ấy sẽ xử lý việc này một cách thông minh và chu đáo. Nhưng dư luận chỉ cần nhìn thấy vật liệu nổ thôi cũng đã có chủ đề để xôn xao, nhìn thấy miếng thịt thối cũng sẽ vui vẻ bổ nhào vào. Một bộ phận cư dân mạng điên cuồng không tha cả những người đã chết cũng sẽ vung dao không chịu ngồi yên. Nghĩ đến điều này, tôi lại lo lắng. Biết đâu họ lại lôi một cô bé còn non trẻ như cô lên "quảng trường", giao cho tay "trọng tài nhân dân" không có chừng mực? Nghĩ đến điều này, trái tim tôi đau như bị dao đâm vậy. Nghĩ đến cô, tôi lại không muốn công khai cuốn bút ký này. Nếu có cách nào khác, chắc chắn tôi sẽ làm theo, nhưng mong cô hãy lượng thứ, với tôi, không còn sự lựa chọn nào khác.

Nhà thơ Đỗ Phủ – người được mệnh danh là thánh thơ từng nói: "Đóng quan tài định luận", là nói chỉ có sau khi ai đó chết đi mới có thể định luận về thành tích của người ấy. Nhưng cách nghĩ của tôi không giống thế. Mọi người thường hào phóng một cách khó hiểu với người đã chết, bởi hình như cảm thấy người chết sẽ không cạnh tranh với mình nữa, nên sẵn sàng mở đường, đối đãi khoan dung cho những lỗi lầm mà họ phạm phải. Tình huống của tôi nhất định cũng sẽ như vậy. Sau khi "đóng quan tài định luận", sự đánh giá về tôi rất có khả năng càng được đóng gói to hơn. Cô cũng sẽ nhìn thấy quá trình bẩn thỉu của nhà thơ Lee Jeok-yo ba hoa sau khi tôi chết. Là nhà thơ, chiến lược ghê gớm mà tôi vận dụng từ trước đến sau khi chết, đó chính là: nhà thơ kiệt xuất vẫn sống sau khi chết.

Cho nên để vẫn sống sau khi chết, tôi sẽ sống như vậy. Để những bài thơ giả dối ấy cho người đời tin là có thật, khi trẻ hơn bây giờ, tôi đã tự chuẩn bị tất cả. Cực lực không công bố những tác phẩm tản văn cũng là một nguyên nhân trong số đó. Theo chiến thuật tôi đã định ra, giờ là lúc lấy cái chết để hái quả. Một bộ phận ngôn luận kích động và một bộ phận văn nhân cho rằng "chiến lược" là một tài năng, còn những phần tử trí thức sẽ lấy toàn bộ tác phẩm nghệ thuật văn hóa để phân định đẳng cấp, họ sẽ giúp tôi sau khi chết sẽ trở thành truyền kỳ "bất hủ". Mọi người chắc hẳn sẽ vỗ tay phụ họa theo nó. Bị tiếng vỗ tay mê hoặc, mọi người có lẽ cuối cùng cũng không biết, nhà thơ Lee Jeok-yo mà họ hằng tin tưởng thực sự chỉ là "hàng giả mạo" được thiết kế tỉ mỉ, tinh vi mà thôi.

Tưởng tượng ra tất cả những "tiếng ồn" ấy, tôi sợ hơn ai hết. Vì giống như lúc sống, một "tiếng ồn" mang tính chiến lược đã bị đưa vào trong cuộc sống của tôi, kể cả sau khi chết cũng vậy. Đừng nói rằng sau khi đã nhận ra bộ mặt thật của tôi, theo thói quen họ vẫn cứ thưởng hậu hĩnh cho người chết, rất có thể họ sẽ dốc hết tâm tư "tôn thờ hóa" tôi thêm, sẽ coi tôi là "Thánh thơ", cũng có thể buông những lời tán dương: "cả đời ông ấy chỉ cống hiến cho thơ", hoặc có lẽ sẽ giống như một nhà bình luận nào đó, mọi người sẽ nói: "kết hợp duy mỹ của thơ trữ tình và chủ nghĩa hiện thực, sáng tác ra những bài thơ rắn đanh như đá". Những tin đồn tầm thường như: cả đời không kết hôn, chưa hề viết một bài tản văn... cũng sẽ giúp tạo dựng tôi thành hình tượng "bất hủ".

Milan Kundera cũng đã từng nói: "bất hủ là kiện tụng", "tin đồn" chính là "kiện tụng". Bởi vậy, họ sẽ lôi tôi từ quan tài ra giữa không trung, khen ngợi khắp nơi theo ý định của họ, sẽ đắp bia trước mộ tôi, cũng sẽ xây nhà tưởng niệm nhà thơ Lee Jeok-yo, thậm chí còn sẽ thiết lập giải thưởng văn học Lee Jeok-yo. Tưởng tượng mà xem, trước phần mộ của tôi sẽ "huyên náo" biết bao. Về tất cả những điều ấy, tôi chỉ có một câu để nói: "Các bạn chịu khổ chút nhé!" Bây giờ nghĩ lại, trước khi gặp cô, tôi không biết mình là ai, cũng không cảm thấy thơ của mình là giả dối.

Sau khi gặp cô tôi mới nhận ra chính bản thân tôi.

Qua cô, tôi đã thấy được bộ mặt "thật" của mình. Bởi vậy, người đời cũng sẽ nhìn thấy bộ mặt "thật" ấy của tôi. Nhà thơ Lee Jeok-yo là "nhà thơ giả" viết thơ với quan niệm "tôn thờ hóa" mình theo "chiến lược", muốn dụ dỗ một thiếu nữ chưa đầy 17 tuổi, bị lòng đố kỵ che cả hai mắt, cuối cùng sát hại cậu học sinh của mình. Tôi làm sao có thể chôn vùi toàn bộ sự thực này, nằm trong mồ mà vẫn có thể chấp nhận tất cả sự tôn thờ hóa "ồn ào" cơ chứ?

Giây phút cuối của cuộc đời gặp được cô, được trải qua sự giải phóng bản năng đó mới chính là cuộc sống duy nhất của tôi, hạnh phúc mới mẻ của tôi. Đó chính là tôi, Lee Jeok-yo. Lee Jeokyo chẳng qua chỉ là một người bình thường có bản năng mà thôi, ông ta chưa từng thấy và cũng chưa từng gặp vấn đề này. Bởi vậy, từ giờ không còn ai tiếp tục bị tôi lừa nữa.

Sau khoảng một năm, bia thơ sẽ xây xong, hồ sơ phòng tưởng niệm sẽ được cụ thể hóa, nếu mọi người không bị đả kích, đối với một số việc cho dù biết cũng sẽ không đi sâu vào thực tế. Tôi định sau một năm sẽ công khai cuốn bút ký này, cũng nên cần cho quần chúng một chút đả kích. Bia thơ và phòng tưởng niệm là chuyện không đúng, bởi vậy bây giờ các bạn hãy đẩy đổ bia thơ, phá hủy phòng tưởng niệm đi. Bởi chỉ khi phải đập vỡ bia thơ đã vất vả xây nên, phá hủy phòng tưởng niệm đã bỏ nhiều tiền của xây nên, các bạn mới có thể cảm nhận chân thực về tất cả sự thật. Và sau đó tha hồ nói tôi là cầm thú, nhổ nước miếng vào mộ tôi, nói tôi là kẻ giết người, ném đá vào mộ tôi. Đó là hy vọng cuối cùng của tôi.

Hôm nay, tôi ngồi trong sân, đốt hết tất cả những bài tản văn trước đây tôi khóa chặt trong hòm sách. Tuy thời tiết rất lạnh, nhưng lửa từ những trang bản thảo khiến vạt áo trước của tôi rất ấm. Tản văn của tôi làm ấm vạt áo trước của tôi, điều này quả thực rất tốt. Nhân cơ hội này, tôi cũng xé từng tờ của những tập thơ tôi viết ra đốt hết, làm ấm đầu gối đang lạnh ấy của tôi. Điều này làm tôi vô cùng mãn nguyện.

Ánh sáng mặt trời rực rỡ, những bụi cây xơ xác ngày đông bỗng đi sâu vào trong trái tim tôi. Tuy có chút thê lương, nhưng lại rất tươi tốt. Tuy rất ấm áp, nhưng lại rất trống trải.

Eun-kyo à, Han Eun-kyo. Cô mãi mãi là "cô dâu trẻ" của tôi, mãi mãi là "trinh nữ" của tôi, là chiếc đèn lồng rọi chiếu sáng dưới chân tôi trong khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời tôi.

Có một nhà thơ đến với đời sớm hơn tôi, cũng ỷ lại vào rượu shochu giống như tôi, tôi phải trích dẫn thơ của ông ấy, bởi thơ của tôi không có bài nào xứng đáng dành tặng cô.

Hoàng hôn dần xuống

Đi bộ trên đồng ruộng vô tận

Em ơi, tôi nghĩ đến hạt giống nhỏ điểm xuyết

trên ruộng cao lương

Giống như ánh nến đỏ lửa

Giống như rơi một miếng thịt, một giọt máu

trên đồng ruộng của cuộc đời

Bây giờ tôi muốn trở thành ngọn gió êm dịu

quét qua cánh đồng

Muốn trở thành hình ảnh ngọn nến nhỏ mong

rọi sáng bóng lưng cuối cùng của em

Sắc tháng Mười hai

Mộng kinh hồn

Cô em gái ngoài mộng

(Trích từ tác phẩm Em gái ơi, tháng Mười hai đã đến của Park Jung Wan.)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro