Chương 14: Hy vọng quên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Thằng trời đánh, mày có dậy chưa?" Uyên la làng đánh liên tục vô người thằng cháu của mình.

Sau sự nỗ lực từ sáng đến giờ, công lao la hét rồi thêm mấy cú đánh thì có lẽ đã có tác dụng chút chút. Thằng Lâm cuối cùng cũng lật người, mặt mũi nhăn nhó.

Dì Uyên thấy Lâm gần thức thì vội vàng nhéo tai, la nó: "Lóc ơi là Lóc, nay mày bày đặt nhậu nhẹt nữa hả con? Có tin dì gọi ông Kiệt về đây không? Cho mày về đây tu tâm được hai ba hôm, mày quậy tiếp nữa phải không thằng trời đánh?"

Lâm bây giờ vẫn chưa kịp tỉnh táo để trả lời dì nó, cái nhéo tai của dì Uyên chắc không đủ nên nó phải lấy tay đập đập vô đầu để mau bớt mơ mơ màng màng. Hồi sau dần dần tỉnh thì tiếng la của dì Uyên vẫn còn hoạt động năng suất.

"Mày càng ngày càng không được rồi Lóc ơi, tao phải dạy dỗ mạnh tay với mày thôi con ơi." Lúc nói đến câu này dì Uyên đã ngồi đối diện Lâm, dứt lời còn thẳng tay nhéo vô đùi một phát.

Cú nhéo đùi này hiệu quả thật sự, thằng Lâm giật nảy người lên và mặt mũi cũng sáng sủa hơn chút. Nó nhìn dì trách móc: "Dì nói được rồi dì Uyên, mắc gì đánh rồi nhéo người con dữ vậy?"

Dì Uyên lớn tiếng: "Tao nói nhẹ nhàng từ bảy giờ đến gần mười giờ mày có nghe đâu? Tao không đánh mày chắc mày nằm tới chiều."

Giờ đầu óc Lâm có thể nghĩ được rồi, nó hỏi: "Dì về từ khi nào vậy?"

"Ngay cái khúc mà mày nhân lúc có men trong người mà qua lợi dụng cháu gái bà Lan chứ lúc nào." Uyên vừa nói vừa cười, càng ngày tiếng cười càng to bởi cái mặt cháu yêu cứ đỏ lên dần.

Lâm tự hỏi trong bụng, không lẽ rượu hôm qua còn trong người hay sao mặt với người nóng ran rồi đỏ hết lên. Đến thêm một đoạn nữa, mặt Lâm đổi sang màu xanh lè. Bởi nghĩ đến mấy chuyện hôm qua nó làm là thấy lạnh sống lưng. Liệu nhỏ hàng xóm có nhớ về chuyện hôm qua không ta? Càng ghê hơn là nhỏ có nghe thấy mấy chữ "tao thích mày không?".

Điều ước hôm sinh nhật của bốn tháng trước, Lâm đã cầu nguyện cho cha má làm ăn phát đạt rồi thưởng cho nó chiếc MTB Twitter Werner 27.5 ich. Nhưng ngay giây phút này đây, Lâm chỉ ước nhỏ Măng quên sạch sành sanh "sự cố" chiều qua và đặc biệt lãng tai đoạn Lâm vạ miệng nói thích nhỏ.

"Cái thằng này, mày xuống đánh răng rửa mặt dùm cho dì đi. Hên là tao về sớm, về trễ hơn mấy ngày chắc mày với thằng Bâu quậy tanh bành cái làng quá." Để chốt lại nội dung câu nói, dì Uyên cố tình đánh vô vai Lâm một cái.

Lâm thẫn thờ xoa xoa chỗ vừa mới bị thương rồi đi ra sau nhà, cả người cứ như trên mây. Lâm biết mình không phải còn ngáy ngủ hay chưa tỉnh rượu, tất cả là do nó sợ sẽ phải đối diện với cô bé hàng xóm. Ngay cả khi đã ngồi trước tô hủ tiếu mà bà Tú vừa mới múc lên cho cháu ngoại, Lâm vẫn ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Dì Uyên đi ra đi vô làm công chuyện, thấy ngứa mắt liền lên giọng: "Thằng Lóc mày không ăn, hồi nó nở lên tới cằm nghe mày."

Cứ như dì Uyên nhìn được tâm tư thằng Lâm hay sao, mà dì nổi máu chọc ghẹo. Nhìn ra phía cổng, hét to: "Ủa Măng, qua kiếm thằng Lâm hả con?"

Lâm bật dậy, bỏ hết muỗng đũa xuống. Định chồm người ra xem nhỏ đi đến đâu rồi bỏ trốn, nào ngờ ngoài đó không một bóng người. Lâm nhăn nhó nhìn người dì mến yêu, rồi giận dỗi quay mặt qua chỗ khác. Dì Uyên cười hớn hở bỏ ra ngoài, Lâm ngồi lại chỗ rồi ăn cho xong bữa sáng.

Đang ăn giữa chừng dì Uyên đi vô nhà, vừa nói vừa cười: "Lâm nó mới dậy, con vô chơi với nó nghen."

Lâm vẫn húp nước sùm sụp, tay bóc vỏ tôm ăn một cách ngon lành rồi cười khảy: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, con không bị lừa hai lần trong một chiêu của dì đâu."

Đúng, Lâm không bị lần thứ hai thiệt. Bởi vì Cẩm Uyên có lừa đâu mà cháu mình bị mắc lừa. Dì Uyên là nói thiệt chứ không hề nói giỡn.

"Dạ, dì Uyên đi công chuyện đi. Con ở chơi với anh Lâm." Giọng quen thuộc nhỏ Măng vang lên, nói xong nhỏ kéo ghế ngồi đối diện Lâm.

Con tôm sú đỏ chót mới chui vô miệng Lâm được phân nửa bỗng dưng mắc kẹt ngay cuốn họng, tay đang cầm muỗng húp nước cũng tự nhiên rớt lại vô tô hủ tiếu.

Lâm tự hỏi bản thân có phải uống rượu vô, lỗ tai sẽ hay nghe thấy giọng của người mình thích đúng không? Nó vừa muốn ngước mặt lên vừa không muốn, bởi sợ kết quả xác nhận là Măng có mặt ở đây thiệt thì nào dám nhìn vô đôi mắt đẹp ấy.

Nhưng sau cùng, Lâm vẫn quyết định "xác nhận sự thật". Đúng là Lâm phải chào nhỏ hàng xóm: "Ờ... Măng mới qua hả mày?" Giọng nói có phần ngập ngừng một, ngại ngùng thì mười.

"Lần đầu anh uống rượu chắc quắc cần câu lắm ha, hèn gì ngủ tới tận giờ này." Măng cười cười, còn nhìn về phía đồng hồ treo tường.

Lâm giả vờ giả vịt: "Ờ mệt thiệt mày, chắc tao không dám đụng vô nữa. Tại thằng Bâu nó dụ kêu tao là nước trái cây... À, nãy dì tao nói tao say rượu rồi chạy đi tìm mày ghẹo hả?" Lâm cố tình nói một tràng, rồi nhẹ nhàng đá vô vấn đề để dò la coi Măng có nghe ngóng điều gì không nên nghe hay không.

Con bé Măng thấy Lâm hỏi vậy nhịn không được cười, rõ là đâu phải chạy đi tìm Măng mà đứng ở ngay nhà hét to kêu người ta ra ngoài. Măng nhíu mày nghĩ, không lẽ anh hàng xóm say cái quên tùm lum tùm la, không nhớ gì luôn.

Măng lắc đầu, nhìn Lâm trả lời: "Dạ không, anh có ghẹo em đâu. Chiều qua anh kêu em là chỉ khen em dễ thương nè, còn khen em nhìn khờ mà xinh nữa nghe. Sau đó..." Nhỏ nghiêng nghiêng đầu để nhớ tiếp.

Trong lúc đó mặt mũi Lâm đỏ lan ra tận mang tai, nó phải nín thở để nghe tiếp cái "sau đó" của Măng. Lồng ngực của nó như có một đoàn múa lân đánh trống bùm bụp ở trỏng, không lẽ nhỏ Măng đã nghe thấy cái điều mà đáng ra cần phải lãng tai khi nghe.

Măng nhướng người lên, mặt tươi ơi là tươi nói tiếp: "A, sau đó là anh Lâm ngất cái đùng. Làm em hết hồn hết vía, may là lúc đó dì Uyên với bà Tú về. Chứ em không khiêng anh vô nhà nổi luôn." Dứt câu là Măng cười một tràng, vì nhớ lại cái mặt đỏ lè rồi cái giọng khàn khàn, nhè nhè của anh trai nhà bên cạnh.

"Mày, mày đi về ngay cho tao. Đáng cười lắm hả? Nay tao không rảnh chơi với mày đâu. Về đi." Lâm nhìn đứa con gái không ý tứ, cứ ôm bụng cười không ngớt mà máu lên não. Chỉ mặt nhỏ, lớn giọng đuổi nhỏ về.

Măng nghe Lâm la mà đơ như cây cơ, con bé nhỏ giọng hỏi: "Mắc gì lớn tiếng với em, mắc gì bực em. Em có làm gì anh đâu?" Măng bĩu môi, nhìn Lâm.

Lâm nhìn đôi mắt to với hàng mi dài cong vút, tự hỏi nếu có một tầng nước đọng ở đó sẽ đẹp nhường nào và có thấy tội lỗi nhường nào vì lớn tiếng với con bé. Nhưng trên đôi mắt đẹp đó chẳng có lấy một giọt nước mắt, bây giờ chỉ có ánh mắt hình viên đạn. Nhỏ đứng dậy đi về, không thèm chào Lâm như mọi lần. Măng cũng nổi cồ với Lâm, tự nhiên cọc cằn la người ta. Cho dù Măng vô tư, cơ mà nhỏ vẫn biết lúc nào cần để tâm và không để tâm. Lâm ngày lúc này chính là đang thật lòng la mắng con nhỏ.

Măng đi về một hồi lâu, Lâm thấy trên bàn có ba cái bánh dừa. Thì ra, nãy "hỗn loạn" tinh thần quá Lâm không để ý là Măng mang đồ ăn sang cho mình. Cảm giác tội lỗi dâng lên đến tận óc, dù người thương của Lâm không rơi một giọt nước mắt nào. Đây là lần đầu cậu ấm nhà ta để ý đến sự giận dỗi của một đứa con gái và Lâm lại càng không biết phải làm sao.

Nhìn ba cái bánh dừa nằm im lìm trên mặt bàn mà lòng Lâm rầu rỉ, thâm tâm cũng như ba cái bánh dừa mà "im lìm".

Lần đầu thức dậy sau một bữa nhậu.

Lần đầu vì thẹn quá hóa giận mà lớn tiếng với "bạn gái" rồi bị "bạn gái" giận bỏ về (chính xác là do Lâm tự nạt đuổi người ta).

Không biết vì sáng ăn trễ nên đến giờ cơm Lâm chưa đói hay là vì nuốt chẳng trôi. Nếu lý do khiến nó nuốt không xuống thì chắc chắn là do chuyện nạt nộ nhỏ Măng hồi sáng.

Tính từ lúc dọn dẹp tô chén xuống, thì ba cái bánh dừa đã được Lâm cầm gần hai tiếng. Càng nhìn thì cả người Lâm ngày càng nhấp nhỏm hơn, chân tay cứ lóng nga lóng ngóng không làm gì được. Chỉ cần nhớ lại lúc nhỏ Măng quay lưng bỏ về, Lâm giận bản thân mình vô cùng. Nó tự hỏi, liệu đây có phải như người ta thường nói là làm "tổn thương người mình yêu" không?

Lâm đã sầu não, vậy mà dì Uyên vừa dọn chén dĩa xuống còn bắt nó rửa chén. Trong khi nó không ăn một hạt cơm, đã vậy lúc dọn cơm rõ là một tay nó bưng bê. Tính Lâm không phải hay so đo công sức nhưng mà tình cảnh này buộc Lâm phải nhỏ nhen trách móc dì Uyên.

"Bị cái gì mà thơ thẫn vậy cái thằng này, kêu ăn cơm cũng không ăn, kêu rửa chén cũng không rửa." Uyên đi xuống sau nhà, thấy thau chén còn y nguyên liền tới cằn nhằn thằng cháu.

Lâm giận cá chém thớt: "Con có ăn đâu mà dì kêu con."

Tâm trạng bây giờ của thanh niên này, cơm còn chẳng buồn ăn chứ nói gì đến rửa chén. Thiếu điều nó đập chén thì nghe còn hợp lý hơn.

Dì Uyên sững người với câu nói gắt gỏng của Lâm, dì nhướng mày nói: "Mày không ăn cũng phải rửa nghe, tao giờ là cha là mẹ của mày nghe Lóc."

Đoạn này thì Lâm không thể phát ra thêm tiếng nào, bởi vì dì Uyên nói chẳng sai. Đặng Vũ Châu Lâm được ông Đặng Tuấn Kiệt bàn giao trách nhiệm quản lý con trai cho bà Hoàng Cẩm Uyên. Chú Kiệt cũng đã răn đe trước khi Lâm ra khỏi nhà: "Dì Uyên là người sẽ quan sát và quyết định mày có đủ tiêu chuẩn về lại Sài Gòn hay không, nếu hết mùa hè mày chưa đủ thì ở dưới đó nhập học luôn đi con". Chính vì vậy, nghe đến câu vừa rồi thì một chữ cũng không dám hó hé. Lạng quạng dì Uyên thấy buồn buồn lại méc cha nó cho một vé thành học sinh ở Bến Tre. Đôi lúc Lâm tự hỏi, tại sao có duy nhất mỗi đứa cháu là Lâm đây mà không biết ấm áp yêu thương mình.

"Lâm ơi Lâm, vô đây ngoại biểu con." Bà Tú đã kịp thời chặn lại cuộc bạo lực của dì với cháu.

Lâm đứng dậy, mặt ra vẻ kiêu ngạo chiến thắng. Không cần ai phải nói, bà Tú là đang muốn để con gái út rửa chén nên mới gọi đứa cháu yêu đi vô. Bình thường thì là con gái thương yêu bé bỏng, nhưng chỉ cần cháu trai có mặt, Cẩm Uyên chỉ còn là cái tên. Dì Uyên tức lắm, cơ mà không làm gì được trước người mẹ quyền lực nên đành ngậm ngùi rửa chén. Còn thằng cháu thì cứ đợi đó, người dì này sẽ cho biết thế nào lễ độ. Dù gì Uyên cũng đã hứa với anh rể là phải dạy dỗ lại tính dựa dẫm, ăn xài phung phí, con cưng của mẹ và ti tỉ tật xấu khác.

Lâm hớn hở vô bếp nghe ngoại sai bảo: "Dạ ngoại, con sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ của ngoại."

"Cha mày, bị con Uyên ăn hiếp quá hả con? Ngoại nhờ con mang ba tô hủ tiếu qua nhà bà Lan dùm ngoại." Bà Tú thấy Lâm liền nựng một cái, rồi chỉ qua cái mâm muốn nhờ nó đem đi.

"Dạ, ô kê..." Lời chưa ra khỏi miệng hết thì Lâm chợt khựng lại, ý ngoại nhà bà Lan là bà Lan khác chứ không phải nội nhỏ Măng đúng không ta? Lâm ngập ngừng nói tiếp: "Bà Lan... bên cạnh hả bà ngoại?"

Bà Tú đưa cái mâm cho Lâm, gật đầu nói: "Chứ còn ai, con qua đó rồi ngồi bên đó chơi. Chén dĩa gì gì đó đặng dì mày làm."

Bây giờ trước mặt Lâm là ba tô hủ tiếu vô cùng ngon mắt, bà ngoại cũng bỏ vô phòng ngủ. Tức là Lâm phải qua nhà nhỏ Măng ngay, nếu không ba tô hủ tiếu này sẽ nở tè lè và bà ngoại sẽ cho một đập.

Nhưng có gì phải như rùa rụt cổ, không lẽ tự mình lại đi trốn tình yêu của đời mình? Đó là những điều Lâm đã nghĩ khi bước đến hàng bông trang vàng. Chỉ mới giận dỗi mà lại trốn tránh thì không đáng làm đáng đàn ông, mang theo tâm thế đó Lâm cứ hiên ngang bước vào nhà bà Lan (hay còn gọi là nơi ở của "bạn gái").

"Ủa thằng Lâm cháu Tú le qua chơi hả?" Bà Lan đang ngồi coi ti-vi nghe tiếng bước chân liền quay ra.

Lâm lễ phép, còn nở một nụ cười không thể tươi hơn: "Dạ con chào bà, ngoại con mới nấu hủ tiếu nhờ con mang qua." Lâm cũng không quên vừa nói vừa nhìn xung quang để xem coi có nhỏ hàng xóm ở đây không.

Bà nội nhỏ Măng nhìn ba tô hủ tiếu rồi hỏi Lâm: "Bà ngoại mới về hả mầy? Bộ không biết mệt hay sao mà bày vẻ ra nấu nướng."

Lâm không trả lời gì, chỉ cười cười. Nó có nghe là bà ngoại trước khi đi đám cưới có hứa về sẽ nấu hủ tiếu cho bà bạn thân, bà Tú không những giữ lời mà còn làm rất lẹ làng. Nhìn vào ánh mắt của bà Lan, đủ biết bà ấy vui cỡ nào rồi. Ngoài mặt trách "yêu" là bày vẻ, nhưng qua cảm xúc và cách thể hiện đều là niềm hạnh phúc, biết ơn với người bạn già.

Hình như bà Lan chợt nhớ ra điều gì, liền nhìn Lâm nói: "Lâm, mầy ngồi đó đợi con Măng đi. Nó ra chòi kêu ông về ăn cơm, sắp về rồi."

Nghe tới tên nhỏ, toàn thân Lâm đông cứng lại. Dù nó biết không có nhỏ ở đây, nhưng người làm lỗi thì chỉ cần nhắc nhẹ tên đã đủ áy náy. Lâm cười khách sáo với bà Lan còn nói là có việc phải về nhà, hôm khác sẽ qua chơi sau.

Vừa quay đầu ra cửa, nhỏ Măng cũng vừa về tới. Lần này cái người là muốn hóa đá luôn, chứ không phải cứng hay đơ nữa. Nhìn thấy người, cảnh tưởng nạt nộ người ta vô cớ lại được bày ra trong trí óc nó. Ánh mắt Lâm mới đặt lên người nhỏ chưa được ba giây, ngay lập tức phải dời qua chỗ khác do không dám đối diện. Ông nội của Măng thì cười nói hớn hở bao nhiêu, Măng lại lạnh nhạt bấy nhiêu. Hai thái độ khác nhau này đã làm Lâm buồn biết mấy, nó vội chào ông Điệp rồi bước nhanh về lại sân nhà của mình.

Hàng rào râm bụt rực rỡ, sân gạch đỏ tươi, nắng cũng đang rất chói chang và hàng rào nhà bên bông trang vàng rạng ngời. Xung quanh Lâm là một màu vô cùng tươi sáng nhưng bên trong Lâm là một màu u tối ảm đạm. Nghĩ đến sắc mặt như người lạ của nhỏ Măng, Lâm vò đầu bứt tóc. Rốt cuộc thì tóc cũng không rối, lòng của Lâm mới rối.

Chợt nhớ ra còn ba cái bánh dừa, Lâm như được an ủi phần nào. Nó nhanh chân đi vào nhà, xuống bếp tìm bánh. Nhưng có vẻ thứ an ủi Lâm, đang "an ủi" người khác. Không ngoài dự đoán, dì Uyên đã ăn đến cái thứ ba. Lâm đến gần, không tin vô mắt mình cầm mấy cái vỏ bánh.

Dì Uyên vô tư nói: "Tao tưởng mày chán ăn, tao ăn dùm kẻo bánh nó hư."

Lâm giật lại nửa cái còn sót trên tay dì, lên giọng nói: "Dì kì vậy, sao dì ăn của con? Con để dành ăn chứ có phải không thèm đâu."

Uyên giả vờ ngơ ngác: "Ơ, tao có biết đâu. Thì mai tao đi mua lại cho, tưởng gì chứ ba thứ này tao không thiếu." Dứt câu là Uyên bỏ đi luôn.

Lâm nhìn nửa cái bánh ít ỏi còn sót lại, không khỏi bực bội và còn đau lòng. Bánh thì không thiếu nhưng bánh của nhỏ Măng thì đâu phải lúc nào cũng có. Nhất là lúc đang bị nhỏ làm mặt lạnh, có ai hiểu nỗi lòng của Lâm bây giờ.

Lần đầu của ngày hôm nay là lần đầu mang sát thương nặng nề.

Lần đầu Lâm bị con gái giận, chính xác là đứa con gái nó thích.

Và cũng là lần đầu Măng gặp Lâm không nói: "Anh Lâm ơi anh Lâm."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro