Chương 45: Tiếng lòng của Châu Lâm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay là ngày thứ ba tôi về nhà, lạ lùng là giấc ngủ của tôi còn ngắn hơn cả bữa đầu tiên. Có lẽ, không phải vì nệm chẳng êm, hay phòng chẳng mát. 

Mà là vì, tôi nhớ em Măng. 

Nhìn đồng hồ, kim ngắn đang ở số năm mà tôi không thấy buồn ngủ chút nào. Nếu buồn thì là buồn vì không gặp em ấy. Giờ còn quá sớm, nên tôi chỉ quanh quẩn trong phòng. Vì mẹ tôi vẫn đang ngủ, vả lại tôi cũng chẳng biết làm gì. 

Nếu bây giờ đang ở làng, có lẽ tôi sẽ cùng ông nội em uống trà. Sau đó em Măng sẽ đi ra, trong bộ dạng mắt nhắm mắt mở và chào tôi. Chợt tôi lại nhớ đến Dừa Già, nhớ mỗi buổi sáng thoang thoảng mùi đất và mùi cây cối. Còn có em Măng vừa ăn vừa luyên thuyên về tập nén nhang, mà qua em mới xem được. Mẹ tôi mà biết tôi vừa về nhà mới hai ngày, đã đòi xuống dưới quê lại thì chắc mẹ buồn lắm.

Có điều kể từ lúc bước lên xe, tôi đã muốn xin phép được ở lại. Nhưng nhìn cha mẹ vui mừng khi gặp tôi, còn có sự nhớ nhung nữa nên tôi không nỡ làm cha mẹ hụt hẫng. Vì dẫu sao tôi vẫn sẽ quay lại làng, đó chính là vào ngày đám cưới của dì Uyên và dượng Bột.

Nhìn phía góc phòng, tôi xém xíu nữa là quên mất bảo bối của mình. Đi đến cầm hai hộp lại giường, tôi mở ra nhìn ngắm hai cây cơ mà mình dành dụm từ lâu mới mua được. Vậy mà mới đem đi đánh được hai ngày, tôi đã phải cuốn gói đi xa. Mân mê một lúc, ấy thế lại chẳng có cảm giác bồi hồi, nôn nao là mấy. Bình thường cứ hễ thấy cái gì liên quan từ bida là cơn ghiền lại nổi lên, còn bây giờ trong lòng tôi chẳng có lấy một chút gợn sóng. 

Đương nhiên là tôi vẫn không hoàn toàn bỏ rơi thú vui của mình, bởi tôi đã tốn chục củ chăm bẳm nó. Vì vậy tôi quyết định đồng ý đi chơi với đám bạn vào sáng hôm nay, mở điện thoại nhắn tin cho tụi nó. Nằm lướt mạng xã hội trong sự nhạt nhẽo, đến gần bảy giờ vẫn chưa có một thằng nào phản hồi lại tôi. Lúc này, tôi mới thấy tụi thằng Huy lười nhát và ngủ nướng một cách vô kỷ luật. Chắc tôi cũng nên kêu bố mẹ chúng nó cho đi rèn luyện giống tôi, để nề nếp hơn.

Mới cằn nhằn tào tháo, tào tháo xuất hiện: "Ờ mày chờ tao chút, tao qua đón mày đi ăn." Dòng tin nhắn của Huy hiện lên trên đầu màn hình của tôi.

Tôi thả một biểu tượng đồng ý, sau đó dậy thay quần áo. Xách túi đựng cơ ra khỏi phòng, xuống tới dưới nhà thì thấy mẹ đang chuẩn bị bữa sáng. 

"Mẹ ơi, cho con ra ngoài với Huy ăn sáng nha." Dù hay la cà bên ngoài, nhưng đi đâu tôi cũng xin phép mẹ. Cũng có đôi lúc mẹ tôi không cho, nhưng giở trò năn nỉ là mẹ vẫn đồng ý liền.

Có lẽ thấy tôi ngoan ngoãn hơn và mới về lại nhà, nên mẹ cười rồi gật đầu: "Ờ con đi đi, ra ngoài chơi với bạn một chút cho khuây khỏa." 

Tôi hơi không hiểu sao mẹ lại dùng từ "khuây khỏa", bộ dạo này trông tôi căng thẳng lắm hả ta. Đang tính hỏi mẹ, nhưng điện thoại trong túi quần rung lên, chắc chắn là thằng Huy báo đang đứng trước cổng. Vội xỏ giày rồi chào mẹ, tôi chạy vọt ra ngoài.

Huy đang ngồi trên chiếc xe điện Vinfast, thấy tôi là ồn ào: "Trời ơi, Lâm nhà ta đen đi hẳn rồi nhỉ? Nhưng mà vẫn mập mạp, béo ú nha. Chắc em Măng chăm kỹ lắm nhờ." 

Nhìn gương mặt cà rỡn của nó, tự nhiên tôi thấy ghét ghê. Vậy mà suốt sáu năm ngồi bên cạnh nó, tôi lại chẳng nhận ra.

"Mày làm như má tao vậy đó, mập đen gì kệ tao." Tôi nhăn nhó khi thằng này cứ liên tục cầm tay, xoay ngang dọc người tôi hỏi han.

Huy vừa đề máy xe, vừa bỡn cợt trả lời: "Ừ, gọi mẹ một tiếng đi."

Tôi chẳng buồn đáp trả khứa này thêm lời nào, vì cái bụng đã bắt đầu kêu réo lên. Dạo một vòng cả tôi lẫn Huy, đều chưa biết ăn gì. Huy ở đằng trước, liên tục đưa từ món này sang món khác:

"Ăn mì ý không?" 

"Thôi, ngán quá."

Huy lại im lặng, suy nghĩ tiếp. Tầm vài phút sau nó hỏi tiếp: "Ăn hambergur?"

"Khô lắm."

"Hủ tiếu nam vang?"

"Nước quá."

Huy thở dài, tôi cứ có cảm giác như nó đang liếc tôi. Vài giây sau, nó hơi lên giọng hỏi tôi tiếp: "Vậy rốt cuộc mày muốn ăn cái quái gì?"

"Tao không biết."

Tôi trả lời thật nhưng thằng Huy cứ tưởng tôi đùa với nó, mà thiếu điều muốn thắng gấp rồi tẩn cho tôi một trận. Vội vàng xoa xoa cái lưng Huy, tôi phải nhanh chóng chữa cháy:

"Từ từ. Để tao suy nghĩ một chút, thiệt tình là không biết ăn gì." Bặm môi, suy nghĩ một hồi và sau đó tôi chợt buông miệng: "Hay là ăn bánh tiêu đi."

Mặc dù đã có câu trả lời cụ thể từ tôi, vậy mà thằng Huy lên cơn gì đó lại tấp vô lề. Nó hùng hùng hổ hổ xuống xe, cởi nón bảo hiểm. Sau đó vuốt mặt mấy cái, rồi dí sát mặt tôi nói:

"Bánh tiêu hả? Là không khô, không ngán dữ chưa?" Nó đưa mặt ra xa, chống nạnh lên lại tiếp tục càu nhàu: "Hỏi tới gì mày cũng không chịu? Giờ lại nói ăn bánh tiêu, xem ông đây là trò đùa của mày à?"

Tôi chẳng thèm để ý đến nó, hơi đâu coi nó làm trò đùa, thằng Huy không có cái gì thú vị với tôi. Sở dĩ tôi thèm bún thịt nướng bà Vạng, cơm tấm chị Nhài, hủ tiếu của ngoại, bún nước lèo của nội nhỏ,... Vì vậy trong vô thức tôi thèm ăn gì đó có một phần liên quan đến Dừa Già, nên buột miệng nói ăn bánh tiêu.

Hình như cũng chẳng phải, là do tôi đang nhớ nhỏ. Tất cả những thứ tôi đang thèm, đều ngồi ăn cạnh nhỏ Măng.

Thằng Huy giận dỗi một xíu, không ai dỗ nên biết điều tự lên xe. Nhưng dọc đường nó không hỏi thêm bất cứ điều gì liên quan đến ăn uống, tôi cũng chẳng dám đưa ra thêm một món ăn nào. Cứ vậy mà chúng tôi tới địa chỉ quen thuộc lúc nào không hay, chính là ngôi nhà thứ hai của tôi Luxury Billiards Club, 142 Nguyễn Thị Thập.

Cởi nón ra, tôi thắc mắc với nó: "Ủa? Không định ăn gì à?"

Huy nhếch miệng, mặt mày có vẻ đang bài xích câu hỏi của tôi: "Vô trỏng kêu mì ăn, nết mày ai mà dẫn đi ăn nổi."

Tôi thấy cũng, liền gật đầu: "Ừ, nghe có vẻ hợp lý đó."

Lúc vào trong đã thấy thằng Luân và thằng An, đang ngồi nhai bánh mì. Cảm giác thân thuộc bao quanh người tôi, đã lâu lắm rồi tôi mới có mặt ở đây và tận hưởng không khí này. Những bài nhạc trẻ xu hướng được mở liu riu, mùi thơm của cà phê và lâu lâu xuất hiện vài làn khói mờ nhạt của thuốc lá, hay vape.

An ngước mặt lên, thấy tôi liền đứng dậy: "Trời ơi, anh Lâm của tôi đây rồi."

"Má ơi, mày về quê mà tao tưởng mày đi lính không đó. Chẳng thường xuyên gọi về cho anh em gì hết." Luân tiếp lời.

Tôi lại gần chỗ hai đứa nó, ngồi xuống rồi cười nói: "Khác gì là đi lính đâu, cha tao cắt luôn wi-fi dưới nhà ngoại nên tao lặn luôn là phải."

Luân với An trố mắt trước câu nói của tôi, chắc vì tụi nó sẽ chẳng hình dung được con người hiện giờ, nếu không có wi-fi thì sống ra sao. An thấy Huy đi từ phía quầy ra, nhanh chóng hỏi:

"Sao mày hôm đó lên lại, không đề cập đến vụ wi-fi vậy?"

Huy nhíu mày một lúc, nhún vai trả lời: "Tao xài 4G nên không để ý, hèn gì gần hai tháng nay không thấy anh Lâm vô Liên Quân lần nào."

Bởi vì thằng Huy vừa rời làng, lên xe một phát là gọi điện luyên thuyên mọi thứ về dưới quê. Nên hai đứa ôn dịch kia không quá làm phiền hỏi han tôi, cơ mà tụi nó cũng chẳng nhiều chuyện như thằng Huy.

Tôi vừa ăn tô mì vừa nhìn hai thằng Luân An chơi, nếu là lúc trước thì tôi sẽ húp vội húp vàng để vô đánh vài trận với tụi bạn. Còn giờ tôi cứ thong thả mà ăn từng sợi, nếu có nhỏ Măng ở đây thì thể nào nhỏ cũng dè bĩu:

"Sao anh là con trai mà ăn chậm dậy, hay để em ăn phụ cho."

Thằng Huy này nó nhiều chuyện thấy ớn, đang đánh bida mà vẫn biết tôi cười, hét lớn: "Ê, mày cười gì vậy Lâm."

Tôi chỉ liếc nó một cái, sau đó lại cúi xuống ăn. Chứ có đánh chết tôi sẽ không bao giờ thừa nhận là vì nghĩ đến ai kia, rồi tự ngồi ngây người, cười cười như bị khờ. Khi còn ở làng, đôi lúc tôi cũng hay ngơ ngẩn nghĩ về em và tự mỉm cười. Nhưng tần suất khi về nhà, lại càng nhiều hơn đến nỗi tôi phải ở trong phòng, vì sợ ai đó bắt gặp khoảnh khắc ngốc nghếch này.

Ăn vội tô mì để ra chơi cùng tụi nó, vì mấy đứa này cứ liên tục kêu réo làm tôi nhức hết cả đầu. Tôi vừa mới chơi được nửa trận, tự nhiên không thấy hào hứng một chút nào nữa. Trái banh trắng đẩy trái banh màu vào lỗ, cũng chẳng khiến tôi phấn khởi nữa. Thắng thằng Huy vài bi, tôi không thèm chế giễu, hay đắc thắng nói vài câu. Bây giờ, tôi muốn về nhà nằm và gọi điện cho nhỏ Măng.

Tôi chẳng phải thay đổi, mà là vì có những điều còn mắc kẹt ở trong lòng nên tâm trạng cứ như thể đang bị lợn cợn, không lưu thông.

Chưa kết thúc ván, tôi lắc đầu lên tiếng: "Tự nhiên tao thấy nhớ mẹ tao quá, tao về trước nha."

Ba thằng bạn liền đứng hình sau câu nói của tôi, chắc chắn chúng nó không bao giờ nghĩ đến ngày mà tôi muốn về nhà sớm. Chẳng muốn tụi nó phải hổ thẹn, chứ đây gọi là sự khác của người có tình yêu và người không có. 

Thằng Luân nhăn mặt, khó hiểu: "Đứa vừa mới phát ra câu đó, có phải thằng Lâm không vậy?"

"Chính nó, chính nó rồi." An lắc đầu tỏ vẻ bất lực.

Còn Huy thì hình như nó hiểu tôi đang có vấn đề, nên chỉ hỏi: "Để tao chở mày về, khỏi phải bắt grab."

Qua nhiều năm rồi, tôi mới thấy thằng Huy này cũng có lúc hiểu chuyện và không nên nói nhiều. Vì tôi sợ nó sẽ bô bô cái miệng, ghẹo tôi với Măng trước Luân với An. Coi bộ ngày càng lớn, làm ông chủ nhỏ nên biết điều hơn.

Tôi không muốn Huy mất công phải đưa đón, nên tự đặt xe về sau đó tạm biệt tụi nó. Cả một đoạn đường, tôi nhìn chằm chằm vào tin nhắn hôm qua của mình với Măng. Mục đích là xem coi em có đang lên mạng, chỉ cần hiện ra dòng chữ "Uyển Nhi, đang hoạt động" thì tôi sẽ nhắn tin cho em liền.

Mãi cho đến lúc tôi về đến nhà, em Măng vẫn chưa hoạt động một lần. Mẹ tôi với bác Na đã đi chợ, nhà cũng có mỗi tôi. Chợt tôi nhớ đến con cưng của mình, vội vộ vàng vàng chạy ra ngoài gara. Cửa vừa kéo lên, tôi ngay lập tức lao đến con DTFLY R-2000 bảo bối của mình. Xoa xoa cái yên xe, đến cạnh sườn và đưa mắt nhìn mảng bụi bám lên đứa con mà tôi xót xa không thôi. Tôi lấy khăn trong tủ, ngồi lau tỉ mỉ. Tôi thường có thói quen đạp xe vào mỗi buổi chiều, một tuần ít nhất là ba lần. Nhưng đã gần hai tháng, tôi chưa cưỡi trên con xe yêu quý vi vu mọi nẻo đường. Lòng thầm nghĩ, chiều nay phải đạp một chuyến chục cây số khởi động.

Lên đến trên phòng, tôi mở điện thoại kiểm tra thì thấy em mới hoạt động cách đây mười phút. Tôi vò đầu bứt tóc, lúc mình đi lau xe thì người ấy lại xuất hiện. Đột nhiên tôi thấy ghét con xe mà mình vừa nâng niu, nếu chẳng dành thời gian cho nó thì tôi có phải là đã được nói cùng mẹ nó rồi không? Trong khi tức giận, vày vò cái điện thoại mà tôi vô tình nhấn nút gọi, đã vậy còn là chế độ thấy mặt nhau.

Tôi chưa kịp nhận ra, thì gương mặt quen thuộc hiện lên và cười cười chào tôi: "Á, em chào anh Lâm. Anh khỏe không?"

Được hỏi "khỏe không?" tôi mới thấy mới ba ngày thôi, nhưng lại ngỡ như ba mươi ngày. Có lẽ thời gian xa em, trôi qua một cách nặng nề, chậm chạp. Nhìn người trong màn hình, liên tục nhoẻn miệng cười và ngay tức khắc tôi cảm thấy ấm lòng vô cùng.

"Ờ, tao khỏe. Mày ở dưới đó vui không?" Tôi đáp, rồi hỏi lại một câu xã giao với em.

Nhỏ gãi gãi má, trả lời: "Dạ vui, nhưng mà không có anh ai cũng buồn."

Tôi cố bắt chọn cụm từ ai cũng buồn, để ráng phân tích nhanh là có nghĩa Măng cũng buồn khi chẳng có tôi. Chắc chắn là như vậy, tôi khẳng định. Phân vân không biết nên hỏi em nhớ tôi hay có muốn tôi về với em không. Nhưng tôi mặc kệ, giờ phút này mặt mũi nào mà còn sĩ diện nữa:

"Mày có nhớ tao không?" Có điều, vẫn là không đủ can đảm nhìn thẳng vào mắt của em ấy.

Nghe tôi hỏi, nhỏ bật cười khanh khách. Song vẫn cố nén lại, giọng run run trả lời: "Có đó, em có nhớ anh. Vậy anh Lâm lên Sài Gòn có nhớ em không?"

"Tao hỏi nghiêm túc, mày lại bỡn cợt với tao." Tôi chau mày trước thái độ đùa giỡn của Măng, em ấy đúng là không coi tôi ra gì.

Nhỏ tằng hắng một tiếng, sau đó đàng hoàng đáp lại: "Em nói thiệt, em nhớ anh thiệt mà. Nhớ nhiều là đằng khác. Còn anh thì sao?"

Hên là nhìn nhau qua một cái màn, nên Măng không thấy được mặt tôi đang dần đỏ ửng lên. Tôi vẫn luôn muốn nói cho em biết, rằng tôi không chỉ nhớ mà còn ước gì có thể về Dừa Già ở bên cạnh em. Nhưng lời cứ mắc ngay họng, trước mặt em lại chẳng dám nói. Tôi đang lấy lại bình tĩnh, để chuẩn bị mở miệng phát ra ba chữ  "Tao nhớ mày". Thì mẹ tôi về từ lúc nào mở cửa phòng, gọi lớn:

"Úi, Lóc yêu của mẹ về rồi hả?"

Tôi nhăn mặt nhìn qua hướng mẹ, có vẻ mẹ hiểu được gì đó nhưng vẫn nói to: "Lâm đang gọi điện với bạn hả? Để mẹ ra ngoài nha, hi hi."

Cánh cửa đóng sầm lại, tôi hơi ngại ngùng nhìn vô màn hình. Nhỏ Măng chớp mắt một cái, sau đó làm tôi hụt hẫng: "Mẹ anh chắc tìm anh có chuyện á, vậy thôi bữa khác mình nói tiếp. Bái bai anh nghe."

Gương mặt đáng yêu biến mất sau cái vẫy tay, tôi bất động cho đến khi màn hình tắt hẳn. Thơ thẫn lên tiếng trong vô thức: "Anh cũng nhớ em." 

Thơm nhẹ lên màn hình, cũng vừa lúc điện thoại sáng lên và môi tôi đang đặt lên ngang má của em.

Nhìn hình nền khóa là em Măng, ở vị trí má có vệt vân môi mà tôi cười khúc khích, thích thú lặp lại vài lần. Mãi một lúc sau, tôi mới chợt nhận ra rằng mình có thể nói trực tiếp cho em nghe. Nhưng vì mẹ tôi xuất hiện, làm cắt ngang cuộc trò chuyện. 

Tôi ấm ức hét to: "Mẹ, vì mẹ mà con dâu mẹ chạy mất rồi."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro