Chương 15: Mười tám vị La Hán

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 15: Mười tám vị La Hán

Tôi cảm giác mình đang đứng trước một hành lang sâu hun hút, ánh lửa chỉ có thể soi được hình bóng lờ mờ của bức tường cuối căn phòng, có thứ gì đó đang phản chiếu ánh sáng lấp lánh.

Dọc hai bên tường đặt rất nhiều bức tượng kích thước còn lớn hơn cả người thật, chỉ để lại một lối đi rộng gần hai mét ở giữa nên tạo cảm giác không gian bị co hẹp. Các bức tượng này đều đặt trên những bục đá cao, tôi có cảm giác tất cả đều dõi xuống theo từng bước chân của mình, cứ như thể đang đi giữa một hội đồng phán xét khổng lồ.

Mỗi bức tượng lại mang một hình dạng khác nhau, nhưng có một điểm chung không thể phủ nhận, nét mặt của mỗi bức tượng đều cực kì sắc sảo, dữ tợn.

Nếu tôi không lầm, đây chính là mười tám vị La Hán.

Tôi từng nghe một truyền thuyết thế này, mười tám vị La Hán vốn là mười tám tên tướng cướp, giết người, cướp của, không chuyện xấu xa gì không làm. Nhưng sau này gặp được duyên may, giác ngộ quy y theo phật, tu thành La Hán. Tôi nghĩ truyền thuyết này có thể giải thích được phần nào nét mặt của họ.

Thiệt tình tôi không có ý bài xích gì xuất thân của các vị đây, nhưng luôn cảm giác có một áp lực vô hình đè xuống, khiến bản thân thấy không thoải mái, đúng hơn là hơi sợ hãi.

Tôi bắt chuyện với Nguyên Khang, cứ im re thế này chắc sợ chết mất:

- Anh nghe truyền thuyết về mười tám vị La Hán bao giờ chưa?

- Nàng nói truyền thuyết nào?

- Mười tám tướng cướp.

Liếc lên, thấy bức tượng La Hán Thám Thủ với tư thế hai tay giơ cao chuẩn bị tấn công và khuôn mặt như đang la hét trong cơn thịnh nộ, tôi co rúm người.

- Đó là một truyền thuyết bắt nguồn từ Đại Thanh. Nhưng Tây Trúc lại có một truyền thuyết khác.

- Là gì vậy?

- Mười tám vị La Hán đều là những đệ tử xuất chúng của Phật, tuy đã đắc đạo nhưng vẫn sống ở trần gian để tế độ chúng sinh. Họ có xuất thân khác nhau, nhưng không phải là cướp, chỉ có một người từng tham gia chiến tranh.

- Nhưng khuôn mặt họ rất đáng sợ.

Nguyên Khang đưa tay chỉ bức tượng La Hán Thám Thủ, hỏi:

- Nàng nghĩ tâm trạng ông ấy thế nào? Và đang làm gì?

- Ông ấy giận dữ và muốn nhào lên dần anh một trận.

Tôi cố tạo không khí vui vẻ nhưng hiển nhiên không mang lại tác dụng gì, sợ vẫn cứ sợ.

Nguyên Khang lắc đầu cười:

- Không đúng. Đây là động tác vươn vai, ông ấy đang rất sảng khoái sau khi thiền định. Khuôn mặt tất cả bọn họ đều nhân từ, chỉ hơi khắc khổ.

Tôi há hốc mồm trước lời miêu tả của Nguyên Khang, ngẩng lên nhìn thật kĩ bức tượng La Hán Thám Thủ, cố gắng tìm mối liên hệ giữa khuôn mặt đáng sợ kia với mấy từ "sảng khoái" hay "nhân từ" nhưng vô vọng, chỉ có mỗi từ "khắc khổ" là có thể tạm chấp nhận. Truyền thuyết mười tám tướng cướp đã ăn sâu bén rễ trong đầu, tôi bỗng cảm thấy mình hơi giống với Hốt Tất Liệt.

Quay ra thấy Nguyên Khang đã tiến lên trước một đoạn, có thứ gì đó khiến anh ta dừng lại. Tôi đến gần, phát hiện có một bục đá hoàn toàn trống trơn.

- Sao lại thiếu mất một pho tượng?

- Không phải một, mà là năm.

Tôi nhìn quanh, quả nhiên còn bốn bục đá trống.

- Bị đánh cắp à?

- Ta không nghĩ thế... trên bục đá không có vết hằn, hơn nữa độ dày lớp bụi so với các bục khác tương đối giống nhau.

Anh ta nói không sai, đồ vật khi đặt ở một chỗ trong thời gian dài, lúc mang đi sẽ ít nhiều để lại dấu vết.

- Nghĩa là năm pho tượng này ngay từ đầu đã thiếu?

Nguyên Khang không trả lời, anh ta đưa tôi cầm cây đuốc rồi tiến lên gõ gõ thanh kiếm vào mấy pho tượng xung quanh. Đột nhiên anh ta nhảy phắt lên bục đá đặt pho tượng La Hán có hình đức phật nho nhỏ trên bụng, rồi vòng ra phía sau. Tôi biết vị này, là La Hán Khai Tâm.

Tôi trố mắt nhìn pho tượng nghiêng dần về phía trước, rồi đột nhiên vỡ lẽ... Ôi trời đất ơi, Nguyên Khang lại đi đẩy nó xuống, tôi thiếu chút nữa đã theo phản xạ chạy ra đỡ.

Bức tượng rơi xuống đất. Một tiếng "rầm" đinh tai nhức óc vang vọng khắp căn phòng, mảnh vụn bắn tung toé, tôi phải nhảy lùi lại mấy bước mới tránh được vụn đá văng vào chân.

Nhưng điều tôi không thể ngờ được đó là pho tượng này rỗng ruột, và chứa đầy trong đó là...

- Vàng!

Tôi bụm miệng như sợ có ai nghe thấy tiếng thét của mình.

Nằm la liệt trên mặt đất, lẫn với vụn đá và bụi đất, là những thoi vàng to bằng nắm tay.

Giấc mơ về kho báu khổng lồ nhanh chóng phình to trở lại.

- Kho báu vẫn còn... nó vẫn còn... Nguyên Khang à!

Tôi ngước nhìn Nguyên Khang, anh ta cũng ngó lại tôi, trên khuôn mặt không giấu nổi vẻ kinh ngạc. Rồi Nguyên Khang nhảy xuống khỏi bục đá, nhặt một thoi vàng lên quan sát.

- Trùng Hưng.

Nguyên Khang đọc lên hai chữ khắc ở đáy đĩnh vàng.

Tôi hỏi:

- Niên hiệu của Phật Hoàng à?

- Ừ. Có vẻ nơi này được xây dựng khi Phật Hoàng còn tại vị.

Đại Việt sử kí toàn thư viết, Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Bảo, sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai mới đổi thành Trùng Hưng, với mong muốn đất nước sớm phục hồi và hưng thịnh trở lại. Kết quả hai năm sau toàn quân, toàn dân lại tiếp tục dốc sức cho cuộc kháng chiến lần thứ ba.

- Anh có nghĩ nơi này là một quốc khố bí mật không? Sau cuộc xâm lược lần thứ hai, Phật Hoàng ý thức được nguy cơ về một cuộc xâm lược tiếp theo nên đã cất giữ riêng một lượng tài sản lớn để dùng khi có chiến tranh.

Nguyên Khang gật đầu :

- Ta cũng nghĩ vậy. Theo hướng này thì năm pho tượng bị thiếu chắc chắn đã được sử dụng trong cuộc kháng chiến lần thứ ba. Thời gian bức tượng đặt ở đây không dài nên không để lại dấu vết.

Tôi nhìn xung quanh một lượt:

- Thiếu năm... vậy là còn tới mười ba... ôi Nguyên Khang ơi, chúng ta sa vào chĩnh gạo gì thế này!

- Không phải tất cả đâu... La Hán Thác Tháp và La Hán Bố Đại...

Anh ta chỉ một pho tượng tay cầm bảo tháp và một pho tượng khoác bao bố trên vai.

- Cùng với pho tượng La Hán Khai Tâm này là ba.

- Không phải tất cả sao?

- Không. Năm pho tượng bị thiếu là Kị Tượng, Tiêu Sư, Hàng Long, Phục Hổ và Khánh Môn, đều là những pho tượng có kích thước lớn. Những pho tượng nhỏ chỉ là đá nguyên khối.

- Anh tính làm gì với đống vàng này?

- Sung quân.

Sung quân? Anh ta sẽ sung quân thật á? Nghe sao buồn cười.

- Anh sẽ giải thích nguồn gốc đống vàng này thế nào? Chuyến đi này là bí mật cơ mà?

Nguyên Khang ngẩng đầu nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên xuất hiện trong một thoáng rồi biến mất ngay tức khắc. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự nguy hiểm từ anh ta, là nguy hiểm, không phải đáng ghét như cảm giác ban đầu.

Nếu như bây giờ tôi tiếp tục lật tẩy anh ta thì kết cục của tôi sẽ là gì? Nơi nào đó sâu trong thâm tâm nói cho tôi biết anh ta sẽ không giết tôi. Nhưng quan trọng hơn, tôi đã bước một chân, không thể dừng lại được.

- Anh không thể điều động nhiều người, thậm chí phải chia mỏng lực lượng ra để trông chừng tôi. Sau đó anh buộc phải lệnh cho... họ tên gì nhỉ?... À phải, Xuân và Quang Diệu... Anh phải lệnh cho Xuân và Quang Diệu trở về, có lẽ... Nguyễn Huệ đã nghi ngờ rồi chăng?

Nguyên Khang nhìn tôi chằm chằm.

Tôi nhìn xoáy lại anh ta, buông lời buộc tội:

- Anh đang chống đối Nguyễn Huệ. Anh muốn làm phản.

Nguyên Khang không trả lời, ngón tay anh ta gõ nhè nhẹ vào thanh kiếm. Chân trái tôi theo phản xạ khẽ nhích, phải cố gắng lắm mới ngăn được bản thân không lùi lại phía sau. Cử động vụng về này của tôi tất nhiên không thể lọt qua mắt Nguyên Khang. Anh ta từ từ đứng dậy, tiến đến gần.

- Phải. Ta muốn phản. Vậy thì sao?

Giọng Nguyên Khang nhẹ như gió thoảng. Anh ta không hề tức giận... hay là che giấu cảm xúc quá tốt?

Tôi lùi lại một bước:

- Tôi đối với anh có giá trị gì?

Anh ta tiến thêm một bước:

- Chuyện đó thì không nói được.

- Giá trị đó đủ lớn để bảo đảm cho mạng sống của tôi chứ?

- Ta nghĩ vậy.

Anh ta vẫn tiếp tục tiến đến.

Tôi chần chừ, điều tôi sắp nói ra, có nên không? Cuối cùng vẫn mở miệng:

- Việc tôi yêu anh... có quan trọng không?

Anh ta hơi khựng lại. Nét bối rối thoáng qua trong đáy mắt, nhưng cảm xúc này cũng tan biến rất nhanh, tất nhiên.

- Anh giở đủ mọi mánh khoé... anh xuất hiện đúng lúc trong rừng... giúp tôi xua tan nỗi sợ hãi trên đỉnh Phù Vân... nhảy theo tôi xuống vực... cứu tôi khỏi dạ đồng... giá như... giá như tôi đã nhận ra sớm hơn.

Tôi nuốt nước bọt, cảm thấy cổ họng đắng ngắt. Càng nhớ lại càng thấy té ra mình từ đầu đến cuối toàn bị anh ta cho vào tròng.

Nguyên Khang cười:

- Thật tốt khi nàng khi nhận tất cả!

- Anh...

Sau lưng đột nhiên bị thứ gì đó chặn lại, không thể lùi tiếp. Tôi đã bị dồn đến chân bức tượng La Hán Khánh Hỷ, hình dáng của ông ấy giống như đang lùa bắt trẻ con.

Bộp.

Nguyên Khang chống một tay vào bục đá sau lưng tôi. Ngọn đuốc trong tay tôi suýt rớt, anh ta đỡ được.

- Nàng rung động rồi à?

Trong khi nói câu đó, anh ta vươn người tới đặt ngọn đuốc lên bục đá, lồng ngực vô tình chạm nhẹ vào vai tôi.

- Thôi cái trò ấy đi!

- Cái trò gì cơ?

Thái độ bỡn cợt khiến tôi nổi điên, nó thổi bạt luôn cả nỗi sợ hãi. Tôi ngoảnh mặt đi, chẳng thèm ngó chừng động thái của anh ta nữa.

Nguyên Khang nắm lấy cằm tôi, để tôi nhìn thẳng vào anh ta. Tôi không tự chủ đưa mắt theo từng đường nét trên mặt Nguyên Khang... Tệ thật! Tôi đang bị anh ta mê hoặc.

- Đúng là có một kế hoạch dành cho nàng.

Tôi tỉnh táo tức thì.

- Tất nhiên sẽ có chút mất mát... nhưng nhìn chung vẫn chấp nhận được. Khi ta muốn nàng yêu ta... thì có nghĩa là ta mong nàng đứng về phía ta một cách tự nguyện. Điều đó sẽ dễ dàng hơn cho cả hai chúng ta... ta tin là vậy... ít nhất là cho tới cách đây một khắc.

Tôi cười khẩy:

- Giờ thì không à?

Nguyên Khang nhún vai:

- Ta mới phát hiện té ra nàng không phải con nít... chẳng dễ dàng để lừa phỉnh. Ngửa bài nhé! Nàng giúp ta, đổi lại là cuộc sống giàu sang còn hơn cả trước kia, và có thể... cả quyền lực.

___Hết chương 15___

Đông Dương

Chương 16: Ngã ba đường

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro