6. Sân khấu đầu tiên.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Em muốn anh dạy em hát.

- Cái này cũng được... Nhưng mà bé học hát để làm gì á?

- Em thi văn nghệ trong trường. Em muốn đạt giải.

- À... - Dương nhìn ánh mắt ngây thơ đong đầy quyết tâm của đứa nhỏ trước mặt, không nhịn được mà tủm tỉm cười.

- Anh cười cái gì?

- À không, anh thấy lạ thôi, bộ giải thưởng nó lớn lắm hả?

Hiếu nghe Dương hỏi thì ngẩn người, chau mày bày ra điệu bộ ông cụ non:

- Em không biết nữa, nhưng em phải chứng minh cho mẹ em thấy là em hát hay, em được giải, lúc đó mẹ mới chịu mua đàn guitar cho em. Rồi sau đó... em muốn được như anh, em muốn học đàn, học sáng tác nữa.

- Rồi rồi...

Dương gục gặc đầu, không hiểu sao cái ý chí quyết tâm ngùn ngụt của đứa bé này lại khiến anh rạo rực vui lây đến mức trên môi cứ lan man cười mãi. Có lẽ đâu đó anh lại thấy được hình ảnh mình khi xưa, cũng đam mê ca hát, cũng bị phụ huynh xem nhẹ cấm đoán đủ kiểu.

Đồng bệnh tương lân như vậy, nên với yêu cầu thứ hai nho nhỏ này, Dương vui vẻ đáp ứng, hơn nữa còn hào phóng dạy cho em học trò bất đắc dĩ vài ngón đàn, cho thằng bé mượn hẳn cái uklele của mình để tiện việc thi thố.

Thấm thoắt rồi cũng đến ngày thi văn nghệ.

Buổi chiều Dương trở về phòng trọ sau ca làm thêm ở quán, đã thấy đứa em hàng xóm ngồi chực sẵn trước cửa nhà mình. Trái với mọi dự đoán, lúc anh thong thả tiến đến gần vừa lên tiếng vui vẻ hỏi han, Trần Minh Hiếu chỉ gục đầu ôm rịt lấy cái đàn ukulele trong ngực mà im lặng không đáp lại lời nào. Mãi đến khi đặt bước chân lên bậc thềm, Dương mới thấy Hiếu buông cái đàn, bất ngờ quay sang ôm lấy đùi mình, dụi mặt òa khóc rưng rức.

Ê ê ê ê...

Dương há mồm đứng sượng ngắt tại chỗ. Không lẽ là thi rớt sao? Mà cho dù vậy, thằng nhỏ này sao nó mít ướt dữ thần? Cái tình huống éo le này một lần nữa lặp lại làm anh bối rối như gà mắc tóc, nữa muốn giơ tay đẩy đối phương ra nhưng nửa lại mủi lòng không nỡ. Ấy vậy anh chỉ dám dáo dác liếc dọc liếc xuôi, vừa cuối xuống ra sức an ủi đứa bé bằng mấy câu hết sức vụng về.

- Bé ơi... nín... nín đi... có gì nói anh nghe nè...

- Bé không nín người ta đi qua tưởng anh ăn hiếp bé thì chết anh đó!

- Bé không nín anh khóc cho bé coi!

...

Mãi rồi Trần Minh Hiếu cũng thôi sụt sùi, giương cặp mắt buồn rũ lên nhìn anh gia sư dạy nhạc không công của mình. Lê Thành Dương, sau một ngày chạy bàn thấm mệt và còn hẳn mấy trang luận văn chưa viết xong, nhưng cuối cùng cũng chẳng nỡ phớt lờ mà ngồi xuống bậc thềm bên cạnh người bạn nhỏ của mình:

- Nè, chắc là năm sau vẫn còn thi được mà ha!

Hiếu nhìn Dương, rồi lại gác cằm lên cánh tay, thở dài một hơi.

- Chuyện không phải là thi rớt hay đậu đâu anh...

Rồi cậu chầm chậm kể lại, rằng thầy giáo chủ nhiệm lớp cậu đã có một nhầm lẫn. Lẽ ra mỗi lớp chỉ được đăng ký một tiết mục đơn ca dự thi cho trường thay vì hai. Trong giây phút thầy trò bối rối, Hiếu đã ngơ ngác vâng lời thầy giáo, nhường lại tiết mục cho người bạn kia. Lúc ngồi lại ở hàng ghế khán giả, dù trong lòng có chút hụt hẫng, nhưng Hiếu vẫn tự an ủi bản thân rằng mình đã làm một việc tốt. Cho đến khi người bạn kia xuất hiện trên sân khấu và trình diễn, tiết mục sôi động... rồi những tràng pháo tay liên tiếp vang lên. Trần Minh Hiếu, lần đầu tiên trong đời cảm thấy lòng mình nặng trĩu, và từ đó cậu không cách nào có thể nở nụ cười được nữa dù không khí xung quanh vẫn không ngừng náo nhiệt. Phần công bố kết quả, tiết mục của người bạn đó đã giành giải nhất, cả thầy giáo cũng tươi cười cùng lên sân khấu nhận giải. Hiếu vẫn ngoan ngoãn ngồi yên trên khán đài, ôm chặt cái đàn ukulele, chẳng hiểu vì sao nghẹn ngào dâng lên khiến bản thân không thở được. Cậu không đợi nổi hết buổi lễ, lầm lũi ra về một mình. Cũng chẳng muốn ló mặt về nhà nữa. Chính mình đã từng quyết tâm sẽ đi thi và đạt giải cơ mà! Đêm hôm trước mình còn háo hức đến không thể ngủ được. Còn nằng nặc xin mãi mẹ mới cho phép  mặc bộ quần áo đẹp lẽ ra phải để dành vào dịp Tết. Bây giờ lại thành ra thế này, mình sẽ phải nói chuyện với mẹ như thế nào đây?

Hiếu vừa đi vừa thút thít khóc, rồi bước chân cũng dừng lại ở cửa nhà anh gia sư dạy nhạc thân quen. Anh ấy là người cuối cùng cậu nghĩ tới, nhưng cũng là người duy nhất khi nghĩ tới khiến cậu thấy nhẹ nhõm hơn. Dù là vừa gặp anh, cậu đã không kìm được mà òa khóc thêm một trận, nhưng rõ ràng là có chỗ để tựa vào khi khóc thì khóc xong cũng thoải mái hơn nhiều.

- Em thấy nhường nhịn người ta cũng là chuyện tốt mà. Nhưng em làm chuyện tốt mà sao em không thấy vui gì hết.

Lê Thành Dương nghe xong câu tâm sự kia mà trong lòng cũng bất giác ngổn ngang bối rối theo. Thằng bé ngây thơ quá, anh không thể khuyên nó chăm chăm đi so đo tranh giành cơ hội với kẻ khác, nhưng cũng không thể khuyến khích nó đóng vai thân thiện quá đáng mà nhận thiệt thòi về mình.

- Thôi. Dù tốt xấu gì cũng xảy ra rồi. Em đâu có thay đổi được nữa. Hay là bây giờ em cứ luyện đàn tiếp đi, năm sau mình thi lại.

- Năm nay là năm cuối cấp của em rồi... Mà hồi sáng lẽ ra em phải là người được đứng trên sân khấu... - Hiếu nói đến đây lại sụt sùi mếu máo, cậu chàng cứ thế cúi xuống, ôm lấy đầu gối Dương, tiếp tục nức nở. - ... Không đạt giải cũng được, nhưng em còn không được hát, em còn không được chơi cái đàn của anh cho em mượn...

Dương thở dài, chỉ biết đưa tay vuốt vuốt nhẹ đôi bả vai bé xíu đang run bần bật.

Trời đột nhiên đổ cơn mưa. Chút hơi nước từ bên ngoài bờ kênh lãng đãng bay trong không trung mang theo mùi hương ngai ngái của đất bùn. Dương kéo người bạn nhỏ của mình vào ngực, nép sát vào mái hiên.

Hiếu rồi cũng thôi khóc, khẽ ngước mắt nhìn lên những tàu dừa phấp phới trước vòm mái tôn, tự nhiên cảm giác những nỗi buồn của mình cũng dần trôi theo mấy hạt nước lấp lánh đang tí tách rơi.

- Như vầy đi, ngày mai chiều bé qua đây đi, anh chở bé đi chơi!

- Đi đâu á anh?

- Đi nghe anh hát.

...

Trần Minh Hiếu ngẩn người ngồi thẳng dậy. Đúng là một lời đề nghị làm cậu ngay lập tức thấy háo hức. Một đứa nhỏ sống ở vùng ven xa xôi, nhà cửa không dư giả gì, hiển nhiên số lần được đi chơi xa nhà là đếm trên đầu ngón tay. Huống chi Hiếu biết anh gia sư bất đắc dĩ của mình còn là ca sĩ nghiệp dư, bình thường chỉ ngâm nga vài câu với mấy ngón đàn đã khiến cậu mê mẩn không rời. Giờ là cơ hội để thấy anh hát trọn vẹn với ban nhạc, cơ hội này làm sao có thể bỏ lỡ.

Vậy là sau khi chật vật dùng đủ mọi cách để năn nỉ cha mẹ, Hiếu cũng có mặt tại phòng trọ của Dương vào chiều hôm sau. Dương nhờ Hiếu mang theo cái đàn trên vai, rồi anh đèo cậu trên chiếc xe máy cũ, rong ruổi hết mấy chặng đường từ lưa thưa người qua đến đông đúc náo nhiệt.

Trần Minh Hiếu còn chưa thôi chìm đắm vào quang cảnh phố phường trung tâm thành phố sôi động lạ lẫm, cuối cùng đã phải cùng Dương dừng xe ở một quán cafe nằm sâu trong con hẻm yên tĩnh. Cậu được anh sắp xếp cho một chỗ ngồi kín đáo thoải mái ở một bàn nước. Sau đó anh cũng bận rộn rời đi để chuẩn bị cho những tiết mục sắp tới của mình. 

Hiếu ngồi lại một mình, dù trên sân khấu chỉ có những tiếng đàn ngắt quãng để test âm thanh, cậu vẫn say sưa nghe ngóng. Không gian và cảm giác đều lạ lẫm mới mẻ làm cậu có chút bối rối hồi hộp. Rồi cũng đến lúc tiếng nhạc cất lên thành một chuỗi lưu loát, từng nốt hòa quyện giữa các loại nhạc cụ, nhịp nhàng, sống động. Một bóng người bước ra giữa ánh đèn, mang theo một nụ cười sáng bừng cả không gian. Hiếu bất giác mỉm cười khi nhận ra dáng hình quen thuộc đó là anh. Mà ánh mắt anh dường như cũng hướng về cậu như một cái chạm nhẹ dịu dàng. Anh tựa người lên ghế, thong thả kéo chiếc micro lại gần, cất tiếng hát:

Như dòng sông vẫn trôi
Trôi về nơi cuối trời
Phút giây chờ mong
Mong chờ nơi phố quen
Thấy dáng em yêu kiều
Về từ nơi xa xôi.

...

Hiếu im lặng để ánh mắt dán chặt trên sân khấu. Rõ ràng giọng hát mà cậu đã nghe bao lần, hòa với tiếng nhạc lại càng rung động lòng người, tựa như đáy tim có bao nhiêu ngọn sóng đang lăn tăn vuốt ve.

...

Và cơn giông sẽ tan trong tôi đêm ngày
Tựa vầng trăng khuất sau sương đêm dâng đầy
Lặng nhìn em thoáng qua nhưng sao không gọi nên lời
Gọi tên em vỡ tan những giọt sương rơi

Hiếu không thuộc bài hát này, nhưng bất giác lại lẩm nhẩm muốn hát theo. Tâm trí ngập tràn thôi thúc hứng khởi. Ước gì... ước gì có một ngày mình sẽ như anh ấy, đứng trên đó, thả hồn theo từng giai điệu, cảm giác thật tuyệt vời làm sao...

Lòng thầm mong bước đi bên em một ngày
Được nhìn em hát vu vơ câu sum vầy
Rồi từ đây dáng em luôn ở trong tôi
Ngỡ như không còn xa xôi
Thế nhưng chỉ là giấc mơ...

...

Mãi đến khi tiếng nhạc dừng hẳn và Dương đứng thẳng dậy với nụ cười quen thuộc, Hiếu mới như vừa bước ra khỏi cơn mơ mà bừng tỉnh.

Dương nói đôi lời cám ơn, rồi lại tỏ vẻ trầm ngâm tâm sự.

- Hôm nay em muốn xin phép mọi người được dành tiết mục thứ hai này cho một người bạn của em.

...

Hiếu cũng không còn nhớ rõ cảm giác lúc đó. Khi Dương quay đi và nhận lấy chiếc ukulele từ tay một người khác, sau đó anh vui vẻ bước xuống sân khấu, bước chân hướng về chỗ cậu ngồi mỗi lúc một gần. Cậu ngẩn ngơ bối rối ngồi yên như phỗng, cho đến khi nhìn thấy anh nở nụ cười, nụ cười quen thuộc rạng rỡ hơn cả nắng trời:

- Bây giờ, sân khấu là của em!

Ps.

1. Mọi người lo soi hint chứ có mình tui để ý lúc thi khóc là anh bé đẹp giai ứ chịu dc à :((. Dù thiếu ngủ mắt thâm mặt phờ phạc vẫn cứ đẹp giai. Huhu.
2. Ngắm anh bé xong tui lại deep lòi ra rồi :))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro