Chương 2: Hàng xóm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ trước đến giờ ở làng Dừa Già, không ai là không biết đến nhà bà Cẩm Tú với hàng rào dâm bụt đỏ rực. Khoảng sân rộng được phủ gạch đỏ thắm, ngói lợp cũng đỏ một vùng. Riêng mỗi căn nhà là mang một màu áo trứng gà.

Tuy chỉ là nhà cấp bốn nho nhỏ nhưng ấm cúng, đủ đầy và còn là thành quả mà bà Tú ông Lê tích góp qua nhiều năm. Chính vì vậy con cái có nói xây mới hay làm gì thêm bà đều không chịu. Nếu hư hỏng cần sữa thì giữ được y nguyên như lúc đầu càng tốt và mỗi năm chỉ có sơn lại đúng màu trứng gà mà ông Lê thích. Bà Cẩm Tú không muốn thay đổi điều gì để còn nhìn thấy ông Lê, thấy ký ức hai vợ chồng .

Nhà có hai phòng, mấy năm nay dì Uyên đã sang ngủ với bà Tú nên phòng còn lại bỏ trống, nào anh chị hai về sẽ ở. Hiển nhiên, bây giờ căn phòng trống đó là của Châu Lâm.

Sau khi bà cháu mừng mừng, dì cháu tủi tủi để thỏa lòng nhung nhớ thì Lâm... đi tắm.

"Con về không lo vào nhà mà đi lội bùn lội sình vậy Lóc." dì Uyên đang xếp đồ cho Lâm trong phòng, thấy nó vừa vào dì lên tiếng ghẹo.

"Con lớn rồi dì út, sao dì cứ kêu con bằng cái tên đó hoài vậy?" Nó chau mày nhìn dì.

Lâm nghe dì Uyên vẫn còn gọi mình bằng cái tên hồi nhỏ mà nó tức anh ách. Trong nhà chỉ có dì Uyên hay chọc Lâm nhất, dì cũng là người thân nhất với nó. Hồi Lâm còn nhỏ xíu xiu mấy tháng tuổi, nó không chịu ai bế ai bồng, đụng tí là nó khóc, hai chân hai tay thì đạp đạp như đang bơi.

Dì Uyên thấy liền cười, bảo: "Cái thằng này y như con cá lóc đồng em hay bắt dưới quê á chị hai, nó dữ ghê mới ẳm lên xíu là nó giãy giãy ra."

"Thôi ngồi đó soạn tiếp đi, dì mày không rảnh làm tiếp cho đâu nghe."

Dì Uyên đứng dậy, bỏ lại mớ quần áo còn ngổn ngang trên giường cho thằng cháu. Dù gì anh rể cũng dặn trước là: "Để cho thằng Lâm làm hết công chuyện nhà cửa, bắt nó tự lực cánh sinh đi, ở nhà toàn bám váy mẹ biết nào mới lớn."

Coi như mấy ngày tới Uyên khỏe re, để cho cháu yêu làm hết, đỡ mệt.

"Mặt còn xị ra làm gì, xếp đồ mà không biết hả con? Nhìn dì làm một lần rồi học theo nghe." Uyên đi tới kí đầu Lâm một cái, rồi xếp mẫu cho nó xem.

Sẵn dì Uyên rặn hỏi chuyện "cục sình" của Lâm. Nghe nó kể xong mà dì cười ngặt nghẽo, đến nỗi Lâm phải giận quay mặt đi chỗ khác mới ngưng. Dì biết rõ cháu mình là đứa sạch sẽ, tắm biển còn ghét vì sợ rít huống chi dính chưởng cục sình vô người. Thằng cháu tội nghiệp, ăn gì mà đen đủi quá trời quá đất. Dì bỏ lại thằng nhỏ trong phòng, chạy ngay ra hè kể chuyện cho anh chị hai.

Lâm vẫn còn cay cú, nó thấy cuộc đời không còn màu hồng nữa rồi. Từ lúc nhỏ cho đến khi to xác, nó chưa bao giờ chịu đả kích hay ai nói nặng nhẹ một lần, tay chân người ngợm chưa một lần lấm lem. Vậy đó, mới về quê chưa nóng người đã bị bọn dưới đây cho ăn cục tức no.

"Lâm, xong chưa con? Xong rồi để ngoại dắt đi chào hỏi hàng xóm." Bà ngoại đứng trước cửa phòng kêu nó.

"Dạ, con sắp rồi ngoại. Ngoại ra sân trước đi, con ra sau."

Nó bỏ vội mấy chồng quần áo vào tủ, rồi chạy ra ngoài. Dù Châu Lâm không tự nguyện về quê, nghĩa là nó về đây không phải đi chơi hay thăm hỏi. Nhưng cũng sắp lớn, sắp là thanh niên, Lâm vẫn có ý tứ là đi đến đâu cũng cần biết người biết ta, chào hỏi hàng xóm làng giềng.

Trước mặt nhà bà Cẩm Tú là một vườn dừa của nhà con Bối. Vợ chồng ông Ngà bà Ngọc không biết giàu từ khi nào, chỉ thấy khi bà Ngọc mang bầu anh cả của con Bối thì ông Ngà đã mua mảnh đất trước nhà. Sau đó mua mấy cây xoài về trồng để ra trái cho vợ ăn, đến lúc chuẩn bị có thêm đứa thứ hai thì trồng cây bưởi. Cuối cùng là khi con Bối sắp sanh ra thì bà Ngọc muốn uống nước dừa nên nhổ hết cây, trồng dừa cho bà. Đến nay vợ chồng Ngọc Ngà chưa có thêm đứa nào nữa nên vườn dừa vẫn vậy cứ lớn thêm từng ngày. Mỗi lần sai quả là hai vợ chồng để cho mấy đứa nhỏ trong làng vô lấy uống hay làm gì làm.

Bà ngoại dắt Lâm qua nhà bên trái trước, đây là nhà con Bối. Dưới quê cổng nhà ai cũng trong trạng thái "đón chào cả làng", kể cả cái nhà to như nhà con Bối mà cũng không thèm đóng. Chắc do nguyên cái làng, gia phả mặt mũi dân đều biết hết nên không có ăn trộm.

"Bác Tú, qua chơi hả bác?" Ông Ngà đang uống trà ngoài sân thấy bà Tú vào liền xởi lởi đón tiếp.

Bà Tú vừa dắt Lâm lại gần cha con Bối vừa nói: "Cháu ngoại nó về chơi, dắt qua chào hỏi chú Ngà đó mà."

Hai bà cháu Lâm vừa ngồi xuống là ông Ngà lấy bánh trái ra đãi, đúng là nhà giàu có khác. Bày biện đủ thứ xong, ông gọi với vô nhà kêu con Bối ra.

"Hai đứa con lớn lên Sài Gòn hết, hên là còn con Bối cho vui nhà, vui cửa chú ha." Thấy con Bối chạy ra bà Tú cười nói với ông Ngà.

"Dạ bác... mà thằng này là con của đứa đầu hả bác?" Ông Ngà hỏi thăm.

"Chứ còn ai hả chú Ngà, con Uyên nó gần ba mươi chồng còn chưa có thì con đâu ra." Nhắc tới con út là bà thở dài, mỗi dì Uyên là đến giờ vẫn còn lông bông.

Nói là nói vậy, chứ ai mà giục dì Uyên lấy chồng là bà ngoại thằng Lâm khó chịu ra mặt.

Ông Ngà quay sang nhìn Lâm, mắt quét từ trên xuống dưới rồi trầm trồ: "Cao ráo, đẹp trai quá nghe chị."

Bà Cẩm Tú không nói gì, chỉ cười cười. Mục đích mang cháu ngoại đi chào hỏi láng giềng là để... khoe mà.

"Á anh Lâm, anh Lâm qua chơi đó hả?" Con Bối lại gần thấy Lâm ngồi đó, hai mắt nó sáng rực.

Lâm cười rồi gật đầu nói: "Ờ, ngoại dắt tao qua đây chào cha mày."

"Hai đứa biết nhau hả con?" bà Tú quay qua hỏi Lâm.

Lâm chưa kịp nói thì cái miệng con Bối như tép nhảy: "Dạ bà, hồi trưa anh Lâm ảnh tìm nhà, cái ảnh gặp con, con dắt ảnh về á bà."

Nói chuyện với nhau một hồi, bà Tú với Lâm cũng chào cha con ông Ngà. Hai bà cháu ra tới cổng, con Bối cũng tò tò theo.

Con Bối bẽn lẽn, nhìn Châu Lâm: "Anh Lâm mai qua nhà em chơi nữa nghe anh Lâm."

"Ờ, rảnh thì tao qua." Lâm lịch sự đáp lại với con bé.

Bà Cẩm Tú tiếp tục dắt thằng cháu cưng đi qua nhà bên phải. Tuy nó to xác gấp đôi bà, vậy mà đi đâu là bà phải cầm nắm cứ như sợ cháu té không bằng. Nhưng cũng đúng thôi, mười bảy năm nay có mỗi Châu Lâm là cháu, hỏi sao không cưng, không thương cho được.

"Bà Lan, bà Lan ơi, tui qua chơi nè bà Lan." Bà Tú gọi í ới rồi đi thẳng vô trong phòng khách.

Bà Tú lấy ấm trà rồi rót ra ly, bà uống tù tì hai ly tự nhiên như ở nhà. Nhìn quanh không thấy bạn già đâu, bà Tú vẫn thoải mái rót thêm ly thứ ba.

Thằng Lâm nhìn qua thấy vậy, cười hỏi: "Ngoại xem như nhà mình dữ vậy ngoại?"

Ngoại nó cười xoà rồi trả lời: "Bà Lan là chị em cùng cha khác ông nội với ngoại mà, trà bên thằng Ngà mắc tiền mà dở ẹc nên không đã khát gì hết trơn." Nói xong, bà rót thêm một ly nữa uống.

"Cái bà Lan này, đi mần gì mà không thấy mặt mũi đâu hết vậy cà." Bà Tú đứng lên, tìm đằng sau nhà rồi lại quành ra đằng trước vẫn không một bóng người.

Bà Lan với bà Tú chơi với nhau từ hồi còn đi học, lúc lấy chồng cả hai đều loanh quanh ở trong làng nên xây hai cái nhà cạnh nhau cho vui. Hai bà để mà nói thì giống mấy đứa trẻ bây giờ hay gọi nhau là "bét phen". Chơi thân vậy đó mà hay cạnh nạnh, hơn thua nhau, nhất là khoảng khoe khoang. Trước là khoe con, sau thì khoe cháu nhưng không hiểu sao vẫn khăng khít, thắm thiết tình chị em.

Hai bà còn có niềm vui mỗi tối là qua nhà nhau chơi lô tô, còn có thêm bà Dương má thằng Bâu nhập hội mỗi đem. Chơi lô tô có hôm ba người, hôm hai người mà ngoại thằng Lâm thích với ghiền lắm, đêm nào không hô lô tô là buồn hiu buồn hỉu.

"Ủa, bà Tú le qua hồi nào vậy? Tui mần cỏ tận sau hè nên không nghe." Bà Lan đi lên phòng khách thấy bạn già ngồi uống nước mà giật mình.

"Chèn ơi, hèn gì kêu hoài không thấy ai ơi." Bà Tú vừa nói vừa vỗ vỗ người Lâm, ý kêu nó đứng dậy: "Nè, cháu tui nè, thấy sao bà? Lớn hơn con Măng hai tuổi đó."

"Mèn đéc, cao dữ à... ờ cũng đẹp trai ngang với độ đẹp gái của cháu tui. Nhớ hồi đó nó chút éc mà giờ bự tổ chảng, gấp đôi tụi mình." Bà Lan ngồi xuống đối diện, miệng tấm tắc khen Lâm làm thằng nhỏ ngại ngùng ngãi đầu suốt.

"Cháu tui đẹp trai trổ mã hơn cháu bà chứ." Bà Cẩm Tú nhướn mày đáp lại.

Bà Lan xua tay, lắc đầu: "Nói gì dậy, cháu tui số một nghen."

Hai bà cứ người nói người đáp nhưng thật ra vậy lại vui, nhất là bà Tú. Vì lần đầu Lâm ở đây lâu, bà mới có dịp dắt nó đi quanh làng. Châu Lâm thấy bà ngoại vui mà cũng lây theo, coi như mùa hè này nó dành cho bà ngoại. Cháu chắt lâu lắm mới về quê, người mừng đương nhiên ông bà, vì quanh năm chỉ đợi con cháu xum vầy.

"Ủa Tú? dắt cháu qua ghi bàn lại vợ tui hả bà?" Ông Điệp từ ngoài vào đã thấy bạn vợ qua chơi, liền vô chọc mấy câu.

"Hai vợ chồng nhà ông hay ủa quá à, bao lâu nay tui đợi ngày này lâu lắm rồi." Bà Tú lại cười, hôm nay là hôm mà bà vui nhất, bà cuối cùng cũng có cháu về ở giống bạn thân.

Cả ba người đều đã có tuổi nhưng vẫn luôn như ngày trước, vui tươi và hài hước. Tuổi tác lớn nhỏ không quan trọng, quan trọng là tâm hồn mãi vui tươi. Lấy những chuyện nhỏ nhất ra để làm điều vui cho mình.

Tuổi xế chiều ấy mà, hạnh phúc nhất là được con cái bên cạnh, còn kém hạnh phúc hơn một chút là không xum vầy cùng con cháu nhưng vẫn có người bầu bạn. Cha mẹ sẵn sàng dành tất cả thời gian cho những đứa con, song "đứa con" cũng sẽ làm "cha mẹ" và cần phải để cả quãng đời còn lại lo cho con mình. Cuộc đời cứ xoay vòng cùng với những nuối tiếc của "đứa con" khi lớn lên lại chẳng thể làm được cho đấng sinh thành giống như cách "cha mẹ" dành cho mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro