Luật sư Kyu (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đó cũng chính là nguồn cơn để cậu ta phạm tội.


Đọc đến đây, tôi gấp cuốn hồi ký của nhà thơ lại. Dường như nhà thơ không phải là người trợ lực cho Seo Ji-woo, mà là người đang đâm một nhát dao dưới cánh tay của tôi vậy. Vì cơn đau đớn đó, tôi bất giác há to miệng ra.

Là một luật sư, những bài thơ tôi viết cũng không hề bình thường, cũng giống như cậu thanh niên mắt hai mí to Seo Ji-woo vậy. Kể từ lần đầu rón rén tham gia văn đàn, hơn 30 năm qua tôi cũng đã cho ra nhiều tập thơ. Sau một thời gian, cuối cùng tôi cũng cảm ngộ ra rằng, tôi là một kẻ không hề có chút thiên tài nào để sáng tác thơ cả. Điều đó cũng nói lên rằng bản thân tôi cũng chẳng hề có chút thần tính nào cả.

Trời đã xế chiều. Tôi niêm phong cuốn hồi ký lại, đặt trong tủ bảo hiểm trong văn phòng. Đã đến giờ đi tham gia buổi truy điệu rồi.

"Tài bẩm sinh để sáng tác thơ chính là thần tính", câu này chính nhà thơ đã nói. Hồi đó chúng tôi cùng nhau đồng hành lên núi thánh ở Gandise – Tây Tạng. Ở trên đỉnh núi Tanggula với độ cao 5.000m so với mặt nước biển, cả một vùng phía bắc của núi Gandise được thu gọn vào tầm mắt. Đó là ngọn núi rất cheo leo, khó có thể vượt qua, hơn nữa đêm hôm trước lại còn có trận mưa tuyết khá dày. Chúng tôi xếp hàng lần lượt, khó khăn lắm mới lên đến sườn núi, lúc đó tôi đã thấy bóng dáng của nhà thơ đi phía trước khá xa. Những khách du lịch đang rộn ràng đi tới chỉ về phía ông, nói xì xồ gì đó mà tôi không thể hiểu nổi, nhưng đại khái ám chỉ người kia chắc bị điên rồi. Đoạn giữa sườn núi và phía bắc Gandise được tách ra bởi một thung lũng, không có đường đi tiếp. Đỉnh núi còn dày đặc tuyết thì chắc hẳn dưới đó tuyết dày khỏi phải nói. Thêm vào đó, sông băng trên Gandise cũng không chịu đựng được trọng lượng của mình, đã đổ rầm rầm về phía cửa thung lũng. Thế mà nhà thơ lại tập tễnh đi về hướng đó, trông giống người tuyết bị thương trong những câu chuyện kể.

Lee Jeok-yo tuy gày gò, nhưng chiều cao cũng phải hơn một mét tám, vai rộng và trông khá cường tráng. Hồi còn trong tù cũng thế, không ai có thể địch nổi nhà thơ. Tuyết vẫn rơi, dường như ông ấy chuẩn bị biến mất trong tầm mắt của mọi người. Đoàn người đã quá mệt mỏi, thậm chí một vài người cón có biểu hiện thần trí không tỉnh táo. Đến cả tôi đây cũng không thể phán đoán tình hình một cách chuẩn xác nữa, bèn ngồi phệt ở đó thẫn thờ nhìn bóng dáng ông dần khuất. Nếu không có người dẫn núi, hôm đó có lẽ Lee Jeok-yo đã không sống nổi. Một lát sau, người dẫn núi vừa chửi vừa đuổi theo ông ta, nhưng ông ta đã gạt tay ra. Tuyết rơi càng lúc càng dày, trong đoàn đã có người khóc thút thít.

Những ngọn núi hiền từ, nhân ái nhưng cũng rất tàn bạo. Phải mất một hồi lâu, người dẫn núi mới có thể lôi Lee Jeok-yo quay trở lại, trông ông như bị ma quỷ bắt mất linh hồn vậy, ánh mắt rất âm u, vô hồn. Sau đó, khi đã kết thúc cuộc hành trình gian khổ ấy, tôi hỏi ông ta: "Ông muốn chết nên mới đi vào nơi thâm sơn cùng cốc đó phải không?" "Không phải thế." Lee Jeok-yo lắc đầu: "Chỉ là... chỉ là tôi muốn lên được đỉnh núi. Như thế cái gọi là thần tính mới hoàn mỹ. Chẳng phải người ta thường nói tài sáng tác thơ bẩm sinh chính là thần tính đó sao?" Ánh mắt đang vằn những tia máu đỏ của ông ta bỗng 'xẹt' qua một đốm lửa.

Buổi lễ tưởng niệm do các nhà thơ lão thành trên văn đàn cùng thực hiện. Những người hâm mộ thơ cũng như nhà thơ Lee Jeok-yo và các nhà văn nhà thơ đến ngập khán phòng. Chỉ có cô bé Han Eun-kyo từ đầu đến cuối không thấy có mặt. Những người biết chuyện đều ghé sát tai tôi thì thào, oán trách không ngớt lời về việc một người được thừa kế toàn bộ nhuận bút mà đến ngày tưởng niệm cũng không thèm tham gia như Eun-kyo.

Buổi tưởng niệm được tổ chức rất long trọng. Xen lẫn những bài thơ là những bài hát và khúc tưởng niệm vô cùng bi thiết, một vài độc giả nữ thỉnh thoảng vẫn đưa khăn tay lên lau đôi mắt đẫm lệ của mình. Đương nhiên sau buổi lễ sẽ có bữa tiệc nhẹ, việc đó do chính tôi sắp xếp.

"Nghe nói, trước khi nhà thơ tạ thế, ngoài di thư vẫn còn một cuốn hồi ký." Phóng viên S phụ trách mảng văn hóa báo B hỏi. Đó cũng là một tác giả.

Câu hỏi này quá đột ngột nên tôi có chút ngạc nhiên, bối rối.

"Cuốn bút ký đó có nội dung như thế nào vậy?"

"Chỉ là... là... những cái đó..."

Không hiểu có phải ai đó chọc cười hay không mà phía sau bỗng nổi lên những tràng cười không dứt.

"Lắp bắp kìa, lạ thật đấy nhé. Cuốn hồi ký đó có nội dung gì mà khiến ông thế này chứ? Lẽ nào là một di tác?"

"Tôi vẫn chưa đọc hết. Cũng có một số di tác và một số tùy bút."

Khi còn sống, nhà thơ Jeok-yo hầu như chưa bao giờ tham gia những hoạt động văn học. Thỉnh thoảng ông ấy cũng mời khách đến nhà uống rượu. Những lúc đó ông khác hẳn với cái tên tịch liêu của mình, cũng cười đùa, trêu chọc và trở thành một người hoàn toàn hoạt ngôn. Ông cũng rất hài hước, chỉ cần không phải trường hợp cần sự nghiêm trang, đứng đắn, bất kể lúc nào, bất kể nơi đâu ông cũng có thể khiến người khác phải ôm bụng cười ngặt nghẽo. Lee Jeok-yo có một tài năng siêu việt hơn người về niềm vui với cuộc sống. Nếu nhà thơ cố tình để lại cuốn hồi ký, thì chắc chắn nội dung của nó sẽ không chỉ đơn thuần, vì thế phóng viên S đã đoán định một cách chắc chắn như thế.

"Nghe nói trong di thư viết một năm sau mới được phép mở, có đúng vậy không?" Phóng viên S thấp giọng hỏi.

"Cũng không hẳn như thế, đó là..."

Đúng lúc đó, một nhà thơ thế hệ đàn em cầm ly rượu đến bên chỗ tôi. Tôi làm ra vẻ rất tự nhiên đón lấy ly rượu và mau chóng quay người đi.

Tuy nhà thơ đã ghi rất rõ ràng trong di thư "một năm sau sẽ công bố công khai", nhưng nội dung cuốn hồi ký lại khiến người khác bất ngờ, đến nỗi tôi không thể đưa ra một quyết định nào cả. May thay, một tác giả khác phía đối diện đang lớn tiếng gọi phóng viên S, tôi thở phào nhẹ nhõm. Không khí buổi tiệc càng lúc càng náo nhiệt.

Hôm sau, chưa đến mười giờ sáng, phóng viên S đã gọi điện thoại đến: "Tôi muốn phát biểu về vài di tác của nhà thơ Lee Jeok-yo trên báo, xin ông hãy gửi cho tôi."

"Không có tác phẩm nào đáng để phát biểu cả."

"Chẳng phải hôm qua ông nói có di tác và tùy bút sao? Nếu không có thơ thì tùy bút cũng được. Buổi trưa tôi qua nhé."

"Buổi trưa tôi không ở văn phòng, hơn nữa tôi cũng chưa đọc kỹ cuốn hồi ký, để sau này tôi gọi lại cho cậu. Nếu như có gì đáng để công bố, người đầu tiên tôi liên lạc sẽ là cậu, cứ tin tưởng ở tôi. Còn nữa, về chuyện công khai cuốn hồi ký một năm sau khi mất, dù không thể xác nhận sự thật với cậu, nhưng cho dù như thế cũng cấm phỏng vấn công khai. Tạm biệt cậu."

Tôi vội vội vàng vàng ngắt điện thoại. Bàn giao tài liệu của vụ đang thụ lý cho cô Yun, rồi sấp ngửa bước ra khỏi văn phòng. Chắc giờ đang là giữa trưa.

Di cốt của Seo Ji-woo được táng tại công viên nghĩa trang vùng ngoại ô Yongin.

Từ khu để xe đến nghĩa trang là đi về phía bắc, vì thế vẫn còn lấm tấm những tàn tích của tuyết. Tôi đã rót xong rượu, ngồi trước bia mộ. Trên tấm bia có hàng chữ Linh mộ của tác giả Seo Ji-woo – theo gió đến và cũng theo gió bay đi. Nét bút của hàng chữ đó do đích thân nhà thơ Lee Jeok-yo viết. Sau khi hỏa táng, di cốt của Seo Ji-woo được đựng trong bình sứ và đem chôn. Ngày lập bia mộ, tôi hỏi những dòng chữ đề trên tấm bia đó liệu có quá thê lương không, nhà thơ đã nói cậu ta vốn dĩ sinh ra đã là một người vừa thê lương vừa vô cùng xằng bậy.

Tôi còn nhớ, hình như lúc đó Seo Ji-woo vừa mới bước sang tuổi 30 thì phải. Cũng giống như tôi hồi bằng tuổi đó, cậu ta cũng thông qua một tạp chí văn nghệ không thu phí nào đó trở thành một tiểu thuyết gia và tỏa sáng. Nhưng tác phẩm của cậu ta chưa một lần được đăng một cách suôn sẻ. Chỉ sau vài năm khi bắt đầu đến ở cùng nhà thơ, cậu ta mới nổi tiếng một cách thực sự. Trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết với giải thưởng là 50 triệu, cậu ta đã giành chiến thắng. Tuy nói là nổi tiếng thật sự, nhưng vì đó chỉ là cuốn tiểu thuyết theo thể loại huyễn hoặc và ngôn tình và pha chút trinh thám phục vụ cho mục đích thương mại, nên nó không nhận được nhiều ảnh hưởng trên văn đàn. Thế nhưng cuốn tiểu thuyết của cậu ta lại bán rất chạy. Năm thứ hai xuất bản đã bán được hơn một trăm nghìn bản, lập tức mang tính đại chúng. Cho đến lúc cậu ta qua đời, tổng cộng đã viết ba bộ tiểu thuyết.

Cuốn tiểu thuyết thứ ba Trái tim vận dụng chất trinh thám đã miêu tả một cách chi tiết và xúc động về dục vọng nguyên thủy của con người. Điểm này lại khiến nhiều người trên văn đàn quan tâm, chú ý đến. Nghe nói cuốn tiểu thuyết đó đã bán được hơn một trăm nghìn bản. Thêm vào đó, cuộc sống cũng giống như đi làm vào sáng sớm và tan ca khi chiều tối để phục vụ chuyện ăn uống, mặc ở của nhà thơ già đang ở tuổi gần đất xa trời đã gây một ấn tượng khá tốt đẹp về một phẩm chất đạo đức tốt trong mắt mọi người. Là một tác giả – cậu ta đã thành công, có lẽ những quyết tâm ban đầu của cậu ta đã thay đổi, nhưng cậu ấy vẫn chọn cuộc sống bên cạnh Lee Jeok-yo như lúc trước. "Điều khiến người ta hâm mộ nhà thơ Lee Jeok-yo nhất chính là ông đã có một học trò giống như Seo Ji-woo. Xã hội thời nay lấy đâu ra một cậu học trò được như thế chứ!" Đã từng có các nguyên lão trên văn đàn cảm thán thế. Những năm cuối đời của nhà thơ, cơ thể và sức khỏe của ông hoàn toàn suy nhược, những tháng ngày đó, cậu học trò Seo Ji-woo đã như một cái bóng luôn theo cạnh nhà thơ. Không chỉ là lái xe đưa đón, thậm chí đến việc ăn uống, ngủ nghỉ cậu ta cũng đảm đương mà không một chút nề hà. Đối với nhà thơ, cái chết của Seo Ji-woo cũng đồng nghĩa với việc mất đi một cánh tay đắc lực vậy.

"Cậu ta vốn dĩ sinh ra đã là một người vừa thê lương vừa vô cùng xằng bậy."

Hình như tôi nghe thấy tiếng của nhà thơ văng vẳng bên tai. Ánh nắng nhẹ của buổi chiều đang phủ trùm lên vạn vật. Sao tôi lại vội vàng, hoang mang mà đến đây nhỉ? Cuốn hồi ký của ông ấy tôi vẫn chưa đọc hết. Như có một cục nghẹn nào đó chẹn ở cổ khiến tôi không thể đọc tiếp được. Trong đó ông đã viết cuối cùng cũng đã giết hại Seo Ji-woo, và hơn nữa, còn phạm tội một cách thành công nữa kìa. Những ghi chép như thế chỉ có thể đọc khi đêm về mà thôi. Đối với một người như tôi, vậy há chẳng thật khó khăn sao? Hơn nữa không hiểu kéo dài được bao lâu nhỉ để những phóng viên kia không gây áp lực bắt tôi phải giao nộp cuốn hồi ký đó? Tôi phải làm gì bây giờ? Ôi, thật hoang mang quá! Tự dưng tôi có chút oán hận nhà thơ Lee Jeok-yo đã ủy thác cho tôi cuốn hồi ký đó, và cả cậu thanh niên Seo Ji-woo nữa chứ. Tôi thầm nói với cậu ta, đừng có chỉ biết nằm im trong nấm mồ đó, hãy đứng dậy nói gì đi chứ. Đáng lẽ những việc này do hai người tự giải quyết, giờ sao lại đẩy cho tôi, còn bọn họ lại thản nhiên mà nằm yên như thế?

Lần cuối cùng tôi gặp Seo Ji-woo có lẽ khoảng một tháng trước khi cậu ta chết. Khi nhận lời mời đến nhà của Lee Jeok-yo, tôi thấy cậu ta đang bổ củi ở ngoài vườn. Mùa đông còn lâu mới đến kia mà. Cậu ta nói: "Bóng cây lớn quá rồi nên mùa xuân năm ngoái tôi đã chặt mấy cây tùng đằng kia." Chẻ những thân cây ra phơi khô, đến mùa đông là có thể có một lò sưởi ấm áp. Nhà thơ Lee Jeok-yo dáng người gày gò khô đét như thanh củi đang dựa vào lan can tầng hai nhìn xuống. Seo Ji-woo cởi cả áo, mồ hôi ướt đầm đìa dưới nắng khiến phần thân trên bóng loáng. Những khúc gỗ tùng dài ngoằng bị rìu bổ xuống bay vọt ra xa. "Thật đúng là, làm mãi mà không xong." Seo Ji-woo có vẻ xấu hổ, lắc lắc đầu, bước tới nhặt những mảnh gỗ tùng vương vãi. Dù cậu ta hơi thấp bé, nhưng rất cân đối và khỏe mạnh, hình như cậu ta cũng là người chăm vận động. Cơ bắp ở ngực có vẻ rất săn chắc, cánh tay và phần vai cuộn lên cuộn xuống theo từng nhịp bổ. Khi mặc quần áo thì trông có vẻ hơi mập, nhưng thật ra đó toàn là cơ bắp. Dưới cái nắng và ánh sáng chói lòa đó, những giọt mồ hôi thi nhau thánh thót rơi xuống khiến những cơ bắp trên vai thậm chí trông vô cùng đẹp. "Cơ thể cậu ta săn chắc thật đấy." Tôi cười nói. "Cơ thể đẹp thì cũng làm được cái gì chứ?" Sắc mặt Lee Jeok-yo tỏ vẻ không hài lòng. Một lát sau ông lại nhỏ giọng nói tiếp. "Ngốc nghếch lắm." Ánh mắt ông tràn ngập sự miệt thị. Hâm nóng xong thức ăn, Seo Ji-woo cũng làm thêm món mực chiên, thật sự rất ngon. Tôi cất lời khen, nhưng nhà thơ đã lập tức phản bác. "Ngon cái gì chứ, cay quá." Nhưng dù bất kể thế nào thì cậu Seo Ji-woo đó vẫn chỉ cười một cách hiền lành, thậm chí lộ cả lợi ra.

Dấu ấn cuối cùng của tôi về cậu ấy chính là một bộ mặt lúc nào cũng hiền hòa, tươi cười như thế.

Tôi nghĩ mắt hai mí không hề có tội. Có lẽ ngay từ lúc đầu nhà thơ Lee Jeok-yo đã ghen tị với đôi mắt hai mí rất đẹp của cậu ấy, bởi đó là thứ mà hồi còn trẻ ông đã không được sở hữu. Một cơn gió lạnh bỗng thổi thẳng vào mặt, ồ, hình như tôi cũng quên mất nguyên nhân vì sao tôi lại vội vội vàng vàng chạy đến đây rồi thì phải. Giây phút Seo Ji-woo chết đó, liệu cậu ta có ý thức được cái chết của mình chính là kết quả của một âm mưu, kế hoạch vẹn toàn của người mà anh ta lúc nào cũng ngưỡng mộ và kính sợ không nhỉ?

Bỗng tôi nghe thấy có tiếng bước chân phía sau. Quay đầu nhìn lại... Ngạc nhiên quá, hóa ra là Han Eun-kyo!

"Chào chú, luật sư!" Giọng Eun-kyo thật trong trẻo.

"Sao cháu lại tới đây?"

"Sao chú lại tới đây?"

Hai chúng tôi cùng đồng thanh hỏi, rồi bất giác cùng nhìn nhau bật cười. Eun-kyo đến thăm mộ của Seo Ji-woo – điều này thật bất ngờ. Như vậy... chắc trước đây thỉnh thoảng cô bé cũng đến đây chăng? Hay vì hôm qua là ngày giỗ của nhà thơ Lee Jeok-yo, nên tự nhiên tình cảm trong cô bé bỗng trỗi dậy mà đến đây vậy? Trên tay cô bé cầm một đóa hoa mã đề.

"Đến đúng lúc lắm, chú có chuyện muốn nói với cháu."

"Buổi tưởng niệm hôm qua diễn ra suôn sẻ chứ ạ?"

"Long trọng lắm. Mà sao cháu không tới?"

"Cháu sợ những nơi tụ tập đông người..."

"Hình như cháu thỉnh thoảng có đến đây?"

"Không ạ, nơi này khó tìm lắm."

Tĩnh mịch tạm thời.

Mặt trời dần dần nhích về phía tây. Cô bé đặt bông hoa xuống, động tác nhẹ nhàng, thờ ơ như đặt một bông hoa trên nấm mộ của một người không mấy quen biết vậy. Mấy con chim non vỗ cánh trên đầu chúng tôi.

"Nếu cháu đi xe bus đến đây thì giờ cùng chú về nhé."

"Cháu có xe của bạn trai đưa đến ạ."

Theo hướng nhìn của cô bé, tôi thấy đằng xa có một chiếc xe màu trắng, có lẽ cô bé đã đi xe đó đến đây.

"Thế ngày mai cháu đến văn phòng chú một lát nhé, chú có việc muốn nói với cháu." Tôi muốn để cô bé lại một mình, như vậy sẽ tốt hơn, nên quay người bước đi.

"Đợi chút, chú luật sư. Cháu ngồi xe chú cùng về ạ, để cậu ta lái xe đi đằng sau cũng được." Cô bé nói với sau lưng tôi.

"Không sao chứ? Như thế sợ bạn trai cháu không thích lắm."

"Cậu ấy hiền lắm ạ."

Tôi bất giác lắc lắc đầu.

Chúng tôi men theo con đường nhỏ hẹp trong nghĩa trang đi xuống. Cô bé đi nhanh đến bên chiếc xe của cậu bạn trai. Còn tôi nổ máy chờ, trong lòng cứ nghĩ thuyết phục bạn trai cô bé chắc phải mất thời gian lắm, nhưng không ngờ một lát sau cô bé đã quay lại.

"Xong rồi hả? Cậu ấy không giận chứ?"

"Cậu ấy hiền lắm mà, cháu cũng không giải thích gì, chỉ bảo cậu ấy đi theo sau thôi." Dường như cô bé không hiểu ý của tôi vậy.

Gần đến giờ tan tầm nên đường cao tốc có vẻ đông đúc. Thật sự giờ cô bé ngồi bên cạnh thế này tôi lại không nghĩ ra nổi mình nên nói cái gì.

"Chú đọc hết rồi chứ ạ?" Vừa đến đường cao tốc, cô bé liền hỏi ngay.

"Ý cháu nói là cuốn hồi ký?"

"Chẳng phải chú bảo có chuyện cần nói với cháu sao?"

"Chú chưa đọc xong."

Chiếc xe màu trắng của cậu bạn trai cô bé vẫn đang theo sát phía sau, qua gương chiếu hậu tôi có thể trông rõ mặt cậu ta, có vẻ đó là cậu sinh viên năm thứ hai, thứ ba gì đó.

"Trong cuốn hồi ký của ông nội có nhiều chuyện liên quan đến thầy Seo Ji-woo phải không ạ?" Cô bé gọi nhà thơ Lee Jeok-yo là ông nội.

"Sao cháu biết?"

"Cháu thấy chú đến bên mộ của thầy Seo Ji-woo nên đoán thế. Nếu không có chuyện gì chắc chú không đến đâu, cháu biết mà."

Eun-kyo có con mắt tinh tường hơn tôi tưởng, hơn nữa cũng là một thiếu nữ khá mẫn cảm.

"Dù có nghe thấy điều gì, cháu cũng không ngạc nhiên đâu." Cô bé nói tiếp khi xe đang đi qua cầu vượt, chuẩn bị tiến vào đường cao tốc Gyeongbu.

"Chú nói như thể trong cuốn hồi ký ấy viết những điều khiến người ta phải kinh hoàng vậy."

"Lẽ nào không phải thế?" Tôi quay đầu lại nhìn cô bé một cái.

Cô bé cố tình chỉ nhìn ra phía trước. Chính trong giây phút đó, tôi có một cảm giác mãnh liệt rằng, cô bé chắc hẳn biết gì đó. Con tim tôi bỗng hẫng một cái. Cô bé biết cái gì nhỉ? Và sao lại biết? Cuốn hồi ký của nhà thơ được niêm phong rất kỹ và trong suốt một năm vừa qua được cất trong tủ bảo hiểm. Tôi không nghĩ có ai đó có thể xem được cuốn hồi ký ấy chứ đừng nói đến Han Eun-kyo. Cuộc đối thoại bỗng chốc rơi vào gượng gạo. Cũng may sắp đến trạm thu phí, tôi làm bộ giả vờ chuẩn bị tiền, và liếc cô bé một cái. Cô bé đang mím chặt hai môi, khóe miệng hằn lên một vệt hồng hồng. Cũng giống tôi, cô bé rõ ràng cũng có chuyện muốn nói, nhưng lại phải nhẫn nhịn.

"Thật ra... cháu cũng có một cuốn sổ."

Khi xe vừa dừng trước văn phòng luật sư, cô bé đột nhiên nói. Tôi giậm phanh, khẽ quay đầu sang. Cô bé không tránh ánh mắt tôi mà nhìn thẳng lại. Đó là đôi mắt trong veo và sáng, rất có hồn.

"Cuốn sổ gì vậy..."

Chiếc xe vẫn bám theo đuôi suốt từ nghĩa trang giờ đang nhấn còi. Cô bé chau mày, kiểu như ý muốn nói cậu dám nhấn còi với tôi sao...

"Dù không phải là cuốn sổ gì, nhưng dù sao đó cũng là của thầy Seo Ji-woo. Giống như một dạng nhật ký..." Tay cô bé bám vào thành xe.

"Nội dung như thế nào vậy?"

"Để lần sau vậy, chú luật sư nhé." Câu đó dường như ý muốn nói, nếu tôi nói cho cô bé nội dung của cuốn hồi ký của Lee Jeok-yo, cô ấy sẽ giao cho tôi cuốn nhật ký của Seo Ji-woo vậy.

Cô bé mở cửa xe, bước xuống, cơn gió lạnh lẽo bỗng chốc ập vào. Cô bé vén mái tóc bị gió thổi tung ra đằng sau, động tác rất lặng lẽ và nhịp nhàng, sau đó quay vào trong xe chào từ biệt tôi. Chiếc xe màu trắng thiếu tính kiên nhẫn chẳng hiểu đã đến bên cạnh cô từ lúc nào. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro