Chương 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Cháu sẽ cần một vài thứ nữa. Ta sẽ giúp cháu, các thủ tục và giấy tờ. Cách sử dụng những thứ này, ta sẽ hướng dẫn cháu.

Cô ấy đã dặn dò tôi kỹ càng trước khi tôi thực sự một mình đi đến thế giới loài người, những bước chân khập khiễng lúc đầu đầy thách thức, trên một thứ mà gì ấy gọi là giày cao gót. Tôi khó khăn trong việc xoay sở từng bước chân của mình trên những con đường tràn ngập nắng sớm của một ngày mới. Mọi thứ như được kéo đến gần hơn vào tầm mắt của tôi, những tòa lâu đài chọc trời, tiếng con người đùa vui xung quanh, có cả những đứa trẻ đang nối đuôi nhau trên đường với nụ cười tươi tắn.

Đi được một đoạn đường, chợt có một kẻ gian manh đã tiến đến. Hắn giật phăng chiếc túi mà cô Uyên cung cấp đủ đồ đạc con người cho tôi, tôi muốn hét lên nhưng nhận ra bản thân đã không còn giọng nói nữa. Tôi cố hết sức điều khiển đôi chân của mình trên đôi giày quá đỗi đồ sộ ấy. Được một đoạn, hắn va vào một bác gái trung niên. Bác ấy la lên.

- Có cướp! Thằng kia! Mày đứng lại cho bà!

Một cuộc truy đuổi gắt gao mà hắn không phải là kẻ bị thương, ngược lại tôi lại là người bị vấp ngã giữa đường giữa xá. Đau đớn, tôi nghiến răng mà chẳng thể nói được là mình đang thật sự đau thế nào. Tất cả mọi người xung quanh đều quan tâm đến tôi, họ lo lắng với vẻ mặt ân cần của những bậc cha mẹ, thay phiên nhau chăm sóc cho vết thương trên đầu gối của tôi. Thế rồi, có vẻ mọi thứ không hề tệ như tôi vẫn nghĩ, anh ấy đã giúp tôi. Anh thanh niên trẻ ấy, tôi không biết đây có phải là cơ duyên hay một sự sắp đặt ngẫu nhiên hay không nhưng việc tôi gặp lại được anh ấy phần nào đó khiến tôi vui mừng. Anh ấy vẫn khỏe mạnh, giờ thì anh ấy là người hùng của tôi.

Anh tên Đăng. Tiếp xúc với anh không lâu, tuy vậy anh lại là người chủ động hơn tôi nghĩ. Anh giúp tôi làm quen với chị Xuân và bé Min, cả hai đều là những con người dễ mến. Chị Xuân còn giúp tôi, từ đó gọi là gì nhỉ? Là thay băng. Là rửa sạch vết thương. Bé Min là một bé con nhiệt tình, cô bé dẫn tôi khám phá hết mọi ngóc ngách có trong thứ mà Min gọi đấy là nhà. Nào là nhà bếp, là phòng khách, phòng vệ sinh, phòng ngủ. Tôi được cô bé chỉ dạy cho mọi thứ, hai mẹ con đều là những con người tử tế.

Tôi học được cách rửa rau, được tự tay học cách để mở một vòi nước. Giúp anh Đăng sắp xếp rau củ, ngắm nhìn anh ấy thái từng chỗ rau củ ấy một cách thành thục. Không tài nào hiểu được vì sao tôi lại đưa ngón tay của anh ấy lên miệng. Nó được gọi là gì? Ồ, là cầm máu.

Không biết vì sao tôi lại nghĩ nhanh đến việc đấy, mặt của Đăng khi ấy thoáng có chút gì đấy hồng hào. Tôi cứ đứng đấy chờ anh lấy thứ mà anh gọi là băng keo. Anh trở ra thì ngón trỏ trên bàn tay đã được một thứ gì đấy có màu tựa như màu lông của Cam. Giờ tôi mới biết là động vật cũng có thể cùng chung sống một cách hòa thuận với con người ấy. Cậu bé là một chú mèo thì phải, theo như anh Đăng giải thích.

Bên cạnh những việc bếp núc, tôi dần học được cách ăn uống của con người. Cách tôi dùng nĩa lần đầu, toàn là những trải nghiệm mới mẻ. Tôi học được cách điều khiển những sợi mì ấy nằm thu mình trên nĩa. Mì, một món ăn của loài người. Hôm nay đối với tôi là một ngày thú vị, tôi học hỏi được nhiều thứ hơn. Những thứ được gọi là chăn gối, sofa, phòng ốc. Dẫu cho còn nhiều khoảng cách, tôi vẫn thầm mừng trong lòng rằng mình đã học được nhiều thêm về cuộc sống của con người.

Mặc cho không được suôn sẻ gì cho lắm, nhưng hôm nay vẫn là một ngày tuyệt vời. Ngoài xa kia trên bầu trời đêm, nghìn tinh tú đang thay nhau chiếu sáng, lấp lánh như thể chúng đang nở nụ cười với tôi vậy. Khi tôi vẫn còn bơi lội với chiếc đuôi ấy, tôi chưa bao giờ có cơ hội để nhìn ngắm chúng ở cự ly gần như thế này. Ở nơi này, những vì sao như nghe thấy tiếng lòng của tôi mà đến gần hơn với tôi.

Được một lúc, trong khi vẫn mải mê ngắm mãi những vì sao. Giọng Đăng vang lên, anh ấy vẫn chưa ngủ. Tay anh cầm một thứ gì đấy, nó sáng lấp lánh với đủ thứ màu sắc. Anh ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi.

- Cô vẫn chưa ngủ sao? Phải thôi, lạ chỗ thì sao có thể dễ dàng chợp mắt được.

Dù không hiểu lắm từ “lạ chỗ” mà anh ấy nói là như thế nào, cơ mà anh ấy đang lo lắng cho giấc ngủ của tôi thì phải. Tôi không biết mình nên phản ứng thế nào, sau đấy anh ấy lại tiếp tục hỏi:

- Cô có việc làm hay gì đấy không?

Việc làm? Nó là gì vậy? Tôi không có, tôi lắc đầu chầm chậm. Điều đấy có vẻ làm anh ấy cảm thấy nhẹ nhõm, anh ấy liền nói thêm:

- Thế ngày mai cô có muốn đến công ty của tôi không? Tôi sẽ giúp cô tìm việc làm. Đằng nào thì cũng không thể sống ở đây mà không có tiền được. Không yêu cầu bằng cấp quá cao đâu, tôi tin là cô có thể làm được.

Việc làm? Tiền? Việc làm có thể làm ra tiền sao? Hóa ra là vậy, tôi hiều được dù chỉ một ít thứ. Tiền của con người có được là nhờ vào việc làm sao? Tôi muốn trải nghiệm, muốn thử xem cảm giác kiếm tiền sẽ như thế nào. Tôi liền gật đầu, Đăng vui vẻ tiếp chuyện với tôi.

- Được rồi! Thế thì ngày mai tôi sẽ cùng cô đến công ty nhé?

Gật đầu, tôi cố gắng để bật cười nhưng nó lại không thành tiếng. Anh ấy lại chúc tôi ngủ ngon và đi vào phòng, tôi trải lưng mình lên chiếc giường mới với không khí mát mẻ xung quanh, như thể là đang được gió thổi đến từ mọi hướng, hướng nào cũng đều lành lạnh như được gió mang theo hơi biển mà men đến đây vậy.

Nhắm mắt lại, tôi tưởng tượng về ngày mai. Tôi nghĩ đến việc mình làm quen với “việc làm”, tôi nghĩ về cách mà tôi có thể “kiếm tiền”. Niềm vui sướng trong tôi cứ thế lan tỏa đến khắp mọi nơi trong cơ thể, cảm giác ấm nóng này con người định nghĩa nó là gì vậy?

Là háo hức, đúng không?

***

Tôi nói gì về Đăng nhỉ?

Không thể đặt anh ấy vào cùng hệ quy chiếu với những người cá cùng giới tính được. Anh trắng một cách bình thường, mọi thứ thuộc về ngũ quan trên khuôn mặt tuy không có gì là quá đặc biệt nhưng chúng lại hài hòa. Sóng mũi anh đặc biệt cao hơn so với các nam người cá khác. Về chiều cao, tôi không rõ nữa nhưng nếu so với tôi thì anh ấy hẳn phải có được gen của người khổng lồ. Mái tóc đen không do các yếu tố ngoại cảnh tác động lên trông không có gì đặc sắc, nhưng nó làm nổi bật sự sáng dạ, thông minh của anh.

Bước cùng anh Đăng trên đường đến nơi gọi là công ty, tôi bị choáng ngợp bởi tôi chưa thể hình dung ra vì sao anh ấy có thể làm việc ở một tòa lâu đài chọc trời như này. Tôi bất ngờ và ngạc nhiên, sau đấy mắt tôi va phải thứ gì đấy hết bậc này đến bậc khác lại được chồng lên nhau từng lớp, lớp sau cao hơn lớp trước. Anh Đăng làm chủ được nó, bước chân anh thoăn thoắt đi lên chúng mà không gặp phải chút khó khăn nào.

Chần chừ, có gì đấy trong tôi sợ hãi khiến tôi không dám đến gần chúng. Anh Đăng nhận ra điều đấy, anh chìa cánh tay của mình về phía tôi.

- Xin lỗi nhé? Cô đang bị thương mà tôi lại vô ý vô tứ quá. Lên bậc thang chắc sẽ đau lắm. Nắm tay tôi đi! Tôi sẽ giúp cô.

Bậc thang? Tôi òa lên trong lòng, bàn tay tôi rụt rè nắm lấy lòng bàn tay anh. Đến gần hơn, tôi co chân lên và bắt đầu bước. Chậm rãi, tôi đi hết bậc này đến bậc khác. Thành công, tôi mỉm cười vì mình đã chiến thắng được nó. Theo sau Đăng, chúng tôi liền gặp một người đàn ông lớn tuổi với phần bụng có phần quá cỡ. Ông ấy mặc chiếc áo xanh, một chiếc quần dài với tác phong hệt như những người giữ cổng cung điện ở dưới biển vậy. Sau đấy, anh Đăng cất tiếng.

- Chào chú Chín!

- Ồ! Chào con.

Chú Chín sao? Ánh nhìn của chú ấy chuyển dần sang tôi, chú ấy xoay sang nói với anh Đăng bằng đôi mắt ẩn hiện ý cười.

- Bạn gái cháu à? Xinh thế!

Bạn gái?

- Không phải đâu chú. Cô ấy đến đây xin việc ấy. Ái Liên này! Đây là chú Chín, là bảo vệ của công ty ấy.

Thì ra là bảo vệ. Thế thì chú ấy có chức năng giống như người gác cửa công điện nhỉ? Tôi dịu dàng cúi đầu chào chú ấy. Sau đấy, chú ấy bảo.

- Con bé không nói được sao?

Anh Đăng chỉ gật đầu, khuôn mặt liền biến sắc. Niềm vui vừa nãy vẫn còn vương lại trên khuôn mặt sáng dạ của anh liền bị lấn át bởi điều gì đấy, anh buồn hẳn đi. Chú Chín nhìn tôi, sau đấy chú đưa tay ra vỗ vai tôi. Chú ấy mỉm cười.

- Cố lên nhé, con gái! Đúng là đời không cho ai hết tất cả nhỉ? Đẹp thế này kia mà.

Đầu óc tôi không sao hiểu được ý của chú ấy, tôi chỉ có thể mỉm cười.

Chào chú Chín lần nữa, chúng tôi men theo những con đường được lát một thứ gì đấy trơn láng, nó sáng bóng đến mức tôi có thể thấy được cả khuôn mặt mình ở dưới đấy. Bước chân dẫn tôi đến một nơi nào đấy, một cái hộp khổng lồ. Anh Đăng bấm nút gì đấy, cái hộp ấy mở ra và anh bước vào.

- Nhanh nào!

Anh ấy bảo tôi bước vào trong, tôi gật đầu tiến vào. Nó đóng lại, cái hộp ấy đang đi lên thì phải. Sao có thể chứ? Con người có thể phát minh ra một thứ tuyệt vời đến nhường này à? Có thứ gì mà họ không thể làm không vậy?

Một căn phòng lớn hơn ở nhà Đăng rất nhiều mở ra trước mắt tôi, tôi đưa tay lên một lớp gì đấy dày dặn và chắc chắn. Nó phản chiếu chân dung của tôi lên một cách trong suốt, không giống như nước, nó vẫn giữ được chân dung của tôi mà không bị vỡ tan ra khi chạm vào. Đăng khéo léo nhắc nhở tôi.

- Đừng chạm lên kính! Như thế sẽ để lại mồ hôi tay đấy. Các cô lao công không thích như thế đâu.

Lao công? Thế thứ tôi chạm tay lên là “kính”? Bước vào trong, có rất nhiều khác đang ngồi trong căn phòng rộng rãi mà xung quanh chỗ nào đều có kính. Kính ở khắp nơi. Người đàn ông thô lỗ hôm trước, anh ấy là người ở đây. Anh ấy liền đứng dậy ồ lên, Đăng đặt túi xuống ghế và anh ta bật cười.

- Ồ! Chào buổi sáng.

Anh ấy liền nhìn tôi chằm chằm, tôi xấu hổ hay nói đúng hơn là dè chừng. Tôi đưa hai lọn tóc dài lên che lấy khuôn mặt. Lạ thật, mặt tôi khi nãy rõ là chẳng dính gì lên cả. Thế tại sao anh ta lại nhìn tôi như thể tôi thật sự có vấn đề gì vậy?

Cuối cùng, anh ta chạy đến nắm lấy tay tôi. Anh ấy nhìn tôi rồi lại nhìn Đăng.

- Mọi người ơi! Lại đây coi này! Em là bạn gái của Đăng à?

Chị gái mặc đồ giống người cá hôm trước tiến đến gần chỗ tôi, chị ấy liền kéo người đàn ông kia ra. Chị nhướng một bên lông mày rồi cười anh ta một tiếng.

- Em tối cổ giống Đăng đấy à? Tối qua Đăng nó bảo là nó kiếm được thêm người vào ứng tuyển làm trợ lý. Chắc là cô bé này ấy mà.

- Làm trợ lý thì có cần phải đẹp thế không hả chị? Cỡ này thì chị Hà bị lấn át là cái chắc.

Anh ta nói lớn, một cô gái đằng xa kia cười phá lên.

- Nhiều khi anh mới là người bị lấn át ấy chứ. Rõ thế còn gì, anh đã quá tuổi rồi đấy. Sao anh không kiếm được cô nào đẹp như con bé để làm quen đi.

- Thôi đủ rồi!

Chị gái người cá bật cười, chị đặt tay lên ngực rồi giới thiệu.

- Chị là Phượng, là sếp của cái phòng này. Anh vừa nãy là Trung, chị gái đằng kia là My. Còn có chị Hà nữa, nhưng chị ấy gặp tai nạn nên không có mặt ở đây. Thế nào? Em tên gì thế?

Tôi muốn trả lời, nhưng câu từ không cách nào có thể chạy ra. Từ phía sau chị Phượng, Đăng đứng dậy giới thiệu giúp tôi.

- Cô ấy tên Ái Liên. Cô ấy… không nói được.

Anh ngắt ngứ mãi mới nói được những chữ cuối. Tôi đưa tay ra sau, hai tay vô thức đan vào nhau. Đôi chân tôi rung rẩy, đôi mắt tôi long lên, có gì đấy trong tôi như muốn vỡ tan. Không có tiếng nói, việc gì cũng quá đỗi khó khăn với tôi. Chị Phượng liền đặt tay lên vai tôi. Chị gật đầu hiền từ bảo:

- Không sao hết! Thế Ái Liên này, hôm nay em vào làm cho công ty chị nhé?

Tôi không do dự, tôi gật đầu. Chị Phượng liền hô to.

- Mọi người đứng dậy nào! Cùng nhau giúp đỡ Ái Liên nhé?

- Dạ!

Mọi người đồng thanh, chị Phượng chỉ về phía một chiếc bàn dài ở ngay cạnh một lớp kính khác. Chị ấy bảo tôi đi theo mình để hướng dẫn một chút về công việc của tôi. Ngoái đầu về phía sau, tôi thấy Đăng đang giờ ngón cái đang bị thương về phía tôi. Không rõ mục đích của việc ấy nghĩa là gì, thế mà tôi lại cảm nhận rằng tôi như đang được mọi người ủng hộ và đón nhận. Tôi gật đầu, tôi quan sát cách chị Phượng tay liến thoắn lật trên những trang giấy. Chị cầm cây lao nhỏ ấy lên, thứ mà tôi không rõ là nó dùng để làm gì. Chị ấy ấn gì đấy ở đuôi của nó, một đầu nhọn đưa ra và những nét mực màu xanh chảy ra đều đều theo cử động từ bàn tay của chị Phượng. Không khỏi giấu đi sự vui thú, tôi háo hức cho việc mình sẽ làm tiếp theo.

- Ái Liên. Được rồi, để chị phổ biến cho em về công việc nhé?

Hẳn công việc này, sẽ rất thú vị nhỉ?

***

- Nghỉ trưa thôi mấy đứa!

Chị Phượng đứng dậy khỏi ghế, suốt từ sáng giờ tôi chỉ quanh quẩn khắp cả phòng với những chồng sách khổng lồ, dù tôi chẳng biết chúng dùng để làm gì nhưng chị Phượng rất nghiêm túc với chúng, chị đọc chúng, xem xét chúng rồi lại dùng cây lao bé ấy để làm gì đấy. Chị ấy bảo nó là cây bút thì phải.

Đến giờ nghỉ trưa, theo tôi hiểu đại khái thì nó giống như thời gian rảnh vậy. Tôi và mọi người đều sẽ không cần phải làm việc mà có thể làm bất cứ điều gì tùy ý thích. Đi theo chị Phượng, tôi đi ngang qua chỗ Đăng. Anh ấy liền đứng dậy bảo.

- Ái Liên này! Cô lấy giúp tôi một ly cà phê nhé? Loại nào cũng được.

Cà phê? Nó là gì vậy?

- Ừ! Để chị đi cùng con bé. Trung với My có cần gì không?
Chị My đứng dậy, chị ấy đi về phía tôi và chị Phượng.

- Em đi chung với! Sẵn tiện xem nhà ăn bên dưới bán gì.

- Lấy anh phần cơm thôi là được.

Chị My gật đầu đáp, tôi nối gót đi sau lưng chị Phượng. Chị My liền nói nhỏ.

- Em thông cảm nhé? Anh Trung nhìn sỗ sàng thế thôi, chứ ảnh tốt tính lắm. Không có ý gì đâu, em đừng sợ.

- Thế Ái Liên muốn ăn gì?

Chị Phượng hỏi tôi. Tôi không biết phải trả lời thế nào nữa. Chúng tôi đang ở nơi gọi là nhà ăn thì phải, hệt như đồ ăn của Đăng nấu tối qua. Thậm chí, chúng còn đa dạng hơn nữa.

- Thế ăn chung loại với chị nhé? Ăn ít bún mọc cho nhẹ bụng nhé? Em muốn uống cà phê không? Chị khao ấy mà, em đừng ngại.

- Phải! Chị Phượng sộp lắm đấy. Lần nào cũng bao chị ăn trưa thôi.

Chị My liền nói thêm vào.

- Chẳng phải là em cứ nằng nặc đi theo chị ấy chứ? Không khéo người ta lại nghĩ em đi ăn chực của chị không đấy.

- Chị này!

Thế là chúng tôi dùng bữa, tôi không nghĩ là việc cầm đũa lại khó khăn như vậy. May mắn thế nào thì tôi cũng đã dần học được cách để cầm đũa, món gọi là “bún mọc” mà chị Phượng nói ăn vào rất thanh tao, hậu vị lại ngọt nhẹ nói chung là rất vừa miệng với tôi. Sau đấy, tôi được chị Phượng dúi một thứ gì đấy tựa như thứ được gọi là ly nước vào lòng bàn tay. Cả hai bên, chị ấy cầm một khay gì đấy.

- Em cầm cà phê đi! Con gái thì chắc thích uống cà phê sữa đá nhỉ?

Cà phê? Phải rồi, Đăng cũng cần nó nữa.

Thế là tôi cầm hai ly cà phê sữa đá. Bên trong toát ra khí lạnh đến buốt cả lòng bàn tay, thứ nước sóng sánh nâu đậm với hương thơm hấp dẫn kỳ lạ. Không biết nó là gì nhưng có vẻ nó là thứ mà con người ai nấy đều rất thích. Tôi bước vào chiếc hộp khổng lồ, bên trong đó còn có vài người đàn ông đang đứng bên trong. Tôi nghe thấy tiếng chị My và chị Phượng chào hỏi. Họ là sếp lớn.

Theo phản xạ, tôi cúi đầu chào họ. Họ ú ớ gì đấy tôi không nghe được. Sau đấy, tôi theo hai chị bước ra. Chị My liền huých cùi chõ vào người tôi nói.

- Mấy sếp thích em lắm đấy! Cũng phải thôi, Ái Liên đẹp thế này mà?

Đẹp? Đẹp là gì thế? Có ăn được không? Tôi tự hỏi.

Bước vào phòng, tôi đặt một ly cà phê xuống bàn anh Đăng. Anh ấy cảm ơn tôi, từ bên trong ly cà phê anh ấy lấy ra một thứ gì đấy thon dài bị lủng một lỗ tròn vừa phải. Tôi quan sát và cố bắt chước để làm theo, mãi một lúc nhưng nó vẫn không ra. Có tiếng ghế đẩy ra, anh Đăng đứng dậy cầm lấy ly cà phê từ tay tôi rồi làm lại những động tác ấy hết sức gãy gọn và nhanh nhẹn. Anh ấy chỉa thứ đấy vào miệng tôi, bảo tôi rằng.

- Giờ cô mở miệng vừa phải, dùng hơi từ bụng dưới hút một hơi ngắn và...

Nghe theo chỉ dẫn, tôi cầm lại ly cà phê rồi làm theo. Hương vị rất khác, nếu như nước không có màu, không có mùi, lại không có vị gì cả thì cà phê lại mang vị hơi đăng đắng nơi đầu lưỡi, sau đấy đọng lại ở hậu vị một vị ngọt rất dễ chịu. Không trách được tại sao con người lại thích nó như thế. Nó ngon thế này kia mà.

- Ái Liên sướng lắm nhé? Đăng trước giờ chưa nhiệt tình giúp đỡ ai nhiều như vậy đâu.

Chị My nói to, anh Trung muốn nói gì đấy nhưng miệng anh toàn là cơm nên tôi chẳng hiểu gì. Cứ thế, tôi quay trở lại phòng với chị Phượng. Không có việc gì nên chị ấy bảo tôi nên tranh thủ chợp mắt, chiếc ghế được kê ngay bên cạnh bàn làm việc mà tôi được chị Phượng bố trí, tôi chạm tay vào đâu đấy rồi phần tựa lưng lại duỗi thẳng ra. Thế là tôi tạm chợp mắt cho đến khi có đầu việc mới mà chị Phượng cần tôi giúp.

***

Một lúc sau, đến khi nhá nhem thì trời đã tắt nắng. Chị Phượng không có yêu cầu gì quá nhiều đối với tôi, ngoài một số công việc mà chị luôn miệng nói là “giấy tờ” ra thì tôi không phải quá vất vả gì. Vả lại, cứ đâu đấy vài giờ thì chị Phượng lại cho tôi thứ gì đấy để lót dạ, chị quan tâm tôi còn hơn cả em gái. Tôi nhớ lại những khoảng thời gian khi tôi vẫn còn ở với các chị ngày trước.

Không dám nói là mối quan hệ giữa chị em chúng tôi có phần khắng khít hay hòa thuận gì cho lắm. Vẫn thường có những cuộc cãi vã xảy ra, có những lúc rất căng thẳng nhiều lúc lại không. Âu cũng là duyên, chị em tôi vẫn duy trì được một mối quan hệ ruột thịt chặt chẽ. Ngày mà tôi bước chân lên bờ, tức chỉ mới hôm qua, hai chị ấy đã theo cùng với Phát, Bờm và chị Sú đến để ngắm nhìn khoảnh khắc mà có thể sẽ là lần đầu, có thể là lần cuối mà các chị được nhìn thấy.

Từ nửa dưới đuôi cá tôi sáng lên một thứ ánh sáng màu nhiệm, vây và vảy cá không còn nữa. Thay vào đó, một đôi chân cùng màu với nước da của tôi xuất hiện. Quần áo, giày dép chính là thứ theo cô nói chính là những gì mà con người vận lên mình trong sinh hoạt thường nhật, giống như đuôi cá vậy. Chúng có đủ loại màu sắc khác nhau. Hình như gọi là "váy" thì phải.

- Ái Liên! Chị rất mừng cho em.

Chị Lam, người chị cả của tôi đã không kiềm được xúc động. Giọng chị ấy nghẹn ngào rung lên. Chị Ánh tương tự, đôi con ngươi chị ươn ướt nhìn tôi. Tuyệt nhiên, người cá chúng tôi làm gì có nước mắt. Chúng tôi chỉ có thể biểu hiện sự xúc động qua những ánh mắt, qua những cử chỉ hay chỉ đơn thuần là những cái ôm. Tôi đã ôm hai chị lâu đến nổi lưng tôi cứng lại như một khúc gỗ. Khi ấy, trên nét mặt vốn đã kham khổ của cô Uyên hiện lên nụ cười đã lâu tôi chưa được thấy. Một nụ cười mãn nguyện hơn những nụ cười khác. Tôi chạy sang ôm lấy gì, những xúc tut hay nhau quấn nhẹ lấy tôi, tôi ra sức siết chặt lấy cô.

- Một tuần nhé? Cô cháu ta sẽ gặp lại nhau để nói về kết quả.

Đương nhiên, tôi không thể quên đi Phát, Bờm và chị Sú. Tôi muốn nói rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. Ấy vậy mà, từ trong thâm tâm tôi vẫn vọng lên tiếng nói của những bất an, những thấp thỏm. Nhỡ đâu việc tôi mất tích quá lâu có thể làm hại đến tất cả thần dân bên dưới biển sâu, chưa kể nếu chuyện tôi lên bờ bị bại lộ thì cô Uyên rồi sẽ ra sao. Phát, Bờm, chị Sú và các chị em của tôi. Sẽ ra sao đây? Tôi rồi sẽ ra sao?



Tôi miên man chìm vào những suy nghĩ ấy, bước chân tôi cứ thế lơ đễnh. Suýt chút nữa nếu không có Đăng nhắc nhở thì có lẽ tôi lại ngã ở bậc thềm. Anh ấy lo lắng hỏi rằng tôi ổn không. Tất nhiên tôi vẫn ổn, chỉ là tôi đang nghĩ đến những gì hiện đang diễn ra ở dưới mặt biển kia. Con người làm sao có thể biết được nỗi giận của những người cầm trịch đại dương như bố tôi có thể trở nên khủng khiếp đến như thế nào? Người cầm đinh ba hải thần, là bố tôi. Ông ấy tất nhiên có thể làm nên những chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Biển cả là vô định, đâu ai có thể đọc vị được biển cả đâu kia chứ.

Có vẻ để làm ra tiền không dễ như thế. Dù tôi không có ý muốn đòi hỏi điều gì quá đáng với chị Phượng. Cơ mà, tôi ngây thơ xây dựng cho mình một ý nghĩ: Nếu không phải hôm nay thì sẽ là một ngày khác. Tôi có thể làm ra tiền, bằng việc làm của mình hiện tại.

Đi trên những con đường được gió men theo những rặng cây lớn thổi ngang qua, tôi và Đăng chẳng ai nói điều gì cho đối phương nghe cả. Dưới thứ ánh sáng được lồng trong những khung kính cách xa mặt đất, đôi lúc tôi lại thẫn thờ nhìn lên không vì lý do gì cả. Đi được một lúc, bước chân tôi dừng lại. Trên đường, một cụ ông với khuôn mặt nom khắc khổ đang ngồi ở đấy. Bên cạnh ông có một cái bảng gì đấy, tôi không tài nào đọc nổi dù chỉ một chữ. Ngồi thụp xuống, tôi vẫy tay trước mặt cụ ông. Ông ấy không trả lời, lại không phản ứng gì. Thoáng qua nơi tim tôi có gì đấy khiến tôi buồn lạ thường. Sau đấy, Đăng ngồi thụp xuống nói nhỏ vào tai tôi.

- Ông ấy không nhìn thấy cô. Ông ấy bị mù. Ông ấy là người khuyết tật.

Mù sao? Không nhìn thấy tôi. Tức là ông ấy không thể thấy bất cứ thứ gì dù là gần nhất sao? Mọi màu sắc trên thế giới này, mọi sinh vật, mọi con người. Tạo hóa đã không công bằng khi tước đi quyền được thấy màu sắc của một con người đã gần đất xa trời như ông. Cảm giác nhói lòng này, là sao vậy?

Gió thổi qua, mặt đường lạnh toát. Ông ấy không có nơi nào để nương náu cả.

Ông ấy rồi sẽ phải làm sao đây?
Thế rồi, Đăng lấy ví ra. Anh ấy lấy ra một tờ tiền mà tôi không rõ nó ghi gì trên đấy, tôi chỉ biết nó có màu xanh biển cả mà thôi. Anh ấy cứ thế đưa nó vào tay tôi, anh bảo tôi nắm chặt lấy nó. Anh ấy nói nhỏ vào tai tôi:

- Nếu cô muốn cho ông ấy chút tiền để trang trải qua đêm nay thì cứ mượn trước của tôi vậy.

Có một chiếc mũ, một thứ dùng để che nắng che mưa của con người được để ngay bên cạnh ông ấy. Một vài tờ tiền với màu sắc tương tự đang nằm gọn trong đấy. Tôi bỏ tờ tiền của mình vào đấy, có lẽ ông ấy đã cảm nhận được gì đấy. Ông ấy đưa tay ra trước một cách vô định, tôi đưa hai bàn tay mình nắm lấy tay ông. Men theo hơi ấm từ nơi bàn tay tôi, ông ấy nắm lấy chúng. Khuôn mặt lem luốt, nhá nhem thiếu sức sống ấy đột nhiên trở nên tươi tắn với một nụ cười rạng rỡ hơn mọi ánh sáng khác. Giọng ông trầm vang, một thứ âm thanh tuyệt vời mà tôi nghe được từ trước đến nay.

- Ông cảm ơn cháu gái nhé?

Theo phản xạ, tôi vẫn gật đầu dù biết rằng ông ấy sẽ không thấy được. Tôi không thể nói được, ông ấy không nhìn thấy được gì cả. Nhưng, có một điều mà tất cả chúng tôi đều có thể nhìn thấy. Là tình yêu, giữa người với người với nhau. Không một chút so đo, thủ đoạn hay tính toán. Tôi chỉ muốn mình cho đi điều gì đấy mà không có chút mong cầu một điều xa sỉ rằng ông ấy có thể cho lại tôi một châu báu hay bài học giá trị nào.

Chỉ hai từ, chỉ hai từ thôi cũng đã khiến tôi nghẹn ngào trong tim mình.

“Cảm ơn”, thế là đủ rồi.

Rời bàn tay ông, tôi cùng Đăng đứng dậy. Đi một đoạn, tôi vẫn cố gắng quay lại để nhìn ông ấy. Nụ cười ấy, vẫn nở trên môi. Nụ cười ấy, không gì khác chính là thứ quý giá nhất mà tôi có thể nhìn thấy được. Một nụ cười mà tôi hằng khao khát bản thân có thể có được trong đời.

- Chúng ta về nhà nào, Ái Liên!

Tiếng Đăng gọi, tôi mỉm cười rồi bước nhanh hơn về phía anh ấy.

Về nhà. Ít ra tôi vẫn còn có thứ được gọi là nhà trên đời này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro