Luật sư Kyu (4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Các Ủy viên Ban vận động và những người liên quan trong tòa thị chính, còn có vài nhà báo, người thiết kế, thi công đều tập trung tại "Hội thảo kỷ niệm sự nghiệp Lee Joek-yo". Có Hội thảo này là vì trước khi xây dựng "Nhà tưởng niệm Lee Joek-yo" phải nghiên cứu thảo luận nhiều vấn đề, phương diện mới tổ chức lễ khởi công.

Họ xem xét, nghiên cứu tỉ mỉ nơi nhà thơ Lee Joek-yo đã sống trước đây. Đó là một căn nhà kiểu Âu hai tầng nằm trên khu đất hơn hai trăm mét vuông ở sườn dốc vẫn còn nguyên vẹn. Lúc đầu khi nhà thơ chuyển về đây sinh sống, ngay cả trạm xe bus cũng không có, đường từ thành phố về đây còn chưa xây dựng. Do đó, nhà thơ đã mua được căn nhà này với giá rất rẻ. Người phụ trách thiết kế nói, dù ngôi nhà khá lâu đời, nhưng về cơ bản còn rất kiên cố, trùng tu hoặc thiết kế lại sẽ không xảy ra vấn đề gì. Thành phố cũng đã mua hai căn nhà kế bên làm bãi đỗ xe kiêm văn phòng làm việc. Hơn nữa mọi việc đều nhận được sự ủng hộ, cho rằng không chỉ căn nhà trước đây nhà thơ từng sống, mà cả thư phòng và các vật phẩm ông ấy từng sử dụng lúc sinh thời đều sẽ cố gắng bảo tồn nguyên trạng. Người phụ trách thi công hạng mục này nói: "Chủ tịch thành phố ra chỉ chị cho chúng ta phải hết lòng vào việc này." Bộ phận giám sát, thẩm định muốn xem xét bên ngoài của ngôi nhà, nên tất cả rầm rộ kéo nhau đi qua khu vườn. Những cây tùng già bao xung quanh ngôi nhà vẫn là khung cảnh đẹp nhất. Có người nói: "Những cây tùng này thật giống khí phách của nhà thơ Lee Joek-yo lúc sinh thời." Mọi người ai nấy đều gật đầu tán thành.

Căn nhà nằm ở vị trí cao, do đó không những thấy cả tiểu khu, mà ngay cả khe núi phía đằng trước cũng có thể nhìn thấy hết, đó chính là ưu điểm lớn nhất của căn nhà. Từ mùa xuân tới mùa thu, rừng cây ở khe núi biết bao lần thay lá, nhưng theo tôi biết, nhà thơ Lee Joek-yo đắm mình vào rừng cây và đồi núi xung quanh cũng chỉ vài năm đầu mà thôi.

Từng có những lúc, mấy nhà thơ hậu bối lên thăm núi đã tranh nhau khen rừng tùng. Thế là nhà thơ nói: "Dạo này tôi rất thấm thía lời của Lý Tương." "Lời nào của ông ấy ạ?" Có người hỏi. "Có một bài tản văn được viết khi ông ấy trông thấy những bóng râm của rừng tùng vào mùa hè rất đáng sợ, vì cảm thấy vô cùng sợ hãi nên đã cho ra đời bài tản văn ấy. Nhìn đi, những thân cây tùng cứ mãi phát triển không ngừng, các cành cây cũng cứ đâm tua tủa... Ôi, đáng sợ quá! Ham muốn sinh tồn đó, không có dục vọng nào có thể mãnh liệt hơn so với ham muốn sinh tồn và sinh sôi nảy nở đó. Bẩn thỉu quá, dơ dáy quá! Có lúc khiến người ta phải sởn gai ốc."

Trước khi mất mấy năm, ngay cả những cây tùng trong vườn cũng bị nhà thơ coi như cái gai trong mắt. "Hay là chặt hết chúng đi nhỉ? Cành lá ngày càng sum sê, bóng râm ngày càng lớn, rất phiền phức. Chẳng qua do mắt không nhìn thấy thôi, chứ những chiếc rễ cây kia đang đâm mãi vào lòng đất đấy. Có khi sau này cuộn chết cả tôi và căn phòng này cũng nên." Mặc dù nói vậy, nhưng cuối cùng nhà thơ Lee Joek-yo vẫn không nhẫn tâm chặt những cây tùng đó.

"Phải chặt bớt những cành tùng kia, lá cũng cần tỉa bớt. Cây tùng phải tỉa cành lá mới đẹp." Bạn thân của nhà thơ Lee Joek-yo, cũng là một trong các Ủy viên Ban vận động, nhà thơ lão thành N nói. Mọi người cẩn thận ghi chép lại.

"Ngài vẫn chưa chịu công khai cuốn sổ đó sao?" Là S, một nhà báo chuyên mảng văn học. Từ hoạt động nhân ngày giỗ đầu lần trước anh ta đã bắt đầu muốn xem cuốn hồi ký của nhà thơ Lee Joek170 Búãi vò àau nïn múái laâ yïu yo. S từng tới văn phòng luật sư của tôi, nói rằng nếu có di tác của nhà thơ, anh ta muốn độc quyền đăng bài.

"Không phải tôi đã hẹn với anh rồi sao? Nếu quyết định công khai, tôi sẽ đưa bản phô-tô cho anh đầu tiên. Một lần nữa tôi hứa, nhất định sẽ đưa cho anh đầu tiên. Cũng không phải vì nó có nội dung gì đặc biệt..." Tôi ngập ngừng nói, chỉ muốn mau chóng đuổi những người này đi.

Nhà báo S nắm lấy vạt áo tôi: "Nghe nói trong đó có nội dung đặc biệt đấy?"

"Người trẻ tuổi thật hay thích đoán bừa."

"Mặc dù là nhà báo, nhưng tôi cũng là nhà văn. Tôi đảm bảo với ngài, tôi sẽ không viết những bài báo gây bất lợi đối với nhà thơ Lee Joek-yo. Bởi ông ấy đã là cố nhân rồi mà. Còn nữa, chìa khóa của căn phòng lúc nãy chúng ta vừa xem đó, giờ do ai giữ vậy?"

"Anh hỏi điều này là muốn làm gì?"

"Lúc rảnh, tôi muốn tới thăm thêm lần nữa."

"Người của thành phố nói mấy hôm nữa sẽ đem toàn bộ vật phẩm chuyển đi để chỉnh lý, trong thời gian trùng tu, chỉnh lý sẽ được bảo quản ở một nơi đặc biệt. E rằng với danh nghĩa cá nhân cậu sẽ không thể tới xem."

"Tôi nghe nói thỉnh thoảng nhà thơ Lee Joekyo còn viết tản văn, dù mọi người đều biết ông chỉ làm thơ. Những người thân cận với nhà thơ, có người còn nói nhà thơ từng viết tiểu thuyết, có người còn đã được đọc những bài tản văn của ông ấy rồi. Tôi nghĩ những di tác ấy chắc sẽ được đặt trong thư phòng chăng?"

"Nếu thế khi chuyển đồ để trùng tu nó sẽ bị phát hiện và đương nhiên sẽ được công khai đấy nhỉ!" Tôi gật gù đầu.

Sao tôi không sớm nghĩ tới điểm ấy chứ?

Có thể những lúc rảnh rỗi nhà thơ Lee Joek-yo cũng sẽ viết một số tản văn hoặc tiểu thuyết, có thể là cả hí khúc nữa thì sao? Mặc dù nói chỉ làm thơ, nhưng bình thường chắc hẳn nhà thơ sẽ quan tâm tới tất cả thể loại văn học khác nữa chứ. Tôi cũng từng thấy nhà thơ viết tản văn xong để nó lên bàn làm việc. Lúc sinh thời ông từng nói vô cùng muốn thử viết hí khúc. Nếu phát hiện trong "di tác" có cả tiểu thuyết và hí khúc, thì lúc đó nó sẽ không chỉ còn là tin tức nữa, mà nhà thơ Lee Joek-yo sẽ được đánh giá lại qua các báo cáo văn học mới.

Đúng lúc đó, tôi nhìn thấy cái thang ấy.

Cái thang bằng hợp kim nhôm nằm chỏng chơ trên vạt cỏ trong sân. Đột nhiên tôi nhớ ra những ghi chép trong cuốn hồi ký của nhà thơ, có phần mô tả vô cùng tỉ mỉ, chi tiết chiếc thang khiến người ta phải kinh ngạc. Muốn trèo từ sau vườn nhà thơ lên thẳng núi phải dùng đến cái thang dựng chỗ sân phơi này. Tôi rất để tâm tới chiếc thang đó. Khác với tôi, chẳng ai thèm chú ý đến nó cả, mà trái lại, lúc mở cánh cửa ở vườn sau, mọi người đều "ồ" lên.

Ở đó có một chiếc động ở lưng chừng vách núi. Cửa động chật tới mức chỉ có thể vừa một người khom mình chui vào, nhưng ở trong chỉ sâu hai, ba mét, lại có một căn phòng nhỏ vừa hai người nằm. Có người hỏi: "Nghe nói cái động này do chính tay nhà thơ Lee Joek-yo tự mình đào?"

"Ừ, tôi cũng nghe nói hình như ông ấy tự mình làm từ đầu đến cuối." Có người trả lời.

Điều đấy là sự thật. Sau khi chuyển nhà tới đây không lâu thì nhà thơ Lee Joek-yo bắt đầu đào. Ông chỉ dùng đục và búa trong hơn mười năm mới hoàn thành. Hình ảnh nhà thơ sử dụng đục, rồi búa trông như một chiến sĩ cô độc. Tôi hỏi tại sao ông lại phải làm công việc khổ cực như vậy, nhà thơ trả lời: "Sung sức quá mà, sao nào?"

Âm huyệt đông ấm hạ mát. Nếu không tìm thấy nhà thơ trong nhà, thì kiểu gì cũng thấy ở đây, ông thường ra đây ngủ. "Lẽ nào chỉ dùng làm phòng ngủ, mà phải phí sức như vậy sao?"

Lúc nhà thơ N hỏi, nhà thơ Lee Joek-yo đã trả lời: "Chỉ ư? Giấc ngủ sao lại có thể nói là chỉ chứ? Trong huyệt mộ cũng là một kiểu phòng ngủ đấy." Nhưng, mấy năm trước khi mất, không biết có phải mất hứng không, tôi không thấy nhà thơ vào âm huyệt nữa. Trước khi ông chết cửa âm huyệt luôn đóng im ỉm.

"Đặt một bức tượng sáp của nhà thơ ở trong động này thì thế nào nhỉ!" Nhà bình luận C nói.

"Ý tưởng hay đấy. Bởi đây cũng là nơi nhà thơ từ biệt thế giới này."

"Nói như ngài là đúc tượng sáp theo tư thế lúc lâm chung của nhà thơ sao?"

"Làm thế thì ích lợi gì chứ, đúc tượng sáp tư thế lúc nhà thơ trầm tư..."

"Nhà thơ Lee Joek-yo ghét trầm tư lắm." K nói. Đó là sự thật – nhà thơ Lee Joek-yo rất ghét những thứ đó.

Từng có những lúc, nhà thơ nói với tôi chủ nghĩa thần bí là "đê tiện". Ông không tin sự giác ngộ, còn chỉ trích việc thông qua giác ngộ có thể đạt được lý luận về cuộc sống vĩnh cửu tuyệt đối là một mớ lý luận hoang đường. "Toàn là những lời giả dối cả. Làm gì có kiếp sau chứ?" Ông ấy từng nói thế.

 Ông còn nói thần tính là sự cảm thụ mẫn cảm thông qua trực quan của chúng ta, chứ không phải có được do những biểu hiện hình tượng.

Từ nhận định đó có thể thấy, việc nhà thơ Lee Joek-yo ở đây để nghênh đón sự diệt vong của mình là một câu đố. Thời gian hơn một tháng ở bệnh viện, đa phần nhà thơ bị chìm trong cơn hôn mê sâu. Thỉnh thoảng có lúc tỉnh lại nhưng mắt cũng không thấy gì, không nhận ra ai, và cũng chẳng nói được gì. Từ lúc nhập viện, do bệnh viêm võng mạc, đái tháo đường mà dường như nhà thơ đã bị mất đi sự minh mẫn. Nghe nói có hôm, y tá vừa bước vào phòng bệnh, đã thấy ông đang ngồi ngay ngắn trên giường. Đột nhiên nhà thơ nói rất rõ ràng với y tá: "Đến giờ ra đi rồi... Quần áo của tôi để ở đâu?" Đấy chính là dáng vẻ cuối cùng của nhà thơ. Khuya hôm ấy, không ai còn trông thấy tung tích nhà thơ trong phòng bệnh nữa. Một người mắt không nhìn thấy gì rốt cuộc có thể trốn ở đâu chứ? Nhận được điện thoại của bệnh viện, tôi tìm khắp nhà nhà thơ, hai hôm sau mới phát hiện thấy cửa âm huyệt mở hé một nửa. Nhà thơ nằm ngay ngắn trên chiếu trong âm huyệt do mình tự đào, người đã lạnh toát. Cạnh gối đặt một con thỏ bông rất nhỏ làm từ sa tanh và lông vũ. "Đó là món quà tôi tặng cho ông nội. Ông luôn nói tôi giống chú thỏ con." Sau này Eun-kyo có nói với tôi thế.

Đưa Nye về nước là ý của tôi. Người mà nhà thơ Lee Joek-yo nói là "kẻ lang thang" Nye lúc ấy đang mở một nhà hàng Hàn nhỏ ở Irkutsk, Siberia. Ngày trước anh ta nói muốn định cư lại rồi mở công ty điện máy, sau đó khi ra tù hình như bị truy đuổi phải rời bỏ tổ quốc. Từ đó đến nay, đây là lần đầu về nước của anh ta.

Người của thành phố nói, cùng với công trình xây dựng nhà tưởng niệm và bãi đỗ xe, các công việc phụ thuộc liên quan bắt đầu từ ngày mai sẽ khởi công xây dựng. Vài người vỗ tay tán thưởng.

Nye không đi theo mọi người, mà đứng một mình dưới gốc tùng. Anh ta dáng người cao, gầy gò, lưng hơi gù gù. Hình dáng ấy khiến người ta liên tưởng tới nhà thơ Lee Joek-yo mấy chục năm trước. Nye nói anh ta không muốn trở về. Tôi cố gắng thuyết phục vì anh ta là huyết thống duy nhất của nhà thơ. Nếu không công khai giới thiệu, hầu như không có ai nhận ra anh ta là con của nhà thơ Lee Joek-yo cả.

"Tôi tin giới văn nghệ sĩ nhất định sẽ tích cực trợ giúp việc xây dựng nhà tưởng niệm. Chúng ta sẽ gặp lại ở lễ khánh thành nhé!" Người của thành phố vẫy tay. "Nhà tưởng niệm Lee Joek-yo" dự định sẽ khánh thành trong tháng Năm.

Mọi người lục tục giải tán.

Nye ngồi lên ghế phụ, tôi liền khởi động xe. Tâm trạng vẫn rất nặng nề. Trong tình hình này, quả thực không thể công khai bút ký của nhà thơ được. Các thành viên trong Ủy ban vận động cũng vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

"Đợi chút!" Lúc xe chạy qua bãi đất trống ở điểm cuối trạm xe bus, Nye bất chợt nói. Lập tức tôi cảm giác đây chính là nơi nhà thơ đã nói đến trong cuối hồi ký, ông đã núp trong chỗ tối, tận mắt trông thấy Seo Ji-woo và Eun-kyo hôn nhau. Nhưng, không giống tôi, Nye lại đưa mắt nhìn tới tiểu khu bên kia, bên cạnh tiệm giặt là đang xây dựng một căn biệt thự ba tầng. Nơi đó từng là nhà của Han Eun-kyo.

"Sao thế?" Tôi hỏi.

Nye do dự trả lời: "Cô... cô gái đó... tôi muốn biết nhà của cô gái thừa hưởng nhuận bút của bố tôi mà bài báo nói tới."

"À, cô gái đó à, chuyển nhà rồi. Giờ không ở đây nữa. Trước khi bố cậu mất, cô gái đó đã chuyển nhà vào nội thành rồi."

Tôi lại nổ máy, rất nhanh xe đã tới đoạn dốc nơi Seo Ji-woo bị tai nạn. Đường rất hẹp, rất dốc, lại còn khúc khuỷu. Để có thể nhìn rõ phía trước, dọc đường người ta bố trí rất nhiều gương lồi quan sát. Nếu là người mới học lái, con đường này quả thật quá khó để ứng phó.

"Cô gái ấy trông thế nào? Vẫn còn là học sinh sao?" Nye hỏi.

"Là sinh viên rồi. Chỉ là một người bình thường thôi. Một đứa trẻ của thời hiện đại."

"Sau khi đọc báo, tôi rất lấy làm hiếu kỳ."

"Nói là thừa kế, nhưng thật ra nhuận bút chẳng đáng bao nhiêu. Chắc cũng chỉ đủ đóng học phí thôi."

"Tiền, tôi không quan tâm. Bố tôi là người rất lạnh nhạt. Thứ làm tôi hiếu kỳ chính là liệu đó có phải tình yêu không!"

"Nếu đem so sánh với tình yêu, thì chắc đó là... thương hại. Đứa trẻ đó hình như là mẹ góa con côi, cuộc sống cũng rất khó khăn."

Cuộc nói chuyện chấm dứt. Nye dường như vẫn muốn hỏi gì đó nhưng lại không nói ra.

"Bố anh hình như cũng có ý này... nếu anh về nước và sống ở Buan thì thế nào?" Tôi lo lắng anh ta sẽ hỏi những câu hỏi khó trả lời, nên lập tức đổi chủ đề.

Di sản của nhà thơ Lee Joek-yo chẳng có bao nhiêu. Tài sản lớn nhất chính là căn nhà sắp được xây dựng thành "nhà tưởng niệm" lúc nãy, kế đến là căn nhà ở quê và chút tiền dành dụm. Cuối đời nhà thơ dường như cảm thấy rất có lỗi với mẹ của Nye. Mô tả trong bút ký thường là những hoài niệm về miền biển quê nhà, Buan – quê mẹ của Nye, và coi Seoul là "địa ngục". Nhà thơ cố gắng tìm được chỗ đó, đồng thời mua được căn phòng hợp ý, đủ làm một nơi nghỉ dưỡng. Nơi đó, chắc chắn ngay từ đầu đã dành để chuẩn bị cho Nye. Dường như nhà thơ hy vọng Nye, người luôn phiêu bạt hải ngoại ấy có thể quay trở về nơi có người mẹ ngay cả trong mơ thôi cũng luôn mong con trở về, và sống những ngày bình yên ở đó. Căn nhà đó đã được đứng tên của Nye, các thủ tục hành chính tôi cũng đã giải quyết xong, chỉ cần anh ta đồng ý, lúc nào cũng có thể trở về.

"Tôi vẫn chưa quyết định. Tạm thời cứ do luật sư quản lý đã." Nye nói.

Xe tiến vào thành phố. Đi qua hàng loạt những trung tâm mua sắm và khu vui chơi giải trí là tới trường học. Một đám nữ sinh đang túa ra cổng. Đó là ngôi trường mà Eun-kyo đã tốt nghiệp.

"Mai cậu trở lại Irkutsk à?"

"Tôi vẫn rất muốn gặp cô gái đó." Nye nói thay cho câu trả lời. "Tôi vẫn không lý giải được bố mình... Đến giờ tôi cũng không rõ ông ấy là người như thế nào nữa. Thế nên... thế nên tôi cảm thấy nếu gặp cô gái ấy một lát, có lẽ sẽ hiểu ông ấy hơn."

"Vậy để tôi hỏi cô ấy thử xem. Cũng phải nghe ý kiến của cô ấy chứ..."

"Không cần, luật sư, không cần phải như vậy."

Đường sá trong thành phố rất thuận tiện. Bây giờ nếu rẽ phải ở ngã tư đằng kia là đến trường Eun-kyo. Rất nhiều sinh viên đứng ở trạm chờ xe, dường như Eun-kyo cũng trong số đó. Tôi nghĩ cho dù Nye có gặp Eun-kyo, thì chắc chắn anh ta cũng không thể hiểu nhà thơ Lee Joek-yo hơn bây giờ.

Theo tôi, không thể nói Eun-kyo là mỹ nhân thu hút ánh nhìn người khác được, dáng người cũng bình thường. Vùng eo cong mê người mà nhà thơ nói tới thì ở độ tuổi này, bất kỳ cô nàng trẻ tuổi nào cũng có thể có. Kích thước khuôn ngực cũng chẳng có gì đặc biệt. Khuôn mặt và làn da rất trắng, nhưng nếu chú ý quan sát một chút, những cô nàng như vậy chỗ nào chẳng có. Hương thơm trên suối tóc bóng mượt nhà thơ mô tả cũng vậy, ánh mắt sáng, bàn chân nhỏ nhắn cũng thế. Nói tóm lại vào độ tuổi mười bảy hoặc hai mươi, tóc của ai không mượt mà cơ chứ? Mắt của ai không sáng đây? Eunkyo là một cô gái như vậy: không xấu, có chút đáng yêu, da dẻ nõn nà... nhưng ở vào độ tuổi ấy thì như thế chẳng qua cũng chỉ là một cô gái bình thường.

Vẻ đẹp tuyệt vời nhà thơ Lee Joek-yo thấy không phải là sắc đẹp mỹ miều của Eun-kyo, mà đó chỉ là nét đẹp, ánh hào quang rực rỡ của tuổi trẻ mà thôi. Thiếu nữ là "ánh sáng", còn nhà thơ thì già rồi, chỉ còn là "cái bóng". Tất cả chỉ có thế.

Nhưng, với nhà thơ thì không như vậy, chỉ có Seo Ji-woo biết tất cả những sự thật về cô gái Eunkyo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro