Chương 13: Một đế chế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 13: Một đế chế

Đường hầm chúng tôi vừa đi ra nằm ở một trong bốn góc tường, góc tường đối diện cũng có một đường hầm tương tự. Hơn nửa canh giờ lần mò trong không gian chật hẹp, cho dù không có mấy bức bích hoạ cực kì cuốn hút đi nữa, tôi vẫn cứ đâm ra chết mê chết mệt cái chốn này.

Thật hay khi Nguyên Khang dường như cũng có tâm trạng giống tôi, anh ta đứng trước bức bích hoạ gần nhất với sự say mê lộ rõ trên từng nét mặt.

Những bức bích hoạ được vẽ trực tiếp lên vách đá. Thời gian đã lột bỏ phần nào nét rực rỡ, huy hoàng thưở ban sơ, nhưng hiệu ứng thị giác nó mang lại thì vẫn rất mãnh liệt. Những xúc cảm ấy, nằm ngay trong chính nội dung những bức hoạ, thứ mà thời gian không cách nào khoả lấp hoàn toàn, mảnh ghép hào hùng của lịch sử.

- Tuyệt quá !

- Ừ. Một cuộc kháng chiến vĩ đại !

Trên vách đá trước mặt là một đại quân đang cưỡi ngựa tiến về phía trước, khí thế rừng rực, để lại đằng sau khung cảnh hoang tàn, thây phơi đầy đất, máu nhuộm đỏ sông. Những chiến binh trên lưng ngựa đều thắt bím tóc hai bên, quân phục gọn nhẹ, một đặc trưng của những dân tộc sống trên thảo nguyên.

Nửa thế kỉ trước, cả thế giới từng run rẩy trước đội quân khát máu của Thành Cát Tư Hãn.

"Vó ngựa Mông Cổ đi tới đâu, cỏ không mọc được tới đấy."

Vó ngựa Mông Cổ, cơn lốc hung bạo đã càn quét khắp lục địa Á-Âu, cuối cùng cũng chú ý tới mảnh đất nhỏ bé bên rìa một bán đảo nằm về phía nam của Nam Tống, Đại Việt. Thế là nhà Trần, một triều đình non trẻ, đã sớm phải oằn mình trước con sóng dữ.

Phía trước đại quân Mông Cổ là một cây cột lớn đề sáu chữ: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt." (cột đồng gãy, Giao Chỉ không còn). Tôi chỉ cây cột, hỏi:

- Đó là gì vậy ?

- Cột đồng Mã Viện.

- Mã Viện ? Người đàn áp khởi nghĩa Hai bà Trưng à ?

- Ừ. Sau khi giết Trưng Trắc, Mã Viện cho dựng cây cột đồng này để đánh dấu ranh giới cuối cùng của nhà Đông Hán. Hốt Tất Liệt từng cho sứ sang thăm dò, lấy cớ tìm lại cột đồng.

Đế chế Mông Cổ đạt tới cực thịnh vào thời của đại hãn Hốt Tất Liệt.

Hốt Tất Liệt từng muốn thôn tính nhanh gọn Đại Việt để làm bàn đạp tấn công Nam Tống. Nhưng cho tới tận khi Nam Tống bại dưới vó ngựa Mông Cổ, nhà Nguyên được thành lập, cái mảnh đất Đại Việt nhỏ bé ấy vẫn cứ kiên cường đứng vững, trở thành một thứ ung nhọt nhức nhối trong mắt hoàng đế triều Nguyên.

- Tìm cột đồng à ?

Tôi cười khẩy.

- Nàng cười gì ?

- Hơn một nghìn năm trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến, lãnh thổ giành lại cũng được khá nhiều. Vậy nên, cột đồng Mã Viện khi ấy chắc chắn được cắm sâu trong lãnh thổ Đại Việt bây giờ.

Nguyên Khang gật đầu:

- Cho nên, nếu như cột đồng Mã Viện được tìm thấy, ta nghiễm nhiên sẽ phải cắt đất cho nhà Nguyên.

- Còn nếu tìm không thấy thì Hốt tất Liệt cũng coi như được dịp lộn tung lãnh thổ Đại Việt, thông tin đem về được chắc chắn vô cùng có ích cho cuộc xâm lăng.

- Vậy theo nàng nên làm sao ?

- Nếu tôi là vua Trần, tôi sẽ tự cho người đi tìm, không thấy thì quá tốt, thấy thì đem nhổ phứt đi rồi nói là không thấy.

Nguyên Khang cười:

- Quả thật vua Trần Thánh Tông có nói: "Cột ấy lâu ngày mất đi rồi, không biết đâu mà tìm nữa."

Một câu nói đơn giản, nhẹ nhàng là vậy nhưng tôi có thể hình dung với tình cảnh năm đó, để nói ra được hẳn phải trải qua cả một quá trình cực kì khó khăn. Vạch ra phương hướng xử lí rất đơn giản nhưng có thể thực thi hay không mới là điều quan trọng, quân vương một lời nói sai có thể đẩy cả đất nước vào hoạ binh đao.

Cột đồng Mã Viện không còn, đây khẳng định không phải câu trả lời mà Hốt Tất Liệt cần, muốn họ không tiếp tục chày cối, hạch sách này nọ hoàn toàn phải dựa vào khả năng thuyết phục của vua tôi nhà Trần, nôm na chính là nghệ thuật đàm phán.

Nhà Nguyên vốn là dân du mục, giành được thiên hạ từ trên lưng ngựa. Vó ngựa Mông Cổ có thể càn quét khắp lục địa, nhưng xuống ngựa đấu trí, đấu khẩu thì hẳn không thể nào bì được với mấy văn nhân, nho sĩ.

Thắng lợi lần đấu trí này cùng với nhiều lần hạch sách khác kéo dài thêm cho Đại Việt mười mấy năm yên ổn, vậy mới nói muốn giành lấy hoà bình phải dùng đến võ tướng, mà muốn kéo dài nền hoà bình lại phải nhờ vào quan văn.

- Nhưng mà rốt cuộc vua Trần có tìm thấy cột đồng không ?

- Câu hỏi này chắc chỉ mình ngài ấy và những bề tôi trung thành nhất mới trả lời được.

- Nhưng anh nghĩ bây giờ cây cột ấy còn không ?

- Gần hai ngàn năm...

Nguyên Khang khum hai bàn tay lại.

- Nếu nó bằng từng này thì chắc chắn mất lâu rồi.

Tôi cũng vòng hai cánh tay với nhau:

- Còn nếu bằng từng này...thì chắc vẫn còn nhỉ ?

Nguyên Khang nhún vai:

- Có thể. Nhưng ai mà muốn một thứ như vậy còn tồn tại chứ.

Trên vách đá tiếp theo là quang cảnh bên trong một cung điện lớn, đứng trên vị trí cao nhất là một người mặc long bào, hàng lông mày rậm, nét mặt cương nghị, tất cả đều toát nên khí thế oai hùng của bậc đế vương. Bên dưới có rất nhiều bậc phụ lão, ai nấy đều đồng loạt giơ nắm tay lên trời như muốn biểu thị ý chí quyết tâm.

- Hội nghị Diên Hồng ?

- Ta cũng nghĩ vậy. Hẳn đây là Thượng Hoàng Trần Thánh Tông.

Hội nghị Diên Hồng diễn ra ngay trước thềm cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ hai, không bàn đến chiến lược quân sự mà chỉ bàn nên đánh hay nên hoà, sau hội nghị, các phụ lão chính là người sẽ đem chủ trương của chính quyền truyền đạt đến người dân.

Trên vách đá tiếp theo là một toà thành. Trong thành binh lính Nguyên Mông đang lục soát từng ngóc ngách, cả thành hoang tàn vắng vẻ, không thấy bóng dáng một người dân nào. Doanh trại ngoài thành quân lính uể oải, mất hết sĩ khí. Không thể tưởng nổi đây là đội quân dũng mãnh trong bức bích hoạ đối diện. Đây hẳn là kế sách "vườn không nhà trống" kinh điển trong lịch sử.

Kế hoạch này thực hiện thực tài tình, Thăng Long mấy vạn người mà có thể khiến cho ai nấy đều đồng lòng quyết tâm chỉ mang theo lương thực, không màng của cải.

- Anh thấy lạ không...cả ba lần tấn công Đại Việt quân Nguyên đều gặp vấn đề về lương thực, chẳng lẽ Hốt Tất Liệt không làm sao khôn ra được ?

- Ờ. Có thể đầu óc ông ta không nhạy bén được như nàng.

Tôi cau có nhìn Nguyên Khang, có linh cảm mãnh liệt là anh ta sắp nghiêm túc hết nổi rồi.

Nguyên Khang hắng giọng rồi nhìn bức bích hoạ, dám anh ta đang cố nín cười lắm.

- Ta hỏi nàng, nhà Nguyên có nguồn gốc từ đâu ?

- Dân du mục thảo nguyên.

- Vậy đó...thảo nguyên đất canh tác không nhiều, dân du mục chỉ quen chăn thả gia súc, loài được chăn thả nhiều nhất là ngựa cũng được đem ra phục vụ chiến tranh.

- Vậy thì sao ?

- Họ không thể cung cấp đủ lương thực để duy trì một cuộc chiến tranh kéo dài. Vì vậy chiến lược quen thuộc là đánh nhanh, sau đó cướp bóc tại chỗ để nuôi quân.

- Sao mà giống quân ăn cướp ?

- Lịch sử đã chứng minh cách này hiệu quả, Thành Cát Tư Hãn đã tạo nên cả một đế chế.

- Nhưng trước cuộc xâm lược lần hai, quân Nguyên đã thôn tính được Nam Tống đất đai trù phú, nói thiếu quân lương nghe rất vô lí.

- Theo ta nghĩ...có thể do thói quen.

- Ý anh là cho dù có nằm trên vựa lúa thì tư tưởng đã ăn sâu bén rễ vẫn không thể nào thay đổi, quân Nguyên vẫn cứ đi cướp bóc ?

- Thực ra Hốt Tất Liệt cũng có tiến bộ chứ, lần xâm lược thứ ba ông ta đã bố trí cả một đoàn thuyền lớn vận chuyển lương thực. Nhưng rủi là tất cả đều bị Trần Khánh Dư đánh đắm trên biển Lạc Thuỷ, cuối cùng lại là kết cục toàn quân chịu đói.

Vách đá cuối cùng lẽ ra cũng có một bức bích hoạ, nhưng nó đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn, không còn nhìn ra được chút gì ngoài những mảng màu nhoè nhoẹt.

Tôi tiếc nuối:

- Uổng quá ! Anh nghĩ coi tại sao người ta lại phá huỷ nó ?

- Che giấu bí mật.

- Bí mật ? Về cái gì...kho báu ?

Nguyên Khang im lặng, anh ta nhìn như thôi miên vào bức bích hoạ bị tàn phá, như thể nếu cứ làm vậy hoài thì nó sẽ nguyên vẹn trở lại.

- Nhưng Nguyên Khang à, nếu đã vẽ bức bích hoạ này thì người ta đâu có e ngại chuyện bí mật bại lộ. Còn nếu sau khi hoàn thành mà người ta tự nhiên lại đổi ý không muốn tiết lộ bí mật nữa thì sẽ phải vẽ đè một thứ khác lên mới đúng. Tôi nghĩ...kẻ làm chuyện này có lẽ không muốn bất cứ ai ngoài hắn phát hiện ra bí mật trong bức bích hoạ. Hắn...có lẽ cũng giống chúng ta thôi.

- Ngài ấy...chắc chắn biết rõ hơn ai hết...

- Ai cơ ?

- Tại sao còn...

- Còn làm sao ?

Nguyên Khang quay sang nhìn tôi, và nếu tôi không nhầm lẫn, thì anh ta đang hoang mang tột độ.

Tôi ngập ngừng:

- Nguyên Khang à...nếu có người đã vào đây khoắng sạch kho báu...thì chúng ta nên đi...

- Không.

Nguyên Khang ngắt lời tôi, giọng kiên quyết.

- Ngài ấy muốn ta thấy thứ gì đó...không phải bức bích hoạ...không phải...

Nguyên Khang lẩm nhẩm, giống như tự nói với mình hơn là nói với tôi.

Rồi anh ta sải bước về phía đường hầm đen ngòm:

- Đi thôi !

Tôi bước theo Nguyên Khang với một tiếng thở dài thườn thượt, giấc mơ về kho báu khổng lồ vừa vỡ tan như bong bóng xà phòng.

Đường hầm này hoá ra rộng rãi hơn tôi tưởng, trần hầm vẫn cách đỉnh đầu Nguyên Khang tới nửa cánh tay.

Đường hầm này không dài lắm, chúng tôi đi được khoảng năm trăm mét đã thấy một cánh cửa sắt màu xám đen, bên trên chạm nổi hình rồng, đường nét rắn rỏi mạnh mẽ. Nguyên Khang đưa quả cầu có chứa vảy hoả ngư cho tôi:

- Đứng sau ta. Coi chừng có bẫy.

Cánh cửa đã khá lâu không được mở ra, bản lề chắc đã hỏng gần hết, Nguyên Khang phải mất một lúc mới đẩy được nó xê dịch một chút. Âm thanh "ken két" dội vào vách đá, dư âm kéo dài khiến tóc gáy tôi dựng ngược cả lên. Cứ cái kiểu này cho dù có bẫy tên thì cũng chết giắt không hoạt động được hoặc lực bắn ra chỉ đủ gãi ngứa. Nhưng chẳng may là bẫy đá, chưa đụng vào nó đã rớt xuống đầu...

Tôi giật mình nhìn lên. Không thấy tảng đá nào treo lơ lửng nhưng lại phát hiện trần đường hầm lõm vào thành một cái hốc. Nguyên Khang vẫn đang hì hụi nạy cửa. Trí tò mò thúc tôi đến gần coi thử. Đứng ngay dưới cái hốc ngửa cổ nhìn lên mới thấy nó sâu hoắm. Giữa cái hốc còn có hai đốm sáng ngó như hai con đom đóm. Có điều hai đốm sáng này hoàn toàn bất động, thỉnh thoảng lại nhấp nháy một cái.

Tôi nâng cao quả cầu lửa, cái hốc được chiếu sáng thêm một chút. Tuốt trên cao, chỗ ánh lửa không thể vươn tới, một hình bóng lờ mờ hiện ra khiến tôi chết cứng.

___Hết chương 13___

Đông Dương

Chương 14: Dạ đồng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro