Chương 18: Đại thành Toán pháp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ sau ngày hôm đó, đã 1 tuần rồi cậu không nhìn thấy Diêu Quân. Kết thúc 3 ngày nghỉ phép, cậu liền trở về với cuộc sống bận rộn như trước kia, sáng đến lớp học, chiều quanh quẩn trong vườn ngắm cây cảnh, đôi lúc sai bảo hạ nhân chỉnh sửa, chăm sóc và trồng thêm không ít cây cối trong vườn. Cậu cho người đến phủ nội vụ xin thiết kế một hòn non bộ nhỏ, lại đào thêm cái ao nuôi cá, chung quanh hồ nước trồng thêm ít cây ngâu, vừa điểm tô thêm sắc xanh vàng cho quang cảnh, vừa có hương thơm thoang thoảng thư giãn đầu óc.

Những tiết võ của Diêu Quân được dạy thay bởi 1 vị tướng quân về hưu do thương tật. Ông ta không quá khắt khe với cậu, hay nói chính xác hơn là không quan tâm đến cậu, để mặc cho cậu tự tập luyện. Trước đây Kiến Văn rất sợ khi đến tiết của Diêu Quân, luôn tìm cách trốn tránh, nhưng bây giờ, cậu rất nhớ hắn. Phụ hoàng gần đây cũng rất bận, năm lần bảy lượt cậu tìm cách gặp người để nói chuyện xin vào thái y viện mà không được.

"Ngươi đã hứa đem đồ ăn ngon cho ta rồi mà..."

Kiến Văn nằm dài lên bàn, ánh mắt xa xăm nhìn ra ao nước lấp lánh, toả sáng dưới ánh nắng mặt trời. Bây giờ cậu mới thấm thía được cảm giác của một hoàng tử cổ đại, mà lại còn là một hoàng tử không bè không phái, không có việc gì để làm, chỉ ăn, học rồi ngủ.

"Hoàng thượng giá đáo!"

"Phụ hoàng!"- Kiến Văn bật dậy, vội chỉn chu lại quần áo, hai tay xoa mặt để làm mờ đi những vết hằn lúc nằm đè trên bàn.

"Được rồi, các ngươi lui ra ngoài đi."

"Phụ hoàng sao lại đột ngột đến cung của nhi thần, người có việc gì sao?"

"Không có việc gì thì không thể đến sao, vậy thì ta đến kiểm tra bài vở của ngươi."

Kiến Văn bĩu môi, nhưng cậu không sợ. Nhờ có 2 ngày được Diêu Quân kèm riêng, cậu đã có thể thuộc và hiểu được nghĩa của rất nhiều chữ, ít nhất là hiện tại, cậu đã có thể hiểu được thầy đang giảng những gì trên lớp. Cũng bởi vì rảnh rỗi nên hầu như cả ngày cậu đều dành cho việc học, có thể nói, lượng bài vở cậu viết và học được trong 1 tuần này nhiều gần bằng lượng kiến thức mà Ngũ hoàng tử học được trong 15 năm. Kiến Văn dễ dàng trả lời được các câu hỏi của phụ hoàng, một phần vì các câu hỏi của phụ hoàng khá đơn giản, chỉ hỏi lý thuyết chứ không yêu cầu cậu giải thích cặn kẽ.

"Ta nghe Vân Đồ nói rằng ngươi có khiếu toán học, hắn còn trách tại sao trước đây ngươi ham chơi không lo học tập."

Vân Đồ chính là thầy dạy môn toán cho các hoàng tử. Khi còn bé, Kiến Văn từng tham gia cuộc thi tính nhẩm theo phương pháp Soroban, cậu còn đoạt được huy chương vàng cấp tỉnh giải thiếu nhi khi chỉ mới 6 tuổi. Bốn năm cấp 2, cậu theo học chuyên toán theo yêu cầu của ba mẹ, từng đoạt không ít giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia. Tuy nhiên, khi lên cấp 3, cậu rẽ hướng sang chuyên sinh, nhưng nhìn chung, cậu vẫn là con người của khoa học kỹ thuật. Chính vì vậy nên các phép toán thời cổ đại này không thể nào làm khó được cậu.

Sách giảng dạy toán cho các hoàng tử là Đại thành Toán pháp, có gần 150 bài toán chia ra làm 7 dạng, bao gồm cả bói toán. Mỗi một đề toán đều mất trung bình 2 buổi mới giảng xong, thậm chí có những vấn đề phức tạp phải mất đến 5 buổi mới hoàn thành. Trước đây, môn toán này với Ngũ hoàng tử như nước đổ đầu vịt, thậm chí hắn còn không thể làm các phép tính cộng trừ nhân chia cơ bản. Cậu vẫn nhớ rõ khoảnh khắc khi Vân lão sư đặt câu hỏi cho cả lớp, những hoàng tử, công tử khác vẫn đang nhăn mặt suy nghĩ thì cậu đã xin phép trả lời. Ánh mắt cả lớp nhìn cậu không khác gì những vị khán giả đang xem khỉ làm xiếc vậy, cười cợt có, chế nhạo có, cũng có nhiều người không quan tâm, tập trung giải bài. Nhưng khi cậu đưa ra câu trả lời đúng, ánh mắt họ tràn ngập vẻ khinh bỉ, giống như cậu đang gian lận vậy.

"Không phải Diêu Quân đến tận cung dạy kèm cho hắn mấy canh giờ sao, có khi hắn đã biết đáp án từ trước, bây giờ chỉ ra vẻ thông minh thôi."

"Chắc chắn là như vậy rồi. Ngũ hoàng tử mà lại biết giải toán sao, có khi hắn đọc đề còn không hiểu ấy chứ."

Không biết bọn họ là công tử nhà nào, thế lực ra sao nhưng nói xấu người thì cũng nên nói bé một tí chứ, đứng trước cửa lớp oang oang như vậy, ai cũng nghe được, không sợ mang tội sỉ nhục hoàng gia sao.

"Các ngươi đừng nói như vậy. Ngũ đệ gần đây cố gắng học tập là chuyện đáng mừng. Cho dù có được Diêu ca giảng trước đi nữa, thì nhớ được cách giải và đáp án cũng là rất đáng khen rồi."

Tứ hoàng tử Hạ Kiến Ân bước ra từ phòng học, bình thường cậu bị chế nhạo, hắn cũng chỉ im lặng ngồi xem. Không hiểu vì sao hôm nay lại lên tiếng, không biết có thật sự muốn giúp cậu hay không.

"Đa tạ Tứ huynh khích lệ, hoàng đệ sẽ tiếp tục cố gắng."

Kiến Văn cười đáp trả rồi nhanh chóng cáo lui, dính đến đám hoàng gia quý tộc này thì không nên nhiều lời, một điều nhịn chín điều lành. Kể từ sau hôm đó, không biết đám công tử quý tộc dở chứng gì, mỗi lần Vân tiên sinh đặt câu hỏi đều chỉa mũi dùi vào cậu, bắt cậu trả lời. Nhưng đáng tiếc thay, bọn họ càng làm như vậy càng khiến cậu trở nên nổi bật hơn, mỗi lần như vậy, Vân Đồ đều gật gù, ánh mắt nhìn cậu cũng khác trước kia, có chút hài lòng, cũng có chút tiếc nuối.

"Vì sao lại là Ngũ hoàng tử chứ."

~Hết~ 

Mee: Quà đêm giao thừa cho mn đây (ノ◕ヮ◕)ノ*.✧

Chúc mọi người năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, chúc các bạn học sinh, sinh viên học giỏi, điểm cao, chúc các bạn đã đi làm công việc thuận lợi, làm ăn tấn tới, phát tài phát lộc. ✧◝(⁰▿⁰)◜✧

*

Cây ngâu.

*Phương pháp tính nhẩm Soroban: là một phương pháp cực kỳ thông minh, sử dụng hình ảnh chiếc bàn tính cổ để tưởng tượng và tính nhẩm các phép tính một cách siêu tốc. Nếu mọi người có xem Siêu trí tuệ thì sẽ thấy rõ, các tuyển thủ tính nhanh khi tính toán, 2 đầu ngón tay sẽ cử động để mô phỏng hình ảnh bàn tính trong đầu. Ngoài ra thì học sinh Nhật hiện nay không được sử dụng máy tính cầm tay khi học và thi, nên phương pháp Soroban khá phổ biến ở Nhật.

*Đại thành Toán pháp: hay Toán pháp đại thành (chữ Nôm: 算法大成), là một cuốn sách toán học cổ của Việt Nam, được tác giả là Lương Thế Vinh biên soạn vào giữa Thế kỉ 15. Hiện nay còn bản in Đại thành toán pháp thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu  Vĩnh Thịnh (1705-1719). Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm còn có hai bản; bản mới nhất được chép năm Giáp Thân, thời kì vua Bảo Đại (1944). (Nguồn Wikipedia)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro