Chương 16: Anh nông dân tập sự

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dì Uyên không biết là đứa cháu yêu hôm qua đi đâu về có bị té mương đập đầu không, vì sáng nay nó làm một chuyện kinh thiên động địa. Chẳng qua là vào sáng sớm, thằng Bâu đã gọi í ới ngoài cổng. Dì Uyên định ra mở cửa thì đã thôi nghe cái tiếng khàn đặc của con ông Ngãi. Sau đó là tiếng động rục rịch trong nhà, dì ra xem thì chứng kiến một màn chấn động.

Châu Lâm, đứa cháu công tử bột trắng trẻo của dì Uyên đang mặc trên người chiếc quần ba sọc cũ kĩ và chiếc áo lam dài tay bạc nhách. Khỏi hỏi cũng biết nguồn gốc bộ đồ là từ anh Bâu đại ca. Đúng như ông bà xưa thường nói, người đẹp vì lụa. Châu Lâm lúc nào cũng trong những chiếc áo pull tươm tất, nắng động và đi ra đường còn kèm theo chiếc sơ mi ngắn tay. Còn Lâm bây giờ với bộ đồ lao động quen thuộc của anh Bâu, trông nó như mấy thanh niên lao động tay chân chính hiệu. Nếu cô Thơ và chú Kiệt khéo mà chẳng nhận ra quý tử.

Dì Uyên dụi mắt mấy cái, liền hỏi: "Mày làm cái gì vậy Lóc?" Có thể dì dễ dàng đoán được nó chuẩn bị làm gì, nhưng với dáng vẻ công tử của đứa cháu thì trường hợp đó Uyên phải vào phòng, nằm chăn ngủ tiếp mới có thể nhìn thấy được.

Lâm thản nhiên cười rồi đáp: "Con đi đào củ sắn cho người ta."

Mấy cái gọi là mơ mơ màng màng, say ke lúc mới ngủ dậy trong người dì Uyên đều bị câu nói của Lâm đánh bay sạch. Mấy đứa bạn mà dì chơi từ hồi cởi chuồng có thể không hiểu hết, nhưng với đứa cháu này người làm dì đây hiểu đến tận ruột gan. Đặng Vũ Châu Lâm, hay còn có tên gọi là Lóc (tên do dì út đặt) chưa từng một lần lao động cực khổ. Việc nhà không đụng tay, việc làm chỉ có học rồi đi chơi. Tay Lâm chỉ cẩm cổ lái và cây cơ.

Ấy vậy mà bây giờ lại đi đào sắn?

Dì Uyên định xác nhận một lần nữa thì đã thấy Lâm với Bâu khuất sau hàng rào râm bụt. Đích thị đây là sự thật, Uyên vội vã gửi tin nhắn báo cáo hết trình tự cho anh rể.

Dọc đường Bâu đã chỉ dẫn tận tình cho Lâm, còn cỗ vũ bạn mình yên tâm. Vì bên cạnh đã có người kì cựu là Bâu đây.

Tuy là Bâu dành hẳn mười lăm phút để chỉ dẫn, nhưng với người đó giờ không làm lụng gì thì khó mà thành thạo. Hên sao, thường ngày Lâm có thể dục thể thao nên cũng may có sức mà làm. Khoảng hơn nửa tiếng sau, Lâm cũng thành thục hơn một xíu. Việc nhổ bụi sắn lên đã dễ dàng hơn, lấy củ bỏ vào rổ lại càng đơn giản hơn nhiều. Có điều trời quá sức nắng, Lâm đã hiểu vì sao Bâu đưa nó bộ quần áo tay dài. Đây là lần đầu tiên mà Lâm dang nắng lâu đến, nó thiếu điều muốn ngất xĩu ở trong mấy bụi mấy lần.

Đang làm, Lâm đột nhiên quay qua hỏi Bâu: "Tao quên hỏi, làm vậy được nhiêu tiền mày?"

Bâu cười: "Chỗ này ngon, tính theo kí. Một kí là một ngàn." Dứt câu Bâu còn nhướn mày tỏ vẻ thích thú.

Lâm lúc này không cần đợi say nắng mà xỉu, nghe đến đoạn một kí một ngàn đồng là nó muốn lăn đùng ra đất. Có lẽ đến tận giờ phút này, Lâm mới hiểu được kiếm tiền không dễ chút nào. Vừa dang nắng, vừa nhổ sắn mà một kí có một ngàn. Chưa bằng một góc nhỏ xíu nửa tiếng đánh bida của nó. Ngay lúc này, Lâm cảm thấy hơi có lỗi với cha mẹ. Đồng tiền đầu tiên nó kiếm ra bằng sức lao động, lại dành cho "bạn gái".

Thật may mắn nếu đang ở cái tuổi ăn học được bảo bọc trong tình thương cha mẹ, cuộc sống đứa trẻ đó thật tốt biết khi không cần hiểu nỗi khổ của hai từ "đồng tiền" quá sớm. Nhưng đến lúc giá trị về những tờ giấy tiền tệ đó thấm nhuần trong trí óc, chúng ta lại càng ngấm mình vào cực nhọc của mẹ cha.

Đến giờ trưa, Bâu kéo Lâm vô một cái chòi gần đó ăn cơm. Bâu mở cà mên ra, Lâm nghệch mặt. Không phải vì không ăn được, mà món Bâu mang theo là lạ. Chứ Lâm đã miễn nhiễm mọi loại khô, mắm cà gì rồi. Bữa cơm quê với Lâm đã thân thuộc đến lạ, hàng xóm và bạn bè xung quang chẳng biết từ thuở nào mà gắn bó vô cùng. Chính vì vậy, nó chỉ ngạc nhiên khi gặp món lạ chứ không hề lo sợ khó ăn.

Bâu đắc ý nói: "Tóp mỡ và tép rang đó, không có mà ăn đâu."

Lâm đói mờ mắt, giờ cơm nước tương nó cũng nuốt. Ăn một muỗng theo thằng Bâu chỉ, Lâm cảm giác như bay lên thiên đường. Tóp mỡ giòn giòn, béo thơm hành và ngọt ngọt của nước mắm đường, thêm miếng tép rang sao mà nó nhức nách. Hai thằng đánh lẹ trong một nốt nhạc, nghỉ ngơi xíu rồi lại ra cày.

Sáng giờ Lâm nhổ cũng được tầm bốn năm kí, tính lui tính tới còn chưa mua được ba cái bánh tiêu cho người thương. Nghĩ đến đây Lâm càng phải cực lực hơn. Bâu cũng nỗ lực, mặc dù chẳng có mục đích gì. Lúc ăn cơm, Lâm có hỏi Bâu sao nhà có xưởng kẹo dừa còn đi làm lụng vất vả chi vậy. Bâu kể cho Lâm nghe, tại vì ông Ngãi bắt con trai phải ra ngoài làm cho khôn lên thì sao này mới quản lí được xưởng. Lý do chỉ ngắn gọn vậy thôi. Đối với bọn trẻ ở quê, lao động vào mùa hè là một điều bình thường. Chúng nó đều làm cho vui, kiếm chút tiền mua quà vặt chứ chẳng cần đặt nặng tiền công. Bên cạnh đó vài việc cho mấy đứa nhỏ cũng tương xứng với sức, nào là lặt hẹ, gói bánh, bưng đồ ăn sáng, đứa nào giỏi thì đi rửa chén, hay đi phụ đám,...

Sau một ngày trời, bạn Lâm và bạn Bâu vất vả, chăm chỉ làm lụng. Cuối cùng điều mong đợi nhất trong ngày đã đến. Chính là lãnh lương, ngay cả người đã quen như Bâu còn phấn khích chứ nói gì đến Châu Lâm.

Chị Lắm nhìn hai đứa trẻ tay chân mặt mày lấm len, chị cười: "Đây tiền lương ngày nay của hai cưng, Bâu được hai lăm kí chị cho thêm năm ngàn cổ vũ."

Bâu vui vẻ cầm lấy tiền chị Lắm đưa. Sau đó Bâu cũng hồi hộp chờ đợi thành quả của bạn mình.

Tiếp theo chị Lắm nhìn qua phía Lâm, nhướn mày nói: "Còn em Lâm, anh nông dân tập sự nhưng có tiềm năng, được ba chục kí. Chị cũng thưởng thêm năm ngàn nghe."

Lâm nghe đến đây vui mừng khôn xiết, ban đầu nghe đến một kí một ngàn nó chán không muốn nói. Nhưng làm lụng cả ngày, nghe thành quả rồi nhận tiền mà lòng nó cứ lâng lâng. Ba lăm ngàn, một số tiền không đáng bao nhiêu nhưng Lâm thấy còn vui hơn lúc mẹ cho năm trăm ngàn.

Tầm giờ chiều anh Bột không ra chợ bán, nhưng Bâu đã nói cho Lâm biết là có thể đến nhà anh ấy mua. Đến đoạn này thì Lâm phải tự lực cánh sinh, nó nghe theo lời chỉ đường của bạn mà mò đến nhà anh Bột. Lâm cứ vậy mà từ chỗ chị Lắm đi thẳng qua nhà anh Bột, với bộ đồ "lao động" của thằng Bâu và người ngợm toàn đất cát. Đây là lần đầu nó để mình mẩy lấm lem trong một khoảng thời gian dài.

Trên đường đi, Lâm gặp dì Uyên. Dì cháu vừa chạm mặt, tim cả hai đều không hẹn giật thót một cái. Dì Uyên thì chắc hết hồn với bộ dạng có một không hai của đứa cháu, còn Lâm thì đang đi làm chuyện không thể nói nên giật mình.

Dì Uyên lên tiếng trước: "Má ơi, mày chui từ xó nào ra vậy con? Rồi đi đâu ra đây?" Nheo nheo mắt dò xét nó.

Lâm né tránh ánh mắt của dì Uyên, nó trả lời: "Sáng con nói dì con đi đào sắn rồi mà? Còn giờ con đi vòng vòng thôi, còn dì đi đâu đây?"

"Tao đi đâu kệ tao, thôi dì đi về trước. Coi tí về tắm rửa đi nghen." Dì Uyên vội vã nói, sau đó lướt nhanh qua.

Lâm thấy dì đi về, cũng không để ý nữa mà tiếp tục. Chỗ nhà anh Bột cũng khá gần với vườn của chị Lắm, nhưng khá xa với chợ. Lâm vừa cầm chín cái bánh tiêu từ chỗ Bột, liền vội vàng đi ra chợ mua hột vịt lộn. Mặc dù Lâm không biết kế "chinh phục trái tim phụ nữ là chinh phục dạ dày" của anh Bâu đại ca có hiệu quả không nhưng còn hơn là ngồi im mà không làm gì hết.

Với ba mươi lăm ngàn ít ỏi, nếu là trước đây chỉ đủ Lâm uống ly nước hay bữa ăn sáng. Nhưng bây giờ, số tiền này đã giúp Lâm dỗ dành cô bé ở hàng rào nhà bên. Lâm từng nghe con Ỉn nói nhỏ Măng ăn được tận chục trứng lộn, chục cái bánh tiêu và bữa trưa hôm ấy nhỏ cũng nói Lâm mời lại bữa ăn với số lượng tương đương, song Lâm không đủ tiền. Cậu ấm Châu Lâm hiện tại chỉ đủ mua chín cái bánh tiêu và bốn cái hột vịt lộn. Trong đó hột vịt là nó mặt dày trả giá bốn trái hai chục ngàn, nài nỉ cô bán trứng giảm bốn ngàn.

Lâm vừa thấy hàng râm bụt, trời cũng được phủ bởi sắc đỏ hồng của những tia nắng cuối ngày. Màu vàng đỏ của hàng rào đã đỡ chói chang hơn nhưng vẫn đẹp theo cách chiều tà buông xuống. Dì Uyên và bà Tú đang ở sau nhà chuẩn bị cơm, Lâm nhẹ nhàng vào phòng tìm gì đó và âm thầm xuất hiện ở hàng bông trang, chính xác hơn là cánh cổng màu vàng đất.

Hôm nay cũng không ngoại lệ, Lâm có thêm những lần đầu tiên.

Lâm đi làm kiếm tiền, không ngại để người mình lấm lem hay khoác trên mình bộ đồ cũ kĩ. Lâm đi bộ gần hai cây số, chỉ để cố gắng làm điều gì đó cho người mình thích hết giận. Nếu thằng bé đứng lại chừng vài phút để ngẫm nghĩ, nó sẽ thấy Châu Lâm sạch sẽ của ngày còn đi đánh bida tới khuya và Châu Lâm mình mẩy lấm lem cả ngày ở hiện tại, đã khác xa nhau đến nhường nào.

Chắc chắn, Lâm phải giật mình vì quá đỗi cách xa nhau!

Lần đầu, Lâm lén lút treo túi đồ ăn trước cửa nhà con gái người ta. Bên trong ngoài chín cái bánh tiêu và bốn trái hột vịt lộn, còn có mảnh giấy nắn nót ghi "Gửi Măng". Mặt sau là "Mày ăn rồi, không được giận tao nữa nha."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro