thần

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở vùng Tây Bắc xa xôi tồn tại một ngôi làng nhỏ tên Phong Đằng, tọa ngay chân núi Phong Đằng. Không ai biết ngọn núi được đặt tên trước hay ngôi làng được đặt tên trước, chỉ biết cái tên ấy được đặt dựa theo loài thảo dược mọc rất nhiều quanh vùng này, ấy là Huyết Phong Đằng[1].

Thời tiết ở đây quanh năm buốt rét, đến cả động vật hoang dã cũng chẳng có bao nhiêu, người dân chỉ có thể dựa vào thực vật trong núi rừng mà sinh sống.

Ở cái chốn bần cùng ấy, đột nhiên xuất hiện một đạo quán nhỏ.

Đạo quán có lư hương, có bích họa, nhưng lại không có đạo sĩ nào trông nom quét tước, thành ra người dân quanh đây cũng không biết được vị thần này rốt cuộc mang lại điều gì, vận may hay vận rủi, điềm lành hay điềm xấu, thế là không một ai tự nguyện vào thắp hương, khấn vái cả.

Đạo quán cứ thế dần dần phủ đầy bụi với mạng nhện.

Mùa đông này, đột nhiên trong làng xảy ra một hiện tượng lạ. Người già thì bị phong thấp, người trẻ thì chấn thương tụ máu, ai ai cũng có vết bầm dập như bị ma cắn. Nhưng vậy thì chưa đủ lạ. Mà cái lạ ở đây là tất cả phụ nữ đều gặp hiện tượng thống kinh[2] nhưng không thấy máu.

Cơn đau chỉ đỡ hơn một chút khi bệnh nhân được uống thuốc sắc từ dược liệu của cây Huyết Phong Đằng. Thế là đàn ông trong làng khăn gói lên núi, cố hái được nhiều thảo mộc nhất có thể, bất chấp gió bão to và tuyết trên núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Nhưng mùa đông đã gần qua đi rồi mà mọi chuyện vẫn không có chuyển biến tốt. Dần dần, mọi người ngờ rằng trong làng tồn tại thứ âm binh sắc dục chuyên ngủ lang với nữ giới, khiến họ mang thai âm. Phụ nữ trong làng bỗng chốc mang lên cái danh lăng loàn.

Có nhà còn quá khích đến độ lôi người đàn bà ra giữa sân gió tuyết, cạo đầu bôi vôi rồi nhốt vào chuồng heo.

"Mày phải có những suy nghĩ đê tiện thế nào thì ma quỷ mới ám. Loại như mày đáng ra phải dìm xuống sông. Chết đuối trương xác." Người đàn ông căm hận đá vào thành chuồng rồi nhổ một bãi nước bọt.

Ngày đó, cưới người vợ này về không khác gì mua đôi thửa ruộng. Số tiền bỏ ra là tiền tích cóp từ thời ông cha của hắn, cắn răng cưới về một nàng dâu. Vậy mà, ruộng còn có thể cho lúa, người đàn bà này lại chẳng thể cho hắn một mụn con.

Sự phẫn nộ bắt đầu lan khắp làng.

Ngay cả những cặp vợ chồng cưới đã lâu, có với nhau long phụng đủ đầy mà vẫn không thể tránh khỏi cãi vã.

Có đứa trẻ phải lớn lên với cảnh cha nó vung tay từng đòn và mẹ nó mặt mày bầm tím. Nó chỉ dám đợi tới đêm khuya khi cha đã ngủ say mới dám bò vào lòng mẹ, ôm lấy gương mặt mẹ.

"Mẹ có đau không?"

Trong màn đêm, ánh mắt đứa trẻ trong vắt sáng lấp lánh.

Người mẹ chỉ biết ôm con thật chặt, không muốn cho con nhìn thấy những vết thương trên người mình.

"Mẹ không đau. Hôm nay con ăn thế đã no chưa? Để mai mẹ bảo ông ấy đào thêm vài gốc măng nhé?"

Đứa trẻ trong lòng mẹ lắc đầu nguầy nguậy. Dù cho bụng nó đang không ngừng sôi lên, nó cũng không nỡ để mẹ chịu thêm đòn roi vì mình.

"Mẹ ơi, con sẽ lớn thật nhanh nhé."

"Tại sao? Lớn rồi thì không được nằm với mẹ thế này đâu." Người mẹ mỉm cười, dịu dàng vỗ lưng nó theo nhịp, muốn ru nó vào giấc ngủ.

"Lớn rồi con sẽ đi săn lợn rừng cho mẹ. Sẽ hái thật nhiều Huyết Phong Đằng sắc thuốc cho mẹ uống đỡ đau." Đứa nhỏ thì thào, "Rồi con sẽ đưa mẹ trốn khỏi đây. Nhé?"

Trong bóng tối, không ai nhìn ra giọt nước mắt lăn dài.

Người đàn bà ấy bị cả làng dè bỉu, không khóc.

Người đàn bà ấy bị chồng mình giáng từng đòn đau điếng, không khóc.

Nhưng khi nghe thấy những lời thủ thỉ của con trai, nước mắt tuôn rơi không ngừng được.

Bà hôn lên đỉnh đầu con. Xứng đáng thôi. Có được con rồi, mọi nỗi đau đều là xứng đáng.

"Được. Rồi mẹ con mình xuống vùng sông nước nhé. Hay là con muốn lên kinh đô?"

"Đâu cũng được ạ. Được ở cùng mẹ là được." Đứa nhỏ nói rồi lim dim ngủ đi với hơi ấm thân thuộc.

Trời tảng sáng, hơi ấm xung quanh biến mất trước cả khi gà kịp gáy. Người phụ nữ ấy dậy sớm đun nước, trong lúc ấy thì quét sân. Bà chuẩn bị bữa sáng thật nhanh. Rau củ muối vẫn còn trong chum, thêm vài quả trứng luộc. Rồi bà nhanh chóng ôm lấy cái thau quần áo đi về phía dòng suối.

Đứa trẻ tỉnh dậy không thấy mẹ ở bên có chút hốt hoảng, nhưng nhìn thấy một bàn đồ ăn thì cảm thấy an tâm hơn một chút. Cha nó ăn xong thì đeo cái gùi lên vai.

"Hôm nay muốn ăn gì?" Cha nó hỏi.

"Gì cũng được ạ." Đứa nhỏ không nhìn lên, chỉ lí nhí trả lời.

"Mày y hệt mẹ mày. Mồm nói gì cũng được nhưng tao hái rau dại đắng thì một đũa cũng không động." Ông chẹp miệng, ném lưỡi dao vào trong gùi, buộc giày thật chặt. Trước khi lên núi ông còn nhìn trời thở dài một câu, "Để hái thêm chút thuốc vậy."

Đứa trẻ không thể hiểu được, rốt cuộc là ông ấy yêu hay hận mẹ.

Trí óc non nớt ấy mãi không thể hình dung ra, tại sao người đàn ông ấy có thể kiếm ăn cho cả gia đình, nhớ được vợ mình thích gì ghét gì, nhưng lại không ngần ngại đánh đập, chà đạp bà ấy. Tại sao làm bà đau lại còn hái thuốc cho bà uống? Nếu đã là yêu thì không phải nên thật nâng niu nhẹ nhàng hay sao? Còn nếu đã ghét, tại sao còn quan tâm người ta có đồ bỏ bụng?

Nó ăn xong chỉ biết loanh quanh trông nhà một mình. Đợi tới khi cha mẹ về, lại là mùi rượu nồng nặc, là những tiếng chửi rủa, đập phá. Mẹ nó im như một pho tượng mặc cho từng hồi đòn roi đập lên da thịt mình.

Đứa trẻ quỳ xuống ôm lấy chân cha.

"Con xin cha. Con xin cha. Đừng đánh mẹ nữa. Người đừng đánh mẹ nữa."

Ông ấy co chân sút nó ra, tới khi đó mẹ nó mới cử động. Bà ôm lấy nó, chắn cho nó từng đòn.

Ngày nào cũng vậy. Ngày nào cũng thế.

Cho đến một hôm, trái tim nó cứ không ngừng thấp thỏm trong lồng ngực. Quá giờ trưa nhưng không một ai trở về.

Cha mẹ đã dặn nó không được phép rời nhà khi nhà không có ai, nhưng không hiểu sao lồng ngực nó nóng ran tựa như lửa đốt.

Đứa trẻ trốn ra khỏi nhà, lần mò đến bờ suối mà các bác các dì trong làng hay giặt đồ. Nó chưa nhìn thấy cảnh đã loáng thoáng nghe thấy tiếng người xôn xao, tiếng mắng nhiếc.

Nó trốn đằng sau một gốc cây. Cảnh tượng trước mắt như từng vót chông đâm thẳng vào tim.

Cha nó đang đánh mẹ nó trước tất cả mọi người. Không một ai đứng lên ngăn cản. Người phụ nữ đó chỉ có thể hèn mọn cúi mình. Khoảnh khắc đầu bà đập xuống tảng đá, tầm mắt mờ đi, bà nhớ về đứa con trai vẫn còn đợi ở nhà, bà tự nhủ mình không được ngất. Mình phải gắng gượng lên.

Cha nó vẫn đạp từng cú. Mỗi cú đạp là một lời lăng mạ.

"Con đàn bà ti tiện."

Nó không thể nghĩ được gì. Dù có nghĩ nó cũng không hiểu. Tại sao cha nó có thể xuống tay tàn độc đến thế? Tại sao mọi người có thể dửng dưng đến vậy? Nó không nghĩ, nó chỉ biết theo bản năng lao về phía mẹ mình.

Khoảnh khắc mẹ nhìn thấy nó, bà đã mỉm cười rất thanh thản. Đôi mắt khép lại với tiếng thầm thì, "Con không phải đợi mẹ nữa."

Máu nơi gáy bà loang ra.

Đứa trẻ ôm lấy mẹ, bàn tay bà hãy còn ấm như trong trí nhớ. Nó không hiểu gì hết, chỉ biết ôm lấy bà thật chặt. Máu nóng nhuốm đỏ vạt áo trắng. Nó ôm cho tới khi cơ thể bà trong lòng nó lạnh băng. Nó chỉ nghĩ là mẹ đang bị đau, nên nó luôn miệng gọi.

"Mẹ ơi, mẹ ơi. Ở nhà vẫn còn thuốc. Để con về đắp cho mẹ nhé. Mẹ ơi, dậy về nhà với con đi."

Nó không hiểu thế nào là chết. Là vĩnh viễn không còn được gặp lại mẹ nó nữa rồi.

Không một ai lên cản nó lại. Cũng không một ai chỉ cho nó biết nó phải làm gì.

Khi con ra đời, trời trăng cùng tồn tại. Con là bầu trời của ta. Là ánh sáng của ta. Là tất cả của ta. Ta đặt cho con một chữ Minh.

Cuối cùng ta đã không còn phải để con lo lắng tại sao ta lại về muộn nữa rồi.

Ngày hôm đó, những người phụ nữ ở bờ suối trông thấy mẹ đứa trẻ không ngừng ôm lấy bụng. Họ đồn với nhau rằng bà ta đang mang thai. Những người phụ nữ này vốn đã chịu đủ áp bức trong gia đình, họ phải tìm một cách thức giải khuây khác, họ hả hê khi thấy có người còn khốn khổ hơn mình. Nên họ dùng những lời đồn độc địa nhất nói về bà ta.

Họ bảo rằng bà ta vốn cậy mình mang thai âm, không thể mang thai dương, nên mới qua lại với vô số đàn ông trong vùng. Rằng đứa con trai của bà ta thực chất là một con quỷ thai âm.

Những lời nói ấy vô tình lọt vào tai người đàn ông vừa từ trên rừng về. Nó khiến lão phát rồ phát dại. Từng khóm Huyết Phong Đằng trong cái gùi bị văng ra ngoài, rồi lại bị đế giày đạp lên, nát bấy.

Khi đó, không ai biết người phụ nữ ấy ôm bụng vì bà đang giấu trong lòng một cái tổ chim hoang, trong đó vẫn còn hai quả trứng chưa nở. Bà đang nghĩ rằng trưa nay có thể nấu cho con trai bà một bát cháo trứng chim ngon lành.

Kể từ đó, qua lời thiên hạ, đứa trẻ ấy có một người cha sát nhân và một người mẹ ti tiện.

Trong ngôi nhà nhỏ, đứa trẻ thay cho mẹ nó, trở thành một cái bao cát chịu đựng mọi roi đòn. Đã không còn ai ôm nó vào lòng và che cho nó nữa.

Đứa trẻ đó đi ra đường thì bị người đời chì chiết, về đến nhà thì bị cha đánh đập.

Cho tới một ngày, nó vác một thân nhuốm đỏ máu tươi tiến vào cái đạo quán nọ. Nó quỳ xuống trước tấm bích họa, hai cẳng chân gãy nát vặn vẹo lê trên sàn. Nó chỉ liên tục lặp đi lặp lại một câu hỏi.

"Là ta sai sao?"

Kẻ giết cha, trời không dung đất không tha. Nó chỉ có thể bò vào cái đạo quán thờ vị thần vô danh này để tìm kiếm một chỗ trú.

Nó hỏi đi hỏi lại cho tới khi máu đỏ trên áo khô lại thành đen. Cho tới khi khí lạnh buốt giá của màn đêm chìm vào từng tấc da thịt. Rồi nó ngất đi.

Nó lờ mờ nhớ rằng, trong giấc mơ, có một vòng tay rất ấm đã ôm lấy nó. Giọng nói người ấy hiền từ và từ đâu đó văng vẳng tiếng lục lạc thanh thanh.

"Đời này không có đúng hay sai tuyệt đối. Chỉ là đừng để cái sai của nhân thế làm nhuốm bẩn tâm mình."

"Thần..." Giọng đứa trẻ non nớt. "Tại sao ai cũng cầu nguyện thần linh? Tại sao thần linh lại quyền năng hơn loài người?" Nó lim dim mắt, không ngừng lẩm bẩm. "Ta cũng muốn làm thần. Nếu ta là thần, nhân loại sẽ không còn khổ đau."

Thần chỉ cười, "Đứa nhỏ ngốc nghếch này, nếu nhân loại không còn khổ đau, ngươi làm thần sẽ gánh hết khổ đau của chúng sinh sao?"

"Mẹ đã gánh mọi nỗi đau của ta mà... Mẹ cũng là thần sao? Có lẽ mẹ đang ở đâu đó trên kia." Đứa trẻ mơ màng khua tay. "Mẹ là thần mà bọn họ dám xúc phạm mẹ... Mẹ của ta..." Nó tiếp tục nói gì đó nhưng không thể nghe rõ được.

Thần chỉ đau lòng thở dài, thả vào lòng nó một cái chuông nhỏ. "Tặng ngươi. Sau này mỗi lần nghe thấy điều làm ngươi chán ghét, hãy lắc nó và lắng nghe. Lục lạc sẽ không bao giờ chỉ lặp lại một giai điệu."

Đứa nhỏ lắc đầu, "Không được. Mẹ không cho ta nhận không đồ của người lạ."

Thần bật cười. Đứa trẻ không nhìn rõ, chỉ có thể mơ màng cảm nhận được. Thật đẹp.

"Vậy thì đợi ngươi lớn, rửa sạch tội, tích phước dày, làm thần rồi trả cho ta, có được không?"

"Được."

Đã lâu rồi nó không ngủ ngon đến thế. Ngủ ngon với mơ tưởng có thể trở thành thần.

Nhưng rốt cuộc đứa trẻ ấy trời không dung đất không tha. Không phải người cũng chẳng phải quỷ, mãi mãi chỉ có thể phiêu bạt.

***

Một khoảng thời gian sau đó, có người dân trong làng đến cúng vái ở đạo quán nọ. Đột nhiên, phụ nữ ở nhà khỏi căn bệnh lạ, hành kinh bình thường. Rồi rất nhiều đứa trẻ kháu khỉnh ra đời. Nạn dịch bệnh nhiều năm trước dần trôi đi, không ai nhớ đến nữa.

Đạo quán cũng dần nhộn nhịp hơn, có nhiều tín đồ thường xuyên tới dâng lễ. Họ gọi vị thần này theo tên của vùng đất, gọi là thần Phong Đằng.

Ai cũng tự nhận mình là tín đồ đầu tiên của thần Phong Đằng, bởi điều đó có nghĩa là ngươi dâng lên nhiều công đức cho thần nhất.

Nhưng thực chất, tín đồ đầu tiên đã gặp thần Phong Đằng từ rất lâu. Y khi đó mặc tấm áo nhuốm máu đỏ rực và được tặng một chiếc lục lạc, nên về sau y vẫn cứ giữ bộ dạng ấy mà đau đáu tìm kiếm.

Kể cả khi đạo quán sụp đổ, vị thần đó có lẽ đã chẳng còn là thần, y cũng chẳng còn là đứa trẻ ngây ngô nữa. Y gặp quỷ chém quỷ, gặp thần thách thần.

Y vẫn mải miết tìm.

***

[1] Huyết Phong Đằng: một loại dây leo thân gỗ có khả năng chữa chứng huyết hư gây huyết ứ trệ, chữa đau xương, đau mình mẩy, phong thấp đau lưng, đau xương khớp, chấn thương tụ máu, kinh nguyệt không đều, thống kinh.

[2] Thống kinh: cơn đau bụng thường gặp ở phụ nữ khi đến ngày hành kinh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro