Chương 15 : Thiên Phật tự

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- A Di Đà Phật. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí, diệc vô đắc. A Di Đà Phật ! Đức Phật dạy rằng : tâm không bị bưng kín, nên không có sự sợ hãi, xa lìa tất cả điên đảo và mộng tưởng, đạt đến Niết-bàn. A Di Đà Phật ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.

Tiếng niệm Phật trầm trầm hòa trong tiếng mõ gỗ lốc cốc vang lên đều đều. Một vị sư già ngồi đả tọa trên chiếc bồ đoàn đặt ngay ngắn trước bàn thờ Phật trong căn phòng nhỏ. Một tay nhà sư lần chuỗi hạt, tay kia cầm chiếc dùi đồng đầu bọc vải gõ vào chiếc mõ bằng gỗ đặt trên cái bục trước mặt. Nhà sư 2 mắt khép hờ miệng lâm râm đọc kinh văn.

Trong ánh đèn dầu leo lét khi mờ khi tỏ khuôn mặt nhà sư toát lên vẻ hiền hòa an lạc. Trông kỹ lại lão thì thấy 2 cặp lông mày dài phủ quá mắt, râu 5 chòm bạc trắng, đầu cạo trọc điểm 9 nốt tàn hương. Nhà sư bảo tướng trang nghiêm vận chiếc áo cà sa đại hồng thêu chỉ vàng buông phủ xuống đất.

Hương trầm tỏa ra không ngớt từ chiếc đỉnh bằng đồng đặt trên bàn thờ càng làm tăng thêm vẻ thanh tịnh không nhuốm bụi trần.

Căn phòng này nguyên là 1 căn tịnh tâm trai mà cũng là nơi nghỉ ngơi của nhà sư. Trong phòng bày biện đơn giản. Bốn phía là vách gỗ, ngoại trừ cách cửa chính và mấy cánh cửa sổ dán giấy thủ công thì ngoài ra không trang trí màu mè gì khác. Một chiếc giường gỗ nhỏ kê ở cuối phòng, 1 kỷ trà với vài ba chiếc bồ đoàn cỏ làm nơi tiếp khách.

Chính giữa phòng tựa lưng vào vách tường là bàn thờ Phật cao chừng 3 thước. Phía trên bàn thờ đặt bảo tượng đức Thế Tôn, 1 đỉnh trầm nhỏ, 1 bát hương cắm mấy nén hương đã tàn hơn nửa. Hai bên kim thân đức Phật là 2 bình sứ kiểu cổ cắm mấy cành hoa huệ trắng, cuống lá còn xanh mướt đọng vài giọt sương dường như vừa mới hái đem vào. Bên ngoài cùng là 1 đĩa đèn dầu lạc tỏa ánh sáng mù mù. Tia lửa nhảy nhót rọi lên bốn bức vách thành mấy quầng sáng mờ tỏ.

Một bệ gỗ thấp hơn đặt ở trước về bên trái bàn thờ chính, ở trên đặt 1 giá chuông đồng cũ kỹ. Giá chuông đúc bằng đồng đen chạm khắc hoa lá chim muông, chiếc chuông ở trong kim quang lấp lóe dường như được đúc bằng vàng ròng. Trong phòng không có gió mà chiếc chuông vàng khẽ đong đưa, thỉnh thoảng như bị cảm ứng với tiếng mõ ngân lên nhè nhẹ.

Lúc này nhà sư đã ngưng tụng niệm. Lão với tay kéo chiếc chuông vàng thành mấy tiếng ngân nga trầm bổng rồi đặt chiếc dùi xuống cạnh mõ gỗ, 2 tay chắp lại trước ngực đoạn từ từ mở mắt ra. Ánh mắt lão chăm chú nhìn xuống phía dưới khám thờ hồi lâu tựa như trông chờ điều gì. Nhà sư ngồi im như phỗng 1 lúc vẫn không thấy có biến hóa bèn khẽ niệm 1 câu Phật hiệu rồi lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng :

- A Di Đà Phật, thế là lại xong 1 khóa kinh chiều nữa. Nhị sư huynh, đã 1 vạn chín trăm khóa Bát Nhã Tâm Kinh trôi qua rồi mà sư huynh còn mang nặng kiến chấp đến thế ư? Bậc đại trí đại huệ như sư huynh mà đến giờ vẫn chưa giác ngộ được 2 chữ xả bỏ ư? A Di Đà Phật, đức Phật từ bi !

Nhà sư nói mà mắt vẫn không dời khỏi khoảng tối dưới chân khám thờ. Ánh mắt lão hiện rõ vẻ buồn phiền. Nhãn quang lóng lánh có thần nhưng mờ nhạt chẳng khác chi người thường, trông đây rõ ràng chỉ là 1 lão tăng bình phàm như bao tăng nhân khác.

Nhà sư giữ nguyên tư thế kiết già trên tấm bồ đoàn, 2 tay vẫn chắp lại. Tuy vừa rồi lão chỉ ngồi im tụng niệm kinh văn nhưng tỏ ra nhọc mệt vô cùng. Ít ai hiểu được khi nãy nhà sư dùng luồng nội công tối cao cửa Phật là môn Phật Đăng Thiền Xướng phổ vào bài Bát Nhã Tâm Kinh hòng thức tỉnh người mê mụi.

Phật môn thần công Phật Đăng Thiền Xướng cũng tương tự như pháp môn Sư Tử hống, dùng diệu âm thiên địa để đánh thức tâm linh, phá bỏ màn u minh che lấp Linh Đài đưa kẻ lạc bước trên đường mê trở về nẻo sáng.

Phật môn sư tử hống dùng nội lực thượng thừa phát ra tiếng quát sấm sét, công lực toàn thân tụ vào 1 tiếng hống ngắn ngủi tựa như tiếng sấm giữa trời quang, như tia sét xé tan mây đen, tuy cực kỳ cường mãnh nhưng chỉ bạo phát nhất thời mà trường độ không dài. Trái lại Phật Đăng Thiền Xướng lại mang luồng Phật môn tâm pháp phổ vào âm thanh do người thi triển phát ra. Âm thanh này có thể là tiếng quát, là tiếng ngân xướng, là tiếng tụng niệm kinh văn, kéo dài tùy theo nội dung đoạn ngân xướng nên rất hao tổn công lực. Trừ những bậc chân tu công phu tu luyện dày dặn, nội công hỏa hầu đạt đến 1 trình độ nhất định ngoài ra không ai thi triển được.

Thông thường các vị cao tăng cửa Phật dùng môn Sư Tử hống như phương tiện tựa như tiếng sét chiếu rọi quang minh phá tan bầu trời u ám. Môn thần công này quả thật khó luyện thành nhưng cũng không phải hiếm thấy, tuy nhiên đối với môn Phật Đăng Thiền Xướng thì hoàn toàn khác. Khắp thiên hạ hiện nay chỉ có 3 vị cao tăng đứng đầu Thiên Phật tự mới đủ khả năng thi triển môn công lực này.

Thiên Phật tự từ xưa đến nay luôn được coi là lãnh đạo của Phật môn tăng lữ khắp thiên hạ. Đứng đầu trong tự là tam tăng thuộc hàng chữ Bách : trụ trì Bách Hối thiền sư, nhị trưởng lão Bách Tuệ thiền sư và tam trưởng lão Bách Nhẫn thiền sư.

Tăng chúng trong Thiên Phật tự chia thành 5 bậc theo thứ tự 5 chữ Bách, Đại, Không, Nhất, Thiết. Ngoại trừ 3 vị cao tăng hàng chữ Bách ra, tổng cộng tăng chúng ở các chữ khác lên đến trên ngàn người. Nếu kể về qui mô lẫn số lượng tăng nhân thì Thiên Phật tự xứng đáng là ngôi đại tự đứng đầu Đại Tần đế quốc.

Bách Hối thiền sư thân là chưởng môn phương trượng nên thường xuyên phải tiếp xúc với mọi người, chủ trì các đại điển tế lễ, các việc Phật sự trong tự cũng phải tự thân đứng ra lo toan. Tam sư đệ Bách Nhẫn thiền sư phụ trách việc giảng kinh cho đệ tử trong chùa nên dĩ nhiên cũng phải luôn luôn gặp gỡ bọn đệ tử ở dưới. Riêng nhị sư huynh Bách Tuệ thiền sư là người trông coi Tàng Kinh Các thì hơn 15 năm qua chưa xuất hiện lần nào, kể cả trong những dịp đại lễ cũng không hề lộ diện.

Trước mặt mọi người Bách Hối thiền sư tuyệt không nhắc đến nhị đệ của mình, lão cũng chẳng lên tiếng giải thích nguyên do nhị trưởng lão ẩn mặt mặc cho bao nhiêu thắc mắc của chúng tăng. Bách Nhẫn thiền sư cũng thế, chỉ giải thích đơn giản là nhị trưởng lão đang bế quan tọa thiền.

Thật ra cách giải thích này cũng hữu lý 1 phần. Các bậc cao tăng mỗi khi phát đại nguyện nhập thiền, mau thì cũng năm ba năm, lâu thì cũng có khi đến 9-10 năm. Thế nhưng đến mức như Bách Tuệ bế quan hơn 15 năm thì trước nay chưa từng thấy.

Tất nhiên lời giải thích khiên cưỡng của Bách Nhẫn thiền sư không làm bọn đệ tử thỏa mãn, nhất là các đệ tử thân truyền của Bách Tuệ. Những lời đồn đoán về sự mất tích bí ẩn của lão lan ra như cơn sóng ngầm trong bọn tăng chúng. Có người bảo nhị trưởng lão tu luyện bất cẩn nên bị tẩu hỏa nhập ma, có kẻ bạo mồm lại còn căn cứ theo thái độ của phương trượng mà cho rằng nhị trưởng lão mưu toan soán nghịch nên bị sư huynh giam cầm, kẻ khác lạc quan hơn thì tin là nhị trưởng lão đang bế quan tiềm tu 1 môn thần công tuyệt thế để trừ ma vệ đạo, quét sạch ma kiếp. Tóm lại là vô vàn suy đoán đồn đãi nhưng thực hư thế nào thì đến nay vẫn chưa ai chứng thực được.

Có 1 điều chắc chắn là Đại Ngu, đại đệ tử đích truyền của Bách Tuệ thiền sư luôn khẳng định với đồng môn huynh đệ rằng sư phụ mình vẫn bình an khỏe mạnh, mặc dù lão tạm thời vắng mặt nhưng sớm muộn gì cũng sẽ trở lại cương vị cũ. Từ lúc nhị trưởng lão Thiên Phật tự vô tung vô ảnh biến mất, Tàng Kinh Các do tự tay Đại Ngu quản thủ. Y là người cẩn thận chu đáo, tính tình thành thực giản dị, ngoài ra công lực cũng đã đạt đến mức cao tuyệt nên Bách Hối thiền sư yên tâm giao phó trọng trách coi sóc nơi cất giữ kinh sách quí báu cho y.

Những năm đầu đệ tử trong chùa còn hay thắc mắc đến sự vắng mặt bí ẩn của nhị trưởng lão nhưng theo thời gian mọi người cũng quên dần, tam tăng Thiên Phật giờ chỉ còn lại 2 dường như là điều hiển nhiên trong lòng chúng tăng.

Trở lại với nhà sư trong căn phòng nhỏ.

Nhà sư dùng đến môn thần công tối cao của cửa Phật giảng kinh Bát Nhã thì rõ ràng lão chính là Thiên Phật tự tam trưởng lão Bách Nhẫn thiền sư chuyên giảng kinh văn không sai. Ít ai nghĩ được rằng 1 vị cao tăng danh chấn thiên hạ bề ngoài lại trông tầm thường đến thế. Lão gọi người ẩn mình trong bóng tối là nhị sư huynh quả là 1 điều bí mật khiến người ta sửng sốt. Lạ 1 cái dưới chân bàn thờ Phật tổ rành rành khoảng không trống trãi, 4 phía ngoài 4 cọc chân gỗ ra thì đâu còn gì khác?

Bách Nhẫn thiền sư cất tiếng hỏi xong thì nhẫn nại chờ thêm 1 lúc nữa.

Đoạn hương cháy dở trên bàn thờ lúc này đã tàn hẳn. Đỉnh trầm vẫn tỏa khói nghi ngút, mùi trầm hương phảng phất trong không gian tĩnh mịch khiến lòng người lâng lâng cảm giác thoát tục. Sự bình an yên ả tràn ngập căn phòng tựa như cõi Niết Bàn nơi Tây Phương cực lạc thế giới.

Giữa lúc đó bỗng nhiên chuông vàng tự động ngân lên rồi thân mình Bách Nhẫn đại sư chấn động 1 cái tựa như bị cây búa lớn đập vào trước ngực. Trán toát mồ hôi to nhỏ giọt, tia mắt vụt trở nên ảm đạm vô thần.

Lão bàng hoàng 1 lúc rồi từ từ cúi đầu xuống niệm câu Phật hiệu, trông dáng vẻ buồn rầu như đánh mất vật gì quí báu lắm, hồi lâu mới run run cất tiếng nói :

- A Di Đà Phật, Phật tổ từ bi. Sư huynh … mong huynh bảo trọng tấm thân vàng ! A Di Đà Phật, A Di Đà Phật …

Lão niệm liền 1 lúc mấy tiếng Phật hiệu đoạn phục mình xuống lạy kim thân Phật tổ trên bàn hương 3 lạy rồi nặng nhọc đứng lên xoay mình chậm chạp bước ra cửa. Nhà sư ra đến ngoài còn quay lại ngó vào, trước khi đưa tay khép kín cánh cửa còn tần ngần 1 lúc. Lão không kìm được khẽ lên tiếng bảo :

- Nhị sư huynh, kiếp nạn nhân gian sắp đến rồi. Sư huynh … bỏ mặc sinh linh đồ thán không hỏi tới thì … Hỡi ôi … Đức Phật từ bi tha tội !

Ngoài căn phòng nhỏ là 1 khu rừng trúc rộng um tùm. Bây giờ tuy xế chiều nhưng trời hãy còn sáng mà căn nhà nhỏ nằm trong chỗ âm u mặt trời không soi tới. Một cành trúc khô rơi xuống mặt đất phủ đầy lá, dường như nơi đây thời gian qua không được ai chăm nom quét dọn.

Tiếng bước chân lẹp kẹp xa dần. Khung cảnh im lặng chỉ còn tiếng gió xào xạc thổi qua làm rung động khóm trúc. Vài tiếng chim hót líu lo tô diểm thêm vẻ hoang vắng quạnh quẽ. Bách Nhẫn thiền sư đi khuất dạng đã lâu nhưng tiếng tụng niệm vẫn còn vọng lại.

… Bất sinh, diệc bất diệt

Bất thường, diệc bất đoạn

Bất nhất, diệc bất nhị

Bất lai, diệc bất khứ …

(… Không sinh nên không diệt

Không thường nên chẳng kết thúc

Không phải 1 nên cũng chẳng phải 2

Không đến nên không đi …)

……………………..

Sơn Hà lĩnh.

Triều Dương phong.

Dãy núi non trùng điệp nằm theo hướng Đông – Tây, từ cao nguyên Mộc Lạc kéo dài đến tận Tam Thiên Lý hồ hơn 2 nghìn dặm, là 1 tiểu nhánh từ Côn Lôn sơn hùng vĩ tách ra, tên gọi Sơn Hà lĩnh. Nằm gần mé cực Tây của dãy Sơn Hà, sát giao điểm giữa Sơn Hà lĩnh với dãy Côn Lôn là ngọn Triều Dương. Nơi đây thật đúng với tên gọi, cây cỏ hoa lá 4 mùa đón ánh mặt trời ấm áp nên lúc nào cũng xanh um tươi tốt. Chim muông thú vật chung sống trong thanh bình với con người, tiếng hót líu lo của trăm ngàn loài chim chóc, tiếng vượn hót đêm ngày với tiếng lá reo suối chảy tựa như khúc hát thanh bình chốn non Bồng nước nhược.

Thiên Phật tự.

Ngôi chùa qui mô to lớn nằm ở lưng chừng ngọn Triều Dương. Tên gọi Thiên Phật có lẽ bắt nguồn từ số kim thân Phật tượng có ở trong chùa. Không biết Thiên Phật tự được kiến tạo từ bao giờ, chỉ biết rằng trong chùa còn lưu lại bảo vật trấn tự là Kiến Tính đại hồng chung. Trên thân quả chuông đồng khổng lồ nặng mấy nghìn cân này còn lưu lại thủ ấn của Hiên Viên hoàng đế. Ấn ký rõ ràng đã có từ thời thái cổ nên ngôi chùa chắc chắn cũng phát nguyên từ khi đó. Tuy lai lịch lâu đời như vậy nhưng Thiên Phật tự không có vẻ gì là 1 ngôi cổ tự như người ta vẫn hình dung, trái lại phòng phòng ốc ốc tinh tươm ngăn nắp, tường vách đều được quét vôi sạch sẽ.

Trải qua bao nhiêu năm, qua nhiều lần tu bổ, ngày nay Thiên Phật tự có thể nói là ngôi đại tự qui mô to lớn nhất trong thiên hạ. Lầu các trùng trùng, Phật đường, bửu điện nhiều vô số, tăng xá cơ man nào kể xiết. Tăng nhân trong tự rất nhiều nhưng tất cả đều được tuyển lựa huấn luyện kỹ càng nên số lượng tuy đông nhưng luôn qui củ nề nếp.

Dưới chân ngọn Triều Dương mấy cánh đồng ruộng mênh mông trải dài xa tít tắp. Đây là công đức điền được các đại tài chủ trong thiên hạ góp nhau hiến tặng, từ lâu là nguồn thu nhập chính của tăng nhân chùa Thiên Phật. Ngoài ra tiền công đức từ các dịp trai đàn cúng tế hoặc cầu siêu ma chay cho bá tánh khắp nơi cũng góp 1 phần vào việc duy trì ngôi đại tự này.

Cửu U giáo tuy dã tâm bừng bừng nhưng đối với thiên hạ đệ nhất tự cũng phải nhường nhịn 3 phần. Chu vi ngàn dặm xung quanh Triêu Dương phong đều có 1 luật bất thành văn, giáo đồ Cửu U hầu như không lai vãng đến khu vực này.

Thanh Tâm tịnh xá.

Kiến Hỷ viên là hậu hoa viên của Thiên Phật tự được kiến tạo sát vào sườn núi phía sau tự. Khu vườn trồng muôn vàn các loài hoa lan, từ các loại dân dã như Hồ Điệp, Kim Câu, Hoàng Thảo, Thanh Đạm, Thạch Hộc, Vân Hài, Ý Thảo … vân vân, cho đến các loại cực kỳ quí hiếm như Xuy Tuyết, Phượng Hoàng, Long Tu, Huyết Dạ … hầu như các loài lan trong thiên hạ đều có đủ.

Đây là luống địa lan đỏ rực khoe sắc, kia là dãy dàn tre treo đầy các giò lan màu tím sặc sỡ, đây đó ong bướm dập dờn tung bay nô đùa trong nắng chiều. Mấy cây Đại Mộc Hoàng Lan nằm ở phía xa tít cuối vườn rủ những chùm hoa vàng rực điểm nhụy đỏ tía xuống đất, hương thơm thoảng bay theo cơn gió núi đưa người ta vào cõi thần tiên mơ mộng.

Một căn tiểu xá nho nhỏ vách bằng tre trúc mái lợp lá, được xây dựng đơn sơ mộc mạc nằm giữa khu vườn. Căn nhà gianh này là nơi tịnh tu của chưởng môn phương trượng Thiên Phật tự, Bách Hối thiền sư. Lão bận rộn cả ngày với công việc trong tự, ngoài những lúc tọa thiền hoặc tụng kinh ra thì thời gian còn lại dành để chăm sóc vườn lan.

Lúc này trong vườn một nhà sư già đang tỉ mẩn chăm chút mấy khóm hoa, 1 tay lão cầm bình nước, tay kia cầm cây kéo nhỏ. Cặp mắt kèm nhèm gần như bị lông mày dài che khuất, nhà sư phải cúi mình sát vào giò hoa mới trông thấy rõ chi tiết.

Trông kỹ lại nhà sư mặc chiếc cà sa đại hồng thêu chỉ vàng, biểu hiện của thân phận cao cả. Lão nâng niu cành hoa tựa như mẹ hiền săn sóc con thơ, trông dáng vẻ cẩn thận như sợ làm mấy bông hoa bị đau. Lão loay hoay 1 lúc rồi đứng thẳng người dậy, lùi ra sau 1 bước rồi nheo nheo mắt, chòm râu bạc lay động tựa như đang lẩm nhẩm mỉm cười. Dáng điệu hài lòng vì vừa làm xong chuyện đắc ý.

Nhà sư đứng im ngắm nhìn tác phẩm của mình 1 hồi thì xoay đầu sang cất tiếng hỏi :

- Đệ thấy đóa Kim Đao này có đẹp không? Lại đây, đã đến từ nãy sao không vào mà còn đứng ở ngoài đấy làm gì? Mau, mau lại đây nào !

Tiếng người vâng dạ vang lên bên ngoài rồi cánh cổng tre kẽo kẹt kêu lên mấy cái. Một nhà sư khoan thai bước vào.

Nom lại là nhà sư trong căn phòng nhỏ lúc nãy. Lão xoay người cẩn thận khép cánh cổng tre long lay như muốn gãy vào rồi chậm rãi bước lại gần, mắt lấp lánh ánh cười. Nhãn thần ung dung, cước bộ bình tĩnh dường như bao nhiêu phiền muộn vừa rồi không còn ảnh hưởng đến mình nữa.

Nhà sư vừa lên tiếng kêu gọi không đợi sư đệ mình đến gần đã xoay người vội vã bước sang 1 khóm lan khác nằm tách biệt ở góc trong cùng.

Khóm lan treo trên cọc gỗ chăng dây, phía dưới là 1 hồ nước nho nhỏ, giữa hồ 1 tảng đá trắng trong suốt tỏa hơi nghi ngút. Khóm lan này vừa nhìn thoáng qua đã thấy vô cùng đặc biệt so với các cây lan khác trong vườn. Cành hoa cuống lá bình thường như bao cây khác nhưng bông hoa thì to hơn rất nhiều. Đóa hoa lan to bằng miệng tô canh, cánh hoa đỏ thẫm như máu điểm xuyết những đốm nhỏ long lanh tựa phủ lớp kim tuyến, nhìn vào người ta liên tưởng đến bầu trời màu đầy sao lấp lánh. Hương thơm ngào ngạt cách xa mấy thước cũng ngửi thấy.

Nhà sư thần người vẻ mặt si mê đứng ngắm đóa lan 1 lúc rồi chợt nhớ ra, quay lại đưa ngón tay lên môi tựa hồ sợ sư đệ mình lên tiếng. Vị lão tăng vừa bước vào đã đến cạnh sư huynh mình từ nãy. Cả 2 lặng im thưởng thức đóa đại huyết lan đang nở rộ.

Căn cứ theo cách ăn vận cùng lối xưng hô thì đây chính là phương trượng Thiên Phật tự - Bách Hối thiền sư và tam sư đệ của lão, Bách Nhẫn.

Bách Hối thiền sư yêu thương hoa lan còn hơn bản thân mình, đặc biệt lão trân quí cây lan Huyết Phụng Hoàng này hơn cả. Nghe đâu loài lan này cực hiếm, chỉ có ở vùng Nam Hoang xa xôi nơi ẩm thấp lạnh giá. Bách Hối thiền sư được 1 vị hảo hữu tặng cho 1 cây lan Huyết Phụng Hoàng, lão không tiếc chân nguyên dùng thần công luyện nên âm hàn chi thạch để giữa hồ nước tạo ra hơi lạnh cho khóm lan sinh trưởng.

Loài huyết lan này 50 năm mới nở hoa, 1 lần hoa nở đến 7 tháng liên tục mới tàn nên còn có tên gọi là Thất Nguyệt Huyết Lan. Hương thơm của nó có thể thanh tâm tẩy não, tiêu bệnh khử độc, thật là 1 loại kỳ hoa của trời đất. Điều lạ lùng loài lan này rất sợ tiếng động, hễ mỗi lần nghe thấy âm thanh là nó sẽ tự động thu cánh hoa lại tựa như ẩn nấp, vài canh giờ sau nếu thật sự yên tĩnh mới xòe cánh ra. Chỉ là mỗi lần kinh động như thế sẽ rút ngắn kỳ nở hoa của nó xuống 1 tháng. Chính vì vậy Bách Hối thiền sư đã dùng pháp lực vạch ra kết giới ngăn chận tiếng động từ bên ngoài xâm nhập vào ảnh hưởng đến cây lan.

Lão tăng Bách Hối mắt vẫn không rời đoá lan to lớn. Lão cất bước lùi lại mấy bước qua khỏi kết giới rồi đưa tay vuốt râu dáng điệu tiếc nuối khẽ nói :

- Đóa Huyết Phụng này vừa nở sáng nay. Đó là dịp mấy chục năm mới xảy ra. Hôm qua ta đã biết nó sẽ nở vào hôm nay, không ngờ nó lại nhằm lúc ta không có ở đây mà nở. Hỡi ôi thật là đáng tiếc, đáng tiếc …

Thái độ cùng cử chỉ của lão buồn rầu như lỡ mất buổi hát hay. Không ngờ nhà sư già đến ngần này tuổi mà còn như đứa con nít mãi trông đợi chuyện vui trước mắt.

Bách Nhẫn thiền sư nghe sư huynh than thở thì hơi mỉm cười. Lão niệm câu nam mô phật rồi khẽ nói :

- Sư huynh, bông hoa này đẹp tuyệt mà lại thơm ngát, đúng là 1 đoá kỳ hoa. Có điều hoa nở hay chưa nở cũng thế thôi, mấy mươi năm có khác nào giấc mộng thoáng qua trong chốc lát? Hoa nở rồi tàn, sư huynh, huynh chỉ muốn ngắm hoa nở chứ có muốn nhìn cảnh hoa héo tàn hay không?

Lão nói xong lại niệm câu a di đà, tuy nói với sư huynh nhưng mắt không rời đoá hoa lan. Bách Hối thiền sư nghe sư đệ hỏi thì gục gặc đầu, đôi mày dài cau lại không hiểu lão đang cười hay đang cáu bực.

Mấy giây trôi qua trong tĩnh lặng. Đột nhiên Bách Hối thiền sư khoa chân bước qua kết giới tiến đến sát cạnh đóa Huyết Lan, lão đưa mắt ngắm nhìn đóa hoa tươi đẹp 1 lúc rồi trầm giọng niệm câu Phật hiệu.

Tiếng niệm Phật tuy nhỏ nhưng tựa như tiếng sấm giữa bầu trời quang tạnh. Bách Nhẫn thiền sư còn chưa kịp định thần lại thì trước mắt nhà sư lập tức chuyện lạ phát sinh : các cánh hoa đang vươn mình nở rộ khép lại thật nhanh, mùi hương nồng nàn cũng biến mất tức thì. Đoá hoa to tướng đang khoe sắc hương trước đó vài giây trong nháy mắt chỉ còn lại 1 búp hoa nằm rũ xuống.

Bách Hối thiền sư đứng nhìn khóm lan tàn tạ hồi lâu ánh mắt lộ vẻ phức tạp. Lão lắc lắc đầu rồi chuyển bước quay ra ngoài đến gần chỗ sư đệ. Nhà sư đưa tay vuốt râu mấy cái đoạn chậm rãi hỏi :

- Chỉ 1 chốc nữa chúng ta lại được xem cảnh hoa nở. Sư đệ, đệ thấy phương cách của ta để ngắm lại cảnh hoa khai có tuyệt diệu không?

Lão vừa nói vừa nhìn Bách Nhẫn. Ánh mắt hiền hòa trong sáng, khuôn mặt hồng hào toát lên 1 thứ ánh sáng kỳ diệu không thể diễn tả bằng lời. Bách Nhẫn thiền sư lặng im trầm ngâm 1 lúc rồi như người ngủ mơ chợt tỉnh. Lão niệm câu Phật hiệu rồi chắp tay cúi đầu, thái độ cực kỳ cung kính trả lời :

- Tuyệt diệu, quả thật tuyệt diệu. Đa tạ sư huynh ! A di đà phật !

Thì ra Bách Hối thiền sư cố tình lên tiếng đánh động cây lan Huyết Phụng Hoàng cho nó khép cánh lại. Lão lại bảo sẽ đợi ngắm khi nó mở cánh ra. Rõ ràng cách lão dùng tuy khiên cưỡng nhưng mục đích mấu chốt cũng không sai biệt nhiều.

Tương truyền thuở xưa khi Đức Phật đản sanh ở thành Ca Tì La Vệ trong hình hài thái tử, vị đại hiền của vương quốc lúc bấy giờ là đạo sĩ A-Tư-Đà khi được nhà vua mời vào tiên đoán hậu vận cho hoàng tử đã xúc động không ngăn được phải khóc ròng. Khi mọi người hỏi vì sao lão khóc, vị thánh giả này giải thích rằng ông ta đã quá già, không còn sống được đến lúc Đức Phật chuyển Pháp Luân bắt đầu truyền giảng giáo pháp của người.

Nên biết rằng Phật lý vốn xem trọng chữ duyên. Duyên khởi, duyên diệt, vật sinh, vật diệt. Gặp gỡ tức là có duyên. Nhân duyên hợp lại có thể sinh ra vạn vật, từ 1 hạt bụi mà thành cả thế giới bao la rộng lớn. Bách Hối thiền sư tiếc nuối không được nhìn xem lúc hoa khai là thật ra lão tiếc cho cơ duyên mình chưa đủ. Lão không lấy làm tiếc vì bỏ lỡ cảnh “hoa nở” mà lão ân hận vì bản thân không có “cơ duyên” nhìn hoa nở. Thật ra lão có thể tùy ý làm cho hoa khép lại để ngắm lúc hoa nở thế nào tùy ý, y hệt như phương pháp lão vừa làm tỉ dụ cho sư đệ mình. Cái lý này cũng như trường hợp của nhà hiền triết nói trên. Với thần thông bấy giờ của ông ta, cho dù phải già chết đi nhưng nếu muốn đầu thai trở lại nhân gian kịp khi thái tử Tất Đạt Đa thành đạo không khó khăn chút nào.

Bách Nhẫn thiền sư tuy thông hiểu Phật pháp nhưng lão lại quá chấp vào kinh nghĩa mà không an trụ tâm mình vào chữ duyên, nhẫn nại tuy đầy nhưng trí huệ chưa đủ. Lão nhìn nhận lẽ vô thường theo kiểu hoa nở - hoa tàn nhưng quên mất tuổi trời có hạn mà cơ duyên 1 khi trôi qua thì biết đến khi nào mới trở lại?

Bách Hối thiền sư quí báu đóa Huyết Phụng còn hơn bản thân mình nhưng không tiếc phí mất thời gian nở 1 tuần trăng của hoa lan, mục đích cũng là muốn cho Bách Nhẫn giác ngộ 2 chữ “cơ duyên”, đồng thời khai thị lão về việc “tùy tâm”. Phật lý không câu chấp vào bất cứ điều gì mà chỉ dựa vào đường lối trung dung để đạt đến giác ngộ. Bản tính câu chấp sẽ dễ dàng dẫn hành giả đến thái độ cực đoan, là trở ngại cực lớn trên con đường tu Phật. Do vậy theo 1 chừng mực nào đó, “tùy tâm” 2 chữ lại mang 1 ý nghĩa tích cực cho người tu sĩ.

Bách Hối coi Huyết Lan như tính mạng, đó là chấp. Lão không ngại hao tổn 1 tháng thọ nguyên đóa hoa để xem cảnh hoa nở lại, đó là tùy tâm. Việc làm nhà sư tuy giản dị nhưng ẩn chứa diệu lý thâm ảo, Bách Nhẫn cảm tạ lão vì nhờ sư huynh mà lão đã minh ngộ được 2 thứ “duyên” và “tâm”. Từ đây tâm cảnh nhà sư lại tiến thêm 1 bước dài, tu vi chắc chắn sẽ thêm vững chắc.

Bách Hối thiền sư nghe sư đệ lên tiếng cảm ơn thì cười khà khà. Lão cúi mình xuống nhặt cây kéo cùng bình nước lên đoạn cất bước vào căn nhà gianh, đến cửa còn ngoái đầu lại bảo :

- Đệ hãy vào đây uống chén trà với ta.

…………………….

Trong căn nhà nhỏ bày biện đơn sơ, Bách Nhẫn thiền sư ngồi xếp bằng trên chiếc nệm đằng sau kỷ trà thấp bằng gỗ, tiếng nước sôi réo nhè nhẹ trong ấm nước đặt trên bếp than. Bách Hối thiền sư nhấc ấm nước xuống từ từ rót vào bình trà bằng gốm nung. Một mùi thơm nức mũi lập tức bốc lên tỏa khắp căn phòng. Lão nhắm mắt đưa mũi hít vài hơi ra chiều sảng khoái rồi cẩn thận rót nước trà nóng vào 2 chung trà nhỏ bằng sứ tráng men trắng để trên kỷ trà.

Bách Nhẫn thiền sư nâng chén trà lên ngang mũi. Lão đưa mắt nhìn làn nước xanh trong vắt, nhấp 1 ngụm nhỏ đoạn nhắm mắt lại như tận hưởng vị thơm ngon trong miệng.

Bách Hối thiền sư cũng nâng chén lên uống. Lão khà 1 cái đặt chén xuống kỷ rồi bảo :

- Đệ thấy trà này hương vị thế nào? Đây là loại Bạch Hầu trà do Vương viên ngoại sai người mang tới mấy hôm trước, ta lại mang ra vườn hứng sương sớm suốt 7 ngày. Sương sớm với hương hoa thấm đẫm vào lá trà, cộng với mùi vị sẵn có lại càng tăng thêm hương vị thanh tao.

Bách Nhẫn thiền sư gật gật đầu tỏ ý tán thưởng. Lão chưa kịp trả lời thì Bách Hối lại lên tiếng hỏi tiếp :

- Hôm nay đệ đến tìm ta vào giờ này có phải vì chuyện Vi Ngã? Ta xem sắc diện của đệ có lẽ bị Kim Cương thần công phản chấn mà thành ra nội thương. Lần trước cách nay 3 tháng đệ cũng bị tình trạng như vậy, có điều lần đó dường như ít trầm trọng hơn. Hỡi ôi, xem ra tâm ma của y lại nặng thêm 1 phần nữa.

Lão dừng 1 chút nhìn sư đệ chăm chú ra vẻ quan tâm rồi lắc lắc đầu ngỏ ý thương xót. Ánh mắt sau hàng mi bạc trắng thấp thoáng vẻ phiền muộn. Bách Nhẫn đại sư nghe sư huynh mình nói thì khẽ niệm Phật rồi cúi đầu xuống không đáp lại. Bách Hối dừng 1 chút đoạn trầm giọng nói tiếp :

- Đệ đừng hỏi ta phải làm sao, thật ra trong lòng chúng ta đều hiểu rõ. Bản thân y không tự giải thoát được khỏi gông cùm thì người ngoài còn mong gì giúp y?

Vi Ngã là tên tục danh lúc chưa xuất gia của nhị trưởng lão Bách Tuệ thiền sư.

Bách Hối, Bách Tuệ, Bách Nhẫn thuở nhỏ xuất gia cùng thụ giới với 1 sư phụ là Vô Tướng đại sư, phương trượng đời trước của Thiên Phật tự. Ba người tuy nhập môn có trước có sau nhưng tình thân như đồng bào huynh đệ. Trong 3 tên đệ tử thì Vi Ngã, tức Bách Tuệ hiện nay là người thông minh sáng dạ nhất. Tuy lão xuất gia nhập môn sau đại sư huynh Bách Hối mấy năm nhưng tâm pháp cùng diệu lý cửa Phật lão là người làu thông hơn hết. Tam đệ Bách Nhẫn thì kiên trì nhẫn nại, tuy ngộ tính không bằng nhị sư huynh nhưng vô cùng cần cù chịu khó, bước thành tựu cũng rất khả quan.

Trong 3 người Bách Hối đại sư huynh là đệ tử coi bộ bình thường nhất. Lão tựa hồ không quan tâm đến công phu tu tập mà chỉ thơ thẩn suốt ngày với cỏ cây chim muông, kinh kệ cũng chữ được chữ mất. Thế nhưng Vô Tướng lão thiền sư lại coi tên đại đệ tử này bằng cặp mắt xanh, đến khi nhập diệt cũng truyền vị chưởng môn lại cho y.

Bách Hối trở thành chưởng môn phương trượng, Bách Tuệ và Bách Nhẫn cũng theo đó trở thành Thiên Phật trưởng lão. Mấy mươi năm trôi qua, giờ đây 3 tên tiểu đồng thuở trước đã thành 3 lão già da mồi tóc bạc. Thời gian tàn nhẫn vô cùng, nét phôi pha không từ 1 ai.

Bách Tuệ nhị trưởng lão từ bé đam mê huyền thuật thành tánh. Lão làm trưởng lão bèn xin được trông coi quản thủ Tàng Kinh Các, kho sách của chùa Thiên Phật vốn chứa đầy các thư tịch bảo điển quí giá. Lão lại lén rèn luyện môn Đại Kim Cương Thần Công là 1 trong Tam Đại Kỳ Công của nhà Phật.

Nguyên môn Đại Kim Cương Thần Công là môn thần công chủ về sát phạt. Tuy Phật pháp từ bi luôn khuyên răn người ta giới sát nhưng Kim Cương lại là vị thần giáng ma phục yêu bảo vệ cửa Phật. Có thể nói vị thần Kim Cương là đại diện cho nguyên lý “sát nhất nhân cứu vạn nhân”, giết 1 kẻ hung tàn để cứu hàng vạn người khác khỏi tay kẻ đó hay cũng là lẽ từ bi “dĩ sát chế sát, dĩ độc công độc”.

Bách Tuệ tu luyện Kim Cương Thần Công, thay vì lão phải năng tọa thiền hơn để dùng thiền lý hóa giải lệ khí sinh ra trong tâm do tu tập môn công phu này, lão lại cố gắng ngày đêm nghiên luyện cho mau chóng thành tựu. Cả 2 huynh đệ của lão cũng không ai hay biết chuyện Bách Tuệ ẩn mình khổ luyện môn kỳ công cái thế. Đến khi 1 ngày Bách Tuệ phát cuồng xông vào phòng Bách Hối phương trượng toan làm dữ thì mọi chuyện mới vỡ lở, tuy nhiên đến nước này thì mọi việc đều đã muộn.

Bách Hối cùng Bách Nhẫn hợp lực chế phục nhị trưởng lão, an trí lão vào nơi kín đáo trong rừng trúc phía sau chùa đồng thời bố trí ngũ hành trận ngăn chận người ngoài tò mò xông vào. Bách Nhẫn ngày ngày 2 buổi đến tụng kinh Bát Nhã cho nhị sư huynh nghe hòng làm tiêu giảm hung lệ chi khí trong người lão, thế nhưng Bách Tuệ nhập ma quá sâu không sao cứu được nữa. Tuy Bách Tuệ hãy còn 1 điểm linh tính cố gắng khống chế tâm linh mình nhưng đôi khi lý trí bị mây mờ che phủ, Kim Cương Thần Công bộc phát ngoài ý muốn phản kích lại sư đệ lão thành ra thọ nội thương.

Bách Nhẫn thương yêu vị sư huynh này vô cùng. Lão trăm phương ngàn kế tìm cách phá bỏ ma chướng giúp nhị sư huynh thoát khỏi kiếp nạn nên không ngại tiêu hao chân nguyên, dùng Phật Đăng Thiền Xướng tụng niệm kinh văn đều đặn mỗi ngày không gián đoạn mong đem Phật pháp từ bi hóa giải lệ khí cho sư huynh. Mỗi lần tụng xong 1 thời kinh cũng tương tự như vừa lâm trận với đại địch, công lực bản thân hầu như kiệt quệ nên không chống nổi với luồng cương khí do Kim Cương Thần Công phát ra.

Phật gia có câu “buông bỏ đồ đao, lập tức thành Phật”. Bách Tuệ thân mang thần công sát khí uy mãnh tựa như mang theo 1 lưỡi dao sắc bén, tuy bá đạo có thừa mà vương đạo không đủ. Lão lại mải mê với pháp lực tu thành, cam tâm nhập ma. Nếu bây giờ muốn tự thân hóa giải hung sát khí thì chẳng khác nào phải hủy bỏ công phu tu luyện bấy lâu nay.

Bách Tuệ thiền sư trái với mong mỏi của sư huynh cùng sư đệ mình, không cam tâm phế bỏ 1 thân thần công. Trong lúc bị cấm chế dường như lão vẫn tiếp tục âm ỉ rèn luyện, chẳng ngờ như vậy lại phạm vào đại cấm kỵ của tu chân giới là tu pháp. Công phu lão tăng tiến nhưng tâm ma ngược lại lớn mạnh thêm nữa. Chính vì thế như Bách Hối thiền sư đã nói, ngoại trừ lão tự cứu mình, ngoài ra không còn ai có thể cứu lão được.

Bách Nhẫn thiền sư nghe lời sư huynh cũng im lặng không biết đáp lời như thế nào. Trong nhất thời toàn bộ căn phòng chìm vào im lặng, chỉ còn nghe tiếng gió đùa lá reo xào xạc ngoài vườn. Một tiếng cú kêu đêm vẳng tới rồi tiếng đập cánh của mấy con chim trong buổi chiều yên ả vang lên phành phạch. Ánh lửa hồng trong bếp lò ánh lên khuôn mặt từ bi của Bách Hối thiền sư, cặp mắt nhà sư nhìn chăm chú vào chén trà trên tay như đang tập trung suy nghĩ.

Hai sư huynh đệ ngồi như thế 1 lúc thì Bách Nhẫn bỗng thở dài 1 tiếng. Lão cầm chén trà lên nhấp 1 ngụm nữa đoạn đứng lên chắp tay chào Bách Hối thiền sư ngỏ ý từ tạ. Bách Hối thiền sư vẫn ngồi im dưới đất đưa tay ra hiệu cho sư đệ rồi tiếp tục đăm chiêu như cũ.

Bách Nhẫn thiền sư bước ra khỏi căn nhà gianh xoay tay khép cánh cửa gỗ lại. Lão hít 1 hơi dài ngẩng mặt nhìn trời, tay lần chuỗi hạt, miệng lẩm nhẩm như khấn vái những gì nghe không rõ.

Không khí buổi đêm ngoài vườn thơm ngát. Đóa Huyết Phụng đã nở bung ra từ khi nào, bây giờ hương thơm của nó nồng nàn tỏa khắp mọi ngóc ngách xó xỉnh Kiến Hỷ viên. Trong buổi hoàng hôn từng làn u phong men theo sườn núi mơn man thổi tới, cả 1 vùng hậu sơn ngập tràn trong yên bình. Xa xa từ phía Đại Hùng Bửu Điện tiếng chuông chiều ngân ngân vang lên trong gió.

Bách Nhẫn thiền sư tay lần tràng hạt chậm rãi bước đến ngã rẽ thì màn đêm xuống hẳn, lão xoay đầu nhìn lại lần nữa thấy ngôi nhà tranh còn chìm trong bóng tối, dường như Bách Hối thiền sư vẫn mãi ngồi im chưa chịu đứng lên thắp đèn lửa.

Nhà sư niệm câu nam mô phật đoạn quay lưng quày quả bước đi. Trước mắt ánh sáng lấp lóa, 1 tòa Đại Hùng Bửu Điện dần dần hiện ra theo bước tăng hài. Đại điện huy hoàng tráng lệ, đèn đuốc sáng ngời, bóng người lố nhố, xem ra buổi kinh chiều cũng mới vừa mãn chưa lâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hiep#tien