Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ ngày hôm đó, tôi đã nhận ra kiến thức tôi có hiện tại về thế giới con người hóa ra chỉ bằng một giọt nước đọng lại trên bề mặt đại dương vậy. Những kiến thức tôi có về rừng rậm, về các động thực vật có trong rừng đều một tay do chị Sú đem đến cho tôi. Theo lời chị Sú thì chúng được gọi là sách tranh in màu.

Oà lên trong sự bất ngờ, tôi chạm tay vào những mảng màu sặc sỡ được in lên trên nền giấy mà tôi không rõ là nó và giấy trong những bản phác thảo về tộc tiên cá khác nhau như thế nào. Tạm gác chúng sang một bên, chị Sú đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu thêm về các khái niệm động thực vật đến từ nhiều nơi khác nhau. Và thú nhận rằng tôi không phải là một đứa nhanh nhẹn trong việc tiếp thu kiến thức, nhưng tôi sẽ cố gắng đến khi chúng hằn vào trong đầu tôi.

Từ những ngày đầu tiên tôi tò mò khám phá về con người, tôi đã luôn tìm cách để giấu đi đồ đạc của mình tìm thấy về họ ở một nơi mà không một ai có thể tìm thấy, Tất nhiên là trừ Phát ra. Cậu ấy luôn đi bên cạnh tôi suốt kia mà. Hơn nữa, tôi là người thân thiết nhất với cậu ấy.

À, mà thật ra còn một người nữa. Thân thiết không chỉ với tôi và Phát, cậu ấy còn thân thiết với bố của tôi. Nói thế nào nhỉ? Cậu ấy là một con cua lông, bò ngang. Tôi không rõ con người sẽ dùng từ nào để miêu tả cậu ấy, ấy vậy mà vài ngày hôm nay khi tôi kể xấu cậu ấy cho chị Sú thì chị ấy liền vỗ cánh tỏ thái độ:

- Cậu nhóc đấy nghĩ mình là ai thế? Đã bò ngang lại còn bướng bỉnh thì ai làm cho lại?

Tôi nhìn chị Sú khó hiểu, tôi hỏi.

- Thế “bướng bỉnh” là sao vậy chị?
Chị ấy nhìn tôi giải thích.

- Nhóc này! Khi em nói một ai đấy “bướng bỉnh” tức rằng người đấy thật sự rất cứng đầu, luôn chỉ làm theo ý mình mà không đoái hoài đến mọi người xung quanh. Cậu Bờm đấy thật sự là một kẻ bướng bỉnh.

Đó là những gì tôi có thể nói về Bờm – trợ lý đắc lực của bố tôi. Cậu ấy là một con cua lông, cậu ấy bò ngang và cậu ấy rất bướng bỉnh.

Sau khi được lên làm đầy tớ trung thành cho bố tôi, cậu ấy không còn thân thiết với chúng tôi như xưa. Cậu ấy lúc nào cũng chỉ có mệnh lệnh và phép tắc. Tôi biết rằng những điều lệ ấy sinh ra là để tốt cho tất cả mọi người, nhưng nhiều như thế thì có thật sự tốt cho tôi hay mọi người không? Bờm là thế đấy, nghìn lần như một lần, vẫn khẩu hiệu ấy:

- Tất cả vì ngài Mạnh Trường vĩ đại! Tất cả là vì ngài Mạnh Trường thông tuệ và sáng suốt!

Đi đến bất cứ đâu thì cậu ấy đều hô to khẩu hiệu này một cách đầy tự hào. Cơ mà, có vẻ như tôi đang… lạc đề mất rồi. Cảm ơn chị Sú, một lần nữa.

Từ lúc tôi bắt đầu thu thập những vật chất của cải về con người, tôi đã may mắn tìm ra một nơi ẩn náu hoàn hảo. Để nép mình khỏi sự giám sát của Bờm, tôi và Phát đã cùng nhau tìm ra được một hang động cách cung điện không quá xa. Nó lớn vừa đủ với phần đỉnh đã bị khoét một lỗ rất to trên đấy. Không thành vấn đề vì bên trên được san hô và rong biển che phủ nên sẽ chẳng mấy ai có thể nghi ngờ. Và cứ thế, trong hang giờ đây khi bơi đến chỗ nào thì sẽ lại thấy đồ đạc của con người đến đấy.

Tiền, nĩa, dao, chum để nến, đèn dầu, đồng hồ, tranh ảnh, các quyển sách chi chít chữ đã cũ mà tôi không hiểu lắm,… tôi tìm thấy chúng ở khắp nơi. Một phần là nhờ vào chị Sú nữa.

Hôm nay, một ngày mà tôi tạm cho là bội thu. Tôi tìm thấy những thứ rất mới. Một cái tẩu thuốc, một cái kính nhòm, một cái gì đấy mà tôi lại quên mất tên.

Là bánh răng.

- Phát này! Cậu nhìn xem! Tớ chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì lấp lánh có thể nặng đến vậy.

- Ừm! Tuyệt thật nhỉ?

Cậu ấy phồng mình ra rồi xoay vài vòng. Tuy vậy, cậu ấy vẫn lo lắng.

- Nhỡ bố cậu biết được nơi này thì sẽ như thế nào?

Tôi đã nghĩ rất nhiều về viễn cảnh đấy. Tôi vẫn đau đáu ôm trong lòng một nỗi bất an vẫn canh cánh về một ngày bố tôi rồi sẽ biết được về sự tồn tại của hang động này. Nếu vậy, chả nhẽ tôi rồi sẽ phải ở lại đây mãi mãi, trong thăm thẳm đại dương mà không bao giờ có thể nhìn thấy ánh nắng nữa sao?

Hít một hơi, tôi vừa muốn trả lời cậu ấy thì bỗng có gì đấy chợt sáng lên.

Nhìn Phát, tôi dốc hết sức vẫy đuôi mình phóng lên lỗ hỏng bên trên. Đưa tay lên, tôi chạm vào mặt nước một lần nữa. Tôi nhanh chóng chụp được một thứ gì đấy trong lòng bàn tay, khi mở ra thì tôi lại phấn khích nhìn cậu ấy.

- Tớ chưa bao giờ nhìn thấy ngọn lao nào bé như thế này.

Sau đấy, tôi nghe thấy tiếng con người xì xào gì đấy ở đằng xa. Tôi mau chóng nép mình vào một tảng đá to, vừa cố gắng nghe ngóng điều gì đấy biết đâu chừng là thú vị.

- Đăng à! Em đi chơi hay em đang đi làm đấy! Khổ lắm cơ! Rớt cây bút xuống biển rồi à?

- Nếu không phải tại anh Trung thì nó đã chẳng mất rồi.

Bên tai tôi, bên cạnh tiếng con người đang nói chuyện thì ở đằng xa kia, một thứ gì đấy trông như một mộ đá vuông vắn đứng phơi mình dưới nắng lại có thể phát ra thứ âm thanh to đến thế. Nhưng, tôi không thích thứ âm thanh này lắm. To quá! Đến mức khó chịu.

Có vẻ như họ đang cãi nhau thì phải. Họ có vẻ không vui. Người đàn ông trẻ trung bụng to kia sao lại trông có vẻ bất mãn thế? Cậu thanh niên trẻ đằng kia có vẻ không thích việc anh ta đang mắng mỏ mình thì phải. Con người cũng có những lúc… bất hòa như thế sao? Giống như người cá chúng tôi vậy sao?

- Thôi nào! Hai anh em bớt nóng! Đi chơi mà thế này thì còn gì vui vẻ nữa. Đăng này! Em cứ thoải mái đi, tụi chị sẽ mua cho em cây bút vẽ khác. Còn giờ thì…

Người phụ nữ trẻ trung kia ăn mặc giống người cá quá nhỉ? Cái yếm chị ta mang trước ngực có hơi ngắn hơn so với cái của tôi, nhưng trông chị ấy thật sự rất hợp với nó. Chợt anh thanh niên kia bị một nhóm năm người túm lấy tứ chi, cậu ấy bị ném xuống biển rồi lại ngoi lên. Người đàn ông bụng to kia nói.

- Như thế này thì mới gọi là đi biển chứ!

Sau đấy, họ thay phiên rồi hòa vào với nhau trong tiếng cười rộn rã. Mắt tôi không hiểu vì sao chỉ cứ muốn dõi theo họ. Họ hạnh phúc quá nhỉ? Nhìn mà xem, trông họ đang rất… tận hưởng việc vừa rồi. Nhất là cậu thanh niên kia.

Tuổi của người cá không khác so với con người là bao, tuổi của tôi đâu đấy chỉ vừa chạm ngưỡng đôi mươi. Tôi không dám đoán chắc, nhưng xem chừng thì anh ta có thể lớn hơn tôi vài tuổi, hoặc bằng tuổi của tôi. Điều này tôi học được thông qua chị Sú đấy.

Con người coi vậy mà lại không để bụng cơn giận nhỉ?

Tuyệt thật đấy. Con người không hoàn toàn xấu như những gì bố thường kể.

Cứ thế, cho đến khi tôi quan sát được một lúc thì bỗng Phát lên tiếng:

- Ái Liên à! Mau về thôi! Sắp mưa rồi.

Nghe vậy, tôi liền ngoái đầu lại nhìn lên bầu trời. Vừa nãy, trời vừa còn hừng nắng thế mà bây giờ lại bị mây đen ùn ùn kéo đến rồi khuất dạng. Một vài hạt mưa rơi xuống, tôi đưa tay hứng lấy nó rồi từ từ nằm sấp xuống, tôi trườn thân mình theo mỏm đá để xuống nước trở lại. Ngọn lao? Phải rồi, tôi suýt nữa thì quên mất.

Hai tay cố gắng với lấy ngọn lao nhỏ ấy, tôi thu nó vào lòng bàn tay rồi giữ chặt. Ngoái đầu, song đập dữ dội vào lưng tôi. Gió thổi, gió thổi mạnh như cuồng phong. Sấm trên trời như gầm như thét giáng xuống một âm thanh sắt đến gai người. Tôi đưa mắt mình qua màn mưa dày đặc để dõi theo nhóm người ấy, họ đang thay phiên nhau lên bờ.

Khi tôi vừa quay đi, bất thình lình có tiếng hét của phụ nữ vang lên:

- Đăng! Đăng nó bị chuột rút rồi!

Tôi nghe thấy tiếng họ hét lên trong hoảng sợ, những cơn sóng lúc trước vẫn phẳng lặng im như tờ trong thoáng chốc đã nổi giận. Sóng dâng lên cao, ồ ạt thay nhau kéo đến như một loạt các vây cá mập. Tôi lại cố gắng đưa mắt mình nhìn xuyên qua màn mưa đang phẫn nộ này, hóa ra có ai đấy đang bị song đánh ra xa. Là anh thanh niên ấy.

- Ái Liên à! Chúng ta phải… Không! Ái Liên à! Đừng!

Phát gọi tên tôi, cậu ấy hét toáng lên rồi theo tôi lặn xuống nước. Hình như anh ấy không thể cử động chân được. Lần sau gặp chị Sú tôi sẽ hỏi về thứ được gọi là “chụt rút” này.

Biển động rất mạnh, gió bên trên không ngừng thổi mà lại càng chứng tỏ thêm cho sự giận dữ của mình, cứ thế sóng biển được đà mà phô trương thanh thế của mình như một gã khổng lồ cau có vậy. Sau đấy, anh thanh niên ấy liền bị đẩy ra xa hơn. Tôi tiến đến, và anh ấy dần bị biển cả nuốt chửng.

Anh ta không cử động, lại không tìm cách để kháng cự. Tôi tiến đến, hai tay kéo anh ta về phía mình, quàng tay cố định qua ngực anh ta, tôi với tay bơi lên mặt nước. Gió vẫn không thôi giở ra những mánh khóe xảo trá của mình, sóng biển được đà lấn đến. Mây đen vẫn không có dấu hiệu là sẽ vơi đi dù chỉ một ít.

Thiên nhiên vốn là thế, không hiểu cớ sao lại trở nên giận dữ đến thế dù trong bản chất thì nó luôn mang trên mình hình hài của một thiếu nữ đằm thắm, ôn nhu hết mực như thế.

***

Lúc này, không có lấy một bóng người còn sót lại trên biển. Nắng dù đã lên như vẫn lác đác những cơn mưa nhỏ. Sóng lặng, gió đã bình tĩnh hơn. May mắn thế nào, tôi vẫn có thể đưa anh thanh niên này lại về với đất liền. Tôi quan sát anh, nếu để so với những người cá thuộc giới tính khác thì anh không khác với họ lắm. Lại có những đường nét rất hài hòa trên khuôn mặt, thậm chí là có phần trội hơn nữa.

Chị Sú bay đến. Chị ấy nhìn anh ta và tôi rồi vỗ cánh.

- Cô bé! Có chuyện gì thế này?

- Anh ấy bị “chột rốt”…

- Bị chuột rút, em gái ạ!

- Phải! Nhưng nó là gì ạ?

Tôi nhìn chị Sú, chị ấy liền đưa cánh lên rồi giải thích:

- Nếu em bị co thắt các cơ liên tục cho một vận động nào khó khăn hơn mức em có thể làm, nó dẫn đến việc bắp chân em có dấu hiệu bị chuột rút. Sau đó thì thế nào?

Chị ấy nhìn tôi lo lắng.

- Anh ấy bất tỉnh, bị nhấn nước. Và em đã cứu anh ấy.

Đi một vòng quanh anh thanh niên, chị Sú nhảy lên người anh ta. Có vẻ, chị ấy biết cách để làm cho anh ấy tỉnh lại, hay điều gì đấy thần kỳ tương đương.

- Ái Liên này! Chị cần em giúp.

- Giúp gì ạ?

Tôi thắc mắc, chị Sú nói tiếp:

- Em hãy đặt tai lên ngực trái của anh ta giúp chị.

- Sao em phải làm như thế ạ?

- Để kiểm tra một người liệu có còn sống hay không, cách duy nhất để em có thể cảm nhận và biết chắc được điều đó đấy là em buộc phải nghe được nhịp tim phát ra từ ngực trái của họ. Chị thì không thể làm được, nhưng em thì có.

Lưỡng lự, tôi đưa hai tay áp lên mặt anh ấy. Có chút gì đấy trong tôi như muốn trốn chạy, nhưng phần nào đấy trong tôi lại đấu tranh dữ dội. Nếu anh ấy còn sống thì sao? Cứ thế bỏ mặc anh ta trên bờ thế này thì liệu có phải là điều tốt không? Nhịp tim, thật sự có thể cảm nhận được nhịp tim bằng cách đó sao?

Vứt bỏ đi sự sợ hãi bên trong mình, tôi đưa hai tay xuống chỗ cát nóng, tiến đến gần anh hơn. Tôi chậm rãi nghiêng đầu mình vừa phải, tai tôi đặt lên ngực trái. Thế rồi, từ bên trong lòng ngực bé nhỏ ấy, tôi nghe thấy âm thanh còn tuyệt hơn những âm thanh tôi thổi qua nhiều các vỏ sò khác cộng lại.

Thanh âm nhịp tim dù yếu ớt nhưng nó vẫn mạnh mẽ những vẫy vùng của sự sống, chúng dập dềnh và kiên cường. Như những nhịp trống liên hồi không dứt, như những cơn sóng mãi vẫn thay nhau về đến bờ. Con người có thể hàm chứa trong mình thứ âm thanh nhiệm màu đến thế sao? Mắt tôi mở to, đẩy người mình lên, tôi vui mừng nhìn chị Sú. Thập tử nhất sinh cũng chẳng thể ngăn nổi sức sống của anh ấy.

- Anh ấy còn sống. Tim anh ấy vẫn đập.

Nhưng, tôi phải làm gì tiếp theo đây? Tim vẫn đập, anh ấy vẫn thở. Tuy vậy, sao anh ấy đến giờ vẫn chưa thể tỉnh lại. Tôi bồn chồn trong sự thấp thỏm của riêng mình. Bất giác, tôi nhớ đến câu chuyện khi xưa. Câu chuyện mà mẹ tôi đã để lại cho tôi và các chị.

Giọng hát của tiên cá, giọng hát đại diện cho những gì thanh thuần nhất, đẹp đẽ nhất của lòng sâu biển cả, là liều thuốc thần kỳ đối với con người. Tiếng hát trong vắt, mạnh mẽ, mang trên mình những lưu luyến khó quên chính là thứ có thể đánh thức con người từ một giấc mộng dài. Đó là lời mà mẹ đã kể cho tôi nghe.

Ngâm nga một thứ giai điệu, tôi đưa tay lên chạm lên khuôn mặt của anh thanh niên trẻ ấy. Đôi mắt tôi nhìn anh ta, dưới ánh nắng vàng soi trên suối tóc mình, tôi bắt đầu cất tiếng hát của mình trong sự dè dặt với tất cả mọi thứ xung quanh.

“Giờ phải làm gì để thấy được nụ cười.
Giờ phải làm gì để thấy người cạnh bên em.
Giờ phải làm gì để thấy người mỉm cười nhìn em.
Cùng nhau chung bước, mình đi muôn phương
Đùa vui trong nắng say sưa ngày chói chang
Ước sao một ngày, sớm được gần cạnh.
Người đến nghìn sau.”

Dừng tiếng hát, tôi cảm nhận nơi bàn tay mình có sự cử động. Đôi mắt vừa nãy vẫn nhắm nghiền của anh thanh niên giờ đang ti hí nhìn tôi qua ánh nắng giờ đã gay gắt hơn. Tôi mỉm cười nhẹ nhõm, sau đấy bàn tay của anh ấy đưa lên chạm vào khuôn mặt tôi. Mắt tôi mở to, anh ấy đang cố nói điều gì đấy, nhưng tôi không chắc nữa.

- Về mau thôi! Ái Liên à, sẽ có người thấy chúng ta mất.

Nghe tiếng Phát hốt hoảng, tôi liền tách mình ra khỏi anh ấy. Nhìn chị Sú, tôi vẫy tay chào chị ấy. Sau đấy, tôi lao mình xuống nước. Tôi vẫn cố gắng quan sát anh từ phía xa. Nhóm người vừa nãy cùng một tốp người lạ mặt thay phiên nhau kéo đến đưa anh thanh niên ấy đi xa. Họ sốt sắng, lo lắng với điệu bộ hết sức chân thành.

Ít nhất thì không phải con người nào cũng xấu. Họ vẫn đẹp. Họ vẫn là những ngôi sao đẹp nhất được tạo hóa ban tặng cho một nhân dạng mà tôi hằng ao ước. Cớ sao, tôi lại không có quyền lựa chọn nơi mình thuộc về. Tôi yêu biển cả mênh mông này, nó là quê hương của tôi.

Còn họ…

Tôi yêu họ vì thế giới của họ tràn ngập những thứ tôi chưa từng có cơ hội để tiếp xúc. Tôi yêu thế giới của họ vì tôi biết mình rồi sẽ còn yêu nó đến nhường nào nữa.

Một phép tiên nhiệm màu, ước sao tôi có thể nối liền được biển cả và bầu trời.

Một phép tiên nhiệm màu, ước sao tôi có thể làm nên kỳ tích.

Chỉ một phép tiên nhiệm màu, tôi mong sao mình có thể đến gần với loài người hơn. Dù chỉ ít lâu thôi, tôi đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

Rồi sau đó, sau đó thì sao? Tôi…

Tôi không biết nữa. Tôi rồi sẽ lại như bao người cá khác, mãi vẫn chẳng thể chạm tay đến trời xanh vời vợi kia. Sẽ đến lúc, ký ức tôi sẽ bị xóa sạch. Duy chỉ có một điều mà tôi biết chắc rằng những ký ức ấy sẽ theo tôi, theo dòng chảy của biển cả mà sống một cuộc đời mới.



Đâu ai gán nhãn cho ước mơ của tiên cá, đúng chứ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro