[CHAPTER 10 : Hà Nội Nghìn Năm Văn Hiến]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chúng tôi đặt chân đến Hà Nội trong cái lạnh 15 độ của một ngày giữa đông năm 1945 . Với bản thân tôi thì đã quá quen với cái lạnh cắt da cắt thịt này nhưng mấy đứa bạn tôi thì lại không như vậy . Hội An nằm ở nửa phía nam của dãy Bạch Mã nên không chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và không được phân mùa rõ rệt như miền bắc . Dường như đây là lần đầu Nam Phương và đám bạn cảm nhận được cái lạnh tê tái nên mấy đứa nó đang đứng run cầm cập ở trước cửa ga Hà Nội . À mà còn về lí do tại sao chúng tôi có mặt ở Hà Nội thì mấy ngày trước thợ xây đã thông báo với tôi rằng ngôi nhà đã bước vào giai đoạn tu sửa cuối cùng và chỉ khoảng nửa tháng nữa là hoàn thiện . Nhân cơ hội này , tôi đã rủ Nam Phương ra Hà Nội vừa để sắm đồ đạc cần thiết vừa để em tham quan mảnh đất của lịch sử và rồi em cũng rủ mấy đứa kia leo đẽo theo sau .
- Xuân Tú , cậu cõng Hạ Vy đi .
Chuyến tàu từ Đà Nẵng đến Hà Nội kéo dài 16 tiếng cộng với việc đoàn tàu rung lắc dữ dội khiến Hạ Vy say sấp mặt . Tôi cũng chẳng nhớ cô đã nôn thốc nôn tháo bao nhiêu lần nhưng hiện tại đôi chân Hạ Vy mềm nhũn và nét mặt đã tái xanh lại , cô đã rất mệt mỏi và chẳng còn sức để đi tiếp nữa . Mất thêm 20 phút để về đến quán trọ , cả đám mới bỏ hết đồ đạc rồi nằm vật vã ra nghỉ ngơi , Hạ Vy và Thu Minh đã ngủ thiếp đi trong khi Xuân Tú và Đông Triều đang nằm thì thầm gì đó rồi cười tủm tỉm . Tôi thì ngồi bên cửa sổ , tay nâng tách trà lên nhâm nhi từng ngụm đồng thời phóng tầm mắt ra đường phố náo nhiệt bên ngoài .
Hà Nội vẫn luôn đẹp đến vậy . Hai hàng cây xanh ngát phủ bóng râm che kín cả con đường . Tia nắng ấm áp đâm xuyên qua tán lá xum xuê đánh tan cái lạnh của miền bắc . Làn gió lướt qua khung cửa sổ mang theo chiếc lá uốn lượn giữa không trung . Bầu trời xanh cao vút . Đám mây lơ lửng tạo thành những hình thù kì lạ che khuất đi ánh nắng của mặt trời khiến phố cổ bị chia cắt thành 2 nửa . Một bên rực rỡ ánh nắng ấm áp , một bên chìm đắm trong hơi lạnh ẩm ướt . Hướng mắt xuống phía dưới một chút là dòng người vội vàng bước qua , tiếng bán buôn xen lẫn với tiếng cười đùa vang vảng khắp nơi . Trên vỉa hè là một vài gánh hàng rong bày bán đủ thứ đồ và thấp thoáng một vài đứa trẻ đang nhảy lò cò trong những ô vuông được đánh số từ 1 đến 9 .
- Anh đang nhìn gì đấy ?
Nhìn thấy tôi chìm đắm trong vẻ đẹp mộc mạc của đất Hà Thành , Nam Phương cất tiếng hỏi .
- Lâu lắm rồi anh mới quay lại đây nên có chút hoài niệm ấy mà .
- Vậy anh thấy Hà Nội bây giờ thế nào ?
- Thay đổi đến mức không còn nhận ra nữa .... Haizz anh thực sự đã già quá rồi .
- Thế anh nghỉ ngơi đi rồi chiều mình đi chơi .
- Ừ .
Tôi chẳng nhớ cái tên "Hà Nội" có từ bao giờ , có lẽ là từ thời vua Minh Mạng và kinh đô này đã trải dài suốt ngàn năm lịch sử . Đến với phố cổ Hà Nội , ai cũng sẽ choáng ngợp trước vô số kiến trúc trăm tuổi được xây dựng một cách tỉ mí kết hợp giữa các nền văn hoá phong phú của Đông Nam Á , Trung Quốc và Pháp . Những ngôi nhà liền kề nhau được xây dựng theo kiến trúc cổ điển , nhà ống và mái ngói nghiêng , tường được sơn vàng đặc trưng trong khi mặt tiền phần lớn là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều . Dường như những căn nhà tranh quen thuộc năm xưa đã không còn tồn tại . Cây xanh cũng là điểm đặc trưng của nơi đây khi dạo bước trên từng con phố , ta đều chìm đắm trong tone màu xanh lục mát mẻ và hương thơm dễ chịu . Khi nhắc đến Hà Nội , người ta thường nhắc đến 36 phố phường và mỗi con đường phố cổ đều đại diện cho từng làng nghề lâu đời mang tên "Hàng" đồng thời nơi đây cũng lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam từ tận thế kỉ thứ 11 .
Buổi chiều nắng nhẹ nhưng vẫn không làm giảm bớt cái lạnh tê tái , chúng tôi dạo bước trên con phố Hàng Đào nơi bán vải vóc tơ lụa để tìm những đến những cửa hàng quần áo và mua trang phục phù hợp với thời tiết . Bởi chỉ ở lại đây vài ngày nên ưu tiên của chúng tôi là những trang phục truyền thống đậm chất Việt Nam , là trang phục người xưa thường mặc để trải qua mùa đông giá rét . Sau một hồi thử đồ , Thu Minh và Hạ Vy khoác lên mình bộ Giao Lĩnh màu hồng và màu vàng, vạt áo dài ngang đầu gối , ống tay áo dạng trực cư , áo được mặc thành nhiều lớp đi kèm với váy tạo lên điểm đặc trưng của bộ Việt Phục thời nhà Lê . Đặc biệt hơn hết áo Giao Lĩnh cũng chính là tiền thân của áo dài thời hiện đại đồng thời dạng áo này cũng được sử dụng phổ biến tại 4 nước Việt , Trung , Hàn , Nhật . Tiếp đến là Nam Phương , em bước ra trong bộ Nhật Bình màu đỏ , là màu đại diện của bậc công chúa thời phong kiến . Áo Nhật Bình là di sản của cố đô Huế được lấy ý tưởng từ loài áo Phi Phong của triều Minh thường được các bậc phi tần , hậu cung và công chúa mặc trong triều đại nhà Nguyễn . Cổ áo được thiết kế hình chữ nhật , hai vạt áo được cố định bằng giây buộc . Khắp thân áo là vô số hoạ tiết đặc sắc xen lẫn chữ Phúc , chữ Thọ và đính kèm với tim tuyến lấp lánh . Khi khoác bộ phục trang lên người , các hoa văn trước ngực sẽ ghép lại thành hình chữ nhật và cái tên Nhật Bình cũng từ đó mà ra . Và rồi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi , em ngước mắt sang tôi và mỉm cười .
- ....
Gì thế này ? Nụ cười xinh xắn của em khiến con tim như hẫng lại một nhịp , không chỉ vì em quá xinh đẹp mà trong tôi lại xuất hiện cảm giác quen thuộc đến kì lạ , là khoảnh khắc đưa tôi ngược dòng về quá khứ , là thứ cảm xúc mà tôi đã mong mỏi suốt bấy lâu . Nam Phương đang đứng trước mặt tựa như người con gái năm ấy nhưng không còn là sự bi thương dằn vặt mà là nụ cười hạnh phúc vốn đã đánh mất từ lâu .
- Bắc Phong thấy em thế nào ?
Theo giọng nói ngọt ngào , tôi hướng mắt về phía em và từ từ lại gần . Nhìn bộ áo vẫn còn xộc xệch , tôi mới đưa tay lên để chỉnh lại cho ngay ngắn . Mái tóc ngắn ngang vai của em không thích hợp cho việc búi tóc nên chiếc mấn đội đầu cứ bị tuột ra mãi , tôi liếc mắt quanh gian hàng một lượt rồi tiện tay lấy một chiếc trâm cài tóc và cuốn gọn mái tóc của em ra phía sau . Nam Phương xinh xắn trong bộ Nhật Bình đậm chất Việt Nam nhưng vẫn thấp thoáng nét đẹp Trung Hoa .
- Nhìn xinh lắm !!
- À vâng ....
Một chút ngại ngùng xuất hiện trên gương mặt em rồi em khẽ cúi mặt xuống . Thấy vậy , Xuân Tú mới cất tiếng :
- Nhìn 2 anh em nhà này trông thân thiết quả nhở .
- Ừ .
Xuân Tú và Đông Triều không để tâm đến phục trang quá nhiều nên chỉ sắm những bộ Việt Phục đơn giản còn đối với tôi là áo Đối Khâm màu xanh dương bởi đó cũng là trang phục mà tôi thường mặc những năm tháng trong triều đình . Áo Đối Khâm là dạng áo có hai vạt song song thường để buông thỏng và áo chỉ có 4 thân nên còn có tên gọi khác là áo tứ thân . Thực tế áo Đối Khâm không có khác biệt quá nhiều so với Nhật Bình , chúng gần giống nhau nhưng lại cách biệt về thời đại .
Trong khung cảnh lãng mạng của đường phố Hà Nội , những đứa trẻ khoác lên mình bộ Việt Phục đầy đủ màu sắc bỗng chốc trở thành tâm điểm mà ai ai cũng ngước nhìn . Chúng tôi vừa đi vừa cười nói vui vẻ đồng thời hướng về con phố Hàng Đường cũng là điểm đến tiếp theo trong ngày . Giống như tên gọi của mình , Hàng Đường được người dân Hà Thành gọi bằng cái tên trìu mến là "con phố ngọt ngào nhất Hà Nội" . Con phố toạ lạc tại phía đông nam của Hoàng Thành Thăng Long và là thiên đường đồ ngọt mà biết bao đứa trẻ hằng ao ước . Chỉ vừa mới đến ngã tư đoạn giao giữa Hàng Ngang - Hàng Buồm - Lãn Ông - Hàng Đường , mùi đường mật đã toả ra thơm phức cả một vùng . Từng sạp bánh kẹo hiện ra trước mắt , bên cạnh những loại bánh kẹo truyền thống còn có cả một số loại mới lạ du nhập từ nước ngoài , nhiều đến nỗi mà chỉ cần ngó bên trái hoặc bên phải đều có thể bắt gặp được các thương hiệu nổi tiếng . Đặt chân đến Hàng Đường không thể không nhắc đến đặc sản ô mai ngon ngọt khiến biết bao người nao lòng , đó là món ăn tuổi thơ của mọi đứa trẻ , là tinh hoa truyền thống của người Hà Nội .
Dòng người qua lại tấp nập , hàng chục biển hiệu đồng loạt xuất hiện khiến chúng tôi phân vân không biết phải vào tiệm nào , cho đến mãi khi đi gần hết con phố thì chúng tôi mới chọn đại một tiệm ô mai nhỏ nằm lọt thỏm giữa 2 hàng bánh kẹo . Cửa tiệm không quá to nhưng bày bán đa dạng các loại ô mai đặc sắc được dán nhãn tên và giá cả trên thân lọ . Ô mai được làm từ nhiều loại trái cây khác nhau như mơ , gừng , mận , sấu , chanh ... mỗi loại đều có hình thù và màu sắc riêng biệt tạo lên sự đa dạng , ngon mắt . Đếm sương sương cũng phải có đến 20 - 30 loại gì gì đấy và còn có cả mứt Tết , bánh dẻo , bánh Trung Thu .
- Nhiều thế này thì biết chọn gì giờ ? Mà chữ này là chữ gì thế ?
Xuân Tú hỏi .
- Tự đánh vần tự đọc đi .
- Đây là ... Ô ... m ... ai ... mai ... Ô mai ...
Nhìn thấy mấy đứa trẻ đang bập bẹ đánh vần từng con chữ được dán trên thân lọ , ông chủ nở nụ cười rồi bước ra khỏi quầy hàng và tiến lại gần chỗ mấy đứa chúng tôi . Mái tóc ông bạc phơ , đôi mắt hiền hầu , nét mặt đã xuất hiện dấu hiệu của tuổi tác nhưng vẫn dồi dào sức sống . Ông nhìn chúng tôi một lượt rồi mới cất tiếng :
- Mấy đứa chắc là người miền trong nhỉ ?
- Dạ chúng cháu là người Hội An ạ .
Nam Phương đáp .
- Ồ vậy à ? Thế muốn ăn loại gì nào ?
- Cháu không biết , đây cũng là lần đầu tiên chúng cháu nhìn thấy món này ạ .
- Hmmm ... Thế thì để xem nào .
Ông chủ đưa tay lên vuốt bộ dài bạc phơ và đảo mắt một lượt qua dãy ô mai được xếp ngay ngắn trên kệ rồi ông cầm lấy lọ ô mai mơ gừng và mở nắp .
- Người miền Trung thường ăn cay và mặn hơn người miền Bắc nên mấy đứa thử loại này xem .
Chúng tôi nhận lấy những viên ô mai hình tròn được phủ lên một lớp gừng màu vàng rồi bỏ vào trong miệng . Hương thơm tự nhiên nhanh trong bao trọn lấy miệng , vị cay từ gừng , vị mặn của muối lại thêm vị chua chua ngọt ngọt mê hoặc lòng người . Ánh mắt của mấy đứa trẻ như rực sáng lên , mấy đứa nhìn nhau cười cười rồi hết lời khen ngợi món ăn mới lạ này .
- Ngon quá !! Món này tên là gì ạ ?
Thu Minh cảm thán trong khi nét mặt vẫn hiện lên sự hồn nhiên ngây thơ như đứa trẻ vừa tìm ra một chân trời mới .
- À , đây là ô mai mơ gừng nổi tiếng Hà Nội đấy .
- Bọn cháu chưa bao giờ được ăn món ngon như này luôn đấy ạ .
- Ở đây không chỉ có mỗi loại đấy đâu , để ta lấy thêm mấy loại khác cho mấy đứa ăn thử .
- Dạ bọn cháu cảm ơn ạ .
- Có gì đâu , bao lâu mới có dịp được gặp đồng bào miền trong mà .
Ông cười rồi đi lấy thêm một vài loại nữa cho chúng tôi ăn thử . Nào là ô mai mơ cam thảo có vị béo của mơ và vị ngọt của cam thảo , ô mai sấu chua ngọt có vị ngọt từ sấu và các gia vị tẩm ướt đậm đà , ô mai Giun Thái được làm từ đu đủ có hình dạng sợi nhỏ có vị chua ngọt dễ ăn .... Mỗi loại đều có từng mùi vị khác nhau không cái nào trùng với cái nào cùng với sự hoà quyện hài hoà giữa vị chua , cay , mặn , ngọt tạo lên bữa tiệc vị giác tuyệt vời .
Tôi chỉ đứng phía sau vừa thưởng thức những viên ô mai ngon ngọt vừa quan sát những biểu cảm thích thú của mấy đứa trẻ lần đầu thưởng thức hương vị thủ đô . Đông Triều nhận lấy một viên ô mai chua ngọt từ tay ông chủ rồi bỏ vào miệng , trong thoáng chốc cậu đứng hình vài giây cùng với gương mặt đang cố gắng kìm nén cảm xúc . Rồi đến lượt Xuân Tú , cũng là một thái độ tương tự Đông Triều và cả 2 quay sang nhìn nhau bằng nét mặt vô cùng khó tả .
- Hạ Vy , loại này ngon lắm này .
Theo tiếng gọi của Xuân Tú , Hạ Vy cũng chạy lại nhận lấy viên ô mai và bỏ vào miệng trong ánh mắt dõi theo của 2 đứa bạn để rồi khoảnh khắc hương vị tan chảy trong miệng , cô mới nhăn mặt lại và hét lên :
- Chuaaaaa !!!!!
Đi kèm với đó là tiếng cười khoái chí của Đông Triều và Xuân Tú , 2 đứa nhè viên ô mai ra rồi nhăn mặt lại do vị chua sộc thẳng lên não , dường như cả 2 đã cố gắng kìm nén lại vị chua khủng khiếp ấy để dụ dỗ cô bạn đau khổ cùng mình . Sau một hồi vị chua mới dịu lại , Hạ Vy liền hét toáng lên rồi đánh vài cái vào lưng của 2 đứa bạn vẫn đang ngoác miệng cười lớn . Khoảnh khắc hồn nhiên ấy khiến tôi bất chợt mỉm cười , nhớ lần đầu thưởng thức viên ô mai ấy , nét mặt của tôi giống hệt bọn họ . Đầu tiên là đơ đơ cảm nhận hương vị , tiếp theo là nhăn nheo mặt mũi bởi vị chua chui tọt xuống cổ họng rồi cuối cùng là nhè ra do không chịu nổi . Thực tế mà nói vị chua không phù hợp với trẻ con chút nào mà bọn chúng chỉ thích đồ ngọt mà thôi .
Rời khỏi tiệm ô mai với cả chục loại khác nhau , đã vậy còn được ông chủ tặng thêm một ít về làm quà tặng gia đình nên mặt đứa nào cũng hớn hở và cười tươi vô cùng . Chúng tôi lại dạo bước trên con phố tấp nập , đi ngược về Hàng Đào và hướng thẳng đến hồ Hoàn Kiếm hay có tên gọi khác là hồ Gươm - biểu tượng của thủ đô văn hiến . Dưới ánh nắng nhẹ nhàng của buổi chiều , mặt hồ trở lên lung linh lấp lánh , những con sóng dạt vào bờ , những cánh hoa xuôi theo dòng nước cùng với đàn cá tung tăng bơi lội . Đứng từ trên bờ nhìn xuống , mặt nước như chiếc gương khổng lồ phản chiếu lại ảo ảnh tháp rùa đứng hiên ngang giữa lòng hồ còn ngoài rìa là những tán lá xanh và các loài hoa đủ màu sắc tạo lên các hoạ tiết rực rỡ . Cái tên "Hoàn Kiếm" gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi hoàn trả gươm Thuận Thiên cho Rùa Vàng , là thanh gươm đã đồng hành cùng quân dân ta dẹp tan quân xâm lược nhà Minh để rồi khi nước nhà yên ấm , vua Lê Lợi đã trả thanh gươm thần về lại với chủ nhân của nó và cái tên "Hoàn Kiếm" đã ra đời .
Đi thêm một đoạn có thể thấy đền Ngọc Sơn toạ lạc trên đảo ngọc nằm tại phía bắc của hồ , đây không chỉ là nơi thờ Văn Xương Đế Quân và thánh Trần Hưng Đạo mà còn lưu giữ nét đẹp truyền thống của cả 3 tôn giáo : Phật - Nho - Đạo giáo . Để lên được đảo ngọc , ta phải dải bước qua cầu Thê Húc bắc ngang qua hồ Hoàn Kiếm . "Thê Húc" có nghĩa là "nơi đậu tia nắng mặt trời buổi sáng sớm" , cầu có hình dáng cong như con tôm , có màu đỏ đặc trưng và là tone màu nóng nổi bật giữa vô vàn sắc xanh lục bao quanh . Bước qua cầu Thê Húc cũng là lúc chúng tôi đặt chân vào Đắc Nguyệt Lâu , lầu được thiết kế với mái vòm 2 tầng và phù điêu gợn mây 4 góc , bên phải là bức tranh đắp nổi Hoàng Phi Long Mã Hà Đồ còn bên trái là bức Hoàng Phi Thần Quy Lạc Thư . Đền Ngọc Sơn được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Tam nên từ đi từ ngoài vòng trong gồm có 3 lớp lần lượt là bái đường là nơi hành lễ đầu tiên có đặt một hương án lớn , hai bên có đôi chim anh . Trung đường là nơi thờ Văn Xương , Quan Vũ và Lã Tổ đều là những vị thần học vấn nổi tiếng . Hậu cung là nơi thờ Trần Hưng Đạo , vị anh hùng dân tộc đã ba lần đại thắng quân Nguyên Mông . Sau nhiều lần trùng tu cùng biến động lịch sử , đền Ngọc Sơn vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ kính và giá trị tinh thần vô cùng lớn .
Đến buổi chiều tà , chúng tôi cùng nhau ngồi nhâm nhi những tách cà phê thơm phức dưới chân cầu Long Biên và ngắm đoàn tàu chạy ầm ầm qua dãy đường day bằng kim loại . Nhìn thấy tàu , nét mặt của Hạ Vy tái xanh lại , dường như cô vẫn còn ám ảnh bởi chuyến đi kéo dài đến tận 16 tiếng cùng với cơn say trực chờ . Đoàn tàu lướt qua tầm mắt , lấp ló sau những thanh sắt nối liền nhau và ẩn lấp trong những tán lá che khuất đi mặt trời đỏ hồng . Có lẽ điểm đến tiếp theo của nó là ga Gia Lâm rồi hướng thẳng về đất cảng Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ . Khi đoàn tàu đi khuất , ánh hoàng hôn rọi xuống mặt sông Hồng tạo lên một màu vàng cam rực rỡ khác hẳn màu mặt nước xanh lục của hồ Hoàn Kiếm . Tôi ngắm nhìn cầu Long Biên một hồi , cái tên được đặt sau ngày độc lập để thay thế cho cái tên cũ là Paul Doumer . Tương truyền rằng vào một khoảng thời gian nào đó trước đây , một con rồng đã xuất hiện và uốn lượn trên mặt sông nên người dân đã gọi mảnh đất bên kia bờ là "Long Biên" có nghĩa là "rồng giao nhau" . Ngày 2/9/1945 , khi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình , cầu Long Biên trở thành nhịp dẫn đưa hàng ngàn người dân bờ bên kia đến gặp mặt vị lãnh tụ vĩ đại , cùng Người đón niềm hân hoan , vui sướng và hạnh phúc đồng thời cầu Long Biên cũng khắc ghi mọi khoảnh khắc , từng kỉ niệm và sự tự hào đến mãi về sau .
Hàng Mã về đêm rực rỡ ánh lửa vàng cam , cả con phố chìm đắm trong bầu không khí những tháng ngày cuối năm . Con phố gắn liền với nghề sản xuất đồ giấy , đồ vàng mã cũng lễ , ma chay theo văn hoá phương Đông và cả những đồ trang trí , đồ chơi dân gian trong những dịp lễ lớn . Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới nên các hàng quán đã bắt đầu bày bán các vật dụng trang trí Tết , nào là đèn lồng đủ màu sắc , nào là dây treo tài lộc rực rỡ sắc đỏ và còn có cả những câu đối được viết bằng chữ nôm ... Ngoài ra còn có cả những đồ dùng trang trí ngày lễ Giáng Sinh đang dần trở lên phố biển ở Việt Nam .
- Nhắc mới nhớ , tuần sau là Giáng Sinh rồi nhỉ ?
Lễ Giáng Sinh mới chỉ du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây nhưng phần lớn dân số theo Phật giáo và Nho giáo còn Công giáo chỉ chiếm phần nhỏ nên số lượng hàng quán bán đồ Giáng Sinh vô cùng hiếm . Có lẽ sau khi người Pháp xây dựng nhà thờ lớn nằm ở ngay trung tâm Hà Nội thì Công giáo mới dần trở lên phổ biến .
Mấy đứa bạn chạy lên trước ngó nghiêng đủ phía , đôi mắt họ trở lấp lánh hồn nhiên như choáng ngợp trước cảnh tượng đẹp đẽ trước mắt . Con phố khoác lên mình phục trang màu đỏ vàng đặc trưng của dịp lễ hội trong văn hoá Việt Nam và giờ đây còn chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hoá phương Tây . Rồi Nam Phương bỗng nhặt chiếc quạt đỏ bên sạp hàng và xoè ra tạo dáng che nửa khuôn mặt .
- Thấy tôi thế nào ?
- Trông xinh gái lắm nha .
Tuy đã che hết khuôn miệng nhưng tôi biết em đang cười , nụ cười ẩn sau lớp vải mỏng và vô tình tô đậm sức hút của đôi mắt . Nam Phương trong bộ Nhật Bình màu đỏ sở hữu thần thái tựa như vị hoàng hậu của nước Đại Việt năm xưa , một thần thái khiến người khác có thể ngắm nhìn mãi không thôi .
- Ê cái gì đây ? Nhìn như cái sừng hươu ấy nhỉ ?
Xuân Tú cầm lấy cái xước có 2 chiếc sừng tuần lộc lên rồi cất tiếng .
- Ai biết ?! Nhìn độc lạ vãi , ai lại dán sừng lên xước bao giờ .
Nhìn Xuân Tú và Hạ Vy mở to đôi mắt mà thắc mắc , tôi mới đáp :
- Là sừng tuần lộc đấy .
- Tuần lộc á ?
- Ừ , đêm Giáng Sinh ông già Noel thường cưỡi tuần lộc đi phát quà cho trẻ em trên toàn thế giới nên hình ảnh tuần lộc có thể coi là biểu tượng của ngày lễ ấy .
- Thế thì cái này dành cho con gái à ? Kiểu như cái sừng được gắn lên xước của con gái mà ?
Đông Triều đáp .
- Không , đây chỉ là đồ chơi thôi nên trai gái đeo đều được .
- Ồ , lại đây đeo cái này đi Xuân Tú .
Không đợi Xuân Tú trả lời , Hạ Vy liền cầm chiếc xước đeo lên đầu cậu và thế là trong cả đám xuất hiện một con tuần lộc với cặp sừng màu xanh . Thấy vậy , cả đám phá lên cười , những nụ cười hồn nhiên ngây thơ của tuổi mới lớn . Tôi đứng nhìn bọn họ và trong bỗng xuất hiện cảm giác yên bình đến lạ .

••••• To Be Coutinued •••••

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro