Chương 7: truy xét chuyện cũ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyên Bình năm thứ 17, mùng 10 tháng ba, vào giờ Ngọ, tại phủ Chúa, Trịnh Hữu đột ngột qua đời mà không kịp giao phó chiếu lập Chúa mới.

Em trai chúa là Trịnh Chí Nhưỡng mượn cớ Huân tôn là kẻ mang tội bất nghĩa không xứng làm Chúa, trong họ dòng chính cũng không còn ai là người thân cận với Chúa ngoài hắn vì vậy tự mình lên ngôi rồi đem ba quân do mình nắm quyền ở phía tây vào phủ Chúa để củng cố ngai vị. Nếu ai có nửa lời vào ra lập tức xử tử.

Chuyện nhà Chúa kinh động đến triều đình, vua bèn sai người đến phủ Chúa nhưng lại bị chúa mới lấy cớ nhà có tang sự nên không thể đón tiếp. Đợi thêm một thời gian phủ Chúa ổn định thì Nhưỡng sẽ đích thân tiến cung tâu rõ cơ sự với vua.

Từ khi trở về, Huân tôn luôn bị giam giữ ở một căn phòng khuất sâu trong phủ, mỗi ngày Nhưỡng cho người cứ canh đúng giờ thì đem cơm thừa canh cặn tới cho Huân ăn nhưng mỗi ngày chỉ được một cử.

Khi hay tin Chúa mất, Huân vội tìm cách trốn ra ngoài nhìn Chúa lần cuối nhưng bất thành. Trải qua nhiều biến sự, dù sao Trịnh Chí Huân cũng chỉ là một đứa trẻ mười sáu mười bảy, cứng rắn cách mấy cũng khó tránh khỏi suy nghĩ tủi hờn, không cam lòng mà gào khóc trong đêm, tiếng khóc ai oán khiến Văn Huyền Tuấn đang ẩn náu cách đó không xa nảy sinh một chút xót thương.

Trước khi chúa mới tiến cung đã cho người thả Huân ra ngoài, chúa nói:

"Ngươi mang tội bất nghĩa, theo lý ta phải phạt nặng nhưng dù sao ngươi cũng là cháu ta, mà để ngươi ở phủ chúa như trước kia thì dân chúng đàm tiếu vào ra. Thôi thì ngươi hãy rời khỏi kinh thành, theo sắp xếp của ta đến sống ở một nơi khác, có thể không bằng phú quý ngày trước nhưng đảm bảo vẫn đủ sống. Đêm nay giờ Tí xuất phát."

Huân tôn trầm mặc không nói gì, phó mặc cho Nhưỡng xử trí bởi Huân cũng hiểu rõ, đây chỉ là lời nói để thông cáo với thiên hạ, còn sau khi hắn rời khỏi đây có bảo toàn được mạng hay không lại là chuyện khác.

Phân phó xong xuôi, chúa mới lập tức tiến cung.

Bên này, Hoàng tử Hách nghe ngóng được chuyện của Huân thì vui như mở cờ, ra lệnh cho Văn thị vệ cùng vài người khác bí mật theo sát cỗ xe áp giải Trịnh Chí Huân ra khỏi kinh thành, tùy thời giải cứu.

"Trẫm đã đọc sớ mà chúa dâng, quả thực về lý chúa làm không sai." – Vua Lý ngồi trên long ngai, hòa ái nhìn xuống chỗ chúa mới đang chắp tay sau lưng đối đáp với mình mà không hề có ý chê trách dù chúa không chịu hành lễ.

"Nhưng chúa đem quân lính kéo vào tận kinh chỉ để dự tang sự của Từ vương  quả thật có phần không thỏa đáng."

Chúa mới nhướng mày, song lại không phản pháo gì nhiều, hắn chậm rãi tâu rằng:

"Ba quân kia là quân lính trung thành với bao đời nhà chúa, nay chúng nó tự kéo nhau vào đây để thể hiện sự tận trung với nhà chúa tôi thì có gì là không thỏa đáng. Về lý có thể sai nhưng về tình thì không thể chối cãi."

Nhưỡng lại nói tiếp, "Nhà chúa tôi trước giờ đều phò trợ nhà vua, bây giờ vua lại nghĩ xấu cho tôi thì chẳng khác nào cô phụ tấm lòng tận trung? Ba quân nghe thấy nhất định giận dữ không thôi!"

Vua nghe đến đây thì không nói nữa mà cho chúa lui về phủ. Trong lòng âm thầm tính toán đường đi nước bước, chúa mới là kẻ âm hiểm, bụng dạ khó lường hơn so với Từ vương, nếu không chuẩn bị chu toàn nhất định sẽ có ngày nhà chúa làm phản thì đến khi ấy cũng khó lòng giữ vững thái bình như hiện nay.

Tiếp tục nói, sau khi Trịnh Chí Huân lên xe ngựa rời thành, trên đường đi lại rất suôn sẻ, hoàn toàn không gặp phải trở ngại nguy hiểm đến tính mạng. Cho đến khi tờ mờ sáng, đoạn đường phải đi qua một con dốc cheo leo thì bất ngờ gặp phải ám toán do Nhưỡng phái đến. May thay Văn Huyền Tuấn luôn theo sát phía sau nên mới có thể kịp thời ứng cứu.

Trịnh Chí Huân nhìn thấy Huyền Tuấn thì tự mình khắc ghi thêm một ơn cứu mạng của hoàng tử. Văn Huyền Tuấn theo lệnh Hách giao phó, đưa Huân xuôi dòng về phía bắc cho đến khi nhìn thấy cổng thành khắc tên Quận Trường Chi.

"Đây là quê mẹ đẻ của Hoàng tử, ngài cầm lệnh bài này tìm tới cửa phủ Văn gia thì sẽ có người sắp xếp chu toàn, còn mọi chuyện sau này thì dựa vào bản lĩnh của ngài."

Trước khi rời đi, Văn Huyền Tuấn nói thêm một câu dặn dò với Huân, "Phía trước khó tránh khỏi những nguy nan, hi vọng người nương tựa vào ơn nghĩa với hoàng tử mà cố sống sót. Bởi lẽ sau này, nếu thiên hạ có đại loạn thì ngài chính là kẻ phò tá trung thành cho người ấy."

Mãi về sau, chính vì câu nói đó của Văn Huyền Tuấn mà Trịnh Chí Huân đã bôn ba khắp nơi, không tiếc sinh mạng bảo vệ chu toàn cho Lý Tương Hách, một lòng trung kiên đến tận hơi thở cuối cùng.

..

Sau khi Chúa mới lên ngôi, tụi kiêu binh lại được đà làm loạn khắp nơi, triều đình nhiều lần can thiệp nhưng thế lực nhà Chúa ngày càng lớn mạnh mà nhà Vua thì lại càng suy yếu.

Nguyên Bình năm thứ 23, khi Tôn Hiếu Minh Đức đế đang dùng bữa cùng với Văn quý phi tại tẩm cung riêng thì ăn phải thức ăn chứa kịch độc, nguy kịch nằm trên giường bệnh.

Khi ấy Văn quý phi bị hàm nghi giết vua nên bị tống vào ngục giam.

Trưởng hoàng tử Lý Đông Cơ không biết từ đâu kéo một nữ tì đến trước giường bệnh của vua rồi chỉ điểm ả là người bỏ thuốc độc nhằm ám hại vua.

"Nói! Ai ra lệnh cho mày làm chuyện tày trời này?" – Thuận Dương hoàng hậu túc trực ngày đêm bên cạnh vua nghe vậy thì khóc lớn.

Nữ tì run rẩy xin tha, lấp lửng hồi lâu rồi la lên, "Bẩm thưa là Văn quý phi đưa cho nô tì một g-gói thuốc..nói là thuốc an thần, dăn nô tì bỏ vào chén canh nhân sâm dâng lên vua. Nô tì vô tội, nô tì không ngờ đó lại là thuốc độc!"

Thái hậu nghe rõ sự tình thì cho người lôi cổ con nữ tì ra ngoài ban chết, về phía Văn quý phi thì chờ vua tỉnh lại mới xử trí.

Nhưng không ngờ bệnh tình của vua đương chuyển biến tốt thì bất ngờ ho ra ngụm máu đen, rơi vào hôn mê sâu, hai canh giờ sau thì trút hơi thở cuối cùng mà không kịp trăn trối.

Cả triều đình nhất thời rơi vào hỗn loạn, Văn quý phi ở trong ngục tối nghe tin vua mất thì tự trách không thôi. Cuối cùng quẫn trí, tự mình đập đầu vào tường, nguyện chết cùng với vua cho trọn nghĩa vợ chồng cũng như quyết chết để giữ sự trong sạch thanh danh.

Hoàng tử Hách trong cùng một ngày mất cả cha lẫn mẹ rơi vào tuyệt vọng, ngồi trước cửa điện khóc lớn, tiếng khóc oán hận xé rách cả màn đêm đen.

Cái chết đột ngột của Tôn Hiếu đế đã đẩy đất nước rơi vào cảnh rồng rắn mất đầu, vua thì chết trẻ, còn phía nhà chúa lại càng được đà quấy nhiễu.

Hơn trăm năm trước, cũng vì vua đột ngột băng hà mà chưa kịp lập thái tử của họ Dương đã dẫn đến việc anh em giết hại lẫn nhau, giẫm đập mạng người mà lên ngôi vua. Để tránh không đi vào vết xe đổ ngày trước, Thái hậu lập tức sắc phong đích hoàng tử Lý Đông Cơ lên ngôi vua để tránh huynh đệ nghi kỵ, hiềm khích lẫn nhau, nhất là khi vua còn tại thế hết mực yêu thương hoàng thứ tử Lý Tương Hách, con trai Văn quý phi quá cố.

Nói về hoàng tử Lý Tương Hách, sau khi cha mẹ mất thì tự nhốt mình trong tẩm cung, không còn hơi sức đoái hoài tới chuyện xã tắc. Trong suốt hai năm quốc tang, hoàng tử chưa một lần bước chân ra ngoài, lễ hạ táng cũng không tham gia và mãi cho đến khi Văn Huyền Tuấn truyền đến một tin tức như kéo Hách trở về từ cõi chết.

Nữ tì năm xưa vu tội cho mẹ hoàng tử vốn phải chịu tội chết vậy mà phát hiện ả ta bây giờ đang cư trú tại quận Trường Chi, quê mẹ đẻ của Hách.

"Chẳng lẽ cái chết năm xưa của cha ta là do kẻ khác an bài?" – Hách nghĩ đến đây liền hoảng sợ, trong đầu Hách hiện lên rất nhiều ý nghĩ, song lại không đủ để thuyết phục..mà có lẽ là không dám khẳng định.

Văn Huyền Tuấn sau hai năm trời mới thấy hoàng tử chịu mở miệng nói chuyện thì mừng ra mặt, vội vàng nói tiếp, "Người còn nhớ Huân tôn nhà chúa năm xưa?"

"Vẫn còn sống đúng chứ?" – Hách hỏi.

Khi xưa sắp xếp Trịnh Chí Huân đến quận Trường Chi đã nằm trong tính toán từ lâu của hoàng tử. Quận Trường Chi trước kia do ông ngoại của Hách nắm quyền nhưng sau khi gả con gái đến kinh thành thì ông cũng được điều về kinh đô, từ đó về sau Trường Chi do một huyện công họ Hầu được phong lên Hầu Quận công cai quản, kẻ đó là một trong những cánh tay đắc lực nhà Chúa. Nói cách khác, Lý Tương Hách cứu Trịnh Chí Huân khỏi tay chúa rồi lại đẩy Huân vào tay chúa một lần nữa.

Nhưng nếu không dồn hắn tới đường cùng thì làm sao hắn mới có thể trở thành quân cờ tốt sau này? Chỉ bằng tính cách ẩn nhẫn ngày trước thì rất khó lòng giúp đỡ cho Hách về sau.

Tuy đẩy Huân vào chỗ dầu sôi lửa bỏng nhưng Lý Tương Hách vẫn biết cách mềm mỏng đúng lúc, lúc buông thả lúc thắt chặt, khiến Huân vì sinh tồn mà trở thành ngọn đèn cạn dầu, đứng trên bờ vực sống chết rồi lại đưa một tay ra cứu hắn trở về. Lạt mềm buộc chặt, thủ đoạn tinh vi.

Chỉ là hai năm trở lại đây, hoàng tử đã không còn hơi sức quan tâm đến hắn nữa, đột nhiên nhắc đến quận Trường Chi thì mới nhớ ra trong tay vẫn còn một kẻ tài có thể trọng dụng.

"Nhờ ơn người năm đó nhìn xa trông rộng nên bây giờ Huân tôn không chỉ sống sót mà còn giữ chức lớn, tin tức nữ tì đó cũng do Huân tôn sai người truyền tin trong đêm." – Văn Huyền Tuấn nói.

Mọi sự đã dự liệu  từ trước nên Hách cũng không lấy làm ngạc nhiên, "Chức lớn? Nói thử xem."

"Bẩm, Huân tôn bây giờ đã thành Huân quận công, đồng thời còn nắm giữ trong tay non nửa quân lính ở phía bắc."

"Còn triều đình và nhà chúa để yên cho hắn tự mình bành trướng thế lực?" – Hách càng nghe càng thấy sự việc đã vượt khỏi tính toán ban đầu nên càng hỏi han nhiều hơn.

Văn Huyền Tuấn dõng dạc đáp, "Theo tin truyền về, quận Huân hơn một năm trước đã leo lên đến chức huyện công, âm thầm thu thập được bằng chứng tham ô của Hầu quận công trong mười mấy năm qua rồi thông cáo thiên hạ. Dù triều đình và nhà chúa có muốn ngoảnh mặt làm ngơ thì khó tránh khỏi bàn tán của dân chúng. Sau khi quốc tang kết thúc, năm tháng trước đã được truy phong làm Huân quận công."

"Còn biết cả thông cáo thiên hạ.. Nói tiếp, tại sao hắn lại chiêu mộ được nhiều binh lính như vậy?"

Văn Huyền Tuấn nói tới đây thì ngập ngừng, "Người quên rồi? Phía bắc hơn nửa là quân lính của Thôi đô đốc và dòng thứ họ Lý, nửa còn lại là lính nhà Chúa."

"Trưởng tử dòng thứ sao rồi? Nó có vào kinh thành tham dự tang lễ không?"

Nhắc về dòng thứ thì phải kể đến chuyện hơn 70 năm trước, họ Lý vốn không hề phân chia thứ chính, song, trong một lần Hàn Minh đế uống rượu say mèm lỡ tay ném thanh bảo kiếm của Tiêm thân vương – em trai ruột của vua xuống dưới con mương sâu khiến thân vương giận dữ vô cùng. Sau khi vua tỉnh rượu, thân vương ngày đêm chầu chực bên cạnh đòi vua phải tự mình xuống con mương đó vớt thanh kiếm lên, song, vua lại thấy việc làm đó quá mất mặt, nhất quyết không đồng ý.

Vậy là từ đó về sau, thân vương li khai khỏi cung bỏ về phía bắc, vua có khuyên can cách mấy cũng không bằng lòng trở về dù đã cho người vớt kiếm lên trả. Từ đó về sau, con cháu thân vương không một ai chịu trở về kinh thành mà vua cũng phân chia rạch ròi, con cháu vua ở kinh thành được xem là dòng chính, còn ở phía bắc coi như thuộc về dòng thứ.

Lý Tương Hách khi nhỏ nghe vua cha kể lại chỉ thấy năm xưa Tiêm thân vương và cụ Hàn Minh làm chuyện quá dở hơi.

"Nó" ở đây trong lời nói của Hách ý chỉ Lý Mẫn Hưởng, tiểu vương gia của dòng thứ. Ngày bé cả hai có dịp gặp gỡ, Hưởng là một đứa trẻ kháu khỉnh, cũng rất biết ý tứ. Tuy đã lâu không gặp nhưng ít nhiều người vẫn nghe được tin tức về nó, bây giờ có lẽ đã lên làm thân vương. Còn về Thôi đô đốc, năm xưa là quan võ dưới trướng ông ngoại của Hách và Thôi đô đốc còn là thầy dạy võ cho Văn Huyền Tuấn – em họ bên đàng ngoại của Hách.

"Năm ngoái Minh thân vương có đến kinh thành một lần nhưng là để gặp người, từ dạo ấy thì không còn vào kinh thêm lần nào."

"Được rồi, khi nào thì làm lễ sắc phong tân vương?" – Lý Tương Hách xoa xoa thái dương, dáng vẻ mệt mỏi.

Văn Huyền Tuấn đột nhiên rút từ trong ngực áo một ống thư nhỏ, bên trong vỏn vẹn hai dòng chữ: hai mươi tháng giêng năm sau, dẫn binh khởi nghĩa.

Hoàng tử đọc xong thì nhíu mày, Văn Huyền Tuấn ở bên cạnh vội tâu:

"Huân quận công vừa gửi đến sáng nay, đại ý lễ sắc phong tân vương sẽ tiến hành vào tháng giêng năm sau, nhà Chúa nhân lúc triều đình nơi lỏng phòng bị mà dẫn quân tiến đánh, âm mưu tạo phản."

Lý Tương Hách nhẩm đếm, nhà Chúa có lẽ đã chuẩn bị làm phản từ lâu, ắt hẳn bây giờ đang gấp rút tiến hành kế hoạch, mà lễ sắc phong phải ít nhất một năm sau mới cử hành.

"Trước mắt phải điều tra cho ra lẽ vụ án đầu độc vua cha năm xưa, truyền ý ta phân phó chuyện nhà Chúa giao cho Huân quận công và Đinh thái phó xử trí, cầm chân chúng được bao lâu thì hay bấy lâu."

Văn Huyền Tuấn nhận mệnh nhanh chóng đi truyền tin, Lý Tương Hách mệt mỏi tựa lưng vào thành ghế, ánh mắt suy tư nhìn về phía bầu trời âm u đằng xa.

Cơ nghiệp trăm năm, long ngai của một nước sao có thể muốn ngồi là ngồi, muốn đổi là đổi?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro