[CHAPTER 12 : Vết Tích Thời Gian]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vậy là sau gần 3 tháng tu sửa , ngôi nhà của tôi đã được hoàn thiện đồng thời các đồ đạc đặt mua ở Hà Nội cũng lần lượt được chuyển vào Hội An . Không còn là dáng vẻ hoang tàn sụp xệ , ngôi nhà 2 gian đã khoác lên mình bộ phục trang mới khang trang sạch đẹp kết hợp kiến trúc đặc trưng của phố cổ Hội An . Ngôi nhà truyền thống được sơn sắc vàng đem lại cảm giác hoài niệm , mái ngói đỏ rực đón lấy ánh ban mai đã trở thành biểu tượng của sự may mắn . Trước cửa có một khoảng ban công đủ để đặt một bộ bàn ghế nhỏ , hồi trước tôi thường ngồi đó vào mỗi buổi chiều tà vừa nhâm nhi tách trà vừa ngắm hoàng hôn buông xuống . Chiếc lan can bằng gỗ đã được thay thế bằng gạch chắc chắn hơn nhưng trong tôi vẫn có cảm giác tiếc nuối bởi tôi đã gác chân lên đó suốt 400 năm cơ mà . Kết cấu vẫn được giữ nguyên mà chỉ thay thế những thứ không thể dùng được nữa , dàn hoa giấy từng bao trọn lấy cả bờ tường đã biến mất và những tiếng cười nói năm xưa cũng đã trôi theo thời gian .
Tôi đứng ngắm nhìn tổ ấm với biết bao kỉ niệm đi kèm với một chút hụt hẫng rồi từ từ bước vào bên trong . Trước mắt là hàng đống thùng các tông xếp chồng chất lên nhau , nhiều đến mức có thể xếp kín cả phòng khách và Nam Phương cùng mấy đứa bạn đang nằm la liệt trên đó .
- Sao nhìn như mấy đứa chết trôi thế này ?
Tôi hỏi .
- Ở Hà Nội thời tiết lạnh lạnh đang sướng mà phải về đây nóng chảy mỡ .
Xuân Tú đáp trong khi cậu đang nằm ngửa trên đống thùng và tay thì cầm chiếc quạt vẩy qua vẩy lại . Rồi những người còn lại thở dài chán nản dưới nhiệt độ nóng nực của phía nam đất nước . Từ dãy Bạch Mã trở vào không có mùa đông nên những ngày cuối năm vẫn khá nóng nhưng ít nhất thì thời tiết hiện tại vẫn mát mẻ hơn các thời điểm khác trong năm . Khi nghe tôi chuẩn bị dọn đồ về nhà , Nam Phương đã chạy đi gọi mấy đứa bạn sang giúp và rồi cứ thế trong mấy ngày nay , nhà tôi đã trở thành địa điểm tụ tập lúc nào không hay .
Bên trong những chiếc thùng các tông chủ yếu là đồ đạc chất đống dưới căn hầm và một số ít được mua trong đợt ra bắc vừa rồi . Thực tế có nhiều đồ tôi cứ vứt đại xuống hầm mà chẳng thèm để ý nên suốt 400 năm , không biết căn hầm đã chật kín đồ đạc từ lúc nào . Cũng không hẳn là chỉ có 400 năm mà có những thứ tôi đã giữ từ lúc còn ở trong triều đình và một số thứ từ tận những thế kỉ 6 hoặc 7 gì gì đấy . Có thể nói từng đồ đạc được ném trong mấy cái thùng giấy kia đều có giá trị khảo cổ cực lớn và theo nhận định của tôi thì cũng có vài thứ được xếp vào hàng "bảo vật quốc gia" cũng nên .
- Mấy cái thùng này thì nhẹ tay chút nhé .
Tôi chỉ tay vào mấy cái thùng bên trái và cất tiếng . Tuy mấy thứ mà tôi gọi là "bảo vật quốc gia" ấy có thể rất giá trị với nhân loại nhưng đối với tôi thì chẳng khác nào đồ bỏ đi cả nên tôi đang nghĩ đến việc trao lại cho nhà nước hoặc bán cho những người sưu tầm đồ cổ cũng được , ít nhất thì bọn họ sẽ nhìn thấy được giá trị lịch sử của những đồ vật vô tri ấy còn hơn một kẻ đã tồn tại từ thời cổ đại mà nhìn chúng như đồ bỏ đi .
Đến đầu giờ chiều , sau khi ăn trưa , chúng tôi bắt đầu công việc tháo dỡ mấy cái thùng các tông . Ban đầu chỉ là mấy thứ đơn giản như quần áo cũ và vài đồ linh tinh rồi mới đến mấy cái thùng chứa đồ cổ . Khi Đông Triều dùng sức nhấc bổng chiếc thùng , từng tiếng lạch cạch của chén đĩa vang lên bên cạnh tiếng kim loại va chạm vào nhau . Mở ra là một vài chén đĩa , gốm sứ bị bao phủ bởi lớp bụi dày nên tôi chưa thể xác định hoạ tiết của thời đại nào .
- Ô toàn chén đĩa à ?
Thấy vậy , Hạ Vy mới cầm một chiếc bình gốm sứ lên nhìn . Lúc cô lau sạch lớp bụi dính trên đó , tôi mới nhận ra là một bình gốm Bát Tràng được chế tác từ khoảng thế kỉ 14 thì phải . Chiếc bình có phần đáy khá nhỏ và càng lên trên càng phình to , trên thân bình được khắc hoạ tiết cây sen là quốc hoa của Việt Nam , 2 bên là từng quá trình phát triển của bông sen qua từng mùa để rồi bông sen nở rộ rực rỡ ở trung tâm . Tôi nhớ hồi mới mua , chiếc bình có màu trắng tinh khiết nhưng giờ đã ngả màu nhưng điều đó lại vô tình tạo lên một kiệt tác nghệ thuật nhờ sự cổ kính , lâu đời .
- Là bình gốm Bát Tràng đấy .
Tôi đáp .
- Trông đẹp thật nha với lại hoa sen là loại hoa mà tôi thích nhất luôn ấy .
- Nếu cậu muốn thì tôi cho cậu luôn đấy , dù sao thì tôi cũng không cần nữa .
- Thật á ? Cảm ơn nhé Bắc Phong .
Bên cạnh đó , Xuân Tú một tay cầm chiếc bát men ngọc hình trụ còn tay còn lại cầm chiếc đĩa in hình rồng bay phượng múa . Thấy vậy tôi mới cất tiếng :
- Cái đó hả ? Được chế tác từ thế kỉ 13 nên cậu sẽ thấy hoạ tiết đặc trưng của thời Lý - Trần ...
Nói giữa chừng , tôi dừng lại một nhịp rồi chỉ tay vào những hoạ tiết in trong lòng bát men ngọc rồi mới tiếp tục :
- ... hình dáng tương đồng với loại gốm lai tạo giữa nhà Tống và nhà Nguyên còn đây là hoạ tiết sen dây và cúc dây rất phổ biến thời điểm đó đồng thời đặc điểm này chính là thứ đắt sắt ra miếng .
- Ồ , cậu biết nhiều phết nhỉ ?
- Cũng bình thường thôi .
Rồi đến lượt Nam Phương đưa một vật bằng vàng ra trước mặt tôi rồi hỏi :
- Còn cái này là gì hả anh ?
Đó là một tấm "kim bài miễn tử" được đúc bằng vàng nguyên chất , bên trên mặt còn khắc rõ dòng chữ "kim bài miễn tử" được viết bằng chữ nôm . Ôi trời mỗi lần nhìn thấy tấm kim bài này tôi lại bật cười rồi nhớ về cái khoảnh khắc ấy :
- Cái gì đây ?
- Là kim bài miễn tử !!
- Ta biết nhưng ý của ta là đệ đưa kim bài miễn tử cho một người bất tử làm gì ?
- Thì đây là đặc ân của hoàng đế mà . Thôi !!!! Huynh cứ nhận cho đệ vui đi .
Thực lòng mà nói cái thứ này đối với tôi là vô dụng hoàn toàn nhưng đây lại là món quà vô giá mà em ấy đã tặng tôi nên tôi vẫn giữ nó đến tận bây giờ . Một bảo vật của nhà Lý rất ít người sở hữu và hơn hết kim bài miễn tử của người bất tử phải gọi là độc nhất vô nhị xứng đáng với cái danh "bảo vật quốc gia" luôn ấy nhỉ ?
- Anh cười cái gì đấy ?
Thấy tôi cười trong vô thức , Nam Phương mới hỏi .
- À cái này đấy hả ? Là kim bài miễn tử ấy mà ?
- Ủa anh cũng cần cái này cơ à ?
- Không ?! Tất nhiên là không rồi .
Rồi trong một khoảnh khắc , tôi hướng ánh mắt sang bên phải và thấy Đông Triều đang nhìn đăm chiêu vào hoạ tiết trên bình gốm sứ , tôi mới cất tiếng hỏi :
- Sao thế Đông Triều ?
- Tôi thấy mấy hoạ tiết này cứ giống giống hoạ tiết trên đầu sư tử ở nhà văn hoá ấy .
- Thế hả ? Đây là hoạ tiết đặc trưng của thời nhà Lý nên tôi nghĩ là người tạo ra mấy cái đầu sư tử đó đã tìm hiểu ít nhiều về văn hoá dân tộc .
Đông Triều khá là ít nói và kể từ lần đầu gặp nhau đến giờ chúng tôi cũng chỉ nói chuyện qua lại vài lần nên tôi không hiểu quá nhiều về bản thân cậu nhưng chỉ nhìn vào những thứ được khắc trên đồ cổ mà cậu có thể nhận ra được điểm tương đồng giữa chúng . Quả thật là con mắt tinh tường .
- Ê Bắc Phong , tôi hỏi chút ?!
Thu Minh gọi vọng lại phía tôi , cô nhìn tôi bằng một ánh mắt nghi hoặc khiến tôi có một cảm giác lạnh sống lưng rồi cô đưa một bức tranh vừa được rút ra khỏi ống rồi hỏi :
- Đây là tranh vẽ à ?
Tôi nhận lấy và mở ra , đó là một bức tranh khung cảnh cổ phong của những thế kỉ thứ 7 - 8 . Bức tranh là một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với núi , sông , trời và thiên nhiên mang lại một sự yên bình khó tả , vừa in đậm chất thơ vừa lưu giữ nét đẹp tinh hoa của thời xưa cũ .
- Ôi trời , tôi cứ nghĩ là mình làm mất bức tranh này rồi chứ ?!!
Trong một khoảnh khắc tôi bỗng reo hò vui sướng bởi suốt một thời gian khá dài , tôi đã mất ăn mất ngủ vì tưởng rằng mình đã đánh mất bảo vật vô giá này nhưng sự vui sướng vụt tắt ngay lập tức khi ánh mắt của tôi dừng lại ở nhân vật chính đang đứng bên bờ sông . Người đó chẳng phải là tôi hay sao .
- Người này sao nhìn giống cậu thế ?
Tôi bỗng đứng hình một lúc trong khi Thu Minh vẫn đang hướng về tôi với ánh mắt mong chờ . Sau một vài giây suy nghĩ , tôi mới đáp lại :
- Ừ tôi cũng thấy thế , trước nhìn thấy nhân vật này khác biệt , giống hệt tôi vậy nên tôi mới bỏ tiền mua bức tranh .
Nghe tôi nói , Thu Minh im lặng một lúc . Đôi mắt của cô nhìn chằm chằm vào tôi rồi mới từ từ dãn ra .
- Thế mà tôi cứ nghĩ người đó là cậu chứ ?
- Hồi đầu tôi cũng nghĩ thế .
- Mà Bắc Phong này , cậu khác biệt nhưng nhìn cậu trông đẹp lắm .
- Ừ cảm ơn cậu !!
Sau đó , đám bạn liên tục đưa ra những món đồ cổ để tôi giới thiệu về nguồn gốc và cũng vì thế tôi có thể nhanh chóng phân loại ra từng cổ vật của từng thời kì khác nhau . Nhìn vào đống đồ trước mắt , chủ yếu là cổ vật từ thời Tiền Lê cách đây 1000 năm đổ lại nên tôi khá chắc rằng nếu một nhà sưu tầm nhìn thấy đống này thì họ sẽ mua lại bằng bất cứ giá nào .
- Cậu lấy đâu ra nhiều thế Bắc Phong ?
Hạ Vy hỏi .
- Tôi được thừa kế ấy mà .
- Nhưng mấy đồ này đẹp thế thì không biết có giá trị lắm không ?
- Giá trị á ? Đưa chiếc bình tôi xem nào .
- Đây .
Nghe vậy , Hạ Vy liền đưa bình gốm Bát Tràng cho tôi .
- Tôi không phải nhà sưu tầm nhưng biết một chút về khảo cổ nên là ... hmmm ... cái bình này được chế tác vào khoảng thế kỉ 14 . Hồi mới mua thì khá rẻ nhưng hiện tại đã là đồ cổ nên sẽ rơi vào tầm ... có lẽ là 10 lượng vàng ?!
- Hả ??
Nghe tôi nói vậy , tất cả đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên rồi Hạ Vy và mấy đứa khác đang cầm vài cái bát , cái chén liền hạ xuống luôn , sau đó là lui lại cả mét . Dường như cả đám đã toát hết mồ hôi hột khi nghe tôi nói giá trị của cái bình Bát Tràng kia .
- Đừng lo , dù gì mấy cái thứ này tôi không cần nữa nên các cậu cứ cầm về thoải mái .
- Thoải mái là thoải mái thế nào ? Cả nhà tôi góp lại có khi còn không đủ 1 lượng vàng ấy chứ .
Xuân Tú đáp lại bằng giọng nói run rẩy .
- Mấy cái này giá trị cao quá , bọn tôi không nhận được đâu !!!
Hạ Vy tiếp lời .
- Thôi thì tuỳ các cậu vậy . Bây giờ ta sẽ phân loại thành 2 thùng , một thùng mang đi bán , một thùng sẽ tặng nhà nước .
- Tặng nhà nước á ?
- Ừ bởi một số đồ có thể được coi là bảo vật quốc gia .
- Đùa đấy à ? Cậu còn giữ cả bảo vật quốc gia luôn á ?
Thu Minh thắc mắc .
- Thì có một số thứ mang giá trị lịch sử cực lớn đối với đất nước mà . Ví dụ như cái đĩa này được chạm khắc bằng hoạ tiết cổ xưa và được vua chúa sử dụng trong các bữa ăn . Chiếc bình gốm này được đặt tại điện Kính Thiên và nó đã chứng kiến biết bao cuộc thiết triều lịch sử . Còn đôi giày này thì ...
Tôi dừng lại giữa chừng và nhếch mép cười rồi mới tiếp tục nói :
- ... Đôi giày này là của vị thái sư triều Lý và nó cũng từng bay thẳng vào mặt Thái Tử thời đó .
Nghe vậy Nam Phương bỗng thay đổi sắc mặt , em mở to đôi mắt nhìn tôi rồi khẽ nhăn mặt lại , sau đó em kéo tôi về phía sau và thì thầm vào tai tôi :
- Em biết là anh dám đánh vua rồi nhưng dám phi giày vào mặt vua thì quá đáng lắm rồi đấy . Trước em bị mẹ phi dép vào mặt mà sưng vù mấy ngày trời nên em hiểu cảm giác đau đớn đấy lắm nhé .
- Không phải !!! Lần đấy là do tai nạn , thằng bé đó vừa đi vừa nói mà không thèm nhìn đường rồi kéo anh ngã ngửa xuống ao và cũng vì thế mà cái giày bay lên rơi trúng mặt nó .
Nhìn vào những đồ vật vô tri ấy , hàng loạt những kí ức đẹp đẽ ùa về . Dù có là vua của một nước thì cũng chỉ từng là một đứa trẻ mà đã là đứa trẻ thì ai chẳng có một tuổi thơ dữ dội . Tôi chẳng quan tâm sau này mấy đứa sẽ trở thành người thế nào , tôi chỉ quan tâm chúng đã từng là em của tôi thôi và chắc rằng đứa nhóc năm ấy cũng chẳng thể ngờ đôi giày dính lên mặt mình năm xưa giờ đây được tôi xếp vào hàng "bảo vật quốc gia" . Giờ mà gặp lại em , tôi khá chắc em sẽ ngồi phàn nàn với tôi từ sáng đến tối mất .
- Mỗi cổ vật có giá trị cao không chỉ là do chúng tồn tại lâu đời mà còn lưu giữ cả một câu truyện và quá khứ huy hoàng trong đó nữa .
Tôi nói .
- Ồ .
- Cái quyển sách mà Thu Minh đang cầm trên tay là bản thảo của cuốn "Đại Việt Sử Kí Toàn Thư" do các nhà sử học thời Hậu Lê ghi chép . Đây chắc chắn là "bảo vật quốc gia" .
Năm xưa những nhà sử học thời Hậu Lê rất trân trọng những ghi chép này bởi nó là tinh hoa truyền kì của cả dân tộc Việt Nam nhưng khi đó thời kì vô cùng hỗn loạn , chiến tranh xảy ra liên miên nên vua Lê Hy Tông - vị hoàng đế thứ 21 của nhà Hậu Lê đã trao lại bản gốc cho tôi - một người bất tử để lưu truyền cho con cháu sau này . Tuy tác phẩm đã được phát hành rộng rãi nhưng bản gốc vẫn có giá trị hơn nhiều lần mà . Hiện tại đất nước đã bước sang trang mới nên đã đến lúc tôi phải trao lại cho nhà nước rồi .
- Thế còn cái này là gì ?
Đông Triều hỏi .
- Cái đó hả ? Hmm là con ấn tượng trưng cho quyền lực tối cao của vua chúa nhà Nguyễn .
Chính xác thì đây là con ấn của thời vua Minh Mạng , hình ảnh con rồng phương đông có 4 chi đang uốn lượn cùng với dáng đứng oai nghiêm . Thực tế trong suốt 143 năm tồn tại của vương triều nhà Nguyễn đã chế tác hơn 100 con ấn bằng vàng nên tôi không thể nhớ hết tên được mà chỉ nhớ sương sương các con ấn nổi bật nhất như : Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo , Hoàng đế tôn thân chi bảo , Đại Việt Quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo .... Vậy là tôi lại tìm thấy thêm được một "bảo vật quốc gia" nữa rồi .
Đến khi sắp xếp , phân loại xong đống đồ đạc , chúng tôi đã tìm được kha khá những cổ vật gắn liền với lịch sử , là những đồ vật mà năm xưa tôi còn chẳng thèm quan tâm . Theo dòng chảy của thời gian , văn hoá , kiến trúc của thời xưa cũ đã dần phai mờ nên mấy đồ vật này lại trở lên quý giá vô cùng . Tôi còn tìm ra được cả bản thiết kế của Hoàng Thành Thăng Long xưa cũ và cả các tài liệu liên quan đến các vương triều kéo dài từ thời Tiền Lê cho đến nhà Nguyễn . Hi vọng rằng với những tư liệu vô cùng quý giá này , một ngày nào đó Hoàng Thành Thăng Long nguy nga tráng lệ hay cố đô Huế cổ kính , thơ mộng sẽ được phục dựng nguyên bản để gợi lại nét đẹp văn hoá lâu đời và khắc ghi công lao đời đời của những bậc tiền bối .
Rồi chúng tôi bắt đầu dọn nhà , từng thùng các tông trống rỗng được chuyển ra bên ngoài . Đông Triều và Xuân Tú bê bộ bàn ghế đặt vào vị trí trung tâm phòng khách , nằm trước kệ tủ để vài món cổ vật . Nam Phương , Hạ Vy và Thu Minh chia nhau các công việc quét dọn các gian phòng từ tầng 1 lên đến tầng 2 và cả cầu thang dính đầy bụi bẩn . Còn tôi thì sắp xếp đồ đạc dưới tầng hầm , chủ yếu là các món đồ tôi muốn giữ lại để làm đồ trang trí trong nhà vừa gợi lại các kỉ niệm xưa cũ . Bên cạnh các bảo vật quốc gia đợi thời điểm thích hợp rồi tặng lại cho nhà nước thì những kỉ vật mà mấy em tôi để lại cũng mang lại giá trị tinh thần rất lớn đối với tôi nên tôi dành ra một góc để chứa đựng chúng . Mở bức tranh cổ phong mà Thu Minh đã tìm thấy ra , tôi mỉm cười rực rỡ bởi bức tranh ấy chính là kỉ vật mà người em đã dạy tôi vẽ để lại , là khung cảnh tôi ngồi dưới ánh trăng tương tư về những người đã khuất . Rồi đến "kim bài miễn tử của người bất tử" , một thứ cực kì vô dụng nhưng lại là tấm lòng của vị hoàng đế Đại Việt năm xưa và thực lòng mà nói mỗi khi nhìn thấy nó tôi lại có cảm giác buồn buồn . Những người cần đến tấm kim bài này thì chẳng có còn người không cần thì lại sở hữu một tấm kim bài của Thần .
Trời đã ngả sắc vàng cam rực cháy của buổi chiều tà , chúng tôi cùng nhau ngồi trước hiên nhà ngắm ánh hoàng hôn rực rỡ . Mặt trời đỏ như lòng đỏ trứng gà trôi lơ lửng giữa khoảng không vô định , tia nắng dịu dàng rọi xuống mái nhà vừa mới thức giấc sau 50 năm dài đằng đẵng . Bức tường màu vàng phản chiếu lại tia nắng rực rỡ và mái ngói toả rực sắc đỏ tưởng chừng ánh sáng của sự tái sinh . Tôi nhìn mấy đứa bạn và thở dài một tiếng rồi gác chân lên chiếc lan can vừa được xây dựng , một cảm giác vừa mới lạ vừa quen thuộc bỗng xuất hiện , vẫn là vị trí đó nhưng cái mới đã thay thế cái cũ mất rồi . Ngôi nhà lại ngập tràn tiếng cười , những người cũ đã rời đi và những người mới đã đến chỉ có duy nhất một người vẫn ở đó . Đối với từng giai đoạn của cuộc đời , chúng ta sẽ có những người bạn khác , có người đi và cũng có người ở lại . Họ đến với ta trong sự hân hoan và rời đi trong tiếc nuối nhưng dù họ có rời đi thì những kỉ niệm đẹp đẽ mãi mãi còn đó . Mỗi khi nhớ lại những người đã đến cõi thiên đường , tôi đều mỉm cười chấp nhận và hoài niệm về những kí ức đẹp đẽ ấy rồi cất gọn vào một góc trong tim .

••••• To Be Coutinued •••••

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro