Chương 3: Quê mùa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Châu Lâm nhìn cái bánh bò thốt nốt trên tay bé Măng, lòng phân vân không biết nên ăn hay không. Đó giờ nó chẳng mấy khi ăn bánh trái đã đành, huống gì cái bánh bò màu nâu như cục si cu la này.

"Bánh bò gì mà màu kì dữ vậy mày?" Lâm hỏi.

Măng trố mắt nhìn nó, mới về quê chứ có phải mới đáp xuống trái đất đâu mà hỏi gì lạ lùng. Nhỏ thấy mắc cười, sau đó nói: "Sao lại kì vậy anh Lâm? Em thấy bình thường mà?" Con bé nghiêng đầu nhìn cái bánh trên tay, rồi lại nhìn Lâm.

"Tao chỉ thấy màu xanh, màu hồng, màu trắng chứ đời nào lại lại màu nâu như vậy?" Lâm nhăn mặt nhìn Măng với cái bánh.

Lúc này Măng không nhịn nổi mà ôm bụng cười khach khách: "Anh quê mùa quá à, này là bánh bò thốt nốt thì màu vậy đúng rồi còn gì nữa?"

Tự nhiên lòi đâu ra đứa chê mình "quê mùa" trong khi còn quê hơn mình. Chỉ là cái bánh thôi mà nói mình quê, Lâm lại thấy tức.

Chưa hết ngày ở đây nhưng Châu Lâm tức ba lần.

"Mấy giờ rồi còn ai ăn bánh bò, mày mới quê." Lâm quay người đi chỗ khác, không thèm nhìn Măng nữa.

Từ đâu ra, có cái tay đút vô miệng nó một cái gì đó. Nhìn lại thì Lâm thấy cái bánh trên tay nhỏ Măng bị mẻ một miếng.

Lựu đạn, con này nó lì dễ sợ.

"Ngon không anh Lâm?" Măng nheo nheo mắt nhìn Lâm cười.

"Tao cho phép mày đút tao ăn chưa? Ai biết tay mày sạch không mà đút tao hả?" Lâm nổi cồ với người trước mặt. Đó giờ nó chưa thấy đứa con gái con lứa gì mà tự tiện, đút bánh cho trai ăn.

Măng vẫn cười hì hì, con bé không thèm quan tâm Lâm đang bực: "Mà ngon đúng không anh? Bánh của cô Mỵ là ngon nhất cái chợ Dừa Già đó anh."

Nhai từ hàm này qua hàm khác, Lâm thấy cũng ngon ngon. Vị xôm xốp của bánh, ngọt của đường, béo của dừa, hòa lẫn mùi thơm thoảng đặc trưng đường thốt nốt xông lên tận mũi, không lẫn vào đâu được.

Ngon thiệt nha!

"Mày nói nhiều quá à." Lâm chẹp miệng liếc nhẹ qua Măng, chưa từng thấy đứa nào như nó.

Châu Lâm nhìn đứa con gái mang bà ba hồng trước mặt, nghĩ gì đó rồi nó nói: "Mày mới quê, thời nào còn mang đồ như này."

Bé Măng đánh nhẹ vô vai Lâm một cái, bĩu môi nói: "Kệ em, không ai bận thì em bận, khỏi giống, khỏi đụng hàng ai nghe."

Lâm chỉ kịp "xì" một tiếng, vì ngoại nó từ trong nhà bà Lan đi ra.

Ngày nào cũng gặp nhau, sáng hỏi thăm, xế tâm sự, tối thủ thỉ. Vậy mà cứ mỗi lần nói chuyện, hai bà Tú Lan lại để thời gian trôi qua ít nhất nửa tiếng.

Bà Tú nhìn mặt thằng cháu không mấy hiền hoà, hiểu ngay là nó đang khó chịu. Không cần ở với Lâm 24/7 nhưng ngoại biết tính nó. Từ nhỏ tới lớn, đụng một cái là nhăn nhó, là cau mày.

"Lâm, mày đừng ăn hiếp em nghen con, có gì nhường em nghe." Bà ngoại từ đằng sau, dặn dò nó.

Lâm nhún vai như biểu hiện rằng không làm gì con người ta cả, nó vô tội.

"Nói chuyện với em út, sao kêu mày tao con." Mặt bà Tú tỏ vẻ không hài lòng với cháu mình nhưng rồi cũng cười một cái.

Lâm gật đầu nhưng mặt vẫn chưng hửng: "Thôi về ăn cơm đi ngoại." Nói xong nó ôm vai bà, ý muốn đi về nhanh.

"Bà về nha bà." Măng cười, gật đầu chào "bét phen" của bà nội.

"Ờ bà về, nói nội tối qua nhà bà Dương chơi lô tô nghe." Sợ bà nội nhỏ quên tối nay đổi điểm chơi, bà Tú phải dặn lại con bé mới thấy yên tâm hơn.

"Anh Lâm, ăn bánh bò rồi mà vẫn đói hả hả anh?" Thấy Lâm với ngoại đi cách một khoảng hàng rào nhà mình rồi, Măng với theo hỏi cho Lâm cay chơi.

Như mong muốn, thằng Lâm quay đầu lại ném cho Măng ánh mắt hình viên đạn. Ơ, vậy là con nhỏ cố tình cho mình ăn miếng bánh rồi giễu cợt mình hả? Lâm bắt đầu thấy ghét Măng, cháu nhà ông Điệp bà Lan.

Con bé hài lòng, cười thích thú bứt một cái bông trang đưa lên miệng. Vừa nhâm nhi mấy giọt mật ngọt ngọt, con bé vừa nhảy chân sáo vào nhà.

Trái với màu đỏ rực của hàng rào dâm bụt nhà bà Cẩm Tú, hàng rào nhà bà Thị Lan được nhuốm một màu vàng ươm của bông trang. Hai người bạn thân, một người thích màu đỏ, một người yêu màu vàng. Ấy vậy, hai hàng rào có hai màu chói chang cạnh nhau lại hợp hợp đó chứ.

Hai bà cháu Châu Lâm vào nhà, thấy dì Uyên đã dọn cơm sẵn. Chiều nay Uyên nấu mấy món đơn giản, vì anh rể hôm qua đã dặn kĩ ở phần ăn uống: "Em nấu gì thì nấu, né món canh chua cá lóc, sườn xào chua ngọt, gà chiên nước mắm ra nghen Uyên."

Uyên nghe vậy thắc mắc, hỏi lại: "Sao vậy anh? Thằng Lâm nó ăn không được à? Vậy nó thích gì đặng em biết đi chợ, mua về nấu cho cháu ăn."

Chú Kiệt đầu dây bên kia giọng run run, có lẽ do chú cố nhịn cười: "Không, mấy món đó là nó khoái lắm. Anh bắt nó về chịu khổ nên sao để nó ăn ngon được? Em cứ nấu mấy món dưới quê hay ăn như khô cá rồi mắm, đặc biệt là cá kho tiêu nó ghét lắm. Em với má làm mấy món đó cho anh nghe."

Dì Uyên gật gù, ghi nhớ vào đầu. Lòng cảm thán: "Cha dượng của thằng Lâm phải không trời?"

Lâm nhìn mâm cơm, bỗng chốc lòng nó như dính sạn. Chất sơ có rau muống luộc chấm kho quẹt, canh từ nước luộc rau, còn chất đạm là khô cá dứa chiên. Toàn mấy món mỗi lần mẹ Thơ nấu thì chắc chắn sẽ phải nấu thêm món khác mà Lâm thích.

Vậy là hết rồi sao?

Thật sự là có ba món thôi?

Trong đầu nó chỉ luẩn quẩn mấy câu này.

Bình thường nó về quê hay dì Uyên lên Sài Gòn nấu cơm, có bao giờ dì nấu mấy mòn này? Lúc nào dì cũng nấu canh chua cá lóc, gỏi gà, lẩu thái,... toàn món Lâm thích mà?

"Uyên, cháu chắt về con nấu cơm kiểu gì vậy Uyên? Mọi ngày hai má con mình còn chưa ăn sơ xài như vậy, sao con để cháu con ăn bữa đầu tiên ở nhà mình xoàng dữ con." Bà Tú dòm mâm cơm cũng giật mình, dòm qua mặt Lâm thấy mặt mũi cứng đơ mà nhìn thương.

"Má ơi, cho thằng Lóc làm quen dần đi. Nó ở đây có phải ngày một ngày hai đâu, má kệ nó. Cho nó ăn để nó biết mùi vị quê hương. Trên Sài Gòn, má nó cho ăn toàn đồ ngon, đồ bổ thì giờ thay đổi khẩu vị, đúng không Lóc yêu của dì?" Uyên nói rồi xua xua tay với má, sau đó quay qua xoa đầu Lâm.

Lâm bĩu môi nhìn dì: "Không đúng gì hết."

"Mày ăn đi, còn không nhịn à? Cha mày nói về đây trải nghiệm, chứ có phải di chuyển từ chỗ ở này sang chỗ khác ở, hay đi du lịch đâu mà đòi hỏi?" Nói xong, Uyên nháy mắt với má, để má nhớ lại cuộc gọi điện của vợ chồng chị hai tối qua.

Lâm cầm chén, cầm đũa và cầm nước mắt.

Nó hối hận, nãy mà ăn cái bánh bò màu nâu của nhỏ Măng thì đỡ biết bao nhiêu. Cái bánh còn ngon hơn cơm dì út nữa chứ, ngu ghê.

Ở nhà thấy mẹ hay ăn rau luộc giảm cân, đôi lúc cũng hay chấm kèm với kho quẹt. Nó nghĩ chắc món này ổn nên mẹ mới ăn hoài không ngán.

Trời ơi, cái kho quẹt đặc quánh, vị ngọt đủ mặn vừa còn cay cay, rau muống nhai sần sật bỏ thêm một đũa cơm vô miệng.

Ngon thiệt bây!

Lâm nhướn mày khi ăn trọn côm bô đó, lần đầu nó ăn rau luộc chấm kèm với cái gì đó. Mùi vị khác xa nó tưởng tượng. Lâm thu hồi lại lời nói so sánh bánh bò của nhỏ Măng với mâm cơm của dì Uyên.

Đúng là, tưởng không ngon mà ngon không tưởng.

"Sao Lóc? Kho quẹt dì làm ngon không?" Dì Uyên cười cười khi thấy thằng cháu đã ăn sang chén cơm thứ hai.

"Dạ tạm." Lâm cúi đầu ăn tiếp. Nó không muốn khen vì sợ dì Uyên ghẹo.

"Xí, gắp thêm tôm khô với tóp mỡ trong trỏng ăn nữa mới ngon" Dì Uyên nói đến đâu Lâm làm theo đến đó.

Thế là nó sang chén thứ ba.

Sang chén thứ tư, do miếng khô cá dứa mặn mặn.

"Má thấy chưa? Cứ sợ cháu má không ăn được, giờ nó ăn còn hơn con nè." Uyên nói, miệng lại không nhịn cười được với thằng cháu.

Dì Uyên ăn xong, đứng dậy nựng má Lâm rồi dặn dò: "Ăn xong, cầm ra sau hè rửa chén nghe Lóc."

Lâm ngẩng mặt lên, mắt nó trố ra: "Ơ? có ai như dì không? Cháu dì mới về một hôm đã sai vặt rồi."

"Dì không có sai vặt nha, vì dì nấu rồi thì mày rửa he. Còn không, mai mày nấu cơm đi rồi tao rửa cho. Nếu về đây mày rảnh không thì cha mày cho về làm gì? Coi chừng tao méc ổng là mày ở dưới này học luôn nghe con." Uyên nâng giọng lên cao, chấm câu bằng cái chỉ vô trán Lâm.

Bà Tú đi đến đánh nhẹ vô vai dì Uyên, cằn nhằn: "Tổ cha mày nghe, cháu nó đi cả ngày mệt thì cho nó đi nghỉ. Muốn dạy bảo gì thì mai mốt."

Lâm đưa gương mặt tội nghiệp ra, đầu thì gật liên tục đồng tình với bà ngoại. Dì Uyên phải đầu hàng mà xắn tay áo đi rửa chén. Xem như Lâm được cứu một pha trông thấy.

Đêm nay sẽ là đêm đầu tiên của Lâm ở quê ngoại, có điều từ sáng đến giờ Lâm cảm thấy tưng tức đến tận ba lần. Lòng nổi lên sự ấm ức nhưng không thể hiện ra mà leo lên giường để giải tỏa sự mỏi lưng và mệt nhọc cả ngày, bởi đây mới là thứ cần quan tâm nhất hiện giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro