Chap 36: Tai nạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những lời nói của Vũ hôm ấy, tiếp tục là thứ làm cho tôi mất ngủ nhiều đêm sau đó.

Mấy ngày nay, khi đến phòng làm việc, các chị đồng nghiệp đều hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi. Tôi từ bé vốn rất gầy, lại thêm chuyện thiếu ngủ nên hai hốc mắt thâm đen và trũng sâu. Khuôn mặt đáng lẽ ra cũng rất khôi ngô tuấn tú, lại bị che đi bởi làn da sạm và mái tóc bù xù như tổ chim. Râu ria qua mấy ngày không cạo, cũng đã mọc lên một lớp xanh rì bên dưới cằm. Chính vì công việc bận rộn và cái lời hứa cho tôi thời gian ấy, mà đã mấy ngày nay tôi và Vũ không liên lạc với nhau. Nhưng sự im lặng lại càng khiến tôi ngột ngạt hơn bao giờ hết. Lại đúng năm ấy thị trường nhộn nhịp nên cả công việc lẫn tình cảm đều như đang đè nghiến lên tôi. Còn nữa, nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi tin bố mẹ mình trước sau cũng sẽ phát hiện ra. Giữa những rắc rối không thể kể cho ai nghe đấy, tôi quyết định phải tự giải thoát cho mình, cho bản thân một dịp để có thể trấn tĩnh lại tất cả. Chính vì vậy, cuối tuần ấy, tôi đi lên ban giám đốc, xin nhận nhiệm vụ đi từ thiện, quảng bá hình ảnh công ty ở một tỉnh nghèo vùng cao.

Ngày hôm đó, chuyến xe phải khởi hành từ rất sớm. Khi tôi bước vào, cũng thấy thành viên trong đoàn ít đến thảm thương. Cũng đúng, một thị trường chưa nhìn ra bao nhiêu tiềm năng, lại là nơi hoang sơ buồn tẻ như vậy, rất ít người muốn đến, dù chỉ là trong ít hôm. Thẳm nào, hôm ấy đi về phòng họp, tôi thấy mấy gã cùng phòng nhìn tôi bằng ánh mắt cứ như thể tôi là bệnh nhân tâm thần.

Nhưng không sao, mục đích chuyến đi này của tôi, cũng là vì muốn thay đổi không khí một chút.

Cả chuyến đi của chúng tôi chỉ kéo dài hai ngày. Ngoài việc tạo dựng hình ảnh công ty thì nhiệm vụ chính vẫn là vận động người dân đồng ý di cư, nhận tiền đền bù đất để phục vụ cho việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng sau này. Lên đến nơi, mới thấy đây thật sự là đất chó ăn đá gà ăn sỏi. Không chỉ thông tin chậm chạp mà người dân cũng nghèo đến đáng thương. Địa hình hiểm trở, đất đai lại không được màu mỡ nên hầu hết gia đình nào cũng phải trải qua một số ngày túng thiếu trong năm. Nhìn những đứa trẻ da ngăm chân đất, khuôn mặt bám đầy đất cát; những cụ già trầm mặc và những người mẹ vừa ôm con vừa lên rẫy lên nương, tôi mới hiểu rằng bản thân mình vẫn còn có nhiều may mắn như thế nào.

Dù là vậy, chuyến đi này vẫn vô cùng có ích. Sau những ngày thong thả ở miền quê, tôi thấy mình cũng bình tâm lại rất nhiều. Khi chúng tôi vào thăm trường làng, nhà dân, dáng vẻ nồng hậu thật thà và sự tiếp đón chu đáo của người dân bản địa khiến cho ai trong đoàn cũng đều thấy rất vui. Mỗi buổi sớm, khi tôi thức dậy, sẽ đều xuống dưới sảnh nhà trọ để ngắm nhìn khung cảnh bình minh. Nghĩ đến việc nơi đồng lúa sẽ biến thành sân bóng, đường đất thành đường nhựa, những ngôi nhà mái ngói trở thành những công xưởng, nhà máy, công viê, trong đầu tôi bỗng xuất hiện những cảm xúc vô cùng khó tả.

Cho đến cuối cùng, thì chỉ có vật chất là thay đổi. Con người bao giờ cũng vậy. Dù nghèo khó hay đủ đầy thì vẫn đều có những nỗi buồn riêng.

Ngày trở về, bên cạnh sự nhẹ nhõm, tôi thậm chí còn có phần nào cảm xúc lưu luyến với nơi này. Mấy ngày ở lại đây, tôi chợt thấy khung cảnh thiên nhiên hoang vu ban đầu trở nên thi vị và thanh tĩnh. Sự bình yên thong thả ở nơi đây là thứ mà cuộc sống thành thị chưa từng cho tôi có hội nếm trải. Tôi bật cười khi nhớ lại lời hứa của mình trong cuộc tán dóc linh tinh với cô lễ tân nhà nghỉ.

"Liệu sau lần này, anh còn muốn trở lại cái xứ này không?"

"Tất nhiên là có. Nếu có lần sau, anh còn mong sẽ được đưa người yêu cùng đến đấy."

"Tiên sư nhà anh, tự dưng làm em hết cả hi vọng thế này!"

Lúc chúng tôi đến, là vào một buổi sáng sớm. Và khi chúng tôi đi cũng là lúc bầu trời còn chưa hửng tia nắng đằng Đông.

Thực lòng mà nói, ngồi trên xe, ai nấy đều đã mệt. Những ngày ngủ sớm dậy sớm, giao lưu cùng bà con khiến cho đồng hồ sinh học của chúng tôi bị xáo trộn đi nhiều. Ngồi trên xe, tôi chọn một chiếc ghế trống bên cạnh cửa sổ sau đó sắp đồ đạc sang một bên. Lúc này, con đường ngoằn nghèo đi qua sương núi còn bị bao phủ bởi sương mù. Những đám mây trắng, như sà xuống ngang tầm tay với của chúng tôi. Tôi tựa đầu vào cửa kính, mơ màng ngắm nhìn. Một điều kì lạ, là trong xe lúc này vô cùng yên ắng. Có người vừa chợp mắt, có người đã say giấc từ lâu. Những tiếng thở đều và tiếng ngáy rất nhỏ vang lên cũng khiến cho tầm mắt tôi mờ dần vị cơn buồn ngủ vừa chợt đến. Tôi ngửa đầu ra sau, một hồi gật gù, nửa tỉnh nửa mơ.

Tôi nhớ lúc ấy, mình đã nghĩ đến rất nhiều chuyện. Tôi nghĩ rằng mình sẽ đem những đặc sản mang theo về này tặng cho bố mẹ, tặng những con chuồn chuồn bằng lá tre cho bé Bống đáng yêu. Tôi cũng nghĩ mình sẽ đưa những lá trà tươi sạch cho anh chị pha nước, cho đồng nghiệp cùng tổ xem những tấm ảnh tôi lội ruộng, tưới rau. Và hơn hết, tôi nghĩ đến khi trở về Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm, sẽ là hẹn gặp anh. Tôi muốn chúng tôi có thể thẳng thắn nói hết với nhau.

Những ý nghĩ ấy, chập trùng giữa những cơn mơ rời rạc, cho đến khi tôi nghe thấy tiếng hét dữ dội ở bên tai

Tôi đã cảm thấy thân mình chao đảo dữ dội, đã nghe thấy những âm thanh hỗn tạp ở bên tai. Tôi còn chưa kịp tỉnh nhưng chẳng hiểu sao cơn đâu tê liệt đã như nước lũ ập thẳng lên đại não. Thân thể không còn thăng bằng, cả người xóc nẩy lên xuống, rồi những va đập như muốn bẻ gãy các đốt xương tôi. Tôi thậm chí, còn có thể cảm giác được vật sắc nhọn đang cứa lên da mình. Sau đó, từ đâu, một dòng chất lỏng mềm mịn, nóng ẩm từ từ chảy ra, ướt hết cả nửa mặt và những ngón tay tôi.

Cơn hôn mê kéo đến ngay lúc ấy.

Trong tầm mắt tôi, tất cả, phút chốc chỉ còn lại một màu đen.

--------------------------

Tôi không thể nhớ nổi mình đã ngủ bao lâu.

Cảm giác đầu tiên khi thức giấc là mi mắt tôi nặng đến không thể mở ra được hết. Cơ thể cũng thế, nhất là nửa bên trái, đều thấy ê ẩm nóng ran. Mùi thuốc sát trùng vô cùng khó chịu tràn ngập trong hai cánh mũi tôi. Màu sắc đầu tiên tôi nhìn thấy là màu trắng chói mắt, sạch sẽ và lạnh lẽo đến rợn người.

Tiếng máy móc đều đều vang lên. Và sau những hồi tíc tóc đau đầu ấy, một tiếng reo bằng giọng thân quen truyền đến như đánh thức mọi giác quan trên cơ thể tôi.

Tôi ngơ ngác rất lâu, cho đến khi người ấy chạy lại từ cửa vào, ngồi xuống bên giường tôi. Anh đặt hết những đồ đạc lỉnh kỉnh trên tay xuống, âu yếm nhìn tôi.

Là Vũ.

"Long! Em tỉnh rồi! Bác sĩ bảo nếu qua hôm nay em không tỉnh thì sợ rằng sẽ hết hy vọng hoàn toàn. Nhưng may quá! Bây giờ em đã tỉnh rồi. Cuối cùng em cũng tỉnh lại rồi."

Tôi há miệng định trả lời anh, nhưng trong cổ họng không thể phát ra trọn vẹn dù chỉ là một câu ngắn.

"An.....h........Em...Em.....Sao....."

"Đừng nói gì vội. Bác sĩ nói em bị thương nặng lắm, dù tỉnh lại cũng chưa thể làm gì cố đâu. Em ngủ đã tròn một ngày đêm rồi. Chắc chút nữa, anh có thể gọi điện cho nhà em để cô chú và anh chị đến thăm."

Sau đó, Vũ bắt đầu ngồi thẳng lại trên giường, nhẹ nhàng vén lại ga gối cho tôi. Tâm trí tôi đã rõ ràng hơn, cũng đã nhận ra tình cảnh khó xử của mình lúc này. Toàn thân tôi đều bị cuốn băng trắng, tứ cho tê liệt đến gần như không còn cảm giác. Một nửa mặt bên trái cũng vậy, đến giờ vẫn còn để lại cảm giác đau rát không thôi. Nếu tôi không nhầm thì thời khắc chiếc xe đổ nghiêng, tôi đã bị mảnh vỡ từ chiếc kính thủy tinh cứa đến chảy máu đầm đìa.

Vũ bắt đầu bình tĩnh, kể lại mọi thứ cho tôi.

"Chiếc xe trở đoàn người của công ty em gặp tai nạn trên đường xuống núi, may mắn là chưa có ai bị thương vong. Cảnh sát trên đó khi tìm thấy cũng phải mất một thời gian để xác định hết nạn nhân. Em được sơ cứu ở đó rồi đưa ngay xuống đây để điều trị. Do nằm sát cửa kính nên thương tích của em tương đối nặng, thậm chí hôm qua bác sĩ còn nói anh phải chuẩn bị sẵn tinh thần. May quá, giờ thì em tỉnh lại rồi."

Không đợi tôi phải hỏi, Vũ liền nói tiếp.

"Khi nghe tin này, anh cũng vô cùng bất ngờ. Nghe nói điện thoại em bị dập nát, chỉ còn tấm ảnh anh mà em để trong ba lô là may mắn vẫn chưa hư hại hoàn toàn. Họ cứ dựa theo số điện thoại ghi đằng sau đó mà gọi về cho anh. Lúc đầu, anh tưởng em nằm ở viện Việt Đức nên chạy ngay ra đó. Anh vật vã bốn tiếng đồng hồ, mới xác nhận lại được thực ra em đang nằm ở Việt Xô. Anh ra đến nơi, nhìn hình ảnh em bị băng bó như búp bê ma trong phim mà anh cũng hết cả hồn. Anh sợ nhà em sốc nên chưa báo tin. Bây giờ em tỉnh lại, anh cũng có thể gọi cho họ đến thăm em được rồi."

Tôi mới tỉnh lại nên Vũ cũng chưa dám nói nhiều, giữa những đoạn hội thoại, anh lại dừng lại xem xét cơ thể cho tôi. Anh nhẹ nhàng vuốt ve bả vai dơ xương của tôi, chép miệng thở dài.

"Mới ít ngày thôi mà cậu sụt đi nhiều quá. Cũng may ban đầu cậu gầy nên bác sĩ còn dễ lấy ven. Mới nghe tin, anh còn tưởng trời sắp sập, may là đi đường tay lái vẫn cứng được nên không va chạm vào đâu. Anh chưa biết ý em ra sao nhưng anh vẫn thấy tiếc. Dù sao thì kế hoạch đưa em vào Nam vẫn phải hoãn lại rồi."

"Nhớ nhé! Dù ra sao thì anh vẫn tôn trọng quyết định của em."

Lúc ấy, dù tôi không thể nói, nhưng trong vụng vẫn quận lên từng đợt xúc cảm nhộn nhạo.

Thì ra đây chính là cảm giác của những người khi bước qua bờ vực sinh tử. Cảm giác của một người thức dậy sau giấc ngủ dài. Thời khắc ấy, người đầu tiên họ nhìn thấy vào lúc sớm mai, sẽ là người họ muốn ở bên cạnh suốt đời.

Dù tôi không thể, nhưng ngay lúc này, tôi cũng rất muốn hét lên. Khóe mắt cay cay nóng xót, chỉ trực chờ như muốn khóc.

Vũ, em đồng ý! Em muốn vào Nam gặp bố mẹ anh, muốn dẫn anh về nhà nói chuyện với gia đình em. Em muốn rất nhiều ngày sau, cũng sẽ như bây giờ. Sau mỗi giấc ngủ dài, em luôn được nhìn thấy anh mỗi sớm mai.

Vũ, em muốn chúng ta cùng nhau sống đến già.

Đêm hôm ấy, Vũ ở lại với tôi. Chúng tôi cứ thế ngồi bên nhau. Dù tôi chỉ có thể gật với lắc, ú ớ vài chữ ngắn ngủi nhưng anh vẫn rất kiên nhẫn, trò chuyện với tôi đến hết đêm. Anh kể cho tôi nhiều thứ. Chuyện lúc nhỏ, chuyện về bố mẹ anh. Tôi vui lòng nghe hết tất cả, trong lòng xôn xao chờ đợi ngày bình phục để có thể hoàn thành mọi ước nguyện với anh.

Sáng hôm sau, cả nhà tôi đến bệnh viện. Anh chị tôi thậm chí còn mang cả cái Bống theo. Mẹ tôi khóc bù lu bù loa, trong khi con bé con đi quanh phòng bệnh, nghiêng đầu quan sát trước những cái dây thuốc mà với nó không khác gì dây nhảy ở trường. Việc Vũ ở đó, cũng là tin bất ngờ cho gia đình tôi. Mẹ tôi e ngại nhìn anh nhưng vì tôi đang bệnh nên không dám hỏi quá nhiều. Anh chị tôi nhìn nhau lắc đầu, không hiểu sao cứ thì thầm vào tai tôi rằng dù thế nào vẫn sẽ ủng hộ tôi. Nhận ra thái độ của gia đình, tôi cũng không lấy làm lạ. Tôi biết Vũ cố tình ở lại cũng chỉ vì muốn đợi câu trả lời và chuẩn bị sẵn tinh thần cho cả nhà tôi. Tôi biết phía trước còn nhiều thứ để vượt qua, nhưng ý muốn trong lòng vãn trước sau vững vàng như một. Có lẽ, vì đã ngầm hiểu được ý tứ của tôi mà những ngày ấy, Vũ rất hay mỉm cười, đôi mắt khẽ nháy ý nhị khi ngồi cạnh tôi.

Mẹ tôi đuổi khéo anh cũng không về, ngày ngày sau giờ làm đều đặn đến thăm nom cho đến khi tôi xuất viện.

Cơ thể tôi dần dần bình phục.

End chap 36

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro