8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Anh nghĩ chuyện gì mà cười tủm tỉm vui thế" - cô An bước vào phòng, khuôn mặt đã tẩy trang mịn màng, mái tóc vừa gội vẫn còn nhỏ nước lên bờ vai mỏng manh, nhìn chồng ngồi trên giường với một quyển sách mở sẵn nhưng chẳng hề để tâm đến một chữ, không kìm được tò mò đành lên tiếng hỏi.

"Đã muộn vậy rồi mà còn gội đầu sao em" - thầy Tuấn gấp sách lại, đi đến bàn trang điểm cắm điện máy sấy tóc. Cô An nhẹ nhàng ôm chồng một cái thay lời cảm ơn rồi ngồi xuống ghế, thả lỏng thân người hưởng thụ thứ tình yêu bình dị nhưng nồng nàn suốt bao nhiêu năm qua. Thầy Tuấn vốn là mẫu người hướng nội và khô khan. Bao nhiêu năm qua số lần thầy nói với vợ ba chữ "Anh yêu em" thật sự rất ít, nhưng hành động lại nhiều hơn bất cứ ai. Cô lên cầu thang - có thầy phía sau đỡ, cô xuống cầu thang - có thầy dìu tay đi, cô mệt ngủ dậy muộn - có ngay cốc nước ấm, cô nấu ăn - thầy rửa chén, cô phơi đồ - thầy lau bếp,... Cô An trước đây ít khi thấy bố mẹ làm việc nhà cùng nhau, vì cả hai đều bận, và vì nhà có cô giúp việc. Nhưng cô An không thể nào quên những chiều cuối tuần, bố mẹ cô gác lại công việc, bố pha trà còn mẹ làm ít điểm tâm, cả hai cùng nhau ngồi trên bộ trường kỉ bên hiên nhà, an yên ngắm hoa thưởng lá. Ông bà không nói một lời nào cả nhưng lại tựa như rất hợp ý nhau, hạnh phúc tận hưởng cái nắng chiều lộng gió. Thi thoảng, một vài buổi chiều cuối tuần như thế bị phá hỏng bởi cuốn sổ liên lạc của cô, hoặc bởi tiếng hàng xóm sang mắng vốn thằng Nghĩa quậy phá. Những lúc như vậy mẹ cô lại lắc đầu thở dài thu dọn hậu quả, còn bố cô thì lập tức đứng dậy đi lên tầng 4, con cái lấm lét theo sau, rồi lại mỗi tiếng roi vụt xuống tặng cho cặp mông nhỏ run run một con lươn đỏ hồng. Sau này có gia đình nhỏ của riêng mình, có những buổi tối giành thời gian hỏi han bài vở của con xong, cả cô và thầy đều miệt mài với giáo án, với kế hoạch, mãi đến nửa đêm mới mệt nhoài ôm nhau chìm vào giấc ngủ. Lúc này cô An mới hiểu ra cái hạnh phúc ấm êm của bố mẹ ngày xưa, mới hiểu ra vì sao ông bà có thể duy trì hôn nhân lâu đến vậy mà hiếm khi xô đũa đụng chén. Gặp được tâm hồn đồng điệu, ở bên người cùng chí hướng, xây dựng gia đình với người có trách nhiệm - hạnh phúc chính là vậy đó.

Hơi gió từ máy sấy tóc dừng thổi cũng là lúc cô An rời khỏi dòng suy nghĩ trở về với thực tại. Thầy Tuấn sấy tóc cho vợ xong, dùng tay vuốt nhẹ trên đỉnh đầu cô rồi cất máy sấy tóc. Cô An tiếp tục câu hỏi bỏ ngỏ khi này:

-Anh vẫn chưa trả lời em kìa. Ban nãy nhớ đến cô giáo trẻ nào hay sao mà cười tương tư thế kia - càng về cuối câu tông giọng của cô An càng mang ý nũng nịu hờn dỗi, thật chẳng giống đôi vợ chồng đã ở với nhau hơn 20 năm.

- Ừm - thầy Tuấn khuôn mặt không chút biểu cảm, gật đầu quả quyết - Nhưng không phải cô giáo trẻ, mà là ngày còn trẻ của một cô giáo, lại còn là lúc phạm lỗi bị bố phạt đòn kìa.

- Hứm....- cô An lườm chồng một cái rõ dài, ngúng nguẩy nằm dài lên giường - Thì làm sao? Ai làm gì anh mà anh cứ phải trêu em suốt thế.

Thầy Tuấn nhìn dáng vẻ con nít của vợ liền nở một nụ cười tươi hiếm thấy, mà có lẽ là nụ cười giành riêng cho vợ con thầy, bước đến ôm vợ vào lòng, hít hà mái tóc thơm hương sả, trong lòng khoan khoái lạ thường. Cô An ngồi tựa đầu vào vai thầy, tranh thủ mở ipad xem lại đề án cho cuộc họp ngày mai. Thầy Tuấn cũng ngồi yên bên cạnh nhìn vợ làm việc, chợt bâng quơ hỏi:

- Hoài An này, ngày bé mỗi lần bị đánh đòn em thường nghĩ gì? Em có giận hay có ghét bố không?

- Hửm? - cô An lúc này vừa xong việc, quăng máy sang một bên nhìn chồng khó hiểu - Tự dưng anh hỏi gì lạ vậy?

Thấy chồng im lặng không đáp, mắt vẫn nhìn mình đợi một câu trả lời, cô An đành chép miệng đáp:"Không. đương nhiên là em không giận bố rồi. Lúc đấy chỉ thấy đau thôi chứ còn thấy gì khác được nữa"

- Vậy còn sau đó? - thầy Tuấn vẫn tiếp tục hỏi.

- Sau đó...hmmm...sau đó thì vẫn thấy đau. Bố em mà đánh thì ba ngày ba đêm sau mông vẫn còn sưng.

- Hoài An, em biết anh không phải hỏi ý đó.

- Rồi rồi em biết rồi - cô An tinh nghịch lay nhẹ chiếc cằm chẻ nam tính của thầy - Anh là đang lo bé con oán giận bố chứ gì.

Đáp lại lời cô chỉ là tiếng thở dài của thầy.

Cô An nhận ra vẻ mặt buồn rầu và lo lắng của chồng, không đùa thêm chút nào nữa, khẽ lẻn vào giữa hai cánh tay rắn chắc ấy, chầm chậm cất lời:

- Thật ra em cũng không biết nên đứng ở vị trí nào để trả lời anh. Là một người mẹ, anh đánh con đương nhiên em rất xót, con chỉ cần va đạp nhẹ ở đâu thôi là em cũng đau rồi chứ nói gì khi thấy khúc ruột của mình nằm dưới ngọn roi. Nhưng cũng vì là một người mẹ, em mới dặn lòng để yên cho bố tụi nhỏ dạy dỗ chúng. Việc của em là sau những trận đòn đó ở bên con, thủ thỉ chia sẻ với con, y như mẹ em ngày trước vậy.

- Vậy còn với cương vị một nhà giáo?

- Em chỉ là người làm trong ngành giáo dục, đâu phải như anh đâu mà được gọi là nhà giáo - mỉm cười nhẹ, cô An tiếp tục - Nhưng với tấm bằng tiến sĩ tâm lý giáo dục của mình, em có thể tự tin nói cho anh biết rằng đánh đòn trong giáo dục trẻ không hoàn toàn sai. Cái sai nó chỉ nảy sinh khi các bậc phụ huynh không biết đánh khi nào, đánh như thế nào và vì sao lại đánh thôi.

Thấy ánh mắt chăm chú của chồng, cô An hăng hái tiếp tục. Thầy hơn cô 10 tuổi, trước khi là người đầu ấp tay gối thì đã là thầy giáo của cô. Trước giờ toàn là chồng giúp mình vỡ lẽ ra nhiều điều, hiếm lắm mới có dịp giảng giải cho ông chồng già, tội gì không tranh thủ. 

- Nguyên tắc của việc giáo dục trẻ gói gọn trong 3 "đúng": đúng chuyện - đúng lúc - đúng mực. Dù là khen thưởng hay trách phạt, "đúng chuyện" là khi anh chỉ ra được sự việc một cách rõ ràng. "Đúng lúc" ở đây bao gồm cả thời gian và không gian. Ví dụ như anh có thể khen thưởng con trước mặt mọi người nhưng khi có ý trách phạt thì phải đảm bảo không gian riêng tư. Tuy nhiên dẫu là thưởng hay phạt đều phải được gắn liền với sự việc dẫn đến nó: một lời khen ngay khi con biết bỏ rác vào thùng rác ở công viên hoặc nếu hôm ấy ở trường con bị cô nhắc nhở, tối đó anh cần phải nói chuyện ngay để chỉ rõ vấn đề. Trẻ em mau nhớ mau quên, nếu để một thời gian rồi mới nhắc lại sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ về mức độ nghiêm trọng của sự việc. Cuối cùng là "đúng mực": tùy theo mức độ của sự việc và tần suất xảy ra để đưa ra lời khen hoặc hình phạt thích hợp. Anh không thể phạt đòn con nếu con không làm btvn một lần và tuyệt đối cũng đừng khen con chung chung kiểu "Con là tuyệt nhất". Trẻ em cần biết chính xác gốc rễ của mọi điều xảy ra với mình. Có như vậy thì giáo dục mới thật sự có hiệu quả.

Cô An nói một hơi, tự cảm thấy bao năm đèn sách theo đuổi sự nghiệp này quả nhiên không hề uổng phí!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro