Bước thứ 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm đó giống như một khúc cua trong mối quan hệ của chúng tôi. Không đột ngột, cũng không lắt léo. Chúng tôi gần nhau hơn, nhưng với tôi, anh càng thêm khó hiểu. Ngược lại, thái độ anh vẫn thế, anh hành động như thể tôi biết hết mọi thứ mà chẳng để lại một câu chú thích nào. Tôi không biết gì cả, và tôi nghĩ, anh chưa sẵn sàng cho những câu hỏi mà tôi đặt ra. Nên tôi mặc kệ, tôi chiều theo anh, nếu đó là điều anh muốn.

Thái Dung bảo với tôi rằng anh thích vẽ.

"Anh nghĩ mình có xíu năng khiếu". Anh lia một viên đá xuống lòng sông, viên đá nảy hai lần trên mặt nước rồi chìm hẳn.

"Thái Dung, anh chính là năng khiếu". Tôi lọ mọ dưới tầng cỏ non, chọn ra mấy viên đá có vẻ như "bén" nhất.

"Em tin vậy sao?"

"Ừm".

"Em đã xem tranh của anh bao giờ đâu".

"Em tin anh." Trước cả khi em có thêm manh mối để tin tưởng.

Tôi đưa anh mấy viên đá vừa lụm được, Thái Dung quay mặt đi, tập trung tư tưởng vào lực và góc độ tay. Lúc đó, trời đã sang đông, bàn tay chúng tôi đều cóng lại cả.

Mấy hôm sau, anh bảo sẽ tham gia lớp học vẽ.

"Anh không còn nhiều thời gian nữa. Anh phải đi học thôi".

Thái Dung đã là học sinh cuối cấp, hết mùa đông năm nay, rồi mùa xuân năm sau, khi hè đến, anh sẽ phải thi đại học.

"Anh tìm được lớp chưa?"

"Rồi. Sáng chủ nhật hàng tuần".

"Ở đâu?"

Gần nơi chúng tôi sống không có lớp luyện thi môn mỹ thuật, thế nên Thái Dung phải lặn lội lên tận thành phố. Không còn lựa chọn nào khác, anh cần một môi trường có thể giúp anh phát triển được kỹ năng của mình, dù nơi đó có ở tận cùng trái đất đi chăng nữa.

Thái Dung đã tra các lớp luyện vẽ ở những khu vực lân cận, gọi điện hỏi thăm thông tin và đăng ký vào danh sách chờ, việc còn lại là hoàn tất thủ tục trong buổi đầu tiên đến lớp. Và tất nhiên, tôi đã không bỏ lỡ buổi học vẽ đầu tiên của Thái Dung. Đối với một học sinh lớp 10, tôi vẫn còn khá lạc quan về lượng thời gian mà mình sở hữu, thế nên tôi chẳng thèm đi học thêm vào ngày chủ nhật. Tôi rảnh, thực sự.

"Đi mệt lắm, mười mấy cây số lận. Em không cần đi cùng anh đâu".

"Anh kệ em, là em tự thích đi thôi".

Lớp học vẽ bắt đầu lúc 8 giờ sáng, hai chúng tôi dậy sớm để thong dong đạp xe cho đỡ mệt. "Lò" luyện thi của anh nằm trong một con ngõ, một căn nhà nhỏ sơn tường vàng bợt màu nấp sau thân cây bằng lăng đã trụi lơ hết lá. Mùa đông năm đó của chúng tôi thực sự bắt đầu như thế, khi anh quyết tâm đem điều anh muốn làm biến thành nỗ lực và hành động. Tôi chẳng hề thấy một vẻ nao núng nào ở Thái Dung, khi anh rút ra số tiền học hai tháng đầu tiên và chuyển sang cho người phụ nữ ngồi sau chiếc quầy nhỏ, mà vốn chỉ là chiếc tủ đựng đa dạng các dụng cụ vẽ vời.

"Lý Thái Dung, lớp luyện thi cuối cấp". Cô vừa nói một mình vừa viết vào sổ ghi chép.

"Thế còn em thì sao?". Cô nhìn sang tôi và hỏi. Ở cô tỏa ra thứ năng lượng dễ chịu của một người phụ nữ hiểu biết. Cô là vợ của thầy giáo dạy vẽ mà Dung theo học.

"Dạ em đi cùng anh ấy thôi ạ". Tôi trả lời.

"Một người đồng hành". Cô mỉm cười với chúng tôi.

Trước khi giờ học bắt đầu, tôi tranh thủ nghía qua lớp học của Thái Dung. Một căn phòng khá rộng rãi có hai chiếc cửa sổ cánh gỗ khép chặt. Những chiếc bàn đơn và ghế tựa được bày cách nhau một quãng, có thể là để tiện di chuyển và tạo không gian cho học sinh. Ánh đèn sáng phủ lên dáng hình của một vài người đã đến lớp và ổn định vị trí của họ, có người ngồi chơi game, có người đang thơ thẩn cầm bút chì nguệch ngoạc vào sổ, có người tranh thủ nằm ra bàn ngủ thêm vài phút.

Thái Dung chưa vội kiếm chỗ ngồi, anh biết tôi còn ở đây cho đến giờ vào học. Chúng tôi đứng ở một bên cửa lớp.

"Hôm nay cũng khá lạnh nhỉ?" Anh xuýt xoa. "Lát nữa... em đi đâu?"

"Em ra ngoài phố, gần đầu ngõ có quán cà phê. Và chỗ ngồi nữa".

Lúc đó thầy giáo của Thái Dung xuất hiện, một người đàn ông trung niên có vóc dáng trung bình và phong thái gần gũi. Chúng tôi chào thầy, thầy cười với cả hai đứa:

"Học sinh mới hả?"

"Vâng. Em tên là Thái Dung ạ". Anh đáp.

"Dạ, em là bạn đi cùng thôi ạ." Rồi tôi đáp.

"Vậy vào lớp thôi. Sắp đến giờ học rồi." Thầy vỗ vai Thái Dung, bước qua chúng tôi.

Thêm một vài học sinh khác nữa bước qua hai đứa.

"Cảm ơn em nha".

"Anh vào đi".

Thái Dung lựa một bàn trống ở gần cuối lớp, chúng tôi vẫy tay chào nhau.

Tôi lượn xe ra ngoài phố, dạt vào quán cà phê mà mình đã tia thấy từ trước đó. Nhân viên quầy là một nam thanh niên tóc đen nhánh cắt ngắn gọn gàng, gương mặt cười tươi tắn đến rùng mình:

"Anh uống gì ạ?"

"Cho em một trà đào cam sả cỡ lớn, nóng nhé". Vì vẫn còn là học sinh, tôi thường mặc định mình nhỏ tuổi hơn và xưng hô như thế.

Sáng chủ nhật mùa đông, quán nước vẫn có một lượng khách kha khá, các vị trí ngồi gần cửa kính đều đã bị chiếm hết. Tôi đành ngồi bừa vào một ghế gần cầu thang đi lên lầu hai, mở một quyển sách ra đọc. Anh chàng nhân viên vừa nãy nhanh nhảu bưng ly trà đến bàn tôi.

"Nước của anh đây ạ."

"Em cảm ơn".

Anh chàng liếc qua cuốn sách tôi đang đọc rồi quay lại quầy, tiếp tục công việc của mình. Gương mặt tươi roi rói và giọng nói hồ hởi của anh ta mỗi khi chào đón khách mới khiến tôi bị thu hút. Thỉnh thoảng, anh ta chạy ngang qua tôi để đem đồ uống lên lầu hai, nhanh nhẹn hơn cả một chú sóc.

Tôi vừa đọc sách vừa chờ Thái Dung. Đó chẳng phải là một buổi sáng khác biệt gì cho lắm. Tôi chỉ thay đổi vị trí so với những chủ nhật trước đây, vận động nhiều hơn một chút, và đợi người mình thích.

Đợi Thái Dung tan đọc, một đặc quyền, một điều thân mật không phải ai cũng làm được.

Có thể anh sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì biết rằng khi trở về anh sẽ không phải đi một mình.

Thái Dung học trong vòng 2 tiếng và thêm 5 phút giải lao. Đúng 10 giờ, chiếc đồng hồ điện tử đeo tay phát lên tiếng tít tít, tôi rời quán. Thái Dung vẫn chưa tan học, tôi dựng xe cạnh cây bằng lăng khô khốc đợi anh, đeo tai nghe vào nghe nhạc giết thời gian.

10 giờ 20 lớp tan.

Mới nhìn thấy tôi, Thái Dung đã nhanh chóng đi tới, gương mặt háo hức như đang muốn kể rất nhiều thứ cho tôi nghe.

Tôi đèo anh về. Trên đường, Thái Dung bắt đầu liến thoắng không ngừng về lớp học vẽ, thầy giáo, các bạn cùng lớp. Anh bảo hầu hết mọi người trong lớp đều đã theo học từ lâu nên ban đầu anh khá lo lắng. Thầy hỏi anh đã đi học vẽ ở đâu bao giờ chưa, anh chỉ biết thành thật bảo chưa, mọi người trong lớp đều ngạc nhiên nhìn anh. Thầy giáo thậm chí còn tập trung hơn cả học sinh, thầy suýt nữa còn quên mất 5 phút nghỉ giữa buổi. Bài hôm nay là vẽ tượng, Thái Dung đã thực sự vẽ. Đây là lần đầu tiên anh vẽ một bài nghiêm túc đến như thế. Mặc dù khi bày thành phẩm lên, anh có thể nhận thấy tranh của mình không đẹp như các bạn khác, ấy thế nhưng thầy vẫn khen anh rất nhiều. Thầy bảo điểm khởi đầu của anh như vậy là khá vững chắc, tuy nhiên thời gian không còn quá nhiều, anh phải nỗ lực thực sự.

Thái Dung nói gần như không ngắt quãng, kể xong chuyện của mình, anh hỏi tôi đã làm gì sáng nay.

"Em ngồi đọc sách trong quán cà phê".

"Sách gì thế?"

"Chuỗi án mạng A.B.C"

"Em đọc xong sách chưa?"

"Còn đoạn kết nữa thôi là xong. Về em đọc nốt"

"Chờ anh có buồn không?"

Chờ anh có buồn không? Tôi không biết, tôi gần như chẳng cần gì khác, tôi chỉ cần anh vui, chỉ cần anh cười, chỉ cần anh đỡ khổ, đỡ cô đơn. Mặc dù tôi cũng chẳng rõ vai trò của mình có thực sự giúp được anh chút nào hay không.

"Không buồn. Em có chờ anh đâu, em ngồi đọc sách mà".

Thái Dung im lặng vài giây, như thể đang ngẫm nghĩ gì đó. Bất chợt, anh vòng tay qua ôm tôi, đầu chạm nhẹ vào lưng tôi.

"Anh..." Tôi nhìn hai bàn tay anh đan chặt trước bụng mình, không nói nên lời.

"Trịnh Tại Hiền"

"Sao?"

"Như thế này người phía sau dễ đạp cùng hơn mà, phải không?"

Tôi giật mình, đó cũng chính xác là những điều tôi từng nghĩ khi ngồi phía sau anh, chân vươn lên bàn đạp mà tay ngập ngừng không dám làm tới.

Đó là một cái cớ. Một cái cớ thuyết phục, để được ôm anh.

"Trịnh Tại Hiền"

"Sao nữa?"

"Em ấm quá"

Tôi không biết trả lời anh thế nào, đành im lặng. Đây là một cái ôm, phải không? Liệu điều anh nói là thật, hay đó cũng là một cái cớ y hệt như tôi từng toan tính?

Tôi nhớ lại lần gặp anh ở cổng trường ngày mùa thu nọ, bất chợt nhận ra hai chúng tôi đã rời xa hẳn ngày ấy.

"Thái Dung. Từ hôm gặp anh ở cổng trường, em không thấy anh hút thuốc nữa"

"Vì sau hôm đó anh không hút nữa"

"Gì vậy? Anh ngừng hẳn à?"

"Trước đó anh chưa từng hút"

Lại một lần nữa anh làm tôi bất ngờ.

"Em sốc đấy"

"Đó là một tai nạn"

"Tai nạn gì cơ?"

"Ai mà ngờ được lại bị em bắt gặp"

"Trông anh sành sỏi thế mà?"

"Em thấy vậy sao? Anh giả vờ đấy"

"Vậy đó là lần đầu tiên?"

"Ừm."

"Tinh quái"

"Vì em ngốc thôi"

"Chắc vậy thật ha"

Anh cười khúc khích sau lưng tôi. Tôi nghiêng đầu ngó anh, chỉ thấy một mái tóc đang tựa vào lưng áo của mình.

Thật kỳ lạ, lần anh hút thuốc và tình cờ bị tôi bắt gặp, đó là điếu thuốc đầu tiên trong đời anh. Tôi đã bị anh thu hút bằng cách nào vậy? Bằng điếu thuốc lá rẻ tiền và cử chỉ lừa lọc thành công trót lọt? Lúc đó tôi tự hỏi, a, thì ra mình có một anh hàng xóm như thế, sao mình chẳng bao giờ để ý? Mà sao tôi phải để ý? Tôi đã bị hấp dẫn, hoàn toàn, không một cơ hội thoát thân.

Và đó chỉ là điếu thuốc đầu tiên trong đời anh.

Tôi tự nhủ mình sẽ còn bước sâu hơn, bước xa hơn vào tâm trí anh, tôi sẽ hỏi anh tất cả những điều mình muốn biết mà không phải e ngại gì hết. Tôi sẽ chiếm một vị trí gần gũi nhất trong tâm hồn anh, để không bao giờ phải dằn vặt vì không hiểu những điều đang ẩn giấu nơi đó.

Vậy thì, chờ anh có buồn không?

Đó chỉ là một nước đi chiến thuật, một bước đệm, một sự tình nguyện nhưng ích kỷ, bởi anh cũng phải ở đó, và chạy về phía tôi. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro