Chương 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bánh mì? Điện thoại rồi lại thẻ ngân hàng? Tôi nghĩ mãi mà trong đầu không có bất cứ một khái niệm gì về chúng. Tôi nghe chúng từ Đăng, cứ thế trên đường đến công ty tôi cứ thẫn thờ thả đầu óc của mình đi đâu đấy khắp nơi. Mãi một lúc sau tôi mới biết rốt cuộc bánh mì là gì. Nó là một món ăn phổ biến của con người với đủ thứ nguyên liệu được nhồi vào một thứ có lớp vỏ bên ngoài giòn tựa như một con cua nướng chín. Tôi không rõ là bác gái đã cho bao nhiêu thứ vào, nhưng cảm  giác khi cắn vào rất hòa quyện. Bánh mì có vị chua nhẹ, có mùi hăng, lại có mùi thịt. Tổng hòa của những thứ chẳng có lấy một tương quan nào lại có thể trở thành một đặc sản mà con người yêu thích? Tôi thích bánh mì.

Đến chỗ làm, khi đấy chị Phượng vẫn chưa đến nên Đăng có hỏi tôi:

- Ái Liên này! Lúc kiểm tra túi thì cô đã kiểm tra kĩ chưa?

Tôi gật đầu, nhưng sau đấy sắc mặt anh ấy tệ dần đi. Anh ấy thở dài.

- Biết cô được ba ngày, đã thế lại còn làm mất điện thoại với thẻ ngân hàng của cô. Tôi áy náy quá.

Dù tôi chưa rõ lý do vì sao anh ấy lại ủ rũ như thế, mãi một lúc sau khi anh Trung vào đến văn phòng với một ly cà phê thì tôi mơ hồ có được vài khái niệm cơ bản về thứ mà người ta gọi là điện thoại.

- Chán cô em lắm cơ. Không có cái thứ vuông vức, đẹp đẽ này thì sao mà sống được hả bé ơi?

Hóa ra, thứ mà anh Đăng cầm trên tay có thể sáng lên trong hình hài vuông vắn ở các cạnh xung quanh được con người gọi là điện thoại. Đăng bảo nếu không có thứ đấy thì con người sẽ rất khó để giữ kết nối với nhau, đặc biệt là trong trường hợp hai bên đều ở xa nhau. Việc đấy sẽ được giải quyết nếu có “điện thoại” trong tay.

Bản thân tôi không hiểu tại sao thiếu điện thoại thì con người không thể sống được. Không phải tôi lên án, bài xích hay chê bôi thành quả sáng tạo của con người đâu. Chỉ là, nếu con người chỉ đi làm, ăn uống và ngủ nghỉ thì điện thoại có thật sự quan trọng đến thế không? Nếu thiếu nó thì liệu con người có quên cả việc ăn uống lẫn các nếp sống sinh hoạt hằng ngày không?

Gác lại những suy nghĩ ấy lại trong tâm tư, tôi cần mẫn trở lại với bàn làm việc cạnh chị Phượng. Vẫn từng đấy các sổ sách giấy tờ không tên, những lần bấm bút lạch cạch trên bàn thỉnh thoảng làm tôi giật mình, chỉ đôi chút thôi. Sau đấy, tôi lại đi quanh quẩn trong phòng làm việc. Tất nhiên là không làm phiền đến bất kỳ ai.

Mọi người ai nấy đều vùi đầu vào công việc cả, tận tụy với nó như một lẽ sống vậy. Công việc của tôi đúng là không có gì phải lao tâm khổ tứ như mọi người. Chẳng hiểu sao tôi cứ cảm thấy mình dư thừa trong chính không gian vẫn có người vây quanh mình như vậy? Thế giới của con người quả thật mới mẻ và hiện đại hơn so với những hoạch định trong đầu tôi. Từ gì nhỉ? Chị Sú bảo khi tôi đột ngột tiếp cận một khối lượng các kiến thức mới thì tôi sẽ cảm thấy….

Choáng ngợp.

Là nó.

Đến giờ nghỉ trưa, mọi người cùng tôi xuống nhà ăn. Tâm trạng tôi không hẳn là không vui, chỉ là trong tôi có chút gì đấy không được hào hứng. Khoan đã! Chớ nói rằng tôi hóa ra chỉ có thể cố được đến đây. Không! Không phải!

Thế giới xung quanh tôi, vẫn còn nhiều điều tôi chưa thể khám phá hết. Ngọn lửa nơi ngực trái của tôi vẫn hừng hực cháy lên mỗi ngày. Bình mình đua nhau thắp sáng mỗi ngày bằng một nụ cười ấm áp, tôi chưa thế bỏ cuộc. Tôi không bỏ cuộc.

Trước khi đến chỗ bàn ăn, tôi có ghé ngang quầy nước để lấy một ly cà phê sữa cho anh Đăng. Xung quanh đều không có bất cứ trúc trắc gì bất cập. Chợt, từ một góc khuất tầm mắt của tôi có một cậu bé đang chạy nhào về phía tôi. Quá trớn, cậu bé không dừng lại kịp. Chính bản thân tôi cũng bất ngờ mà không kịp phản ứng gì. Ly cà phê trên tay tôi bị hất bổng lên không trung, nó xoay vài vòng không thể cho là duyên dáng. Chồm người qua, ly cà phê lạnh buốt ấy ngã vào váy tôi.

Hốt hoảng, cậu bé khóc òa lên. Nhanh tay, tôi bế cậu bé đứng dậy và hai đầu gối quỳ xuống đất. Cẩn thận, tôi nhìn quanh một vòng cậu bé. May mắn thay cậu bé không hề bị thương, chẳng có chút cà phê nào đổ lên người cả. Sau đấy, không hiểu vì lý do gì nhưng mẹ cậu bé xuất hiện và quát xa xả vào mặt tôi. Chị ấy không hề kiêng nể, cứ thế mắng vào mặt tôi trước mặt mọi người.

- Mặt mũi cũng sáng sủa mà sao lại đi bắt nạt trẻ con thế? Mắt cô để đâu? Sao? Tôi nói đúng quá nên cô không hất được cái mồm lên mà trả lời à? Này! Tôi không phải chó, càng không phải cua nên tôi không ngang ngạnh gì. Nhưng, cái thái độ của cô là như thế nào? Đã làm sai lại không biết xin lỗi, ngữ người nào tuyển cô vào đây làm việc thế?

Lắc đầu, tôi không đồng ý. Tôi đã làm gì sai. Tôi cứ thế vẫy tay trong vô vọng, bà ấy lại càng cao hứng. Cả nhà ăn tràn ngập trong tiếng chị ta quát tháo tôi.

- Lại thích giở trò giả vờ là nạn nhân để được thương hại à? Bà mày nhìn là đã không ưa rồi, loại mất dạy!

Giơ cao cánh tay, chị ấy dồn một lực mạnh nơi lòng bàn tay tác động vào gò má tôi. Mất thăng bằng trên đôi giày cao gót, tôi ngã sõng soài trên mặt đất. Gắng gượng, tôi tìm cách để bản thân đứng dậy nhưng cổ chân tôi đau quá. Nhấc lên thì lại đau dữ dội. Tôi cắn răng chịu đựng, cố gắng bỏ ngoài tai những lời nói ấy của chị ta. Cơ mà, sao lời nào câu nấy đều khó nghe đến thế? Chị ấy thẳng thắn mạt sát tôi giữa thanh thiên bạch nhật như thế thì bà ấy mới hài lòng sao?

- Vẫn chưa chịu đứng lên hả, tiểu thư? Được lắm! Để tao coi tiểu thư như mày còn dám láo với bà mày không?

Hoảng sợ, tôi lùi lại khi bà ấy tiến đến với khuôn mặt hậm hực tràn đầy lửa giận. Tôi cứ thế lê thân mình lùi lại, cho đến khi một bàn tay đủ lớn đã ngăn bước chân bà ấy tiến về phía tôi. Nhất thời, tôi đặt hai tay lên ngực trái đang đập nhanh như trống dồn. Mắt tôi hướng về bàn tay ấy.

Là anh Đăng.

Buông tay chị ấy ra, anh tiến đến khéo léo đưa cánh tay tôi qua choàng lên vai anh. Khum xuống, anh cẩn thận cởi đôi giày cao gót trên chân tôi ra bên ngoài. Sau đấy, bằng một thái độ lạnh lùng, thái độ anh lãnh đạm hơn mọi ngày. Ánh mắt vẫn rạng ngời như nắng lúc này lại tối đen như một ngày bão lớn kéo đến. Anh cất tiếng.

- Tôi không rõ là cô ấy đã làm gì con trai chị. Nhưng chuyện chị hành hung người khác giữa nơi công cộng như vậy thì có cho là chị đang lộng ngôn không?

- Thì ra là một lũ mất dạy với nhau. Đấy, chú thấy rõ rồi đấy. Rõ ràng là con người yêu khốn nạn của chú đã làm ngã con của chị. Xin lỗi khó thế á? Con nít nó còn làm được, huống hồ chi là cái con nhỏ…

- Cô ấy bị câm. Chị rõ chưa? Thế nào, cô ấy là người khuyết tật đấy!

Mắt anh căm phẫn nhìn chị ta, tôi lúng túng lại áy náy không biết mình nên làm gì. Chị ấy vênh mặt lên, vẫn thái độ khinh khi ấy, chị ta cay nghiệt nói.

- Câm hả? Câm thì đã làm sao? Khuyết tật thì đã làm sao? Lu manh giả danh tri thức à? Đâu, bằng chứng đâu? Câm hả? Câm đâu? Câm chỗ nào?

Tôi uất ức, nhưng tiên cá làm gì có nước mắt.

Bất lực, tôi chỉ có thể nhìn xuống đất mà không nói gì. Chị Phượng từ phía sau người phụ nữ ấy tiến đến, chị liền phản bác với giọng điệu sắc sảo.

- Câu đó thì chị nên xem lại. Không biết là cô ấy giả câm, hay là do chị là ngữ người đầu đường xó chợ nên mới đi gây sự với người đến việc ú ớ còn chẳng làm được. Chưa kể, tôi nói chị biết. Khu này có máy quay an ninh đấy, nếu muốn thì chị có thể lên nhờ bộ phận kỹ thuật trích xuất ra mà xem. Lúc đấy tôi không biết ai mới là người đi đóng vai nạn nhân đấy.

Người phụ nữ kia mặt liền tái lại, chị Phượng khoanh tay trước ngực rồi nói tiếp.

- Chính mắt tôi thấy rõ, tôi làm chứng rằng chính con trai chị là người vô ý vô tứ, và kể cả chị cũng thế. Chị để con chị đi rong ruổi, lang thang chạy nhảy khắp nơi như thế, chị nhìn lại xem. Chị làm mẹ kiểu gì đấy. Con mình làm sai lại coi như không thấy, đến đứa nhỏ đang khóc chị lại không dỗ dành. Chị đi hành hung người khuyết tật, chị mắng mỏ, chị xài xể người khác như vậy trước mặt mọi người. Để làm gì? Chị ra uy với ai. Chị là vợ giám đốc nào? Tôi không quan tâm. Chắc chị cũng thấy là ở đây không chỉ có hai mẹ con chị và Ái Liên đâu, nhỉ?

- Phải đấy! Con trai chị ấy rõ rành rành là đã vô ý ngã vào người cô ấy rồi còn gì!


- Làm mẹ kiểu gì không biết? Chỉ giỏi ăn vạ thôi!

Mặt thất thần, mặt chị ấy biến sắc. Mọi người ai nấy đều bảo chính con trai chị ta đã bất cẩn đâm sầm vào người tôi. Đến con trai chị ấy đã gật đầu xác nhận như thế. Quay lưng bỏ đi không nói gì, chị ta chỉnh trang tóc tai rồi cùng cậu con trai bước nhanh trên nền đất sáng bóng. Nhìn lại thì chiếc váy màu hồng giờ đã lấm lem màu nâu nhạt của cà phê sữa, tóc dính một ít nhưng không đáng kể. Chị Phượng tiến đến đặt tay lên bảo:

- Em không sao chứ?

Tôi lắc đầu, cơ mà rõ là tôi không hề ổn. Cổ chân tôi đau điếng. Bất thình lình, cả cơ thể tôi được nhấc bổng lên trên tấm lưng rộng của anh Đăng. Giọng nói hằng ngày đi vào tai tôi đã êm dịu trở lại tựa như sóng biển phẳng lặng trước một đợt thủy triều lắng xuống.

- Để tôi đưa cô sang phòng y tế.

Tôi chưa từng thấy ai đấy có thể nhẫn nại và bình tĩnh được dường như Đăng. Chưa một lần tôi nghĩ anh rồi sẽ có những lúc giận dữ đến thế. Cách anh biểu hiện điều đó ra ngoài, cách anh nhìn người phụ nữ ban nãy với khuôn mặt không gợi một chút nào đến con người thật của anh. Lúc này, anh cứ nắm lấy bàn chân tôi bằng hai tay, anh ra sức với lực tay vừa phải liên tục xoay phần cổ chân bên dưới. Anh im lặng, mãi chẳng nói gì với tôi. Các chị gái vận trên mình chiếc áo trắng hồ như các thiên thần đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Suốt một lúc, kể từ lúc tôi được các chị ấy chăm sóc. Đăng được dặn dò rằng hãy ở lại một lúc để “xoa bóp” cổ chân giúp tôi. Và chưa một lần nào anh rời tay ra, kể cả lúc này trán anh đang mướt mồ hôi.

Ước gì tôi có thể lên tiếng bảo rằng tôi vẫn ổn, tôi mong mình có thể làm như vậy. Vẫn còn tận bốn ngày nữa, không biết liệu cô Uyên đang quan sát tôi như thế nào, liệu bố tôi đã hay về chuyện tày đình này chưa? Tất cả đều là nhưng câu hỏi không một lần phản hồi.

Có phải vì anh đã thấm mệt, anh từ từ hạ bàn chân của tôi để nó buông thõng xuống mặt đất. Anh ấy với đôi mắt khác với lúc trước, đồng tử đen anh giãn ra, thoáng hiện trên khuôn mặt anh là một nốt trầm buồn bã, sắc mặt anh không vui. Khiên cưỡng, anh gắng gượng cười nhưng thật sượng.

- Xin lỗi! Xin lỗi vì không thể bảo vệ cô.

Đặt tay lên vai Đăng, tôi cố nói rằng đấy không phải là lỗi của anh. Anh ấy lắc đầu, bàn tay đặt trên vai anh được anh nắm lấy bằng cử chỉ nâng niu, hai lòng bàn tay anh áp lên tay tôi. Tiếng nói anh ủy mị, mang nét não nề. Anh suy nghĩ gì đấy.

- Tôi không biết là bố mẹ cô có biết về những điều này hay không. Sẽ thật không hay nếu họ biết được con gái họ đang ở với một người đàn ông đến việc bảo vệ và chăm sóc cô ấy tôi còn chẳng làm cho nó ra hồn. Chịu nhiều uất ức như thế, có bố mẹ nào mà cam lòng chứ.

Anh ấy không cần phải nói như thế. Đây là lựa chọn của tôi. Việc tôi ngoi lên bờ, đánh đổi giọng hát để có được đôi chân này ngay từ đầu đều là một tay tôi quyết định. Những việc xảy ra không may này chẳng qua chỉ là một thách thức đối với tôi. Không oán trách, lại càng không than vãn. Chính tôi đã chọn đến với thế giới của con người, đến với thế giới mà Đăng sinh sống. Anh ấy không sai. Thế giới này trắng đen ra sao, tôi còn không rõ huống hồ gì là một người như anh.

Ước gì tôi có thể nói cho anh ấy biết điều đó.

Bản thân tôi không biết liệu mình có cách nào để có thể cảm ơn anh ấy không? Ngực trái tôi đang rung động với tần số mạnh mẽ, điều gì đấy từ tận đáy lòng tôi muốn được nhắn gửi đến anh. Tôi áp hờ hai tay mình lên, anh ngước nhìn. Tôi gật đầu, không biết anh rồi sẽ hiểu được bao nhiêu. Trong thoáng chốc, anh bật cười. Một nụ cười tự nhiên hết mức. Đăng gật đầu.

- Tôi cảm ơn.

Nếu không có anh bên cạnh, tôi không biết mình liệu sẽ sống thế nào. Một thế giới phức tạp hơn những gì tôi nghĩ rất nhiều. Không kỳ vọng rằng tôi sẽ được gặp một người tử tế như Đăng. Bên dưới biển sâu kia, không mấy ai có thể thân thiện, tốt bụng được như anh. Tốt như tất cả mọi người ở phòng ăn vừa nãy.

Niềm tin trong tôi không vì người phụ nữ ấy hay người thanh niên xấu tính hôm kia mà có thể lung lay. Lựa chọn của tôi đến giờ phút này chưa sai dù chỉ một chút.

Tôi biết ơn, vì lựa chọn của mình đến hiện tại là đúng đắn.

Quay trở lại phòng làm việc, đương nhiên là chẳng thể quay lại lấy một bộ váy khác để thay ra. Những chuyện như thay đồ này, một tay chị Xuân đã hướng dẫn tôi. Tôi nắm được điều đấy, và tôi làm nó tốt hơn mỗi ngày.

Các giấy tờ quan trọng, những bản phác thảo đều không cần đến sự giúp đỡ của tôi. Chị Phượng bảo tôi nên nghỉ ngơi, chị ấy có thể gọi điện đến hỏi chị Hà hoặc các sếp về chúng nên tôi không cần phải động tay vào. Chị My vào phòng, chị ấy đưa cho tôi một thứ gần giống như một đôi cao gót, cơ mà nó lại chẳng giống. Phần sau của nó bằng phẳng hệt như phần mũi phía trước. Đó là dép.

- Em đi dép vào cho thoải mái, nhé? Chị chả biết em thích màu gì nên chị cứ lấy tạm đôi màu trắng. Chị tặng em đấy, đừng đưa tiền cho chị.

Nó thoải mái hơn hẳn, tôi di chuyển không hề gặp trở ngại. So với đi cao gót, có lẽ tôi thích đi dép hơn. Nhưng nó lại không lấp lánh và đẹp như cao gót. Biết sao được, tôi không thể đòi hỏi gì thêm cả.

Một ngày đi làm khép lại với nhiều xáo trộn, sau đấy tôi đi cùng Đăng đến một nơi rộng như nhà anh ấy. Nó không có sofa, không có bàn ăn, không giống như ở nhà. Có hàng tá những con người đang chạy đôn chạy đáo bên trong, đến khi tôi ngồi xuống một chiếc ghế thì phần nào tôi hiểu ra mục đích của nơi này.

Mua điện thoại.

Không đơn giản chỉ có một loại màu sắc và kích thước, chúng đa sắc với đủ mọi loại kích thước khác nhau. Màn hình sáng của chúng thay phiên nhau thu hút ánh nhìn của tôi. Đăng bảo tôi thích màu nào thì cứ lựa, việc trả tiền thì anh ấy sẽ trả trước. Đến khi tôi có tiền thì tôi sẽ trả lại cho anh. Quanh quẩn một lúc, tôi chưa ưng ý với chiếc điện thoại nào cả. Đưa tay lướt qua rồi lướt lại trên màn hình, tôi rụt tay lại rồi tự hỏi tại sao nó lại di chuyển.

Mải mê đi một lúc, tôi cầm một chiếc lên với kiểu dáng không to như của Đăng. Màu xanh nom hệt như màu của nền trời thu hút tôi, màn hình sáng vừa phải khiến tôi không nghĩ ngợi mà liền muốn có được nó. Tôi chỉ tay mình vào chiếc điện thoại rồi anh Đăng gọi một người đàn ông nào đấy mà anh gọi là nhân viên đến để lấy nó ra cho chúng tôi.

Sau đấy, Đăng cất nó vào lại chiếc túi đi làm của anh. Đi qua trụ đèn đường hôm trước, những ánh đèn và những vì sao như đang thách thức nhau. Chúng đang tỉ thí xem rằng ai mới là kẻ sáng chói hơn. Dù ai là kẻ chiến thắng, chúng đều đã lung linh, nhiệm màu. Là thứ ánh sáng mộng mơ, huyền ảo nhưng lại chân thật nhất mà trần gian này có được.

Lãng quên đi mất sự tồn tại của ai đó đang ngay bên cạnh, tôi chỉ vẩn vơ ngắm mãi những vì sao và đèn điện lung linh. Tôi nghe thấy tiếng anh phì lên. Từng bước chân của chúng tôi sánh ngang nhau trên đường về nhà, gió lại men theo mặt biển đưa đến hương vị khoang khoái của một ngày mệt nhọc.

Thời gian có lẽ chưa từng bỏ quên bất cứ ai, tôi cũng tương tự. Đôi chân này chỉ còn vài ngày nữa để có thể được đặt chân đến những nơi mới mẻ, được trải nghiệm bao điều mà tôi vẫn chưa thể nào thực hiện. Dẫu thế nào đi nữa, tôi muốn mình phải thể hiện thật tốt. Tôi yêu con người và thế giới của họ đến nhường nào, mong rằng cô Uyên có thể thấu hiểu được tất thảy.

Bởi từ khoảnh khắc ngổn ngang những bộn bề cảm xúc lúc này, tôi đã không thiết đến giọng nói của bản thân mình nữa.

Trái tim tôi đã trót dành cho thế giới này mất rồi.

- Khi nãy, cô đã nghĩ gì thế?

Đăng tò mò hỏi tôi.

Im lặng, tôi đưa mắt mình về biển khơi, nơi những vì sao đang hằn lên mặt nước những phản chiếu mờ ảo, lung linh. Như đang thầm nói với anh:

- Không gì cả. Tôi chỉ nghĩ về biển cả ấy mà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro