[CHAPTER 5 : Trung Thu Sau Độc Lập]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Ngồi hóng gió bên dàn hoa giấy đỏ rực một khoảng trời và nhìn về phía căn nhà vẫn đang thi công, trông những người thợ đang làm việc rất miệt mài. Người thì vác từng bao xi măng trên vai, người thì chát gạch chát vữa và có cả những người đang đập lan can đã cũ để xây lại từ đầu.
  - Ôi trời!! Cái lan can mà mình gác chân suốt 400 năm trời...
  Tuy không nỡ nhưng tôi chẳng thể làm gì, nó đã cũ quá rồi nên bắt buộc phải thay mới thôi. Tiếng đập phá vang liên hồi khiến Nam Phương ngồi trong nhà vừa phải bịt tai vừa cố gắng học thuộc bảng chữ cái trông khổ sở vô cùng. Ngồi nhìn những đứa trẻ con nô đùa trước mắt hay thi thoảng có những gánh hàng rong lướt vội và không thể thiếu những câu chuyện trên trời dưới biển của những bà cô hàng xóm. Khác xa nhịp sống xô bồ của Paris hay London thì nhịp sống chậm rãi của quê nhà mang lại cho tôi một cảm giác yên bình vừa lạ vừa quen.
   Trong lúc đang bơ phờ nhìn cảnh tượng xung quanh, tôi chợt nhìn thấy vài người đàn ông đang vác những cây cột dài được bọc lớp vải đỏ vàng và ngay phía sau là những đứa trẻ mỗi tay một chiếc đèn lồng vừa đi vừa cười nói vui vẻ. Tiếp theo là những cậu thanh niên trai tráng đang cầm 3 chiếc đầu sư tử đã cũ và đó cũng là lúc tôi chợt nhận ra rằng Tết Trung Thu sắp đến rồi.
   - Đợi một chút.... mấy thứ đó chẳng phải do mình làm à?
   Tôi khẽ nheo mắt lại để nhìn chằm chằm vào 3 chiếc đầu sư tử đủ màu sắc đó. Những hoạ tiết đặc trưng của thời nhà Lý được vẽ tỉ mỉ trên đó kết hợp với phong cách dựng hình chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hoá Trung Hoa và cả hàm ý thông qua màu sắc nữa nên chẳng thể nào nhầm lẫn được. Chiếc màu vàng tượng trưng cho sắc thái hoàng tộc thời phong kiến, chiếc màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn mang lại tiền tài và hạnh phúc còn chiếc còn lại mang màu trắng tượng trưng cho sự đau thương và tang tóc. Không ngờ rằng sau từng ấy năm với biết bao biến cố, người dân ở đây vẫn giữ và bảo quản nó nguyên vẹn như vậy.
   - Ồ những người đó đang chuẩn bị cho Tết Trung Thu sắp tới đấy.
   Mải chìm đắm trong dòng kí ức xưa cũ mà chẳng biết Nam Phương đã đứng phía sau từ lúc nào. Nghe theo giọng nói, tôi vô thức ngẩng mặt lên nhìn, ánh mắt chúng tôi chạm nhau trong giây lát và em khẽ mỉm cười, một nụ cười nhẹ nhàng nhưng toả nắng.
   - Thế ngày mấy Trung Thu?
   Tôi đáp.
   - 21/9, 3 ngày nữa !!
   - Vậy à, cũng lâu lắm rồi không đón Tết Trung Thu đấy, à mà anh còn chẳng nhớ nổi lịch Âm cơ.
   - Ơ thế bên Tây không có Tết Trung Thu à?
   - Không!! Đến Tết Nguyên Đán còn không có.
   - Nghe buồn thế.
   - Biết sao giờ, văn hoá các quốc gia khác nhau mà.
   - Thế thì năm nay anh đi chơi Trung Thu với em đi mà anh cũng may mắn lắm đấy nhé, nghe nói năm nay tổ chức to lắm.
   - Hứ? Dịp gì mà tổ chức to?
   - Thì Trung Thu năm nay một phần là năm đầu tiên đất nước giành độc lập và một phần là liều thuốc chữa lành tinh thần sau nạn đói nên có ý nghĩa lớn lắm đấy.
   - Ừ nhỉ?!
   Tết Trung Thu là một ngày lễ lớn trong văn hoá Á Đông nên vào thời điểm này mọi năm, người dân thường đổ xô ra đường để hoà mình vào không khí lễ hội. Nào là múa sư tử, rước đèn ông sao, phá cỗ Trung Thu và không thể không nhắc đến các loại bánh đặc trưng của mùa Trung Thu như bánh nướng hay bánh dẻo. Tôi cũng chẳng biết Trung Thu có từ bao giờ, nói đúng hơn là ngày lễ này đã du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Lý nhưng thực tế từ xa xưa người ta đã ăn mừng lễ hội vào dịp trăng tròn rồi. Ít nhất là từ 1400 năm trước, khi mà tôi vẫn còn quây quần bên cạnh những người thân thương của mình.
   ...
   Đêm dằm tháng 8 năm 1945, tiếng trống xập xình vang vọng từng ngóc ngách khu phố, những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu toả sáng trên trời và 2 bên đường là những rạp hàng bán đủ thứ đồ cùng với sự vui tươi mừng rỡ hiện lên trên nét mặt mọi người tạo lên một bức tranh lễ hội vừa đẹp đẽ vừa nhộn nhịp. Nam Phương không biết đã đi đâu từ chiều mà chỉ hẹn tôi ở dưới gốc cây cổ thụ mà thôi. Hình như nghe bố mẹ em nói rằng, em sang nhà Hạ Vy chuẩn bị gì đấy nên tôi đành đi ra một mình. Bước dọc theo dòng người tấp nập, tôi vừa bước vừa ngó trái ngó phải để ngắm nhìn một cảnh tượng quen thuộc đến khó tả. Từng nơi mà tôi đi qua đều hiện lên trong tâm trí các dòng kí ức về những bóng hình xưa cũ rồi chợt vụt tắt trong thoáng chốc chỉ để lại một thứ cảm xúc đượm buồn và hoài niệm.
   Không mất quá nhiều thời gian để tôi đến chỗ cây cổ thụ nghìn năm tuổi, vừa dừng chân và ngước nhìn lên trên, tán lá đung đưa xào xạc theo làn gió nhẹ cùng với vài chiếc lá bay lơ lửng trên không trung rồi nằm gọn trong lòng bàn tay tôi. Lần nào cũng vậy, mỗi khi tôi đến đây thì cái cây đều làm vậy như thể thay cho lời chào hỏi .
  - Cậu nằm đó chắc lạnh lắm nhỉ?
  Chạm nhẹ vào thân cây sần sùi, bỗng có một làn gió nhẹ lướt qua bên má như có ai đang vuốt ve má tôi. Có lẽ chỉ mình tôi hiểu rằng, có một người vẫn luôn bên cạnh âm thầm dõi theo quãng đường dài vô tận này.
   Nằm ngay giữa trung tâm phố cổ nên xung quanh đây đông đúc hơn hẳn, các hoạt động cũng náo nhiệt hơn rất nhiều. Mấy cái chiêng trống và 3 chiếc đầu sư tử cũ đã được xếp sẵn ra bãi đất trống trước cây cổ thụ để chuẩn bị cho màn lễ hội sắp diễn ra. Tôi đứng đó quan sát một hồi lâu cho đến khi tiếng gọi của Nam Phương cất lên từ phía sau:
  - Bắc Phonggg!!!
  Tôi từ từ quay mặt về phía Nam Phương và trong thoáng chốc một hình ảnh chợt lướt qua mắt tôi. Giống hệt như người đó, Nam Phương khoác lên mình bộ áo dài cách tân màu đỏ với hoạ tiết bông hoa trắng nằm bên tà áo, mái tóc được buộc gọn bởi chiếc băng đô cùng màu và lớp trang điểm nhẹ nhàng càng tô thêm nét thanh tú trên gương mặt ấy. Đôi môi đỏ mọng, làn da trắng trẻo và nụ cười toả nắng khiến tôi đứng hình mất vài giây.
   - Gì đây? Deja vu ư?
   Bên cạnh hình ảnh Hội An rực sáng tone màu đỏ vàng và hoà cùng không khí nhộn nhịp của đêm lễ hội, tôi không biết phải diễn tả thế nào nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi cứ ngỡ rằng người đó đang đứng trước mặt mình.
   Thấy tôi chỉ nhìn chằm chằm mà không đáp lại, Nam Phương cùng với Hạ Vy và Xuân Tú tiến lại gần đồng thời vẫy tay chào tôi. Chết tiệt tôi thậm chí còn quên mất sự hiện diện của 2 người họ nữa cơ đấy nhưng thực sự mà nói trong mắt tôi khi nãy, Nam Phương đã làm lu mờ hết tất cả.
   - Sao em gọi mà anh không trả lời?
   Nam Phương hỏi.
   - À thì tại ồn quá nên anh không nghe thấy gì.
   Vừa nói tôi vừa nhìn thẳng vào 3 người trước mắt rồi từ từ nhìn xuống thân mình, bọn họ đều đang mặc phục trang truyền thống nước nhà vậy mà tôi lại mặc quần âu áo sơ mi trắng hơi thiên hướng phương Tây. Bên cạnh Xuân Tú mặc bộ áo the khăn xếp màu xám là Hạ Vy diện Việt Phục màu xanh ngọc bích. Trong thoáng chốc tôi cảm thấy mình thật lạc loài. Không phải là do tôi không muốn mặc phục trang truyền thống mà là do mấy bộ trong nhà tôi đều cũ và hư hỏng ít nhiều rồi.
   Bước đi trên con đường dọc sông Thu Bồn, hàng trăm người đang tụ tập bên dòng sông đợi đến lượt mình thả đèn hoa đăng. Đây là phong tục lâu đời không chỉ của người dân nơi đây mà của cả đất nước nhằm tôn vinh giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hoá của người Việt. Mỗi ngọn đèn được thắp lên, người ta sẽ gửi gắm những lời cầu nguyện bình an cho mình và người thân đồng thời ánh sáng sẽ xoá tan mọi sự đau khổ để cùng nhau hướng đến một đất nước phồn vinh và tươi đẹp.
  - Chúng ta đi thả hoa đăng đi.
  Hạ Vy hướng ánh mắt về phía dòng sông ngập tràn hoa đăng giấy rồi quay lại nói với chúng tôi.
   Ngồi bên dòng sông và cầm hoa đăng trên tay, 4 đứa mỗi đứa một màu. Nam Phương cầm hoa đăng màu đỏ là màu rực rỡ nhất, là màu của sự nhiệt huyết và may mắn. Bên cạnh đó, Hạ Vy chọn cho mình màu hồng cánh sen là sắc hồng của yếm đào tượng trưng cho sự nữ tính và quyến rũ của người phụ nữ. Xuân Tú thì chọn màu xanh da trời là màu của học thức và sự nho nhã đồng thời cũng đại diện cho hòa bình, sự thanh tĩnh và điềm đạm. Còn tôi thì chọn màu trắng, đơn giản vì sắc màu này dường như đại diện cho chính sinh mệnh này vậy.
  - Đếm đến 3 thì cùng thả nhé.
  Theo tiếng đếm của Xuân Tú, chúng tôi đồng thời thả những bông hoa đăng rực sáng ánh lửa mang theo những lời cầu nguyện chúc phúc. Hoa đăng xuôi theo dòng nước rồi kết thành một chùm thắp sáng cả sông Thu Bồn tạo lên một bức tranh đẹp đến nao lòng. Đến khi nó trôi xa, không còn là những màu sắc riêng lẻ nữa mà hiện tại đã hoà hợp thành màu đỏ vàng rực rỡ, một sắc màu rực cháy của sự sống. Chúng tôi đứng trên bờ ngắm nhìn dòng hoa đăng xuôi dòng cùng với thứ cảm xúc khó tả.
   - Không biết bao lâu rồi mới thấy cảnh này nhỉ?
   Xuân Tú nói.
   - Chẳng biết nữa nhưng cũng từ lâu lắm rồi ấy nhở? Lúc mình còn bé tí ấy.
   - Cũng may là đất nước giành độc lập nên ta mới có dịp ngắm lại cảnh tượng tuyệt vời này ấy.
   - Ừ mà nhắc mới nhớ, năm sau cậu đến tuổi nhập ngũ rồi đấy... Cả Bắc Phong nữa.
   Vừa dứt câu, Hạ Vy hướng sự chú ý về phía tôi và Xuân Tú bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Quả thực là được khoác lên mình bộ quân phục để bảo vệ đất nước là vinh dự của tất cả mọi người. Nghe vậy, tôi nhìn đăm chiêu về phía dòng sông rực sáng và khẽ gật đầu.
   - Vậy thì năm nay phải chơi hết mình thôi!!
   Không đợi tôi đáp lại, Nam Phương liền nắm tay tôi và kéo đi theo dòng người đông đúc cho đến một gian hàng gần chỗ cây cổ thụ mới dừng lại. Đó là một hàng chè truyền thống của Hội An, đếm sơ sơ qua có thể thấy được có đến 4-5 loại chè gì gì đấy. Nào là chè hạt sen , chè đậu đỏ, chè xí mà, chí má phù và có cả chè ngô nữa.
  - Ô Nam Phương...
  Tiếng gọi đó là của người con gái đứng trước mắt chúng tôi cùng với nụ cười hiện rõ trên gương mặt thanh cao, vậy ra là người quen của Nam Phương à.
   - Hế lô Thu Minh, đang giúp mẹ bán chè đấy à?
   - Nhìn rồi còn hỏi mà đây là... không lẽ cậu đang đi hẹn hò hả?
   Cô gái tên Thu Minh hướng ánh mắt sang tôi rồi đưa tay lên che miệng lại để giấu đi nụ cười
   - Không phải !! Đây là họ hàng ở xa tới chơi thôi, anh ấy tên là Bắc Phong.
   Theo lời giới thiệu của Nam Phương, tôi đưa tay lên vẫy qua vẫy lại thay cho lời xin chào và cùng lúc đó, Xuân Tú và Hạ Vy đã đuổi kịp. Nhìn bọn họ thở dốc cũng biết được để đuổi kịp bọn tôi thì 2 đứa đã mệt thế nào.
  - Chạy gì mà nhanh thế?
  Hạ Vy thở không ra hơi nhưng vẫn cất tiếng chất vấn trong khi Nam Phương và Thu Minh đứng nhìn nhau cười. Sau một hồi Thu Minh hỏi:
  - Thế các cậu muốn ăn gì?
  - Để xem nào...
  Xuân Tú đáp lại.
  - Tôi chỉ hỏi Nam Phương với Bắc Phong thôi chứ cậu lại chọn chè ngô chứ gì?
  - Ủa sao biết?
  - Ở đây làm gì có ai không biết, lúc nào sang nhà tôi cậu chẳng ăn chè ngô còn Hạ Vy sẽ chọn chè hạt sen.
   Nghe vậy, 2 đứa nó không đáp lại mà đứng nhìn nhau cười rồi Thu Minh lại hướng mắt về phía tôi và Nam Phương.
  - Hmmm...
  Nam Phương có vẻ đang phân vân còn tôi đang nhìn chằm chằm vào mấy nồi chè trên gian hàng. Sau vài giây suy nghĩ, tôi cất tiếng:
   - Chè đậu đỏ.
   - Chè đậu đỏ. 
   Trùng hợp thay, cả tôi và Nam Phương đều cất tiếng cùng lúc và cùng gọi một món giống nhau. Tôi ngước mắt lên nhìn em và ánh mắt chúng tôi chạm nhau rồi em khẽ mỉm cười khiến trong tôi bỗng xuất hiện một cảm xúc kì lạ.
   - Ồ vậy cả 2 đều muốn thoát ế hả? 
   Đợi đến lúc Thu Minh cất tiếng, tôi khẽ lắc đầu để gạt bỏ cái thứ cảm xúc đó đi rồi đáp lại:
   - Hôm nay có phải Thất Tịch đâu mà thoát ế?
   - Hehe...
   - Đừng có cười gian xảo như vậy.
   - Hehe...
   Đậu đỏ là đậu tương tư, nghe người ta đồn rằng ai chưa có ý trung nhân thì ăn đậu đỏ vào ngày Thất Tịch thì sẽ được lang quân như ý còn nếu đã có người thương rồi thì sẽ có một cái kết viên mãn nhưng tiếc rằng hôm nay lại là Trung Thu.
   - Tí nữa bọn tôi định đi xem Đông Triều múa sư tử, cậu đi cùng không?
   Nam Phương hỏi.
   - Chắc không được rồi, tôi còn phải bán hàng nữa.
   - Vậy à? Tiếc thật.
   Đứng cách gian hàng một đoạn, bọn tôi cùng nhau thưởng thức món chè còn Thu Minh ở lại rạp hàng tiếp tục công việc, nhìn dòng người xếp hàng đợi đến lượt có thể thấy rằng cô ấy bận rộn như thế nào.
  Đến tầm 8 giờ tối thì lễ Trung Thu đầu tiên sau độc lập chính thức diễn ra, trung tâm phố cổ trở lên náo nhiệt bởi mọi người từ khắp nơi đổ dồn về nơi đây. Mở đầu bằng nghi thức chào cờ, tất cả mọi người từ già đến trẻ đều dừng các hoạt động riêng tư lại để đồng lòng hướng về lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió. Sau khi hát Quốc Ca xong là đến lượt trưởng làng bước lên đọc thư của Bác Hồ gửi đến toàn thể các em thiếu nhi trên dải đất hình chữ S này và kết lại bằng khẩu hiệu: "Trẻ em Việt Nam sung sướng!!! Việt Nam độc lập muôn năm!!!" .
   Bọn tôi đến sớm nên đã chọn được vị trí đẹp nhất và có thể nhìn thẳng vào đoàn sư tử mà không bị ai che mất tầm nhìn. Tiếng trống xập xình xen kẽ với tiếng chiêng vang lên cũng là lúc các nghệ nhân tiến vào. Theo từng nhịp điệu sư tử Sar Ping, con màu đỏ đi một mình vào sân khấu trung tâm để trình diễn màn "Độc Chiếm Ngao Đầu" thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, nhảy cao trèo giỏi tượng trưng cho sự oai hùng của các mãnh tướng thời xưa. Tiếp đến là con màu vàng tiến vào và cùng con màu đỏ trình diễn tượng trưng cho "Song Hỉ" thể hiện sự hân hoan khoan khoái như loan với phụng , như vợ với chồng. "Tam Tinh" là màn trình diễn cuối cùng nhưng thay vì màu đen thì con sư tử cuối cùng lại là màu trắng, không vì vậy mà làm ảnh hưởng đến ý nghĩa cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành là Phúc, Lộc, Thọ. Và tất nhiên trong màn múa sư tử không thể nào thiếu Ông Địa được cho là hiện thân của Đức Di Lặc, một vị Phật lúc nào cũng tươi vui hiền lành. Phía xa xa có một người đang đội chiếc mặt nạ đầu hói cùng với nụ cười toe toét, tay cầm quạt đang trêu đùa mấy đứa trẻ. Có những đứa vừa nhìn chằm chằm vào Ông Địa vừa cười toe toét nhưng cũng có vài đứa trẻ nhìn thấy Ông Địa thì hét toáng lên khóc nhè vì sợ.
   Tôi vẫn dõi theo màn múa sư tử từ đầu đến cuối, nhìn những kiệt tác của mình đang mang lại niềm vui cho mọi người khiến tôi chợt mỉm cười nhưng cho đến lúc con sư tử vàng và đỏ đứng chụm lại để con màu trắng nhảy lên lưng tôi lại rơi vào trầm tư.
   - Đang nghĩ gì thế? Nhìn anh có vẻ buồn?
   Dường như nhận thấy nét mặt tôi có chút thay đổi, Nam Phương huých nhẹ vào vai tôi rồi cất tiếng hỏi thăm. Tôi không đáp lại ngay mà chỉ hướng ánh mắt sang nhìn em, không biết có nên nói ra hay không nhưng thực sự là những nghệ nhân kia đang hiểu sai ý nghĩa của màu sắc rồi.
  - Anh chỉ...
  - Sao?
  Nam Phương đáp lại với ánh mắt mong đợi .
  - Anh chỉ đang tự hỏi tại sao sắc thái Hoàng Tộc và sự may mắn lại để sự đau thương chà đạp lên.
  - Hả?
  - Màu trắng ấy, đó là màu tượng trưng cho sự đau khổ và tang tóc.
  - Vậy ra đó là điều mà anh đang suy nghĩ à?
  - Ừ.
  - Này Bắc Phong, màu trắng không hẳn là mang ý nghĩa của sự đau thương đâu mà em... à không tất cả bọn em đều coi rằng màu trắng là màu của sự thuần khiết.
   Thuần khiết ư? Tôi cũng không chắc nữa, có vẻ như mỗi thời đại đều có một cái nhìn khác nhau. Trong suốt từng ấy năm, màu trắng là màu gắn liền với sinh mệnh và tôi luôn đinh ninh rằng đó là màu của sự đau khổ vậy mà giờ đây, người con gái đứng trước mặt tôi hiện tại lại nói rằng đó là màu của sự thuần khiết, là màu của sự hồn nhiên, trong sáng và giản dị.
  Kết thúc màn múa sư tử, hàng trăm chiếc thiên đăng được thả lên trời tạo lên một cảnh tượng đẹp tựa tranh vẽ. Tôi và Nam Phương mỗi người cầm một đầu và viết ước nguyện của mình lên đó, tất nhiên là chỉ có mình tôi viết mà thôi.
  - Ước nguyện của em là gì? Anh có thể viết giúp mà.
  Tôi nói.
  - Ước nguyện của em hả? Bí mật.
  Nam Phương không nói với tôi và em vẫn chưa biết viết nên em chỉ đứng nhắm mắt và chắp tay lại như muốn gửi gắm ước nguyện vào chiếc thiên đăng theo một cách khác. Sau một hồi, tôi và Nam Phương mỗi người cầm một đầu rồi đốt lửa. Nắm chặt chiếc thiên đăng trong tay rồi đếm đến 3, bọn tôi cùng nhau thả tay và cứ thế ngước nhìn chiếc thiên đăng bay xa. Bên cạnh Hạ Vy và Xuân Tú, 4 người chúng tôi ngước mắt lên bầu trời rực sáng ánh vàng và hướng theo ngọn lửa bay cao thắp sáng lên ước nguyện rực rỡ.
   "Rồi một ngày tất cả chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc của riêng mình".

••••• To Be Coutinued •••••

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro