Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 2:

Tôi là một đứa trẻ ngoan. Ngoan tới mức mẹ không cần phải bận tâm về tôi. Không quấy, không khóc, ít cười, hay ngủ. Điều ấy có vẻ tuyệt vời với những ngày vất vả ban đầu tạo dựng cơ nghiệp của mẹ. Mẹ tôi dù là một cô gái học hết lớp 7( khi ấy là hết cấp 2) nhưng luôn tỏ ra mình là một người khôn khéo, biết nắm bắt thời cơ và sẵn sàng theo đuổi những quyết định mạo hiểm. Mẹ kéo bố lao đầu vào các cuộc làm ăn khắp mọi miền đất nước.

Nhưng cái thuở sinh ra tôi, thì theo như mẹ nói, mẹ làm nghề ươm như bao hộ gia đình khác. Làng tôi là làng tơ lụa.

Khi tôi trưởng thành, trong những dịp tụ họp gia đình mẹ thường có thú vui kể về ngày tháng ấu thơ của mỗi đứa như cách để ôn lại tháng năm đã qua. Nhà tôi có ba chị em. Mẹ sinh thằng Út khi tôi đã mười lăm nên kí ức từ thuở sơ khai của nó tôi làm chủ. Còn tôi và đứa em kế được mẹ so sánh như một trời, một vực. Tôi càng là một đứa trẻ dễ tính bao nhiêu thì nó càng cáu bẳn và quấy khóc bấy nhiêu. Nhưng tôi khác thương nó. Tôi thường cõng nó đi những đoạn đường dài nếu nó thích hoặc chính tôi trở thành kẻ trực tiếp đề nghị nó leo lên lưng mình để không làm bẩn đôi dép mẹ mới mua của nó. Tôi cũng để mặc nó nằm trên lưng khi tôi nằm sấp học bài. Ngay cả khi nó tỏ ra không ngoan ngoãn mà nghịch ngợm trong bếp khi tôi đang nấu cơm, tôi vẫn chỉ khóc òa lên và nức nở:

"Em ơi! Em đừng làm thế mà!"

Cậu em tôi nhỏ xíu, có cái đầu bẹp to đùng. Ấy là khi tôi đã có nhận thức.

Còn trước đó, mẹ kể rằng tôi đáng yêu lắm. Mẹ cứ đặt tôi ở góc sân, bẻ cho tôi một ngọn măng non, tôi sẽ nghịch nó hết cả ngày. Thỉnh thoảng mẹ lại bưng cái bát đựng đầy những con nhộng mới trắng phau, béo ngậy đặt bên cạnh tôi. Tôi khá khoái món ấy. Tôi cứ lặng lẽ ăn. No bụng thì lăn ra sân ngủ. Hệ quả là tôi béo mũm mĩm và lười. Đến năm gần 3 tuổi tôi vẫn chỉ bò. Khi nào mẹ thật sự nghiêm khắc tôi mới đi. Ấy là những gì mẹ kể.

Kí ức xa xăm nhất của tôi là những buổi sớm tỉnh dậy trên một chiếc giường gỗ xoan khẳng khiu trong một ngôi nhà hai gian không có gì giá trị. Tất cả mọi đồ vật đều bàng bạc và ẩm úa. Chiếc bàn gỗ với bốn chiếc ghế nhỏ li ti đặt ngay đối diện cửa ra vào duy nhất. Tiếp đó là cái thùng hình chữ nhật nhưng có bốn chân cao hẳn lên, được ghép bằng những mảnh gỗ dài cũng có màu như chiếc giường nên tôi nghĩ nó cũng là gỗ xoan để đựng thóc. Mãi sau này, khi lũ đến, nước tràn vào nhà, tôi mới biết tác dụng của bốn cái chân.

Phía bên trên nó là chiếc bàn thờ, cũng loại gỗ ấy, được cố định vào tường. Cửa khóa ngoài. Chìa khóa được mẹ ném qua cửa sổ. Ở ngay dưới chân tôi.

Tôi không biết buổi đầu tiên tôi đã trải qua cảm giác bị nhốt như thế nào nhưng kí ức của tôi chấp nhận điều ấy như một thói quen. Nỗi buồn bắt đầu đến với tôi từ đó.

Tôi đẩy cửa sổ, bám tay vào những thanh gỗ, trèo lên bậu, có khi đứng, có khi ngồi thò hai chân ra ngoài nhìn lũ trẻ nhà đối diện chơi đùa. Nhà ấy nhiều con lắm, toàn con gái. Chúng tíu tít trò chuyện với nhau. Tôi muốn được như chúng. Dường như đôi mắt của tôi không im lặng như cái miệng của tôi. Thỉnh thoảng, một vài đứa chạy lại chỗ tôi, cũng đu người lên cửa nói chuyện với tôi vài câu rồi lại tụt xuống. Hẳn, nói chuyện với tôi không thích đâu, vì tôi ít nói và kiêu kì. Họ nghĩ thế. Tôi thì không nghĩ mình kiêu kì. Tôi nghĩ mình quá nhút nhát thì đúng hơn. Rồi cũng thỉnh thoảng, vào lúc chập choạng tối, người đàn ông độc thân có ánh mắt hiền hiền tên Công mà theo quan hệ họ hàng tôi chỉ gọi bằng anh đi ngang qua cửa sổ, cười với tôi, vứt cho tôi vài cái kẹo. Hình như những người cô đơn luôn dễ dàng rủ lòng thương với nhau.

Khung cửa sổ vuông vức là khung trời thứ nhất của đôi mắt tôi. Trong tầm nhìn của khung cửa thứ nhất dạo ấy còn có cả cái nghĩa địa to đùng, nhấp nhô những bia mộ của cả bên đạo lẫn bên lương. Có những đêm trăng đội nghĩa địa đi lên, đội cả nấm mồ, cây thập tự in hằn trên bóng trăng đỏ lòm- khi ấy, trí óc tôi bắt đầu công việc của nó- tưởng tượng. Tôi ngồi thu lại một góc, dựa lưng vào tường, mắt đảo liên hồi. Tôi sợ con ma từ nấm mồ sẽ chui lên. Tấm rèm tím, ngăn buồng với nhà ngoài lại được gió thổi bay phần phật càng khiến tôi sợ hãi. Căn buồng ấy luôn tối om và đầy những chum vại. Ngay cả khi bố mẹ ở nhà, tôi cũng sợ phải một mình vào đó.

Không biết tôi đã khóc bao nhiêu đêm, gào lên bao nhiêu lần khi gió thổi cánh cửa sổ đánh rầm vào nhau. Thần kinh của tôi luôn có cơ hội được thử thách. Những năm tháng đầu đời của tôi trôi qua nhạt nhòa nhưng tính ám ảnh thì dường như không nhạt như thế.

Sau này, nếu có cơ hội được bắt đầu lại cuộc đời, tôi sẽ không chọn cách là một đứa trẻ ngoan. Bởi khi tôi là đứa trẻ ngoan thì đồng nghĩa với việc tự tôi tước bỏ đi những đặc quyền của một đứa trẻ bình thường: quyền được chú ý. Tôi sẽ gào rú, sẽ khóc ầm lên nếu như...tôi lại là một đứa trẻ.

Bố mẹ tôi luôn trở về muộn. Thường thì lúc ấy tôi đã ngủ gục trên giường sau khi thấm mệt vì khóc, vì sợ hãi. Họ dựng tôi dậy, tắm rửa cho tôi trong một chiếc chậu nhôm to giữa sân. Rồi đặt tôi giữa chiếu. Nhà tôi ăn cơm tối. Nhưng tôi thề ngày hôm sau tôi chẳng có chút kí ức gì về khoảng thời gian tụ họp ấy. Tôi cứ sống như thế cho tới khi tôi 5 tuổi. Khi tôi kể câu chuyện này, một vài người bạn thân thiết thường ngạc nhiên hỏi tại sao tôi có thể nhớ chi tiết những sự việc khi tôi còn rất nhỏ. Và tôi cũng thường đáp lại sự ngạc nhiên ấy bằng một sự ngạc nhiên tương tự. Tôi nghĩ rằng đó là điều bình thường. Tôi còn nhớ được nhiều hơn thế, xa hơn thế.

Tôi đến tuổi đi học. Bố đưa tôi tới trường. Trường là một ngôi nhà rộng, có khoảng sân lát gạch đỏ lớn vô cùng, tường quét vôi trắng toát và không có bóng cây. Nó thật sự rất thô và luôn tạo cảm giác bức bối. Thỉnh thoảng, trong những lần về thăm quê nội, tôi vẫn nhón chân ngó nghiêng qua bức tường hoa cũ mèn nhìn vào không gian cũ. Cô giáo đầu tiên trong cuộc đời tôi tên Hồng- một người phụ nữ trung niên có gương mặt tròn, mái tóc lác đác những sợi bạc, chiều cao khiêm tốn. Tôi rất yêu cô. Cô rất dịu dàng. Tôi đã nghĩ cô hẳn là một người phụ nữ dịu dàng nhất trên thế gian này. Tôi cũng cảm nhận được cô rất yêu tôi. Cô thường kéo tôi vào lòng, đưa tôi về nhà và thỉnh thoảng cho tôi cắn miếng đầu tiên trong chiếc bánh nếp cô mua để làm hồ dán. Nó sẽ là phần thơm mát mùi đỗ xanh quyện cùng những sợi dừa tươi. Tôi chẳng bao giờ được ăn những món ấy ở nhà. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ hương vị ấy, vẫn nhớ người cô ấy, vẫn nhớ gương mặt tôi cho là xinh đẹp hết cỡ của những cậu bé, cô bé nhà giàu ấy, nhỡ chiếc phiếu bé ngoan hình bông hoa tám cánh có mặt cười ở ngay chính giữa. Nó là hoa gì vậy? Giờ, ngôi trường là một tòa nhà bỏ hoang, rêu phủ đầy, vẫn không có cây. Nhưng tôi thấy nó đẹp hơn hồi tôi đi học ở đó.

Nhà tôi nằm ở một dong ngõ nhỏ quay lưng vào mặt đường. Thật lạ lùng! Ngày xưa người ta không thích mặt đường đâu. Giờ tôi cũng chẳng thích. Nếu để sống thì tôi cũng muốn quay lưng với guồng khung cửi dệt tấm thảm xấu xí có tên là cuộc sống với vô vàn con thoi là thứ hai chân, hai tay, hai mắt, đứng thẳng, lao tới, lao lui.

Phía trước khoảng sân và khu vườn là chiếc ao tù nhỏ. Nước lúc nào cũng xanh lét và bốc mùi. Mẹ tôi đổ mọi thứ tạp nham xuống đấy. Bà trồng mía ngay ở khoảng đất trung gian giữa sân và chiếc ao ấy. Những cây mía trắng to đùng, cao ngất ngưởng, càng cao càng cong queo lượn sóng. Buổi sáng, mẹ tôi lựa những cây ngon mắt, dáng thẳng, mập ú chặt xuống, bó thành một bó, vắt dọc lên khung xe rồi dắt đi. Chẳng biết mẹ đi chợ ở đâu. Chắc là xa lắm. Nghe nói ở tận bên kia con sông. Tôi lẽo đẽo đi sau mẹ tới trường, tay cầu khẩu khẩu mía dài. Mẹ bảo tới trường đưa cô tước cho. Tôi gật đâu, lụt cụt đi vào lớp, má và tay dính đầy phấn mía. Giờ viết lại, thấy thương mẹ tôi biết nhường nào. Cả đời lam lũ, chân đi mòn những con đường, mồ hôi đẫm cỏ.

Dường như ngoài những nhân vật có tính hư cấu như ma, ngáo ộp, ba bị, mẹ mìn...mỗi đứa trẻ đều có nỗi sợ mà vật thể tồn tại thực tế. Tôi thì sợ trâu, sợ hệt việc tôi sợ những con ma ngoi lên ở nấm mồ mà trước đó tôi thường hay tưởng tượng. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ, giá mà ngày ấy, con trâu đó không đứng đấy, có lẽ yêu thương của cô Hồng sẽ khiến tôi tự tin sống hơn, bởi bên cạnh tình cảm giấu kín của bố mẹ dành cho đứa con ngoan- thứ tình cảm tôi không thể nào nhận ra khi tôi chưa đủ chín chắn thì những cái ôm, những chiếc hôn nhẹ nhàng lên má và những lời khen ngợi ngọt ngào cô dành cho đứa trẻ tầm thường như tôi đã khiến ý thức về bản thân tôi thay đổi đến nhường nào. Nhưng nếu là thế thì hẳn chẳng có tôi cô đơn của ngày hôm nay.

Chiều hôm ấy, nắng đã ngả màu úa, tan học, cô không thể đưa tôi về vì còn rất nhiều bạn nhỏ hơn tôi mà bố mẹ chưa tới đón. Cô dắt tay tôi ra cổng và nói: "Vân! Con đừng sợ". Lời khuyến khích của cô không làm tôi bớt sợ nhưng nó khiến tôi nhấc chân. Tôi vừa bước, vừa ngoái lại nhìn cô cùng lũ trẻ. Nỗi sợ dù đã được chuẩn bị vẫn không thể kém sợ đi. Lòng dũng cảm và bao những lời tự động viên mình mềm nhũn hết khi tôi tiến gần con trâu. Tôi chết điếng và rơi xuống dòng sông khi lao lên chiếc cầu đá. Lúc ấy, tôi nhìn thấy một cuộc sống mới, lộn ngược, thanh bình hơn, yên ắng hơn. Nhưng tôi đã được cứu sống. Đó là lần chết hụt đầu tiên trong đời của tôi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy cô Hồng. Không hiểu sao, trong thâm tâm tôi luôn tự nhủ rằng cô cảm thấy buồn, rất dằn vặt khi xảy ra cơ sự ngày hôm ấy vì trước lúc cất bước tôi đã ngước nhìn cô bằng ánh mắt cầu xin ngập ngụa nỗi sợ hãi. Nhưng mà, chắc không phải vậy đâu nhỉ? Trẻ con mới thường hay nghĩ thế.

Sau đó, tôi ốm một thời gian dài và luôn cần có người ở bên cạnh để chăm sóc. Ốm thì sướng các bạn ạ. Lúc nào bà nội vẫn ngồi cạnh tôi, cứ không ngừng hỏi han xem tôi muốn ăn kẹo, muốn uống nước cam không vì hàng xóm cho nhiều lắm. Đầy trên mặt hòm. Toàn những chiếc kẹo sữa dừa bọc giấy xanh xanh. Kí ức tôi ghi nhớ hai loại kẹo, loại đó và loại kẹo viên cứng có nhân là mật bên trong, bởi bao bọc lởi lớp ni lông có hình quả dứa. Tôi thích ăn loại sữa dừa hơn. Sau này, vào những buổi sáng lười biếng tôi luôn tỉnh dậy với ước ao được ốm.

Khi sức khỏe tôi chưa ổn định, bố mẹ lại quyết định theo những chuyến xe lên tận biên giới phía Bắc để nhập hoa quả Trung Quốc về xuôi. Ngày ấy ở quê tôi, người ta lũ lượt kéo nhau lên Cao Bằng, Lạng Sơn vì sự trù phú của những cơ hội kiếm tiền. Từ những cô gái, những anh chàng mười tám đôi mươi tới những cụ bà tóc đã bạc trắng. Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà mảnh đất ấy mang lại, nhưng món quà tặng kèm theo nó quá đắt giá. Một thời gian sau, cánh trai tráng làng tôi đều mang thân hình còm dơ xương về nhà. Tài sản kiếm được bao nhiêu rồi cũng tẩu tán theo nàng tiên nâu. Đến tận bây giờ, ở quê tôi những ngôi nhà lạnh ngắt vì thiếu bóng dáng người chồng, người cha vẫn đìu hiu tồn tại.

Tôi được gửi xuống ngoại. Ngoại tôi giàu lắm! Tất cả những đồ đạc trong nhà ngoại bấy giờ đều như một thế giới khác với tôi, những bữa cơm của ngoại thì luôn là những bữa cỗ. Nhưng tôi là một đứa trẻ biết điều, dù cảm thấy ngon thế nào tôi cũng không bao giờ ăn quá nhiều thức ăn. Bình thường với miếng đậu phụ to bằng hai ngón tay tôi ăn hết hai bát cơm đầy. Ý thức về sự phụ thuộc đến với tôi rất sớm. Tôi đã cố gắng là một đứa trẻ ngoan, cố gắng hết sức để không bị mắng mỏ và không làm ông bà cảm thấy phiền toái.

Tôi biết ông bà không thương tôi. Nhưng tôi chưa từng hậm hực về điều ấy. Tôi nghĩ nó như một lẽ đương nhiên. Tôi không phải là một đứa trẻ dễ thương.

Ở cùng với ngoại là một người chị hơn tôi ba tuổi- con gái người anh đã mất của mẹ tôi. Chị xinh lắm! Xinh như một nàng công chúa. Quần áo, những chiếc dây buộc tóc, những chiếc vòng lấp lánh của chị đều là mơ ước của tôi. Ngoại cưng chị như vàng. Chị được ngủ cùng ngoại, mỗi sáng được ngoại bê thau nước ấm vào tận giường để rửa mặt, được ngoại ép ăn những miếng ngon. Quần áo chị chất đầy cái tủ to đùng. Còn tôi, có hai chiếc quần được may từ chiếc quần cũ của mẹ. Nó màu xanh rêu, có những đường kẻ sọc nhỏ, mảnh màu đen rất đẹp. Tôi luôn kiêu hãnh khi mặc chiếc quần ấy. Phần vì nơi tôi ở nghèo nàn. Phần vì nó đẹp thật mà.

Ngày ngày đối diện với những yêu thương chị nhận được tôi nghĩ việc tôi cần làm cũng là yêu thương chị. Chị ấy sinh ra đã được chỉ định nhận được yêu thương từ những người xung quanh. Thế nên tôi không hề cảm thấy ghen tị hay tủi thân. Ngay cả khi chị thì thầm vào tai tôi rằng: "Ngoại bảo không biết mày giống ở đâu mà bẩn và xấu thế" tôi vẫn âm thầm chấp nhận nó như là một chân lí. Chắc chắn tôi là giống của bố tôi. Nhưng tôi nhớ, nhiều năm sau tôi vẫn nhớ câu nói ấy. Tôi vẫn nghĩ mình là một đứa con gái xấu xí, bẩn thỉu cho tới năm tôi ngoài hai mươi. Chính câu nói ấy triệt tiêu khả năng giao tiếp xã hội của tôi- một đứa con gái xấu xí.

Xin nhắc lại dù tình yêu của ngoại phân bố không đồng đều giữa những đứa cháu nhưng trách nhiệm với ruột thịt đều được người quan tâm. Tôi còn nhớ như in cảm giác trên lưng bà ra trạm xá, bà an ủi tôi rằng: "tiêm không đau đâu, chỉ như con kiến cắn thôi". Và quả nó không đau thật. Nhưng tôi vẫn sợ.

Một thời gian sau, tôi lại trở về ngôi nhà cũ. Dường như việc móc nối đã ổn định, dù bận rộn nhưng bố mẹ luôn có ít nhất một người ở nhà để giao hàng. Đợt đó nhà tôi nhập mơ mận là chủ yếu. Tôi vẫn thường bốc trộm của bố mẹ để chia cho những đứa trẻ trong làng với mong muốn chúng sẽ yêu thương tôi. Và quả thật, chúng đã coi tôi như người bạn thân thiết. Tôi đã có những buổi rồng rắn đi chơi khắp các dong ngõ hay tham gia vào trò chôn những viên đá vàng óng ánh xuống dưới đất để mỗi ngày đào lên xem nó đã biến thành tờ mười ngàn đồng đỏ chói chưa. Rồi giật hoa mìn trầu mà thuở ấy gọi là cỏ quân, gập đoạn giữa thân, cho vào miệng nhai, nhổ ra thứ nước bọt xanh lè. Tiếp theo là tẽ đôi phần đã dập, luồn qua vài vòng là thành những cây quân. Mỗi đứa có cả nắm to để chơi trò kéo quân. Cây cuối cùng chưa đứt thuộc về đứa nào thì đứa ấy thắng. Chẹp! Trò chơi ấy không hề có tính công bằng hay rất ít kĩ năng.

Tôi tiếp tục đi học ở một ngôi trường khác, gần nhà, không có cầu và cũng không hề có những đứa trẻ con nhà giàu. Nếu có thì chính là tôi. Cô giáo tên Minh, khá trẻ, chưa chồng và là anh em nhà tôi. Tôi ghét cô. Gương mặt cô không thân thiện, luôn dữ dằn, độc ác hệt như mụ phù thủy. Cô ta cứ kể đi kể lại câu chuyện Hai cây khế mỗi ngày khiến tôi chả buồn nghe. Tôi đâu phải đứa đần. Trong lúc cô ấy trưng diện cái vốn liếng còm cõi trong nghề giáo, tôi cứ loay hoay với việc tết ba sợi dây và lôi kéo thêm con bé bên cạnh vào trò chơi ấy. Hậu quả là cô túm tay cả hai đứa lôi xềnh xệch ra ngoài. Tôi lập tức bỏ về nhà. Tôi chả sợ.

Khi tôi vào lớp một, tôi không còn sợ trâu nữa, con đường ngày xưa, cây cầu ấy, dòng sông kia không còn ám ảnh tôi nữa. Nhưng tôi lại sợ bạn bè, sợ thầy cô. Họ quá đỗi xa lạ với tôi. Quần áo họ đẹp lắm! Tôi tự ti vô cùng.

Khoảng chừng giữa năm lớp một, tôi phải trải qua một thời gian khó khăn vì đi học muộn. Hôm ấy, khi đi đến cổng, tôi nghe cô Hiệu trưởng quát người đàn bà đưa con đến trường không đúng giờ. Tôi sợ quá cứ đứng nép vào tường hoa, không dám vào. Những ngày hôm sau, dù đến trường đúng giờ, tôi cũng không dám vào lớp vì không biết giải thích thế nào với cô chủ nhiệm. Tôi luẩn quẩn bên cái đình dưới gôc đa to ụ, bên cạnh một bà cụ có gánh hàng quà vặt nhỏ xíu, nhỏ lắm mà chẳng nhỏ tẹo nào đối với tôi dạo ấy. Nó là cái gánh quẩy bao ước mơ sở hữu của tôi.

Cây đa. Bạn có biết cây đa không? Bạn đã từng nếm thử vị chua của những chiếc vỏ úp vào búp lá. Chúng ngon thật mà. Vậy là vì cúp học nên tôi có cơ hội đưa tay đón món quà tươi nguyên của thiên nhiên được gió đẩy nhẹ nằm yên trong lòng tay. Tình trạng tuyệt vọng của tôi cứ kéo dài như thế khoảng chừng một tuần thì mẹ phát hiện ra. Tôi no đòn nhưng mẹ thì vẫn không hiểu tại sao.

Tôi mất một khoảng thời gian để phân vân rằng có nên chơi với con Huyền- đứa bạn đã xui mẹ là rôi không vào lớp. Và vẫn chơi sau mấy ngày giận. Nhà tôi vẫn trồng mía, thỉnh thoảng mẹ vẫn chất lên xe chậm rãi dắt đi. Nhưng nó không còn là thứ duy nhất gia đình tôi trông mong nên thường thì bao giờ vườn cũng có mía và luôn có những thằng trộm loắt choắt gặm nhấm từng cây mỗi ngày.

Một hôm, tôi đang nằm trên giường chơi với Mạnh- đứa em trai kế tôi thì bố kéo tai hai thằng nhỏ đen trùi trụi và gầy dơ xương vào nhà. Tôi nhận ra chúng, chúng ở những ngôi nhà cao tầng phía trong làng- những ngôi nhà khá giả. Chúng gầy chắc vì gen nhà chúng gầy chứ không phải vì thiếu ăn đâu. Trong mắt tôi chúng là những anh chàng dễ thương- những anh chàng ăn trộm mía.

Bố tôi là người người gây ảnh hưởng nhiều tới tính cách hài hước của tôi sau này. Tất nhiên là khi tôi đã nhìn nhận được giá trị của bản thân. Người ta cũng thường bảo tôi là đứa duy nhất trong gia đình được thừa hưởng vẻ đẹp từ khuôn mặt bố. Ông hơi lùn, khá đẹp trai, cực hài hước, yêu trẻ con và cũng thích trêu đùa chúng. Tóm được hai chú chuột nhắt, ông lôi vào nhà đóng cửa lại, lấy hai ghế gỗ nhỏ xíu như tôi đã kể với các bạn bên trên, đặt ngay sát hai cánh cửa gỗ, bắt mỗi thằng ngồi một bên, dựa thẳng lưng vào đó. Hai thằng mặc độc cái quần đùi Thái xanh đỏ, mặt tái mét, run lẩy bẩy.

Còn bố tôi, ông cũng ngồi ở một chiếc ghế tương tự nhưng đối diện với chúng. Gương mặt ông giả vờ nghiêm khắc đến tôi và Mạnh phải bụm miệng cười. Nhưng hai bạn kia không nhận thấy điều ấy. Vẫn tiếp tục tái mặt và run vai. Bố tôi không hẳn là một người đàn ông nhân hậu với tất cả mọi người nhưng nếu bạn là một đứa trẻ thì bạn yên tâm rằng ông sẽ không bao giờ làm gì hại đến bạn dù tổn thương bạn gây cho ông có lớn đến thế nào. Nhưng đừng hi vọng lòng tốt của ông khi bạn là một người trưởng thành, thậm chí già cả. Tôi không hiểu những suy nghĩ của bố mình. Đôi khi tôi còn thấy bố quá nhẫn tâm với những người xa lạ như thể ông e sợ những phiền lụy sẽ đên với bản thân ông từ những con người ấy. Tôi nghĩ hẳn không phải không có nguyên do. Bản chất bố tôi rất tốt. Nhưng niềm tin ông dành cho cho con người rất hạn chế. Chắc chắn rằng đã có những kí ức ám ảnh bố. Dù sao đi nữa, bố vẫn luôn là người bố hoàn hảo, là ông chồng tuyệt vời.

Cũng như cách bố tôi giải quyết hai tên trộm nhí ngày ấy rất đáng yêu. Ông ngồi dóc mía cho chúng. Rất tỉ mỉ, ông khoanh tròn từng phần nhỏ để chúng có thể cắn dễ dàng hệt như cách ông làm cho chúng tôi- những đứa con đẻ của ông. Ông bảo rằng chúng cứ ăn đi, bao giờ no thì nói. Nhưng được một lát thì chúng vừa đưa mía vào miệng vừa khóc. Tôi lấy làm lạ nhưng đắc chí lắm, cứ ngồi trên giường, để cằm lên thành giường nhìn chúng tủm tỉm cười. Tôi thấy vui đấy. Tôi nghĩ rằng chúng đã bi bắt. Và tôi chỉ mong chúng sẽ phải ở lại ngôi nhà của tôi. Rồi một trong hai thằng sẽ trở thành chồng của tôi.

Bố tôi ngừng dóc mía và hỏi chúng rất nhẹ nhàng:

"Thế nào! Đã no chưa?"

Hai thằng đồng thanh:

"Dạ! No rồi ạ!"

"Thế thằng nào ăn trộm mía?"- bố tôi tiếp tục nói.

Một trong hai thằng nước mắt đầm đìa chỉ tay vào mặt thằng còn lại. Thằng kia tức quá cũng đâm ra phản ứng gay gắt quay sang tố cáo bạn.

"Thằng này nó rủ cháu trước chú Thành ạ!"

"Thế hả? Thế cháu tát cho thằng nói dối phát."

Ngay lập tức đứa còn lại nhận được cái tát đầy công lực của bạn. Bố lại chuyển qua thằng vừa bị tát nhìn nó trìu mến.

"Nó nói có đúng không?". Thằng bé vừa bị tát nước mắt đầm đìa lại lắc đầu quầy quậy. "Không đúng hả? Vậy cháu tát cho lại nó đi".

Quá trình nhận tội của hai bạn ấy cứ lặp đi lặp lại trong hành động lần lượt tát nhau như thế cho đến khi hai má đỏ ửng thì chúng chỉ còn vuốt nhẹ vào má nhau. Rồi hai bạn cũng đưa ra một quyết định đúng đắn, có tính đoàn kết và giống bạn bè hơn: cả hai cùng nhận tội. Nhưng cái cách nhận tội lại làm cho chúng nhận thêm một sự trừng phạt nữa- chính thức từ bố tôi. Xuất phát từ lời hứa sau khi trở về nhà sẽ mang tiền đền đến cho bố. Bố nói với chúng rằng một đứa trẻ không được phép lấy tiền của gia đình. Và cái bạt tai của ông là thay bố mẹ chúng vì ý định xấu xa của chúng. Rồi ông thả chúng về. Dặn chúng sau này gặp ông nhớ phải chào. Vậy là ước mơ có chồng từ năm 7 tuổi của tôi tan thành mây khói.

Bố tôi là vậy đó. Nghe đồn bố học 4 năm một lớp và học mãi mới xong lớp bốn. Đôi lúc bố cứng nhắc đến khó chịu nhưng cũng có khi tôi thấy bố hành xử như thần thánh. Bao dung đến khó tả. Đặc biệt là trong tình yêu của người dành cho tôi- đứa con gái duy nhất trong gia đình.

Tôi không học giỏi, thậm chí là rất dốt. Hẳn rằng hồi tôi thơ bé, gen của bố trong tôi là những dòng chữ đậm màu. Tôi nhớ, dạo ấy, cứ mỗi lần được điểm 10 tôi sẽ được thưởng một ngàn đồng. Số tiền đủ để mua hai quyển vở mỏng 12 trang. Có thế thôi mà tôi vẫn lấy làm hãnh diện lắm. Cả năm lớp 1 tôi chỉ được vẻn vẹn hai điểm mười.

Trong tất cả các bạn trong lớp, tôi ấn tượng mạnh với bạn lớp trưởng tên Duy, bạn ấy học giỏi và rất dễ thương. Nhưng sau lần tôi nhìn thấy Duy đứng trên chiếc bể khô và tè vào đầu Khánh- một bạn chuyên bị bắt nạt trong lớp thì tôi lại để ý tới bạn bị bắt nạt hơn. Từ đó, tôi không đừng được việc chăm chú ngắm nhìn cậu bạn là trung tâm của những trò chọc ghẹo. Người ta thường nghĩ Khánh hiền, tôi thì không thấy thế, ngược lại tôi thấy cậu ta rất lầm lì và cách cậu ta chấp nhận mọi trò mà lũ trẻ không được dạy bảo gây nên chẳng qua là vì cậu ta không hề quan tâm hoặc tha thứ cho chúng. 

Đến đây, tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện lạ về những linh cảm thưở sơ khai của tôi. Một ngày, khi tôi có thể nói, tôi luôn nằng nặc khẳng định rằng tôi có mặt trong đám cưới của bố mẹ. Tôi mặc một chiếc áo sát nách đỏ, có những chấm đen tròn, vải trơn, cổ rộng, tóc ngắn, co mình ngồi trong tư thế của một hài nhi trên một gốc tre già và nhìn theo họ. Nó không đơn giản là những linh cảm mơ hồ. Thực ra nó giống như một phần kí ức tôi đã trải qua. Nhưng khi những người lớn trong gia đình lần lượt phủ định thì tôi cũng nghĩ nó chắc chắn xuất phát từ một cơn mơ của tôi. Có điều mỗi lần đi qua gốc tre ấy, tôi đều thấy rợn người. Người ta đồn ở đó có ma. Cũng như những câu chuyện ma tương tự ở làng quê nơi những gốc tre, thân tre đổ rạp xuống chắn ngang đường người đi rồi lại từ từ đứng thẳng dậy, những bóng ma áo trắng lởn vởn khi đêm xuống. Thỉnh thoảng tôi lại tưởng tượng con ma tôi bé xíu ấy đang nhìn chằm chặp vào con người tôi.

Tôi không bình thường. Ngay cả khi tôi cố tỏ ra bình thường nhất.

Tôi có một người chị họ tên Phượng. Nhà Phượng giàu lắm, giàu hơn cả ngoại tôi. Bố Phượng sống ở Nga một thời gian dài. Trong thời gian ấy người ta nói ông ấy buôn không hợp pháp nên tích lũy được cơ man số lượng vàng. Nhưng khác với những đứa trẻ con nhà giàu khác, Phượng không được nuông chiều và cũng là đứa trẻ nhạt nhòa nên tự dưng tôi thấy gần gũi và thích chơi với nó. Hồi đó, tức là cái thuở tôi vẫn học lớp một, trong một dịp hiếm hoi, bố đèo tôi, mẹ và thằng thứ hai xuống nhà ngoại chơi bằng chiếc xe đạp nữ hiệu Thống Nhất có khung sơn màu đỏ đã mờ đi một số mảng. Bố lái, tôi ngồi giữa, mẹ ngồi sau ôm thằng em tôi. Thú thực, khi chúng ta lục lại kí ức, có những hình ảnh thuở xưa thật đẹp, thật có sức gợi. Nó khiến ta cảm thấy ta đã từng thật hạnh phúc, thật may mắn, thật ấm áp. Hạnh phúc có khi không phải từ đồng tiền, từ vật chất sung túc mà có khi từ những khoảng khắc được tồn tại bên nhau.

Xe vừa dừng ở sân, tôi nhảy tót đi tìm Phượng.

Khi cây trứng gà nở hoa, gió đưa hương thoang thoảng dễ chịu, những bé gái ở quê có một trò chơi rất vui là nhặt những bông hoa rụng và xuôn chúng thành những chiếc vòng đeo cổ hoặc tay. Hôm ấy, cũng là mùa lê-ki-ma nở hoa. Tôi và Phượng vốn đã có hẹn với gốc cây từ trước. Nhưng ngày hôm ấy, lại có một định mệnh hẹn với tôi- riêng mình tôi.

Tôi nhìn thấy một hình thù lạ lẫm vô cùng. Ban đầu tôi nghĩ đó hẳn là ngáo ộp hay ông ba bồ. Sinh vật ấy cao chừng hơn mét, có dáng dấp giống người, đứng trên hai chân, tay buông thõng, toàn bộ cơ thể là những mảng màu đỏ đen nham nhám. Tôi còn nhớ như in hình ảnh ấy nhưng vì tôi không đủ ngôn ngữ kì bí để miêu tả nên tôi đành xin lỗi các bạn vì sự hạn hẹp của mình. Nhưng một phần tôi nghĩ rằng con người ta khó lòng miêu tả chuẩn những sự việc, hiện tượng mà trí lực không đủ khả năng kết nối những hình ảnh quá mơ hồ. Trong mơ hồ tôi thấy nó đáng sợ.

Tôi cố dứt ra khỏi ánh mắt độc màu đen đang nhìn chằm chằm xói mòn ánh mắt tôi để lôi Phượng vào cuộc chạm chán. Nhưng oái ăm thay, khi mà sinh vật ấy vẫn còn sống động trong mắt tôi thì nó lại vô hình trong mắt Phượng. Chị tôi chẳng nhìn thấy một thứ gì bất thường. Vẻ ngơ ngác trên khuôn mặt Phượng khiến tôi phát hãi, luồng hơi lạnh chạy dọc theo sống lưng. Tôi quay ngoắt đầu, vắt chân lên cổ chạy.

Ma!!!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro