Chương 46: Rời xa thành phố về quê tìm em

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gần một tuần Lâm về nhà, hôm nay cũng là ngày mà cha nó kết thúc chuyến công tác. So với hồi trước, những ngày cha đi công tác nó luôn thấp thỏm, canh giờ để về nhà cho đúng lúc. Tuy biết cha về là phải ở nhà, nhưng nó chỉ muốn bay nhảy bên ngoài chứ không muốn loanh quanh trong mấy bức tường nhạt nhẽo. Còn bây giờ thì tâm trạng Lâm vô cùng thoải mái, vì nó còn chẳng buồn ra khỏi nhà.

Cuộc sống trong phòng có wi-fi, máy lạnh và thích là phi xe đi cà phê, đánh bida đã trở lại. Nhưng lại không làm nó thấy hài lòng, thoải mái nữa. Còn cuộc sống đơn sơ, giản dị, tẻ nhạt mà trước kia Lâm nghĩ. Ấy lại cho nó cảm giác khuây khỏa và có chút như đang tận hưởng.

Kể từ lần ra ngoài chơi hôm trước, đến nay Lâm vẫn chưa bước chân ra ngoài đường. Những ngày qua, Lâm chẳng muốn làm bất cứ một hoạt động nào ngoài việc ôm khư khư điện thoại và gửi những thứ linh tinh cho nhỏ. Tần suất nó ôm điện thoại nhiều đến nổi, khiến cô Cẩm Thơ đang ngồi thêu ở đầu bên kia ghế, cũng phải lên tiếng:

"Giờ hết muốn la cà ngoài đường, chuyển sang nghiện điện tử rồi à con."

Nghe nói đến mình, nó giật mình bỏ điện thoại sang một bên nhìn mẹ trả lời: "Dạ, có đâu mẹ. Con nói chuyện với mấy đứa bạn ở dưới quê thôi... Á mà." Đoạn sau có phần hơi ngập ngừng.

Cô Thơ mím mím cười, nhìn nó đầy ẩn ý: "Là nhắn tin với bạn Măng hả?"

Châu Lâm ngượng ngùng trước câu hỏi của mẹ, xoa xoa gáy và ráng tìm một câu trả lời thật thích hợp: "Tất cả bạn mà mẹ, Bâu, Ray, Bí,... Nhiều lắm mẹ."

Đương nhiên cô Thơ không thèm tin lấy một lời, vì cô đẻ ra nó mà. Nhìn ánh mắt, cử chỉ là có thể đi guốc trong bụng con trai. Thấy mẹ im lặng, chẳng truy hỏi nữa nên nó âm thầm thở phào nhẹ nhõm.

Cô Cẩm Thơ thì cũng lặng lẽ quan sát, góp nhặt từng hành động suốt gần một tuần qua của Lâm. Hay thất thần, ánh mắt lờ đỡ sau mỗi lần rời điện thoại và ăn cơm không ngon miệng, dù là món tủ thì vẫn ăn rất ít. Đặc biệt là không tụ tập bè bạn, chơi bời lông bông ngoài đường. Cô có gọi kể cho chồng nghe, nhưng kết luận lại toàn là mấy lời tự cao như: "Em thấy chưa, nhờ anh hết đó.", "Đúng là anh thông minh nên con mình có biết điều.", "Ông xã em numberone luôn ha ha.",... Đúng là đàn ông, chỉ biết góp giống chứ không hiểu con bằng mẹ. Cuối cùng, cô Thơ đã đưa ra được kết luận và dám mang tủ quần áo hiệu, cùng với mấy hộp trang sức ra cá cược.

Con trai cô, Đặng Vũ Châu Lâm xác ở Sài Gòn nhưng hồn thì lơ lửng tại Dừa Già.

Quả thật con trai khi mới biết yêu,  ánh mắt không bao giờ biết nói dối. Vì chính Lâm cũng đang rơi vào trạng thái như mẹ phán đoán, cơ mà lại phủ nhận và chẳng tin vào điều đó. Lâm đơn giản nghĩ mình chỉ là đang buồn một chút, không quen một chút mà thôi. Và dần dần sẽ quen lại với cuộc sống bình thường, song song đó có thể làm bạn trên mạng với người ấy.

Nhưng cho đến hai ngày nay, nhỏ Măng hoàn toàn biến mất, lời nhắn của nó vẫn chưa trả lời và tài khoản hiện lên dòng chữ "Đã truy cập cách hai ngày". Lồng ngực nó như thể có một luồng nóng hổi liên tục thổi vào, cứ nhấm nhổm không yên. Sự nhớ nhung và lo lắng thay phiên nhau đan xen vào tâm tư, Lâm cũng muốn chủ động nhắn và gọi tiếp. Nhưng tin nhắn cũ vẫn còn chưa được trả lời, thì liệu làm vậy có phải quá phiền toái.

Đám con trai ở dưới quê thì bận bịu đi làm cả ngày, tối về cũng chẳng buồn ôm điện thoại mà đi nghỉ ngơi. Rất hiếm khi nào Lâm có dịp tâm sự với tụi bạn, kể cả Bâu nó vẫn ít khi nói chuyện. Vì vậy nó không hỏi han gì về nhỏ Măng với bọn thằng Bâu cả, hỏi dì Uyên thì lại càng không. Lâm suy nghĩ rất nhiều, mới làm bạn xa mà đã mệt mỏi như này thì yêu xa chắc rút cạn sức lực của nó quá. Chưa kể đến việc, ở làng Dừa Già biết bao nhiêu thằng đực rựa chưa có chủ.

Mới nghĩ nhiêu đó thôi, máu nóng đã dồn hết lên mặt Lâm. Cô Thơ hốt hoảng khi vừa ngước lên, nhìn nó hỏi: "Lâm, con bị lên huyết áp hả? Mặt đỏ quá vậy con."

"Con không sao mẹ, trời nóng quá thôi. Con lên phòng một chút, khi nào cha về gọi con." Cả người nó nhẹ tênh, thẩn thờ lắc đầu.

Tới giờ phút này thì mẹ nó đã thấy bệnh tương tư của con trai quá nặng rồi, để thêm thời gian nữa xem chừng là thành trầm cảm. Chuyện này cô cần phải bàn bạc với ông xã, mặc dù người quyết định cũng là cô.

Mẹ nó không hề lo xa, Lâm vừa mở cửa phòng liền nhào đến giường úp mặy vô gối một cách thảm thương. Mấy ngày đầu còn dễ chịu một xíu, nhưng càng ngày nó từ nhàm chán, rồi đến bứt rứt, cuối cùng là day dứt không thôi. Hiện giờ bao nhiêu cảm xúc khó chịu, ngứa ngáy đang đổ dồn lên người Lâm. Bản thân nó đã biết mình muốn làm gì, nhưng lại không biết phải làm như nào mới đúng.

Châu Lâm nhớ con đường đất mỗi lần đạp xe là như cưỡi ngựa, nhớ hàng dừa xanh thăm thẳm trải dài hai bên đường, nhớ con mương ao cá, nhớ bà ngoại, dì Uyên và đám bạn đáng yêu.

Hay nói cách khác là nhớ nhỏ Măng (một con người, nhưng có thể đại diện cho cả làng Dừa Già trong lòng nó).

Lâm nghĩ mình đã đến giới hạn, thời điểm này không phải là lúc có nên phân vân giữa ở nhà và về lại làng. Mà là nhất định phải về quê, để giải quyết và tìm được kết quả cho tương lai của nó với nhỏ. Lâm chẳng thể ngồi im trong tâm thế mơ màng chờ đợi, đã vậy còn là một khoảng cách xa và cũng không đủ kiên nhẫn đợi đến ngày đám cưới của dì Uyên.

Đặng Vũ Châu Lâm bật dậy khỏi đống mền gối, quyết tâm tuyên bố: "Mình phải rời khỏi đây, về quê gặp để hỏi Măng cho rõ ràng mới được."

Không chần chừ thêm chút nào nữa, Lâm đi lấy vali soạn đồ. Lần về lại quê này, đương nhiên khác hẳn lần trước. Phong độ vốn có ban đầu của anh Lâm cuối cùng cũng được giữ vững cho đến lúc về Dừa già, thần thái sang trọng và quan trọng là trong túi anh đầy tiền.

Lâm cẩn thận đặt xấp vải của nhỏ, ngăn nắp ở một góc vali. Quà mua cho các bạn thì không kịp, nên lần về này sẽ dắt cả đám đi chơi cho đã đời. Còn có thể thoải mái mua cho người ấy mấy chục cái bánh tiêu, mười mấy hột vịt lộn và đưa đi ăn cho bể bụng còn kịp. Bất giác Lâm bật cười trong vô thức, khi nghĩ về những cảnh tượng mình mới vẽ ra.

Khoảnh khắc Lâm xách vali xuống nhà, cũng là lúc cha nó kéo vali đi vào. Hai cha con ngạc nhiên, mở to mắt nhìn nhau. Cha vừa về, thì con vừa kịp lúc chuẩn bị đi. Mẹ nó đứng ngay đó, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Cô Cẩm Thơ đưa mắt về phía nó thắc mắc: "Con cầm vali đi đâu vậy?"

Mém một chút xíu nữa là Lâm quên mất bản thân đâu thể tự ý ra khỏi nhà, nếu chưa có sự cho phép của bậc phụ huynh. Chú Kiệt nhìn thằng con tay xách, nách mang thì cứ tưởng nó lại giận dỗi đòi hỏi không được nên bỏ nhà đi.

Chú ngồi xuống ghế, hét to một phát: "Mày ra đây đứng coi, ngoan ngoãn được mấy bữa lại dở chứng nữa đúng không?"

Thấy chồng nạt nộ, không cho một ai giải thích nên cô khẽ đụng vai, nói: "Anh để con nó nói, chưa gì nạt nộ rồi."

Cơ thể Lâm cứng ngắt, cử động khó khăn trước sự tức giận của cha. Nó cảm thấy bản thân trong một phút bồng bột, mà quên tính toán và nghĩ xa hơn. Nhìn cha đang chờ đợi nghe mình giải thích, nó bặm môi nghĩ ngợi không biết nên nói như thế nào. Thật lòng thì Lâm sợ cha mẹ sẽ không đồng ý và kéo theo nhiều những điều chẳng hay, ví dụ như xem nó là đứa nông nổi, ngông cuồng. Vì vậy trước khi bày tỏ nỗi lòng, nên nghĩ thật kỹ và cho ra một lý do chính đáng.

Tay phải nắm cổ tay trái, dáng vẻ nghiêm túc, đứng đắn. Lâm hít một hơi sâu, giọng điệu chắc nịch pha chút dè dặt: "Dạ con không có làm gì hết, con cũng đang tính xin cha mẹ một chuyện."

Chú Kiệt không nói gì, chỉ im lặng rót nước uống. Lâm hiểu ý nên tiếp tục trình bày: "Con muốn được xin phép cha mẹ cho con về quê, vài ngày rồi con lên lại." Mặt mày năn nỉ, trông càng lúc càng thảm.

Hai vợ chồng trố mắt nhìn nhau, còn nghĩ là nó sẽ xin tụ tập đâu đó cùng bạn bè dăm ba bữa. Nào ngờ con trai lại làm nổ một cú chấn động, tưởng ngán ngẩm cuộc sống dưới quê nên mang nó lên nhà. Vậy mà bây giờ tự động soạn đồ đạc và đòi về đó một cách thê lương.

Biết con trai không phải muốn bỏ nhà làm chuyện xấu, chú Kiệt cũng yên tâm. Nhưng vẫn hỏi cho ra lẽ: "Muốn xuống đó làm cái gì? Không phải thống nhất là đám cưới dì Uyên cả nhà mới về sao?"

Đầu ngón tay nó bấu chặt vào da thịt, do căng thẳng để tìm ra lời nói thuyết phục nhất. Trước khi mở miệng, nó đánh mắt qua người mẹ thân yêu rồi mới yên tâm lên tiếng: "Ở nhà mấy bữa nay, tự nhiên con hơi thấy nhớ bà ngoại và mọi người ở làng. Vả lại vừa rồi về gấp gáp, chưa kịp chào tạm biệt ai... Con..."

Chữ ở trong chẳng biết bay đi đâu hết, mà nó cũng không dám nói huỵch toẹt ra là ở đây nhàm chán, không vui gì cả, chỉ muốn xách mông về quê. Cô Thơ nhìn con chật vật giải thích cho chồng, nhịn không được thủ thỉ bên tai ông xã:

"Đằng nào con cũng chưa nhập học, cho nó về chơi với má. Ngày nào hai bà cháu cũng gọi điện, má than nhớ Lâm hoài."

Tuy lời vừa rồi của mẹ có làm nó gượng gạo, còn hơi hổ thẹn với bà ngoại kính yêu vì người mà ngày nào nó gọi là nhỏ Măng, chứ chưa hề nói câu nào cho bà. Nhưng coi như bà ngoại cũng đang giúp mình trót lọt qua vụ này.

Cha nó cũng không hoàn toàn có ý định cấm cản chuyến đi này, nhưng chỉ là muốn biết lý do của Lâm. Chú đứng dậy, kéo vali lên lầu rồi buông một câu: "Ừ, về chơi cho khuây khỏa. Lần trước cũng là đi trong tâm thế bị phạt không thoải mái, nên lần này đi cho vui." Con trai ngoan ngoãn hơn, lại có hiếu với ông bà nên đương nhiên đồng ý.

Đợi bóng lưng cha vừa khuất, Lâm vội vàng chạy đến ôm chầm lấy mẹ, thơm bắp tay mẹ mấy phát liền. Cô Thơ liếc nó, ngón trỏ đẩy trán nó ra rồi răn đe: "Thôi đi anh hai, đừng nịnh tui nữa. Ra bến xe thì đi rút tiền dằn túi, mẹ chuyển khoản cho một ít."

"Mẹ con đúng là người mẹ tuyệt nhất, đẹp nhất và thương con nhất luôn." Lâm nói chuyện như muốn bay lên, nó cảm thấy có mẹ bên cạnh thật là hạnh phúc.

Đợi chú Kiệt xuống dưới nhà, Lâm mới chào tạm biệt cha mẹ rồi mới xuất phát. Con đường đến bến xe lần này tựa như trải thảm cho nó đi, êm ái và hân hoan. Kể cả hơn 80km Lâm vẫn thấy thật ngắn và chẳng mỏi mệt gì cả. Nó không báo trước cho đám bạn, kể cả nhỏ Măng. Vì muốn gây sự bất ngờ cho mọi người, nên muốn âm thầm xuất hiện. Trong đầu nó đã vẽ ra biết bao nhiêu cảnh tưởng đẹp, nào là các bạn vây quanh mừng mình trở lại và nhất là con bé hàng xóm sẽ xúc động lắm cho coi.

Khi xe đến nơi, cũng đã tầm đầu giờ chiều. Trời nắng như đổ lửa lên đỉnh đầu, nhưng Lâm lại chẳng tranh giành mấy chú xe ôm với hành khách. Lâm muốn tự đi bộ như ngày đầu tiên mà nó tự về một mình, đi dọc theo con đường đất đá gồ ghề nhưng bước chân mạnh dạn hơn từ thuở nào. Cổng làng Dừa Già cùng với cái giếng rêu bám quanh thành và cây dừa trăm năm tuổi xuất hiện, chợt lòng nó dịu mát cho dù nhiệt độ ngoài trời đang nóng muốn chảy mỡ.

Ngày ấy, Châu Lâm bước qua cổng làng một cách hậm hực, khó chịu nên không biết mình đi ngang qua những đâu. Đứng nhìn cái chợ đã chẳng còn ai một hồi, rồi lại nhìn những nơi quen thuộc như tiệm thuốc chị Bông, ngôi trường tiểu học mỗi khối chỉ có một lớp và đứng thật lâu ở con mương mà mình gặp tụi Bâu lần đầu. Hình ảnh cứ thế mà chiếu ra trước mắt nó, như có ai đang cho nó xem đoạn phim ngắn. Cuối cùng đã có thể trở về và có thể đặt tảng đá trong lòng nó đi chỗ khác.

Hàng rào dâm bụt cùng hàng rào bông trang ở trong tầm mắt Lâm, thì tự nhiên trên mặt lại có một dòng nước ấm đang chảy đến cằm, lúc nào không hay. Thật sự những ngày qua, Lâm luôn muốn đè nén nỗi nhớ và dường như muốn chối bỏ. Chẳng muốn tin vì nhỏ mà bản thân lại như người mất hồn, không muốn đi chơi, hay bỏ dở các cuộc hẹn. Nhưng sự thật là cảm xúc vẫn luôn tồn tại sâu thẳm trong con người nó, đến khi đạt tới giới hạn nó vẫn chưa nhận ra mà chỉ xem là đang tìm cách để che đậy khoảng trống. Song khi nhìn hai hàng rào một đỏ, một vàng thì Lâm đã biết bản thân mình muốn gì, làm gì và tất cả là vì ai.

Trong một khoảng thời gian ngắn, cả con người nó như được lột bỏ thành một ai đó hoàn toàn mới. Lâm thương con bé ở nhà bên cạnh, Lâm nhớ nhỏ và không muốn rời xa nhỏ một ngày. Chính vì vậy nó không muốn làm gì khi chẳng có nhỏ ở bên cạnh, chứ sở thích và thú vui của nó vẫn chưa từng thay đổi.

Chỉ là năng lượng sống đã gán lên người nào đó, từ lúc nào không hay.

Lần về quê này, không những muốn vơi đi nỗi nhớ mà còn phải đường đường, chính chính giải quyết chuyện tình cảm. Lâm đã nghĩ rồi, nếu nhỏ vẫn từ chối thì nó sẽ từ bỏ, yên vị về lại nhà và nếu nhỏ đồng ý thì cả hai sẽ cùng tìm cách để giữ lửa. Khoảng cách từ Bến Tre lên Sài Gòn cũng không phải là quá xa, nó vẫn có thể mỗi tuần về thăm nhỏ và sẵn sàng kéo wi-fi cho nhà nhỏ như đã nói.

Vì chưa xác định được mối quan hệ rõ ràng, thêm việc lần đầu yêu đương mà còn đột ngột xa người thương. Nên mới dẫn đến việc tâm trạng thất thần, cứ chốc chốc lại bủa vây quanh người nó. Bây giờ, Lâm đã có thể nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn lúc ở nhà rất nhiều.

"Ơ, Lóc tự nhiên xuống lại dưới đây vậy chèn?" Dì Uyên cùng anh Bột mới đi đâu về, vừa thấy bóng lưng liền nhận ra mà gọi lớn.

Kể từ ngày công khai, Uyên và Bột dính nhau như sam. Xe bánh tiêu của anh Bột, cứ cách mấy ngày lại xuất hiện một cô chủ nhỏ phụ bán. Từ đầu làng đến cuối làng, biết chuyện thì rất sốc. Vì hay tin quen nhau tận bảy năm, làng toàn là những người mắt tinh, tai thính mà lại chẳng phát hiện ra.

Lâm đang thắc mắc không biết nhỏ Măng đi đâu, cửa nhà lại đóng im lìm. Định bụng vào nhà cho ngoại mừng, rồi chạy đi tìm thì nghe tiếng kêu ở sau. Quay người lại thấy dì Uyên, nó cười rồi chào hỏi:

"Con mới về, chào dì dượng nha. Hai người mới đi hẹn hò về hả?"

Uyên xuống xe đánh vô vai nó, chau mày: "Vừa về lại thích ghẹo dì rồi phải không? Thôi vào nhà đi, bà ngoại thấy chắc mừng lắm đó."

Lâm mở cổng vào nhà trước, còn dì Uyên ở ngoài nói chuyện với anh Bột vài câu rồi mới đi vô. Bà Tú nghe tiếng cháu, vội vã chạy lên nhà trước. Mới xa nhau mười ngày, nhưng thời gian ở gần hai tháng đã tạo ra sự quen thuộc vô hình.

Một bà, một dì, một cháu gặp lại như đã xa cả năm trời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro